Bị đắng Miệng Là Bệnh Gì? Tại Sao Miệng đắng? - Nha Khoa Paris

Cảm giác đắng miệng thường xuyên khiến người bệnh cảm thấy chán ăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Vậy mồm đắng miệng là bệnh gì? Cách khắc phục như thế nào? Cùng lắng nghe Tiến sĩ, bác sĩ nha khoa Đàm Ngọc Trâm (Giám đốc hệ thống Nha khoa Paris) giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.

  • 1. Mồm đắng miệng là bệnh gì?
    • 1.1. Trào ngược thực quản dạ dày (GERD)
    • 1.2. Nấm miệng
    • 1.3. Suy giảm chức năng gan
    • 1.4. Tổn thương dây thần kinh
    • 1.5. Các bệnh lý về đường hô hấp trên
    • 1.6. Hội chứng miệng bỏng rát (BMS)
  • 2. Nguyên nhân khác gây ra đắng miệng
  • 3. Cách khắc phục đắng miệng tại nhà
  • 4. Khi đắng miệng nên ăn gì?
  • 5. Đắng miệng khi nào nên khám bác sĩ?

1. Mồm đắng miệng là bệnh gì?

Theo Tiến sĩ, bác sĩ nha khoa Đàm Ngọc Trâm, đắng miệng là dấu hiệu của nhiều bệnh như nấm miệng, trào ngược dạ dày thực quản, suy giảm chức năng gan, tổn thương dây thần kinh, các bệnh lý hô hấp, hội chứng miệng bỏng rát.

Một số bệnh lý gây ra triệu chứng đắng miệng khó chịu

Một số bệnh lý gây ra triệu chứng đắng miệng khó chịu

1.1. Trào ngược thực quản dạ dày (GERD)

Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi van dưới thực quản hoạt động không hiệu quả, cho phép axit dạ dày trào ngược lên thực quản và miệng. Khi axit này tiếp xúc với niêm mạc miệng sẽ gây ra cảm giác nóng rát, chua và đắng khó chịu.

Ngoài cảm giác đắng miệng, người bệnh có thể cảm thấy nóng ngực, ợ chua, khó nuốt, ho khan dai dẳng, luôn cảm thấy có vật cản mắc ở họng…

1.2. Nấm miệng

Nấm miệng thường do nấm Candida albicans gây ra, chúng thường sinh sôi và phát triển trong môi trường ẩm ướt như khoang miệng. Nấm miệng gây ra các đốm trắng trên lưỡi, niêm mạc miệng, cổ họng và gây ra cảm giác đắng miệng khó chịu (1).

1.3. Suy giảm chức năng gan

Khi gan bị tổn thương, quá trình sản xuất và bài tiết mật bị ảnh hưởng dẫn đến lượng mật trong ruột thay đổi. Điều này có thể làm thay đổi vị giác, gây ra đắng miệng

Ngoài ra, người bệnh sẽ thấy các biểu hiện khác như vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, bụng to, nước tiểu sẫm màu… (2)

Đắng miệng thường xuyên có thể là cảnh báo của suy giảm chức năng gan

Đắng miệng thường xuyên có thể là cảnh báo của suy giảm chức năng gan

1.4. Tổn thương dây thần kinh

Vị giác của chúng ta được quyết định bởi các dây thần kinh cảm giác đặc biệt, truyền tín hiệu từ lưỡi đến não. Khi các dây thần kinh này bị tổn thương, khả năng nhận biết vị giác của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến các cảm giác bất thường như đắng, mặn hoặc thậm chí là mất vị giác hoàn toàn.

Một số nguyên nhân dẫn đến tổn thương dây thần kinh vị giác như chấn thương, phẫu thuật, mắc bệnh lý zona thần kinh…

1.5. Các bệnh lý về đường hô hấp trên

Khi mắc các bệnh về đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm xoang, polyp mũi, viêm họng, viêm amidan… thường đi kèm với việc sản xuất nhiều dịch nhầy. Các chất dịch có thể chảy xuống họng, mang theo các chất kích thích và vi khuẩn làm kích ứng các thụ thể vị giác ở lưỡi và tạo ra cảm giác đắng miệng (3).

1.6. Hội chứng miệng bỏng rát (BMS)

Cảm giác bỏng rát gần giống khi ăn phải đồ cay nóng kèm theo đắng miệng và mùi hôi khó chịu. Tình trạng này thường tập trung ở lưỡi, vòm miệng, môi. Cảm giác này có thể kéo dài hàng tháng đến hàng năm, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Một số nguyên nhân có thể gây ra hội chứng này như rối loạn thần kinh, rối loạn nội tiết, căng thẳng, lo âu, trầm cảm, viêm nướu, nấm miệng…

Cảm giác bỏng rát như ăn đồ cay có thể gây ra cảm giác đắng miệng

Cảm giác bỏng rát như ăn đồ cay có thể gây ra cảm giác đắng miệng

2. Nguyên nhân khác gây ra đắng miệng

Ngoài những bệnh lý trên, có một số nguyên nhân khác cũng gây ra tình trạng đắng miệng bao gồm:

  • Vệ sinh răng miệng kém, vi khuẩn tích tụ trong mảng bám gây ra đắng miệng và mùi hôi khó chịu.
  • Khô miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi gây ra đắng miệng. 
  • Thay đổi hormone do mang thai, mãn kinh gây ra tình trạng khô miệng dẫn đến cảm giác đắng miệng, ăn không ngon.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như kháng sinh, vitamin có chứa đồng, sắt, kẽm, thuốc tim mạch, thuốc lithium.
  • Điều trị xạ trị và hoá trị có thể làm tổn thương các tế bào ở miệng, gây ra khô miệng và thay đổi vị giác.
  • Thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá khiến các chất kích thích gây khô miệng và đắng miệng.
  • Căng thẳng kéo dài làm giảm lượng nước bọt tiết ra và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa gây ra các vấn đề về miệng.
Ngoài bệnh lý, có một số nguyên nhân khác gây ra tình trạng đắng miệng

Ngoài bệnh lý, có một số nguyên nhân khác gây ra tình trạng đắng miệng

3. Cách khắc phục đắng miệng tại nhà

Dưới đây là một số cách trị đắng miệng dưới đơn giản, hiệu quả và có thể thực hiện tại nhà:

  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên: Đánh răng kỹ ít nhất 2 lần/ngày. Súc miệng với các sản phẩm không chứa cồn hoặc nước muối sinh lý sau khi đánh răng. Dùng chỉ nha khoa sau khi ăn uống để làm sạch từng kẽ răng
  • Uống nhiều nước: Uống mỗi ngày 2 lít nước để giữ cho cơ thể và khoang miệng đủ nước, giảm tình trạng khô miệng
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều trái cây, rau xanh, hạn chế thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ. Không ăn các đồ ăn quá cay, quá nóng hay thực phẩm nhiều dầu mỡ bởi sẽ tăng hoạt động trào ngược dạ dày, dịch mật gây đắng miệng
  • Tránh sử dụng chất kích thích: Không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê, đồ uống có gas,…
  • Giảm căng thẳng, lo âu: Chăm chỉ tập thể dục, yoga, thiền,…
  • Sử dụng các sản phẩm hỗ trợ: Xịt thơm miệng, kẹo ngậm, nước súc miệng có vị bạc hà,…
  • Sử dụng thuốc đúng cách: Không tự ý mua các loại thuốc để điều trị bệnh lý, nên đọc kỹ tác dụng phụ hoặc chống chỉ định với các người dị ứng với thành phần của thuốc
  • Lấy cao răng định kỳ: Đến nha khoa để lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần.
  • Nhai kẹo cao su: Ưu tiên dùng các loại kẹo cao su không đường, hương trái cây để kích thích tăng tiết nước bọt trong miệng, loại bỏ cảm giác đắng miệng.
  • Chia nhỏ bữa ăn: Giúp giảm áp lực lên dạ dày, hạn chế trào ngược axit thực quản, ngăn ngừa cảm giác đắng miệng.
  • Hạn chế thức ăn dầu mỡ, cay nóng: Giúp giảm tăng tiết axit gây trào ngược dạ dày, cân bằng pH trong miệng, hạn chế vi khuẩn sinh sôi gây đắng miệng.
Gợi ý một số giải pháp khắc phục đắng miệng tại nhà

Gợi ý một số giải pháp khắc phục đắng miệng tại nhà

4. Khi đắng miệng nên ăn gì?

Bác sĩ nha khoa Đàm Ngọc Trâm khuyên người bệnh khi có cảm giác đắng miệng nên ăn cháo, ô mai, xí muội hoặc trái cây giàu vitamin C sẽ giúp giảm vị đắng hiệu quả.

  • Cháo: Cháo dễ tiêu hoá, giảm áp lực cho dạ dày, ngăn ngừa tình trạng trào ngược dạ dày thực quản gây đắng miệng hiệu quả. Lưu ý khi nấu cháo bổ sung thêm thịt, hải sản hoặc rau xanh để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể.
  • Ô mai, xí muội: Vị chua của ô mai, xí muội giúp kích thích tuyến nước bọt hoạt động, làm sạch khoang miệng và giảm cảm giác đắng (4).
  • Trái cây giàu vitamin C: Vị chua của các loại trái cây như cam, quýt, bưởi giúp kích thích tuyến nước bọt hoạt động, giảm cảm giác đắng miệng. Đồng thời những trái cây này cung cấp vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể.
Khi đắng miệng có thể ăn ô mai, trái cây giàu vitamin C hoặc cháo

Khi đắng miệng có thể ăn ô mai, trái cây giàu vitamin C hoặc cháo

5. Đắng miệng khi nào nên khám bác sĩ?

Khi có các biểu hiện dưới đây, cần đi khám bác sĩ để điều trị sớm nhất, tránh để lại các bệnh lý nguy hiểm:

  • Đắng miệng kéo dài trên 2 tuần, không có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Đắng miệng kèm theo các triệu chứng khác bao gồm đau bụng, buồn nôn, ợ chua, sụt cân, vàng da, sốt, khó nuốt…
  • Chán ăn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Đắng miệng kéo dài kèm theo vàng da, nôn, sụt cân nên đi khám bác sĩ ngay

Đắng miệng kéo dài kèm theo vàng da, nôn, sụt cân nên đi khám bác sĩ ngay

Bài viết trên đã giải đáp thắc mắc mồm đắng miệng là bệnh gì và gợi ý một số giải pháp khắc phục hiệu quả. Tuy nhiên, đắng miệng kéo dài có thể là dấu hiệu bệnh lý. Vì vậy, hãy gặp bác sĩ để được tư vấn hướng điều trị dứt điểm. Hãy để lại bình luận phía dưới nếu có bất kỳ thắc mắc gì để được Nha khoa Paris giải đáp sớm nhất.

Từ khóa » Hiện Tượng đắng Cổ Họng