Bị Dị ứng Mạt Bụi Nhà: Nguyên Nhân, Cách điều Trị Và Phòng Ngừa ...

Mạt bụi là một loài bọ cực nhỏ thuộc họ nhện, sống trong bụi nhà và có thể tồn tại ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, con mạt nhà phát triển mạnh nhất trong môi trường nóng ẩm. Việc tiếp xúc lâu dài với con mạt bụi không chỉ gây dị ứng mà còn có thể dẫn đến viêm xoang và hen suyễn. Vì vậy, người bị dị ứng mạt bụi cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân để áp dụng kịp thời các biện pháp điều trị phù hợp.

Những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ cho bạn biết những nguyên nhân và cách điều trị khi bị dị ứng mạt bụi.

Triệu chứng khi bị dị ứng mạt bụi

Các triệu chứng của dị ứng mạt bụi hay dị ứng mạt nhà có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng, bao gồm:

  • Chảy nước mũi hoặc ngứa mũi
  • Chảy dịch mũi sau
  • Ngứa da
  • Nghẹt mũi
  • Áp lực lên xoang mũi (có thể gây đau mặt)
  • Ngứa, chảy nước mắt hoặc đỏ mắt
  • Đau họng
  • Ho
  • Sưng và có quầng thâm ở mắt
  • Khó ngủ

Bạn có thể gặp phải các triệu chứng khác nếu bạn bị dị ứng mạt bụi khi đang mắc hen suyễn. Các triệu chứng dị ứng mạt bụi nhà này bao gồm:

  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Khò khè, ho hoặc hụt hơi
  • Nói khó
  • Cơn hen nặng

Bạn có thể xem thêm:

Nhận biết các dấu hiệu bị dị ứng da mặt và cách chăm sóc, điều trị đúng

Dị ứng mạt bụi nhà: Nguyên nhân do đâu?

dị ứng mạt bụi nhà

Dị ứng là phản ứng của hệ thống miễn dịch với một chất bất kỳ và thường không gây hại cho cơ thể. Những chất này được gọi là chất gây dị ứng. Chúng có thể bao gồm một số loại thực phẩm, phấn hoa, mạt bụi, các hóa chất, hóa mỹ phẩm… Bị dị ứng mạt bụi xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với con mạt bụi nhà. Nhiều người cho rằng đây là trường hợp da bị dị ứng với bụi hay ngắn gọn là dị ứng bụi. Tuy nhiên, thủ phạm gây ra vấn đề dị ứng bụi này lại chính là những con mạt nhà. Vậy, con mạt là con gì và mạt bụi nhà là gì?

Mạt bụi là những con bọ nhỏ, thường sống trong bụi nhà. Con mạt bụi rất dễ phát triển dù bạn vẫn thường xuyên dọn dẹp nhà cửa. Trên thực tế, phòng ngủ thường là nơi lý tưởng cho mạt bụi. Giường, thảm, đệm đều giữ độ ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho những con mạt nhà này sinh sản.

Các triệu chứng dị ứng mạt bụi nhà có thể gia tăng theo thời gian khi bạn tiếp tục hít phải các hạt bụi bẩn chứa mạt nhà. Bạn có thể dễ dàng hắt hơi khi tiếp xúc với mạt bụi, nhưng chỉ một số người có phản ứng miễn dịch mới tạo thành dị ứng mạt bụi.

Người bị dị ứng mạt bụi có thể gặp các biến chứng nào? 

Nếu bạn bị dị ứng mạt bụi hay dị ứng mạt nhà, việc tiếp xúc với mạt bụi hay phân của con mạt nhà trong thời gian dài có thể gây ra các biến chứng, điển hình như:

  • Viêm xoang: Tình trạng viêm mạn tính do dị ứng mạt nhà có thể gây tắc nghẽn các xoang làm tăng nguy cơ nhiễm trùng xoang (viêm xoang).
  • Bệnh hen suyễn: Những người bị hen suyễn và dị ứng với mạt bụi thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát các triệu chứng hen suyễn. Điều này làm tăng nguy cơ lên ​​cơn hen suyễn nghiêm trọng cần được điều trị y tế ngay lập tức hoặc chăm sóc khẩn cấp.

Chẩn đoán dị ứng mạt bụi nhà

chẩn đoán dị ứng mạt bụi nhà

Nếu thấy các triệu chứng dị ứng mạt nhà trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là khi bạn dọn dẹp nhà cửa và phòng ngủ sạch sẽ, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám nhằm chẩn đoán xem bạn có đang bị dị ứng mạt bụi nhà hay không.

Tại đây, bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm để chẩn đoán tình trạng dị ứng mạt bụi nhà của bạn. Loại xét nghiệm phổ biến nhất là xét nghiệm dị ứng da (hay còn gọi là xét nghiệm lẩy da -skin-prick test). Trong thử nghiệm này, bác sĩ sẽ sử dụng kim lancet trên bề mặt da tại một vùng nhất định (người lớn là cẳng tay, trẻ em sẽ được test trên lưng) với một chiết xuất nhỏ của chất gây dị ứng. Sau đó, bạn sẽ đợi khoảng 15 phút để xem vùng da đó có phản ứng tiêu cực nào không. Nếu có phản ứng, bạn có thể sẽ xuất hiện một vết sưng lớn xung quanh vùng da bị chích. Khu vực này cũng có thể trở nên đỏ và ngứa.

Đôi khi, xét nghiệm máu sẽ được thực hiện thay cho xét nghiệm lẩy da. Tuy nhiên, xét nghiệm máu chỉ sàng lọc được các kháng thể, vì vậy kết quả có thể không chính xác.

Bạn có thể xem thêm:

Bị dị ứng có nguy hiểm không? Đừng xem thường căn bệnh này!

Cách điều trị khi bị dị ứng mạt bụi nhà

thuốc chữa dị ứng

Bị dị ứng mạt bụi nhà phải làm sao? Lời khuyên từ các chuyên gia là lựa chọn điều trị tốt nhất là hạn chế tiếp xúc với mạt bụi. Nếu việc này không hiệu quả, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc kê đơn và không kê đơn nhằm giúp giảm các triệu chứng do dị ứng mạt bụi gây ra, bao gồm:

  • Thuốc kháng histamine, như Allegra hoặc Claritin, có thể giúp giảm hắt hơi, sổ mũi và ngứa mũi.
  • Corticosteroid dạng xịt mũi, như Flonase hoặc Nasonex, có thể làm giảm viêm mũi. Dạng xịt mũi có ít tác dụng phụ hơn so với Corticosteroid đường uống.
  • Thuốc chống nghẹt mũi, như Sudafed hoặc Afrin, có tác dụng thu nhỏ các mô trong đường mũi, giúp quá trình hô hấp trở nên dễ dàng hơn.
  • Thuốc kết hợp thành phần kháng histamine và chống nghẹt mũi, như Actifed hoặc Claritin-D.

Một số phương pháp khác cũng có thể được sử dụng để điều trị khi bị dị ứng mạt bụi, bao gồm:

  • Natri cromolyn
  • Liệu pháp miễn dịch
  • Thuốc ức chế leukotriene như Accolate, Zyflo hoặc Singulair. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là loại thuốc Singulair có thể gây ra một số tác dụng phụ liên quan đến sức khỏe tâm thần. Do đó, bạn chỉ nên sử dụng loại thuốc này sau khi áp dụng tất cả các phương pháp điều trị mạt bụi khác mà không có hiệu quả và được sự đồng ý của bác sĩ điều trị.

Biện pháp ngăn ngừa dị ứng mạt bụi

ngăn ngừa bị dị ứng mạt bụi

Giường ngủ là nơi lý tưởng cho mạt bụi sinh sôi và phát triển. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể đảm bảo giường của mình không có mạt bụi bằng cách:

  • Mua loại vỏ chống dị ứng có kéo khóa để bọc nệm, bục kê nệm và gối của bạn
  • Giặt drap giường, vỏ gối, chăn và bọc nệm trong nước nóng ít nhất một lần một tuần. Phơi khô chúng dưới ánh nắng tự nhiên hoặc sấy bằng máy.

Ngoài ra, còn có nhiều cách giúp bạn kiểm soát và ngăn ngừa bị dị ứng mạt bụi, chẳng hạn như:

  • Sử dụng máy điều hòa không khí hoặc máy hút ẩm để giữ độ ẩm trong nhà ở mức 30 đến 50%.
  • Chọn máy máy hút bụi hoặc máy lọc không khí có bộ lọc khí đạt tiêu chuẩn HEPA (High efficiency particulate air filter)
  • Nếu thích ngủ cùng thú nhồi bông, bạn chỉ nên mua các loại thú nhồi bông có thể giặt và giặt chúng thường xuyên.
  • Lau bụi thường xuyên bằng khăn ẩm, cây lau nhà hoặc dùng máy hút bụi. Điều này giúp giảm bớt bụi và ngăn không cho bụi tích tụ. Tuy nhiên, nếu bạn bị dị ứng mạt bụi nghiêm trọng, bạn nên nhờ người khác thực hiện việc dọn dẹp vệ sinh này.
  • Sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, loại bỏ bớt đồ không cần thiết để ngăn không cho bụi tích tụ
  • Làm sạch rèm cửa và đồ nội thất thường xuyên
  • Thay thế thảm chùi chân bằng gỗ cho các thảm bằng len, sợi…

Bạn có thể xem thêm:

Dị ứng hóa chất: Cẩn thận với sản phẩm bạn hay sử dụng

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được những nguyên nhân và cách điều trị khi bị dị ứng mạt bụi.

[embed-health-tool-bmr]

Từ khóa » Bụi Là Ai