Bí Kíp ươm Cây Lưỡi Hổ Nhanh Chóng, Hiệu Quả | Cleanipedia

Các loại cây lưỡi hổ dễ ươm được tại nhà

Theo một nghiên cứu cho biết, lưỡi hổ được ước tính có đến 70 giống loài. Để phân biệt chúng, người ta thường dựa vào màu sắc, chiều cao, hình dáng và hướng mọc của lá cây.

Trước khi ươm, việc chọn giống cây cũng rất quan trọng. Giống cây dễ trồng sẽ đem lại tỉ lệ thành công cao hơn. Một số gợi ý về các mẫu lưỡi hổ dễ nhân giống mà bạn nên biết:

  • Lưỡi hổ vằn (lưỡi hổ Laurentii)

Đây là loài lưỡi hổ thông dụng và được nhiều người biết nhất. Đặc điểm nhận dạng của cây lưỡi hổ vằn là xen kẽ những sọc xanh đậm và xanh nhạt, có viền vàng ở mép lá.  Lá cây vươn thẳng, bản nhỏ và dài. Thường được trồng trong những chậu sứ to cao, để ở tiền sảnh.

Cây trong chậu trên kệ gỗ.
  • Lưỡi hổ vàng (lưỡi hổ hoàng kim, lưỡi hổ Gold Flame)

Bản lá rộng, to dài và sắc như mũi mác. Màu vàng sẽ lấn át chiếm tỉ lệ ⅔ lá, còn lại là phần lá xanh nhạt. Đôi khi bề mặt trong của lá sẽ chỉ có màu vàng và bên ngoài sẽ có chút xanh nhạt. Điều đặc biệt hiếm có là lá có khả năng đổi màu khi bước vào giai đoạn trưởng thành, chúng sẽ chuyển sang màu xanh đen đậm.

  • Lưỡi hổ vằn xanh (lưỡi hổ Moonshine)

Cây sẽ có sọc xanh đậm và xanh nhạt xen kẽ. Bản lá nhỏ, dài, mọc thẳng đứng và được ví như thanh kiếm. Cây lưỡi hổ Moonshine thường được chọn để trồng ở phòng khách, văn phòng công ty, nơi đón tiếp các vị khách quý của gia chủ.

  • Lưỡi hổ thái vằn (lưỡi hổ Futura Superba)

Màu sắc của chúng giống cây lưỡi hổ vằn. Chỉ khác về kích cỡ lùn hơn, bản lá có chiều ngang to hơn và có đường cong vòng cung.

  • Lưỡi hổ búp sen (lưỡi hổ lùn, cây lưỡi mèo)

Hình dáng của nó đúng như tên gọi, như một búp sen đang nở rộ. Có lá bản lớn nhưng ngắn. Loài này cũng được chia đến 3 loại là: lưỡi hổ búp sen viền vàng, lưỡi hổ búp sen xanh và lưỡi hổ búp sen vằn.

Cây xanh trong chậu trang trí đặt trên kệ.
  • Lưỡi hổ bạc (lưỡi hổ Silver Queen)

Cuối cùng là cái tên được mệnh danh là “nữ hoàng của loài lưỡi hổ”. Điểm thu hút của dòng lưỡi hổ bạc là lá cây có màu sang và lạ nhất. Chúng có lá màu xanh bạc hoặc trắng bạc rất đặc biệt. Lá cây bản to với hình dáng tương tự như lưỡi hổ thái.

Các cách ươm cây lưỡi hổ

Bạn có thể nhân giống cây lưỡi hổ dễ dàng với 3 phương pháp đơn giản sau:

Giâm lá trong nước

Nhân giống bằng nước là cách dễ nhất và không mất nhiều thời gian thực hiện. Bạn chọn một vài chiếc lá cây gần gốc, có màu xanh đậm, lá khoẻ không sâu bệnh. Cắt một hình chữ V ngược có khía ở đáy và để khô trong vòng 2-5 ngày. Vết cắt chữ V sẽ nâng cành giâm lên. Ngoài việc làm khô, cành giâm lá mới sẽ ít bị thối hơn. 

Sau đó, đặt lá vào một ly nước sạch với mực nước cao hơn đầu cắt chữ V. Vì rễ sẽ mọc ra từ mô đã cắt,  kỹ thuật này giúp nâng phần lớn bề mặt cắt lên để rễ có chỗ để phát triển.

Khoảng 3-5 tuần, bạn sẽ thấy rễ mọc ra từ phía dưới của vết cắt. Bộ rễ sẽ dần hình thành và phát triển qua từng ngày. Bạn có thể cấy cây lưỡi hổ con đã ra rễ vào đất hoặc để chúng tiếp tục phát triển trong nước.

  • Ưu điểm của phương pháp ươm cây lưỡi hổ trong nước là ai cũng có thể thực hiện và bạn sẽ thích thú vì có thể quan sát được quá trình hình thành bộ rễ của cây.

  • Nhược điểm: một vài giống loài có màu sặc sỡ như lưỡi hổ vằn, lưỡi hổ vàng hay lưỡi hổ bạc sẽ không giữ được sắc thái như cây mẹ. Chúng sẽ có màu sắc nhạt hơn và mất đi phần rực rỡ khi được nhân giống.

Giâm lá trong đất

Thực hiện cắt bỏ phần lá tương tự cách giâm lá trong nước. Chỉ khác là bạn sẽ chuẩn bị sẵn một chậu đất đầy đủ dinh dưỡng cần thiết, thoát nước tốt. Sau khi hoàn thành trồng lá sang chậu mới, tưới nước cho cây. Không tưới ướt sũng, chỉ tưới vừa đủ ẩm bề mặt đất tránh cây bị thối rễ vì ngập úng.

Giống như cách giâm lưỡi hổ trong nước, cách này cũng sẽ ra rễ và phát triển các con non, chúng sẽ trở thành cây mới. Chúng chỉ mất một chút thời gian để ra rễ so với giâm cành trong nước.

  • Ưu điểm: bạn có thể đặt nhiều lá giâm vào một chậu để có một bụi lưỡi hổ có kích thước theo ý bạn.

  • Nhược điểm: giống như việc nhân giống giâm lá trong nước, giâm lá trong đất cũng sẽ ra rễ và phát triển thành cây mới. Tuy nhiên, sẽ mất thời gian lâu hơn.

Phân chia thân rễ

Lấy bụi lưỡi hổ gốc ra khỏi chậu cũ. Dùng dao sắc để tách chia gốc mẹ thành từng nhánh con. Mỗi phần đều phải có đủ rễ và lá nhất định để cây có thể sống sót tiếp.

Phân tách xong thì trồng các cây con mới vào chậu mới của chúng với hỗn hợp đất thoát nước tốt. Phương pháp này tạo thêm không gian cho sự phát triển mới, giúp cây sinh sôi được nhiều hơn.

  • Ưu điểm: cả gốc và thân của từng bộ phận đều được giữ nguyên vẹn nên cây con sẽ có màu sắc giống hệt cây mẹ. Đây là cách duy nhất thành công 100% giống cây gốc nếu bạn muốn nhân những loài có viền nhiều màu sắc.

  • Nhược điểm: cách ươm cây lưỡi hổ này cần phải có một cây lưỡi hổ lâu năm, đủ khỏe mạnh để thực hiện tách thân rễ.

Bí quyết ươm cây lưỡi hổ dễ dàng, hiệu quả

Để ươm cây lưỡi hổ cần phải tuân thủ một vài yêu cầu phát triển và sinh trưởng của cây. Cùng điếm qua các yêu cầu và bí quyết để có thể thực hiện ươm cây thành công ngay lần thử đầu tiên nhé!

  • Chọn đất có tính kiềm, nếu trồng cây trong nhà thì nên trộn đất phù sa với xỉ than, xơ dừa, mùn cưa và phân hữu cơ để cung cấp cho cây đầy đủ dinh dưỡng nhất có thể.

  • Đặt cây mới ươm ở nơi có ánh sáng yếu, vì với ánh sáng vừa đủ cây dễ dàng quang hợp. Dưới ánh mặt trời trực tiếp cây sẽ yếu dần và không thể sống được

  • Khi tưới nên dùng bình phun ẩm, chỉ cần cung cấp nước cho cây 1-2 lần/ tuần

  • Nhiệt độ lý tưởng để cây sinh trưởng tốt là từ 20-30°C

Loại cây mọng nước này không chỉ mang đến cho không gian nhà bạn nguồn năng lượng xanh, thanh lọc không khí cực tốt mà còn giúp chiêu tài lộc, hút may mắn. Hy vọng các cách ươm cây lưỡi hổ trên sẽ giúp bạn thành công khi tự tay trồng cây lưỡi hổ.

Tác giả: Team Cleanipedia

Facebook | Youtube | Instagram | Pinterest | Twitter

Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo.

Từ khóa » Cách ươm Cây Lưỡi Cọp