Bí Mật Thái Giám Trong Hoàng Cung Trung Hoa - Báo Tuổi Trẻ

Bí mật thái giám trong hoàng cung Trung Hoa - Ảnh 1.

Khổng giáo quan niệm hoàng đế Trung Hoa phải có con trai nối dõi, thái giám là những người phục vụ cho hậu cung rộng lớn của nhà vua - Ảnh minh họa: GBTimes

Thái giám (hay còn gọi hoạn quan, công công, tự nhân…) là những người đàn ông không còn "của quý" phục vụ trong cung đình Trung Quốc. Đây là một truyền thống lâu đời.

Thái giám có nhiều phận sự nhưng quan trọng nhất là canh giữ hậu cung của hoàng đế, không để đàn ông nào "chạm" vào các cung tần mỹ nữ, dù các cô gái có phải chôn vùi tuổi xuân trong cung cấm mà chưa một lần thấy mặt đức lang quân.

Khổng giáo quan niệm hoàng đế là "con Trời", có bổn phận sinh con trai để duy trì sự hòa hợp giữa trời và đất. Thời xưa, tỉ lệ tử vong ở trẻ em còn cao, do đó hậu cung rộng bao la được tạo ra để các ông vua Trung Hoa yên tâm rằng một vài hậu duệ sẽ sống sót đến tuổi trưởng thành.

Truyền thống 2.000 năm

Biên niên sử còn lưu lại ghi chép các hoàng đế Trung Quốc sử dụng đàn ông bị thiến làm người hầu từ thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên, còn các sử gia ngày nay ghi nhận thái giám bắt đầu giữ vai trò quan trọng dưới triều Hán Hoàn Đế (năm 146-167 sau Công Nguyên).

Việc thái giám giữ chức vụ trong triều đình đồng nghĩa theo thời gian, họ có thể gây ảnh hưởng lên ngai vàng và thao túng triều chính, thậm chí gây họa diệt vong cho một số vương triều.

Quyền lực của thái giám duy trì một phần nhờ tham vọng của các gia tộc bên vợ hoàng đế, phần khác do lối sống khép kín hoàng gia Trung Quốc phải tuân theo.

Hệ thống thái giám chính thức cáo chung vào ngày 5-11-1924, thời điểm hoàng đế Phổ Nghi bị đuổi ra khỏi Tử Cấm Thành. Tính ra ông vua cuối cùng của Trung Quốc được sống trong nhà mình thêm 12 năm tính từ lúc cuộc cách mạng Tân Hợi lật đổ nhà Mãn Thanh năm 1912.

Nhìn chung, có 4 cách đàn ông Trung Quốc thời xưa trở thành thái giám. Một là bị gia đình ép buộc, bán cho triều đình lúc còn nhỏ; hai là nghèo đói không còn lựa chọn; ba là tự nguyện với hy vọng có cuộc sống sung sướng hơn; và bốn là các phạm nhân, thay vì chịu án tử thì đổi lại thành "thiến".

Bí mật thái giám trong hoàng cung Trung Hoa - Ảnh 2.

Đằng sau các bức tường của Tử Cấm Thành là một cuộc sống khác - Ảnh: Purelife

Ca mổ

Gần Tử Cấm Thành có một cái lều nhỏ, đó là nơi các thái giám tương lai nói lời chia tay "của quý". Ca mổ sẽ do một thầy lang phụ trách, từ công đoạn "cắt" cho đến quá trình hồi phục, với sự giúp đỡ của vài học trò.

Đầu tiên, họ dùng băng buộc chặt bắp đùi và bụng của bệnh nhân để tránh xuất huyết quá nhiều. Thuốc gây tê thời nhà Thanh là… nước ớt. Bộ phận sắp bị "cắt" sẽ được tẩy trùng bằng cách rửa 3 lần với nước ớt.

Một người đàn ông dùng sức banh và cố định hai chân của bệnh nhân để tránh cử động bất ngờ. Hai người khác giữ phần eo và đè chặt hai cánh tay. Tiếp theo, thầy lang sẽ tiến lại gần với con dao nhỏ, lưỡi hơi cong trên tay và hỏi: "Anh có hối hận không?".

Nếu người đàn ông do dự, ca mổ sẽ dừng lại. Nếu anh ta đồng ý, thầy lang sẽ ra tay chớp nhoáng. Tất cả sẽ bị cắt rời với một nhát dao duy nhất.

Một cây kim bằng thiếc, hay cái vòi, sẽ được cẩn thận nhét vào ống tiểu ở gốc dương vật để tránh biến chứng hẹp niệu đạo. Sau đó, vết thương được băng lại bằng giấy ngâm trong nước lạnh.

Băng bó vết thương xong, các học trò của thầy lang sẽ dìu bệnh nhân đi quanh căn phòng trong 3 giờ trước khi để anh ta nằm xuống. Cái vòi khiến bệnh nhân không thể đi tiểu. Anh ta sẽ bị cảm giác khát nước khủng khiếp hành hạ vì không được phép uống nước trong 3 ngày sau đó.

Cái ống sẽ được rút ra sau 3 ngày. Ca mổ được xem là thành công nếu nước tiểu chảy ra, nếu không có gì hết, bệnh nhân coi như cầm chắc một cái chết đau đớn. Rủi ro này chiếm khoảng 2% số ca mổ.

Thông thường, vết thương sẽ lành sau 100 ngày. Tân thái giám sau đó nhập cung để nhận nhiệm vụ.

Bí mật thái giám trong hoàng cung Trung Hoa - Ảnh 3.

Một hình ảnh thái giám tiêu biểu được mô tả trong phim ảnh hiện đại của Trung Quốc. Canh giữ các phi tần của vua là nhiệm vụ chính của họ - Ảnh chụp màn hình

"Bảo bối"

Sau ca mổ, ba món "bảo bối" - tức hai tinh hoàn và dương vật của tân thái giám, sẽ được trữ trong một cái bình niêm phong đặt trên kệ cao. Điều này có hai lý do quan trọng.

Thứ nhất, mỗi khi thái giám được thăng chức, anh ta phải vượt qua bài kiểm tra nghiêm ngặt, và điều này bất khả thi nếu thiếu "bảo bối".

Bài kiểm tra là cơ hội để mấy tay thầy lang kiếm chác, vì lắm khi bệnh nhân quên mất việc thu hồi "bảo bối" sau ca mổ. "Bảo bối" thậm chí có thể mượn, mua hoặc thuê bằng tiền.

Thứ hai, khi thái giám chết, anh ta mong được chôn chung với "bảo bối". Nếu bị thất lạc, anh ta sẽ tìm mọi cách để có được cái khác. Thái giám muốn chết một cách "vẹn toàn", vì chỉ có vậy anh ta mới đầu thai trở lại làm đàn ông ở kiếp sau.

Người Hoa cổ tin rằng Diêm Vương sẽ biến kẻ nào mất "của quý" thành con la cái. Đó là tại sao thái giám sợ mất "bảo bối" đến vậy.

Theo nghiên cứu về thái giám Trung Hoa công bố năm 1877 của học giả phương Tây G. Carter Stent, việc mất đi bộ phận sinh dục ảnh hưởng đến tính cách và khiến thái giám trông già hơn tuổi. Họ dễ bị xúc động mạnh, bao gồm nóng giận mất kiểm soát.

Mất hocmon đàn ông khiến giọng nói của thái giám có âm cao, sức mạnh cũng mất đi. Họ không còn kiểm soát được bàng quang nên thường hay "đái dầm". Người Hoa có câu "hôi như thái giám" cũng do đây mà ra.

******

Bài viết lược dịch lại từ tài liệu "Cuộc sống trong Tử Cấm Thành" của báo South China Morning Post.

Hồi quang xưa trong Tử cấm thành… Hồi quang xưa trong Tử cấm thành…

TTO - Khách nhìn những tấm hình chụp dấu xưa kinh thành Huế, thấy lầu Ngũ Phụng lộng lẫy, điện Thái Hòa uy nghi, Tả Vu, Hữu Vu trầm mặc bên cội ngô đồng sẽ khó hình dung sau bức tường Tử Cấm Thành lại là "tang thương ngẫu lục” của bom đạn chiến tranh, cỏ xanh bời bời bên những nền móng đá Thanh - dấu vết xa xưa của những cung điện đã thành cát bụi : Càn Thành, Khôn Thái, Trinh Minh…

Từ khóa » Công Công Là J