Bí Quyết Chọn đại Học Phù Hợp - Tổ Chức Giáo Dục IEG

Không phải lời khuyên về tên tuổi các trường đại học đẳng cấp hay ngành học “hot”, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, CEO của Tập đoàn giáo dục IEG nhắn nhủ các bạn học sinh THPT coi trọng việc tìm đại học có môi trường văn hoá phù hợp với mình. Đây này là nền tảng cho sự trải nghiệm 4 năm thực sự ý nghĩa trên giảng đường đại học.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu là chuyên gia giáo dục hàng đầu hiện nay ở Việt Nam. Anh lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Stanford, học Thạc sĩ tại Đại học Oxford, Thủ khoa ngành Kinh tế Đại học Kinh tế London.

Sau nhiều năm làm việc tại các ngân hàng quốc tế như Barclays Capital, HSBC và Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu rẽ sang lĩnh vực giáo dục và hoạt động trong nhiều vai trò từ giảng dạy, nghiên cứu, quản lý đến làm cố vấn cấp cao cho các trường học, đơn vị, tổ chức giáo dục ở nhiều tỉnh, thành.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu là diễn giả khách mời trong sự kiện tuyển sinh của Đại học Fulbright Việt Nam tại Hà Nội

Trong hành trình tuyển sinh của Đại học Fulbright tại Hà Nội mùa Thu này, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu nhận lời tham gia với tư cách diễn giả trao đổi một chủ đề được PHHS và các em học sinh quan tâm trong năm học cuối cấp: lựa chọn đại học và nên học đại học như thế nào.

Học đại học để làm gì?

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, bối cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng không ngừng buộc mỗi người phải suy nghĩ thấu đáo câu hỏi: Học đại học để làm gì? Trong 15 năm tư vấn giáo dục, anh nhận thấy phần lớn học sinh chủ tâm học đại học để có một tấm bằng, để kiếm một việc làm, học để trải nghiệm sống, học vì bố mẹ kỳ vọng, học để giống anh chị, bạn bè… Trong khi đó, thị trường tuyển dụng đã có những thay đổi về nền tảng đánh giá tuyển dụng nhân sự. Một ví dụ điển hình là công ty toàn cầu Google tuyển dụng những nhân sự không có bằng đại học chiếm đến 15%.

Nếu như 20, 30 năm trước, học đại học để ra trường kiếm đúng việc làm ghi trên bằng thì ngày nay khó có đi theo một đường thẳng như vậy. Các ngành nghề liên tục thay đổi, có những ngành biến mất nhanh chóng trong khi nhiều ngành nghề mới còn chưa ra đời đòi hỏi tư duy học đại học phải thay đổi.

“Nếu lựa chọn đại học chỉ chăm chú về chọn ngành học, muốn học đại học để yên tâm có tấm bằng, ra trường kiếm việc làm, bạn sẽ tìm kiếm sự khác biệt nào? Ngày nay, việc tiếp cận kiến thức trở nên dễ dàng. Các trường đại học đều dạy những kiến thức giống nhau về kinh tế thị trường, không có nơi nào dạy khác bản chất của nó. Mọi kiến thức chuyên môn khác cũng vậy”, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu nói.

Để trả lời câu hỏi cốt lõi học đại học để làm gì, chuyên gia giáo dục cho rằng, cần xác định việc học gì không quan trọng bằng việc học thế nào, học ở môi trường nào.

Lựa chọn con đường du học không còn quá xa lạ với nhiều học sinh tốt nghiệp THPT và được xem như là một trong những lựa chọn tốt chuẩn bị cho tương lai. Du học có thể mang lại cho bạn nhiều cơ hội phát triển về ngôn ngữ, được đào tạo trong một môi trường giáo dục tiên tiến hiện đại. Trong nhiều năm làm tư vấn, giảng dạy, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu cũng từng hướng dẫn cho hơn 100 sinh viên lấy học bổng vào học những trường đại học hàng đầu thế giới như Stanford, Princeton, Yale, MIT, Cambridge, Oxford, NUS, NTU…

Tuy nhiên du học có nhiều vấn đề buộc người học phải suy nghĩ thấu đáo. Tài chính là vấn đề phải cân nhắc hàng đầu. Ai cũng muốn có một môi trường học tập tốt nhất nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện kinh tế để chi trả.

“Bố mẹ luôn cố gắng, thậm chí quá sức để lo cho con ăn học tốt nhất nhưng các bạn đủ 18 tuổi trưởng thành về nhận thức, phải tìm hiểu và nói chuyện cởi mở với bố mẹ xem họ phải lo lắng vấn đề tài chính nếu bạn du học như thế nào. Đó là điều các bạn phải sòng phẳng, thực tế trước khi quyết định muốn du học hay không”, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu lưu ý.

Chuyên gia giáo dục dẫn kể câu chuyện của một bạn học sinh trường năng khiếu, từng đạt giải nhì quốc gia môn tiếng Anh. Bạn theo học cấp ba ở Mỹ và được học bổng đại học (40%). Học được ba năm, bạn phải trở về vì gia đình có biến cố với người thân, không thể tiếp tục dồn tài chính lo cho bạn theo học nốt năm cuối cùng. Bạn học sinh tâm sự rằng đã rất tiếc nuối không trao đổi với bố mẹ về vấn đề tài chính trước khi du học để hiểu những cố gắng quá sức của gia đình dồn lực tài chính cho bạn đi du học ở Mỹ.

Chọn nơi phù hợp nhất chứ không phải tốt nhất

Có tài chính là điều kiện cần thiết nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, cần phải lựa chọn một đại học mà ở đó bạn cảm thấy thực sự phù hợp.

“Đó phải là một nơi bạn cảm thấy thực sự hòa nhập được về văn hóa, với con người mà cụ thể là cộng đồng sinh viên, giáo sư, phù hợp lối sống của đại học đó. Đó phải là đại học phù hợp với tính cách, năng lực của bạn. 4 năm học đại học là thời gian đẹp nhất của cuộc đời, của tuổi trẻ vì nơi đây bạn có thể thiết lập một cộng đồng bạn bè bền vững, những người sẽ giúp mình đi qua những khó khăn, thử thách trong cuộc đời sau này. Nếu bạn phải sống trong môi trường, cộng đồng không phù hợp bạn sẽ cảm thấy lạc lõng, không hoà nhập do đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập”.

Trong thực tế có rất nhiều câu chuyện du học thành công nhưng cũng không ít câu chuyện đáng tiếc vì không hoà nhập với môi trường học tập ở nước ngoài. Có không ít sinh viên du học 1-2 năm phải quay trở về Việt Nam học tiếp vì không hoà nhập được. Nhưng có nhiều bạn học tập ở Việt Nam một hai năm sau đó du học nước ngoài và hoà nhập rất thành công.

“Để chuẩn bị cho du học, về năng lực học tập, nếu trong 3 năm cấp ba, bạn không đọc 30 cuốn sách Tiếng Anh ngoài giáo trình ở lớp, mỗi tuần đọc tối thiểu 200 trang sách, viết không ít hơn 10 trang A4, chỉ chăm chú việc học và luyện bộ đề Tiếng Anh, bạn sẽ rất chật vật, vất vả khi đi du học” – Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu lưu ý thêm.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu: Chọn trường đại học phù hợp nhất, vừa sức nhất với bản thân chứ không phải là tốt nhất.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ câu chuyện của một cựu học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong. Gia đình đã tạo điều kiện cho bạn du học ở Mỹ không phải lo lắng tài chính. Nhưng qua Mỹ học, bạn nhận ra đại học bạn theo học không phù hợp cả về môi trường sống, văn hoá, con người, không hợp với giảng viên, sinh viên và chọn một chuyên ngành học không phù hợp bản thân. Trải qua những sức ép, trầm cảm, bạn quyết định quay về Việt Nam theo học một đại học trong nước và hạnh phúc với không gian phù hợp.

Một trường hợp khác theo học tại Đại học Stanford. Từng là ngôi sao sáng, học giỏi ở Việt Nam nhưng qua học tại Mỹ, bạn gặp áp lực cạnh tranh học tập khốc liệt. Để tránh hệ quả lớn, bạn học sinh này phải dừng lại 1 năm để điều chỉnh tâm lý .

“Điều quan trọng nhất vẫn là chọn trường đại học phù hợp nhất, vừa sức nhất với bản thân chứ không phải là tốt nhất, dù là du học hay học ở trong nước” – chuyên gia giáo dục chia sẻ.

Một bạn học sinh đặt câu hỏi: Vậy làm thế nào để biết trường đại học đó phù hợp với mình?
Làm thế nào để biết trường đại học phù hợp với mình?

Theo Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, văn hoá là con người. Khi bạn muốn tìm hiểu về một nơi mình muốn theo học, dù ở Mỹ hay Việt Nam, hãy tìm kiếm các cơ hội để nói chuyện về con người ở nơi đó. Họ có thể là các cựu sinh viên, nhà tuyển sinh, nhân viên, giảng viên, các diễn đàn sinh viên của trường, quan sát qua cách tương tác của những con người trong các tổ chức đó.

Họ là những người thể hiện rõ nhất giá trị, sứ mệnh tinh thần của ngôi trường đó. Trải nghiệm này mỗi người hoàn toàn cảm nhận được bằng trực giác cá nhân.

“Đi học quý giá là kiến thức. Nhưng bạn sẽ học ít từ Giáo sư mà học nhiều hơn từ những người bạn. Hãy tìm mọi cách tiếp cận học sinh, cựu học sinh của trường đó. Đừng chỉ nhìn vào bảng xếp hạng. Có những nơi xếp hạng không cao nhưng lại phù hợp với mình về văn hoá, cộng đồng sống, còn hơn vào trường cao mà lạc lõng, không tìm được tình bạn chân thành…”– Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu nhấn mạnh.

Đích đến của đại học là gì?

Chia sẻ kinh nghiệm học đại học thành công, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu cho biết anh theo học kinh tế nhưng chỉ học 60% kiến thức về kinh tế ở đại học. Bên cạnh đó, anh chủ động học thêm nhiều môn học khác nhằm bồi đắp nền tảng kiến thức rộng rãi như dựng phim, chèo thuyền, chụp ảnh, kịch, tiếng Tiếng Trung Quốc, lý thuyết âm nhạc.

“Điều tôi muốn học không phải kiến thức của ngành đó mà là học tư duy của môn học, ngành đó. Mỗi môn học có một tư duy. Từ tư duy tích hợp, tư duy hệ thống, phân tích, tư duy giải quyết vấn đề…Những tư duy này sẽ giúp bạn đương đầu những biến động, thay đổi, có thể làm bất cứ ngành nghề nào trong tương lai, làm việc được với nhiều người khác nhau. Đó mới là đích đến của đại học” – Tiến sĩ cho hay.

Đích đến của đại học không nên chỉ là vì một cái bằng, có một dòng về ngành học trên đó.

“Hãy dứt bỏ tư tưởng cứng nhắc phải chọn học ngành nào đó mà mình sẽ làm trong tương lai và có một tấm bằng đại học về ngành đó. Tấm bằng đó không nói lên gì cả. Những thứ ở đằng sau tấm bằng mới quan trọng. Bằng đại học chỉ giúp bạn mở một cánh cửa đến vòng phỏng vấn. Nhưng những trải nghiệm phong phú trong đại học để hình thành con người mình mới dẫn đến những thứ sau vòng phỏng vấn và dẫn đến thành công, hạnh phúc” – Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ.

Nguồn: Fulbright Vietnam

Từ khóa » Nguyễn Chí Hiếu Ieg