Bí Quyết Tăng Chiều Cao Tối đa ở Tuổi Dậy Thì | TT Y Tế Quận 4

Tuổi dậy thì là giai đoạn phát triển chiều cao tốt nhất trong suốt quá trình trưởng thành của mỗi người. Ăn uống, tập luyện đúng cách sẽ giúp bạn sở hữu chiều cao vượt trội đáng ngưỡng mộ.

Chiều cao tăng nhiều nhất vào vài năm đầu đời và tuổi dậy thì. Ở giai đoạn dậy thì sẽ có khoảng thời gian mà chiều cao tăng vọt thêm 10-12cm nếu được chăm sóc dinh dưỡng và ý thức tập luyện thể lực tốt. Sau giai đoạn dậy thì, sự sụt giảm của các nội tiết tố liên quan đến hấp thu canxi và phốt pho làm cho sự phát triển chiều cao chậm lại do ngừng quá trình chuyển canxi vào xương. Khi đã hết dậy thì (sau 18 tuổi), chiều cao của các em sẽ tăng rất chậm và hầu như chỉ cao thêm được chừng 1-2cm (các em trai có thể cao đến 22-25 tuổi, các em gái có thể cao đến 20-22 tuổi). Nếu bỏ qua giai đoạn dậy thì thì tức là các em đã lãng phí một cơ hội ngàn vàng tăng trưởng chiều cao và cơ hội sẽ không bao giờ trở lại.

Tăng cường tập luyện giúp các em tuổi dậy thì bứt phá về chiều cao.

Tăng cường rèn luyện thể lực

Lối sống ít vận động sẽ ức chế sự phát triển của cơ, xương, qua đó làm giảm chiều cao lẽ ra có thể đạt được. Các bạn trẻ nên tăng cường vận động ngoài trời. Tắm nắng mỗi ngày 20 phút sẽ khiến diện tích da được tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, tăng tổng hợp vitamin D cho cơ thể. Vitamin D còn là chất cần thiết cho xương phát triển. Thiếu vitamin D sẽ giảm hấp thu canxi gây còi xương, chậm lớn ở trẻ đang phát triển. Tập thể dục đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao ở trẻ. Mỗi ngày nên dành 30 phút đến 1 tiếng để luyện tập mỗi ngày. Các bài tập phát triển chiều cao dành cho tuổi thiếu niên giúp kéo dãn các chi và mô tế bào trong cơ thể. Yoga là một phương pháp cải thiện chiều cao cho nam nữ. Trong các bài tập yoga có một số tư thế giúp kéo dài hệ xương khớp. Nếu bạn là người sôi nổi, thích vận động theo nhóm, bóng rổ sẽ là sự lựa chọn tối ưu nhất. Khi chơi bóng rổ, bạn sẽ bật cao và nhảy vươn người thường xuyên. Cơ thể không còn bị sức hút của trái đất giữ lại nữa, các đĩa đệm giữa các khớp xương sẽ giãn nở, giúp gia tăng chiều cao hiệu quả. Các môn khác như: bơi lội, quần vợt, bóng đá, cầu lông... sẽ giúp ích rất nhiều cho mục tiêu cải thiện chiều cao.

Cải thiện chất lượng dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng đúng đắn không chỉ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển về thể chất, mà còn chi phối lớn tới sự tăng trưởng chiều cao. Giai đoạn dậy thì, không những chú ý chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất mà còn cần tăng cường một số nhóm thực phẩm thiết yếu, có lợi cho phát triển chiều cao.

Bổ sung đạm vào chế độ dinh dưỡng: Chất đạm (protein) là nền tảng giúp phát triển xương, cơ và sụn, từ đó, chiều cao cũng được cải thiện. Lượng đạm cần thiết mỗi ngày sẽ khác nhau ở giới tính và thay đổi theo độ tuổi của bạn: Nữ giới, trong độ tuổi từ 9-18: 140g. Nam giới, trong độ tuổi từ 9-13: 140g. Nam giới, trong độ tuổi từ 14-18: 185g. Thực phẩm chứa chất đạm bao gồm thịt nạc, cá, trứng, các loại đậu và hạt. Việc chia nhỏ bữa ăn giúp cơ thể hấp thu được chất dinh dưỡng nhanh chóng và đầy đủ hơn. Lượng dưỡng chất này đảm bảo cho hormon tăng trưởng được bài tiết tốt hơn, kích thích cơ thể phát triển nhanh và đạt được một chiều cao lý tưởng.

Bổ sung kẽm cho cơ thể: Sự thiếu hụt kẽm có thể làm chậm sự phát triển. Trong khi việc bổ sung kẽm không trực tiếp làm bạn cao thêm, nó lại giúp bạn tránh được việc quá trình phát triển chấm dứt sớm. Điều này sẽ giúp bạn đạt được chiều cao tối đa mà cơ thể có thể phát triển một cách dễ dàng hơn. Kẽm còn là khoáng chất rất cần cho sự tăng trưởng và cho hệ sinh dục trong độ tuổi dậy thì. Lượng kẽm cần phải cung cấp cho độ tuổi từ 9-13 là 8mg/ngày, từ 14 - 18 tuổi là 11mg mỗi ngày. Những thực phẩm giàu kẽm gồm: hải sản (đặc biệt các loại hải sản có vỏ cứng), thịt cừu, rau dền (rau bina).

Bổ sung canxi: canxi là một dưỡng chất rất cần thiết để phát triển xương và xương luôn chắc khỏe. Phần lớn canxi được tìm thấy trong các sản phẩm từ sữa và trong độ tuổi dậy thì, chúng ta nên nạp vào cơ thể khoảng 700ml sữa mỗi ngày (xấp xỉ 1.300mg canxi) hoặc lượng tương đương các thực phẩm từ sữa khác. Có thể thay thế các sản phẩm từ sữa bằng các loại thực phẩm khác, bao gồm: cá hộp, rau xanh, đậu nành, ngũ cốc dinh dưỡng, bánh mì.

Uống đủ nước: Nước có vai trò quan trọng trong việc thanh lọc cơ thể đồng thời tham gia các hoạt động khác của xương khớp. Các đĩa đệm của cột sống có đến 90% là nước. Nếu cơ thể không đủ nước, chúng sẽ bị mất nước và co lại. Cần tránh xa đồ uống có cồn hay các chất kích thích đều là những tác nhân có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự tăng trưởng. Hút thuốc lá và uống rượu bia ở thời điểm cơ thể chưa trưởng thành làm ngừng quá trình phát triển tự nhiên, khiến cơ thể bị thiếu chất.

Không bỏ bữa sáng: Một bữa sáng đầy đủ dưỡng chất luôn là khuyến cáo đầu tiên của các chuyên gia về dinh dưỡng. Một bữa sáng lành mạnh sẽ góp phần hỗ trợ sự trao đổi chất, giúp cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng nhiều và hiệu quả hơn. Điều này sẽ tác động lớn đến khả năng tăng trưởng về chiều cao.

Ngủ đủ và đúng giờ

Thói quen ngủ, nghỉ ngơi khoa học giúp ích rất nhiều cho sự phát triển thể chất, bởi khi ngủ, cơ thể sẽ tái tạo và phục hồi các tế bào. Ngủ đủ 8 giờ vào ban đêm, nên đi ngủ sớm, dậy sớm sẽ tốt cho cơ thể rất nhiều. Hơn nữa buổi trưa nên ngủ khoảng 15-30 phút cũng rất cần thiết cho sức khỏe. Bởi vì nếu ngủ đủ giấc và đúng giờ sẽ cho các em một giấc ngủ sâu. Các hormon tăng trưởng được sản sinh trong lúc cơ thể đang ngủ. Thời gian và chất lượng của giấc ngủ càng cao thì cơ thể càng tiết ra nhiều hormon hơn, làm quá trình tăng trưởng phát triển tốt hơn.

Nguồn: http://mch.moh.gov.vn/pages/news/17239/Bi-quyet-tang-chieu-cao-toi-da-o-tuoi-day-thi.html

Trung tâm Y tế Quận 4

Từ khóa » Khi Nào Trẻ Hết Tăng Chiều Cao