Bí Thư Tỉnh ủy “cứu” Tên Lửa - Báo Quân Khu 4

Ông Mận hỏi: “Cậu có biết đường đi bộ từ Quảng Minh lên làng Cây Lim, xã Lâm Trạch không?”. Ông Hoàng Hữu Nghinh vốn là người lớn lên ở làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn) nên con đường ấy ông thuộc như lòng bàn tay.

Ông Nghinh sốt sắng: “Em biết. Đường ấy em đi rừng suốt mà. Hồi trước ở nhà, bọn em hay đi ăn hạt dẻ”. Ông Mận quay máy điện thoại cho ông Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình. Hai người trao đổi với nhau mấy phút, ông Mận quay lại nói với ông Nghinh: “Cậu về báo với anh Nhơn, Trưởng phòng tài vụ là lãnh đạo cử cậu đi công tác với đoàn của tỉnh ngay bây giờ”.

Báo với ông Nhơn xong, ông Nghinh đi đến cửa phòng ông Mận thì đã thấy xe của tỉnh đến đó rồi. Chuyến đi chỉ có ba người, ông Thoan, ông Nghinh và một người lái xe tên là Biểu.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình (người thứ 2 từ phải sang) thăm đơn vị Pháo cao xạ ở Đồng Hới tháng 11/1965.                                                                   Ảnh: Gia đình đồng chí Nguyễn Tư Thoan cung cấp

 Đường từ Cộn (thị xã Đồng Hới) ra bến phà Gianh bị máy bay địch bắn phá liên tục nên rất khó đi. Người lái xe tăng hết tốc độ nhưng đến phà Gianh vẫn phải mất hơn một tiếng đồng hồ. Ông Thoan nhìn đồng hồ lúc đó đã là 19 giờ 40 phút. Để người lái xe ở lại, ông Thoan và ông Nghinh đi dọc đê Hạ Trạch đến bến đò sang Quảng Văn. Hai người đi bộ về đến trụ sở UBND xã Quảng Minh đã gần 21 giờ đêm. Trụ sở ủy ban đóng trong nhà hầm tại xóm Bắc Minh Lệ. Bước vào hầm, ông Nghinh đã thấy trên bàn có mâm cơm chuẩn bị sẵn. Ông Hộ, Xã đội trưởng nói: “Mời hai anh vào ăn cơm đã rồi bàn công việc”. Ông Thoan bảo: “Tôi ăn rồi, chưa đói, cậu Nghinh vào ăn đi”. Ông Nghinh trả lời: “Tôi cũng đã ăn cơm tối rồi.” Ông Thoan nói: “Bây giờ có công điện khẩn của Trung ương là ta đã bắt được tín hiệu của bọn gián điệp điện cho Bộ Quốc phòng Mỹ phải tiêu diệt bằng được đoàn xe pháo cao xạ và tên lửa mới vào Quảng Bình trước lúc trời sáng. Không có cách nào thông báo với đoàn xe được. Đêm nay đoàn xe phải khẩn trương rời khỏi rừng Cây Lim (xã Lâm Trạch) ngay, đi sâu vào rừng để tránh bom.”

 Ông Hộ cử ông Chằn là xã đội phó cùng đi. Thế là 3 anh em qua đò Thọ Hạ, bắt đầu leo núi Đá Chẹt, rồi xuống dốc, qua khe Đá Mài. Ông Thoan chân dài, bước đi thoăn thoắt từ hòn đá này qua hòn đá khác, ông Nghinh người thấp, chân ngắn cùng ông Chằn chạy xăm xăm cho kịp. Họ băng băng trong rừng qua hết dốc này đến dốc khác. Ông Thoan cho dừng lại ở chân đồi Eo Ngựa nghỉ 5 phút để lấy sức, rồi vượt dốc đến làng Thùng Thùng. Vượt qua Khe Nước, qua làng Ba Trang dài 2 km lại lội qua một cái khe sâu ở làng Cây Lim. Họ đến cuối làng lúc gần nửa đêm. Gặp tổ canh gác của đoàn xe pháo binh và tên lửa chặn lại. Ông Thoan đem giấy tờ cho tổ gác xem và theo họ vào nhà gặp Đoàn trưởng. Ông Thoan trao đổi tinh thần điện khẩn và giao nhiệm vụ cho Đoàn trưởng tiến hành chuyển dời xe vào Khe Trạ cách đó 8 km. Lập tức cả đoàn xe kéo 12 khẩu pháo cỡ lớn và 6 tên lửa trong rừng Cây Lim lầm lũi sang nơi ẩn nấp mới.

Công việc với đoàn xe đã xong xuôi, ông Thoan lại đi tiếp về cuối thôn gặp lãnh đạo hai trường Trung cấp Y tế và Kế toán tài chính của tỉnh (mới về đây được 10 tháng) bàn kế hoạch di chuyển ra huyện Quảng Trạch. Trường Trung cấp Y tế ra xã Quảng Sơn, Trường Kế toán tài chính ra xã Quảng Thủy.

Hoàn thành công việc, ông Thoan thở phào, rút gói thuốc mời ông Chằn và ông Nghinh mỗi người một điếu để về phà Gianh vào Đồng Hới. Họ chưa đi ra khỏi làng thì cả khu rừng Cây Lim bom nổ ầm ầm. Máy bay AD - 6 thả bom tọa độ từ đợt này đến đợt khác xuống nơi đoàn xe vừa mới rút đi.

 Ba anh em lại leo dốc Eo Ngựa, về đò Thọ Hạ qua sông đến Quảng Minh. Ông Chằn ở lại, ông Nghinh và ông Thoan về đến Bắc Trạch đã có xe con do ông Biểu chờ đón.

Trên đường về, ông Nghinh thương ông Thoan quá, một Bí thư Tỉnh ủy có quyền sai cấp dưới, sao phải chịu khó, chịu khổ đêm tối đường rừng lặn lội, vất vả thế. Ông hỏi ông Thoan: “Sao anh không cử bên Tỉnh đội đi việc này?”. Ông Thoan trả lời: “Sợ tin đến chậm, sẽ nguy cho đoàn xe. Vả lại, đơn vị tên lửa này lần đầu tiên vào chiến đấu ở tỉnh ta, tiện dịp mình lên thăm anh em một thể”!

Câu chuyện giờ đã năm mươi năm rồi mà ông Hoàng Hữu Nghinh vẫn còn nhớ như in. Ông nói với người viết bài này: “Đúng là quê hương Quảng Bình “hai giỏi” có một Bí thư Tỉnh ủy cũng rất giỏi xứng đáng đứng đầu tuyến lửa thời đánh Mỹ”.

HOÀNG MINH ĐỨC

Từ khóa » Nguyễn Tư Thoan Bí Thư Tỉnh ủy Quảng Bình