Bị Trầm Cảm, Tôi Từng Giày Vò Bản Thân Bởi Cảm Giác Chán Ghét Cuộc ...

Cách đây không lâu, một tác giả Việt có sách bán chạy đưa ra lời khuyên về việc làm thế nào để trị bệnh trầm cảm. Theo cô, nếu tìm đến thể dục thể thao và các hoạt động thể chất, người trầm cảm sẽ cảm thấy vui vẻ lên và khỏi bệnh.

Tôi không khỏi ngạc nhiên trước lời khuyên của cô gái đó, và cả sự hưởng ứng của nhiều người. Cô gái có dụng ý tốt khi đưa ra lời khuyên như vậy, nhưng rõ ràng cô đang coi nhẹ tính nghiêm trọng của bệnh trầm cảm và nhầm lẫn trầm cảm với tâm lý buồn chán tạm thời. Đây là một sự hiểu lầm phổ biến trong xã hội ta hiện nay, vì vấn đề sức khỏe tâm thần không được quan tâm đúng mức.   

Trầm cảm không phải là một trạng thái tâm lý tạm thời dễ dàng được cải thiện (Ảnh minh họa)
Trầm cảm không phải là một trạng thái tâm lý tạm thời dễ dàng được cải thiện (Ảnh minh họa)

Trầm cảm, rất tiếc, không phải là một trạng thái tâm lý tạm thời dễ dàng được cải thiện. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Hoa Kỳ), trầm cảm là chứng rối loạn tâm lý đi kèm những triệu chứng tiêu cực như rối loạn giấc ngủ, chán ăn, mất khả năng tập trung, mất động lực làm việc và niềm vui sống.

Để một người bị chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm, các triệu chứng phải biểu hiện gần như mỗi ngày trong ít nhất hai tuần. Trong một số trường hợp, bệnh có thể kéo dài nhiều năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm chứ không nhất thiết phải là một biến cố bi kịch, nguyên nhân ấy có thể là di truyền, các yếu tố tâm, sinh lý và môi trường.

Bản thân tôi từng phải chống chọi với tình trạng đó hơn nửa năm. Cảm giác khi đó hoàn toàn khác với những khoảng thời gian buồn bã trước đây mà tôi từng trải qua, vì đó không phải trạng thái buồn chán nhất thời, mà là một quãng thời gian u tối.

Tôi chán ăn, sụt cân thấy rõ, mất ngủ nghiêm trọng nhiều ngày liền nhưng có hôm lại ngủ nhiều đến 10-12 giờ, thường xuyên bị giày vò bởi cảm giác chán ghét cuộc sống, căm ghét bản thân, cảm giác tội lỗi, thậm chí cả suy nghĩ muốn hủy hoại bản thân và kết thúc cuộc đời. Điều nghiêm trọng là, nếu như bình thường tôi chỉ cần đi chơi, gặp gỡ bạn bè, đi mua sắm, đi du lịch là sẽ cảm thấy vui hơn, thì khi ấy không điều gì giúp ích cả.

Mỗi ngày trôi qua như một sự tra tấn tinh thần (Ảnh minh họa).
Mỗi ngày trôi qua như một sự tra tấn tinh thần (Ảnh minh họa).

Ngoài mặt, tôi vẫn đi chơi với bạn bè, vẫn làm việc, vẫn cư xử như bình thường, thậm chí có thể tỏ ra vui vẻ, nhưng bên trong tôi là một nỗi đau khổ thường trực không thể xoa dịu. Tôi muốn thoát khỏi cảm giác ấy và đã cố gắng nhiều cách, nhưng cứ thế trượt dài trong cảm giác vô vọng, bất lực.

Mỗi ngày trôi qua với tôi là một sự tra tấn tinh thần. Mỗi sáng tỉnh dậy tôi cảm thấy vô cùng nặng nề, còn mỗi tối đi ngủ thì tôi bị dằn vặt bởi những suy nghĩ đen tối không lối thoát.

Phản ứng trước các vụ tử tự vì trầm cảm, nhiều cư dân mạng thường chỉ trích người tự tử là dại dột, ngu ngốc. Có lẽ vì họ không hiểu rằng, một người khi đã rơi vào trầm cảm thường mất đi suy nghĩ sáng suốt và tinh thần lạc quan. Họ không thể hình dung về một tương lai tốt đẹp hơn mà chỉ muốn thoát khỏi thực tại đau khổ, và cách duy nhất trong mắt họ khi ấy là tìm đến cái chết.

Nếu bạn có một người thân bị trầm cảm, nói lý với họ hay đưa ra lời khuyên giáo điều có thể là vô ích. Người trầm cảm có thể bị ám ảnh bởi những suy nghĩ u tối đến mức không thể nào tiếp nhận được lời khuyên của người khác. Để giúp đỡ một người bị trầm cảm, người thân của họ cần hết sức nhẫn nại và ân cần, tránh đối xử quá khắc nghiệt và trách mắng họ.

Thực tế, ngay cả những người vốn dĩ lý trí và yêu đời cũng có thể bị trầm cảm ở giai đoạn nào đó trong cuộc sống. Nhiều người trầm cảm bị áp lực khi họ không cảm thấy khá lên như mong mỏi của người thân, bạn bè.

Chính bởi những hiểu lầm của đại đa số mọi người về trầm cảm, người ta thường có xu hướng hoặc là sử dụng hai từ này một cách vô tội vạ (chẳng hạn một người chỉ đang có cảm giác buồn bã nhất thời cũng tự nhận là bị trầm cảm), hoặc quá coi nhẹ nó. Điều này có thể dẫn đến hệ quả tai hại.

Người trầm cảm có thể bị ám ảnh bởi những suy nghĩ u tối đến mức không thể nào tiếp nhận được lời khuyên của người khác (Ảnh minh họa).
Người trầm cảm có thể bị ám ảnh bởi những suy nghĩ u tối đến mức không thể nào tiếp nhận được lời khuyên của người khác (Ảnh minh họa).

Chẳng hạn như một người thật sự bị trầm cảm tin rằng mình chỉ bị vấn đề tâm lý nhất thời, có thể tự vượt qua một mình. Thực tế, nếu một người bị trầm cảm không thừa nhận vấn đề và tìm sự giúp đỡ, họ có thể sẽ phải sống chung với những hệ lụy tồi tệ của căn bệnh suốt một thời gian dài. Thêm nữa, vì xã hội chỉ cổ vũ suy nghĩ tích cực và yêu thích những người lạc quan, nên những người trầm cảm càng thu mình lại, bởi họ sợ bị phán xét khi giãi bày tâm can (trong nhiều trường hợp, họ thường bị phán xét thật).

Nhiều người không tin rằng vấn đề có thể dần được tháo gỡ nếu như họ tìm đến các chuyên gia tâm thần để được chữa trị. Ngay cả cụm từ “bác sĩ tâm thần” cũng khiến nhiều người kinh hãi, vì họ luôn nghĩ một người có “bệnh tâm thần” nghĩa là điên loạn, mà không hiểu rằng trầm cảm cũng là một dạng bệnh thuộc về tâm thần cần được chữa trị, như mọi loại bệnh khác.

Sức khỏe tâm thần là vấn đề đau đầu ở mọi nơi trên thế giới, gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội. Tuy nhiên, theo như tôi quan sát, ở nhiều nước phát triển, vấn đề này đã được chú trọng hơn. Chẳng hạn, nhiều trường học ở Mỹ có dịch vụ tư vấn tâm lý dành cho cán bộ nhân viên và sinh viên. Một người bạn của tôi làm việc tại một trại cai nghiện ở Anh, công việc rất căng thẳng và áp lực. Nơi anh công tác có hẳn chế độ hỗ trợ để anh có thể tìm đến sự giúp đỡ và tư vấn tâm lý bất cứ lúc nào.

Theo dõi một số bài viết và cả tâm sự bạn đọc về bệnh trầm cảm trên tờ The Guardian của Anh, tôi còn tìm thấy những dòng thông tin về số điện thoại liên lạc khẩn cấp của dịch vụ hỗ trợ dành cho người bị trầm cảm và có ý định tự sát.

Tôi hy vọng rằng trong thời gian tới ở Việt Nam, vấn đề này sẽ nhận được sự quan tâm thỏa đáng hơn của chính quyền và xã hội, để người trầm cảm không còn ngần ngại chia sẻ và tìm đến sự giúp đỡ cần thiết.

Từ khóa » Giày Vò Bản Thân