Biến đổi Khí Hậu | Open Development Vietnam

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là sự thay đổi của khí hậu và của những thành phần liên quan gồm đại dương, đất đai, bề mặt Trái đất, và băng quyển như tăng nhiệt độ, băng tan, và nước biển dâng. Trước đây BĐKH diễn ra trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên, tuy nhiên thời gian gần đây, BĐKH xảy ra do tác động của các hoạt động của con người như việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong giao thông vận tải và sản xuất công nghiệp, thải ra môi trường khí nhà kính (ví dụ như khí CO2).

Hình 1. Mức phát thải CO2 do hoạt động sản xuất trong các kịch bản khác nhau. Thực hiện bởi ODV, Tháng 08/2018.

Nguồn: Triển vọng cung cầu năng lượng của APEC, ấn bản lần thứ 6 (2016)

Biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Việt Nam là nước dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH. Theo đánh giá hàng năm về những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoạn giai đoạn 1997-2016, Việt Nam đứng thứ 5 về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018 và thứ 8 về Chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn (CRI).1

Những diễn biến của BĐKH tại Việt Nam bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng gia tăng về tần suất và thường khó dự đoán. Lượng mưa tháng cao nhất tăng từ 270 mm trong giai đoạn 1901-1930 lên 281 mm trong giai đoạn 1991-2015, trong khi nhiệt độ tháng cao nhất tăng từ 27,1°C (1901-1930) lên 27,5°C (1991-2015).2

Những kỷ lục mới vẫn được thiết lập mỗi năm. Các cụm từ “mưa lớn kỷ lục”, “nắng nóng kỷ lục”, “kỷ lục về lũ lụt” đã và đang xuất hiện ngày càng phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam trong những năm gần đây. Năm 2017 được coi là năm kỷ lục về thảm họa thiên tai tại Việt Nam, với hơn 16 cơn bão, lũ lịch sử trái quy luật.3 Nhiệt độ trung bình tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam hiện tại cao hơn từ 0,5 -1,0°C so với nhiệt độ trung bình của các năm trước theo tính toán dựa trên dữ liệu cập nhật của 30 năm trở lại đây.4 Sự thay đổi trong tần suất xuất hiện các cơn bão và áp thấp nhiệt đới5 ngày càng rõ rệt. Ví dụ, có năm xảy ra tới 18 – 19 cơn lốc và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, nhưng cũng có năm chỉ xảy ra từ 4-6 cơn lốc và áp thấp nhiệt đới. Số cơn bão với sức gió đạt từ cấp 12 trở lên đã tăng nhẹ kể từ năm 1990 đến 2015.6 Những biến đổi trong nguồn nước (lượng mưa, mực nước sông) trong năm 2018 cũng tăng đáng kể so với mức trung bình của năm 20177 Năm 2018 đồng thời ghi nhận những con số kỉ lục về nhiệt độ trong vòng 46 năm qua tại Hà Nội, với nhiệt độ cao nhất có lúc đạt tới 42°C.8

Bảng 1. Thay đổi trong nhiệt độ trung bình tương đối (°C) tại Việt Nam theo kịch bản B2 (kịch bản dân sốliên tục gia tăng) dựa trên dữ liệu giai đoạn 1980-1999. Thực hiện bởi ODV, tháng 8/2018. Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường (2009).

Nước biển dâng cũng là một trong những hiện tượng điển hình của BĐKH ở Việt Nam. Số liệu của trạm quốc gia Hòn Dấu ghi nhận được trong vòng 50 năm mực nước biển dâng khoảng 20 cm.9 Mực nước biển quan trắc tại các trạm hải văn đạt 2,45 mm/năm và 3,34 mm/năm tương ứng trong các giai đoạn 1960-2014 và 1993-2014. Dữ liệu vệ tinh cho thấy mực nước biển đã tăng lên 3,5 mm/year (± 0,7 mm) vào năm 2014 so với năm 1993.10

Tác động của biến đổi khí hậu

Là quốc gia có đường bờ biển dài 3.260 km11 nước biển dâng gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với Việt Nam. Theo khuyến cáo của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC), khi mực nước biển dâng lên 100 cm, diện tích đất bị mất đi của Việt Nam sẽ lên tới 40.000 km2, chiếm 12,1 % tổng diện tích đất hiện có, kéo theo hệ quả 17,1 triệu người sẽ mất đi nơi sinh sống, chiếm 23,1 % dân số tại thời điểm báo cáo.

Nước biển dâng cũng sẽ khiến cho Đồng bằng sông Mekong, hay còn gọi là Đồng bằng sông Cửu Long – một trong những vựa lúa lớn nhất của khu vực và cả nước – bị thiệt hại hoàn toàn. Điều này đe dọa an ninh lương thực không chỉ với Việt Nam mà cả với cộng đồng quốc tế, vì Việt Nam là một trong năm quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới.12

Theo bản Đóng góp dự kiến do Quốc gia tự quyết định của Việt Nam (năm 2015)13 nếu mực nước biển dâng 100 cm, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập. Với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sẽ có khoảng 39% diện tích bị ngập, ảnh hưởng tiêu cực tới gần 35% dân số, nguy cơ mất đi 40,5% tổng sản lượng lúa của cả vùng.

BĐKH tác động tới tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đời sống và y tế và sức khỏe cộng đồng.14 Ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, BĐKH ảnh hưởng tới sản lượng và gây ra những thay đổi về thời tiết, trực tiếp tác động tới vụ mùa.15 BĐKH cũng được cho là nguyên nhân phát sinh các virus mới và những virus đột biến gây bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng.16

Theo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018,17 tỷ lệ tử vong do các hiện tượng thời tiết cực đoan ở Việt Nam năm 2016 là 161, đứng thứ 11 trên thế giới. Giá trị thiệt hại lên tới 4.037.704 triệu USD (tính theo sức mua tương đương -PPP18) đứng thứ 5; thiệt hại bình quân GDP theo % là 0,6782, đứng thứ 10 trên thế giới.

Giảm thiểu tác động và ứng phó với BĐKH

Việt Nam đã đưa ra những chính sách và triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Những chính sách này tập trung nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH.

Các hoạt động thích ứng với BĐKH tới năm 2030 bao gồm:

  • Đạt ít nhất 90% các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội được lồng ghép vấn đề quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH;
  • Giảm 2%/năm tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước, riêng các huyện xã nghèo giảm 4%/năm;
  • Hoàn thành 100% việc xây dựng các khu neo đậu tầu, thuyền tránh trú bão và 100% tầu, thuyền đánh bắt xa bờ có đủ thiết bị thông tin liên lạc;
  • Nâng độ che phủ rừng lên 45%;
  • Nâng diện tích rừng phòng hộ ven biển lên 380.000 ha, trong đó trồng thêm rừng ngập mặn từ 20.000 đến 50.000 ha;
  • Đạt ít nhất 90% dân cư thành thị và 80% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; và
  • 100% số dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.19

Việt Nam ủng hộ Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH (UNFCCC) nhằm giữ mức tăng nhiệt độ khí quyển trung bình toàn cầu vào cuối thế kỷ ở mức dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) cũng đã phát hành tài liệu Kịch bản BĐKH và nước biển dâng20 nhằm hỗ trợ công tác giảm thiểu và thích ứng với BĐKH. Việt Nam đã ký Công ước Khí hậu năm 1992, phê chuẩn năm 1994; đã ký Nghị định thư Kyoto năm 1998 và phê chuẩn năm 2002; đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện Công ước Khí hậu và Nghị định thư Kyoto; đã gửi Ban thư ký Công ước Khí hậu Thông báo quốc gia lần thứ nhất (2003), Thông báo quốc gia lần thứ hai (2010), Báo cáo Cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất (2014), phản ánh những nỗ lực mới nhất về ứng phó với BĐKH và kiểm kê KNK. 21

Chính phủ Việt Nam sẵn sàng thực hiện các hoạt động giảm nhẹ như NAMA (Nationally Appropriate Mitigation Actions – Các hành động giảm nhẹ thích hợp trên toàn quốc), các hoạt động tình nguyện nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH tại các nước đang phát triển, hướng đến giảm phát thải khí nhà kính trong tất cả các lĩnh vực; đồng thời khuyến khích các Bộ, ngành cũng như chính quyền địa phương xây dựng NAMA.22 Mặc dù Việt Nam đã xác định được một số giải pháp NAMA trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng các biện pháp thực hiện cho đến thời điểm này vẫn chưa sẵn sàng. NAMA được coi là các hành động cụ thể để đạt được các mục tiêu trong Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) tổng quát hơn trong khuôn khổ kế hoạch và chiến lược quốc gia dài hạn một cách bền vững. NAMA sẽ tiếp tục được thực hiện như một phần của Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) sau năm 2020. 23

Cục Biến đổi khí hậu là cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE), có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về BĐKH, bảo vệ tầng ô-dôn; thực hiện các dịch vụ công về BĐKH, bảo vệ tầng ô-dôn theo quy định của pháp luật. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương được thành lập năm 2018 trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, có chức năng theo dõi, tổng hợp và báo cáo về tình hình khí tượng thủy văn, thiên tai khí tượng thủy văn, xu thế BĐKH trên phạm vi cả nước và trong khu vực, trên thế giới theo quy định.

Đến nay, Việt Nam đã thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính vào các năm 1994, năm 2000, và năm 2010.24 Năm 2017, Việt Nam đã báo cáo lên Liên hợp quốc mức phát thải tham chiếu rừng của cả nước tại mức 59.960.827 tấn CO2 tương đương hàng năm (tCO2 eq/năm) và mức tham chiếu rừng –39.602.735 tấn CO2 tương đương/năm.25

Theo Đóng góp dự kiến do Quốc gia tự quyết định của Việt Nam (INDCs)26 bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường (BAU). Mức đóng góp 8% ở trên có thể được tăng lên thành 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế trong Thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới.27

Chính sách và pháp luật về BĐKH

Theo ý kiến chuyên gia tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, vấn đề BĐKH trong chính sách và pháp luật Việt Nam được tiếp cận theo cả hai hướng: chính sách pháp luật chuyên về BĐKH (bao gồm 3 trụ cột: thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, liên ngành) và bước đầu được lồng ghép trong chính sách pháp luật của một số ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp.28

Kể từ năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (NTP-RCC)29 Năm 2011, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu30 Năm 2012, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh31 được phê duyệt, nhằm giảm phát thải khí nhà kính và đề ra các giải pháp triển khai bao gồm ban hành các quy định liên quan tới thị trường các-bon quốc tế. Năm 2013, Luật Phòng, chống thiên tai32 được ban hành nhằm ứng phó với những thảm họa thiên nhiên tác động tới đất nước, chủ yếu là những hiện tượng do BĐKH. Luật Bảo vệ Môi trường năm 201433 đưa ra một chương thảo luận về BĐKH. Những hành động mới nhất bao gồm phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 202034; phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các – bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng (REDD+) tới 2030;35 và công bố Đóng góp dự kiến do Quốc gia tự quyết định của Việt Nam (INDC).36 Dự thảo Nghị định quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính37 đã được đưa ra lấy ý kiến trong năm 2018.

Hợp tác quốc tế về BĐKH

Phối hợp với cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với BĐKH là một trong bốn mục tiêu của Chiến lược quốc gia về BĐKH.38 Cùng với việc đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Hà Lan và Mỹ, Việt Nam cũng tích cực phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Liên hợp quốc, và nhiều tổ chức quốc tế khác để đạt được những mục tiêu đề ra về vấn đề BĐKH.

Quỹ Khí hậu xanh và các tổ chức tương tự vẫn chưa dành tỷ lệ đáng kể viện trợ cho Việt Nam, tuy nhiên theo UNDP, thực trạng này sẽ được cải thiện trong bối cảnh các tổ chức song phương và đa phương đang điều chỉnh trọng tâm trong chiến lược của họ.39

Phương thức triển khai, giám sát và đánh giá

Phương thức triển khai, giám sát và đánh giá việc thực hiện những hoạt động thích ứng với BĐKH được thể hiện trong “Thông cáo Quốc gia” của Việt Nam và “Báo cáo cập nhật hai năm một lần của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH”40

Ngoài những nhu cầu về công nghệ, nguồn nhân lực, và nâng cao năng lực, nhu cầu về vốn được coi là một trong những thử thách cho Việt Nam để có thể hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH41 (xem bảng dưới đây).

Hình 3. Nhu cầu ngân sách để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và Tăng trưởng xanh trong giai 2016-2020 (Đơn vị: tỷ đồng). Nguồn: Nghị quyết Số: 73/NQ-CP ngày 26/08/2016.

Một số hạn chế và thách thức

Ngoài những hạn chế về phương tiện triển khai như tài chính, công nghệ, nguồn nhân lực42 Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thử thách để đối phó với BĐKH. Nhận thức về BĐKH vẫn còn hạn chế, và còn thiếu những thỏa thuận liên quan đến rủi ro và cách thức ứng phó với BĐKH. Mặc dù các văn bản và chính sách liên quan đến BĐKH đã được ban hành, khả năng ứng phó với BĐKH của Việt Nam còn chậm, và thiếu tính đồng nhất giữa các lĩnh vực cũng như chưa phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan cấp trung ương và địa phương.43

Ngoài ra, dữ liệu liên quan đến phát triển môi trường bền vững – một trong những nội dung quan trọng trong các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) hiện còn rất hạn chế. Hiện tại chỉ có dữ liệu cho 14 trên tổng số 67 chỉ tiêu toàn cầu về phát triển bền vững liên quan đến phát triển môi trường bền vững (chiếm 20,8 %) 44 trên hệ thống của Tổng cục thống kê của Việt Nam

Từ khóa » Việc Biến đổi Khí Hậu