Biến Gốc Rạ Thành Nguồn Dinh Dưỡng Cho đất
Có thể bạn quan tâm
Trả lại dinh dưỡng cho đất
Ai cũng biết, đốt gốc rạ sau thu hoạch lúa sẽ gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên. Tuy nhiên, nếu không đốt người dân sẽ làm gì với chúng? Đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, PV NNVN đã tìm đến huyện Tân Hưng, “thủ phủ” lúa của tỉnh Long An để xem bà con nông dân thực hiện giải pháp xử lý gốc rạ ngay trên ruộng đồng bằng chế phẩm sinh học.
Tân Hưng thuộc vùng Đồng Tháp Mười, đất đai ở đây nhiễm phèn, mặn quanh năm, cây lúa gắn bó với bà con từ thời xa xưa đến nay. Trước đây bà con chỉ làm 2 vụ/ năm, từ khi được nhà nước đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi bà con canh tác được 3 vụ/năm. Bên cạnh nhiều lợi ích mang lại, việc tăng số vụ cũng gây áp lực cho việc xử lý gốc rạ bởi sau khi thu hoạch khoảng gần 1 tháng bà con phải cải tạo đất để tái vụ.
Trong cái nắng vàng nhẹ của những ngày cuối Đông, sang Xuân, chúng tôi chứng kiến cánh đồng lúa Tân Hưng trải dài như một thảm lụa xanh ngút ngàn. Dẫn chúng tôi ra ruộng lúa đang thì con gái xanh mơn mởn, được chăm sóc theo cách đặc biệt của mình, nhổ một gốc lúa lên, anh Phạm Quang Đạo, ở xã Vĩnh Đại hào hứng khoe: “Các anh thấy không, cây lúa rất khỏe đang trong thời kỳ chuẩn bị đẻ nhánh, được như vậy là nhờ ứng dụng chế phẩm sinh học Sumitri vào xử lý triệt để gốc rạ trước khi gieo sạ, từ đó cũng tránh được ngộ độc hữu cơ và trả lại dinh dưỡng cho đất”.
Theo anh Đạo, trước đây khi chưa áp dụng chế phẩm sinh học vào xử lý gốc rạ, sau khi thu hoạch, người dân địa phương thường thực hiện phương pháp nhanh nhất là đốt đồng, từ đó gây ô nhiễm môi trường, đất đai cằn cỗi. Chưa kể ở đây sạ chung, cắt chung, việc đốt đồng thường xuyên gây cháy lan từ ruộng người này sang ruộng người kia, không ít vụ đã gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân.
Do đó, từ vụ lúa thứ 2 của năm 2020, thông qua Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Hưng, anh Đạo cũng như nhiều bà con nông dân địa phương đã biết đến chế phẩm sinh học Sumitri. Sau khi được Trung tâm tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, nhận thấy việc ứng dụng chế phẩm sinh học mang lại nhiều kết quả thiết thực nên bà con đã ứng dụng vào sản xuất. “Qua áp dụng vào thực tế, tôi thấy cây lúa vụ này hiện đã 45 ngày lá dưới vẫn còn xanh, không có biểu hiện vàng lá, cho thấy được cung cấp đủ phân bón và không bị ngộ độc hữu cơ, lượng phân bón cắt giảm được hơn 30%”, anh Đạo phấn khởi nói.
Tương tự, thấy được hiệu quả từ việc áp dụng chế phẩm sinh học vào xử lý gốc rạ, HTX dịch vụ nông nghiệp 22/12 tại xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng cũng đã triển khai cho toàn thể xã viên HTX ứng dụng vào sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Nhân, Giám đốc HTX 22/12 cho biết, HTX có trên 50 xã viên với diện tích canh tác gần 200 ha. Thực hiện chủ trương của huyện về sản xuất lúa sạch, thời gian qua HTX vẫn loay hoay tìm giải pháp xử lý gốc rạ trước vụ mùa thu hoạch. Sau khi được tiếp cận và thử nghiệm thành công về ứng dụng chế phẩm sinh học Sumitri, hiện hơn 50% xã viên HTX đã áp dụng với diện tích sản xuất 50% và tiến tới toàn diện tích vào vụ tiếp theo.
“Sau mỗi vụ thu hoạch, mỗi hécta lúa có khoảng 6 tấn rơm rạ, nếu đem đốt sẽ mất khoảng 5,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi ứng dụng chế phẩm sinh học vào xử lý gốc rạ, vừa bán được nguồn rơm, phần gốc rạ và tàn dư thực vật sẽ biến thành phân hữu cơ làm tăng lượng hữu cơ bổ sung cho đất, làm đất tơi, xốp nâng cao độ phì nhiêu giúp lúa đẻ nhánh tốt hơn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”, ông Nhân nói.
Chính quyền quan tâm tiếp sức
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tân Hưng, toàn huyện có diện tích lúa khoảng 37.000ha, thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất, thời gian qua, huyện đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và hỗ trợ nguồn lực cho người dân.
Theo đó, tại các điểm đăng ký ƯDCNC vào sản xuất huyện hỗ trợ 50% các chủng loại vật tư chủ yếu để thực hiện mô hình gồm lúa giống, phân hữu cơ, chế phẩm sinh học (nấm xanh-nấm trắng). Tổng mức hỗ trợ là 2,1 triệu đồng/ha. Ngoài ra, huyện còn đầu tư nhiều công trình nạo vét kênh, mương, phát triển hệ thống bơm điện, xây dựng đê bao, chú trọng liên kết sản xuất,... Toàn huyện có 11 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động, từng bước phát huy vai trò trong liên kết sản xuất và 73 tổ hợp tác hoạt động trên lĩnh vực tưới, tiêu, phục vụ sản xuất.
Ông Lê Thành Yên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng cho biết: “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sinh học vào xử lý phế thải từ nông nghiệp, trong đó có việc sử dụng chế phẩm sinh học vào xử lý gốc rạ tại địa phương đã góp phần bảo đảm nền sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Mặc dù lượng phân hữu cơ ủ từ rơm rạ chưa đủ phục vụ nhu cầu sản xuất, song phần nào giúp nông dân thay đổi thói quen, nhận thức sự cần thiết của sản xuất sạch gắn với bảo vệ môi trường, sức khỏe con người...
Theo ông Yên, đến nay, toàn huyện xây dựng được 9 mô hình điểm (tỉnh 6 mô hình, huyện 3 mô hình, diện tích 450ha), 6 mô hình nhân rộng (diện tích 420ha) và nông dân tự triển khai, nhân rộng với tổng diện tích 4.558ha ƯDCNC, có 1.055 hộ dân tham gia, đạt 101,3% kế hoạch. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo ngành nông nghiệp địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nhân rộng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sinh học vào xử lý phế thải từ nông nghiệp trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân; đồng thời, bảo vệ môi trường và thuận lợi hơn cho quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Hưng lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển nông nghiệp vẫn là thế mạnh của địa phương, đề ra chương trình đột phá nâng chất, mở rộng diện tích thực hiện chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Để thực hiện bảo đảm chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, huyện Tân Hưng tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án, chương trình của tỉnh, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tập trung phổ biến cơ giới hóa đồng bộ các khâu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản.
Từ khóa » Hình ảnh Gốc Rạ
-
Hương Rạ - Báo Đồng Nai điện Tử
-
Xử Lý Gốc Rạ Trong Vụ Mùa – Một Tác động, Hai Lợi ích - Điện Biên
-
Nhớ Mùi Rạ ẩm - Báo Bạc Liêu
-
Tổng Hợp Tin Tức, Video Hình ảnh Về Gốc Rạ | Báo Dân Trí
-
Nông Dân Hào Hứng Với Việc Xử Lý Rơm Rạ Bằng Chế Phẩm Vi Sinh ...
-
Tìm đầu Ra Cho Rơm Rạ ở Nông Thôn - Bài Toán Cần Lời Giải
-
Rơm Rạ đồng Quê - Báo Cà Mau
-
Rơm – Wikipedia Tiếng Việt
-
Gốc Rạ - Báo Hưng Yên điện Tử
-
MEN XỬ LÝ GỐC RẠ (PHÂN HỦY GỐC RẠ NGAY TẠI RUỘNG)
-
Sử Dụng Chế Phẩm Vi Sinh Xử Lý Gốc Rạ - Báo Hà Giang điện Tử
-
Cách ủ Rơm Rạ, Lá Cây Nhanh Hoai Mục Làm Phân Bón Hữu Cơ
-
Rơm Rạ Gây Ngộ độc Hữu Cơ Cho Cây Lúa? - Khoa Nông Nghiệp