Với hổ, đó vốn là một loài thú hoang dã, săn mồi động vật, có sức mạnh kỳ lạ và tập tính hoạt động mạnh mẽ, hung dữ và rất nguy hiểm. Nhìn nhận hổ dưới góc độ văn hóa dân tộc, ít nhất ta nhận ra ngay dãy biểu tượng quen thuộc: chúa – ông – ma – con dành cho loài hổ. Chúa sơn lâm Người ta mệnh danh Hổ là Chúa sơn lâm hay là Chúa tể rừng xanh. Không ai gọi nó là vua sơn lâm cả. Chúa là “chủ”, dưới vua một bậc. Vua thì cai quản tất cả, còn chúa thì chỉ ở một địa hạt, một lĩnh vực nào đó. Địa hạt của Hổ là rừng xanh, nó cai quản mênh mông núi đồi, bạt ngàn rừng núi mà với người xưa là vô cùng bí ẩn, đáng sợ. Hổ có sức mạnh phi thường, hàm khỏe, vuốt cứng, thoắt ẩn thoắt hiện, phi nhanh như gió: “Vân tòng long, phong tòng hổ”. Nó có thể săn các loài khác từ bé như chồn cáo, lớn như trâu bò. Các động tác chạy, nấp, rình, nhảy, vồ, tát, ngoạm, moi, kéo đều rất quả quyết, đột xuất, chính xác và hiệu quả. Tiếng gầm của Hổ có một âm sắc kỳ lạ khiến thú nhỏ có thể tê liệt thần kinh mà chết giấc, các loài chim thú khác nháo nhác, cả cánh rừng như nín thở. Muôn loài thú khiếp sợ uy vũ của Hổ. Từ tính chất biểu tượng CHÚA này, Hổ được coi là mang phẩm cách chiến binh, hơn nữa, là võ tướng dũng mãnh. “Trướng hùm mở giữa trung quân” (Nguyễn Du), “Văn cò - Võ cọp” (tục ngữ với nghĩa xiêm quan văn thêu phượng, xiêm quan võ thêu Hổ). Ngũ Hổ canh giữ bốn phương trung tâm là Đông - Tây - Nam - Bắc. Ngũ Hổ cũng là năm cánh quân trong biên chế quân đội thời xưa… Người nóng giận hành động mạnh mẽ thì dân gian thường gọi là “hùng hùng hổ hổ” (hùng là gấu). Nhưng rồi cũng có khi, “như hổ đói vẫy đuôi xin cứu nạn” (Nguyễn Trãi), đó là hàng loạt tướng tá quân xâm lược nhà Minh xin hàng trong chiến thắng khởi nghĩa Lam Sơn anh hùng. “Thấp mưu hùm đã sa cơ cũng hèn” (Nguyễn Du), đó là cảnh Từ Hải bị thua mưu hèn Hồ Tôn Hiến. Ông ba mươi Ông là một danh từ tôn xưng ngày xưa: ông trời, ông trăng, ông công, ông táo, ông thánh, ông thần… Nó không phải là một chức vụ mà đó là sự tôn sùng trong văn hóa tín ngưỡng. Người ta gọi Hổ bằng nhiều danh xưng gắn với ÔNG: ông Hổ, ông Khái, ông Hùm, ông Cọp, ông Kễnh. Mỗi tên gọi có một lai nguyên từ vựng riêng, thú vị về mặt văn hóa. Riêng với “Ông ba mươi” đã có dấu hiệu ghi chép từ xa xưa. Sách Lĩnh Nam chích quái (thế kỷ XIV – XV), ở truyện Mộc tinh đã có ghi việc cây chiên đàn cao ngàn nhẫn hóa ra quỷ Xương cuồng (tinh Hổ dữ) mà hàng năm, vào đêm ba mươi Tết, nhân dân phải thắp hương khấn vái để cho cuộc sống an lành. Cội nguồn của nó, chắc chắn là từ những ứng xử dân gian. Nhân dân đã hiểu tập tính săn đêm của Hổ. Hổ có thể săn mồi cả ban ngày nhưng mắt Hổ tinh bằng 6 lần mắt người, tai Hổ thính chỉ thua tai chó nên trong đêm tối, Hổ có thể xác định con mồi một cách chính xác để hành động vồ chụp. Với không gian có con người sống, Hổ thường tiếp cận vào những đêm tối trời. Với tín ngưỡng kiêng kỵ gọi tên thật vua chúa, thánh thần và những loài đem lại tai vạ cho con người, nhân dân đã dùng tập tính này để gọi trại tên Hổ thành Ông ba mươi để không đem lại rủi ro cho mình. Sau này, với sáng tạo truyện cổ tích loài vật, cũng có nơi kể chuyện Hổ từ thiên đường bị đày xuống trần gian vì có lỗi với Ngọc hoàng. Tính hung dữ vẫn còn nhưng tai nghe thì bị giảm nhiều phần thính lực để bớt hại. Ai săn được Hổ, được thưởng 30 quan tiền nhưng cũng bị phạt 30 hèo vì đã làm loài Hổ giận. E đó cũng là một tập tục khi “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Ma trành Chữ “trành” và chữ “xương” trong “Xương cuồng” là một, đọc hai âm khác nhau. Các từ điển đều chú nghĩa là: người xưa tin rằng, người chết vì Hổ giết, hồn không siêu thoát được nên nhập lại vào thân Hổ làm Ma trành, dẫn đường cho Hổ về bắt người khác. Chuyện ma trành được ghi trong sách Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ thế kỷ XVIII. Như đã nói ở trên, truyện Mộc tinh nói quỷ Xương cuồng từ cây chiên đàn, thì đó là “quỷ”. Người Mường, đồng tộc xưa của người Kinh, trong tác phẩm Đẻ đất đẻ nước có chương Chặt Chu và chương săn Moong lồ. Moong lồ cũng là con Hổ lớn, biến từ cây Chu mà ra. Hai mô típ là song hành. Hổ vốn từ rừng mà rừng là tập hợp rộng lớn của cây: nó từ rừng mà ra. Tập tính “quen ăn bén mùi” trở lại nơi con mồi cũ để ăn tiếp, tập tính săn trong đêm tối, thế giới bí ẩn của quỷ ma đã tạo nên niềm tin ma trành sẽ trở về bắt tiếp những người khác. Người ta làm những miếu thờ Hổ ở đầu làng hoặc cửa rừng để hương khói, cúng lễ mong tai qua nạn khỏi. Tiếp tục biểu tượng này là những câu chuyện người hóa Hổ và Hổ hóa người. Trong tác phẩm Thủy kinh chú (Lịch sử địa lý văn hóa về các dòng sông) của Lịch Đạo Nguyên giữa thời Bắc thuộc (V – VI), khi viết về 5 con sông chảy trên đồng bằng Bắc bộ, đến đoạn Bắc Ninh ngày nay, có ghi chuyện về viên thư lại xứ này, ngày đến công sở làm việc như bình thường, nhưng đêm về nhà lại hóa ra Hổ. Hơn 800 năm sau, các tác giả Đại Việt sử ký toàn thư chép bi kịch về Thái sư Lê Văn Thịnh hóa Hổ vào đời Lý trên hồ Dâm Đàm và bị bắt đày đi Thao Giang. Sử ký nằm dưới lớp sương mù huyền thoại như sương khói Hồ Tây mà đến nay vẫn chưa thể minh định sử thực của cung đình Lý triều xa xưa. Cái típ truyện hóa Hổ có sức sống lâu bền và có thể dùng nó để diễn đạt những điều khó nói của sự thật. Thế kỷ XVIII, lại Phạm Đình Hổ ghi truyện Hóa Hổ trong tác phẩm Vũ trung tùy bút về một chàng nông phu vùng Sơn Vi vào rừng, một ông tiên dụ khoác da Hổ, anh đã hóa Hổ mà về nhà gâm thét khiến vợ con hoảng sợ. Anh buồn bã trở lại rừng, nằm trên phiến đá. Ông tiên đã lột da Hổ cho anh. Anh trở về phô chuyện cùng làng nước. Tất cả kinh ngạc khi cởi áo anh ra thì lốt lột da vẫn còn nguyên vẹn. Từ Ma trành đến “hóa Hổ” nằm trong chuỗi liên tưởng biểu tượng MA này. Con hổ “Hộp dầu con Hổ anh ơi” là câu hát nhại làn điệu chèo vui vẻ. Dân gian gọi Hổ là “con” nhưng nhiều loài vật khác. Hổ hiện ra trong tính hiện thực trần trụi: một loài thú. Vì Hổ là “con” nên con người có thể đuổi, đánh, bẫy, bắt, giết… nó như nhiều thú vật khác. Trong một vài di chỉ thuộc văn hóa khảo cổ học Hòa Bình có niên đại vài vạn năm, người ta đã thấy xương và vuốt Hổ. Rõ nhất là trên đồ đồng thuộc văn hóa khảo cổ học Đông Sơn lớp muộn (trước và sau công nguyên) hình ảnh Hổ đã xuất hiện, tuy không nhiều như chim hay hươu, nhưng cách diễn đạt khá phong phú. Có hình Hổ khắc đúc trắc diên nghiêng đang đi, chạy hoặc đang cắn vào chân hươu (săn mồi), cũng có hình Hổ ngồi, hai chân trước đưa lên với dáng sắp vồ hoặc tát, phía trước là một chiến binh đang dương nỏ bắn lại, sau chiến binh là một chú chó trong tư thế sẵn sàng xông vào. Dấu tích của việc săn Hổ cổ xưa. Người ta săn Hổ để trừ tai họa và cũng có thể chén Hổ. Bộ lạc săn được Hổ thường lưu giữ da, nanh, vuốt để ghi lại chiến tích và khẳng định đẳng cấp hùng mạnh của mình. Sử ký ghi vào thời nhà Đinh, nhà Lê đã nhốt Hổ vào cũi để trị tội tử tù hoặc trấn áp tội phạm. Cảnh săn Hổ rõ nhất được ghi rành rẽ trong tấm bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng thiên Diên linh tháp bi, khắc năm 1121 là một bảo vật quốc gia vì giá trị của nó. Cảnh biểu diễn săn Hổ diễn ra buổi chiều trung thu sau pháp hội lễ Phật trên sông Hồng. Đắp đài cao cho vua đứng xem, Hổ gầm thét ầm ầm lao xuống núi, lính ngự lâm quân cầm lọng trĩ cán son, bắn cung múa kiếm quây bắt Hổ. Trong địa chí các địa phương ghi lại nhiều phường săn Hổ nổi tiếng như Thanh Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình), Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Phường săn làng Vĩnh Thủy trước 1945 được triều đình vời vào kinh thành Huế, thả Hổ săn cho vua và quần thần xem. Nay ở nhà văn hóa xã, con lưu giữ tấm lưới săn, giỏ và giáo mác săn Hổ ngày xưa. Cùng dãy biểu tượng CON này, ta thấy nhiều hình ảnh Hổ trong truyện ngụ ngôn và truyện cười dân gian. Ở đây, con Hổ vũ dũng nhưng hay quên, trí tuệ kém, hữu dũng vô mưu, bị con người và nhiều loài vật như cóc, khỉ, thỏ nhỏ bé dùng mưu mẹo đánh lừa. Cũng là con người thôi: trí tuệ, tinh thần cộng đồng, công cụ và vũ khí của con người dần chiến thắng sự sợ hãi, làm chủ thiên nhiên, làm chủ thế giới. CHÚA – ÔNG – MA – CON, đó là cách nói gọn những đặc điểm cũng như ý nghĩa hàm ẩn của biểu tượng Hổ trong tâm thức văn hóa Việt Nam vậy. |