Năm Dần Nói Chuyện Hổ Trong Văn Hóa Trung Quốc - Báo Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
Hổ chỉ phân bố ở châu Á, không có sự phân bố tự nhiên tại bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc là đất nước có sự tồn tại của nhiều loài hổ nhất, gồm hổ Siberia, hổ Hoa Nam, hổ Đông Dương và hổ Bengal.
Hiện nay, số lượng hổ hoang dã trong tự nhiên tại Trung Quốc và cả thế giới đều rất ít. Trong đó, loài hổ Hoa Nam đã không tìm thấy những bằng chứng xác thực về sự tồn tại trong môi trường hoang dã; loài hổ Siberia có số lượng nhiều nhất ở Trung Quốc, số cá thể hoang dã qua số liệu theo dõi là hơn 60 con.
Theo Giáo sư Trương Minh Hải, Đại học Lâm nghiệp Đông Bắc Trung Quốc, loài hổ từng có thời kỳ phát triển mạnh cả về số lượng và phạm vi phân bố ở Trung Quốc với hàng nghìn cá thể. Trong đó, hổ Siberia chủ yếu ở ba tỉnh đông bắc và một phần Nội Mông, hổ Hoa Nam thì có mặt tại các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến đến Tứ Xuyên, Quảng Tây, Hà Nam; hổ Ấn Độ phân bố ở tỉnh Vân Nam, còn hổ Bengal thì ở một số khu vực của Tây Tạng.
Cũng theo giáo sư Trương Minh Hải, loài hổ xuất hiện ở Trung Quốc khoảng hai triệu năm về trước, ở khu vực trung lưu sông Hoàng Hà, sau đó dần dần mở rộng phạm vi phân bố ra các vùng miền khác của Trung Quốc.
Nếu như người phương Tây coi sư tử là vua của muôn loài, thì người Trung Quốc lại coi hổ là chúa tể rừng xanh. Người Trung Quốc từ xa xưa đã tôn thờ loài hổ và ngưỡng mộ sự dũng mãnh và sức mạnh của hổ. Họ tin rằng, hổ có thể chế ngự cả núi rừng mà làm cho muôn loài phải khiếp sợ và phục tùng, là biểu tượng của sức mạnh và quyền lực.
Trong xã hội nông nghiệp cổ xưa ở Trung Quốc, hổ là một trong bốn loài thú có thể "trấn ác trừ tà", mang ý nghĩa như một vị thần bảo vệ cuộc sống của con người (bạch hổ cùng với thanh long, chu tước và huyền vũ).
Trong văn hóa Trung Quốc, văn hóa hổ là một trong những nền văn hóa thờ vật tổ (Totem) ra đời sớm nhất, bắt nguồn từ tín ngưỡng sùng bái thiên nhiên và vật tổ, là một trong những nội dung văn hóa của cư dân nguyên thủy và bộ phận quan trọng trong nền văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Đáng chú ý, trong quá trình diễn tiến văn hóa, tuy hổ không trở thành biểu tượng của các bậc đế vương, nhưng lại luôn được coi là hiện thân của quyền lực và sức mạnh, như dùng "hổ phù" để điều binh khiển tướng, dùng "hổ tướng" để chỉ vị tướng dũng mãnh, "hổ sư" để chỉ đội quân thiện chiến...
Còn trong quan niệm dân gian, hổ tượng trưng cho chính nghĩa, sự dũng mãnh và uy nghiêm, có thể xua đuổi tà ác và tai họa. Chính vì thế, trong truyền thuyết dân gian, hội họa và kịch truyền thống, cũng như các lĩnh vực văn hóa khác, hình tượng hổ xuất hiện ở khắp mọi nơi, như trong tranh Tết dân gian, nghệ thuật cắt giấy, điêu khắc, thêu truyền thống... được khắc họa như là một loài thú đem lại may mắn, có thể bảo vệ nhà cửa, tài sản, trừ tà…
Mở rộng ra đối với các cá thể trong xã hội, người Trung Quốc cho rằng, những người sinh năm hổ (năm Dần) sẽ có tính cách lạc quan, cởi mở, thẳng thắn, cương trực, có khả năng truyền cảm hứng cho người khác, sẽ trở thành "tâm điểm" nổi bật giữa mọi người.
Xuất phát từ sự tôn thờ đối với loài hổ, mà trong dân gian Trung Quốc, xuất hiện nhiều danh xưng gắn liền với hổ, như các địa danh: tháp Hổ Khâu ở thành phố Tô Châu, suối Hổ Bào ở thành phố Hàng Châu, ải Hổ Lao ở tỉnh Hà Nam, kênh Lão Hổ ở tỉnh Thiểm Tây, thung lũng Hổ Khiêu ở tỉnh Vân Nam...
Xưa kia, người Trung Quốc đón Tết không chỉ dán "môn thần" mà còn dán hình ảnh con hổ lên cổng nhà, bởi quan niệm dân gian cho rằng hổ có thể trừ tà, phù hợp với tâm lý cầu mong bình an và hạnh phúc vào đầu năm mới. Có nhiều nơi còn treo tranh hổ ở phòng khách và phòng ngủ với ý nghĩa "thần hổ trấn trạch", gửi gắm mong muốn chiến thắng tà ác, giữ gìn cuộc sống bình an.
Ở miền nam Trung Quốc, hổ còn gắn liền và trở thành biểu tượng của "phúc"; trong các loại tranh dân gian truyền thống để cầu tài lộc và may mắn, thường có một hoặc vài hình ảnh "mãnh hổ" rất sặc sỡ.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trung Quốc Cao Nguy, trong quan niệm của người dân Trung Quốc, hình tượng hổ rất là đặc biệt. Người ta không thấy nó hung dữ, đáng sợ, mà còn gắn cho nó những ý nghĩa tích cực như mạnh mẽ, dũng cảm, uy nghiêm, công bằng, chính nghĩa..., khiến hổ trở thành một biểu tượng thường gặp trong đời sống hằng ngày.
Ông Cao Nguy cho rằng, hổ được chọn là một trong 12 con giáp, trong khi cùng là động vật thuộc họ mèo như sư tử, báo hay các loài thú ăn thịt khác thì lại không, điều này gắn liền với hình tượng các loại vật này trong văn hóa con người. 12 con giáp thể hiện những ước vọng tốt đẹp của con người, hổ là chúa tể sơn lâm, tượng trưng cho sự dũng cảm và sức mạnh, có thể bảo vệ cho con người tránh được tai họa...
Từ khóa » Hổ Cái Nghĩa Là Gì
-
Hổ – Wikipedia Tiếng Việt
-
HỔ CÁI - Nghĩa Trong Tiếng Tiếng Anh - Từ điển
-
Hình Tượng Con Hổ Trong Văn Hóa/Trong Tín Ngưỡng/Tên Gọi
-
Hổ 'yêu đương' Thế Nào, Vì Sao Hổ Dữ Không ăn Thịt Con? - Tiền Phong
-
Con Hổ - Câu Chuyện Từ Những Cái Tên - VTC News
-
Biểu Tượng Hổ Trong Tâm Thức Văn Hóa Việt Nam - VNU
-
'Hổ Là Biểu Tượng Sức Mạnh Và Mong Muốn Bình An' - VnExpress
-
Vì Sao Hổ Lại được Gọi Là Ông Ba Mươi?
-
Những Cụm Từ Hay Thành Ngữ Có Chữ Hổ
-
Năm Dần Nói Chuyện Con Hổ
-
Những Tên Gọi Của Hổ Và ý Nghĩa Của Nó (28/03/2022)
-
Soạn Bài Con Hổ Có Nghĩa 2023
-
Phân Tích Truyện Con Hổ Có Nghĩa - THPT Sóc Trăng