Biểu Tượng Hoa Sen Trong Phật Giáo - Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia

Hoa sen trở thành hiện thân của sự thuần khiết và sinh hóa hồn nhiên, tượng trưng cho sự đản sinh thiêng liêng. Trong Phật giáo Mật tông có nói: trái tim của chúng sinh giống như đóa sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong, đóa sen sẽ nở, đây chính là ý nghĩa của hình ảnh Phật ngồi trên đóa sen đang nở. Các biểu tượng hoa sen chứa các ý nghĩa tượng trưng khác nhau dựa theo màu sắc của chúng.

Khi Phật sinh, quan cảnh tưng bừng, nhạc trời ca tụng, mưa hoa cúng dường và ngày bước đi bảy bước trên hoa sen, tay phải chỉ trời, tay trái chỉ đất và tuyên bố: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Qua đó, hoa sen được chọn để biểu thị sự tôn kính trong Phật giáo. Các màu sắc hoa sen được lựa chọn: Sen trắng, Sen đỏ, Sen xanh, Sen hồng, Sen tím thẫm.

Khi chào đời Đức Phật bước đi bảy bước trên hoa sen (Hình minh họa)

Sen trắng ( Pundarika; tiếng Nhật Byakurenge)

Loại hoa này tượng trưng cho Bodhi (Bồ đề), là tâm cảnh thuần khiết và chí thiện, sự thuần hóa về mặt nhân tính. Sen trắng thường có tám cánh, tương ứng với Bát Chánh Đạo ( Tám phương pháp đưa tới Niết bàn giải thoát). Đây là loại sen tìm thấy ở trung tâm của mạn đàla garhadhatu ( Thai tạng giới mạn đàla: biểu tượng đại bi tâm của Phật), vốn là cái bào thai của thế giới. Đây là đặc trưng của phái Mật tông và là đóa sen của các vị Phật.

Sen đỏ (Kamala; tiếng Nhật: Gurente)

Đức Phật tọa trên đài sen

Loài hoa này tượng trưng cho bản chất nguyên thủy của trái tim (hrdaya). Nó là đóa hoa của tình yêu, từ tâm, đam mê, năng động và tất cả những phẩm chất của trái tim. Đây là loại hoa sen của Quan Thế Âm (Avalokitesvara).

Sen xanh (utpala, nilotpala; tiếng Nhật: seirenge, shorenge)

Đây là biểu tượng của chiến thắng tinh thần đối với cảm quan của trí tuệ và minh triết. Nó luôn luôn được biểu thị như một nụ hoa bán khai, khác với sen đỏ, tâm của nó không bao giờ được nhìn thấy. Nó là loại hoa sen của Văn Thù Sư Lợi (Manjusri), hiện thân của Minh Triết Chỉ Ư Chí Thiện (Embodiment of the Perfection of Wisdom).

Sen hồng (padma; tiếng Nhật: renge; tiếng Hoa: lianhua)

Đây là loại hoa sen tối thượng, thường được dành cho những vị tối cao, đôi khi lẫn lộn với sen trắng.

Sen tím thẫm (tiếng Nhật: shirenge)

Biểu tượng Hoa sen tím thẫm

Đây là một đóa hoa sen huyền diệu, chỉ được biểu thị ở một vài phái Mật tông. Các đóa hoa có thể mãn khai, hoặc còn hàm tiếu. Chúng có thể được nâng bởi một cọng hoa hay ba cọng (tượng trưng cho ba phần của Thai tạng giới), hoặc năm cánh (tượng trưng cho Năm Tri Thức), tám cánh hoa tượng trưng cho Bát Chánh Đạo. Cũng có thể là biểu tượng bông sen tím nghìn cánh, tượng trưng cho Sahasrara (Luân xa thứ 7, trung tâm quan trọng trong bộ não).

Trong Phật giáo, thay vì đóa sen, vài vị Phật khác chọn cầm một nhành dương trong lòng tay (biểu thị thuốc chữa bệnh) như: Lưu Li Quang Vương Phật, Quan Thế Âm, hoặc một chùm nho, một loại hoa khác..Nhưng những biểu tượng này rất hiếm gặp.

Tượng Bồ Tát Quan Âm ngồi trên đài sen, thời Mạc, thế kỷ 16 - Bảo vật Quốc gia hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng LSQG

Trong truyền thuyết Phật giáo, khi Đức Phật được sinh ra, ngài bước bảy bước dưới mỗi bước của ngài lại có một bông sen đỡ chân, sau này Đức Phật cũng ngồi trên đài sen tôn kính. Hoa sen (hay còn gọi là hoa quân tử) đã trở thành một hình ảnh đặc trưng hài hòa của một chu trình sống: sinh ra từ bóng tối , bùn nhơ, mà bừng nở ra những tinh nguyên của sự hoàn thiện cần đạt tới. Phật giáo ở Việt Nam từ xưa, đã lĩnh hội những chân giá trị đặc biệt của hoa sen, và đưa biểu tượng này vào trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam như: tượng điêu khắc, bát cúng Phật, đài sen../.

Trần Thị Phương Thảo (tổng hợp)

Chú thích:

* Luân xa (Chakra): đôi khi được hiểu là “bánh xe” “vòng tròn” dùng để chỉ “bánh xe của luân hồi”, cũng là biểu thị năng lượng tâm linh tồn tại trong con người.

Tài liệu tham khảo:

-Tranh tượng và thần phổ Phật giáo. Louis Frédéric. Nxb Mỹ Thuật. Hà Nội, 2005.

-Tạp chí nghiên cứu Phật học. Số 3-2013 (120)

Từ khóa » Hoa Sen Xanh Trong Phật Giáo