Bình đẳng Giới Trong Gia đình Hiện Nay - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Bình đẳng giới là gì?  
  • Đặc điểm của bình đẳng giới
  • Quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình 
  • Thực trạng bình đẳng giới trong gia đình 

Đặc biệt đứng trước thực trạng bạo lực gia đình ngày càng nhiều như hiện nay cả ở thành thị và nông thôn thì chúng ta càng thấy được ý nghĩa quan trọng của bình đẳng giới trong gia đình ở mọi thời đại nhất là trong điều kiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa như hiện nay. Mặc dù đã có những quy định cụ thể về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình nhưng thực tiễn thực hiện thì không còn nhiều hạn chế.Vậy thực trạng bình đẳng giới trong gia đình hiện nay như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Hoàng Phi sẽ giải đáp rõ hơn về vấn đề này. 

Bình đẳng giới là gì?  

Nước ta có một luật riêng quy định về vấn đề bình đẳng giới, theo đó Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định: Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng động, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. 

Không chỉ Luật bình đẳng giới năm 2006 quy định về vấn đề này mà văn bản tối cao là Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng quy định: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội cũng như gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy được vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử về giới. 

Như vậy, trong mối quan hệ trong gia đình thì ngoài bình đẳng giới giữa nam và nữ thì gia đình cũng cần tạo điều kiện cho phụ nữ để phát triển và phát huy được vai trò của mình. 

Đặc điểm của bình đẳng giới

Bình đẳng giới có những đặc điểm sau đây: 

– Nam, nữ có vị trí và vai trò ngang nhau về mọi mặt, mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội và gia đình

– Nam và nữ đều được tạo điều kiện và cơ hội để có thể phát huy năng lực của bản thân, đồng thời cũng cần tính đến những đặc thù về giới giữa nam và nữ

– Nam và nữ có quyền bình đẳng trong việc tiếp cận và kiểm soát nguồn lực và các lợi ích 

– Nam và nữ bình đẳng với nhau trong việc tham gia bàn bạc và đưa ra quyết định 

– Nam, nữ đều bình đẳng với nhau trong việc thụ hưởng thành quả của sự phát triển 

Quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình 

– Bình đẳng giới trong gia đình được biểu hiện ở việc vợ, chồng bình đẳng với nhau trong các quan hệ dân sự cũng như các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

– Ngoài ra vợ, chồng cũng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong việc sử dụng nguồn thu nhập chung của mình và các nguồn kinh tế khác trong gia đình.

– Vợ, chồng cũng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc và đưa ra quyết định lựa chọn, sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình sao cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình; sử dụng thời gian nghỉ để chăm sóc con ốm theo những quy định của pháp luật.

– Các thành viên dù là nam hay nữ trong gia đình phải có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình 

– Không phân biệt con trai hay con gái đều được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.

Thực trạng bình đẳng giới trong gia đình 

Mặc dù Luật bình đẳng giới năm 2005 đã có những quy định về bình đẳng giới trong gia đình đồng thời tại các luật chuyên ngành như Luật hôn nhân và gia đình cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của các thành viên. Tuy nhiên, thực trạng bình đẳng giới trong gia đình hiện nay, định kiến giới và tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn tồn tại khá phổ biến trong gia đình và một bộ phận dân cư xã hội, trở thành rào cản trong quá trình thực hiện BĐG. Vấn đề bất bình đẳng giới trong xã hội nói chung và trong gia đình nói riêng vẫn tồn tại dẫn đến tình trạng BLGĐ tuy có giảm nhưng vẫn còn xảy ra. Biểu hiện ở chỗ: 

Thứ nhất, thách thức về vấn đề duy trì nòi giống. Áp lực sinh con trai nối dõi trong gia đình là một vấn đề không mới, nó tồn tại trong xã hội Việt Nam từ rất lâu. Ngày nay, mặc dù đã được tiếp cận với những tư tưởng hiện đại về bình đẳng giới nhưng bên trong mỗi mãi ấm vẫn luôn tồn tại một đợt sóng ngầm đến từ bố mẹ chồng, từ người chồng của mình. Áp lực ấy tác động đến cuộc sống của người phụ nữ. 

Thứ hai, về sự phân công lao động trong gia đình giữa người vợ và người chồng. Hiện nay trong gia đình, đa số người phụ nữ phải làm việc nhiều hơn nam giới. 

Thứ ba, về vấn đề đóng góp kinh tế trong gia đình. Trong gia đình vẫn có quan niệm người đàn ông là trụ cột kinh tế. Vì vậy, nhiều trường hợp, người vợ ở nhà nội trợ bị coi là ăn bám, không có tiếng nói trong gia đình. Nhưng ngược lại, cũng có nhiều trường hợp chính người phụ nữ phải tự bươn chải, lo toan cuộc sống gia đình. Vấn đề kinh tế cũng là nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng trong gia đình.

Thứ tư, về vấn đề duy trì hạnh phúc, chống bạo hành trong gia đình. Bởi ngày nay đa số các cặp vợ chồng trẻ sống riêng, tự lập. Chính môi trường tự lập, tạo cho sự thoải mái nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho người phụ nữ: vấn đề làm thế nào để duy trì hạnh phúc, vấn đề bạo lực gia đình. Bởi, thực tế cho thấy, hiện nay, gia đình trẻ có chiều hướng ly hôn khá tăng. 

Tóm lại, bình đẳng giới trong gia đình là một môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em được đối xử bình đẳng là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.

Trên đây chúng tôi đã gửi đến Quý khách hàng những thông tin cần thiết với chủ đề thực trạng bình đẳng giới trong gia đình hiện nay. Với những quan niệm cởi mở và hiện đại hơn cùng những quy định của pháp luật chắc chắn tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình sẽ được hạn chế. 

Mọi thông tin chi tiết Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ và tư vấn. 

Từ khóa » Giải Pháp Bình đẳng Giới Trong Gia đình