Bình Dị Mộc Mạc Cây Xoan

hoa-xoan-1644835133.jpg
 

 

    Đang cắm cúi leo dốc bỗng thoảng đâu trong gió một mùi hương quen quen mà là lạ. Ngó quanh quất không thấy gì. Một mùi hương dìu dịu, ngòn ngọt. Mùi gì nhỉ? Lâu lắm rồi mới thấy hương thơm này. Khứu giác hoạt động hết công suất, mắt láo liên tìm kiếm và trí óc tua nhanh lục lọi. À đây rồi! Sáng bừng ở trên cao một màu tím trắng, phớt hồng. Những chùm hoa xoan dịu dàng, e ấp bên những lá xanh non. Dễ chừng phải hơn bốn mươi năm tôi mới gặp lại hoa xoan. Thảo nào nghĩ mãi không ra mùi hương hoa gì!

    Ngày ấy, bố tôi trồng rất nhiều xoan. Bố cần cù, cần mẫn tìm đánh những cây xoan con bị chim ăn quả nhả hạt mọc thành cây rồi đưa về trồng quanh vườn nhà. Những cây xoan con không cần chăm bón mà cứ kiên cường bám đất, bén rễ hút dinh dưỡng lớn lên từng ngày. Thỉnh thoảng, bố lại phát tỉa những cành xòa, cành chạc cho cây vươn cao, mọc thẳng. Mấy năm sau, xoan đã lớn vọt với màu xanh mát mắt.

   Ở quê tôi, cây xoan còn có tên là sầu đông. Có lẽ do đặc tính của cây nên mới có tên gọi như vậy. Vào mùa đông, xoan đồng loạt trút lá, chìa ra những cành cây khô khốc, khẳng khiu như những cánh tay gầy guộc giơ ra giữa đất trời. Đong đưa giữa những cánh tay đó là những chùm quả dần khô quắt đang mời gọi lũ chim về ăn. Lạ một điều là quả không tự rụng mà cứ héo queo ở trên cành. Chim chóc tranh nhau ăn quả, làm rơi vãi xuống đất, mọc cây con. Thỉnh thoảng lũ trẻ con chúng tôi cũng nhặt những quả má hồng hoặc chín đỏ mà mút mát. Vị của nó hơi chua chua, ngòn ngọt, đăng đắng. Ngày bé, ăn cái gì cũng thấy ngon. Bố mẹ vẫn bảo: Ăn quả xoan ít thì có tác dụng tẩy giun, nhưng nếu ăn nhiều sẽ bị say. Tôi chưa bị say quả xoan bao giờ nhưng cũng hơi bị cồn cào khi ăn vào lúc đói bụng.

  Sau thời gian ngủ đông, xoan tích trữ năng lượng, hút đầy nhựa sống và cựa mình mở mắt. Một sáng đầu xuân, những kẽ lá  bừng tỉnh, mở mắt ra reo vui với tiết xuân mát mẻ. Rồi mấy ngày sau, lớp lá xanh non đã phủ đầy những cánh tay khô khốc nọ. Nhìn cây xoan tràn đầy sức sống. Bẵng đi một thời gian, bỗng thấy lấp ló trong đám lá xanh những chùm hoa nho nhỏ, xinh xinh màu trắng tím phớt hồng. Năm cánh hoa ở phần nhụy màu tím, nhạt dần ra đầu cánh đã thành màu trắng hồng. Hoa xoan có một mùi hương ngan ngát. Nó cứ lan tỏa giữa mênh mông đất trời, nhờ gió xuân hây hẩy đem hương thơm đến với vạn vật. Qua vài ba ngày, những cánh hoa mỏng manh nhẹ nhàng theo làn gió bay đi, hạ cánh xuống đất. Những cánh hoa xoan nhỏ như mảnh vỏ trấu, xếp lớp dưới đất tạo thành tấm thảm mịn màng như làn sương khói. Lũ trẻ quê chúng tôi hay vun những cánh hoa xoan lại rồi tung lên đầu nhau chơi trò cô dâu chú rể. Những cánh hoa li ti bám đầy trên đầu, vương trên quần áo lũ trẻ với đôi mắt long lanh, gương mặt rạng rỡ và tiếng cười trong trẻo của chúng bạn cứ bám theo tôi qua năm tháng.

  Tôi nghiện mùi hoa xoan nhưng cũng sợ mùa hoa xoan. Khi hoa xoan nở là tiết trời ấm áp. Lúc đó muỗi nhiều vô kể. Buổi tối ngồi hóng mát ngoài hè một tý là đã làm mồi cho muỗi đói rồi. Và còn nữa, không hiểu sao bọ chó ở đâu mà nhiều thế. Trẻ con chúng tôi ngày ấy đứa nào cũng bị bọ chó đốt cho thâm xì cả người. Chả thế mà người quê tôi toàn bảo là : hoa xoan gọi bọ chó!

   Trưa hè oi  ả, ngả mình trên chiếc chõng tre đầu hồi, tay phe phẩy chiếc quạt mo cau. Nghe tiếng chim ríu rít trên ngọn cây, tôi ngóng mắt nhìn lên. Tít trên chạc ba của cây xoan có một nồi đất thủng có lót rơm được buộc chắc chắn. Thằng Hùng hôm nọ trèo lên đặt ổ đấy. Tôi mê mải theo dõi vợ chồng đôi chim manh đang cần mẫn tha thêm rơm về lót ổ. Nhìn chúng ríu rít trò chuyện mà tôi cũng vui lây. Tưởng tượng tới cảnh hai vợ chồng chim thay nhau ấp trứng, thay nhau kiếm mồi cho lũ chim non mà lòng vui lạ. Nhìn lên xung quanh, tôi bắt gặp rất nhiều tổ chim đã được đặt sẵn. Quê tôi, hầu như đứa con trai nào cũng biết đặt ổ rơm làm tổ cho chim manh. Đứa nào cũng phải sở hữu ít nhất ba tổ chim như vậy. Đang là mùa sinh sản nên chim chóc bay về ríu rít làm tổ đông vui lắm.

   Tôi nhớ, thỉnh thoảng bố chặt ít cành xoan lấy lá để giấm chuối. Lá xoan mùi hăng nồng, cho vào thùng chuối hai hôm, mở nắp thùng ra hơi nóng phả ra hầm hập, hôm sau chuối đã chín vàng, thơm nức. Mùa lạc, mùa đỗ, tôi hộ mẹ phơi lá xoan cho khô giòn rồi đổ lên miệng chum đỗ, lạc để bảo quản. Đảm bảo mối mọt không dám xâm phạm vào đấy.

   Mỉm cười khi nhớ lại chuyện xưa. Quả xoan đối với lũ trẻ chúng tôi là thứ đồ chơi thiên biến vạn hóa. Lũ con trai tìm gióng tay tre làm súng pốp rồi lấy quả xoan non làm đạn. Sau tiếng hô XUNG PHONG là tiếng Pốp Pốp và lũ trẻ xông vào bắn nhau loạn xạ. Nhiều đứa bị trúng đạn đau quá khóc ré lên nhưng vẫn không bỏ cuộc chơi. Lũ con gái thì buộc túm chùm quả chơi đồ hàng, giả bán nhãn, bán vải... Nghĩ lại giờ vẫn thấy vui vui.

   Năm ấy, bố tôi chặt hạ hết xoan quanh vườn rồi đem ra ao ngâm. Chả là bố tôi định cất lại căn nhà bếp cũ mà. Hàng xoan quanh vườn đã được chuyển đổi thành cột kèo, rui mè và ván lịa quanh bếp. Còn một ít chúng được bố tôi đóng bộ bàn ghế ngồi ăn cơm.

   Mấy mươi năm xa quê hương đi lập nghiệp, giờ bỗng gặp lại hương xưa nơi tôi đi qua, lòng bỗng bồi hồi xúc động. Giờ đây, nhà bê tông cốt thép đã thay thế cho nếp nhà ngói, cột gỗ ngày xưa. Những đồ gỗ trong nhà cũng được thay thế bằng gỗ công nghiệp nên vị trí của xoan đã dần bị quên lãng. Dù sao tôi vẫn không quên loài cây gắn liền với thời xa vắng. Cám ơn chuyến đi về miền quê xa đã cho tôi gặp lại hương vị của loài cây ngày xưa ấy.

 

Chuyện làng quê

 

 

Từ khóa » Cây Xoan Mộc