Bình Giảng Bài Thơ Đất Nước Của Nguyễn Khoa Điềm

Đề bài: Bình giảng bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm Bài làm Thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Khoa Điềm đã có nhiều tác phẩm xuất sắc. Với phong cách trữ tình chính luận, giàu suy tư, xúc cảm dồn nén nhất là khi viết về đất nước con người Việt Nam, các tác phẩm của ông đều được đánh giá cao. Và "Đất nước" là một ví dụ điển hình. Đoạn trích "Đất nước" là phần đầu của chương V trích Trường ca Mặt đường ...

Đề bài:

Bài làm

Thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Khoa Điềm đã có nhiều tác phẩm xuất sắc. Với phong cách trữ tình chính luận, giàu suy tư, xúc cảm dồn nén nhất là khi viết về đất nước con người Việt Nam, các tác phẩm của ông đều được đánh giá cao. Và "Đất nước" là một ví dụ điển hình. Đoạn trích "Đất nước" là phần đầu của chương V trích Trường ca Mặt đường khát vọng. Trường ca này viết về sự thức tỉnh tuổi trẻ vùng đô thị tạm chiến miền Nam, về non sông đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình xuống đường đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Đoạn trích "Đất nước" được sáng tác từ sự cảm nhận về cội nguồn sâu xa của đất nước trên các phương diện: văn hóa, lịch sử, địa lý. Tác giả khẳng định: "Đất nước này là của nhân dân". Từ đó thức tỉnh tuổi trẻ xuống đường chống đế quốc Mỹ. Toàn bộ bài thơ, Nguyễn Khoa Điềm lần lượt lý giải những câu hỏi: Đất nước có từ bao giờ? Đất nước là gì? Ai đã làm nên đất nước? Xuyên suốt bài thơ, tác giả làm sáng tỏ những câu hỏi trên. Tác giả đã đưa người đọc trở về với cội nguồn của đất nước. Nhà thơ lặng ngắm và quan sát đất nước dung dị đời thường. Đặc biệt tài năng sử dụng tài tình chất liệu văn hóa dân gian được thể hiện rất rõ trong tác phẩm: "cha mẹ thương nhau gừng cay muối mặn", "tóc mẹ thì bới sau đầu", "nơi em đánh rơi chiếc khăn tring nỗi nhớ thầm"….. Chất liệu ca dao dân ca được tác giả sử dụng rất sáng tạo, gợi cảm giác gần gũi với người đọc.

Cách định nghĩa về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm cũng rất độc đáo. Nhà thơ định nghĩa bằng cách triết tự. Đó là trả lời các câu hỏi: đất là gì? Nước là gì? Rồi ghép lại đất nước là gì. Bằng cách giải thích chúng trên chiều dài lịch sử, không gian, thời gian, địa lý… nhà thơ đã cho người đọc thấy được đất nước không phải là cái gì đó xa xôi mà kết tinh hóa thân trong mỗi con người. Từ đó, tác giả nêu ra ý thức trách nhiệm mà mỗi người cần phải có. Đất nước là một phần cơ thể, "là máu xương của mình" vì vậy mà phải biết bảo vệ nó. Bảo vệ đất nước là bảo vệ chính mình. Đó là định nghĩa đất nước.

Lí giải ai đã làm ra đất nước, Nguyễn Khoa Điềm tiếp tục soi ngắm trên các phương diện địa lý, lịch sử, văn hóa. Ông khẳng định: "Đất nước này là của nhân dân". Và điều đặc biệt ở những câu thơ của ông trong tác phẩm luôn có chất liệu ca dao với những nét đẹp tiêu biểu: say đắm trong tình yêu, quí trọng tình nghĩa hay kiên trì bền bỉ trong đấu tranh. Cái mới của nhà thơ không chỉ dừng lại ở việc sử dụng chất liệu ca dao. Ông còn sáng tạo hơn đó là chỉ lựa chọn một số ý trong ca dao chứ không trích dẫn nguyên văn toàn bộ. Điểm sáng của tác phẩm này chính là tư tưởng đất nước là của nhân dân. Đất nước là đề tài quen thuộc. Tư tưởng đất nước là của nhân dân đã từng xuất hiện trong quan niệm của thời đại trước. Như Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo từng viết: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân". Hay Phan Bội Châu: "dân là dân nước, nước là nước dân". Đến những nhà thơ cùng thời, Nguyễn Đình Thi: "Ôi đất nước những người áo vải – Đã đứng lên thành những anh hùng". Nguyễn khoa điềm lại thể hiện tư tưởng ấy ở nhiều phương diện như lịch sử, văn hóa, địa lý… Ông đã có những cách nói mới, phát hiện mới.

Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm cũng thể hiện nét trữ tình – chính luận của phong cách Nguyễn Khoa Điềm. Phong cách này khiến cho triết lý không khô khan mà đi vào lòng người. Để đạt được điều đó, bài thơ đã được nhất quán về giọng điệu. Một giọng điệu tâm tình tha thiết, lắng sâu như cuộc trò chuyện của chàng trai và cô gái yêu nhau. Hình ảnh được sử dụng trong thơ cũng rất chi tiết, gần gũi và đời thường. Đặc biệt là việc sử dụng chất liệu được rút ra từ kho tàng văn học dân gian. Tất cả những yếu tố này đã khiến cho bài thơ được người đọc đón nhận đông đảo.

Tóm lại, "Đất nước" là một tác phẩm hay viết về chủ đề quê hương đất nước con người Việt Nam. Tác phẩm không chỉ có giá trị về mặt văn chương nghệ thuật mà còn chứa đựng tư tưởng đúng đắn, có tác động lớn đến khả năng vận động mọi người xuống đường đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược mà ngay từ đầu đã là mục đích sáng tác bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm.

Kim Oanh

Từ khóa » Nguyễn Khoa điềm Phong Cách Sáng Tác