Bó Bột: Khái Niệm, Quy Trình Thực Hiện Và Kết Quả • Hello Bacsi
Có thể bạn quan tâm
Bó bột là một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả được sử dụng nhiều trong điều trị nứt hoặc gãy xương. Phương pháp này giúp cố định vị trí xương, thúc đẩy quá trình liền xương và hồi phục phần mềm, ngăn ngừa co thắt cơ bắp và hạn chế các tổn thương thêm.
Vậy bó bột được thực hiện như thế nào và làm sao chăm sóc vị trí bó bột hiệu quả? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
Tìm hiểu chung
Bó bột là gì?
Sau khi xương bị gãy, vị trí xương này cần được nghỉ ngơi và hỗ trợ đúng cách để lành lại. Bác sĩ chỉnh hình thường dùng phương pháp bó bột để bảo vệ vị trí xương bị tổn thương. Đây là phương pháp nhằm bất động xương gãy, giữ cho xương tránh di chuyển, thúc đẩy quá trình liền xương và hồi phục phần mềm, ngăn ngừa hoặc giảm các cơn co thắt cơ bắp, hạn chế tổn thương thêm. Một số bác sĩ có thể kết hợp bó bột và nẹp nếu người bệnh gặp chấn thương hoặc có phẫu thuật về cả xương và gân, khớp.
Bó bột có nhiều kiểu, hình dạng và kích cỡ nhưng 2 loại vật liệu phổ biến nhất được sử dụng là thạch cao (màu trắng) và sợi thủy tinh (có nhiều màu sắc, hoa văn và kiểu dáng). Bên trong có lót bông và các vật liệu tổng hợp khác nhằm tạo độ mềm mại, hỗ trợ làm lớp đệm xung quanh các khu vực xương như cổ tay hoặc khuỷu tay. Dưới lớp bột bằng sợi thủy tinh thường có lớp lót chống thấm đặc biệt phòng trường hợp bị ướt.
Tuy có thể khiến người bệnh không thoải mái và thậm chí có phần cồng kềnh, bó bột lại là phương pháp đơn giản và hiệu quả trong điều trị gãy xương.
Khi nào bạn cần thực hiện bó bột?
Hầu hết các trường hợp gãy, rạn nứt xương nhẹ và không phải vị trí nguy hiểm thì đều có thể thực hiện bó bột. Bên cạnh đó, kỹ thuật này cũng áp dụng để cố định xương cho người sau phẫu thuật chỉnh hình. Đối với trường hợp chấn thương, bác sĩ có thể dùng nẹp để giảm sưng trước khi bó bột.
Trong quá trình sử dụng có thể cần phải thay bột mới vì vùng bị thương sẽ giảm sưng, khiến vị trí bó bột không còn vừa vặn. Trong trường hợp đó có thể dùng nẹp thay thế bó bột để giúp người bệnh thoải mái, linh hoạt hơn.
Quy trình thực hiện
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Trước khi thực hiện
Người bệnh sẽ được thăm khám kỹ trước khi bó bột nhằm hạn chế tối đa các biến chứng. Trong đó, người bệnh được đo mạch, huyết áp, kiểm tra dấu hiệu mất máu, kiểm tra tri giác (dựa trên thang điểm Glasgow), nhịp thở.
Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được kiểm tra:
- Các rối loạn cơ tròn (khi gãy cột sống) để phòng tổn thương tủy
- Các tổn thương phối hợp
- Các tổn thương ở các tạng khác: sọ não (tri giác), ngực (khó thở, rối loạn nhịp thở), bụng (đau bụng, chướng bụng, bí trung đại tiện…), tiết niệu (tiểu ra máu, tiểu tiện không tự chủ được…)
- Tổn thương ở các chi khác
Trong khi thực hiện
Trước khi mang bột, vùng tổn thương sẽ được băng thun vớ stockinette (tất lót bó bột). Sau đó, một lớp đệm làm bằng bông hoặc một chất liệu mềm khác được quấn quanh để tăng cường bảo vệ da và tạo độ đàn hồi, hỗ trợ quá trình hồi phục.
Bó bột thạch cao có dạng dải hoặc cuộn được làm ẩm và quấn ngoài lớp đệm. Vật liệu thạch cao được làm từ vải muslin được xử lý bằng tinh bột hoặc dextrose và canxi sulfate. Tương tự như thạch cao, vật liệu sợi thủy tinh cũng có dạng cuộn và được làm ẩm trước khi mang cho người bệnh.
Sau khi thực hiện
Sau khi hoàn thành quá trình bó bột, bột sẽ bắt đầu khô trong khoảng 10-15 phút. Nhiệt độ của da có thể tăng lên khi thạch cao khô vì phản ứng hóa học xảy ra, thường mất từ 1-2 ngày để lớp bột cứng hoàn toàn. Người bệnh phải cẩn thận trong giai đoạn này vì thạch cao có thể bị vỡ hoặc nứt. Khi bột thạch cao đã khô, lớp bó sẽ mịn màng, có màu trắng. Đối với vật liệu sợi thủy tinh, lớp bó sẽ thô ráp hơn.
Biện pháp chăm sóc sau bó bột
- Nên kê cao vị trí được bó bột để tránh phù nề
- Cần gồng cơ trong bột đúng cách và thường xuyên để tránh rối loạn dinh dưỡng, teo cơ và xương chậm lành
- Cố gắng vận động các phần cơ thể không bị bất động để giúp lưu thông máu, tránh bị cứng khớp
- Tránh tạo áp lực hoặc đặt vật nặng lên lớp bột. Nếu bị chấn thương ở chân và cần đi lại, hãy chắc chắn lớp bột đã cứng hoàn toàn.
- Giữ cho lớp bột sạch sẽ và khô ráo, nhất là khi vệ sinh, tắm rửa vì nếu bột bị dính nước sẽ gây mùi hôi và hỏng bột. Nếu bó bằng vật liệu sợi thủy tinh và bị ướt, người bệnh có thể dùng máy sấy tóc có chế độ sấy mát (cool) để làm khô. Trường hợp không thể sấy khô hoặc lớp da bên dưới bị ướt, hãy quay lại bệnh viện.
- Che hoặc bọc lớp bột bằng túi nhựa trước khi tắm. Người bệnh có thể dùng đai treo bó bột làm từ nhựa, thường được bán tại một số cửa hàng vật liệu y tế hoặc nhà thuốc.
- Không đặt bất kỳ đồ vật nào bên trong lớp bột cũng như không sử dụng các sản phẩm bôi thoa trên lớp da này, kể cả bột phấn trẻ em.
- Không cào gãi vùng da đang mang bột hay dùng vật nhọn chọc vào. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng nếu da bị rách hay trầy xước.
- Gọi cho bác sĩ nếu bạn nhận thấy mùi lạ hoặc khó chịu ở vị trí bó bột. Mồ hôi hoặc hơi ẩm bên dưới chỗ bó bột có thể khiến nấm phát triển, đồng thời khiến da dễ bị nhiễm trùng và tổn thương.
- Không cắt, dũa hoặc phá gỡ những chỗ gồ ghề xung quanh mép của lớp bột thạch cao. Đối với lớp bột bằng sợi thủy tinh, bác sĩ sử dụng công cụ có đầu kim loại để làm mịn các cạnh thô.
- Không tự tháo bột.
- Thăm khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Kết quả của kỹ thuật
Kết quả của bó bột là gì?
Trong khoảng 72 giờ đầu sau khi bó bột, người bệnh sẽ có cảm giác chật chội, căng tức phần chi bó bột do hiện tượng sưng nề tăng lên làm cho bột có xu hướng chặt lại, cần phải thông báo cho bác sĩ để nới bột kịp thời, tránh dẫn đến tình trạng chèn ép bột.
Người bệnh nên quay lại bệnh viện nếu sau khi bó bột và nẹp, vùng thương tổn có cảm giác tê hoặc ngứa ran, châm chích. Bên cạnh đó, những trường hợp sau cũng cần trợ giúp từ y tế:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Da nhợt nhạt hoặc có tông màu hơi xanh
- Cảm giác đau, sưng nhiều hơn
- Rỉ dịch, có mùi hôi từ chỗ bó bột
- Lớp bột bị ướt hoặc bẩn
- Có vết loét, mụn nước hoặc phát ban bên dưới lớp bột
- Giảm khả năng vận động các ngón tay, ngón chân
Quá trình bó bột xương gãy cần nhiều thời gian, có thể là vài tuần, vài tháng để phục hồi tổn thương và xương liền lại. Ban đầu, người bệnh có thể xuất hiện các cơn đau nhưng hết đau chưa phải là xương đã liền chắc. Do đó, chỉ được tháo bột khi xương đã liền vững chắc và do bác sĩ chuyên khoa thực hiện. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý tháo bột kể cả khi thấy các dấu hiệu liền xương vì nếu tự ý tháo bột có thể gây tổn thương da, hoặc xương không liền nếu chưa đủ thời gian bó bột.
Bác sĩ sẽ chỉ định tháo gỡ lớp bột bằng 1 loại cưa đặc biệt khi xương đã đủ thời gian lành. Loại cưa này có thể cắt xuyên qua các lớp bột mà không làm tổn thương vùng da bên dưới. Khi cưa đến lớp đệm bảo vệ và lớp stockinette, bác sĩ sẽ dùng kéo để gỡ bỏ.
Sau khi tháo bột nên tập phục hồi chức năng, vật lý trị liệu để giúp nhanh chóng phục hồi sức mạnh của cơ và biên độ vận động của khớp.
Điều cần thận trọng
Bó bột có nguy hiểm không?
Nhìn chung, bó bột là kỹ thuật phổ biến và hiệu quả nhưng cần tuân thủ các nguyên tắc nghiêm ngặt nếu không có thể gây ra nhiều vấn đề cho người bệnh. Nguyên nhân dẫn đến biến chứng do bó bột có thể khách quan (tổn thương từ đầu) hoặc do sự thiếu hiểu biết và cẩn trọng của y bác sĩ thực hiện. Các biến chứng này có thể nhẹ hoặc nặng tùy theo thời gian bó bột:
Loét do tì đè: Vết loét có thể xuất hiện trên vùng da dưới vị trí được bó bột. Điều này có thể xảy ra do bó bột quá chặt hoặc không vừa vặn, gây áp lực quá mức lên một vùng cơ thể.
Hội chứng chèn ép khoang: Đây là một trong những biến chứng chính xảy ra do bó bột quá chặt hoặc quá cứng, từ đó làm co các chi bị sưng. Khi áp lực phía dưới chỗ bó bột tăng lên, các cơ, dây thần kinh và mạch máu ở vùng bó bột dễ bị tổn thương. Tổn thương này có thể tồn tại vĩnh viễn nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Một số biểu hiện của hội chứng chèn ép khoang:
- Tê hoặc ngứa ran ở chi bị ảnh hưởng
- Da lạnh, nhợt nhạt hoặc có màu hơi xanh
- Cảm thấy bỏng rát hoặc châm chích
- Đau và sưng nhiều
[embed-health-tool-bmi]
Từ khóa » Bó Bột Tay Bị Cong
-
Sau Bó Bột Tay Còn Cong | Website Bệnh Viện Nhi đồng 2
-
Tay Bị Cong Sau Bó Bột Phải Làm Sao? - Vinmec
-
Sau Gãy Tay Xương Còn Lệch Và Cong Nên Làm Gì? - Vinmec
-
Tay Bị Cong Sau Khi Tháo Bột Có Nguy Hiểm? Cách Khắc Phục
-
Sau Bó Bột, Xương Vẫn Bị Cong, Chữa Ra Sao?
-
Tay Bị Cong Sau Bó Bột Phải Làm Sao? - Mới Nhất 2022
-
Làm Gì Khi Tay Cong Sau Cắt Bột? | Báo Dân Trí
-
Gãy Xương Bó Bột Và Những Biến Chứng Nguy Hiểm | TCI Hospital
-
Gẫy Tay Bao Lâu Tháo Bột? | TCI Hospital - Bệnh Viện Thu Cúc
-
Bó Bột Sau Gãy Xương Và Những điều Bạn Cần Lưu ý
-
Tay Trẻ Bị Cong Sau Khi Bó Bột Gãy Xương Cành Tươi, Chữa Thế Nào?
-
Hướng Dẫn Chăm Sóc Băng Bó Bột Và Nẹp Bột - Bệnh Viện FV
-
Tay Teo Sau Khi Bó Bột Do Gãy Xương - VnExpress Sức Khỏe
-
Xương Bị Di Lệch Sau Khi Lành, Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục?
-
Phục Hồi Vận động Sau Bó Bột
-
Gãy Xương: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách điều Trị