Bộ Công An Nói Về Việc đưa Thông Tin Xuyên Tạc Trên Mạng Xã Hội

Ngày 12-5, Thượng tá Phạm Trung Chính, Phó Trưởng Công an TP Huế, xác nhận với Pháp Luật TP.HCM, đơn vị đã tiếp nhận đơn của chị HPN (22 tuổi, ở TP Huế) và giao cho Đội cảnh sát hình sự xác minh theo trình tự thủ tục pháp luật.

Người dùng mạng xã hội nên cẩn trọng trong việc chọn lọc, chia sẻ thông tin. Ảnh: NGỌC KHUYẾN

Người dùng mạng xã hội nên cẩn trọng trong việc chọn lọc, chia sẻ thông tin. Ảnh: NGỌC KHUYẾN

Trước đó, cộng đồng mạng “dậy sóng” trước việc một cô gái tại Thừa Thiên - Huế trả lời phỏng vấn và khẳng định “con trai mà chạy xe số thì hơi dơ dơ, không tử tế…”.

Tuy nhiên, cô gái cho hay nội dung clip đã bị cắt ghép, không đúng sự thật. Theo chị N, sau khi phát hiện nội dung clip phỏng vấn bị cắt ghép, bản thân chị bị khủng bố tinh thần bởi rất nhiều bình luận và tin nhắn từ người lạ nên đã làm đơn trình báo sự việc đến cơ quan công an.

Cũng liên quan đến vấn đề này, mới đây, Bộ Công an đã thông tin về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào? Mức độ hành vi như thế nào thì bị xử lý hình sự?

Bộ Công an cho biết Điều 101 Nghị định 15/2020 (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định 14/2022), quy định “phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Mức phạt tiền nêu trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Người vi phạm còn bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân… thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà BLHS 2015 điều chỉnh.

“Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Việc này được quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm cụ thể như: Tội vu khống (Điều 156); tội làm nhục người khác (Điều 155); tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331).

Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337); tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước (Điều 338); tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362)…

Cũng theo Bộ Công an, khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của BLHS 2015, Nghị định 15/2020, Nghị định 14/2022 để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.•

PHÚC BÌNH-NGUYỄN DO Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Nói Sai Sự Thật Trên Mạng Xã Hội