Nói Sai Sự Thật Trên Mạng Xã Hội Sẽ Bị Xử Lý Như Thế Nào?

Trên mạng xã hội có nhiều người tự do nói về người khác về nhiều vấn đề khác nhau. Tôi không biết vấn đề này thì pháp luật xử lý như thế nào?

Hỏi: Trên mạng xã hội có nhiều người tự do nói về người khác về nhiều vấn đề khác nhau. Tôi không biết vấn đề này thì pháp luật xử lý như thế nào?

(Lê Phương Uyên, Cam Ranh)

Trả lời: Theo qui định của pháp luật thì những hành vi bịa đặt, bôi nhọ để xúc phạm danh dự, uy tín của một cá nhân hay tập thể đều bị xem là vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hành chính, hình sự. Trước đây, khi chưa có mạng Interrnet thì hành vi vi phạm thường thể hiện qua lời nói, chữ viết, hình ảnh… Hiện nay, với sự phát triển của các trang mạng xã hội đã có rất nhiều trường hợp một số người lợi dụng các trang mạng xã hội để xúc phạm uy tín, danh dự người khác với mục đích cá nhân. Vì trang mạng xã hội hầu như không kiểm duyệt thông tin nên người sử dụng nó để đưa thông tin, hình ảnh, clip lên thì phải chịu trách nhiệm trước các nội dung đó theo quy định của Luật An ninh mạng. Nếu các thông tin được cá nhân đưa lên mạng xã hội mà không đúng sự thật thì tùy mức độ có thể bị xử lý về mặt hành chính hoặc hình sự. Ngoài ra, nếu hành vi đó gây thiệt hại về tài sản, nhân thân thì có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật dân sự.

Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc… với mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

TKTS

Từ khóa » Nói Sai Sự Thật Trên Mạng Xã Hội