Bộ Công Thương "nối Cầu" Hợp Tác Cho Doanh Nghiệp Việt Nam- Algeria

Dự kiến 40 doanh nghiệp Việt Nam và Algeria sẽ giao thương trực tuyến

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay: Có diện tích lớn nhất châu Phi, dân số đông, Algeria là thị trường tiềm năng cho Việt Nam xuất khẩu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thế mạnh như hạt tiêu, điều, thuỷ sản nước ngọt- đây cũng là những sản phẩm quốc gia này không sản xuất được.

Mặc dù Algeria có chủ trương hạn chế nhập khẩu nhưng quốc gia này vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn mặt hàng tiêu dùng, đây cũng là điểm thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu. Dù vậy, ông Hoàng Minh Chiến cho rằng, thương mại song phương Việt Nam – Algeria còn hạn chế.

Bộ Công Thương
Bộ Công Thương "nối cầu" hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam- Algeria

“Thông qua sự kiện ngày hôm nay, chúng tôi hy vọng tạo cầu nối hiệu quả giúp doanh nghiệp 2 nước tìm hiểu thông tin thị trường, năng lực cung ứng tiến tới hợp tác sản xuất, kinh doanh”, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cho hay.

Thông tin cụ thể hơn về tình hình thương mại, cơ hội hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp 2 nước, ông Hoàng Đức Nhuận- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Algeria, nói: Trao đổi thương mại giữa 2 nước còn khiêm tốn, chưa phản ánh đúng thực lực. Từ năm 2016- 2021 xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria giảm đáng kể do dịch Covid-19.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê, điều, nhôm, sắt, hoá chất, thuỷ sản, quế, dệt sợi, quần áo, phụ tùng ô tô dưới 12 chỗ, hạt tiêu sang Algeria và nhập khẩu từ thị trường này mặt hàng chân gà, thuốc, thức ăn gia súc, rau quả, nguyên liệu sản xuất giày dép, gỗ và chế phẩm từ gỗ.

Ông Hoàng Đức Nhuận cũng nhấn mạnh: Triển vọng hợp tác kinh tế giữa 2 nước khá tốt. Việt Nam- Algeria duy trì quan hệ trên nhiều lĩnh vực suốt 60 năm qua và tiếp tục được củng cố khi trao đổi các đoàn cấp cao giữa 2 nước được mở rộng, tăng cường hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, duy trì phiên họp liên chính phủ 2 năm một lần và khung pháp lý cũng được tăng cường.

May mặc- một trong những sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Algeria
May mặc- một trong những sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Algeria

Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm nhiều hơn tới tiềm năng kinh tế thương mại của Algeria, số lượng giao dịch ngày càng tăng. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam đã nghĩ tới việc đầu tư vào Algeria.

Mặt khác, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu giữa 2 nước không cạnh tranh mà mang tính bổ sung cho nhau. Việt Nam có gần 100 triệu dân, Algeria với 44 triệu dân, cả 2 có vị trí kinh tế chiến lược và là cửa ngõ để bước vào khu vực, do vậy tiềm năng hợp tác là rất lớn.

“Hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác nhất là trong lĩnh vực xây dựng, chế biến hàng nông thuỷ sản, hàng tiêu dùng và du lịch. Mặt hàng tiềm năng cho giao thương là nông sản, bao bì, cà phê, hạt tiêu, chè, máy móc thiết bị dụng cụ, dầu ô liu, dầu thô, khí đốt, giấy và giấy vụn, khoáng sản…”, ông Hoàng Đức Nhuận thông tin.

Dù vậy, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Algeria cũng chia sẻ: Có một số khó khăn trong hợp tác phát triển kinh tế song phương. Khoảng cách địa lý giữa 2 nước xa với hơn 10.000km, chi phí vận chuyển cao, thời gian dài từ 45-2 tháng với đường biển. Thuế hải quan ở Algeria cao, tổng cộng 83%. Các nhà đầu tư Algeria ít quan tâm tới thị trường Việt Nam do thiếu thông tin. Công ty 2 nước chủ yếu sử dụng phương thức xuất khẩu qua công ty trung gian. Và cuối cùng là rào cản ngôn ngữ, doanh nghiệp Algeria chủ yếu sử dụng tiếng Pháp, doanh nghiệp Việt Nam sử dụng tiếng Anh.

Trước những khó khăn đã được chỉ ra, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Algeria, đề xuất: Chính phủ 2 nước hoàn thiện khung khổ pháp lý, thành lập hội đồng doanh nghiệp Việt Nam – Algeria, kiện toàn và nâng cao vai trò của các cơ quan bộ, ngành, tổ chức xúc tiến thương mại và uỷ ban hỗn hợp 2 nước; tăng cường nhận thức cộng đồng về tiềm năng hợp tác thông qua việc tổ chức các diễn đàn, hội thảo; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại… giúp doanh nghiệp 2 nước tìm kiếm đối tác tin cậy, vượt qua các trở ngại.

Về phía doanh nghiệp, cần tăng cường liên hệ với các cơ quan ngoại giao, bộ ngành, tổ chức xúc tiến thương mại để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ triển lãm, ưu tiên tiếp xúc và giao thương trực tiếp với doanh nghiệp Algeria. Quan tâm tới tập quán và quy tắc giao dịch thương mại, thiết lập mối quan hệ đối tác liên kết và đầu tư.

Từ khóa » Gỗ Quế Và Gỗ Thông