Bố Cục #1: Hình Tam Giác

Đây là bài đầu tiên tớ viết về bố cục, có thể sê ri này gồm tầm chục bài, từng bài là 1 kiến thức mà tớ biết về bố cục. Tớ viết về bố cục không phải mong mọi người ghi nhớ từng thứ và tỉ mỉ làm theo thật chính xác, mà tớ mong mọi người hãy đọc, hiểu và sử dụng nó một cách bản năng, giống như Henri Cartier-Bresson từng lo sợ có ngày các đường 1/3 được hiện luôn trên viewfinder để ai ai cũng răm rắp làm theo, ngoài ra còn để mọi người có nhiều cách lựa chọn khung hình hơn khi chụp một bức ảnh. Ngày xưa tớ mới bắt đầu chụp, tớ thấy tìm kiếm về bố cục trên mạng và chỉ thấy mọi người nói về mỗi bố cục 1/3 nên tớ sử dụng nó hầu như mọi trường hợp, cho rằng chủ thể không nằm ở điểm mạnh, hay ít ra là trên đường mạnh thì là một bố cục chả ra sao, mãi mới thoát được định kiến đấy. Thông qua loạt bài về bố cục này mong đừng ai như tớ ngày ấy. Mọi người cũng nên hiểu rằng trong một khung hình, chúng ta có thể áp dụng nhiều loại bố cục vào, hoặc chỉ sử dụng một loại duy nhất, điều quan trọng nhất là đừng để cho khung hình rắc rối quá như một bãi rác. Vài túi rác màu mè đặt trong đại sảnh dát vàng có thể lãng mạn, nhưng một núi rác thì chỉ thấy thối thôi haha.

Giờ mới vào nội dung chính. Theo lý thuyết, bố cục nhiếp ảnh là cách lựa chọn góc chụp để khung hình cân đối với mắt người xem. Cân đối là như này, ví dụ như trên 1 cái cân, các cậu đặt vài thứ vào 1 bên cân, vài thứ khác vào bên còn lại, trọng lượng hai bên bằng nhau thì không bên nào trĩu xuống, mặc dù cho những thứ đặt lên cân không giống nhau. Cân đối trong khung hình cũng vậy, những thứ trong khung hình đều có một trọng lượng nào đó, sắp xếp sao cho nó cân đối toàn khung hình, đừng để cho một góc nào đó trên khung hình nặng hơn các góc còn lại là được (thật ra định nghĩa cái trọng lượng này rất trừu tượng, nhiều khi thấy rằng ảnh chả cân bằng gì cả mà vẫn đẹp, thật ra là do trọng lượng nó tính kiểu khác, các bạn phải tự cảm nhận thôi, dần dần xem ảnh nhiều thì sẽ thấy được, đừng lo).

3334264_symmetricphotos14

(Ảnh trên mạng, tớ không biết tên tác giả, sr ha)

Đối xứng cả 2 bên, một cách đơn giản và rất hiệu quả để cân bằng khung hình, nhưng nếu không sử dụng thêm nhiều thứ như cách kết hợp màu sắc, hình học, … thì ảnh dễ nhàm chán như ảnh bố mẹ chụp mình hồi bé.

sf-05

(Ảnh trên mạng, tớ không biết của ai, sr)

Còn ảnh này chúng ta thấy vẫn ok dù không gian xung quanh chủ thể trống hoác, chả có cái gì đối xứng với chủ thể để cân đối lại ” trọng lượng” những thứ trong khung hình. Thật ra không gian trống cũng mang một ” trọng lượng” nhưng nhẹ hơn chủ thể rất nhiều, vì thế nó phải lớn hơn chủ thể để cân bằng lại khung hình, cơ mà cũng tùy trường hợp, tùy từng khung hình thôi (yên chí, xem ảnh nhiều rồi ai cũng cảm nhận được trọng lượng ấy thôi hì).

Có một cách rất đơn giản để khung hình luôn cân đối, đấy là sử dụng bố cục hình tam giác. Các cậu hãy nghĩ lại, một chiếc ghế có mấy chân thì vững chắc nhất? 3 chân, vì 3 chân có không đồng đều độ dài thì vẫn giữ được cho ghế không đổ. Trong một bức ảnh cũng vậy, nếu có 3 thứ liên quan đến nhau thì đảm bảo 3 thứ ấy dù “trọng lượng” khác nhau cũng không làm bức ảnh mất cân bằng được. Đây là bố cục rất hay, rất dễ sử dụng, nó giúp cho khung hình cân bằng và cũng khá tốt để lấp đầy khung hình.

koudelka3

© Josef Koudelka, 1966

Bức ảnh trên của Josef Koudelka tạo ra bố cục hình tam giác bằng 3 khuôn mặt, một của người đàn ông, một của bức ảnh, và một của đồng xu, qua đó mà bức ảnh rất cân đối, ngoài ra cũng còn không nhiều không gian thừa làm chúng ta mất tập trung vào nội dung.

alex-webb3

© Alex Webb, 2008

Ảnh này rất tuyệt, cách người phụ nữ đặt tay lên trái tim và vẻ mặt mệt mỏi rất cảm xúc. Nhưng nếu chỉ có thế thì bức ảnh chưa đủ hay, 3 chú chó nhỏ tạo thành một hình tam giác bao lấy người phụ nữ làm bức ảnh bớt đơn điệu và cân bằng hơn rất nhiều, các cậu thử tưởng tượng nếu không có 3 chú chó đó xem bức ảnh nó thường đến nhường nào.

alex-webb3-2

3 chú chó tạo thành hình tam giác.

alex-webb3-3

Mỗi chú chó đi một hướng.

Nhưng điều hay nhất của bức ảnh không chỉ dừng lại ở đó, mà là ở hướng đi khác nhau của cả 3 chú chó. Mỗi con đi một hướng, chia tách nhau, làm tớ tưởng tượng đến cảnh “ngũ mã phanh thây” ngày xưa, hay ở trong bức ảnh này là giằng xé người phụ nữ.

alex-webb2

© Alex Webb, 2004

Với hậu cảnh không có gì đặc biệt, hai cậu bé và một trái bóng trên không tạo nên một hình tam giác, đủ để người xem thỏa mãn.

alex-webb2

3 chủ thể với hậu cảnh đơn giản tạo thành hình tam giác.

Nhưng điều quan trọng nhất của bức ảnh là Alex Webb biết chọn đúng thời điểm trái bóng trên không trung để bấm máy.

alex-webb2-noball

Nếu không có trái bóng

Các cậu thử so sánh ảnh trên với ảnh này xem có thấy ảnh này hơi bực mình không. cứ thiếu thiếu ra làm sao, mà tớ còn thấy cậu bé thò đầu vào ở bên trái còn thừa thãi kinh khủng nữa. Vì vậy có thêm trái bóng vào là khung hình khác hẳn. Mà giờ tớ xóa thêm cậu bé thừa thãi kia thì khung hình còn lại đúng cậu bé ở giữa, ừ thì bức ảnh nó nhìn ko bực mình như này, cũng chả làm sao, mỗi tội nó chả ra sao vì khung hình 2 bên trống quá và không đặc sắc thôi. Thế nên là lựa chọn thời điểm có cả 3 thứ là đúng đắn nhất, không chối cãi.

Kết luận, bố cục hình tam giác là bố cục rất tuyệt trong nhiếp ảnh, nó mang lại sự cân đối cho bức ảnh, lấp đầy khung hình và dễ sử dụng. Đơn giản nhất là lựa chọn một khung hình có 3 chủ thể hoặc nhiều hơn nhưng vẫn phải có 3 chủ thể liên quan tới nhau. Không cần phải là 3 người, cũng chẳng cần sự hiện diện của người, các cậu thử xem lại ảnh đầu tiên trong bài viết này, cái ảnh 2 ô cửa sổ và một cái xô hay gì đó ý xem nó có phải tạo thành một hình tam giác không ha.

Vậy nên là thỉnh thoảng áp dụng bố cục này vào ảnh của mình nha (đừng lạm dụng cái gì quá, còn nhiều bố cục để sử dụng, tùy khung hình mà chọn cái phù hợp nhất). Thật ra nhiều khi bố cục hình tam giác này được tạo ra không phải vì bạn cố ý mà có thể do vô ý, lúc chụp nghĩ rằng như này, về nhà xem ảnh lại nhận ra như kia, hoặc sau này xem lại mới nhận ra blah blah. Dù sao thì cuối cùng, chỉ cần nó hiệu quả là được. Chúc các cậu may mắn với những bức ảnh.

Lưu ý: Bài viết có sử dụng tư liệu của blog Eric Kim.

Từ khóa » Bố Cục Tam Giác Vàng