Bộ đề Đọc Hiểu Việt Bắc Hay Nhất - Top Lời Giải

Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu Việt Bắc hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Đọc hiểu Việt Bắc đầy đủ nhất.

Mục lục nội dung Đề Đọc hiểu Việt Bắc - Đề số 1Đề Đọc hiểu Việt Bắc - Đề số 2Đề Đọc hiểu Việt Bắc - Đề số 3Đề Đọc hiểu Việt Bắc - Đề số 4

Đề Đọc hiểu Việt Bắc - Đề số 1

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

“- Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

- Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

(Việt bắc – Tố Hữu)

Câu 1: Đoạn thơ trên tập trung làm nổi bật điều gÌ? Mười lăm năm ấy là khoảng thời gian nào? Tại sao gợi nhớ Mười lăm năm ấy ?

Câu 2: “Mười lăm năm” là khoảng thời gian nào?

Câu 3: Trong đoạn thơ ai là người lên tiếng trước?

Câu 4: Hình ảnh “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay” diễn tả những cung bậc cảm xúc nào?

Câu 5: Biện pháp tu từ được sử dụng hiệu quả nhất trong đoạn thơ là gì? Tác dụng của biện pháp tu từ đó?

Câu 6: Sáng tạo của Tố Hữu trong việc sử dụng hình thức của đoạn thơ

Lời giải

Câu 1:

- Đoạn thơ trên tập trung làm nổi bật khung cảnh chia ly

- Con số mười lăm năm vừa mang nghĩa thực, vừa mang nghĩa hư ảo : đó là mười lăm năm cách mạng. mười lăm năm chiến khu Việt Bắc nhưng đồng thời cũng là mười lăm năm gắn bó thuỷ chung giữa cán bộ kháng chiến với nhân dân Việt Bắc

Câu 2: “Mười lăm năm” là khoảng thời gian: Từ thời kỳ kháng Nhật( khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1940) đến khi người kháng chiến trở về thủ đô

Câu 3: Trong đoạn thơ người ở lại là người lên tiếng trước.

Câu 4: Hình ảnh “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay” diễn tả: nỗi nhớ nhung, lưu luyến, bịn rịn giữa kẻ ở và người đi

Câu 5: Biện pháp tu từ được sử dụng hiệu quả nhất trong đoạn thơ là:

- Điêp từ “nhớ”: diễn tả nỗi nhớ tràn đầy, tha thiết

- Hoán dụ “áo chàm”: Chỉ người Việt Bắc, diễn tả tình cảm quân dân gắn bó, tha thiết.

Câu 6: Sáng tạo của Tố Hữu trong việc sử dụng hình thức của đoạn thơ là:

- Hình thức đối đáp của ca dao dân ca với cặp đaị từ” mình – ta”.

- Tố Hữu vận dụng sáng tạo vào việc thể hiện những tính cảm cách mạng lớn lao.

Đề Đọc hiểu Việt Bắc - Đề số 2

Đọc đoạn thơ và trả lời các câu hỏi.

“- Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

– Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

Đọc đoạn thơ trên và thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Đoạn thơ trên thể hiện tâm trạng gì của mình và ta? Mười lăm năm ấy là khoảng thời gian nào? Tại sao gợi nhớ Mười lăm năm ấy ?,

Câu 2: Nêu ý nghĩa tu từ của các từ láy trong đoạn thơ?

Câu 3: Hình ảnh áo chàm sử dụng biện pháp tu từ gì? Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp đó?

Câu 4:Cách ngắt nhịp của câu thơ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay có gì lạ? Nêu hiệu quả nghệ thuật của cách ngắt nhịp đó

Lời giải

Câu 1: Đoạn thơ mở đầu của bài thơ thể hiện những rung động trong trái tim của người đi và người ở trong giờ phút phân ly.4 câu thơđầu là lời ướm hỏi chân thành của Việt Bắc với cán bộ kháng chiến trong giây phút ban đầu của cuộc chia tay. 4 câu sau là sự thể hiện tâm trạng bâng khuâng, lưu luyến, bịn rịn của người đi với người ở lại.

+ Con số mười lăm năm vừa mang nghĩa thực, vừa mang nghĩa hư ảo : đó là mười lăm năm cách mạng. mười lăm năm chiến khu Việt Bắc nhưng đồng thời cũng là mười lăm năm gắn bó thuỷ chung giữa cán bộ kháng chiến với nhân dân Việt Bắc

Câu 2: Những từ láy “ thiết tha, tha thiết, bâng khuâng, bồn chồn” diễn tả chính xác con sóng lòng đang dấy lên trong tâm hồn nhà thơ lúc phân ly

Câu 3: Hình ảnh hoán dụ “Áo chàm” ( chỉ người Việt Bắc) đã thể hiện tình cảm gắn bó của nhà thơ với những người dân Việt Bắc giản dị, nghèo khó mà sâu đậm ân tình.Câu 4: Cách ngắt nhịp 3/3; 3/3/2 diễn tả mộc cách thân tình cái ngập ngừng , bịn rịn trong tâm trạng, trong cử chỉ của người đi kẻ ở. Kỷ vật trao rồi mà mà lòng vẫn quyến luyến không thể rời xa.

Đề Đọc hiểu Việt Bắc - Đề số 3

Đọc đoạn thơ và trả lời các câu hỏi.

“…Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.

Nhớ sao lớp học i tờ

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sao ngày tháng cơ quan

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.

Nhớ sao tiếng mỏ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa…”.

Đọc đoạn thơ trên và thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Đoạn thơ trên thể hiện tâm tư tình cảm gì của tác giả?

Câu 2: Nêu ý nghĩa nghệ thuật các từ “chia ” “sẻ ” “cùng ” trong đoạn thơ?

Câu 3: Hình ảnh bà mẹ Việt Bắc hiện ra như thế nào?

Câu 4: Phép điệp cấu trúc “ Nhớ sao ” đạt hiệu quả nghệ thuật như thế nào ?

Lời giải

Câu 1: Đoạn thơ trên thể hiện tình cảm thương nhớ của người cán bộ cách mạng đối với cảnh vật, con người, kỷ niệm ở Việt Bắc trong những năm kháng chiến vừa qua.

Câu 2: Ý nghĩa nghệ thuật các từ “chia ” “sẻ ” “cùng ” trong đoạn thơ là: những động từ bộc lộ tình cảm đồng cam cộng khổ của Việt Bắc và cách mạng

Câu 3: Hình ảnh bà mẹ Việt Bắc hiện ra:

“người mẹ nắng cháy lưng

địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô”

- Đó là người lao động nghèo khổ, neo đơn nhưng dạt dào ân tình với cách mạng, không ngại vất vả, cực khổ lao động góp phần tạo nên lương thực cho cách mạng nuôi quân.

+ Nắng cháy lưng : gợi thời tiết khắc nghiệt, qua đó nói lên sự vất vả, lam lũ của người mẹ

+ Địu con lên rẫy : lời thơ giản dị, cũng là hình ảnh hiện thực của người mẹ dân tộc.

+ Từ đó tình cảm sắc son cao đẹp của người dân tộc đối với cách mạng càng hiện lên rõ nét.

Câu 4: Phép điệp cấu trúc “ Nhớ sao ” đạt hiệu quả nghệ thuật là: có tác dụng thể hiện nỗi nhớ da diết, nhớ sâu đậm và chân thành. Nỗi nhớ như trải dài vô tận cùng thời gian năm tháng.

Đề Đọc hiểu Việt Bắc - Đề số 4

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

- Mình về thành thị xa xôi

Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng?

Phố đông, còn nhớ bản làng

Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?

Mình đi, ta hỏi thăm chừng

Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui?

- Ðường về, đây đó gần thôi!

Hôm nay rời bản về nơi thị thành

Nhà cao chẳng khuất non xanh

Phố đông, càng giục chân nhanh bước đường.

Ngày mai về lại thôn hương

Rừng xưa núi cũ yêu thương lại về

Ngày mai rộn rã sơn khê

Ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng.

(Trích Việt Bắc - Thơ Tố Hữu – NXB Giáo dục 2003)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là gì?

Câu 2: Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích?

Câu 3: Nêu kết cấu và tóm tắt nội dung của đoạn trích?

Câu 4: Điều anh /chị tâm đắc nhất trong đoạn trích trên là gì? (Trình bày từ 5 đến 7 dòng)

Lời giải

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: biểu cảm

Câu 2: Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích là:

- Câu hỏi tu từ (Mình về... chăng?/ Sáng đèn còn... rừng?/ Mình đi... vui?).

+/ Tác dụng của biện pháp tu từ đó là: Nhấn mạnh, tạo ấn tượng đặc biệt cho đoạn thơ, nhắc nhở người ra đi đừng thay lòng đổi dạ, luôn khắc sâu trong lòng những kỉ niệm sâu đậm với quê hương cách mạng Việt Bắc trong kháng chiến. Dẫu có về thành thị xa xôi, về với phố đông sáng đèn thì những năm tháng gắn bó với chiến khu Việt Bắc vẫn là quãng thời gian không thể nào quên

- Điệp ngữ:

+/ Lặp đi lặp lại cụm từ còn thấy, còn nhớ: có tác dụng nhấn mạnh, lay động tình cảm của người ra đi, nhắc nhở người ra đi luôn khắc ghi trong lòng những kỉ niệm với quê hương Việt Bắc.

+/ Lặp đi lặp lại từ ngày mai nhằm nhấn mạnh niềm tin, niềm hi vọng về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.

Câu 3: Kết cấu của đoạn thơ là: kết cấu đối đáp

- Nội dung chính của đoạn trích là: Mượn lời đối đáp giữa kẻ ở, người đi, đoạn thơ gợi nhắc những kỉ niệm kháng chiến, bày tỏ tình cảm lưu luyến nhớ nhung tha thiết mặn nồng của người đi, kẻ ở, đồng thời khẳng định lối sống nghĩa tình, niềm tin vào một ngày mai tươi sáng.

Câu 4: Học sinh được tự do đưa ra những ý kiến cá nhân và dùng lập luận để bảo vệ ý kiến của mình.

- Có thể nêu những cảm nhận như: Tình cảm tha thiết mặn nồng giữa kẻ ở, người đi; lối sống nghĩa tình trong kháng chiến; niềm tin, niềm hi vọng vào tương lai tươi sáng...

Từ khóa » đọc Hiểu Từ ấy Và Việt Bắc