Bọ Gấu Nước Sắp Trở Thành Sinh Vật "bất Tử" đầu Tiên Trên Thế Giới

Bọ Tardigrades - còn gọi là bọ gấu nước (water bear) - vốn là một sinh vật... sống dai bậc nhất hành tinh này. Chúng có thể chống chọi được mọi điều kiện, từ chân không trong vũ trụ, đến môi trường có áp lực gấp 600 lần áp suất khí quyển. Có điều, chúng cần có nước để sống.

Và mới đây, các khoa học gia thuộc ĐH North Carolina (Mỹ) còn phát hiện ra một khả năng "bá đạo" nữa của gấu nước, đó là biến cơ thể thành thủy tinh để sống thêm hàng thập kỷ trong điều kiện không có nước.

Bọ gấu nước Tardigrades

Cụ thể, gấu nước thường sống ở những nơi ẩm ướt như ao, hồ, rong rêu. Nhưng khi môi trường xung quanh mất hết nước, nó nhanh chóng bao phủ cơ thể bằng một loại protein có cấu tạo như thủy tinh.

Hành động này giúp duy trì các chức năng cơ bản ở tốc độ cực kỳ chậm, khiến chúng có thể sống sót trong nhiều thập kỷ mà không cần đến thức ăn, nước uống. Màng bao bọc này sẽ tự động tan chảy khi có nước.

Theo tiến sĩ Thomas Boothby tại Hiệp hội sinh học tế bào Mỹ thuộc ĐH North Carolina, các protein này có vai trò cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố duy nhất giúp cho sinh vật này đến gần với điểm tiệm cận của trạng thái "bất tử" - như việc có thể sống sót trong điều kiện nhiệt độ cực thấp tại Bắc Cực.

Thực chất từ trước phát hiện này, gấu nước đã được ghi nhận là có thể chống chọi lại môi trường không có nước, nhưng đến nay người ta mới tìm ra nguyên nhân.

Các khoa học gia hy vọng rằng những nghiên cứu trong tương lai có thể giúp chúng ta hiểu được cơ chế của khả năng này, từ đó đem lại nhiều ứng dụng hơn cho con người.

Boothby chia sẻ: "Việc hiểu được khả năng của gấu nước đem lại rất nhiều ứng dụng, như tạo ra cây trồng chống hạn hán, hoặc sự ổn định của các vật liệu sinh học". Ngoài ra, các loại thuốc và vaccine có thể được bảo quản với chi phí rẻ hơn rất nhiều.

Nghiên cứu được công bố trên Science News.

Nguồn: IFL Science, Science Alert

Từ khóa » Khả Năng Của Bọ Gấu Nước