Bộ Là Gì? Cơ Quan Ngang Bộ Là Gì? Nhiệm Vụ Của Bộ, Các Cơ Quan ...

Mục lục bài viết

  • 1 1. Bộ, cơ quan ngang Bộ là gì?
  • 2 2. Khái quát lịch sử phát triển:
  • 3 3. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động:
  • 4 4. Cơ cấu tổ chức của Bộ:
  • 5 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ và Cơ quan ngang Bộ:

1. Bộ, cơ quan ngang Bộ là gì?

Điều 39 Luật Tổ chức Chính phủ 2015 quy định cụ thể: Bộ, cơ quan ngang bộ là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc, cụ thể là:

“Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, cơ quan ngang bộ.

Theo quy định pháp luật hiện hành thì cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các bộ, cơ quan ngang bộ. Việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.”

Theo đó, theo quy định tại Nghị quyết 03/2011/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 02/8/2011 thì Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm có 22 bộ và cơ quan ngang bộ. Trong đó, có 18 bộ và 04 cơ quan ngang bộ, cụ thể như sau:

18 Bộ bao gồm:

(1) Bộ Quốc phòng;

(2) Bộ Công an;

(3) Bộ Ngoại giao;

(4) Bộ Nội vụ;

(5) Bộ Tư pháp;

(6) Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

(7) Bộ Tài chính;

(8) Bộ Công thương;

(9) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

(10) Bộ Giao thông vận tải;

(11) Bộ Xây dựng;

(12) Bộ Tài nguyên và Môi trường;

(13) Bộ Thông tin và Truyền thông;

(14) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

(15) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

(16) Bộ Khoa học và Công nghệ;

(17) Bộ Giáo dục và Đào tạo;

(18) Bộ Y tế.

04 cơ quan ngang bộ bao gồm:

(19) Ủy ban Dân tộc;

(20) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

(21) Thanh tra Chính phủ;

(22) Văn phòng Chính phủ.

Cùng với đó, theo Nghị định101/2020/NĐ-CP, Bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.

Bộ trưởng là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu Bộ, lãnh đạo công tác của Bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao trong phạm vi toàn quốc.

Bộ trưởng làm việc theo chế độ thủ trưởng và Quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Thứ trưởng) giúp Bộ trưởng thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể do Bộ trưởng phân công và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Thứ trưởng không kiêm người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc Bộ, trừ trường hợp đặc biệt.

Khi Bộ trưởng vắng mặt, một Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy nhiệm thay Bộ trưởng điều hành và giải quyết công việc của Bộ.

Số lượng Thứ trưởng thực hiện theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ.

Bộ tiếng anh được dịch mà “Ministry”

Cơ quan ngang bộ tiếng anh được dịch là Ministerial agency.

2. Khái quát lịch sử phát triển:

Sau hơn 30 năm đổi mới, bộ máy quản lý Nhà nước ở nước ta được tổ chức sắp xếp, tương đối đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, phù hợp với hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước. Chức năng của các cơ quan hành pháp thuộc Chính phủ đã được rà soát, điều chỉnh, bổ sung theo hướng tập trung vào chức năng quản lý Nhà nước về các ngành, lĩnh vực theo phân công, phân cấp. 

Trong giai đoạn vừa qua, kết quả của việc đổi mới cơ cấu tổ chức Chính phủ là giảm từ 38 cơ quan của Chính phủ nhiệm kỳ 2002-2007 (trong đó có 26 bộ, cơ quan ngang bộ) xuống còn 30 cơ quan của Chính phủ nhiệm kỳ 2007-2011 (gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ) như đã nêu trên và được giữ ổn định trong hai nhiệm kỳ tiếp theo: 2011-2016 và 2016-2021. Tuy nhiên, sau ba nhiệm kỳ Chính phủ, việc đổi mới cơ cấu tổ chức Chính phủ theo quan điểm thành lập các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực cần phải được đánh giá kết quả, hiệu quả, phát hiện những vấn đề còn bất cập và đề xuất những vấn đề cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới.

3. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động:

– Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng; đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng trong mọi hoạt động của Bộ.

– Tổ chức bộ máy của Bộ theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chỉ thành lập tổ chức mới khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

– Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ bảo đảm không chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ.

– Công khai, minh bạch và hiện đại hóa hoạt động của Bộ.

4. Cơ cấu tổ chức của Bộ:

Cơ cấu tổ chức của Bộ gồm: Vụ; Văn phòng; Thanh tra; Cục (nếu có); Tổng cục (nếu có); đơn vị sự nghiệp công lập.

Các đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng Bộ, gồm: Các đơn vị nghiên cứu chiến lược, chính sách về ngành, lĩnh vực; Báo, tạp chí; Trung tâm Thông tin; Trường hoặc Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Học viện thuộc Bộ.

Số lượng cấp phó của người đứng đầu văn phòng, thanh tra, vụ, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ.

Nghị định nêu rõ, không tổ chức phòng trong vụ. Riêng trường hợp vụ có nhiều mảng công tác hoặc khối lượng công việc lớn, Bộ trình Chính phủ quyết định số lượng phòng trong vụ tại Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ.

5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ và Cơ quan ngang Bộ:

Được quy định trong toàn bộ Chương II với 11 Điều về: Pháp luật; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; hợp tác quốc tế; cải cách hành chính; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực; doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế tập thể, tư nhân khác; hội, tổ chức phi Chính phủ; tổ chức bộ máy, biên chế công chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; về cán bộ, công chức, viên chức; kiểm tra, thanh tra; quản lý tài chính, tài sản.

Cụ thể, Bộ có nhiệm vụ trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Chính phủ và các nghị quyết, dự án, đề án theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng  Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ còn có nhiệm vụ trình Chính phủ có ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh do các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; trình Chính phủ quyết định các biện pháp để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm và các dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật; công bố (trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước) và tổ chức chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sau khi được phê duyệt. Thẩm định về nội dung các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi các chương trình, dự án, đề án thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ; phê duyệt và quyết định đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền của Bộ theo quy định của pháp luật.

– Về cải cách hành chính, Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực cho chính quyền địa phương; quyết định phân cấp hoặc ủy quyền cho chính quyền địa phương thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Bộ; quyết định và tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính, công khai thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực; quyết định phân cấp hoặc ủy quyền cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Bộ; cải cách tổ chức bộ máy của Bộ bảo đảm tinh gọn, hợp lý, giảm đầu mối, bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ theo phân công của Chính phủ; thực hiện đổi mới phương thức làm việc, hiện đại hóa công sở, văn hóa công sở và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào hoạt động của Bộ.

Về quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực, Bộ trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách về cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công; thực hiện xã hội hóa các hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý; trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý…

Bộ cũng có nhiệm vụ trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ và các chương trình, chiến lược định hướng phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, các loại hình kinh tế tập thể, tư nhân khác thuộc các thành phần kinh tế trong ngành, lĩnh vực. Kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với ngành, nghề kinh doanh, dịch vụ có điều kiện theo quy định của pháp luật và xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền.

– Về tổ chức bộ máy, biên chế công chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ có nhiệm vụ trình Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ và của cơ quan thuộc Chính phủ được phân công quản lý; trình Chính phủ quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể tổng cục và tổ chức tương đương (sau đây gọi chung là tổng cục), vụ, cục và tương đương thuộc Bộ. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổng cục thuộc Bộ.

Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn việc phân loại, xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của vụ, cục, thanh tra, văn phòng, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục; vụ, cục, văn phòng, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục theo quy định của pháp luật…

– Về cán bộ, công chức, viên chức, Bộ có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, tạm đình chỉ công tác đối với Thứ trưởng. Quy định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ các ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thuộc lĩnh vực được giao quản lý sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ. Quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; hướng dẫn tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ theo quy định của pháp luật…

Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:

– Luật Tổ chức Chính phủ 2015;

– Nghị định101/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

– Nghị quyết 03/2011/QH13 về Cơ cấu tổ chức của Chính phủ và số phó thủ tướng Chính phủ.

Từ khóa » Bộ Là Cái Gì