Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về Cán Bộ, Công Tác Cán Bộ Và Thực Tiễn Vận ...

Turn on more accessible mode Turn off more accessible mode

SÁCH THEO LĨNH VỰC

  • Bộ luật - Luật
  • Lý luận - Chính trị
  • Hình sự - Hành chính
  • Dân sự - Kinh tế
  • Pháp luật quốc tế
  • Hướng dẫn nghiệp vụ
  • Văn hóa pháp lý
  • sách liên kết xuất bản
  • Giáo trình

Liên kết website

Chọn website Bộ Tư pháp Đảng Cộng sản Việt Nam Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Nghiên cứu trao đổi Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, công tác cán bộ và thực tiễn vận dụng 15/09/202 Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, Người trực tiếp sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do cho dân tộc. Người là hiện thân mẫu mực của người đảng viên đảng cộng sản, kiên định với mục tiêu, lý tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người là một chiến sĩ cách mạng suốt đời đấu tranh vì độc lập tự do và hạnh phúc của dân tộc, vì tình hữu nghị và đoàn kết quốc tế giữa các quốc gia và dân tộc yêu hòa bình. Người là tấm gương sáng về đạo đức, tác phong công tác để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân noi theo. Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tại cho Đảng, cho nhân dân ta vô cùng to lớn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, Người coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước. Hệ thống các quan điểm trong tư tưởng của Người về công tác cán bộ là sự kết hợp tinh tế giữa lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam, trở thành cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu đặt ra trong từng thời kỳ cách mạng trước đây và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay. Trong phạm vi bài viết, các tác giả không có tham vọng hệ thống hóa toàn bộ các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ mà chỉ trình bày khái quát những quan điểm cơ bản của Người, từ đó làm rõ thêm giá trị, tính thời sự, tính cấp thiết đối với công tác cán bộ của Đảng ta hiện nay. 1. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người cán bộ cách mạng Việc nghiên cứu hệ thống các quan điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh về người cán bộ cách mạng qua các thời kỳ cho thấy nổi lên những giá trị lớn sau: Người cán bộ phải có đạo đức cách mạng    Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao đạo đức của người cán bộ cách mạng. Người cho rằng, cán bộ chỉ có giác ngộ chính trị chưa đủ, mà còn phải thấm nhuần, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Người từng viết: “… Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”[1]. Người coi đó là thuộc tính nhất quán trong mọi hoàn cảnh, bởi đã là cán bộ cách mạng thì phải có đạo đức cách mạng. Người cán bộ chân chính phải biết giữ đạo đức cách mạng. Bởi vì, mọi việc thành hay bại là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là gốc của tình trạng suy thoái đạo đức cách mạng, là căn bệnh nguy hiểm nhất phải tập trung chữa trị từ sớm. Người căn dặn các cán bộ của Đảng phải tránh sa vào chủ nghĩa cá nhân, ví chủ nghĩa cá nhân là một thứ “vi trùng rất độc”, nó là thứ “bệnh mẹ”, do nó mà sinh ra các thứ “bệnh con”, các chứng bệnh nguy hiểm như: bệnh quan liêu, bệnh tham lam, bệnh kiêu ngạo, bệnh lười biếng, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương… Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng của người cán bộ phải được thường xuyên rèn dũa, giống như “ngọc càng mài càng sáng”, thể hiện rõ trong công tác và trong sinh hoạt thường ngày. Đó là: Trung với nước, hiếu với dân. Theo đó, người cán bộ cách mạng phải thể hiện trung thành, tận tụy, cống hiến vì lợi ích của Tổ quốc; phải vì lợi ích của nhân dân, mưu cầu hạn phúc cho nhân dân. Người khuyên cán bộ, đảng viên phải gắn bó với dân, thương dân, lấy trí tuệ ở dân, học hỏi dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định mình là công bộc của dân: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”[2]. Trung với nước, hiếu với dân là hạt nhân cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, là tiêu chuẩn đạo đức quan trọng nhất đối với cán bộ, đảng viên. Có tình thương yêu con người, tình thương đồng bào, đồng chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tình thương yêu con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải trở thành những tấm gương có sức cảm hóa, phải luôn yêu thương con người, yêu thương đồng bào, đồng chí mình; phải bao dung, độ lượng, kể cả đối với những người trót lầm đường lạc lối nhằm đánh thức lương tri, đánh thức phần thiện trong con người của họ. Chỉ như thế mới thu phục được quần chúng, dẫn dắt quần chúng, cùng đồng chí mình vượt qua khó khăn và thách thức. Phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đó là đạo đức, là phẩm chất trung tâm của người cán bộ cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cần - là cần cù, chịu khó; kiệm - là tiết kiệm của công, không lãng phí; liêm - là không tham ô, sống trong sạch; chính - phải luôn ngay thẳng, chính trực; chí công vô tư - là sự rạch ròi giữa việc công và việc tư, phải đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Người nhắc nhở cán bộ: việc tu dưỡng, rèn luyện phải được thực hiện hàng ngày, hàng giờ, trong công tác, sinh hoạt gia đình, xã hội, ở mọi không gian, thời gian và lấy chính bản thân mình làm đối tượng để rèn dũa “giống như rửa mặt hàng ngày”. Phải có tinh thần trách nhiệm trước công việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các cán bộ của Đảng, dù ở bất kỳ cương vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người có tinh thần trách nhiệm là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, thì cũng đem cả tinh thần và sức lực làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công; luôn nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng và làm tròn nhiệm vụ. Trái lại, làm một cách cẩu thả, làm cho xong chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy… là không có tinh thần trách nhiệm; còn bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư, tự lợi là trái hẳn với tinh thần trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, bất cứ nấu bếp, quét nhà hay làm chủ tịch đều phải lao động cả. Bởi lao động là vẻ vang. Do đó, tình yêu lao động và lao động sáng tạo là một trong những chuẩn mực cơ bản của đạo đức cách mạng. Điều đó đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong lao động, đem hết nhiệt tình, trí tuệ làm cho lao động của mình, của tập thể đạt được năng suất và hiệu quả ngày càng cao trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần làm cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc mau đến thành công. Người cán bộ phải tích cực học tập và tự trau dồi kiến thức, phải được huấn luyện và rèn luyện kỹ năng để trưởng thành Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc học tập chính trị của cán bộ. Người từng nhắc nhở: “mỗi cán bộ, đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”.[3] Người cho rằng, phải có lý luận, phải có chủ nghĩa thì tinh thần mới vững, hành động mới nhất quán. Người cán bộ phải trước hết là người hiểu đúng, quán triệt sâu sắc mọi chủ trương, đường lối của Đảng. Hiểu đúng rồi thì đem ra vận dụng để cho công việc thành công. Với quan niệm “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[4]. Để huấn luyện, bồi dưỡng và làm cho cán bộ trưởng thành, Đảng phải bỏ nhiều công sức, phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để huấn luyện, học tập có kết quả thì trước hết phải xác định đúng mục đích huấn luyện, học tập. Người căn dặn, cán bộ đi học là để “làm việc, làm người, làm cán bộ”[5]; học để sửa chữa tư tưởng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ, việc đào tạo cán bộ là việc hết sức hệ trọng: phải đào tạo một đội ngũ cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc. Có thế Đảng mới thành công. Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo, không dám phụ trách, như thế là một việc thất bại của Đảng. Đào tạo thế là phí công, phí của, vô ích. Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc phê phán cách đào tạo hình thức, chạy theo số lượng mà không thiết thực, chu đáo, chất lượng kém. Người cho rằng “học phải đi đôi với hành”, “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”[6]. Người học phải biết tự giác học tập, xác định mục đích, động cơ học tập. Học tập lý luận “theo nguyên tắc: kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng nhau”. Cách học tập là: “lấy tự học làm cốt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”[7]. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, phải có tác phong dân chủ, nói đi đôi với làm Khi bàn về vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt cán bộ trong sự tổng hòa các mối quan hệ. Người coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vai trò của người cán bộ được Người ví theo cách rất tự nhiên, như: cây thì phải có gốc, không có gốc thì cây héo, sông thì phải có nguồn, không có nguồn thì sông cạn. Trong mọi việc của cách mạng, của Đảng phải có người cán bộ đứng ra để thực hiện, không có cán bộ thì không thể hoàn thành. Người còn ví, cán bộ như cái dây chuyền của bộ máy liên quan đến nhiều bộ phận, nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Người cũng ví: cán bộ là cầu nối, là người trực tiếp đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Như vậy, nếu cán bộ dở thì một mặt chính sách không thể thực hiện được, mặt khác việc hoạch định, xây dựng chính sách mới sẽ sai lầm hoặc không phù hợp. Thực tiễn của các thời kỳ cách mạng cho thấy, trong tất cả mọi công việc của Đảng dù to hay nhỏ, cán bộ là yếu tố trung tâm, then chốt và mang tính quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn. Cán bộ, đảng viên phải xung phong gương mẫu, bàn bạc một cách dân chủ với mọi người, khuyên mọi người phát biểu ý kiến. Người từng nhắc nhở: trong phong cách làm việc, phong cách công tác, phong cách lãnh đạo của cán bộ phải chống bệnh hẹp hòi, nghĩa là phải tuyệt đối nhằm vào lợi ích của toàn quốc, lợi ích của toàn Đảng. Người chỉ rõ: nguyên nhân của bệnh có nhiều, nhưng chủ yếu là do ham danh vọng và địa vị, nên khi ở cương vị phụ trách thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì đẩy ra. Hậu quả của bệnh hẹp hòi là gây chia rẽ, mất đoàn kết giữa cán bộ cấp trên phái đến và cán bộ địa phương, cán bộ cũ và cán bộ mới, giữa bộ phận và toàn cục, cán bộ cơ quan này và cán bộ cơ quan khác, địa phương này và địa phương khác… Cán bộ mắc bệnh hẹp hòi đẻ ra nhiều thứ bệnh khác như không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi. Thậm chí dìm người giỏi. Nói đi đôi với làm là một truyền thống, một chuẩn mực hành vi đạo đức của dân tộc Việt Nam, là một nét đẹp truyền thống đạo đức phương Đông như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Người phương Đông giàu tình cảm, đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Người yêu cầu cán bộ phải thống nhất giữa nói và làm, tư tưởng phải chuyển hóa thành hành động cụ thể, hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện lý tưởng cao cả của Đảng và dân tộc. Đối với cán bộ của Đảng, Người từng căn dặn “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, để dân tin, dân quý, dân ủng hộ, người đảng viên phải làm trước, đi trước, dù có gian khổ, hy sinh cũng không kêu ca, phàn nàn. Nói đi đôi với làm còn là cách để cấp trên gương mẫu với cấp dưới, là để cầm tay, chỉ việc giữa người có kinh nghiệm với người mới, người chưa có kinh nghiệm. 2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ của Đảng Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ đã trở thành kim chỉ Nam cho Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng ở mỗi giai đoạn và thời kỳ cách mạng. “Cán bộ là gốc của công việc”, mọi quyết sách của Đảng đều phụ thuộc vào yếu tố con người, việc thành hay bại là ở cán bộ. Sinh thời, khi nói hoặc viết về công tác cán bộ của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường quan tâm đến các vấn đề hết sức cốt lõi và mang tính nguyên tắc, như: Phải đánh giá đúng cán bộ Đây là yêu cầu xuất phát để tiến hành các mặt khác của công tác cán bộ. Nếu không đánh giá đúng cán bộ và tình hình công tác cán bộ thì không thể đề bạt, sử dụng cán bộ một cách đúng đắn được. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cứ mỗi lần xem xét, rà soát lại đội ngũ cán bộ, một mặt sẽ tìm thấy những nhân tài mới, mặt khác thì những người yếu kém sẽ bị lòi ra. Đánh giá đúng cán bộ không chỉ nhằm phát hiện cái hay của họ để khuyến khích, phát huy, mà còn nhằm thấy cái dở của họ để tìm cách giúp đỡ, khắc phục. Để đánh giá đúng cán bộ, Hồ Chí Minh yêu cầu phải có quan điểm biện chứng. Người cho rằng, mọi sự vật, hiện tượng đều không ngừng biến đổi. Cán bộ cũng như vậy “có người khi trước theo cách mạng mà nay lại phản cách mạng. Có người khi trước không cách mạng mà nay lại tham gia cách mạng. Thậm chí có người nay đang theo cách mạng, nhưng sau này có thể phản cách mạng”; và “Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong công tác cán bộ, việc đánh giá cán bộ là một trong những khâu rất quan trọng. Để đánh giá đúng cán bộ, Người chỉ ra ba yêu cầu, đó là: (1) Phải thường xuyên đánh giá cán bộ để bố trí cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng; giúp cho tổ chức “biết rõ cán bộ”, nắm chắc đội ngũ cán bộ để có chính sách và biện pháp thích hợp, đồng thời tạo tâm lý yên tâm cho đội ngũ cán bộ trong hoạt động thực tiễn. (2) Đánh giá cán bộ phải khách quan, toàn diện, phải chú ý đến năng lực, phẩm chất, hiệu quả công việc. Đặc biệt là đánh giá cán bộ phải chú trọng đến phẩm chất đạo đức. Người chỉ rõ: “Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt”[8]. Ngược lại: “Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt”.[9] Theo Người, việc đánh giá cán bộ cần phải dựa vào nhân dân, phát huy dân chủ và nắm bắt được dư luận xã hội mới bảo đảm thực chất và hiệu quả. (3) Đánh giá cán bộ phải công tâm, minh bạch, người làm công tác cán bộ cũng phải có đầy đủ chuẩn mực đạo đức thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Người còn nhắc nhở những người làm công tác cán bộ phải dũng cảm nhìn nhận và kiên quyết khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của mình. Phải huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách toàn diện           Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, huấn luyện cán bộ là một khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Đảng phải huấn luyện, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ một cách toàn diện để xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng. Người khẳng định: “vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”[10]. Người đề ra mục đích của việc huấn luyện cán bộ là phải xây dựng đội ngũ cán bộ mạnh về phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Huấn luyện để cán bộ vững vàng về mọi mặt “có gan phụ trách, có gan làm việc”[11]. Người yêu cầu: “Đào tạo cán bộ không được làm qua loa, đại khái” mà “phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng cây cối quý”.[12] Trong huấn luyện cán bộ của lực lượng vũ trang, Người từng căn dặn, việc huấn luyện cán bộ phải trọng cả về chính trị và quân sự, trong đó chính trị là trọng tâm. Người cán bộ của Đảng phải được trang bị đầy đủ kiến thức lý luận, đó là vũ khí quan trọng nhất trên các mặt trận. Khi tư tưởng vững chắc sẽ không có khó khăn nào ngăn trở.  Phải sử dụng và bố trí đúng cán bộ Hồ Chí Minh từng nhắc nhở chúng ta rằng: “Dùng cán bộ không đúng tài năng của họ, cũng là một thất bại”, Người thí dụ: “Người viết giỏi nhưng nói kém lại dùng vào những việc cần phải nói. Người nói khéo nhưng viết xoàng lại dùng vào công việc viết lách. Thành thử hai người đều không có thành tích”. Đi đôi với việc sử dụng đúng tài năng của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người lãnh đạo, quản lý các cấp phải biết trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Người căn dặn: phải biết chăm lo phát hiện nhân tài, phải biết đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và phải biết sử dụng nhân tài một cách hợp lý. Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta” Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để sử dụng và bố trí đúng cán bộ, phát huy hết năng lực, sở trường của cán bộ cần thực hiện tốt các việc đó là: (1) Phải làm tốt khâu phát hiện và lựa chọn cán bộ Trong tuyển chọn cán bộ, Người cho rằng không thiên tư, thiên vị, không phân biệt người trong hay người ngoài Đảng mà lựa chọn những người thật sự có đức, có tài. Người căn dặn: “Phong trào giải phóng sôi nổi, nảy nở ra rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước”.[13] Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải tìm cho được những người tiêu biểu như: Những người tỏ ra trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng, luôn luôn chú ý tới lợi ích của dân chúng. Như thế thì dân mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ; Những người có thể phụ trách và giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải là người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn thì cần phải: khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo, khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc, không sợ khó khăn; Những người luôn luôn giữ kỷ luật”.[14]  (2) Phải khéo dùng cán bộ Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “khéo dùng cán bộ là phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”,[15] “dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng cong đều tùy chỗ mà dùng được”.[16] Khéo dùng cán bộ còn có nghĩa là phải tin tưởng vào cán bộ, tạo điều kiện, cơ hội để khuyến khích họ phát huy dân chủ và tinh thần trách nhiệm của mình. Đối với cấp dưới, người lãnh đạo phải tiếp thu, lắng nghe, góp ý, phê bình. Nếu ý kiến cấp dưới không đúng, cấp trên không quở trách mà nên vui vẻ giải thích cho họ hiểu và động viên họ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khéo dùng cán bộ còn thể hiện ở chỗ biết kết hợp hài hòa giữa thế hệ cán bộ đi trước và cán bộ kế cận. Những cán bộ đi trước có nhiều kinh nghiệm về lãnh đạo, được rèn luyện thử thách nhiều trong thực tế. Còn cán bộ trẻ là những người hăng hái, nhiệt huyết, nhạy cảm với cái mới và chịu khó học tập nên nhanh tiến bộ. (3) Quan tâm về cất nhắc, đề bạt cán bộ Trong quá trình sử dụng cán bộ, Người yêu cầu phải thật sự thận trọng trong việc này. Người chỉ rõ: “Cất nhắc cán bộ không nên làm như giã gạo”. Nghĩa là từ trước khi cất nhắc không xem xét kỹ, khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ, khi họ sai lầm thì đẩy họ xuống, chờ lúc họ làm khá lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị “nhấc lên”, “thả xuống” ba lần như thế thì “hỏng cả đời”. Sinh thời, dù làm việc ở bất cứ cương vị nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đối xử với cán bộ một cách đúng mực, hài hòa, tinh tế, nhân văn. Người cho rằng: Cấp trên phải biết chỉ đạo cấp dưới, tin tưởng cấp dưới, không làm hộ, làm thay hoặc cái gì cũng nhúng tay vào. Mục đích của “chỉ đạo” là để phát triển năng lực và sự sáng tạo của cán bộ đúng với đường lối của Đảng, ngang tầm với sự phát triển của cách mạng. Người luôn đề cao công tác kiểm tra cán bộ, nhưng phải đúng người, đúng việc, phải thiết thực và công tâm, kiểm tra cán bộ không phải là “bới lông tìm vết”, “đào chuyện cũ ra làm án mới”, vì vậy không phải ngày nào cũng kiểm tra. Kiểm tra là để xem xét quá trình công tác và học tập có tiến bộ hay hạn chế, khuyết điểm để giúp đỡ người tiến bộ ít, khen người tiến bộ nhiều, giúp mọi người rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm và phát huy ưu điểm của bản thân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh tới tính tự giác của cán bộ trước sai lầm, khuyết điểm. Bởi: mỗi người tài giỏi đến đâu cũng có thể mắc những sai lầm, thiếu sót. Nhưng người cũng rất dứt khoát trong việc xem xét, xử phạt những cán bộ có sai lầm, khuyết điểm. Người cho rằng: “Nếu nhất nhất không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật,… Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là hoàn toàn không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng”[17]. Phải kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, Người từng phê phán công khai trước hội nghị: “có những đồng chí còn giữ thói “một người làm quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”.[18] Người chỉ ra thói xấu trong công tác cán bộ đó là: ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mà ghét những người chính trực. Đó là những là kẻ cơ hội, nếu không tỉnh táo đề phòng thì những kẻ này sẽ tìm cách chui vào nắm giữ những chức vụ trong Đảng, chính quyền và các đoàn thể, gây tác hại rất lớn. Người phê phán những cán bộ lãnh đạo: ham dùng những người tính tình hợp với mình và không dùng những người không hợp với mình, bất kể người đó có năng lực ra sao. Đó cũng chính là mầm mống dẫn đến tình trạng bè phái, phe nhóm, chia rẽ gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng và chính quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ tác hại của bệnh hẹp hòi, bệnh địa phương cục bộ. Theo Người, những bệnh chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, v.v... đều do bệnh hẹp hòi mà ra. Hồ Chí Minh cho rằng, phải chữa cho “tiệt nọc” bệnh hẹp hòi, khắc phục kèn cựa, mất đoàn kết giữa cán bộ trên điều về và cán bộ tại chỗ, giữa cán bộ trẻ và cán bộ già, giữa cán bộ cũ và cán bộ mới… Trong sử dụng cán bộ phải kết hợp các loại cán bộ trên tinh thần đoàn kết cùng hướng tới mục đích chung là hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất; không cục bộ, hẹp hòi. Trong kết hợp các loại cán bộ phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển. Phải kết hợp giữa cán bộ lớn tuổi và cán bộ trẻ, lớp cán bộ cũ và cán bộ mới, tạo nguồn cán bộ kế cận để bảo đảm sự chuyển giao công việc, phải bồi dưỡng cán bộ cách mạng cho đời sau. Theo Hồ Chí Minh: “Số cán bộ cũ có ít, không đủ cho Đảng dùng. Đồng thời, theo luật tự nhiên, già thì phải yếu, yếu thì phải chết. Nếu không có cán bộ mới thế vào, thì ai gánh vác công việc của Đảng”. 3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ giai đoạn hiện nay Công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác cán bộ của Đảng. Trong những năm qua, Đảng ta đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với mảng công tác trọng yếu này. Qua 30 năm thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã cho thấy những thành tựu to lớn đáng ghi nhận. Đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng không ngừng được kiện toàn, được đào tạo cơ bản và tương đối toàn diện về chính trị cũng như chuyên môn, nghiệp vụ. Chất lượng đội ngũ cán bộ từng bước được nâng cao, cơ bản bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Đặc biệt là đã xuất hiện nhiều cán bộ trẻ tài năng, là nguồn kế cận thế hệ cán bộ lãnh đạo quản lý cấp chiến lược trong tương lai với tư duy, tầm nhìn mới. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, công tác cán bộ của Đảng cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất. Đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh. Năng lực chưa đồng đều; nhiều cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp. Trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, trước những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và những mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, nhiều cán bộ của Đảng đã bị thoái hóa, biến chất, tình trạng ngại phấn đấu, rèn luyện đã xuất hiện trong số cán bộ trẻ. Qua gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), mặc dù tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã từng bước được ngăn chặn, nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều công việc cần phải triển khai, thậm chí phải áp dụng cả những biện pháp mạnh về kỷ luật Đảng để tiếp tục đấu tranh với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Trong những năm tới, để có bước đột phá trong công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, công tác cán bộ của Đảng phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc tiếp tục quán triệt và vận dụng các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Với các nội dung lớn sau: Cần làm tốt hơn nữa việc lựa chọn, sàng lọc cán bộ Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”[19]. “Dùng người như dùng gỗ, người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được”… Để công cuộc đổi mới, phát triển đất nước đi đến thành công Đảng cần có những cán bộ tài năng. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải có trách nhiệm trong việc tìm kiếm, huy động người tài tham gia vào bộ máy hệ thống chính trị, bố trí và sử dụng một cách hiệu quả. Song song với tuyển dụng, bố trí, thu hút nhân tài, việc sàng lọc cán bộ phải được tiến hành một cách quyết liệt; phải kiên quyết đưa ra khỏi tổ chức những cán bộ suy thoái, biến chất, những cán bộ nói mà không làm, những người năng lực yếu không thể đảm đương nhiệm vụ. Để làm được điều này, phải đề cao dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; phải tăng cường kỷ luật Đảng, tăng cường kiểm tra, giám sát những người làm công tác cán bộ. Công tác cán bộ phải được đặt dưới sự giám sát của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, phải thường xuyên lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ Nhân dân. Bên cạnh việc phát huy trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, để nâng cao chất lượng cán bộ, trước hết phải phát huy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, những người làm công tác tổ chức cán bộ, phải đề cao vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng. Quá trình rà soát, lựa chọn, đánh giá, sử dụng, đề bạt cán bộ phải được tiến hành nghiêm túc, phải thật sự công tâm để nhìn cho đúng, tìm cho được những người có tài, có đức cho đất nước. Kiên quyết loại bỏ thói hư, tật xấu trong sử dụng cán bộ như: dùng người quen, người nhà để dễ bề cai trị… Thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng mới ban hành về công tác cán bộ, rà soát kỹ chất lượng chính trị, thực hiện phân cấp, phân quyền và chịu trách nhiệm trong đề cử, tiến cử nhân sự vào quy hoạch. Việc lựa chọn, sàng lọc cán bộ phải được triển khai có lộ trình, tính liên thông và bám sát quan điểm, nguyên tắc đã đề ra trong các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị. Cụ thể như, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Quy định số 36-QĐ/TW, ngày 19/7/2017 về luân chuyển cán bộ; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 21/5/2018 và Kế hoạch số 10-KH/TW, ngày 06/06/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng… Theo đó, cần làm tốt hơn nữa công tác cán bộ. Công tác nhân sự cần tiến hành từng bước, từng việc, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, nhưng phải thật sự đúng người, đúng việc. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp... nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm… Thực hiện nghiêm các khâu, các quy trình trong công tác cán bộ, tăng cường luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng và lựa chọn cán bộ Để có đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, trước hết, phải tiến hành xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ theo vị trí việc làm. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “dùng người như dùng gỗ”, phải bố trí cán bộ theo vị trí, đúng năng lực, đúng chuyên môn để từ đó phát huy hiệu quả, dễ đánh giá, quy hoạch, đào tạo; đồng thời, thông qua đó phát hiện những kẻ “hủ hoá”, những người thoái hoá biến chất, nhất là những kẻ cơ hội về chính trị để loại bỏ ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước. Việc luân chuyển cán bộ không chỉ để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, đó còn là giải pháp để khắc phục tình trạng phe nhóm, cục bộ trong lãnh đạo, quản lý ở các cấp, chữa căn bệnh “hẹp hòi”, bệnh “địa phương cục bộ” trong công tác cán bộ. Tạo cho cán bộ luôn có môi trường thuận lợi để phấn đấu, trưởng thành. Trong thực hiện quy trình 5 bước quy hoạch cán bộ, phải tránh làm “qua loa, đại khái” và không để xảy ra tình trạng lợi dụng quy trình để đưa người cùng phe cánh vào quy hoạch. Làm đúng quy trình, phát huy trách nhiệm của cơ quan tổ chức cán bộ và các thành viên cấp ủy để tìm được người tài, bố trí cán bộ đúng việc, phát huy tối đa năng lực của cán bộ. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã chỉ rõ: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; thể chế hóa, cụ thể hóa các nguyên tắc về xây dựng Đảng; tiếp tục ban hành và thực hiện các quy chế, quy định trong công tác cán bộ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp; có quy chế về đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy tuổi, chạy bằng cấp... Để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách toàn diện, thông qua thực tiễn để đánh giá năng lực và sàng lọc cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, cấp ủy các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương cần phải tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 03/06/2017 về “Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30/11/2004 về “Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Kết luận số 37-KL/TW, ngày 02/02/2009 về “Tiếp tục đẩy mạnh chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 03/06/2017 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Kết luận số 24-KL/TW, ngày 06/05/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Làm tốt khâu luân chuyển, bố trí cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương còn là một giải pháp hữu hiệu trong đấu tranh ngăn chặn tình trạng cục bộ, cát cứ trong công tác cán bộ tại các bộ ngành và địa phương.  Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ và công tác cán bộ Việc tổng kết hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TW khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã ghi nhận nhiều thành tựu to lớn, nhưng cũng đồng thời rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng. Một trong những bài học kinh nghiệm đáng lưu ý đó là công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ và công tác cán bộ. Những vụ án lớn mà Đảng và Nhà nước chỉ đạo triển khai những năm gần đây đã cho thấy rõ điều này. Đã có hàng ngàn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp bị đưa ra xem xét, xử lý kỷ luật về đảng và truy tố trước pháp luật, trong đó có cả những cán bộ ở cấp cao như Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương… Nhiều ban thường vụ, tập thể ban chi ủy đã phải chịu trách nhiệm và nhận các hình thức kỷ luật của Đảng về tình trạng vi phạm của cán bộ, đảng viên. Nguyên nhân không có gì mới, vẫn là bài học cũ về buông lỏng kiểm tra, giám sát, là bài học mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc: Kiểm tra, giám sát để xem xét công tác, học tập, giúp đỡ người tiến bộ ít, khen ngợi người tiến bộ nhiều, phát huy mặt tích cực, khắc phục, sửa chữa những sai lầm, thiếu sót. Việc kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, phải lấy hiệu quả công tác để đánh giá, phải đề cao dân chủ, lắng nghe ý kiến của các đoàn thể và nhân dân về cán bộ. Cần phải khắc phục triệt để tình trạng như đã diễn ra vừa qua ở nhiều cấp, nhiều nơi, cán bộ vi phạm kỷ luật nhưng tổ chức không biết, khi được phản ánh thì bao biện, bao che. Làm như thế là làm hại cán bộ, làm cho công tác cán bộ của Đảng kém hiệu quả. Để làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ và công tác cán bộ, cấp ủy các cấp cần phải tiếp tục quán triệt, triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X và các chỉ thị, nghị quyết đã ban hành trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Việc kiểm tra, giám sát trước hết tập trung vào công tác lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, phải bắt đầu từ quy trình trách nhiệm đối với từng khâu, từng bước trong công tác cán bộ. Đối với các trường hợp cán bộ vi phạm khuyết điểm, việc kiểm tra, giám sát không chỉ đánh giá trách nhiệm cá nhân của cán bộ đó, mà phải bắt đầu từ trách nhiệm giới thiệu quy hoạch, giới thiệu ứng cử, đề cử và bổ nhiệm. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan, để với mỗi một sai lầm, khuyết điểm sau khi được nhìn nhận và đánh giá đều tạo nên một bài học để cán bộ, đảng viên sửa chữa và khắc phục, công tác cán bộ của Đảng ngày càng hiệu quả.  Trong những năm qua, trước những yêu cầu của thực tiễn, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định liên quan tới công tác cán bộ. Đồng thời với việc tập trung cho đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, lựa chọn và bố trí cán bộ chủ chốt các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII nhấn mạnh tới việc phải “Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ”. Đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng liên quan tới công tác bảo vệ Đảng, lựa chọn và sàng lọc cán bộ. Hệ thống các quan điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ của Đảng cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Người từng nói, mọi việc thành bại đều do cán bộ, bố trí cán bộ đúng là khác, bố trí sai là khác, rất nguy hiểm. Quán triệt tư tưởng của Người, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào công tác cán bộ phải tuân thủ nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy quyền và trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ./. PGS. TS. Dương Mộng Huyền, TS. Lê Việt Trung ThS. Trần Văn Thiết, TS. Nguyễn Thị Thanh Mai*   [1] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2000, tr.409-410. [2] Sđd, tập 5, Nxb CTQG, H.2000, tr.234-235. [3] Sđd , tập 5, Nxb CTQG, H.2000, tr.269. [4] Sdd , tập 5, Nxb CTQG, H.2000 tr.684. [5] Sđd, tập 5, Nxb CTQG, H.2000 tr.684. [6] Sđd, tập 6, Nxb CTQG, H.2000, tr.50. [7] Sđd, tập 6, Nxb CTQG, H.2000, tr.50.   [8] Sđd, tập 5, Nxb CTQG, H.2011, tr.318. [9] Sđd, tập 5, Nxb CTQG, H.2011, tr. tr.318. [10] Sđd, tập 5, Nxb CTQG, H.2011, tr.313. [11] Sđd tập 5, Nxb CTQG, H.2011, tr.320. [12] Sđd tập 11, Nxb CTQG, H.2011, tr.313. [13] Sđd, tập 5, Nxb CTQG, H.2011, tr. 315. [14] Sđd, tập 5, Nxb CTQG, H.2011, tr. 320. [15] Sđd, tập 11, Nxb CTQG, H.2011, tr. 324, tr. 317. [16] Sđd, tập 11, Nxb CTQG, H.2011, tr. 90. [17] Sđd, tập 11, tr.324. [18] Sđd, tập 5, tr. 90. [19] Sđd, tập 5, tr. 99.   * Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương. Nguồn: moj.gov.vn

Tin tức liên quan

  • Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và việc hoàn thiện pháp luật về quyền con người tại Việt Nam hiện nay (23/02/2021 )
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý (15/09/2020 )
  • Sự hình thành và vai trò của ngành Tư pháp trong chính thể nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (15/09/2020 )
  • Những thành tựu nổi bật của ngành Tư pháp Việt Nam trong chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành (31/08/2020 )
  • Cung cấp thông tin giữa các đơn vị thuộc Bộ, Ngành Tư pháp trong hoạt động theo dõi thi hành pháp luật (08/01/2020 )
Xem thêm » THÔNG BÁO

Báo cáo tình hình thực hiện công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 của Nhà xuất bản Tư pháp

Quyết định Về việc công bố công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 của Nhà xuất bản Tư pháp

Quyết định Về việc công bố công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Nhà xuất bản Tư pháp

Bản dịch lời giới thiệu bằng tiếng anh sách của Nhà xuất bản Tư pháp

Quyết định về việc công bố công khai quyết toán ngân sách nhà nước, nguồn khác năm 2022 của Nhà xuất bản Tư pháp.

DANH MỤC SÁCH

DANH MỤC SÁCH THÁNG 12

ĐỐI TÁC LIÊN KẾT

Từ khóa » Bộ Là Cái Gì