Bộ Tiêu Chí đánh Giá, Phân Hạng Chương Trình OCOP | VNC

Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng chương trình OCOP 1
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP

QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC BAN HÀNH BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, PHÂN HẠNG SẢN PHẨM CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM

Điều 1. Ban hành kèm theo Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (tên tiếng Anh là One Commune One Product – OCOP, gọi tắt là Chương trình OCOP), sau đây gọi chung là Bộ Tiêu chí OCOP, nội dung chủ yếu như sau:

1. Bộ Tiêu chí OCOP là căn cứ để đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm, sẽ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước và từng thời kỳ.

Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP gồm 06 ngành hàng: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm – nội thất – trang trí; và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.

(Danh mục phân loại sản phẩm tại Phụ lục I).

Bộ Tiêu chí của sản phẩm gồm ba (03) phần:

– Phần A: Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (35 điểm), gồm: Tổ chức sản xuất; phát triển sản phẩm; sức mạnh cộng đồng.

– Phần B: Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm), gồm: Tiếp thị; câu chuyện về sản phẩm.

– Phần C: Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (40 điểm), gồm: Chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế.

(Tiêu chí từng nhóm, phân nhóm sản phẩm tại Phụ lục III)

2. Phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP căn cứ vào kết quả đánh giá sản phẩm theo Bộ Tiêu chí. Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 05 hạng:

– Hạng 05 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm, là sản phẩm cấp quốc gia, có thể xuất khẩu.

– Hạng 04 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến 89 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, có thể nâng cấp lên hạng 5 sao.

– Hạng 03 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến 69 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao.

– Hạng 02 sao: Tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến 49 điểm, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, có thể tiếp tục nâng cấp để nâng lên hạng 3 sao.

– Hạng 01 sao: Tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm khởi điểm tham gia Chương trình OCOP, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao.

3. Quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP:

– Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia làm 03 cấp: cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương.

– Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành.

(Chi tiết Quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm tại Phụ lục II)

Điều 2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn và triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Đối với các địa phương đã ban hành Bộ tiêu chí OCOP và tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, kết quả đánh giá, phân hạng được bảo lưu đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

PHỤ LỤC I – DANH MỤC PHÂN LOẠI SẢN PHẨM THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH OCOP

(Kèm theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ)

STT Phân loại sản phẩm Bộ chủ trì quản lý1
I NGÀNH THỰC PHẨM
1 Nhóm: Thực phẩm tươi sống
1.1 Phân nhóm: Rau, củ, quả, hạt tươi Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1.2 Phân nhóm: Thịt, trứng, sữa tươi Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
2 Nhóm: Thực phẩm thô, sơ chế
2.1 Phân nhóm: Gạo, ngũ cốc Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
2.2 Phân nhóm: Mật ong, các sản phẩm từ mật ong, mật khác Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
3 Nhóm: Thực phẩm chế biến
3.1 Phân nhóm: Đồ ăn nhanh Công Thương
3.2 Phân nhóm: Chế biến từ gạo, ngũ cốc Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
3.3 Phân nhóm: Chế biến từ rau, củ, quả, hạt Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
3.4 Phân nhóm: Chế biến từ thịt, trứng, sữa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương
3.5 Phân nhóm: Chế biến từ thủy, hải sản Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
4 Nhóm: Gia vị
4.1 Phân nhóm: Tương, nước mắm, gia vị dạng lỏng khác Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
4.2 Phân nhóm : Gia vị khác Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
5 Nhóm: Chè Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
5.1 Phân nhóm: Chè tươi, chế biến Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
5.2 Phân nhóm: Các sản phẩm khác từ chè, trà Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
6 Nhóm: Cà phê, Ca cao Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
II NGÀNH ĐỒ UỐNG  
1 Nhóm: Đồ uống có cồn
1.1 Phân nhóm: Rượu trắng Công Thương
1.2 Phân nhóm: Đồ uống có cồn khác Công Thương
2 Nhóm: Đồ uống không cồn
2.1 Phân nhóm: Nước khoáng thiên nhiên, nước uống tinh khiết Y tế
2.2 Phân nhóm: Đồ uống không cồn Công Thương
III NGÀNH THẢO DƯỢC  
1 Nhóm: Thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, thuốc Y học cổ truyền Y tế
2 Nhóm: Mỹ phẩm Y tế
3 Nhóm: Trang thiết bị, dụng cụ y tế Y tế
4 Nhóm: Thảo dược khác Y tế
IV NGÀNH THỦ CÔNG MỸ NGHỆ, TRANG TRÍ  
1 Nhóm: Thủ công mỹ nghệ, trang trí Khoa học và Công nghệ
2 Nhóm: Thủ công mỹ nghệ gia dụng Khoa học và Công nghệ
V NGÀNH VI, MAY MẶC Công Thương
VI NGÀNH DỊCH VỤ DU LỊCH NÔNG THÔN VÀ BÁN HÀNG
1 Nhóm: Dịch vụ du lịch – truyền thống – lễ hội Vãn hóa, Thể thao và Du lịch

PHỤ LỤC II – QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ, PHÂN HẠNG SẢN PHẨM OCOP

(Kèm theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ)

1. Trình tự đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP

a) Công tác đánh giá tại cấp huyện (bao gồm huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh):

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng;

– Hội đồng cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP;

– Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển hồ sơ các sản phẩm có số điểm đạt từ 50 điểm đến 100 điểm (từ 3 đến 5 sao) lên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP.

b) Công tác đánh giá tại cấp tỉnh (bao gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương);

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng, ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng;

– Hội đồng cấp tỉnh tổ chức đánh giá, xếp hạng các sản phẩm do cấp huyện đề xuất;

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt từ ba (03) đến bốn (04) sao, tổ chức công bố kết quả;

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chuyển hồ sơ các sản phẩm đạt từ 90 điểm đến 100 điểm lên trung ương (Qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

c) Công tác đánh giá tại cấp trung ương:

– Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia, Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng, ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng;

– Hội đồng cấp trung ương tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm do cấp tỉnh đề xuất;

– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt năm (05) sao (là sản phẩm OCOP cấp quốc gia), tổ chức công bố kết quả.

Trường hợp kết quả đánh giá của Hội đồng cấp trung ương không đạt 05 sao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi kết quả đánh giá về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xem xét, ban hành Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP theo kết quả đánh giá của Hội đồng Trung ương.

2. Thành phần Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP các cấp:

a) Thành phần Hội đồng cấp trung ương: Có từ 09 đến 11 thành viên, bao gồm:

– Chủ tịch Hội đồng: là lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

– Đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản); Công Thương; Khoa học và Công nghệ (Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục Sở hữu trí tuệ); Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện cơ quan tham mưu triển khai Chương trình OCOP cấp trung ương;

– Đại diện các bộ, ngành có liên quan khác tùy theo đối tượng sản phẩm: Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm, Quản lý Dược); Tài nguyên và Môi trường…

– Đại diện khác: Chuyên gia tư vấn Chương trình OCOP; Chuyên gia thuộc tổ chức, đơn vị kiểm định chất lượng quốc tế; đại diện các hiệp hội, hội có liên quan.

b) Thành phần Hội đồng cấp tỉnh: Có từ 09 đến 11 thành viên, bao gồm:

– Chủ tịch Hội đồng: là lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

– Đại diện các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản); Công Thương; Khoa học và Công nghệ (Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở hữu trí tuệ); Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện cơ quan tham mưu triển khai Chương trình nông thôn mới, Chương trình OCOP cấp tỉnh;

– Đại diện các sở, ngành có liên quan khác tùy theo đối tượng sản phẩm: Y tế; Tài nguyên và Môi trường…

– Đại diện khác: Chuyên gia tư vấn Chương trình OCOP; đại diện các hiệp hội, hội có liên quan.

c) Thành phần Hội đồng cấp huyện: Có từ 05 đến 07 thành viên, gồm:

– Chủ tịch Hội đồng: là lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện;

– Đại diện từ các phòng ban chuyên môn, tổ chức có liên quan, chuyên gia tư vấn Chương trình OCOP.

3. Yêu cầu về hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP:

a) Hồ sơ đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện (Hồ sơ sản phẩm): do các chủ thể OCOP (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất…) chuẩn bị. Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra. Bao gồm:

TT Nội dung Yêu cầu
1 Yêu cầu bắt buộc  
Phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm Có theo mẫu đính kèm (biểu số 01, 02)
Phương án, kế hoạch kinh doanh sản phẩm Có theo mẫu đính kèm (biểu số 03)
Giới thiệu bộ máy tổ chức Có theo mẫu đính kèm (biểu số 04)
Giấy đăng ký kinh doanh Bản sao có công chứng, chứng minh hoạt động kinh doanh hợp pháp (đối với các đơn vị/cá nhân có đăng ký kinh doanh)
Sản phẩm mẫu 05 đơn vị sản phẩm (trừ sản phẩm dịch vụ)
2 Yêu cầu tài liu minh chứng bổ sung  
Giấy đủ điều kiện sản xuất Bản sao có công chứng (đối với sản phẩm cần phải có giấy chứng nhận theo quy định hiện hành)
Công bố chất lượng sản phẩm Bản sao tài liệu, chứng minh chất lượng sản phẩm được công bố
Tiêu chuẩn sản phẩm Bản sao tài liệu, chứng minh tiêu chuẩn sản phẩm được công bố
Phiếu kết quả kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn công bố Bản sao tài liệu, chứng minh đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm
Mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm… Bản sao tài liệu, chứng minh mã, tem, sở hữu thương hiệu…
Nguồn gốc nguyên liệu, liên kết chuỗi Bản sao tài liệu: Giấy xác nhận, hợp đồng, hóa đơn… chứng minh việc mua bán nguyên vật liệu, hợp đồng, thỏa thuận liên kết
Bảo vệ môi trường Bản sao tài liệu: Giấy xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường, chứng minh cam kết, đánh giá tác động môi trường
Hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, kiểm soát chất lượng Bản sao tài liệu: chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, chứng minh hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn
Kế toán Bản sao tài liệu, minh chứng hoạt động kế toán của cơ sở
Phát triển thị trường, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại Bản sao tài liệu: Hợp đồng, cam kết, xác nhận về phân phối sản phẩm, xuất khẩu sản phẩm, hoạt động xúc tiến thương mại…
Câu chuyện về sản phẩm Bản sao tờ rơi, hình ảnh, phim, ghi âm… minh chứng về câu chuyện của sản phẩm
Kế hoạch kiểm soát chất lượng, ghi hồ sơ lô sản xuất… Bản sao tài liệu, minh chứng về hoạt động kiểm soát chất lượng sản phẩm theo từng lô sản xuất
Giải thưởng của sản phẩm, bình chọn của các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế… Bản sao tài liệu, minh chứng về các thành tích, giải thưởng, bình chọn…
Xem thêm: Chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến

b) Hồ sơ đề xuất đánh giá sản phẩm cấp tỉnh: Do Ủy ban nhân dân cấp huyện chuẩn bị. Bao gồm:

– Công văn gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP;

– Biên bản đánh giá của Hội đồng cấp huyện;

– Hồ sơ sản phẩm.

c) Hồ sơ đề xuất đánh giá sản phẩm cấp quốc gia: Do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chuẩn bị. Bao gồm:

– Công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônđề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP;

– Biên bản đánh giá của Hội đồng cấp tỉnh;

– Quyết định phê duyệt kết quả chấm điểm, Giấy chứng nhận đạt sao của sản phẩm;

– Hồ sơ sản phẩm;

– Các văn bản xác nhận kiểm tra, kiểm nghiệm bổ sung của cấp tỉnh (nếu có).

d) Hồ sơ đề xuất, phê duyệt sản phẩm cấp quốc gia: Do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương là đơn vị tham mưu) chuẩn bị. Bao gồm:

– Biên bản đánh giá của Hội đồng cấp trung ương;

– Dự thảo Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

– Hồ sơ sản phẩm.

– Các văn bản xác nhận kiểm tra, kiểm nghiệm bổ sung của cấp trung ương (nếu có).

4. Quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP

a) Quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm tại cấp huyện

Các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh tổ chức đánh giá, xếp hạng sơ bộ sản phẩm theo quy trình ở hình 1.

Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng chương trình OCOP 2
Hình 1: Sơ đồ quy trình đánh giá sản phẩm OCOP tại cấp huyện

Các bước đánh giá và xếp hạng bao gồm:

(1) Tiếp nhận hồ sơ sản phẩm/dịch vụ:

– Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ sản phẩm/dịch vụ từ các cá nhân/tổ chức đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

– Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra thể thức, nội dung, thông báo và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.

– Ủy ban nhân dân cấp huyện Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện.

(2) Đánh giá:

– Đối tượng đánh giá: Mẫu sản phẩm (trừ sản phẩm dịch vụ) và hồ sơ sản phẩm.

Đối với các sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng: Các thành viên cần kiểm tra thực tế và có đánh giá trước tại thực địa (tại cơ sở, địa điểm cung cấp dịch vụ, bán hàng).

– Chuẩn bị số lượng hồ sơ: 01 hồ sơ gốc và bản sao (đảm bảo mỗi thành viên Hội đồng có 01 bản sao). Hồ sơ sản phẩm và mẫu sản phẩm cần được chuyển cho các thành viên Hội đồng trước ngày họp đánh giá ít nhất 01 ngày làm việc.

– Tiến hành đánh giá:

+ Các thành viên hội đồng đánh giá sản phẩm theo phiếu đánh giá. Chủ thể sản phẩm OCOP có thể tham gia trình bày, diễn giải trước Hội đồng.

+ Hội đồng thảo luận, thống nhất quan điểm đánh giá một số chỉ tiêu chưa cụ thể, định tính (nếu cần).

+ Hội đồng tổng hợp kết quả đánh giá, tính trung bình điểm của các thành viên, thống nhất, thông qua kết quả đánh giá, đề xuất các sản phẩm được tham gia đánh cấp tỉnh, báo cáo kết quả gửi Ủy ban nhân dân huyện.

(3) Phân hạng và chuyển hồ sơ đề nghị cấp tỉnh đánh giá, phân hạng:

– Căn cứ kết quả điểm số đánh giá của Hội đồng, các sản phẩm được xếp hạng theo khung từ 01 đến 05 sao;

– Ủy ban nhân dân cấp huyện thông báo kết quả cho các chủ thể OCOP, đề nghị hoàn thiện/bổ sung hồ sơ (nếu cần);

– Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển hồ sơ và sản phẩm mẫu của các sản phẩm đạt từ 50 đến 100 điểm đề nghị cấp tỉnh đánh giá, phân hạng.

b) Quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm tại cấp tỉnh:

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh theo quy trình ở hình 2.

Các bước đánh giá và xếp hạng bao gồm:

(1) Tiếp nhận hồ sơ sản phẩm:

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đề xuất đánh giá, phân hạng sản phẩm từ cấp huyện.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra thể thức, thông báo và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ (nếu cần).

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh và kế hoạch đánh giá.

Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng chương trình OCOP 3
Hình 2: Sơ đồ quy trình đánh giá sản phẩm OCOP tại cấp tỉnh

(2) Tổ chức đánh giá lần thứ nhất (Lần 1):

– Đối tượng: Mẫu sản phẩm (trừ sản phẩm dịch vụ) và hồ sơ sản phẩm.

Đối với các sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng: cần có đánh giá trước tại thực địa (tại cơ sở, địa điểm cung cấp dịch vụ, bán hàng). Các thành viên tiến hành kiểm tra thực tế chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch theo các tiêu chí.

– Chuẩn bị số lượng hồ sơ: 01 hồ sơ gốc và bản sao (đảm bảo mỗi thành viên Hội đồng có 01 bản sao). Hồ sơ sản phẩm và mẫu sản phẩm cần được chuyển cho các thành viên Hội đồng trước ngày họp đánh giá ít nhất 02 ngày làm việc.

– Tiến hành đánh giá:

+ Các thành viên hội đồng đánh giá sản phẩm theo phiếu đánh giá. Chủ thể sản phẩm OCOP có thể tham gia trình bày, diễn giải trước Hội đồng.

+ Hội đồng thảo luận, thống nhất quan điểm đánh giá một số chỉ tiêu chưa cụ thể, định tính (nếu cần).

+ Hội đồng tổng hợp kết quả đánh giá, tính trung bình điểm của các thành viên. Điểm của các thành viên không được chênh lệch quá 10 điểm. Trong trường hợp chênh lệch lớn hơn 10 điểm, Hội đồng đánh giá sẽ thảo luận để thống nhất chấm điểm lại.

+ Hội đồng thống nhất, thông qua kết quả đánh giá lần thứ nhất, đề xuất các sản phẩm được tham gia đánh giá lần thứ hai (có tiềm năng đạt 03 sao trở lên, cần bổ sung các kết quả kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng…).

(3) Tổ chức đánh giá lần thứ hai (Lần 2):

– Đối tượng: Các sản phẩm tiềm năng đạt 03 sao trở lên theo kết quả đánh giá lần 1.

– Hội đồng gửi mẫu kiểm tra các thông tin, chỉ tiêu cần kiểm định tại các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, tổ chức kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, điểm cung ứng dịch vụ du lịch, bán hàng.

– Chuẩn bị số lượng hồ sơ: 01 hồ sơ gốc và bản sao (đảm bảo mỗi thành viên Hội đồng có 01 bản sao). Hồ sơ sản phẩm, các tài liệu xác minh kiểm nghiệm, kiểm tra và mẫu sản phẩm cần được chuyển cho các thành viên Hội đồng trước ngày họp đánh giá ít nhất 02 ngày làm việc.

– Tiến hành đánh giá:

+ Các thành viên hội đồng đánh giá sản phẩm theo phiếu đánh giá. Chủ thể sản phẩm OCOP có thể tham gia trình bày, diễn giải trước Hội đồng.

+ Hội đồng thảo luận, thống nhất quan điểm đánh giá một số chỉ tiêu chưa cụ thể, định tính (nếu cần).

+ Hội đồng tổng hợp kết quả đánh giá, tính trung bình điểm của các thành viên. Điểm của các thành viên không được chênh lệch quá 10 điểm. Trong trường hợp chênh lệch lớn hơn 10 điểm, Hội đồng đánh giá sẽ thảo luận để thống nhất chấm điểm lại.

+ Hội đồng thống nhất, thông qua kết quả đánh giá lần thứ hai, đề xuất các sản phẩm có thể tham gia đánh giá cấp trung ương (đạt từ 90 điểm trở lên), báo cáo kết quả tới Ủy ban nhân dân tỉnh và đề xuất về phân hạng sản phẩm.

(4) Phân hạng và chuyển hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp quốc gia:

– Căn cứ kết quả điểm số đánh giá lần thứ hai của Hội đồng, các sản phẩm được xếp hạng theo khung từ 01 đến 05 sao.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo kết quả cho các chủ thể OCOP, đề nghị hoàn thiện/bổ sung hồ sơ (nếu cần).

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định công nhận kết quả đánh giá, cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đạt ba (03) và bốn (04) sao; tổ chức công bố kết quả.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chuyển hồ sơ và sản phẩm mẫu của các sản phẩm có tiềm năng đạt năm (05) sao (từ 90 đến 100 điểm) đề nghị cấp trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.

– Trường hợp Hội đồng cấp trung ương đánh giá có kết quả không đạt yêu cầu (đạt 05 sao), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Giấy chứng nhận phân hạng theo kết quả đánh giá của Hội đồng cấp trung ương.

c) Quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm tại cấp trung ương

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Chương trình OCOP) tổ chức đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia theo quy trình ở hình 3.

Các bước đánh giá và xếp hạng bao gồm:

(1) Tiếp nhận hồ sơ sản phẩm, dịch vụ du lịch:

– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận hồ sơ đề xuất đánh giá, phân hạng sản phẩm từ cấp tỉnh.

– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thể thức, thông báo và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ (nếu cần).

– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia và kế hoạch đánh giá.

Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng chương trình OCOP 4
Hình 3: Sơ đồ quy trình đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia

(2) Tổ chức đánh giá lần thứ nhất (Lần 1):

– Đối tượng: Mẫu sản phẩm (trừ sản phẩm dịch vụ) và hồ sơ sản phẩm.

Đối với các sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng: cần có đánh giá trước tại thực địa (tại cơ sở, địa điểm cung cấp dịch vụ, bán hàng). Các thành viên có thể tiến hành kiểm tra thực tế chất lượng sản phẩm dịch vụ theo các tiêu chí.

– Chuẩn bị số lượng hồ sơ: 01 hồ sơ gốc và bản sao (đảm bảo mỗi thành viên Hội đồng có 01 bản sao). Hồ sơ sản phẩm và mẫu sản phẩm cần được chuyển cho các thành viên Hội đồng trước ngày họp đánh giá ít nhất 05 ngày làm việc.

– Tiến hành đánh giá:

+ Các thành viên hội đồng đánh giá sản phẩm theo phiếu đánh giá.

+ Hội đồng thảo luận, thống nhất quan điểm đánh giá một số chỉ tiêu chưa cụ thể, định tính (nếu cần).

+ Hội đồng tổng hợp kết quả đánh giá, tính trung bình điểm của các thành viên. Điểm của các thành viên không được chênh lệch quá 10 điểm. Trong trường hợp chênh lệch lớn hơn 10 điểm, Hội đồng đánh giá sẽ thảo luận để thống nhất chấm điểm lại.

+ Hội đồng thống nhất, thông qua kết quả đánh giá lần thứ nhất, đề xuất các sản phẩm được tham gia đánh giá lần thứ hai (có tiềm năng đạt 05 sao, cần bổ sung các kết quả kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng, lấy ý kiến bình chọn của người dân…).

(3) Tổ chức đánh giá lần thứ hai (Lần 2):

– Đối tượng: Các sản phẩm tiềm năng đạt 05 sao theo kết quả đánh giá Lần 1.

– Hội đồng gửi mẫu kiểm tra các thông tin, chỉ tiêu cần kiểm định tại các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, tổ chức kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, điểm cung ứng dịch vụ du lịch, bán hàng; tổ chức lấy ý kiến của người dân, người tiêu dùng (nếu cần).

– Chuẩn bị số lượng hồ sơ: 01 hồ sơ gốc và bản sao (đảm bảo mỗi thành viên Hội đồng có 01 bản sao). Hồ sơ sản phẩm, các tài liệu xác minh kiểm nghiệm, kiểm tra và mẫu sản phẩm cần được chuyển cho các thành viên Hội đồng trước ngày họp đánh giá ít nhất 05 ngày làm việc.

– Tiến hành đánh giá:

+ Các thành viên hội đồng đánh giá sản phẩm theo phiếu đánh giá. Chủ thể sản phẩm OCOP có thể tham gia trình bày, diễn giải trước Hội đồng (nếu cần).

+ Hội đồng thảo luận, thống nhất quan điểm đánh giá một số chỉ tiêu chưa cụ thể, định tính (nếu cần).

+ Hội đồng tổng hợp kết quả đánh giá, tính trung bình điểm của các thành viên. Điểm của các thành viên không được chênh lệch quá 10 điểm. Trong trường hợp chênh lệch lớn hơn 10 điểm, Hội đồng đánh giá sẽ thảo luận để thống nhất chấm điểm lại.

+ Hội đồng thống nhất, thông qua kết quả đánh giá lần thứ hai, đề xuất các sản phẩm đủ điều kiện đạt 5 sao (đạt từ 90 điểm trở lên), báo cáo kết quả tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đề xuất về phân hạng sản phẩm.

(4) Xếp hạng và công bố kết quả đánh giá:

– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo kết quả cho Ủy ban nhân dân tỉnh và các chủ thể OCOP.

– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt năm (05) sao (sản phẩm OCOP cấp quốc gia); tổ chức công bố kết quả.

– Trường hợp kết quả đánh giá của Hội đồng cấp trung ương đạt dưới 90 điểm (không đạt 5 sao), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi kết quả đánh giá và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP theo kết quả đánh giá của Hội đồng Trung ương (nếu đạt từ 3 đến 4 sao).

5. Thời hạn hiệu lực phân hạng sản phẩm OCOP

– Các chủ thể OCOP có thể đăng ký sản phẩm để được đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm thường xuyên, liên tục (theo kế hoạch và chu trình OCOP của địa phương).

– Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành. Cơ quan điều hành Chương trình OCOP các cấp thông báo, hướng dẫn các chủ thể đăng ký đánh giá, phân hạng lại sản phẩm theo kế hoạch và chu trình OCOP.

PHỤ LỤC III – BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ SẢN PHẨM OCOP

STT Nội dung Trang
1 Bộ sản phẩm: Rau, củ, quả, hạt tươi
2 Bộ sản phẩm: Thịt, trứng, sữa tươi
3 Bộ sản phẩm: Gạo, ngũ cốc
4 Bộ sản phẩm: Mật ong, các sản phẩm từ mật ong, mật khác
5 Bộ sản phẩm: Đồ ăn nhanh
6 Bộ sản phẩm: Chế biến từ gạo, ngũ cốc
7 Bộ sản phẩm: Chế biến từ rau, củ, quả, hạt
8 Bộ sản phẩm: Chế biến từ thịt, trứng, sữa
9 Bộ sản phẩm: Chế biến từ thủy, hải sản
10 Bộ sản phẩm: Tương, nước mắm, gia vị dạng lỏng khác
11 Bộ sản phẩm: Gia vị khác (hành, tỏi, tiêu)
12 Bộ sản phẩm: Chè tươi, chè chế biến
13 Bộ sản phẩm: Các sản phẩm từ chè khác
14 Bộ sản phẩm: Cà phê, cacao
15 Bộ sản phẩm: Rượu trắng
16 Bộ sản phẩm: Đồ uống có cồn khác
17 Bộ sản phẩm: Nước khoáng thiên nhiên, nước tinh khiết
18 Bộ sản phẩm: Đồ uống không cồn khác
19 Bộ sản phẩm: Thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, thuốc y học cổ truyền
20 Bộ sản phẩm: Mỹ phẩm
21 Bộ sản phẩm: Trang thiết bị, dụng cụ y tế
22 Bộ sản phẩm: Thảo dược khác
23 Bộ sản phẩm: Thủ công mỹ nghệ, trang trí
24 Bộ sản phẩm: Thủ công mỹ nghệ gia dụng
25 Bộ sản phẩm: Vải, may mặc
26 Bộ sản phẩm: Dịch vụ du lịch – truyền thống – lễ hội

Vui lòng download tài liệu để xem đầy đủ bộ tiêu chí về đánh giá sản phẩm OCOP

  • About
  • Latest Posts
Kiệt Nguyễn Kiệt NguyễnCEO at Công ty TNHH Năng suất chất lượng VNCChuyên gia tư vấn, đào tạo và đánh giá các hệ thống quản lý ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000, HACCP, ISO 13485, VietGAP, GlobalGAP .... Kiệt Nguyễn Latest posts by Kiệt Nguyễn (see all)
  • Codex ban hành tiêu chuẩn HACCP mới - 30/12/2020
  • Vì sao thực phẩm chay lại gây ngộ độc thịt? - 18/12/2020
  • Có nên dùng hộp nhựa trong lò vi sóng? - 15/11/2020

Từ khóa » Chuẩn Ocop Là Gì