Bộ Tranh “Thập Điện Diêm Vương” Tại Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia

Trước khi đi vào nội dung của các bộ tranh, chúng tôi xin nói qua đôi chút về ý nghĩa của “Thập điện diêm vương”. Thập điện Diêm vương (10 vị vua) theo tín ngưỡng của Phật giáo Á Đông (trong đó có Việt Nam), là các vị thần linh cai quản cõi chết và phán xét con người ở Địa ngục căn cứ vào công hay tội họ đã tạo ra khi còn sống. Ở Việt Nam, hầu như những ngôi chùa to lớn, “trăm gian” đều xây Thập điện Diêm vương, hoặc treo những bộ tranh Thập điện tả những cảnh tượng khủng khiếp, nhằm cảnh báo các phật tử hãy cố gắng làm điều thiện, tránh điều ác.

Trong các bộ tranh nêu trên, bộ tranh thứ hai gồm 10 bức thể hiện được nội dung hoàn chỉnh nhất, do vậy chúng tôi xin giới thiệu về bộ tranh này.

Bộ tranh gồm 10 bức, hình chữ nhật, có cùng một kích thước 85cm x 48cm, được làm từ chất liệu giấy, vẽ hình và tô nhiều màu. Bộ tranh còn tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên còn có những nếp gãy ngang, đôi chỗ mất mảng nhỏ, màu sắc có phai theo thời gian nhưng không ảnh hưởng đến bố cục và nội dung thể hiện của tranh.

Tranh thứ nhất có dòng chữ Hán "Đệ nhất điện Tần Quảng Minh Vương Điện”. Tần Quảng Minh Vương chuyên coi xét người trần khi chết xuống âm phủ nếu ăn ở thiện thì được các Kim Đồng Ngọc Nữ dẫn qua cầu vồng, nếu ăn ở ác thì phải leo qua gầm cầu trơn, bị chó ngao đuổi lăn xuống vực, bị thuồng luồng ăn thịt.

Tranh vẽ Tần quảng Minh Vương ngồi xét xử các tội nhân, trên có Phật Bà Quan Âm cưỡi mây đứng giám sát. Hai bên tả hữu có Phán quan đội mũ đen có tai, một ông mặc áo vàng, 2 ông mặc áo xanh, một người đứng hầu cầm quạt. Các quỷ đầu trâu mặt ngựa, 2 tội nhân dâng đơn khiếu nại - ngoài thành có người mặc áo nhiều màu đi trên cầu (Kim Đồng Ngọc Nữ) bên dưới có chó ngao đang đuổi cắn, các tội nhân lăn xuống vực bị thuồng luồng ăn thịt.

Tranh thứ hai có dòng chữ Hán "Đệ nhị điện Sở Giang Minh Vương”. Sở Giang Minh Vương chuyên xét nợ nần trên trần nếu chưa trả hết nợ thì cũng bị đưa vào ngục tối.

Tranh vẽ Sở Giang Minh Vương ngồi giữa điện cầm bút phê bản án, phía trên có Phật Bà Quan Âm đứng giám sát. Hai bên tả hữu có Phán quan, người đứng hầu cầm quạt, những quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa và các tội nhân đang khiếu nại chờ vào ngục tối, bên dưới có quỷ sứ mở cửa ngục, đưa tội nhân vào ngục.

Tranh thứ ba có dòng chữ Hán "Đệ tam điện Tống Minh Vương”. Tống Minh Vương chuyên xét xử những người vì lợi cho mình hại người, xuống địa ngục đều bị thiêu cháy.

Tranh vẽ Tống Minh Vương ngồi giữa điện xem bản án, bên trên có Phật Bà Quan Âm đứng trên mây giám sát, hai bên tả hữu có 3 quan đứng giúp việc, bên cạnh có người hầu đứng cầm quạt, các quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa, tội nhan đeo cùm và các con vật: gà, vịt, chó, dê, lợn…, bên dưới có quỷ sứ đang vứt người vào lửa.

Tranh thứ tư có dòng chữ Hán "Đệ tứ điện Ngũ Quang Minh Vương”. Ngũ Quang Minh Vương chuyên xét tội nói dối, phụ nữ gian dâm, giặt đồ bẩn nơi sông ao để người ta ăn phải thì bị cho vào cối giã, cho chó ngao ăn thịt…

Tranh vẽ Ngũ Quang Minh Vương ngồi giữa điện xem bản án, hai bên có quan giúp việc, một ông dâng bản án, người hầu cầm quạt. Phía trên có Phật Bà đứng trên mây giám sát, bên dưới có các quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa cầm kiếm và đinh ba, một tội nhân đang quỳ khiếu nại, một tội nhân khác đang bị quỷ sứ rút lưỡi vì tội không trung thực.

Tranh thứ năm có dòng chữ Hán "Đệ ngũ điện Diêm La Minh Vương”. Diêm La Minh Vương chuyên xét tội khinh cha mẹ, rủa Phật, chửa mưa, gió… điện này có nguyệt kính đài để soi lại những tội lỗi đã phạm phải khi còn sống trên trần gian.

Tranh vẽ Diêm La Minh Vương ngồi chính điện xét bản án, hai bên tả hữu có 2 quan và 2 người cầm quạt đứng hầu. Trên trời có Phật bà Quan Âm đứng trên mây giám sát. Quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa đang chỉ tội giết trâu của một tội nhân, bên dưới có 2 quỷ sứ, quỷ sứ đầu ngựa đang dẫn Địa Tạng Bồ Tát đến thăm mẹ bị gông trong ngục tối, vì khi sống bà ta ăn ở rất ác nghiệt.

Tranh thứ sáu có dòng chữ Hán "Đệ lục điện Biến Thành Minh Vương”. Biến Thành Minh Vương chuyên xét xử những người gian ác xuống âm phủ bị cho lên bàn đá ép, chó ngao rút ruột.

Tranh vẽ Biến Thành Minh Vương ngồi giữa điện xét bản án, hai bên có 4 quan, 1 quỷ sứ mặt ngựa cầm dao, 2 người hầu cầm quạt, bên trên có Phật bà Quan Âm cưỡi mây đứng giám sát. Bên dưới có 2 tội nhân đệ đơn khiếu nại, 1 người bị gông, 3 quỷ sứ đang ép tội nhân trên bàn đá, chó ngao rút ruột.

Tranh thứ bảy có dòng chữ Hán "Đệ thất điện Thái Sơn Minh Vương”. Thái Sơn Minh Vương chuyên xét tội đốt nhà, đốt chùa chiền, ích kỷ hại nhân, sẽ bị thiêu cháy, bị quỷ sứ mổ bụng, rút ruột cho chó ngao ăn.

Tranh vẽ Thái Sơn Minh Vương ngồi chính điện xét bản án. Hai bên tả hữu có 3 quan đứng hầu, 2 người cầm quạt, một người bê quả, quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa, một tội nhân đang đệ đơn khiếu nại, một người bị gông, một người bị trói vào cột, quỷ sứ mổ bụng, rút ruột cho chó ngao ăn, bên dưới có một quỷ sứ đang đem một đầu lâu cho vào vạc dầu.

Tranh thứ tám có dòng chữ Hán "Đệ bát điện Chính Quang Minh Vương”. Chính Quang Minh Vương chuyên xét xử tội cho người ta uống thuốc độc, đong đầy đếm vơi, buôn gian bán lận…

Tranh vẽ Chính Quang Minh Vương ngồi giữa điện xét bản án, hai bên tả hữu có các quan giúp việc, một quỷ sứ hầu cầm quạt, một quỷ sứ cầm trùy, một quỷ sứ cầm gậy đánh tội nhân, 2 quỷ đầu trâu mặt ngựa đang căng tội nhân ra, 2 quỷ sứ khác đang đưa tội nhân bị trói ở cột, 2 chó ngao đang rút ruột, 2 tội nhân khác bị trói và gông cổ, phía trên có Phật Bà Quan Âm đứng giám sát.

Tranh thứ chín có dòng chữ Hán "Đệ cửu điện Đô Thị Minh Vương”. Đô Thị Minh Vương chuyên cân phúc cân tội, tội nặng thì bị hành, tội nhẹ được chuyển sang thập điện hóa kiếp.

Tranh vẽ Đô Thị Minh Vương đang ngồi trước điện xét bản án, hai bên tả hữu có các quan giúp việc và hầu cận, các quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa cầm vũ khí dẫn tội nhân đeo gông ra để cân tội. Bên dưới quỷ sứ xiên tội nhân cho vào vạc dầu, một quỷ sứ ngồi quạt lò, cạnh đó một tội nhân đang bị trói quỳ cạnh đống xương. Bên trên có Phật Bà quan Âm cưỡi mây đứng giám sát.

Tranh thứ mười có dòng chữ Hán "Đệ thập điện Chuyển Luân Minh Vương”. Chuyển Luân Minh Vương chuyên xét việc chuyển kiếp luân hồi, những loài vật có thể chuyển kiếp thành người và ngược lại, những người có tội tùy theo nặng nhẹ mà chuyển thành súc vật.

Tranh vẽ Chuyển Luân Minh Vương ngồi trong điện, tay cầm bút phê chuẩn cho hóa kiếp. Hai bên tả hữu có các quan giúp và hai người cầm quạt đứng hầu, một quỷ sứ cầm đinh ba chỉ tay vào hai tội nhân đang quỳ đệ đơn khiếu nại, 2 quỷ sứ khác đưa những súc vật: trâu, ngựa, gà và một tội nhân ra để hóa kiếp. Bên trên có Phật Bà Quan Âm mình tỏa hào quang đang cưỡi mây giám sát.

Nhìn chung cả 10 bức tranh đều có cách thể hiện thống nhất. Mặc dù trong mỗi bức tranh mô tả những hình người cụ thể, chi tiết có khác nhau nhưng đều thống nhất trong bố cục hình chữ nhật đứng, phác thảo nét hình rồi tô nhiều màu, sử dụng gam màu trầm ấm với các loại màu chủ đạo như: xanh, đỏ, vàng và các màu khác như: nâu, ghi…

Bố cục mỗi bức tranh được chia thành 2 phần trên dưới: phần trong điện và phần ngoài điện, khoảng giữa 2 phần được vẽ phân cách bởi một bức tường.

Cảnh trên ở trong điện: vẽ nhân vật chính (vương) đều lớn hơn các nhân vật khác, ngồi chính điện, trước mặt có bản án giấy màu trắng, chữ màu đen. hai bên tả hữu đều có các quan hầu cận và những người cầm lọng, quạt đứng hầu. Cạnh phía dưới là các quỷ sứ đầu trâu, mặt ngựa đang dẫn tội nhân vào xét tội. Phái trên cùng góc trái là Phật bà quan Âm đứng giám sát, chính giữa sát mép trên tranh vẽ tấm biển màu đỏ chữ Hán màu nhũ vàng ghi tên từng điện Diêm Vương.

Cảnh dưới phía ngoài điện: vẽ các quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa đang dẫn các tội nhân đi chịu án.

So với những tranh thờ ở đền Độc Lôi (Nghệ An) thế kỷ 18, về bút pháp ta thấy những tranh Thập điện này cũng có những đặc điểm gần gũi nhau. bố cục trong hình chữ nhật đứng, diễn tả theo từng phần nhưng rất chặt chẽ, các nhân vật được vẽ phác hình, rồi tô màu. Ở tranh đền Độc Lôi còn vẽ thêm những mảnh trang trí phụ ở trên và dưới tranh.

Bộ tranh Thập điện này cũng có những nét tương đồng với tranh thờ Hàng Trống, cách thể hiện đi nét tô màu theo kiểu “vờn” màu tạo nên sự phong phú, sống động cho bức tranh. Cùng với những cảm giác linh thiêng, huyền ảo, bởi sự kết hợp giữa những hình ảnh đạo Giáo và đạo Phật. Bộ tranh còn thể hiện ý nghĩa sâu sắc: khuyến thiện trừng ác.

Nếu so sánh với những tranh Thập điện bằng gỗ chạm to màu thì càng thấy cách thể hiện đường nét màu sắc phong phú hơn trong những tranh Thập điện bằng giấy này. Sự đơn giản về hình, nghèo nàn về màu sắc trong những bức tranh Thập điện bằng gỗ dạng phù điêu, càng cho ta thấy được sự tinh tế về hình, giàu về màu sắc, rộng rãi về không gian trên tranh giấy.

Bộ tranh Thập điện giấy cho ta những cảm nhận thật rõ ràng về sự minh bạch (giấy trắng, mực đen trên bản án), sự công bằng (có tội thì bị xử phạt), giáo dục (nhìn những cảnh bị hành tội mà không dám làm điều ác). Qua những hình vẽ rất cụ thể như: mổ bụng, moi ruột, rút lưỡi, ném vạc dầu, thiêu cháy, cưa người… để trừng phạt, răn đe những tội ác mà con người ta phạm phải đã gây cho người xem thấy thật hãi hùng, kinh sợ.

Do vậy, hiệu quả thể hiện tranh đã rất thành công. Bộ tranh Thập điện này có giá trị nghệ thuật quý hiếm, được ra đời vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Đây là những tài liệu đóng góp quan trọng đối với các nhà nghiên cứu nghệ thuật, nghiên cứu lịch sử mỹ thuật. Hơn nữa những bức tranh này còn cho phép chúng ta nhận ra sự tồn tại song hành của đạo Giáo và đạo Phật trong tín ngưỡng của người Việt.

Một số hình ảnh bộ tranh “ Thập Điện Diêm Vương ”:

Quỳnh Hoa (Phòng QLHV)

Từ khóa » Hình ông Diêm Vương