Những Hình Dung Về Địa Ngục (Kỳ Cuối): Trong Văn Hóa Phật Giáo Từ ...
Có thể bạn quan tâm
- Những hình dung về địa ngục: Ở Việt Nam, bắt đầu từ bao giờ?
- Địa ngục nằm ở đâu?
Từ thời Lê Mạc, tư liệu Phật giáo không còn nhiều nên không rõ đã có sự biến chuyển như thế nào trong hình dung về địa ngục Phật giáo. Lê Thánh Tông (1442-1496) có bài “Thập giới cô hồn quốc ngữ văn”, trong có đề cập đến thiên đường, địa ngục, Phong Đô, cảnh đói khát dưới chốn âm ty. Bài này dùng để răn dè 10 loại người gồm: thiền tăng, đạo sĩ, quan lại, Nho sĩ, thầy địa lý, thầy thuốc, tướng quân, hoa nương, thương nhân, đãng tử.
Các câu tiêu biểu như: “Ngỡ là ba ngàn cung Đâu Suất được thoát thân phàm; Chẳng cóc mười hai cửa Phong Đô, gây nên mống họa”, hay “Nói những thiên đường cùng địa ngục, Pháp sao chẳng độ được mình ta”. cho thấy tác giả đã có những tham khảo nhất định về địa ngục của Phật giáo. Bài này là để cúng xá tội vong linh thuộc khoa Mông sơn thí thực, nó cho thấy triều đình Lê sơ có thể đã lập các đàn tế cúng cô hồn. Đây là một biểu hiện của giao thoa Phật giáo trong xã hội Nho giáo.
Từ thời Lê trung hưng đến Nguyễn, các cứ liệu văn bản và hiện vật (tượng pháp) tại các tự viện cho thấy địa ngục trong thế giới quan Phật giáo thời này tiếp tục tiếp thu từ các nguồn kinh tạng Bắc truyền. Trong đó, địa ngục đã được bản địa hóa theo các xu hướng sau. Thứ nhất là sự gia tăng số lượng các đại địa ngục (8 lên 10).
Thứ hai là sự lược bỏ các địa ngục lạnh. Thứ ba là quá trình Đạo giáo hóa bằng các tên gọi của các Minh Vương trong các tầng địa ngục, Đạo giáo cho rằng, các Minh Vương vốn tiền thân là các vị Thiên Tôn, sau đó tư tưởng này lại được bổ sung vào kinh điển Phật giáo. Diêm Vương (Diêm La vương) vốn là thần Dạ Ma (Yama, tử thần, thần chết, chúa cõi u minh) thời Phệ Đà của Ấn Độ, sau được tiếp thu vào Phật giáo, khi truyền vào Trung Quốc thì đã hòa kết với Đạo giáo mà hình thành nên Diêm La thập điện.
Đệ nhất điện Tần Quảng Minh Vương Điện và Đệ nhị điện Sở Giang Minh Vương. Nguồn và ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam |
Nếu ở giai đoạn mới vào Trung Quốc, 16-18 tầng địa ngục chỉ được cai quản bởi một vị Diêm La, thì ở giai đoạn sau khi đã tiếp xúc với văn hóa Đạo giáo, 10 tầng địa ngục được cai quản bởi 10 vị Diêm Vương. Tức là một tầng được hình dung là một “điện” - một tiểu triều đình nơi âm ty. Các vị Diêm Vương này được vẽ/khắc/tạc theo hình ảnh của một vị vua trên trần thế. Mỗi vị Diêm Vương đều được nhân hóa bằng hình dáng người thực, được mặc trang phục như các vị vua trên dương gian, được hình dung với lý lịch rõ ràng, có chức năng, nhiệm vụ đặc thù và đều có vương hiệu, cung điện riêng, bao gồm các vị/điện sau:
(1) Tần Quảng Vương trông coi địa ngục dưới núi Ốc Tiêu.
(2) Sở Giang Vương trông coi địa ngục Hoạt Đại và địa ngục Hàn Băng.
(3) Tống Đế Vương trông coi địa ngục Hắc Thằng.
(4) Ngũ Quan Vương trông coi địa ngục Hợp Đại và Huyết Trì.
(5) Diêm Ma Vương trông coi địa ngục Khiếu Hoán.
(6) Biện Thành Vương trông coi Đại Khiếu Hoán Địa Ngục và Uổng Tử Thành.
(7) Thái Sơn Vương trông coi địa ngục Nhiệt Não.
(8) Đô Thị Vương trông coi địa ngục Đại Nhiệt Não.
(9) Bình Đẳng Vương trông coi địa ngục A Tỳ.
(10) Chuyển Luân Vương trông coi địa ngục Chuyển Luân.
10 điện này được hình dung có các tiểu địa ngục, thường mỗi điện có 16 địa ngục với các hình phạt tương ứng. Các hình phạt gồm 2 kiểu: các khốc hình tra khảo tội nhân vốn lấy nguyên mẫu từ dương gian và các hình phạt diều mổ chó ăn vốn lấy từ các hiện thực trong tự nhiên. Ví dụ: dùng kìm kẹp mồm, chặt gân róc xương, chó cắn cẳng chân, chó ăn lòng ruột, chặt chân tay, rút lưỡi xuyên tai, nấu đầu móc não, quạ ăn gan lòng, thân nhúng dầu nóng,...
Về mặt lý, các tội nhân bị chuyển qua từng điện, để phán xét, định tội, trải qua các loại hình phạt khác nhau, theo từng kiếp đoạn. Trải hết tội hình ở điện này, ngục này sẽ chuyển xuống các điện ngục dưới cho đến hết.
Theo một cách diễn giải khác, điện thứ nhất của Tần Quảng Vương có Hoàng Tuyền và Nghiệt Kính Đài dùng để chiếu tội nghiệp của người ta khi còn sống. Điện này phân loại các tội nhân theo tội trạng với các mức nặng nhẹ và chuyển các tội nhân về từng điện từng ngục tương ứng. Ví dụ, những ai hay kiện tụng, không vâng lời các bậc trưởng thượng, không thương xót mạng sống dân chúng, những kẻ sĩ thấy lợi mà quên nghĩa, chồng bất nghĩa, vợ không thuận, kẻ phụ bạc người có ơn với mình, nô bộc phản bội gia chủ, tội nhân vượt ngục, người trốn quân ngũ v.v..., sau khi chết sẽ bị đọa vào địa ngục thứ ba.
Trong nghệ thuật tượng pháp, các chùa thường tạc 10 vị Diêm Vương. Các tượng này đặt thành 2 dãy đối diện nhau, mỗi dãy 5 vị. Có chùa thì bày ở hai bên hồi, có nơi lại đặt ở bên sát tường lối đi lên thượng điện. Các tượng Diêm Vương thường đắp bằng đất hoặc tạc bằng gỗ, đều có áo mão, mũ mạo, cân đai, bổ tử, chân đi hia. Tượng đặt ở tư thế ngồi trên bục, hai chân buông hình chữ ngũ. Các bộ tượng Diêm Vương ở chùa miền Bắc cơ bản đều được tạc với dáng vẻ trung tính, không có vẻ dữ tợn như ông Thiện, ông Ác.
Trong miền Nam, theo điền dã cá nhân (2016), bộ tượng thập điện của chùa Giác Lâm có thể coi là bộ tượng đẹp và cổ nhất hiện biết (cuối thế kỷ XVIII). Số lượng các chùa có 2 ban thập điện có thể số lượng rất lớn, không nêu hết được, ở đây chỉ nêu một số chùa tiêu biểu như chùa Khê Hồi, chùa Một Cột,...
Nhiều khi, do sự chật hẹp của không gian thờ cúng hoặc do thiếu thốn về kinh phí nên có nhiều chùa không tạc tượng thập vị Diêm Vương mà lại khắc hình 10 tầng địa ngục. Các bức này thường là ở dạng phù điêu trên các tấm gỗ thịt dày, được xuống lòng, để các họa tiết và hình tượng nổi khối trên bề mặt. Phía trên bề mặt các phù điêu thường được phủ sơn ta, tô son, đôi khi có đánh thếp các chất liệu quý khác. Hệ thống các cổ Bắc Bộ phần lớn đều ưa dùng loại phù điêu này. Các bộ phù điêu thập điện nổi tiếng có thể kể đến chùa Trăm Gian (Hà Nội), chùa Thầy, chùa Huyền Kỳ (Hà Tây cũ)...
Bộ Thập Điện Diêm Vương ở chùa Chuông (Hưng Yên) được đắp theo kiểu phù điêu. Các cảnh địa ngục được tạo liền mạch, liên hoàn kín cả bức tường. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại Hà Nội có một bộ (hiện chỉ có 5 bản) chất liệu gỗ sơn sưu tầm tại chùa Vân Nội (Thanh Oai - Hà Đông). Ngoài ra, theo điền dã cá nhân, tôi còn biết đến bộ phù điêu tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang). Số lượng các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo này hiện chưa có thống kê chính thức và cũng chưa thể xác minh hết niên đại tạo tác nhưng chắc chắn đây là một loại hình hiện vật văn hóa cần thiết phải được quan tâm nhiều hơn.
Trong nghệ thuật hội họa, tranh vẽ dân gian người Việt và tranh tín ngưỡng của một số dân tộc phía Bắc đều có vẽ Thập Điện Diêm Vương. Các loại tranh này được vẽ bằng màu trên giấy. Hiện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có 2 bộ thuộc loại này. Bộ thứ nhất gồm 10 tranh có kích thước 85x48cm (ký hiệu LSb.1054 đến LSb.1063). Bộ thứ hai gồm 5 tranh có số đăng ký từ LSb. 1064 đến LSb. 1068. Maurice Durand sưu tập được 3 tranh vẽ địa ngục của Tày Nùng và hơn 10 tranh thập điện được vẽ trên giấy Hà Đông. Bộ tranh sau cơ bản giống với bộ thứ nhất của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, còn mấy bức lẻ có lẽ từ một bộ khác. Nếu mở rộng khảo sát sang Bảo tàng Mỹ thuật và các sưu tầm cá nhân thì số lượng các tranh thờ thập điện như vậy là vẫn còn.
Bức tranh này vẽ Tần Quảng Minh Vương đang xét đoán, phân xử, xác định mức tội của tội nhân. Minh Vương mặc áo lam đội mão, tay đang soạn án trạng. Phía bên trên tay phải là gương chiếu các chuyện tội lỗi lúc sinh thời người ta mắc phải. Đây là một kiểu vẽ về Nghiệt Kính Đài của tầng địa ngục này. Xung quanh Minh Vương là các vị phán quan, cũng mặc mũ áo, đang đọc cáo trạng. Phần phía dưới là các quỷ đỏ đang tróc nã người. Có quỷ thì đang xua chó cắn, có quỷ thì xua trâu xua ngựa đạp kẻ tội nhân.
Tranh thứ 2 đến tranh thứ 10 vẽ các Minh Vương ở trung tâm bức tranh, mặc áo, đội mão. Phía trên có Phật Quan Âm đang cưỡi mây xuống tiếp dẫn. Xung quanh Minh Vương là các loại người hầu, thư lại dâng sớ, hai người cầm võng lọng, hai người đội mũ phốc đầu có lẽ là phán quan. Giúp việc có ngục tốt là các vị đầu trâu mặt ngựa tay cầm kiếm, kích đang áp tải tội nhân, kẻ thì đang rút ruột người cho chó ăn, kẻ thì đang lôi tóc phạm nhân. Các loại hình phạt được vẽ ra gồm: dùng cưa xẻ người, chém ngang lưng, bỏ vạc dầu, bàn đá dập nát thân, núi dao xiên người, cối giã thịt người, qua cầu Nại Hà: người lành được bước qua cầu siêu sinh tịnh độ, kẻ ác bị vứt xuống sông để rắn và thuồng luồng ăn thịt.
Bài viết này là một cuộc chạy việt dã qua ngàn năm lịch sử, để giới thiệu cho bạn đọc ngày nay về nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến các tầng địa ngục trong triết học và văn hóa Phật giáo. Địa ngục là một khái niệm thuộc thế giới quan, nhằm mục đích trừng ác, răn dè hành vi của con người trong thế giới thực tại.
Quan niệm về địa ngục được hình thành trên cơ sở thuyết luân hồi, luật nhân quả, thuyết báo ứng. Từ tư tưởng triết học, địa ngục được chuyển hóa thành nhiều loại hình nghệ thuật tôn giáo khác nhau, từ các dịch phẩm, khoa nghi, thơ phú, cho đến nghệ thuật tôn giáo, hội họa, bích họa, điêu khắc, phù điêu, đồ họa. Sự ảnh hưởng của kinh tạng Bắc truyền và nền nghệ thuật Phật giáo Đông Á là điều ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy.
Nhưng, quá trình biến chuyển của địa ngục, số lượng địa ngục, tên gọi của địa ngục, các hình phạt và các tội phạm tương ứng, cũng như quá trình dân gian hóa, bản địa hóa, (Hán hóa, Việt Hóa,...), Đạo giáo hóa, Nho giáo hóa,... thì vẫn là những vấn đề cần phải tiếp tục trong tương lai.
Từ khóa » Hình ông Diêm Vương
-
Thập Điện Diêm Vương – Wikipedia Tiếng Việt
-
Diêm Vương – Wikipedia Tiếng Việt
-
Diêm La Vương Rốt Cục Là Ai Vì Sao Phàm Nhân Vừa Gọi ... - YouTube
-
Truyền Thuyết Về Thập Điện Diêm Vương Cõi U Minh - YouTube
-
Diêm Vương - Thần Thoại Việt Nam - TruyệnXưaTíchCũ.cOm
-
Sự Tích Thập Điện Diêm La Vương? Tượng Thập điện Như Thế Nào?
-
Bộ Tranh “Thập Điện Diêm Vương” Tại Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia
-
Diêm Vương Gia Tượng Thần Cung Phụng Gia Dụng Trang Trí ...
-
Phật Giáo Có Tin Có Diêm Vương Hay Không?
-
NASA Công Bố Những Bức ảnh đầu Tiên Của Sao Diêm Vương ...
-
Nói Về Thập điện Diêm Vương Rằm Tháng Bảy | Giác Ngộ Online
-
Diêm Vương Trong 'Tây Du Ký 1986' Qua đời - Tiền Phong
-
Diêm Vương Của Tây Du Ký "bản 1986" Qua đời Vì Ung Thư