Bỏ Tử Hình Với 7 Tội Danh Là Cần Thiết
Có thể bạn quan tâm
Ngày 27/11/2015, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi với 26 chương, 426 điều, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016. Một trong những điểm mới của bộ luật đó là quyết định bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh, bao gồm các tội: Cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Đợt điều chỉnh lần này không chỉ thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận mà trên thực tế còn mang nhiều ý nghĩa. Việc quyết định bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh nêu trên đã quán triệt tư tưởng cải cách tư pháp, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của nhà nước và cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới hiện nay là thu hẹp phạm vi áp dụng, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn loại hình phạt này ra khỏi hệ thống pháp luật.
Hình phạt tử hình trong luật hình sự Việt Nam
Tử hình là một loại hình phạt có từ cổ xưa, đây là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, nó tước bỏ quyền sống, tước bỏ cơ hội tái hòa nhập và phục thiện của người bị kết án, vì thế hình phạt này chỉ được quy định áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Thu hẹp phạm vi quy định và áp dụng hình phạt tử hình là một chủ trương lớn được ghi nhận trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và đã được thể chế hóa khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự qua các thời kỳ. Lộ trình giảm dần việc quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự một mặt phản ánh mức độ nhân đạo hóa hệ thống hình phạt ngày càng cao, mặt khác phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của Nhà nước ta. Đối với Việt Nam, từ trước đến nay, trong luật hình sự vẫn duy trì hình phạt tử hình; nhất là trong bối cảnh tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhiều trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nên chưa thể loại bỏ hình phạt tử hình trong hệ thống hình phạt. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng cho thấy, mặc dù hình phạt tử hình được quy định áp dụng đối với 22 điều luật nhưng trên thực tế, Tòa án chủ yếu áp dụng đối với một số trường hợp phạm tội giết người (giết người nhằm chiếm đoạt tài sản; giết nhiều người, giết phụ nữ mà biết là có thai, giết trẻ em, giết người để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác…) và một số tội phạm về ma túy (tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy…). Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm cũng như góp phần bảo vệ công lý và giữ vững an ninh, trật tự thì việc duy trì hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự là cần thiết. Tuy vậy, với tỷ lệ trên 8% các điều luật trong Bộ luật hình sự có quy định hình phạt tử hình là vẫn cao. Cho nên, xuất phát từ yêu cầu của tình hình, và quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng, việc tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để tiến tới thu hẹp dần phạm vi quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự là cần thiết.
Bỏ tử hình với 7 tội danh là một sự điều chỉnh phù hợp
Trong những năm qua, cơ bản hình phạt tử hình đã thể hiện và phát huy vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân và đảm bảo trật tự xã hội nước ta qua các thời kỳ. Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, quyền sống của con người đặc biệt được coi trọng, ý thức pháp luật của người dân được nâng cao, xã hội thiết lập được cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn hành vi của con người thì việc bãi bỏ dần hình phạt tử hình đang là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới. Theo số liệu do Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) tại Hà Nội thì tính đến thời điểm 30/6/2014 đã có 162 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bãi bỏ án tử hình theo luật hoặc trên thực tế, trong đó: Có 100 nước đã bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình, có 55 nước có quy định hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trên thực tế, có 37 nước và vùng lãnh thổ vẫn còn duy trì hình phạt tử hình đối với các tội phạm thông thường. Trong 10 nước thành viên ASEAN, có 2 nước đã bãi bỏ hình phạt tử hình (Căm-pu-chia và Phi-lip-pin); có 03 nước vẫn còn duy trì hình phạt tử hình hoặc có quy định hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trên thực tế [1].
Ở Việt Nam, trung bình một năm nước ta xảy ra khoảng từ 70.000 - 80.000 vụ phạm tội và tỷ lệ án tử hình ở Việt Nam chiếm tỷ lệ rất thấp, theo thống kê trong hơn 15 năm gần đây, chúng ta đã tổ chức thi hành án tử hình cho khoảng hơn 800 bị án. Bình quân một năm có khoảng từ 40-50 người phạm tội bị Toà án tuyên phạt hình phạt tử hình, chủ yếu phạm các tội giết người, tội phạm ma tuý, phạm tội có tổ chức, một số ít phạm các tội tham nhũng [2].
Nghị quyết số 49/2005/NQ-TW về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020, trong đó nêu rõ định hướng chính sách hình sự của chúng ta, đó là: “Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”[3]. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Hiến Pháp 1992 sửa đổi năm 2013 lần đầu tiên đã dành hẳn ra một điều để ghi nhận: “Mọi người có quyền sống” (Điều 19). Quy định này hoàn toàn phù hợp với Điều 3 Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền của Liên hợp Quốc, cũng như tôn trọng các cam kết quốc tế khác mà Việt Nam đã tham gia ký kết vốn đề cao quyền được sống - quyền tự nhiên cơ bản đầu tiên của con người. Theo đó, Bộ luật hình sự cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm xử lý nghiêm các hành vi xâm hại các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; mặt khác cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi theo hướng giảm hình phạt tử hình, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tạo điều kiện thuận lợi để người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng.
Mặc dù dư luận còn không ít băn khoăn về việc bỏ hay không bỏ tử hình với 7 tội danh trên, nhưng khi xem xét từng trường hợp, chúng ta có thể thấy đây là một quyết định mạnh dạn, cần thiết của Quốc hội, cụ thể:
Tội cướp tài sản. Đây là một trong ba tội phạm nghiêm trọng nhất trong số các tội xâm phạm sở hữu. Bản chất của tội này là tước đoạt quyền sở hữu của người khác bằng vũ lực hoặc bằng các hành động khác tấn công nạn nhân làm cho nạn nhân không thể chống cự được. Do đó, trong khi thực hiện hành vi này, người phạm tội có thể gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của nạn nhân. Tuy nhiên, mục đích của tội cướp tài sản chỉ vì mục đích kinh tế, Khách thể (đối tượng) chính bị xâm hại ở đây là tài sản. Mục đích của người phạm tội này là chiếm đoạt tài sản của người khác chứ không phải là xâm phạm tính mạng, sức khỏe của họ. Việc gây thương tích hoặc làm chết người khi thực hiện hành vi cướp không nằm trong ý định chủ quan của người phạm tội cướp. Hơn nữa, không phải mọi trường hợp phạm tội cướp tài sản đều gây hậu quả chết người, còn nếu hành vi phạm tội cố ý xâm phạm đến tính mạng của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội sẽ bị xử lý về tội cướp tài sản và tội giết người với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Bên cạnh đó, thực tiễn xét xử cho thấy có nhiều trường hợp phạm tội vì quá túng quẫn nên mới nảy sinh ý định phạm tội, thực hiện hành vi cướp tài sản. Nếu áp dụng hình phạt tử hình đối với họ là quá nghiêm khắc, không thể hiện được mục đích nhân đạo của hình phạt là để cải tạo, giáo dục người phạm tội. Vì vậy, bỏ quy định hình phạt tử hình đối với tội danh này là hợp lý.
Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng đối với an ninh quốc gia. Đối với tội danh này, đối tượng xâm hại là tài sản dưới dạng các công trình, phương tiện có tầm quan trọng về an ninh quốc gia. Trước đây, các công trình, phương tiện có tầm quan trọng về an ninh quốc gia đều thuộc sở hữu nhà nước nên có chính sách xử lý nghiêm khắc. Nhưng nay, với việc hợp tác công tư và chế độ thầu khoán, thu hút vốn được đẩy mạnh thì các công trình, phượng tiện quan trọng này lại thuộc sở hữu của nhiều thành phần kinh tế khác nhau nên nếu áp dụng hình phạt tử hình ở đây là chưa thỏa đáng. Mặt khác, thực tiễn xét xử cho thấy, người phạm tội gây thiệt hại cho các công trình, phương tiện công cộng thường là do thiếu hiểu biết, không nghĩ hoặc nhận thức được đó là các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, nên việc quy định hình phạt tử hình đối với tội này là không cần thiết và không tương xứng với mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi.
Tội chống mệnh lệnh, tội đầu hàng địch. Đối với hai tội này, chủ thể là những quân nhân, nếu bỏ qua dấu hiệu đặc biệt về chủ thể, hai tội phạm này không khác nhiều so với các hành vi không chấp hành quyết định, chỉ thị của cấp trên vốn không bị coi là tội phạm mà chỉ bị xử lý hành chính. Mặc dù, tội chống mệnh lệnh và tội đầu hàng địch là các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nhưng hậu quả mà hành vi phạm tội này gây ra sau đó có thể không nằm trong ý muốn chủ quan của người phạm tội. Thậm chí có trường hợp khi thực hiện các hành vi này, bản thân người phạm tội chưa hình dung được hết những hậu quả mà hành vi phạm tội của mình có thể gây ra. Thực tế, tội chống mệnh lệnh và tội đầu hàng địch chủ yếu xảy ra trong thời chiến và khi đó hậu quả của nó sẽ cực kỳ nghiêm trọng, còn trong điều kiện thời bình như hiện nay thì hậu quả của hành vi phạm tội này cũng ở mức độ nhất định, tính nguy hiểm không bằng được như thời chiến. Mặt khác, xét về khía cạnh tâm lý, trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, cận kề giữa cái sống, cái chết, con người rất có thể có những giây phút hèn nhát, vì sợ chết mà chống mệnh lệnh được giao hoặc vì sợ chết mà đầu hàng địch, đó còn là chưa xét đến tính chủ quan cá nhân của người đưa ra mệnh lệnh. Do vậy, hình phạt tù chung thân đối với các tội phạm này là đủ nghiêm khắc mà không cần thiết phải tước đi sinh mạng của người phạm tội.
Tội tàng trữ trái phép chất ma túy và tội chiếm đoạt chất ma túy, mặc dù tình hình tội phạm về ma túy còn diễn biến phức tạp và chưa có chiều hướng giảm, song so với hành vi vận chuyển, sản xuất và mua bán trái phép chất ma túy thì mức độ nguy hiểm cho xã hội là không bằng. Nhưng tại Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi năm 2009 thì tất cả các hành vi tàng trữ, chiếm đoạt, sản xuất, mua bán, vận chuyển đều phải chịu cùng một khung hình phạt như nhau. Chẳng hạn như Điểm b, Khoản 4 quy định chỉ cần tàng trữ, chiếm đoạt, sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ 100gam trở lên là có thể đã phải chịu hình phạt tử hình. Rõ ràng quy định như trên là không công bằng và quá nặng đối với các hành vi tàng trữ, chiếm đoạt. Bản chất của hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy chỉ là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy ... hành vi chiếm đoạt chất ma túy chỉ là trộm cắp, lừa đảo, cưỡng đoạt, cướp, cướp giật chất ma túy... của người khác. Do đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi theo hướng bỏ hình phạt tử hình, quy định hình phạt cao nhất là chung thân đối với các hành vi tàng trữ, chiếm đoạt chất ma túy là phù hợp và đảm bảo được tính răn đe.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm. Trước đây, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh được gộp lại chung thành một tội được quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi vừa qua chúng ta đã tách tội này ra làm hai tội riêng biệt phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau của từng hành vi. Thực tế, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm có mức độ nguy hại cho xã hội thấp hơn nhiều so với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Khách thể bị hành vi này xâm hại chính là trật tự quản lý kinh tế mà trực tiếp là làm mất ổn định thị trường hàng hóa, trực tiếp xâm hại đến quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp, gây thiệt hại đến lợi ích vật chất, uy tín của họ; mục đích nhằm thu lợi bất chính, không nhằm mục đích gây thiệt hại tới sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Do đó, nếu chúng ta quản lý tốt được quản lý thị trường, đồng thời nâng cao mức phạt tiền sẽ chủ động hạn chế, phòng ngừa được loại tội phạm này mà không nhất thiết phải ban hành chế tài nghiêm khắc nhưng hiệu quả lại chưa hẳn đã cao.
Kết luận: Trong lịch sử pháp luật hình sự Việt Nam, hình phạt tử hình cùng với các hình phạt khác trong pháp luật hình sự đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước qua từng giai đoạn. Thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình trong nhiều thập kỷ qua cho thấy, hình phạt này đã đem lại những tác dụng nhất định trong việc trừng trị những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và giáo dục người khác tôn trọng pháp luật; việc áp dụng đúng đắn hình phạt tử hình được dư luận quần chúng đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, tử hình là hình phạt tước đi quyền sống – quyền tự nhiên cơ bản, quan trọng nhất của con người, tước bỏ cơ hội tái hòa nhập cộng đồng và phục thiện của người bị kết án. Vì vậy, Bộ luật Hình sự sửa đổi quyết định bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh là một sự điều chỉnh cần thiết, tiến bộ; không chỉ quán triệt và bám sát tư tưởng cải cách tư pháp của Đảng mà còn thể hiện sâu sắc chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước.
Danh mục tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2015), Tờ trình số 186/TTr-CP ngày 27/4 về dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi, Hà Nội.
2. http://baophapluat.vn/su-kien/giam-hinh-phat-tu-hinh-voi-7-toi-danh-su-dieu-chinh-phu-hop-239857.html
3. http://antg.cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Luan-ban-ve-an-tu-hinh-296238/.
Nguyễn Anh Đức – Bùi Hữu Võ VKSND huyện Đông Hưng
Từ khóa » Bỏ án Tử Hình 8 Tội Danh
-
8 Tội Danh Không Còn Hình Phạt Tử Hình Từ 1-1-2018 - Báo Tuổi Trẻ
-
Bỏ Hình Phạt Tử Hình đối Với 8 Tội Danh - Báo Nghệ An
-
Năm 2018 Sẽ Bãi Bỏ Hình Phạt Tử Hình Với 8 Tội Danh
-
Từ 2018, Bỏ án Tử Hình đối Với 7 Tội Danh - LuatVietnam
-
Xu Hướng Xóa Bỏ Hình Phạt Tử Hình Trên Thế Giới Và ở Việt Nam
-
Bãi Bỏ Hình Phạt Tử Hình Với 8 Tội Danh - Tạp Chí Pháp Lý
-
Tử Hình Là Gì ? Các Tội Danh Bị Phạt Tử Hình Hiện Nay ?
-
7 Tội Danh Bỏ án Tử Hình Theo Bộ Luật Hình Sự Mới Nhất (Cập Nhật ...
-
Từ Ngày 2-7-2009, Bỏ án Tử Hình 8 Tội Danh
-
Bàn Về Hình Phạt Tử Hình được Quy định BLHS Năm 2015, Sửa đổi ...
-
Bỏ Hình Phạt Tử Hình ở 7 Tội Danh - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
-
Đề Nghị Bỏ Tử Hình Với 8/17 Tội Danh, Bổ Sung Khung Phạt ... - Quốc Hội
-
HÌNH PHẠT TỬ HÌNH TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 (Kỳ III)
-
Bỏ án Tử Hình ở Tội Hiếp Dâm Trẻ Em?
-
[PDF] NHỮNG THUẬN LỢI VÀ THÁCH THỨC VỚI VIỆC XOÁ BỎ HÌNH ...
-
VN Nên Sửa Luật Về Tội Danh Giết Người để Giảm án Tử Hình? - BBC
-
18 Tội Có Hình Phạt Cao Nhất Là Tử Hình (áp Dụng Từ 01/01/2018)