Bối Cảnh Đông Nam Á Thời Tiền Sử | Nghiên Cứu Lịch Sử

southeast-asia-map

Lâm Thị Mỹ Dung

dzunglam.blogspot.com

I. Bối cảnh Đông Nam Á

I.1. Bối cảnh Đông Nam Á: Tự nhiên – Con người – Văn hoá

Về địa lý, Đông Nam Á bao gồm hai khu vực: Đông Nam Á hải đảo có các nước Malaysia, Singapore, Indonesia, Đông Timor, Brunei, Philippines; và Đông Nam Á lục địa: Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam. Từ góc độ sinh thái và văn hoá, Đông Nam Á còn bao gồm cả một phần khu vực tây nam Trung Hoa gồm các tỉnh Vân Nam và vùng Lưỡng Quảng (Quảng Tây, Quảng Đông).

Nhìn trên bản đồ thế giới, Đông Nam Á được thể hiện bằng một dải nếp gấp nhiều màu ở phần đông nam châu Á. Dải này bị thu hẹp bởi khối á lục địa Trung Quốc và Ấn Độ ở phía bắc, phía tây và châu Úc ở phía nam.

Đông Nam Á trải rộng trên một diện tích 3.9 triệu km2 với dân số trên 300 triệu dân và có 10 quốc gia. Tính từ tây sang đông trên phần lục địa là các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, tính từ đông sang nam nằm trong khu vực Biển Đông là một tập hợp các quốc gia quần đảo là các nước Malaysia, Singapore, Brunei, Indonesia, Đông Timor và Philippnes.

Theo quan điểm hiện nay, Đông Nam Á là một bộ phận mang tính toàn thể riêng của châu Á, chứ không chỉ đơn thuần là phần Nam của châu Á hay phần Đông của châu Á. Như vậy, Đông Nam Á là một thực thể riêng biệt có những tương đồng về lịch sử và văn hoá được hình thành và phát triển trên cơ sở của Hệ sinh thái phổ tạp (General ecosystem) với những đặc trưng cơ bản: Chỉ số đa dạng về giống loài cao; Khả năng tái sinh nhanh; nhưng, Số lượng trên mỗi giống loài thường thấp. Ba đặc trưng đó được hình thành trên cơ sở điều kiện Nóng – Ẩm – Gió mùa đặc thù của Đông Nam Á, địa hình bị chia cắt thành những không gian sinh tồn tương đối nhỏ hẹp bởi nằm ở khu vực chân núi cao của lục địa châu Á và là những quốc gia cận biển, trên biển và có chỉ số duyên hải cao.

Kết quả nghiên cứu của nhiều ngành chuyên môn đặc biệt là khảo cổ học và nhân học cho thấy, ngay cả khi các quốc gia khu vực có sự tiếp nhận, chịu ảnh hưởng từ môi trường văn hoá bên ngoài, thì sớm muộn những nhân tố ngoại nhập đó cũng có những biến đổi thậm chí được tái cấu trúc để tương thích với môi trường văn hoá mới, với những quan niệm bản địa về vũ trụ, thân phận, quan hệ xã hội, quyền lực và tín ngưỡng.

Trong những thập kỷ gần đây, trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu vốn có, các học giả khu vực và quốc tế đa đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong nghiên cứu những đặc tính lịch sử, văn hoá khu vực. Những thành tựu đó không chỉ làm sáng tỏ nhiều vấn đề học thuật, thay đổi nhận thức truyền thống về Đông Nam Á mà còn có nhiều đóng góp cho việc xây dựng các mô hình lý thuyết xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sắc tộc và mối quan hệ thân tộc trong một sắc tộc, giữa các sắc tộc và với môi trường xã hội tương ứng, về sự hình thành dân tộc và năng lực ứng biến trước những nền văn hoá, văn minh lớn của chung văn hoá khu vực cũng như của mỗi quốc gia.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, phải đến thời kỳ diễn ra cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai thì khái niệm “Đông Nam Á” mới xuất hiện cùng với việc Bộ chỉ huy liên quân Anh – Mỹ thiết lập Bộ chỉ huy đồng minh (Southeast Asia Command) nhằm ngăn chặn sự bành trướng của quân đội Nhật Bản xuống khu vực Đông Nam của châu Á. Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ XIX hai nhà khoa học là Malte Brun (quốc tịch Pháp) và Leyden (Anh) đã lần đầu tiên đưa ra khái niệm “Indo – Chine” với ý nghĩa như một khu vực địa – văn hoá nằm giữa hai trung tâm văn minh lớn là Trung Hoa và Ấn Độ. Tuy nhiên, khái niệm đó chỉ bao gồm các nước Đông Nam Á lục địa còn các quốc đảo phía đông nam thì vẫn nằm ngoài quan niệm của các tác giả. Tuy cách hiểu về Đông Nam Á vẫn còn nhiều sai lệch nhưng cho đến đầu thế kỷ XX, nhận thức của thế giới về Đông Nam Á ngày càng trở nên hoàn chỉnh. Và, Đông Nam Á không chỉ là khu vực được giới nghiên cứu, chính quyền các quốc gia châu Âu quan tâm mà một số nước ở châu Á cũng rất chú ý đến những đặc trưng văn hoá tiêu biểu và diễn tiến của đời sống lịch sử, văn hoá khu vực. Vào thời cải cách Minh Trị (1868-1912), một bộ phận trí thức và chính giới Nhật Bản cũng rất quan tâm đến các quốc gia khu vực. Mặc dù vậy, cho đến giữa thế kỷ XX, dưới nhãn quan của không ít học giả quốc tế trong đó đặc biệt là giới nghiên cứu Âu – Mỹ thì Đông Nam Á chỉ được coi là vùng “Ngoại Ấn”, “Indo – China”, “Đông Dương”, “Đông Pháp”, hay khu vực “Biển Nam”, “Nan’ yo” (Nam Dương), “Tonan Ajia” (Đông Nam Á)… theo cách hiểu của người Trung Quốc và Nhật Bản.

Sau khi chiến tranh kết thúc, cùng với những thành tựu nghiên cứu mới và sự trưởng thành về nhận thức khoa học, Đông Nam Á mới được xem là một khu vực với những đặc điểm riêng biệt. Mặc dù trước đó, từ thế kỷ XIX một số nhà khoa học Pháp, Đức, Anh và Nhật Bản đã có những bài viết, công trình viết về địa lý, văn hoá và lịch sử khu vực. Những thành tựu nghiên cứu khoảng 4 thập kỷ trở lại đây cho phép chúng ta có thể kết luận rằng, Đông Nam Á phải được coi là Trung tâm quan trọng của văn minh gắn với những dấu ấn khởi nguồn của văn minh nhân loại và chí ít trong hai nghìn năm lại đây Đông Nam Á từng giữ vai trò tích cực trong lịch sử châu Á và lịch sử thế giới.

Nếu có cái nhìn phân lập thì trên thực tế Đông Nam Á sự hợp thành của hai “thế giới” về cả tự nhiên, lịch sử và văn hoá. Những nước ở Đông Nam Á lục địa nằm trên lãnh thổ được hình thành bởi phù sa của những dòng sông nhìn chung đều bắt nguồn từ những vùng núi cao của lục địa châu Á chảy theo hướng tây bắc – đông nam rồi đổ ra biển. Các hệ thống sông lớn của châu Á lục địa như Hồng Hà, Mekong, Chao Phraya (Mê Nam) đều tuân thủ theo hướng chảy này. Là những quốc gia có nền tảng kinh tế nông nghiệp, cư dân Đông Nam Á lục địa sống chủ yếu dựa vào nghề trồng lúa nước đoàn tụ trong cơ cấu xóm làng, buôn, phum. sóc… Trong khi đó, cư dân ở Đông Nam Á hải đảo sống chủ yếu dựa vào khai thác biển qua những hoạt động phi nông nghiệp như đánh cá và buôn bán. Dù vậy, theo các nhà nghiên cứu, bất kể những khác biệt do sự thích ứng với môi trường tự nhiên và mối quan hệ với bên ngoài thì những đặc điểm văn hoá và kinh tế cơ bản đã làm cho những nền văn hoá Đông Nam Á có những nét tương đồng, gần gũi nhau và làm cho chúng khác với những văn minh láng giềng Trung Hoa và Ấn Độ.

Một trong những nét chung của Đông Nam Á là mật độ dân số tương đối thấp, năng suất lúa khá cao, kỹ thuật nông nghiệp phù hợp với sản xuất hộ gia đình có quy mô nhỏ. Trong lịch sử, cư dân Đông Nam Á đã tiến hành nền kinh tế nông nghiệp đa canh kết hợp với săn bắt, hái lượm. Hoạt động kinh tế đó đảm bảo cho cư dân trong khu vực một cuộc sống bình dị, hoà hợp với tự nhiên trong một xã hội có tính liên kết cộng đồng chặt chẽ. Với quan niệm coi văn hoá là sự phản ứng và cách ứng xử có tính chất chung của một cộng đồng người trước những đặc tính của tự nhiên, xã hội và là mẫu số chung của tâm trí cộng đồng bao gồm cả những cảm thụ bên trong và tri thức biểu hiện ra bên ngoài, các nhà nghiên cứu đã xác định một số đặc điểm của văn hoá Đông Nam Á bản địa trước khi bị ảnh hưởng của Trung Hoa và Ấn Độ như sau:

Về đời sống tinh thần: Người Đông Nam Á coi trọng truyền thuyết nhị nguyên về vũ trụ (yếu tố cái – liên quan đến sinh nở, chiếm ưu thế), thuyết vạn vật hữu linh, thờ cúng tổ tiên, thần đất…

Về văn hoá vật thể: Cư dân khu vực chủ yếu là trồng lúa nước với quy mô sản xuất nhỏ (tổ chức xã hội tương ứng), thuần dưỡng trâu bò, sản xuất và sử dụng thành thạo kim loại, kỹ thuật khai thác và vận chuyển sông, biển phát triển…

I.2. Điều kiện tự nhiên – sinh thái và không gian địa – văn hoá

Trước khi đề cập đến một số khía cạnh cụ thể về điều kiện sinh cảnh và môi trường văn hoá Đông Nam Á, ta cần lưu ý rằng, ngay từ thế Cánh Tân (Pleistocene), điều kiện tự nhiên ở Đông Nam Á không thay đổi nhiều so với hiện nay. Môi trường tự nhiên này rất thuận lợi cho sự phát sinh và phát triển con người và đã làm hình thành những đặc điểm riêng của văn hoá khu vực.

– Không gian địa – văn hoá, “Thống nhất trong đa dạng”: Đông Nam Á (bao gồm cả miền nam Trung Hoa từ phía nam Trường Giang) là một trong ba vùng văn hoá chính của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hai vùng còn lại là vùng Đông Bắc và vùng Trung tâm, những vùng này lại bao gồm những tổ hợp lớn và phức tạp của nhiều tiểu vùng văn hoá. Ngoài ra, liên quan gián tiếp tới vùng châu Á – Thái Bình Dương còn có nhiều những khu vực xa hơn khác như Hải đảo Thái Bình Dương gồm Australia, New Zealand, Melanesia, Polynesia và Micronessia. Bốn nơi này đặc biệt gắn liền với Đông Nam Á hải đảo do bản chất tự nhiên của quá trình “thuộc địa hoá” sớm và những đợt chuyển di dân cư từ cách đây 5 đến 4 nghìn năm. Thêm vào đó, miền Nam châu Á (Pakistan, India, Bangladesh, Nepal) cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn tiền sử muộn và lịch sử Đông Nam Á.

Đông Nam Á là một khu vực riêng biệt giữa vùng châu Á gió mùa rộng lớn. Tính riêng biệt này xuất phát trước hết từ vị thế địa lý và sau đó là từ tính chất vật lý của Đông Nam Á. Các nghiên cứu liên ngành về lịch sử – văn hoá khu vực đã xác định ba đặc trưng sinh thái nhân văn sau (xem cỏc nghiờn cứu của dự án vùng khô ở ĐNA):

1. Đông Nam Á trải dài theo xích đạo và nằm gọn trong vùng nhiệt đới ẩm với một số tiểu khu vực thuộc chế độ Á nhiệt đới. Đông Nam Á nóng hơn Trung Hoa và ẩm hơn Ấn Độ.

2. Đông Nam Á từng được xem là vùng nằm xa các trung tâm của quá trình phát tán của nhân loại giai đoạn khởi đầu (những trung tâm này được xem là nằm sâu trong lục địa) hơn là Trung Hoa và Ấn Độ. Nguyên nhân chính là do những dãy núi lớn – rào chắn dọc theo điểm phía bắc và biên giới nước ở phía nam. Đối với Đông Nam Á, giao lưu bằng đường biển mạnh hơn so với Trung Hoa và Ấn Độ.

3. Vụng, vịnh biển thâm nhập sâu vào Đông Nam Á, đối ngược với những dải đất lớn bao quanh của Trung Hoa và Ấn Độ do vậy giao lưu tiếp xúc qua đường biển rất nhộn nhịp ngay từ thời cổ đại.

Trên thực tế, ta thấy bức tranh toàn cảnh rất đa dạng và thật khó xác định tính thống nhất của khu vực này. Xét về khí hậu, có thể đồng ý rằng trong khi cùng là vùng á nhiệt đới gió mùa ở một mức chung nào đó, những ảnh hưởng của gió mùa lại được điều tiết bởi vô vàn những yếu tố địa phương như khoảng cách đối với biển, toạ độ và quan hệ với cao nguyên, lượng mưa, thời hạn của mùa khô… Mặt khác, về chính trị và văn hóa, khu vực này cũng chưa bao giờ là thể thống nhất. Tình trạng đa dạng này đặc biệt thể hiện rõ nét trong các ngữ hệ ở Đông Nam Á.

Sự đa dạng này đóng vai rất quan trọng trong diễn trình văn hoá, song giá trị của Đông Nam Á như một khu vực riêng biệt trên đại thể đã được các nhà nghiên cứu nhận biết ở một số khía cạnh:

Các hệ sinh thái nhiệt đới Đông Nam Á đều có tính chất phổ tạp với chỉ số đa dạng cao, đặc biệt là chỉ số đa dạng về thực vật so với những rừng mưa nhiệt đới ở châu Mỹ, châu Phi.

Tuy đều chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu nóng ẩm và gió mùa, xong tác động của chế độ gió, nhiệt độ, độ ẩm… lại biến thiên ở biên độ rộng tại hai khu vực riêng biệt là Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo. Ngay cả ở mỗi khu vực hay tiểu vùng Đông Nam Á riêng này cũng có sự biến đổi tuỳ theo mỗi miền và những khác biệt giữa các tiểu hệ sinh thái ví dụ như hệ sinh thái rừng mưa tức rừng thường xanh ẩm không phân mùa và rừng gió mùa hay rừng nửa rụng lá phân mùa… Tất cả đều tạo ra sự thích ứng riêng biệt của mỗi nhóm cư dân. Sự biến chuyển môi trường trong thời tiền sử từ Pleistocene (Cánh tân) đến Holocene (Toàn tân) ở Đông Nam Á diễn ra một cách không đồng đều ở các vùng khác nhau. Do vậy, chúng dẫn đến sự biến chuyển văn hoá không đồng đều ngay từ thời đại đá và hệ quả là đã tạo ra một bức khảm đa sắc, đa diện về lối sống của cư dân, về kỹ thuật chế tác công cụ, về trình đô và cách thức tổ chức xã hội…

Tuy vậy, văn hoá Đông Nam Á ngay từ thời tiền sử đã thể hiện những xu thế chung trong việc thích nghi với môi trường tự nhiên.

Trong giai đoạn tiền sử chúng ta nhận thấy tính chặt chẽ trong sự thích ứng của con người với bốn hệ thống sông lớn và những vùng đất cao ở giữa. Cách đây khoảng 6.000 năm những nhóm cư dân hái lượm thường tập trung ở những vùng đất cao của các cánh rừng mưa nhiệt đới mà lối sống của họ trái ngược với những cộng đồng xã hội có mật độ cư dân đông đúc ở vùng ven biển. Từ sau thời kỳ này, ta có thể nhận thấy sự đồng dạng trong quá trình mở rộng những làng cư trú ở các châu thổ sông trong đất liền. Đây cũng là nền tảng cho sự phát triển những nhà nước sơ khai còn được gọi là các “Tù trưởng quốc” trung tâm hay “Lónh chủ địa phương” (Chiefdoms). Các nhà nước sơ khai đó thường dựa vào các thung lũng, phát triển dọc theo hệ thống sông. Các dòng sông không chỉ nuôi dưỡng văn hoá mà còn đóng vai trò truyền dẫn lan toả văn hoá rất quan trọng. Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất là kỹ thuật luyện kim đồng ở châu thổ sông Hồng và sông Mekong… Không gian văn hoá và vòng lan toả văn hoá của người xưa có nhiều khác biệt so với những đường biên chính trị cứng nhắc và các ý tưởng mới, kỹ thuật canh tác, luyện kim mới đã trôi chảy theo mạng lưới liên kết giữa các cộng đồng cư dân mà ở đó được điều hành chủ yếu bởi một thiết chế tự trị.

– Các nhóm ngôn ngữ và tộc người: Thế cài răng lược và tính chất mosaic (khảm) của các nhóm tộc người: Mặc dù còn nhiều quan điểm chưa thống nhất về phân kỳ khảo cổ ở Đông Nam Á, xong có thể khái quát rằng vào thời điểm biến chuyển từ Pleistocene sang Holocene (cách đây khoảng trên một vạn năm), Đông Nam Á lục địa là không gian phân bố của văn hoá Hoà Bình (nền văn hoá thuộc sơ kỳ thời đại đá mới). Vào hậu kỳ đá mới, các nền văn hoá mang tính địa phương đã khu biệt lại tại một số địa bàn hẹp. Sang đến thời đại kim khí các nền văn hoá có xu hướng mở rộng không gian phân bố nhưng vẫn đậm tính địa phương. Cũng vào thời kỳ này, sự phân bố của các nhóm hay nền văn hoá được xem là có liên quan đến nhóm ngôn ngữ và tộc người.

Cho tới thời điểm này, theo đa số các nhà nghiên cứu có ba ngữ hệ hay ba ngữ tộc lớn trong khu vực Đông Nam Á lục địa và hải đảo. Đó là các ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic); Nam Đảo (Austonesian) và Tày – Thái (Tai). Nền tảng của ngữ hệ Nam Á và Nam Đảo là ngôn ngữ Austric (phương Nam). Nghiên cứu sự hình thành và quê hương của các ngữ hệ này, GS. Hà Văn Tấn đi tới kết luận rằng Ngữ hệ Nam Đảo gắn với bôn có nấc và quê hương của ngữ hệ này là vùng ven biển Đông Nam Á và đông nam Trung Quốc. Khu vực hình thành ngữ hệ Nam Á, là vùng phân bố cơ bản của rìu có vai trên bán đảo Đông Dương. Nơi hình thành ngữ hệ Thái là vùng nam Trung Hoa và có thể một phần bắc Đông Dương. Nó có thể lan sang phía đông và tiếp xúc với các nhóm Nam Đảo. Điều này cắt nghĩa sự gần gũi giữa ngôn ngữ Nam Đảo và ngôn ngữ Thái[1].

Sự hình thành các cộng đồng tộc người, cộng đồng ngôn ngữ ở Đông Nam Á diễn ra vào giai đoạn hậu kỳ đá mới (khoảng thiên niên kỷ III trước Công nguyên). Các nhà nghiên cứu đã phân chia bốn khu vực cộng đồng tộc người – ngôn ngữ ở Đông Nam Á là: 1. Nam Trung Quốc, Đài Loan, Đông Bắc Việt Nam, Philippines gắn với khối Nam Đảo; 2. Lục địa Đông Nam Á (trừ bán đảo Mã Lai) gắn với khối Nam Á; 3. Bán đảo Mã Lai, Tây Indonesia và 4. Đông Indonesia[2]. Điểm cần lưu ý là ngay từ thời tiền, sơ sử, xu hướng di chuyển và sống xen cài của các nhóm ngôn ngữ tộc người ở Đông Nam Á đã rất rõ nét.

– Vai trò của các dòng sông, biển và giao lưu đường biển thời cổ trung đại và tính đa dạng của khí hậu, địa mạo:

– Biển và giao lưu đường biển: Về mặt địa – sinh thái, Đông Nam Á nổi lên 4 nhân tố chính 3.

– Hải đảo Nhiệt đới (Tropical Islands):

Đường xích đạo cắt ngang qua ba vùng trên thế giới: Lưu vực Amazzon, lưu vực Congo và Đông Nam Á. Trong khi hai vùng đầu là lục địa thì vùng thứ ba là hải đảo. Số đảo ở Đông Nam Á là rất lớn, có những quốc gia có hàng nghìn đảo lớn nhỏ khác nhau. Một số trong các đảo đó có diện tích rất lớn như đảo Borneo có diện tích tới 750.000 km2, lớn thứ 3 trên thế giới; Sumatra 520.000 km2, lớn thứ 6… Tỉ lệ giữa đất liền và bờ biển ở Đông Nam Á là 5, tức 1km đường bờ biển trên 5 km2 đất liền. Tỉ lệ này ở Trung Hoa là 500 và ở Nhật Bản là 20. Đường bờ biển dài trên một đơn vị đất liền đã gây ra độ ẩm cao. Hệ quả là, Đông Nam Á là nơi có độ ẩm cao nhất thế giới. Nhiệt độ và độ ẩm cao đã tạo ra thiên đường cho cây cỏ để rồi tạo nên một hệ thực vật đặc thù với các cây hương liệu nổi tiếng thế giới. Bên cạnh đó, bờ biển dài tạo ra một không gian văn hoá mở và môi trường rộng lớn, năng động cho sự thâm nhập thế giới bên ngoài qua trao đổi. Như thế, Đông Nam Á trở thành trung tâm của những sản phẩm nhiệt đới đối với thế giới bên ngoài.

– Biển của các thế giới (The sea of the worlds): Nhìn trên bản đồ thế giới chúng ta thấy dường như ba đại dương có xu thế chia cắt thế giới, hay ngăn cách giữa các khu vực văn minh. Trước thế kỷ XVI, không có bất cứ đường hàng hải nào giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, cũng như giữa Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Chỉ có đường hàng hải giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, một số tuyến hàng hải này đi ngang qua Đông Nam Á như Malacca, Sunda và Lombok. Do vậy, biển Đông Nam Á đã giữ vai trò truyền tải, tiếp giao các dòng chảy văn hoá, văn minh trong suốt thời kỳ cổ trung đại.

– Biển hướng ngoại (Outward-looking seas): Đông Nam Á dân số thưa, tỷ lệ dân số trên 1km đường bờ biển là 40, trong khi ở Trung Hoa là 570 người. Các nước ở Đông Nam Á (trừ Việt Nam và Java) nhìn chung theo Hla Myint là loại “hướng ngoại” với đặc điểm tuy lãnh thổ nhỏ, dân số ít, song lượng hàng xuất khẩu dồi dào. Những nước này phát triển thị trường bên ngoài, trong khi thị trường và vốn nội địa hạn chế.

– Sự cân bằng giữa mạng lưới trao đổi đường biển và nội địa: Nhìn tổng thể, khu vực núi và Savan ở Đông Nam Á là những vùng tự cung tự cấp dựa trên văn hoá bản địa và nguồn tài nguyên khá dồi dào. Do vậy, họ có thể không cần đến hàng hoá của thế giới bên ngoài cho đời sống của họ. Tuy vậy, vì buôn bán đường biển rất thuận lợi nên việc trao đổi giữa các vùng đặc biệt phát triển. Dù theo cách thức nào thì những nhân tố của thế giới văn minh bên ngoài đã thâm nhập vào những khu vực văn hoá nội địa và chúng được tích luỹ và hoà trộn với những văn hoá địa phương tạo nên những văn hoá khu vực mới.

– Sông và châu thổ chính ở Đông Nam Á lục địa: Từ trung tâm của phía đông Himalaya, hàng loạt những sông lớn toả ra phủ khắp Đông Nam Á lục địa. Những con sông này luôn được cung cấp nước từ các nguồn tuyết và băng tan vào mùa mưa gió mùa tháng 5, chúng chảy cắt theo thung lũng của những rặng núi và tạo nên các châu thổ và đồng bằng ngập nước mà hiện nay nuôi sống 1/6 dân số thế giới. Nằm giữa sông Brahmaputra ở phía tây đến Trường Giang chúng ta thấy có những sông như Chindwin, Irrawaddy, Salween, Chao Phraya, Mekong, sông Hồng và nhiều sông nữa tưới cho vùng Lĩnh Nam và hợp vào để tạo ra Zhungjiang (Trường Giang). Trong khu vực mà những cơn mưa gió mùa kích thích sự tăng trưởng của rừng bao phủ rậm rạp, bao gồm cả loại rừng phủ ba tầng thì những dòng sông này trong lịch sử là những dòng chủ lưu chuyên chở con người, hàng hoá và cả những ý tưởng. Đông Nam Á lục địa là chủ thể của gió mùa và tác động của gió mùa dao động tuỳ theo địa hình địa phương. Điều này gây ra sự khác biệt lớn giữa mùa mưa và mùa khô, mặc dù nhiệt độ (ngoại trừ ở những vùng cao) hầu như rất ít khi xuống dưới 100C. Ngành kinh tế chính ở vùng thấp, nơi tập trung phần lớn các địa điểm thời đại đồng thau là trồng lúa, đánh cá và chăn nuôi. Vào thời kỳ cuối của thiên niên kỷ I trước Công nguyên, ảnh hưởng của Trung Hoa bắt đầu vươn tới Đông Nam Á, và ban đầu tập trung ở những khu vực như Vân Nam, Lĩnh Nam và Bắc Bộ.

Theo quan điểm của nhiều học giả, Đông Nam Á lục địa là nơi cư dân nói tiếng Nam Á sống trong bối cảnh cư trú nóng, gió mùa với nền kinh tế dựa trên cơ sở trồng lúa. Những rừng rậm tự nhiên bao phủ đã làm tăng tầm quan trọng của những đợt chuyển dịch cư dân theo đường sông và theo bờ biển. Chiếm lĩnh những lãnh thổ dọc chiều dài của những đường truyền thông này, cư dân thời tiền sử ở Đông Nam Á lục địa đã khu trú và phát triển bốn khu vực văn hoá- kinh tế chủ đạo và trong thời sơ sử, bốn khu vực này phát triển thành bốn trung tâm văn minh tiêu biểu- Những nền văn minh theo các dòng sông, đó là: Châu thổ sông Chao Phraya và Mekong, Lĩnh Nam, Bắc Bộ và Vân Nam – Trường Giang, sông Hồng.

– Đông Nam Á hải đảo (Quần đảo Indo-Malaysia): Khu vực này hiện nay gồm tất cả các đảo của Indonesia và Malaysia (kể cả bán đảo Malaya phía nam Thái Lan). Phần trung tâm của quần đảo này trải rộng từ 7 độ vĩ Bắc (Bắc Malaya và Borneo) đến 11 độ vĩ Nam (Sumba và Timor), và từ đỉnh phía đông của Sumatra đến Moluccas. Toàn bộ khu vực này dài khoảng 4.200km trên 2.000km từ bắc đến nam, phần đất liền có diện tích rộng khoảng 1,8 triệu km2, trong đó 80% diện tích nằm ở Indonesia; phần còn lại thuộc về Malaysia (Malaya cộng thêm cả bang Sarawak và Sabah hay Borneo) và Brunei.

Những hòn đảo ở đây có kích thước rất khác nhau; Borneo 736000 km2, Sumatra 435000 km2. Sulawesi 172000 km2. Có thể khái quát là những đảo ở miền tây Indonesia nhìn chung lớn hơn những đảo ở miền đông (trừ Sulawesi). Lý do chính theo các nhà địa chất nằm ở cấu trúc của quần đảo.

Về địa hình, có thể xác định ba cấu trúc rất cơ bản ở Đông Nam Á hải đảo. 1. Ở phía tây, là thềm lục địa Sunda; 2. Vòng cung núi lửa Sunda – Banda và hệ thống dải tiếp cận bờ Ấn Độ dương và trải dài về phía đông tới phía New Guinea; 3. Ở đông bắc là Sulawesi – Philippines và vòng cung núi lửa Halmahera hướng về châu Á từ Thái Bình Dương. Cả khu vực nằm trong vùng nhiệt đới và cần nhấn mạnh rằng nhiệt độ nóng không đổi và chỉ dao động rất ít trong ngày hay theo mùa.

Đặc điểm khí hậu nổi bật nhất là mưa. Có hai vùng mưa chính: 1. Vùng xích đạo, nơi mưa quanh năm, gồm Malaya, Sumatra, Đông Java, Borneo, trung tâm Sulawesi, nam và đông Philippines và một phần Moluccas. 2. Đới có hai mùa khô và mưa rõ rệt, bao gồm vùng đất liền phía bắc của bán đảo Malay, miền tây và miền bắc Philippines, miền nam Sulawesi và những đảo Lessa Sunda từ miền trung Java đổ về phía đông.

– Đa dạng sinh học: Hệ sinh thái Đông Nam Á trên đại thể được phân vào hệ sinh thái phổ tạp với chỉ số đa dạng về loài rất lớn, song số lượng mỗi loài tương đối ít, nói cách khác tức “chỉ số đa dạng cao”. Những nguồn tài nguyên môi trường gồm nhiều cây và con nhất là động vật có vú ở bán đảo Malay, số động vật có vú giảm xuống đáng kể nếu dịch chuyển tới Đông Nam Á hải đảo tới phía đông. Phía đông của đường Wallace (của Huxley) ở miền đông Indonesia số lượng loài giảm xuống đáng kể. Wallacea, nơi bao gồm cả Sulawesi, Moluccas và Lessa Sundas có quần thể động vật hỗn hợp giữa châu Á và châu Úc. Khối đất gọi là Sahulland cấu tạo từ đất Cựu Australia – New Guinea có quần thể động vật riêng biệt trong đó thú có túi nhiều hơn động vật có vú. Chỉ riêng ở New Guinea đã có tới 47 loài thú có túi. Thực vật cực kỳ phong phú so với những vùng khô cằn và ôn hoà và thể hiện trong rừng nhiệt đới / đa dạng đồng cỏ và gió mùa / thường xanh / khô hạn. Sự thay đổi theo mùa trong khu vực mưa đối nghịch với những giai đoạn rất khô ở phần lớn những vùng của Đông Nam Á.

I.2. Đông Nam Á thời tiền, sơ sử: Cơ tầng văn hoá bản địa

I.2.1. Phân kỳ thời tiền, sơ sử ở Đông Nam Á lục địa: Hiện nay trong giới nghiên cứu khảo cổ học Đông Nam Á tồn tại nhiều cách nhìn khác nhau về phân kỳ thời tiền sơ sử. Có hai quan điểm cơ bản song hành trong nghiên cứu khu vực hiện nay. i. Thứ nhất là cách phân kỳ cổ điển theo ba thời đại (mà điển hình là phân kỳ khảo cổ học Việt Nam; phân kỳ khảo cổ học Thái Lan trong một số chuyên khảo của Ch. Higham…); ii. Thứ hai là phân kỳ dựa vào phương thức kiếm sống.

Đối với Đông Nam Á lục địa, giữa các nhà nghiên cứu hiện nay xu hướng khá phổ biến là chấp nhận (với một số chỉnh sửa và bổ sung) phân kỳ do học giả Higham đưa ra4, mà theo đó Đông Nam Á trải qua những giai đoạn phát triển văn hoá như sau:

a. Giai đoạn D (từ năm 200 sau Công nguyên đến năm 1500): Sự hình thành và lớn mạnh của những nhà nước hay mandala ở vùng hạ lưu sông Mekong, bờ biển Việt Nam, khu vực đông bắc Thái Lan và lưu vực sông Chao Phraya. Tăng cường sự tập trung hoá ở những trung tâm chính trị mang tính vương quyền, tôn giáo tinh thần Ấn Độ, thủ công nghiệp chuyên nghiệp và tiếng Sanskrit. Mandala Angkor thành lập năm 802 thể hiện sự gắn kết chặt chẽ với Ấn Độ. Trung Hoa – Hán cai trị ở Bắc Bộ (Việt Nam).

b. Giai đoạn C (năm 500 năm trước Công nguyên): Luyện kim đen, sự tập trung hoá và hình thành các tù trưởng quốc. Những mối quan hệ đầu tiên với thương nhân Ấn Độ và chiến binh Hán. Tăng cường mạng lưới trao đổi, phân hoá xã hội và nông nghiệp. Những người thợ luyện kim màu – đồng thau sản xuất những đồ đựng, đồ để dùng uống, những tấm che thân trang trí, bát… (tìm thấy trong những mộ thuyền). Quá trình tập trung hoá và những tổ hợp tù trưởng quốc; luyện kim đen và luyện kim màu tinh xảo.

c. Giai đoạn B (2.000 trước Công nguyên năm đến 500 trước Công nguyên): Luyện kim đồng thau xuất hiện trong những cộng đồng tự trị vùng đất thấp. Quặng được khai thác ở vùng cao, những thỏi nguyên liệu được trao đổi và đúc những công cụ ở vùng đất thấp. Tăng cường sự phân tầng trong những cộng đồng nhỏ. Một số nhóm gia đình có vị trí cao (qua sự có mặt của đồ trang sức và hiện vật đồng thau). Nguồn thức ăn đa dạng và có thể đã trồng lúa. Những làng tự trị tụ cư ở nhiều khu vực sinh thái khác nhau; luyện kim đồng thau và sản xuất lương thực tổng hợp.

d. Giai đoạn A (3.000 năm trước Công nguyên): Những vùng cư trú tỏa rộng theo các nhánh sông của cao nguyên Khorat, trung du Bắc Bộ, đồng bằng Tonlesap, rìa châu thổ sông Mekong và lưu vực sông Chao Phraya. Những làng cư trú nhỏ và tổ chức xã hội có mức độ phân hoá không cao. Công cụ đá và vỏ sò được trao đổi giữa các cộng đồng, có thể đã trồng lúa ở những rìa nước ngập. Những làng cư trú nhỏ của cư dân sản xuất lương thực sớm; giai đoạn quan trọng của sự lan tỏa của cư dân trồng trọt tới những môi trường mới.

đ. Cư trú ven biển (5.000 – 1.500 trước Công nguyên): Mực nước biển tăng đáng kể trong khoảng từ 7.000 đến 4.000 năm trước Công nguyên có thể đã làm ngập những nơi cư trú ven biển. Vào khoảng 4.000 năm trước Công nguyên, mực nước biển ổn định ở mức cao hơn so với ngày nay. Những chứng cứ về những làng cư trú giàu có ven biển gây ra sự phân hoá xã hội, trao đổi và táng tục phức tạp ta đã thấy ở Khok Phanom Di. Chứng cứ bào tử phấn hoa cho nơi cư trú này vào khoảng 4.700 năm trước Công nguyên. Những nguồn tài nguyên biển rất quan trọng trong đời sống cư dân, gạo đó được tiêu thụ. Gạo có thể được gặt từ lúa hoang mọc ở những đầm lầy nước ngọt. Những thay đổi nơi cư trú ven biển phản ánh sự thay đổi đường bờ biển và sự gia tăng mức độ sản xuất thức ăn; những cộng đồng cư dân sống tập trung với mật độ cao ở ven biển, ven sông và những cư dân săn bắt – hái lượm.

e. Những người săn bắt – hái lượm sơ khai (10.000 năm trước Công nguyên): Mực nước biển bắt đầu thấp hơn ngày nay rất nhiều rồi dâng cao hơn 3m so với mực nước biển hiện nay. Những làng ven biển trước đó bây giờ bị ngập dưới biển. Những địa điểm cư trú sơ tán chính là những hang động trong đất liền. Công cụ đá ít chủng loại, công cụ gỗ để săn bắt và hái lượm có thể đã có vai trò quan trọng. Những nhóm cư dân nhỏ, di động hái lượm những cây cỏ hoang dại và nhuyễn thể. Chứng cứ về săn bắt, đánh cá và bẫy thú. Những nơi cư trú cổ hơn vùng ven biển này bị ngập do sự dâng lên của mực nước biển; cư trú hang động trong nội địa; những nhóm săn bắt – hái lượm nhỏ, di động.

I.2.2. Đông Nam Á hải đảo – Những giai đoạn văn hoá tiền sử: Theo quan điểm của học giả Bellwood5 thì có sự biến đổi quan trọng trong các xã hội Austronesian (Nam đảo) tiền sử giai đoạn trong khoảng thời gian từ 4.000 năm trước Công nguyên đến thế kỷ I sau Công nguyên.

a. 4000-3500 trước Công nguyên: Là thời kỳ lan tỏa, khởi đầu của cư dân Nam Đảo tới Đài Loan. Họ trồng củ và trồng hạt, đi biển chưa phát triển.

b. 3000 năm trước Công nguyên: Sự lan tỏa của cư dân Sơ – Nam Đảo đến phía bắc Philippines. Bộ phận cư dân này đã cải tiến kỹ nghệ đi biển, sự thay đổi phong cách từ gốm văn thừng sang gốm để trơn hay gốm áo đỏ.

c. Cuối Thiên niên kỷ III và TNK II trước Công nguyên: Sự phân tán của cư dân Malayo-Polynesian sớm từ phía nam Philippines đến Borneo, Sulawesi và Moluccas, sự dồi dào cây quả ở xích đạo và trồng củ đã đối trọng lại với việc trồng hạt (ngăn trở việc trồng nhũ cốc), ngoại trừ những khu vực ở xa hơn về phía nam và ở những hòn đảo phân mùa như Java, nơi tiêu thụ gạo được coi trọng. Như vậy, đã có thể xuất hiện ở thời điểm này sự khởi đầu của việc thích ứng của người hái lượm với rừng mưa ở Borneo và Sumatra.

d. TNK II-I trước Công nguyên?: Sự khởi đầu của những người du mục biển sơ khai ? thích ứng di động quanh vùng biển Sulu và Sulawesi, và có thể cả ở những khu vực khác nữa. Điều này, lần lượt có thể là cơ sở đi biển cho cư dân khu vực.

đ. Từ giữa và cuối TNK II trước Công nguyên: Diễn ra quá trình chinh phục của cư dân Lapita ở vùng đại dương xa xôi xa nhất như Tonga và Samoa. Kỹ năng đi biển phát triển hơn cho phép triển vọng vươn tới những đảo chưa có người ở, nhưng với ít khả năng hơn để cư trú ở những đảo Tây Melanesia (đặc biệt là New Guinea) đã có cư dân nói tiếng Papua cư trú.

Bản đồ phân bố trống Đông Sơn ở Đông Nam Á

e. TNK II- I trước Công nguyên: Cư trú của cư dân Nam Đảo ở Việt Nam và Malaya, ở cả hai khu vực trên đều đã diễn ra sự cạnh tranh của những nhóm cư dân mới đến với những cư dân tiền – nông nghiệp bản địa.

f. 500 năm trước Công nguyên và sau đó: Sự xâm nhập của luyện kim màu và đen vào Đông Nam Á hải đảo. Những trống đồng Đông Sơn từ miền Bắc Việt Nam cũng đã được đưa (trao đổi, mua bán?) tới những đảo Sunda, trải rộng từ Sumatra đến nam Moluccas.

Từ bối cảnh đồng văn này của Đông Nam Á hải đảo, Bellwood đã xác định ba giai đoạn phát triển trong sản xuất lương thực của khu vực Nam Đảo:

a. Giai đoạn 1: Giai đoạn đầu của ưu thế trồng hạt (ngũ cốc) Nam Trung Hoa.

b. Giai đoạn 2: Sau năm 2.000 trước Công nguyên, sự di chuyển về phía xích đạo và tăng cường trồng củ và các loại cây thích ứng tốt hơn với điều kiện sinh thái nhiệt đới ẩm.

c. Giai đoạn 3: Sau năm 1.500 trước Công nguyên, sự chuyển dịch hệ thống sản xuất lương thực tới những vùng chưa có người ở ở đại dương vào trong Thái Bình Dương (giai đoạn đá mới muộn Lapita). Có thể thấy rằng sau năm 3.000 trước Công nguyên đa phần Đông Nam Á đều chuyển sang trồng lúa nước, kể cả việc sử dụng ruộng đắp bờ. Vào giai đoạn cuối đã sử dụng trâu và nông cụ kim khí.

Dựa trên những phân kỳ nói trên và tư liệu khảo cổ mới phát hiện gần đây ở Đông Nam Á, có thể thấy rằng từ những con người đầu tiên đến khi hình thành những nhà nước sớm, các nhóm cư dân ở Đông Nam Á đã trải qua những giai đoạn phát triển từ các nhóm cư dân săn bắt/hái lượm hậu kỳ đá cũ, sơ kỳ đá mới đến những cộng đồng cư dân nông nghiệp sớm hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí, cộng đồng cư dân nông nghiệp phát triển trong thời đại kim khí phát triển…

I.3. Quá trình, thực trạng và xu hướng nghiên cứu tiền, sơ sử Đông Nam Á

I.3.1. Giai đoạn thế kỷ XVIII đến Chiến tranh thế giới lần thứ I

Một số di vật tiền sử ở Đông Nam Á đã được thu thập và miêu tả từ đầu thế kỷ XVIII, nhưng những tìm tòi thì phải từ cuối thế kỷ XIX. Từ đầu thế kỷ XX mới có những cuộc khai quật đầu tiên. Việc nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á chỉ đựơc đẩy mạnh từ những năm 20 của thế kỷ XX. Mặc dù còn nhiều sai sót trong khai quật nhưng đã cung cấp một khối lượng tư liệu khổng lồ để dựng nên một bức tranh đầu tiên của tiền sử Đông Nam Á. Hội nghị các nhà tiền sử Viễn Đông Hà Nội năm 1932 đánh dấu bước phát triển đó. Vào thời gian này đã xuất hiện những công trình nghiên cứu tổng hợp như “Tiền sử Đông Dương” của Mansuy xuất bản năm, “Đông Dương tiền sử” (1936 – Patte) hay “Philippines tiền sử” (1936 – Otley Beyer)… đáng chú ý nhất trong giai đoạn này là công trình nghiên cứu của Heine-Geldern về sự thiên di sớm nhất của người Nam Đảo, trong đó mô hình biến đổi văn hoá tiền sử Đông Nam Á theo truyền bá luận, học thuyết này của ông ảnh hưởng sâu sắc tới những nghiên cứu của các học giả nước ngoài về tiền sử Đông Nam Á. Điều đáng chú ý là, đến cuối thập kỷ 30, đầu thập kỷ 40, có những phát hiện quan trọng trong nghiên cứu thời đại đá, nhất là các phát hiện di tích sơ kỳ đá cũ như Pacitan (Indonesia), Kota Tampan (Malaysia), Anyatha (Miến Điện)… và những phát hiện dấu vết người vượn cùng các hominid hoá thạch ở Java. Các phát hiện đó đã thu được kết quả to lớn. Trong thời gian đó các viện, trung tâm nghiên cứu cũng đã tổ chức một số nghiên cứu liên vùng, liên khu vực. Giai đoạn này kết thúc bằng Hội nghị các nhà tiền sử học Viễn Đông ở Singapore năm 1938.

I.3.2. Sau Chiến tranh thế giới thứ II đến cuối thập kỷ 60 – Sự thắng thế của thuyết truyền bá luận:

Đây là thời kỳ xây dựng các cơ quan nghiên cứu khảo cổ học ở mỗi nước. Các học giả phương Tây đã tập trung tổng kết những tài liệu đã thu được trước chiến tranh và xuất bản một số công trình tiêu biểu như: “Thời đại đá ở Mã Lai” của M.Tweedie; “Khảo cổ học Philippines và Đông Á và mối liên hệ với nguồn gốc cư dân các đảo Thái Bình Dương” của Otley Beyer; “Thời đại đá ở Indonesia và Thời đại đồng thau – sắt ở Indonesia” của Van Heekeren. Giai đoạn này cũng cần nhắc đến một công trình tổng hợp trên phạm vi rộng hơn gồm Đông Nam Á, một phần Ấn Độ và Trung Quốc, đó là công trình “Các văn hoá sơ kỳ đá cũ ở Nam và Đông Á” của H.L.Movius.

Các tác phẩm của giai đoạn này mang tính khái quát và tổng hợp dựa trên nguồn tư liệu phong phú, tích luỹ qua thời gian dài. Tuy vậy, giai đoạn này lại không có những cuộc khai quật lớn, phương pháp khai quật không có gì đổi khác, khung niên đại vẫn là khung niên đại phỏng đoán như thời gian trước đây.

Nét nổi bật trong các nghiên cứu giai đoạn này là khi so sánh ở bối cảnh rộng hơn, các nhà tiền sử học đã nhận ra nét riêng của khu vực Đông Nam Á trong thời tiền, sơ sử. Đặc biệt trong tác phẩm của Movious về kỹ nghệ chế tác đá khu vực. Ông là coi khu vực này là trì trệ trong sự phát triển văn hoá và giải thích hiện tượng đó bằng sự bảo lưu lâu dài các loại hình con người không tiến hoá.

Trong quyển “Thời đại đá ở Indonesia” Van Heekeren cũng đã nêu lên một số đặc điểm của con đường phát triển thời đại đá ở đây. Ông đã trình bày về mối liên hệ giữa con người tiền sử với thiên nhiên và khí hậu hậu nhiệt đới. Ông cũng đã nhấn mạnh vai trò của các vật liệu hữu cơ như tre, gỗ… trong đời sống người tiền sử Đông Nam Á. Trong giai đoạn này về quan điểm, ảnh hưởng của truyền bá luận lấy châu Âu làm trung tâm còn rất nặng nề. Nhìn chung, các học giả phương Tây vẫn giữ thiên kiến đánh giá thấp truyền thống lịch sử và văn hoá khu vực.

I.3.3. Giai đoạn thứ ba từ cuối những năm 60 và trong thập kỷ 70 – Solheim và khuynh hướng phản truyền bá luận

Nghiên cứu về tiền sử Đông Nam Á đã bắt đầu vào giai đoạn thứ ba. Đông Nam Á bắt đầu chứng kiến những cuộc khai quật theo kiểu mới, với kỹ thuật tiến bộ. Các nhà khoa học và trung tâm học thuật đã áp dụng nhiều phương pháp khoa học – kỹ thuật trong việc xác định niên đại tuyệt đối.

Từ giữa thập kỷ 60 cho đến nay, Đông Nam Á luôn luôn có những phát hiện khảo cổ học làm chấn động giới tiền sử học. Ví dụ như cuộc khai quật Hang Thẩm Phi (Hang Ma) ở bắc Thái Lan với vết tích trồng trọt có niên đại rất sớm. Phát hiện đồ đồng sớm ở đông bắc Thái Lan như Non Nok Tha, Ban Chiang… một mặt cho thấy Đông Nam Á là một trong những nơi hình thành nghề luyện kim đồng rất sớm với những đặc điểm riêng biệt. Tuy vậy, những niên đại quá sớm này cũng đã và đang gây ra nhiều tranh luận, xu hướng chung hiện nay là không chấp nhận khung niên đại ban đầu cho rằng đồng thau đã xuất hiện từ 3.600 năm trước Công nguyên và đồ sắt đã xuất hiện từ 1.600 năm trước Công nguyên. Đặc điểm chung của nghiên cứu thời đại kim khí ở Thái Lan là phần lớn các cuộc khai quật đều do các học giả phương Tây tiến hành và niên đại chỉ dựa trên hệ niên đại tuyệt đối xác định bằng các phương pháp khoa học tự nhiên như C14, nhiệt huỳnh quang, AMS… Trong nhiều trường hợp, những niên đại này lại rất mâu thuẫn với nhau.

Thành tựu nữa của giai đoạn này chính là những phát hiện và nghiên cứu về thời đại đá đặc biệt là ở Đông Nam Á hải đảo như cuộc khai quật của Tom Harisson ở hang Niah trên đảo Kalimantan (Malaysia), của Fox ở hang Tabon trên đảo Palawan (Philippines) và các cuộc khai quật của Ian Glover trong các hang phía nam đảo Sulawesi (Indonesia)… đều cung cấp cho chúng ta những trật tự phát triển văn hoá tiền sử từ hậu kỳ đá cũ đến thời đại đá mới. Một số vấn đề về lý thuyết của tiền sử Đông Nam Á cũng được đưa ra như học thuyết về trung tâm nông nghiệp sớm văn hoá Hoà Bình của Solheim và mô hình của ông về 5 giai đoạn trong phát triển tiền sử Đông Nam Á nối tiếp nhau: Đá (Lithic); Gỗ (Lignic); Kết tinh (Crystallitic); Mở rộng (Extensionistic); Xung đột đế quốc (Conflicting Empires). Solheim nhấn mạnh: “Sự khác biệt rõ ràng nhất giữa sự phục dựng của tôi và sự phục dựng truyền thống, dựa vào Heine-Geldern, là trong phục dựng của tôi, cư dân Đông Nam Á là những người cách tân, đóng góp nhiều cho văn hoá bắc Trung Quốc và sự phát triển về sau của văn hoá đó, đối lập với việc coi Đông Nam Á là một ngõ cụt mà những đổi mới và tiến bộ đều là từ bên ngoài đưa tới”.

Theo GS. Hà Văn Tấn, mô hình của Solheim một mặt đầy mâu thuẫn và không có cơ sở vững chắc, dễ dàng nhận thấy là ông khá cực đoan theo một thứ bản địa luận. Mặt khác, ông cũng làm được một việc có ý nghĩa là nhấn mạnh sự phát triển rực rỡ và sáng tạo của văn hoá tiền sử Đông Nam Á, chống lại sự miệt thị các văn hoá khu vực này.

Giai đoạn này xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á với những phương pháp tiếp cận truyền thống của khảo cổ học. Theo quan điểm của GS. Hà Văn Tấn thì có ba phương hướng tiếp cận như sau6:

Tiếp cận kinh tế học: Các chiến lược kiếm sống hay các mô thức sống của cư dân tiền sử Đông Nam Á đã được phân tích. Sự chuyển biến từ kinh tế khai thác sang kinh tế sản xuất được đặc biệt chú ý. Một số mô hình kinh tế tiền sử đã được đưa ra (của Gorman, của Higham). Vấn đề “Cách mạng đá mới” hay “Cách mạng nông nghiệp” bắt đầu được thảo luận (Solheim).

Tiếp cận sinh thái học: Người ta đã thử giải thích các đặc điểm văn hoá tiền sử Đông Nam Á bằng mối liên hệ giữa con người và môi trường. Ảnh hưởng của các hệ sinh thái khác nhau đến mô thức cũng đã được phân tích. Điển hỡnh cho cỏch tiếp cận này là Higham, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng…

Tiếp cận xã hội học: Vấn đề dân số học tiền sử lần đầu tiên được đề cập (Pietrusewsky). Tài liệu mộ táng được sử dụng cho việc phân tích xã hội học (Higham). Sự phân tầng xã hội, thành luỹ và đô thị hoá là những hiện tượng được chú ý trong nhiều công trình (Higham, Wheatly).

I.3.4. Giai đoạn thứ tư những năm cuối của thập kỷ 20

Đây là giai đoạn có thể được gọi là phê phán, xem xét lại những luận điểm của giai đoạn ba. Đặc biệt là về niên đại. Xu hướng chung là không chấp nhận những niên đại quá sớm cho sự xuất hiện của luyện kim và trồng lúa nưóc. Trong giai đoạn này xuất hiện rất nhiều những chuyên khảo về khảo cổ học của từng quốc gia trong khu vực, đặc biệt là của những tác giả người Đông Nam Á. Một số công trình mang tính tổng hợp về khảo cổ học tiền, sơ sử Đông Nam Á của những nhà nghiên cứu nước ngoài đã giúp cho việc khẳng định những nét đặc trưng riêng của Đông Nam Á và vai trò của Đông Nam Á trong lịch sử nhân loại.

I.4. Đặc điểm lịch sử – văn hoá Đông Nam Á thời tiền sử

I.4.1. Vị trí của Đông Nam Á trong lịch sử hình thành con người, một số phát hiện cổ nhân, cổ sinh quan trọng

Những nghiên cứu cổ địa chất, cổ sinh học cho thấy trong suốt thế Cánh tân, điều kiện tự nhiên ở Đông Nam Á không thay đổi nhiều so với hiện nay. Môi trường tự nhiên này rất thuận lợi cho sự phát sinh và phát triển con người đầu tiên và hình thành những đặc điểm văn hoá riêng biệt.

Những phát hiện cổ nhân đầu tiên trong khu vực là những phát hiện về dấu vết vượn người Miocene ở Lộc Phong, Vân Nam, Trung Quốc. Đây là những dấu tích sọ và mặt của Ramapithecus, được đặt tên là Lufengpithecus (vượn Lộc Phong). Tuy rằng hiện nay Ramapithecus không được coi là nằm trong dòng tiến hoá trực tiếp lên người, nhưng những phát hiện này cũng đã giúp cho các nhà nghiên cứu có được nhận thức rõ ràng hơn con đường và cách thức tiến hoá nhân loại.

Tại khu vực Đông Nam Á cũng đã phát hiện nhiều vết tích của vượn Homo Erectus, những vết tích này tập trung chủ yếu ở Indonesia mà niên đại tuyệt đối lên tới 1,81 +/- 0,04 triệu năm (niên đại K40 của sọ Modjokerto). Niên đại này còn sớm hơn niên đại Homo Erectus ở châu Phi và làm nảy sinh vấn đề về nguồn gốc của Homo Erectus châu Á7. Những phát hiện mảnh tước đá và bola ở Sambungmachan, Ngebung (Indonesia) cũng bước đầu khẳng định người Homo Erectus Đông Nam Á đã biết chế tạo và sử dụng công cụ bằng đá.

I.4.2. Thời đại đá cũ Đông Nam Á – Phát hiện và tranh luận

Dựa vào những nghiên cứu cổ sinh học, có thể thấy rằng khí hậu giai đoạn này biến đổi từ nóng hơi khô sang nóng ẩm với quần động vật là những loài động vật có vú phong phú, tiêu biểu cho quần động vật khu vực nam Trung Hoa và bắc Việt Nam, một số loài nay đã bị tuyệt diệt như vượn khổng lồ, đười ươi, voi răng kiếm, voi cổ, lợn vòi, gấu tre… Phức hệ thực vật đều được đặc trưng bởi những giống loài của thực vật cận nhiệt đới đa dạng với nhiều loại tre nứa, có thể sử dụng làm công cụ lao động, dụng cụ sinh hoạt, dụng cụ săn bắt hoặc tạo lửa. Nhiều loại thảo mộc có thể cung cấp chất bột, đường và đạm nuôi sống con người và dược liệu chữa bệnh cho con người.

Những phát hiện về sơ kỳ đá cũ ở Đông Nam Á: Trong nhiều công trình khoa học về thời đại đá cũ trên thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng, người ta thường nhắc đến luận điểm của học giả Mỹ H. Movius đưa ra vào những năm 40 của thế kỷ XX về hai nền văn hoá sơ kỳ đá cũ phân bố ở hai khu vực:

1. Nền văn hoá rìu tay phân bố ở phương Tây (gồm châu Phi, châu Âu, Tây Nam Á và vùng Nam Ấn Độ).

2. Nền văn hoá Eroppo – Tropping phổ biến ở phương Đông gồm Trung Quốc, tây bắc Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Luận điểm này của ông đã có ảnh hưởng lớn trong giới khảo cổ học tiền sử và đôi khi được sử dụng để minh chứng cho sự phát triển chậm chạp và tính lạc hậu, trì trệ về văn hoá, kỹ thuật của phương Đông và đặc biệt là của khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, đã có không ít sự nghi ngờ và phê phán luận điểm này từ phía các nhà nghiên cứu. Quan điểm phổ biến hiện nay giải thích sự bảo lưu vững chắc của các kỹ thuật truyền thống ở Đông Nam Á bằng điều kiện sinh thái, tính đặc thù trong phương thức thích nghi với môi trường tự nhiên. Nghiên cứu quần động vật và thực vật, người ta thấy những biến động về khí hậu và môi trường tự nhiên trong suốt thế Cánh tân ở Đông Nam Á không quá lớn và đột ngột để buộc con người phải thay đổi hẳn phương thức sinh hoạt. Đứng trước đối tượng săn bắt và hái lượm khá ổn định, con người không có yêu cầu thay đổi những kỹ thuật cũ, do đó tập hợp công cụ lao động không có những biến đổi lớn 8.

Ở Đông Nam Á, đã có nhiều phát hiện khảo cổ mà trước đây thường được xác định thuộc sơ kỳ thời đại đá cũ như văn hoá Anyathian (Myanmar), văn hoá Tampanian (Malaysia), văn hoá Patjitan (Indonesia), Núi Đọ (Việt Nam)… Tuy nhiên, do những công cụ được xác định niên đại sơ kỳ đá cũ này không nằm trong địa tầng nguyên vẹn và trong tổ hợp di vật để giúp định niên đại một cách chắc chắn nên hầu như đều bị xem xét lại. Theo GS. Hà Văn Tấn, hiện nay chỉ có hai địa điểm ở Thái Lan là Ban Mae Tha và Ban Don Mun có các công cụ cuội nằm dưới lớp basalte. Các lớp basalte này có niên đại khoảng 730.000 năm cách ngày nay, như vậy công cụ đá ở hai địa điểm này thuộc sơ kỳ thời đại đá cũ sớm nhất hiện nay được biết đến ở Đông Nam Á. Như vậy dấu vết sinh sống của con người thời sơ kỳ đá cũ ở Đông Nam Á chưa rõ ràng và chắc chắn.

– Hậu kỳ đá cũ Đông Nam Á: Hiện nay, thời kỳ này được biết nhiều hơn và nghiên cứu kỹ hơn, dù rằng ở Đông Nam Á mọi ranh giới trong thời đại đá cũ không được rõ nét lắm. Trước đây người ta cho rằng trong giai đoạn này có hai truyền thống chế tác công cụ đá khác nhau: Truyền thống công cụ cuội ở lục địa Đông Nam Á và truyền thống công cụ mảnh ở Hải đảo Đông Nam Á. Trong các nền kỹ nghệ có niên đại hậu kỳ đá cũ ở Đông Nam Á hải đảo, nổi bật là những kỹ nghệ Niah (đảo Kalimantan), kỹ nghệ Tabon (Đảo Palawan), kỹ nghệ Leang Burung II (đảo Célèbes)… đây là những kỹ nghệ thiên về kỹ thuật chế tác công cụ mảnh tước. Ở Đông Nam Á Lục địa thì phổ biến là những nền văn hoá với những công cụ chặt thô cổ truyền mà điển hình là các văn hoá Anyath hậu kỳ, văn hoá Sơn Vi…

Cần phải lưu ý rằng, những phát hiện khảo cổ học gần đây đã cho thấy sự phân định không rành mạch đến thế, trong mỗi một truyền thống đều chứa yếu tố của truyền thống kia. Ở cả hai khu vực đều có sự đan xen của cả hai loại hình kỹ nghệ cuội và mảnh. Trong kỹ nghệ Leang Burung II của Đông Nam Á hải đảo đã xuất hiện kỹ thuật Levallois chân chính với những hạch đá hình lăng trụ, còn ở Đông Nam Á lục địa những Ngườm (Việt Nam), Lang Rongrieng (Thái Lan) và Bạch Liên Động (Trung Quốc) lại cho thấy một kỹ nghệ mảnh tước từng tồn tại trong hậu kỳ đá cũ ở đây. Sự hiện diện của của các kỹ nghệ này mang tính giai đoạn và phản ánh sự diễn biến của khí hậu mà có những thời kỳ là công cụ cuội và có những thời kỳ là công cụ mảnh9.

I.4.3. Đời sống kinh tế – văn hoá – xã hội của những cộng đồng cư dân thời đại đá cũ

Trước đây, khi xem xét văn hoá nguyên thuỷ, giới khảo cổ học Xô Viết thường cho rằng tính đặc thù của văn hoá chưa nảy sinh ở thời đại đồ đá cũ, nhất là ở sơ kỳ đá cũ. Cách nhìn nhận này đã thay đổi, đặc biệt dưới ánh sáng của những phát hiện mới. Các học giả thừa nhận rằng, những con đường và những định hướng kỹ thuật cùng loại hình công cụ… đã nảy sinh ngay từ đầu, từ đầu thời đá cũ, gắn với tính đa dạng của điều kiện tự nhiên và sự tự do lựa chọn của con người, sinh vật có tư duy, có ý thức, có quyền năng ngày càng lớn trong việc lựa chọn mô hình ứng xử, mô hình văn hoá.

Mẫu số chung của văn hoá nguyên thuỷ là sự thu lượm những đồ ăn thức uống có sẵn trong tự nhiên. Nhưng kỹ thuật thu lượm và loại hình công cụ dùng để thu lượm thì khác nhau tuỳ khu vực cũng như là kỹ thuật chế biến đồ ăn, kỹ thuật xây dựng nơi cư trú, kỹ thuật phòng hộ và tư duy mỹ cảm… Ở miền đồng cỏ, trong điều kiện của những hệ sinh thái chuyên biệt, thì săn bắt phát triển hơn hái lượm. Còn trong các điều kiện của những hệ sinh thái tổng quát (hay phổ tạp) như ở Đông Nam Á, trong các rừng mưa nhiệt đới xanh quanh năm, sinh khối thực vật phát triển hơn sinh khối động vật nên hái lượm vượt trội hơn săn bắt. Và vì chỉ số đa dạng của hệ sinh thái rất cao, số lượng loài cây, loài vật thì nhiều, nhưng số lượng các cá thể cây con trên một diện tích rừng nhất định thì lại ít; cho nên người nguyên thuỷ – dù là ở lục địa hay hải đảo… đều phải hái lượm theo phổ rộng. Cái chung là như thế, song người ta đã có thể nhận ra những định hướng khác nhau trong sự phát triển văn hoá nguyên thuỷ Đông Nam Á. Có truyền thống đá gốc, mà cũng có truyền thống đá cuội. Có kỹ thuật đá cục, mà cũng có kỹ thuật mảnh phiến, mảnh tước… Người nguyên thuỷ – dù nguyên thuỷ – nhưng đã là những con người thực sự – con người văn hoá, nghĩa là đã vượt xa mô hình hành động theo bản năng, sống theo mô hình tuỳ nghi lựa chọn, thích ứng với hoàn cảnh mỗi vùng và những giao động thời tiết ở mỗi thời điểm khác nhau bằng các tạo phẩm văn hoá khác nhau và những chiến lược thích nghi khác nhau.

Nếu hái lượm theo phổ rộng thì cơ cấu xã hội tương ứng không phải là những bộ lạc đông người sống tập trung mà là những nhóm gia đình ở phân tán trong hang động hay trên thềm sông cổ, đồ đá thì có phần đơn điệu (phần lớn là công cụ chặt) nhưng đồ tre gỗ thì rất phong phú và đa dạng.

I.4.4. Văn hoá Hoà Bình ở Đông Nam Á

Trong giai đoạn tiền sử, cách đây khoảng một vạn năm đã có những thay đổi quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong lối sống con người. Loài người bước vào thời đại đá mới. Thời đại đá mới được đặc trưng bởi những tiến bộ về phương thức sản xuất, sự biến đổi về môi trường sinh thái. Cuộc “Cách mạng đá mới” là một trong những bước tiến lớn của con người diễn ra trong sự thay đổi môi trường ở cuối Pleistocene và Holocene sớm – trung. Tại mỗi khu vực sự biến đổi này là do những nguyên nhân khác nhau.

Trong quá trình phát triển của thời tiền sử Đông Nam Á, cần lưu ý một đặc điểm là mối quan hệ giữa kỹ thuật, loại hình công cụ và phương thức sinh hoạt rất lỏng lẻo10, loại hình công cụ cùng với kỹ nghệ chế tạo công cụ mang tính “trường tồn” và “liên đại”. Vì vậy, mỗi một kỹ thuật mới xuất hiện tức là sự kiện đánh dấu sự thay đổi về chất trong phương thức kiếm sống.

Khu vực Đông Nam Á từ lâu đã được một số nhà khoa học coi là một trong những trung tâm phát sinh và phát triển nghề trồng lúa. N.I. Vavilov sau khi tiến hành điều tra trên quy mô toàn thế giới về lịch sử thuần hoá cây trồng đã chỉ ra 9 trung tâm, trong đó Đông Nam Á (được gọi là Trung tâm Ấn Độ – Mã Lai). Theo đó, Đông Nam Á là một cái nôi phong phú bậc nhất và là nơi thuần dưỡng cây lúa. Tác giả C.O. Sauerch cũng cho rằng Đông Nam Á là nơi phát sinh trồng trọt sớm vì ở đó là một vùng nhiệt đới với tính đa dạng cao về động thực vật cũng như cảnh quan địa mạo sinh thái mà không có một nơi nào sánh kịp. Địa hình cảnh quan đa dạng: Sườn dốc vùng núi, cao nguyên, thung lũng, đồng bằng châu thổ, duyên hải – đảo đã buộc con người phải có những biện pháp – chiến lược thích nghi khác nhau về Nước – Phân – Cần – Giống… tạo ra các kiểu nông cụ, các loại giống, các loại ruộng khác nhau. Tuy vậy, những tài liệu khảo cổ học trực tiếp (được biết cho tới nay) không ủng hộ giả thiết về niên đại quá sớm của việc trồng lúa ở Đông Nam Á.

Bước sang thời kỳ Toàn Tân (Holocene) ở Đông Nam Á vẫn tiếp tục hai truyền thống chế tác công cụ đá từ thời đá cũ (còn được gọi là hai con đường đá mới hoá). Trong khi nền văn hoá Hoà Bình phân bố chủ yếu trên lục địa và một phần phía đông bắc Sumatra, thì ở Đông Nam Á hải đảo phổ biến những kỹ nghệ có đồ đá nhỏ. Đó là kỹ nghệ Toalean ở Célèbes, kỹ nghệ Obsidien phân bố trên các đảo Sumatra, Java, Timor…

Môi trường sinh sống chính của cư dân văn hoá Hoà Bình thời đá mới sơ kỳ là thung lũng – hang động, mặc dù không phải là họ không cư trú ngoài trời, nhưng cho đến nay, rất ít những di tích cư trú ngoài trời được nhận biết ở Đông Nam Á lục địa. Ở Sumatra, những di tích của văn hoá này lại là những cồn sò điệp ngoài trời. Cư dân văn hoá Hoà Bình đã khai thác một cách tổng hợp và đa dạng nguồn lợi thiên nhiên, từ núi rừng đến ven biển, hải đảo… với địa bàn chính là vùng núi và trước núi. Trong giai đoạn này dân số tăng nhanh, môi trường hoạt động và sinh sống giảm. Điều đó đã tạo nên một áp lực khiến dẫn đến sự ra đời của một quá trình sáng tạo mới. Trong môi trường sinh thái thung lũng, các cộng đồng cư dân trên cơ sở những thành tựu văn hoá, những kinh nghiệm tích luỹ được buộc phải có một quá trình thích nghi mới. Bên cạnh việc hái lượm, săn bắt dần bước vào trồng trọt và chăn nuôi ở các thung lũng hay trên các sườn núi đá vôi. Thung lũng là cái nôi của cách mạng đá mới ở Việt Nam và Đông Nam Á lục địa, là bàn đạp cho một nền văn minh nông nghiệp ở châu thổ. Hệ sinh thái thung lũng Hoà Bình đã được GS. Trần Quốc Vượng khái quát theo trật tự: Suối – Bãi bồi – Tung lũng – Thềm cổ – Đồi trung sinh hay Miền trước núi – núi đá vôi karst (với các hang động mái đá). Như vậy Trường sinh hoạt của chủ nhân văn hoá Hoà Bình rộng hơn nhiều so với quan điểm trước đây về một nền văn hoá hang động, và không chỉ bó hẹp ở Hang – Suối, mà là ở các địa hình khác nhau, với nhiều “lối” (ways) sinh hoạt khác nhau. Suối và các giải đá vôi là nơi cung cấp một lượng thức ăn đáng kể, đó là các loài nhuyễn thể, gồm ốc suối và ốc núi, trai, trùng trục…. Ngoài các loại thức ăn trên, người Hoà Bình còn biết săn bắt các loại thú rừng. Trong gần một nửa số hang động cư trú đã tìm thấy dấu tích thức ăn động vật là những xương răng động vật có vú. Đó là những động vật sống trong môi trường rừng núi nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm, nhiều mưa với thảm thực vật đa dạng. Theo các nhà cổ sinh học, quần thể động vật Hoà Bình nhìn chung không khác hiện nay, trừ họ tê giác. Đa phần phế tích thức ăn là từ các loài động vật nhỏ như chuột, chó, gà lôi… Nguồn thức ăn thực vật chiếm một vị trí đáng kể, trong các di tích của văn hoá này đã tìm thấy 22 loài bào tử và trên

Những cộng đồng cư dân văn hoá Hoà Bình sống tập trung ở Đông Nam Á lục địa, đặc biệt là khu vực miền bắc Việt Nam, nhưng họ có thể cũng chiếm lĩnh nhiều không gian sống khác. Dù sống trong các môi trường cảnh quan đa dạng và có những định hướng sinh thái khác nhau như vùng môi trường núi đá vôi, bên sông suối; vùng môi trường bờ biển; vùng đồi bậc thềm thấp nằm phía sau các đồng bằng ven biển, thì cư dân cổ đã chế tác và sử dụng bộ công cụ đá khá giống nhau, với một số loại hình cơ bản như công cụ ghè đẽo một mặt hình bầu dục, hình tròn… (Sumatralith), rìu ngắn… Chính vì sự phân bố trên một địa bàn quá rộng của một truyền thống kỹ thuật chế tác công cụ chung, nên một số tác giả cho rằng việc sử dụng khái niệm văn hoá đối với Hoà Bình là không thích hợp. Gorman, nhà khảo cổ học người Mỹ đã mượn khái niệm “Phức hợp kỹ thuật (technocomplex)”của Clarke để làm rõ quan niệm của mình là văn hoá Hoà Bình không phải là một văn hoá duy nhất mà là nhóm văn hoá. GS. Hà Văn Tấn dựa vào tiêu chí coi kỹ thuật Sumatralith là đặc trưng cơ bản của Hoà Bình, đã cho rằng có một văn hoá Hoà Bình dạng Bắc (gồm Việt Nam, Lào và Thái Lan) và một văn hoá Hoà Bình dạng Nam (gồm bán đảo Mã Lai và bờ bắc Sumatra). Tại những khu vực khác có những kỹ nghệ chế tác công cụ cuội có những nét tương đồng với văn hoá Hoà Bình nên được gọi là kỹ nghệ Hoà Bình tức Hoabinhoid technology11.

Người Hoà Bình sống chủ yếu bằng săn bắt (bắn) và hái lượm (cũng vẫn theo phổ rộng) và vai trò vượt trội của hái lượm. Phương thức sống của cư dân Hoà Bình đã được nhiều nhà nghiên cứu chú ý. Vấn đề đáng quan tâm nhất là sự nảy sinh của nông nghiệp trong lòng văn hoá Hoà Bình. Một vài học giả đã đưa ra giả thuyết về sự thuần dưỡng thực vật trong văn hoá Hoà Bình.

Các sử gia nông nghiệp thường cho rằng ở Đông Nam Á và Việt Nam có hai thời kỳ nông nghiệp: Nông nghiệp trồng củ và tiếp sau là nền Nông nghiệp trồng hạt. Ở đầu thập kỷ 60, sau khi đào Hang Ma (Spirit Cave) ở Thái Lan (một hang động văn hoá Hoà Bình) và tìm thấy một số hạt cây – hoá thạch lớn (macro fossiles), Chester Gorman nêu lên giả thuyết Văn hoá Hoà Bình là văn hoá nông nghiệp sớm nhất Đông Nam Á. Ý kiến này được sự hậu thuẫn và ủng hộ của W.Solheim II, người coi phát hiện này có ý nghĩa rất lớn vào thập kỷ 60, khi ông cho rằng Đông Nam Á là vùng phát sinh nông nghiệp sớm nhất thế giới, cũng như, với Non Nok Tha, rồi sau này là Bản Chiang, thời đại đồ đồng (khoảng 6.000 năm) cũng như thời đại đồ sắt (hơn 3.000 năm) xuất hiện ở Đông Nam Á cực sớm. (Những niên đại này đã bị nhiều ý kiến nghi ngờ). Chester Gorman bác bỏ lý thuyết hai giai đoạn và cho rằng nông nghiệp phát sinh ở vùng chân núi (piemont) với có thể đồng thời hay trước sau không đáng kể việc trông khoai nước cùng với việc trồng lúa nước.

Ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Việt đã rất chú trọng đến nghề trồng trọt thời tiền sơ sử. Bên cạnh dó, GS. Đào Thế Tuấn cũng đã nêu ra luận điểm quan trọng về sự phát sinh nghề trồng lúa nước từ vùng thung lũng và sau đó nó diễn tiến theo hai hướng: hướng đi ngược lên đồi và các sườn núi thành nghề trồng lúa khô ở nương rãy, hướng đi xuống đồng bằng trở thành nghề trồng lúa nước đại trà và cộng với áp lực dân số, từ việc trồng lúa nếp ban đầu, người ta đã tiến tới việc trồng lúa tẻ, hay nói cách khác, đã tẻ hoá nghề trồng lúa nước ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Dựa vào những thóc gạo cháy ở hang Xóm Trại, hai tác giả trên đã cho rằng nghề nông trồng lúa nước đã phát sinh trong văn hoá Hoà Bình. Tuy vậy, những hạt thóc gạo cháy này được tìm thấy trong một địa tầng xáo trộn nghiêm trọng, và cho tới nay, đây cũng là địa điểm duy nhất tìm được gạo cháy trong hàng trăm di tích Hoà Bình. Bộ công cụ đá của văn hoá này cũng chưa thể hiện rõ nét tính chất nông cụ liên quan đến trồng trọt.

Gần đây, người ta đã tìm thấy hạt và quả của nhiều loài cây thuộc họ rau đậu và họ bầu bí, được coi là đã thuần dưỡng trong một số di chỉ văn hoá Hoà Bình. Vì vậy đã có một nền nông nghiệp sơ khai. Cuộc sống định cư tương đối đã tạo nên tiền đề thúc đẩy cho sự nảy sinh nghề trồng trọt. Tuy nhiên, vai trò của nó còn rất nhỏ bé so với các hoạt động truyền thống hái lượm và săn bắt (bắn). Cũng có những ý kiến khác về sự nảy sinh nghề trồng trọt, vì theo những phân tích di tích thực vật đã tìm thấy ở Việt Nam, Thái Lan… thì các chứng cứ về sự thuần dưỡng thực vật trong văn hoá Hoà Bình vẫn chưa tỏ ra đủ tin cậy12. Thống kê bước đầu cho thấy trong một số di tích Hoà Bình có 50 loại bào tử phấn hoa khác nhau. Trong đó chưa thấy loại đã được con người thuần hoá, tuy vậy đã có sự khác biệt giữa thành phần phổ phấn hoa của văn hoá Hoà Bình và văn hoá Sơn Vi13.

Hoạt động hái lượm phát triển cùng với việc chiếm / ứng trường sinh thái đa dạng tuy vậy đã tạo điều kiện cho cư dân văn hoá Hoà Bình có được những tri thức ban đầu về trồng trọt. Theo một số học giả như các giáo sư Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng…, thì đây được coi là màn dạo đầu (prelude) của cuộc “Cách mạng đá mới”.

Trong những nơi ở của người Hoà Bình, sự tích tụ văn hoá thường rất dày, với nhiều tầng văn hoá. Trong các tầng văn hoá đó chủ yếu là vỏ các loài nhuyễn thể, tàn tích xương động vật, than tro, di cốt người và di vật đá. Trong nhiều di chỉ các nhà khoa học còn tìm được vết tích bếp lửa, mộ và di cốt người, dấu tích nghệ thuật…

Cư dân văn hoá Hoà Bình đã hoàn thiện kĩ thuật chế tác đá. Họ khai thác nguyên liệu tại chỗ như cuội sông suối. Tổ hợp công cụ đá cho thấy nét nổi bật của kỹ nghệ đồ đá ở đây là kỹ thuật ghè đẽo và tu chỉnh tinh tế nhằm tạo ra những công cụ hoàn chỉnh đã chiếm địa vị chủ đạo. Bên cạnh kỹ thuật truyền thống ghè bổ chặt, kỹ thuật mài đã xuất hiện tuy chưa phổ biến. Sự tồn tại của những công cụ mài lưỡi cũng đánh dấu một bước phát triển cao hơn của trình độ chế tác đá của người xưa. Bên cạnh chất liệu đá, thời kỳ này cư dân đã chế tác và sử dụng công cụ được làm từ xương, gỗ, sừng, tre…

Giáo sư khảo cổ học Hà Văn Tấn đã lưu ý một đặc điểm là dù sống ở các môi trường cảnh quan khác nhau, cư dân văn hoá Hoà Bình có bộ công cụ đá khá giống nhau. Tại Đông Nam Á lục địa, có một văn hoá Hoà Bình mang tính thống nhất với một số dạng địa phương. Tổ hợp công cụ đá văn hoá Hoà Bình phong phú và ổn định trong một số loại hình đặc trưng, đặc biệt là loại công cụ cuội. Tính đa dạng được thể hiện trong cơ cấu thức ăn, sự tuyển lựa nơi cư trú… Như vậy, vẫn cùng chung một khung cảnh sống, mà cách thu lượm sản vật thiên nhiên của người cổ đã thích nghi, ứng biến với từng điều kiện cụ thể của môi trường sinh thái. Nói một cách khoa học và theo kiểu sinh thái học nhân văn, thì cư dân cổ Hoà Bình có “Trị giá sinh thái” (Value écologique) cao – có khả năng thích ứng với nhiều loại môi trường tự nhiên.

Cư dân thời đại đá mới có một tri thức phong phú về tự nhiên, những hang động và những nơi cư trú khác của họ đều là những địa điểm thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất. điều này cho thấy con người thời bấy giờ đã biết thích nghi một cách hài hoà với tự nhiên.

Thời kỳ này cũng để lại những dấu vết của nghệ thuật như những hiện vật bằng xương có vết khắc hình cá, hình thú và những hình vẽ trên vách hang, những mảnh thổ hoàng, những đồ gốm trang trí hoa văn với những đồ án phức tạp hay tô màu… những hình thức nghệ thuật đầu tiên này mang tính ước lệ. Con người giai đoạn này học vẽ, học đếm, xây dựng các sự lý giải đầu tiên về thế giới và bản thân mình. Đây được coi là những bước đầu tiên trong sự hình thành con người văn hoá. Người Hoà Bình, theo GS. Hà Văn Tấn có lẽ đã có những biểu hiện về nhịp điệu, thể hiện bằng những nhóm vạch ba vạch một trên các hòn cuội tìm thấy trong hang động. Dù mới chỉ là giả thuyết về số đếm, cách tính ngày… những di vật tìm thấy cũng cho thấy một bước phát triển tư duy của người nguyên thuỷ. Tư duy về thời gian vũ trụ còn được thể hiện bằng những hoa văn, kí hiệu biểu thị mặt trời như hình tròn, hình chữ S… vẽ trên đồ gốm. Có thể bấy giờ đã bắt đầu hình thành một loại nông lịch sơ khai. Quan niệm về cái chết, về đời sống khác sau chết khá đa dạng và phức tạp được thể hiện qua nhiều phương thức xử lý xác chết và táng thức khác nhau và cũng thể hiện tính khu biệt địa phương rõ nét.

I.4.5. Không gian phân bố và đặc điểm của những cộng đồng cư dân săn bắt / bắn – hái lượm và nông nghiệp sớm ở Đông Nam Á

Vào cuối giai đoạn đá mới, cư dân đã mở rộng không gian sinh tồn của mình. Cùng với việc chiếm lĩnh các bãi bồi lớn ven sông, các dải cát ven biển… là việc thay đổi về lối sống, về văn hoá. Sự kiện môi trường quan trọng nhất trong thời kỳ này là đợt biển tiến Holocene trung và quá trình hình thành các đồng bằng ven biển.

Phụ thuộc vào địa bàn phân bố, định hướng kinh tế và lối sống của các nhóm cư dân này mang tính chất địa phương rõ nét. Trong giai đoạn này nghề gốm bắt đầu phát triển, bên cạnh đó do sự quy định của điều kiện tự nhiên – sinh thái, nghề khai thác thuỷ hải sản chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống cư dân cổ. Một đặc điểm nữa là nghề trồng trọt đã được triển khai, nhất là ở giai đoạn muộn.

Giai đoạn cuối của thời đại đá mới được đánh dấu bằng sự thiết lập và tồn tại của nhiều văn hoá nhiều nhóm di tích ở tất cả các địa bàn, từ rừng núi, trung du đến vùng ven biển và hải đảo. Nhìn chung các di chỉ khảo cổ học giai đoạn này có diện tích rộng lớn, tầng văn hoá nhiều nơi dày và ổn định. đã xuất hiện các loại hình di tích khác nhau như cư trú, cư trú – xưởng chế tác, cư trú – mộ táng, mộ táng…

Đặc trưng văn hoá nổi bật của giai đoạn này là sự bắt đầu thực sự của cuộc “Cách mạng đá mới”, hay “Đá mới hoàn toàn”. Sự xuất hiện của những nơi định cư làm nông nghiệp và cư dân sống tập trung thành làng. Đó cũng là nguyên nhân hình thành tính địa phương của văn hoá. Sự khác biệt về lối sống và nếp sống ngày càng rõ rệt hơn. Cái chung, là một nền văn hoá sản xuất bắt đầu phát sinh và phát triển, với sự vượt trội của trồng trọt đa canh so với chăn nuôi.

Trồng trọt phát triển ở thời đá mới, thì đã có nét đặc thù của trồng nước và trồng khô, trồng hạt và trồng củ. Ở thung lũng, lúa nước phát sinh rồi phát triển hơn là khoai nước; ở ven biển cát dài, củ khoai phát triển nhiều hơn lúa. Và nương vườn trồng rau bầu và cây ăn quả nhiều hơn trong khi đồng ruộng trồng ngũ cốc nhiều Theo một số nhà khảo cổ học Việt Nam, với văn Hoà Bình và Bắc Sơn nổi tiếng ở Việt Nam và Đông Nam Á (khoảng 10.000 năm cách đây) các nhóm cư dân sống ở chân núi, dải đất ven sông bên cạnh hái lượm và săn bắt đã bắt đầu có những tri thức đầu tiên về trồng trọt. Cho đến tận ngày nay kể cả ở vùng Hoà Bình, thực vật bao phủ vẫn gồm cả đậu, củ từ và khoai sọ / nước. Có một số chứng cứ không trực tiếp ở những lớp trên của hang Hoà Bình người ta tìm thấy rìu mài lưỡi được xem là liên quan đến hoạt động phát rừng. Những hiện vật lớn có hình dạng giống cuốc tìm được ở Xóm Trại có những vết sử dụng như làm đất. Ở Xóm Trại cũng đã thấy vết tích gạo. Theo phân tích của chuyên gia nông học Đào Thế Tuấn, lớp dưới là loại hạt dài, lớp trên cả hạt dài và tròn. Ông cho rằng có một quá trình tăng dần của thuần hoá lúa. Tuy vậy, địa tầng phía trên ở Xóm Trại bị xáo trộn giống như nhiều hang Hoà Bình khác nên những hạt gạo có mặt tại đây chưa thể được xác định niên đại một cách chắc chắn.

Những chứng cứ về nông nghiệp thời đại đá mới Việt Nam cho đến nay chỉ là những bằng chứng gián tiếp chứ không phải là vết lúa gạo (thậm chí cũng rất hiếm trong thời đại kim khí). Đó là gốm, cuốc đá, dao cắt, bàn đập vỏ cây, dọi xe chỉ, đá buộc gậy chọc lỗ…

Trên cơ sở tài liệu phát hiện được ở Thái Lan và Việt Nam trong điều kịên nghiên cứu hiện nay chúng ta có thể chấp nhận được giả thiết của Ho Pingti cho rằng Đông Á gió mùa cụ thể là Trung Hoa từ phía nam sông Dương Tử và Đông Nam Á lục địa và hải đảo một khu vực quanh năm khí hậu ấm nóng và rất giàu nguồn thực vật. Đông Á gió mùa này từ gốc thu lượm thực vật có thể là nơi phát nguồn của nghề làm vườn trồng cây ăn quả, củ… và vào giai đoạn cuối hệ sinh thái nông nghiệp đã bắt đầu đa dạng và loại hình nông cụ cũng đa dạng hoá tiếp theo đó, và đồ gốm nặn bằng tay càng đa dạng hoá hơn nữa, với đáy tròn, đáy nhọn hay là đáy phẳng cùng của loại miệng thích nghi…

Những điều kiện định cư lâu dài và sự phát triển của nông nghiệp sơ khai đã làm hình thành rõ nét tính địa phương của văn hoá trong những khu vực hẹp vào cuối thời đá mới (cách đây khoảng 5.000 năm). Bốn khu vực văn hoá hậu kỳ đá mới với những đặc trưng riêng về loại hình công cụ đá và kỹ thuật chế tác, trang trí đồ gốm đã được xác định một cách khái quát bao gồm: 1. Đông Nam Á lục địa (trừ bán đảo Malacca); 2. Đông Nam Trung Quốc – Đài Loan – Philippines (và có thể một số vùng phụ cận như Đông Bắc Việt Nam, miền Trung Celebes); 3. Mã Lai – tây Indonesia; 4. Miền đông Indonesia, một phần bắc Celebes (và vùng chịu ảnh hưởng của nó là Melanesia)14.

Những văn hoá và địa điểm trung và hậu kỳ đá mới đáng chú ý ở Đông Nam Á đó là những văn hoá phân bố ở nội địa và ven biển Việt Nam như Cái Bèo, Hạ Long, Đa Bút, Thạch Lạc, Quỳnh Văn, Bàu Tró… ở Thái Lan có di chỉ Don Noi (Bo Ploi), văn hoá Ban Kao… cũng giống như ở Việt Nam, giữa các vùng khác nhau của Thái Lan cũng có tỉ lệ không đều của các loại hình rìu. Rìu có vai thường thấy ở Bắc và đông bắc Thái Lan, rìu không có vai phổ biến ở vùng Nam Thái Lan, đặc biệt trong văn hoá Ban Kao.

Theo Bellwood, sự xác định của thời đại đá mới muộn ở Đông Nam Á hải đảo dựa chủ yếu trên sự xuất hiện rộng rãi của gốm được trang trí (thường là văn in hay khắc vạch) ở một phần Phillipines và miền đông Indonesia sau năm 1500 BC. Giai đoạn này cũng bao gồm cả gốm Yuan-Shan (Trường Tân hay Ty Nam) của miền bắc và miền đông Đài Loan. Mộ chum có thể phát triển ở Phillipines và Sarawak từ khoảng năm 1.000 BC trở đi và giai đoạn này trên thực tế đã đạt tới giai đoạn kim khí sớm với đồng đỏ, đồng thau, sắt, hạt chuỗi thuỷ tinh, và sự phổ biến rộng khắp của mộ chum vào cuối Thiên niên kỷ I trước Công nguyên. Những văn hoá đá mới muộn điển hình: Văn hoá Lapita ở miền Đông Oceania, Văn hoá đá mới ở Hang Niah miền tây Indonesia, Văn hoá đá mới Ban Kao ở Nam Thái Lan và Malaysia.

Thời kỳ này cũng xuất hiện những tín ngưỡng nguyên thuỷ. Là cư dân nông nghiệp nên mưa, gío và đặc biệt là mặt trời đã trở thành một trong những thần linh quan trọng đối với con người.

Về loại hình công xã thời hậu kỳ Đá mới giới nghiên cứu đều thống nhất cho rằng đó là loại hình công xã thị tộc phát triển. Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trên con đường phát triển song trong cái thế giới hoàn toàn gỗ đá ấy, trình độ kinh tế-xã hội dù có được nâng dần lên nhưng thật chưa có chuyển biến căn bản. Xã hội đến đây vẫn hoàn toàn là xã hội nguyên thuỷ.

I.4. Đặc điểm lịch sử – văn hoá Đông Nam Á thời tiền sử

I.4.1. Vị trí của Đông Nam Á trong lịch sử hình thành con người, một số phát hiện cổ nhân, cổ sinh quan trọng

Những nghiên cứu cổ địa chất, cổ sinh học cho thấy trong suốt thế Cánh tân, điều kiện tự nhiên ở Đông Nam Á không thay đổi nhiều so với hiện nay. Môi trường tự nhiên này rất thuận lợi cho sự phát sinh và phát triển con người đầu tiên và hình thành những đặc điểm văn hoá riêng biệt.

Những phát hiện cổ nhân đầu tiên trong khu vực là những phát hiện về dấu vết vượn người Miocene ở Lộc Phong, Vân Nam, Trung Quốc. Đây là những dấu tích sọ và mặt của Ramapithecus, được đặt tên là Lufengpithecus (vượn Lộc Phong). Tuy rằng hiện nay Ramapithecus không được coi là nằm trong dòng tiến hoá trực tiếp lên người, nhưng những phát hiện này cũng đã giúp cho các nhà nghiên cứu có được nhận thức rõ ràng hơn con đường và cách thức tiến hoá nhân loại.

Tại khu vực Đông Nam Á cũng đã phát hiện nhiều vết tích của vượn Homo Erectus, những vết tích này tập trung chủ yếu ở Indonesia mà niên đại tuyệt đối lên tới 1,81 +/- 0,04 triệu năm (niên đại K40 của sọ Modjokerto). Niên đại này còn sớm hơn niên đại Homo Erectus ở châu Phi và làm nảy sinh vấn đề về nguồn gốc của Homo Erectus châu Á7. Những phát hiện mảnh tước đá và bola ở Sambungmachan, Ngebung (Indonesia) cũng bước đầu khẳng định người Homo Erectus Đông Nam Á đã biết chế tạo và sử dụng công cụ bằng đá.

I.4.2. Thời đại đá cũ Đông Nam Á – Phát hiện và tranh luận

Dựa vào những nghiên cứu cổ sinh học, có thể thấy rằng khí hậu giai đoạn này biến đổi từ nóng hơi khô sang nóng ẩm với quần động vật là những loài động vật có vú phong phú, tiêu biểu cho quần động vật khu vực nam Trung Hoa và bắc Việt Nam, một số loài nay đã bị tuyệt diệt như vượn khổng lồ, đười ươi, voi răng kiếm, voi cổ, lợn vòi, gấu tre… Phức hệ thực vật đều được đặc trưng bởi những giống loài của thực vật cận nhiệt đới đa dạng với nhiều loại tre nứa, có thể sử dụng làm công cụ lao động, dụng cụ sinh hoạt, dụng cụ săn bắt hoặc tạo lửa. Nhiều loại thảo mộc có thể cung cấp chất bột, đường và đạm nuôi sống con người và dược liệu chữa bệnh cho con người.

Những phát hiện về sơ kỳ đá cũ ở Đông Nam Á: Trong nhiều công trình khoa học về thời đại đá cũ trên thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng, người ta thường nhắc đến luận điểm của học giả Mỹ H. Movius đưa ra vào những năm 40 của thế kỷ XX về hai nền văn hoá sơ kỳ đá cũ phân bố ở hai khu vực:

1. Nền văn hoá rìu tay phân bố ở phương Tây (gồm châu Phi, châu Âu, Tây Nam Á và vùng Nam Ấn Độ).

2. Nền văn hoá Eroppo – Tropping phổ biến ở phương Đông gồm Trung Quốc, tây bắc Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Luận điểm này của ông đã có ảnh hưởng lớn trong giới khảo cổ học tiền sử và đôi khi được sử dụng để minh chứng cho sự phát triển chậm chạp và tính lạc hậu, trì trệ về văn hoá, kỹ thuật của phương Đông và đặc biệt là của khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, đã có không ít sự nghi ngờ và phê phán luận điểm này từ phía các nhà nghiên cứu. Quan điểm phổ biến hiện nay giải thích sự bảo lưu vững chắc của các kỹ thuật truyền thống ở Đông Nam Á bằng điều kiện sinh thái, tính đặc thù trong phương thức thích nghi với môi trường tự nhiên. Nghiên cứu quần động vật và thực vật, người ta thấy những biến động về khí hậu và môi trường tự nhiên trong suốt thế Cánh tân ở Đông Nam Á không quá lớn và đột ngột để buộc con người phải thay đổi hẳn phương thức sinh hoạt. Đứng trước đối tượng săn bắt và hái lượm khá ổn định, con người không có yêu cầu thay đổi những kỹ thuật cũ, do đó tập hợp công cụ lao động không có những biến đổi lớn8.

Ở Đông Nam Á, đã có nhiều phát hiện khảo cổ mà trước đây thường được xác định thuộc sơ kỳ thời đại đá cũ như văn hoá Anyathian (Myanmar), văn hoá Tampanian (Malaysia), văn hoá Patjitan (Indonesia), Núi Đọ (Việt Nam)… Tuy nhiên, do những công cụ được xác định niên đại sơ kỳ đá cũ này không nằm trong địa tầng nguyên vẹn và trong tổ hợp di vật để giúp định niên đại một cách chắc chắn nên hầu như đều bị xem xét lại. Theo GS. Hà Văn Tấn, hiện nay chỉ có hai địa điểm ở Thái Lan là Ban Mae Tha và Ban Don Mun có các công cụ cuội nằm dưới lớp basalte. Các lớp basalte này có niên đại khoảng 730.000 năm cách ngày nay, như vậy công cụ đá ở hai địa điểm này thuộc sơ kỳ thời đại đá cũ sớm nhất hiện nay được biết đến ở Đông Nam Á. Như vậy dấu vết sinh sống của con người thời sơ kỳ đá cũ ở Đông Nam Á chưa rõ ràng và chắc chắn.

– Hậu kỳ đá cũ Đông Nam Á: Hiện nay, thời kỳ này được biết nhiều hơn và nghiên cứu kỹ hơn, dù rằng ở Đông Nam Á mọi ranh giới trong thời đại đá cũ không được rõ nét lắm. Trước đây người ta cho rằng trong giai đoạn này có hai truyền thống chế tác công cụ đá khác nhau: Truyền thống công cụ cuội ở lục địa Đông Nam Á và truyền thống công cụ mảnh ở Hải đảo Đông Nam Á. Trong các nền kỹ nghệ có niên đại hậu kỳ đá cũ ở Đông Nam Á hải đảo, nổi bật là những kỹ nghệ Niah (đảo Kalimantan), kỹ nghệ Tabon (Đảo Palawan), kỹ nghệ Leang Burung II (đảo Célèbes)… đây là những kỹ nghệ thiên về kỹ thuật chế tác công cụ mảnh tước. Ở Đông Nam Á Lục địa thì phổ biến là những nền văn hoá với những công cụ chặt thô cổ truyền mà điển hình là các văn hoá Anyath hậu kỳ, văn hoá Sơn Vi…

Cần phải lưu ý rằng, những phát hiện khảo cổ học gần đây đã cho thấy sự phân định không rành mạch đến thế, trong mỗi một truyền thống đều chứa yếu tố của truyền thống kia. Ở cả hai khu vực đều có sự đan xen của cả hai loại hình kỹ nghệ cuội và mảnh. Trong kỹ nghệ Leang Burung II của Đông Nam Á hải đảo đã xuất hiện kỹ thuật Levallois chân chính với những hạch đá hình lăng trụ, còn ở Đông Nam Á lục địa những Ngườm (Việt Nam), Lang Rongrieng (Thái Lan) và Bạch Liên Động (Trung Quốc) lại cho thấy một kỹ nghệ mảnh tước từng tồn tại trong hậu kỳ đá cũ ở đây. Sự hiện diện của của các kỹ nghệ này mang tính giai đoạn và phản ánh sự diễn biến của khí hậu mà có những thời kỳ là công cụ cuội và có những thời kỳ là công cụ mảnh9.

I.4.3. Đời sống kinh tế – văn hoá – xã hội của những cộng đồng cư dân thời đại đá cũ Trước đây, khi xem xét văn hoá nguyên thuỷ, giới khảo cổ học Xô Viết thường cho rằng tính đặc thù của văn hoá chưa nảy sinh ở thời đại đồ đá cũ, nhất là ở sơ kỳ đá cũ. Cách nhìn nhận này đã thay đổi, đặc biệt dưới ánh sáng của những phát hiện mới. Các học giả thừa nhận rằng, những con đường và những định hướng kỹ thuật cùng loại hình công cụ… đã nảy sinh ngay từ đầu, từ đầu thời đá cũ, gắn với tính đa dạng của điều kiện tự nhiên và sự tự do lựa chọn của con người, sinh vật có tư duy, có ý thức, có quyền năng ngày càng lớn trong việc lựa chọn mô hình ứng xử, mô hình văn hoá.

Mẫu số chung của văn hoá nguyên thuỷ là sự thu lượm những đồ ăn thức uống có sẵn trong tự nhiên. Nhưng kỹ thuật thu lượm và loại hình công cụ dùng để thu lượm thì khác nhau tuỳ khu vực cũng như là kỹ thuật chế biến đồ ăn, kỹ thuật xây dựng nơi cư trú, kỹ thuật phòng hộ và tư duy mỹ cảm… Ở miền đồng cỏ, trong điều kiện của những hệ sinh thái chuyên biệt, thì săn bắt phát triển hơn hái lượm. Còn trong các điều kiện của những hệ sinh thái tổng quát (hay phổ tạp) như ở Đông Nam Á, trong các rừng mưa nhiệt đới xanh quanh năm, sinh khối thực vật phát triển hơn sinh khối động vật nên hái lượm vượt trội hơn săn bắt. Và vì chỉ số đa dạng của hệ sinh thái rất cao, số lượng loài cây, loài vật thì nhiều, nhưng số lượng các cá thể cây con trên một diện tích rừng nhất định thì lại ít; cho nên người nguyên thuỷ – dù là ở lục địa hay hải đảo… đều phải hái lượm theo phổ rộng. Cái chung là như thế, song người ta đã có thể nhận ra những định hướng khác nhau trong sự phát triển văn hoá nguyên thuỷ Đông Nam Á. Có truyền thống đá gốc, mà cũng có truyền thống đá cuội. Có kỹ thuật đá cục, mà cũng có kỹ thuật mảnh phiến, mảnh tước… Người nguyên thuỷ – dù nguyên thuỷ – nhưng đã là những con người thực sự – con người văn hoá, nghĩa là đã vượt xa mô hình hành động theo bản năng, sống theo mô hình tuỳ nghi lựa chọn, thích ứng với hoàn cảnh mỗi vùng và những giao động thời tiết ở mỗi thời điểm khác nhau bằng các tạo phẩm văn hoá khác nhau và những chiến lược thích nghi khác nhau.

Nếu hái lượm theo phổ rộng thì cơ cấu xã hội tương ứng không phải là những bộ lạc đông người sống tập trung mà là những nhóm gia đình ở phân tán trong hang động hay trên thềm sông cổ, đồ đá thì có phần đơn điệu (phần lớn là công cụ chặt) nhưng đồ tre gỗ thì rất phong phú và đa dạng.

I.4.4. Văn hoá Hoà Bình ở Đông Nam Á

Trong giai đoạn tiền sử, cách đây khoảng một vạn năm đã có những thay đổi quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong lối sống con người. Loài người bước vào thời đại đá mới. Thời đại đá mới được đặc trưng bởi những tiến bộ về phương thức sản xuất, sự biến đổi về môi trường sinh thái. Cuộc “Cách mạng đá mới” là một trong những bước tiến lớn của con người diễn ra trong sự thay đổi môi trường ở cuối Pleistocene và Holocene sớm – trung. Tại mỗi khu vực sự biến đổi này là do những nguyên nhân khác nhau.

Trong quá trình phát triển của thời tiền sử Đông Nam Á, cần lưu ý một đặc điểm là mối quan hệ giữa kỹ thuật, loại hình công cụ và phương thức sinh hoạt rất lỏng lẻo10, loại hình công cụ cùng với kỹ nghệ chế tạo công cụ mang tính “trường tồn” và “liên đại”. Vì vậy, mỗi một kỹ thuật mới xuất hiện tức là sự kiện đánh dấu sự thay đổi về chất trong phương thức kiếm sống.

Khu vực Đông Nam Á từ lâu đã được một số nhà khoa học coi là một trong những trung tâm phát sinh và phát triển nghề trồng lúa. N.I. Vavilov sau khi tiến hành điều tra trên quy mô toàn thế giới về lịch sử thuần hoá cây trồng đã chỉ ra 9 trung tâm, trong đó Đông Nam Á (được gọi là Trung tâm Ấn Độ – Mã Lai). Theo đó, Đông Nam Á là một cái nôi phong phú bậc nhất và là nơi thuần dưỡng cây lúa. Tác giả C.O. Sauerch cũng cho rằng Đông Nam Á là nơi phát sinh trồng trọt sớm vì ở đó là một vùng nhiệt đới với tính đa dạng cao về động thực vật cũng như cảnh quan địa mạo sinh thái mà không có một nơi nào sánh kịp. Địa hình cảnh quan đa dạng: Sườn dốc vùng núi, cao nguyên, thung lũng, đồng bằng châu thổ, duyên hải – đảo đã buộc con người phải có những biện pháp – chiến lược thích nghi khác nhau về Nước – Phân – Cần – Giống… tạo ra các kiểu nông cụ, các loại giống, các loại ruộng khác nhau. Tuy vậy, những tài liệu khảo cổ học trực tiếp (được biết cho tới nay) không ủng hộ giả thiết về niên đại quá sớm của việc trồng lúa ở Đông Nam Á.

Bước sang thời kỳ Toàn Tân (Holocene) ở Đông Nam Á vẫn tiếp tục hai truyền thống chế tác công cụ đá từ thời đá cũ (còn được gọi là hai con đường đá mới hoá). Trong khi nền văn hoá Hoà Bình phân bố chủ yếu trên lục địa và một phần phía đông bắc Sumatra, thì ở Đông Nam Á hải đảo phổ biến những kỹ nghệ có đồ đá nhỏ. Đó là kỹ nghệ Toalean ở Célèbes, kỹ nghệ Obsidien phân bố trên các đảo Sumatra, Java, Timor…

Môi trường sinh sống chính của cư dân văn hoá Hoà Bình thời đá mới sơ kỳ là thung lũng – hang động, mặc dù không phải là họ không cư trú ngoài trời, nhưng cho đến nay, rất ít những di tích cư trú ngoài trời được nhận biết ở Đông Nam Á lục địa. Ở Sumatra, những di tích của văn hoá này lại là những cồn sò điệp ngoài trời. Cư dân văn hoá Hoà Bình đã khai thác một cách tổng hợp và đa dạng nguồn lợi thiên nhiên, từ núi rừng đến ven biển, hải đảo… với địa bàn chính là vùng núi và trước núi. Trong giai đoạn này dân số tăng nhanh, môi trường hoạt động và sinh sống giảm. Điều đó đã tạo nên một áp lực khiến dẫn đến sự ra đời của một quá trình sáng tạo mới. Trong môi trường sinh thái thung lũng, các cộng đồng cư dân trên cơ sở những thành tựu văn hoá, những kinh nghiệm tích luỹ được buộc phải có một quá trình thích nghi mới. Bên cạnh việc hái lượm, săn bắt dần bước vào trồng trọt và chăn nuôi ở các thung lũng hay trên các sườn núi đá vôi. Thung lũng là cái nôi của cách mạng đá mới ở Việt Nam và Đông Nam Á lục địa, là bàn đạp cho một nền văn minh nông nghiệp ở châu thổ. Hệ sinh thái thung lũng Hoà Bình đã được GS. Trần Quốc Vượng khái quát theo trật tự: Suối – Bãi bồi – Tung lũng – Thềm cổ – Đồi trung sinh hay Miền trước núi – núi đá vôi karst (với các hang động mái đá). Như vậy Trường sinh hoạt của chủ nhân văn hoá Hoà Bình rộng hơn nhiều so với quan điểm trước đây về một nền văn hoá hang động, và không chỉ bó hẹp ở Hang – Suối, mà là ở các địa hình khác nhau, với nhiều “lối” (ways) sinh hoạt khác nhau. Suối và các giải đá vôi là nơi cung cấp một lượng thức ăn đáng kể, đó là các loài nhuyễn thể, gồm ốc suối và ốc núi, trai, trùng trục…. Ngoài các loại thức ăn trên, người Hoà Bình còn biết săn bắt các loại thú rừng. Trong gần một nửa số hang động cư trú đã tìm thấy dấu tích thức ăn động vật là những xương răng động vật có vú. Đó là những động vật sống trong môi trường rừng núi nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm, nhiều mưa với thảm thực vật đa dạng. Theo các nhà cổ sinh học, quần thể động vật Hoà Bình nhìn chung không khác hiện nay, trừ họ tê giác. Đa phần phế tích thức ăn là từ các loài động vật nhỏ như chuột, chó, gà lôi… Nguồn thức ăn thực vật chiếm một vị trí đáng kể, trong các di tích của văn hoá này đã tìm thấy 22 loài bào tử và trên 40 loài phấn hoa.

Những cộng đồng cư dân văn hoá Hoà Bình sống tập trung ở Đông Nam Á lục địa, đặc biệt là khu vực miền bắc Việt Nam, nhưng họ có thể cũng chiếm lĩnh nhiều không gian sống khác. Dù sống trong các môi trường cảnh quan đa dạng và có những định hướng sinh thái khác nhau như vùng môi trường núi đá vôi, bên sông suối; vùng môi trường bờ biển; vùng đồi bậc thềm thấp nằm phía sau các đồng bằng ven biển, thì cư dân cổ đã chế tác và sử dụng bộ công cụ đá khá giống nhau, với một số loại hình cơ bản như công cụ ghè đẽo một mặt hình bầu dục, hình tròn… (Sumatralith), rìu ngắn… Chính vì sự phân bố trên một địa bàn quá rộng của một truyền thống kỹ thuật chế tác công cụ chung, nên một số tác giả cho rằng việc sử dụng khái niệm văn hoá đối với Hoà Bình là không thích hợp. Gorman, nhà khảo cổ học người Mỹ đã mượn khái niệm “Phức hợp kỹ thuật (technocomplex)”của Clarke để làm rõ quan niệm của mình là văn hoá Hoà Bình không phải là một văn hoá duy nhất mà là nhóm văn hoá. GS. Hà Văn Tấn dựa vào tiêu chí coi kỹ thuật Sumatralith là đặc trưng cơ bản của Hoà Bình, đã cho rằng có một văn hoá Hoà Bình dạng Bắc (gồm Việt Nam, Lào và Thái Lan) và một văn hoá Hoà Bình dạng Nam (gồm bán đảo Mã Lai và bờ bắc Sumatra). Tại những khu vực khác có những kỹ nghệ chế tác công cụ cuội có những nét tương đồng với văn hoá Hoà Bình nên được gọi là kỹ nghệ Hoà Bình tức Hoabinhoid technology11.

Người Hoà Bình sống chủ yếu bằng săn bắt (bắn) và hái lượm (cũng vẫn theo phổ rộng) và vai trò vượt trội của hái lượm. Phương thức sống của cư dân Hoà Bình đã được nhiều nhà nghiên cứu chú ý. Vấn đề đáng quan tâm nhất là sự nảy sinh của nông nghiệp trong lòng văn hoá Hoà Bình. Một vài học giả đã đưa ra giả thuyết về sự thuần dưỡng thực vật trong văn hoá Hoà Bình.

Các sử gia nông nghiệp thường cho rằng ở Đông Nam Á và Việt Nam có hai thời kỳ nông nghiệp: Nông nghiệp trồng củ và tiếp sau là nền Nông nghiệp trồng hạt. Ở đầu thập kỷ 60, sau khi đào Hang Ma (Spirit Cave) ở Thái Lan (một hang động văn hoá Hoà Bình) và tìm thấy một số hạt cây – hoá thạch lớn (macro fossiles), Chester Gorman nêu lên giả thuyết Văn hoá Hoà Bình là văn hoá nông nghiệp sớm nhất Đông Nam Á. Ý kiến này được sự hậu thuẫn và ủng hộ của W.Solheim II, người coi phát hiện này có ý nghĩa rất lớn vào thập kỷ 60, khi ông cho rằng Đông Nam Á là vùng phát sinh nông nghiệp sớm nhất thế giới, cũng như, với Non Nok Tha, rồi sau này là Bản Chiang, thời đại đồ đồng (khoảng 6.000 năm) cũng như thời đại đồ sắt (hơn 3.000 năm) xuất hiện ở Đông Nam Á cực sớm. (Những niên đại này đã bị nhiều ý kiến nghi ngờ). Chester Gorman bác bỏ lý thuyết hai giai đoạn và cho rằng nông nghiệp phát sinh ở vùng chân núi (piemont) với có thể đồng thời hay trước sau không đáng kể việc trông khoai nước cùng với việc trồng lúa nước.

Ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Việt đã rất chú trọng đến nghề trồng trọt thời tiền sơ sử. Bên cạnh dó, GS. Đào Thế Tuấn cũng đã nêu ra luận điểm quan trọng về sự phát sinh nghề trồng lúa nước từ vùng thung lũng và sau đó nó diễn tiến theo hai hướng: hướng đi ngược lên đồi và các sườn núi thành nghề trồng lúa khô ở nương rãy, hướng đi xuống đồng bằng trở thành nghề trồng lúa nước đại trà và cộng với áp lực dân số, từ việc trồng lúa nếp ban đầu, người ta đã tiến tới việc trồng lúa tẻ, hay nói cách khác, đã tẻ hoá nghề trồng lúa nước ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Dựa vào những thóc gạo cháy ở hang Xóm Trại, hai tác giả trên đã cho rằng nghề nông trồng lúa nước đã phát sinh trong văn hoá Hoà Bình. Tuy vậy, những hạt thóc gạo cháy này được tìm thấy trong một địa tầng xáo trộn nghiêm trọng, và cho tới nay, đây cũng là địa điểm duy nhất tìm được gạo cháy trong hàng trăm di tích Hoà Bình. Bộ công cụ đá của văn hoá này cũng chưa thể hiện rõ nét tính chất nông cụ liên quan đến trồng trọt.

Gần đây, người ta đã tìm thấy hạt và quả của nhiều loài cây thuộc họ rau đậu và họ bầu bí, được coi là đã thuần dưỡng trong một số di chỉ văn hoá Hoà Bình. Vì vậy đã có một nền nông nghiệp sơ khai. Cuộc sống định cư tương đối đã tạo nên tiền đề thúc đẩy cho sự nảy sinh nghề trồng trọt. Tuy nhiên, vai trò của nó còn rất nhỏ bé so với các hoạt động truyền thống hái lượm và săn bắt (bắn). Cũng có những ý kiến khác về sự nảy sinh nghề trồng trọt, vì theo những phân tích di tích thực vật đã tìm thấy ở Việt Nam, Thái Lan… thì các chứng cứ về sự thuần dưỡng thực vật trong văn hoá Hoà Bình vẫn chưa tỏ ra đủ tin cậy12. Thống kê bước đầu cho thấy trong một số di tích Hoà Bình có 50 loại bào tử phấn hoa khác nhau. Trong đó chưa thấy loại đã được con người thuần hoá, tuy vậy đã có sự khác biệt giữa thành phần phổ phấn hoa của văn hoá Hoà Bình và văn hoá Sơn Vi13.

Hoạt động hái lượm phát triển cùng với việc chiếm / ứng trường sinh thái đa dạng tuy vậy đã tạo điều kiện cho cư dân văn hoá Hoà Bình có được những tri thức ban đầu về trồng trọt. Theo một số học giả như các giáo sư Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng…, thì đây được coi là màn dạo đầu (prelude) của cuộc “Cách mạng đá mới”.

Trong những nơi ở của người Hoà Bình, sự tích tụ văn hoá thường rất dày, với nhiều tầng văn hoá. Trong các tầng văn hoá đó chủ yếu là vỏ các loài nhuyễn thể, tàn tích xương động vật, than tro, di cốt người và di vật đá. Trong nhiều di chỉ các nhà khoa học còn tìm được vết tích bếp lửa, mộ và di cốt người, dấu tích nghệ thuật…

Cư dân văn hoá Hoà Bình đã hoàn thiện kĩ thuật chế tác đá. Họ khai thác nguyên liệu tại chỗ như cuội sông suối. Tổ hợp công cụ đá cho thấy nét nổi bật của kỹ nghệ đồ đá ở đây là kỹ thuật ghè đẽo và tu chỉnh tinh tế nhằm tạo ra những công cụ hoàn chỉnh đã chiếm địa vị chủ đạo. Bên cạnh kỹ thuật truyền thống ghè bổ chặt, kỹ thuật mài đã xuất hiện tuy chưa phổ biến. Sự tồn tại của những công cụ mài lưỡi cũng đánh dấu một bước phát triển cao hơn của trình độ chế tác đá của người xưa. Bên cạnh chất liệu đá, thời kỳ này cư dân đã chế tác và sử dụng công cụ được làm từ xương, gỗ, sừng, tre…

Giáo sư khảo cổ học Hà Văn Tấn đã lưu ý một đặc điểm là dù sống ở các môi trường cảnh quan khác nhau, cư dân văn hoá Hoà Bình có bộ công cụ đá khá giống nhau. Tại Đông Nam Á lục địa, có một văn hoá Hoà Bình mang tính thống nhất với một số dạng địa phương. Tổ hợp công cụ đá văn hoá Hoà Bình phong phú và ổn định trong một số loại hình đặc trưng, đặc biệt là loại công cụ cuội. Tính đa dạng được thể hiện trong cơ cấu thức ăn, sự tuyển lựa nơi cư trú… Như vậy, vẫn cùng chung một khung cảnh sống, mà cách thu lượm sản vật thiên nhiên của người cổ đã thích nghi, ứng biến với từng điều kiện cụ thể của môi trường sinh thái. Nói một cách khoa học và theo kiểu sinh thái học nhân văn, thì cư dân cổ Hoà Bình có “Trị giá sinh thái” (Value écologique) cao – có khả năng thích ứng với nhiều loại môi trường tự nhiên.

Cư dân thời đại đá mới có một tri thức phong phú về tự nhiên, những hang động và những nơi cư trú khác của họ đều là những địa điểm thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất. điều này cho thấy con người thời bấy giờ đã biết thích nghi một cách hài hoà với tự nhiên.

Thời kỳ này cũng để lại những dấu vết của nghệ thuật như những hiện vật bằng xương có vết khắc hình cá, hình thú và những hình vẽ trên vách hang, những mảnh thổ hoàng, những đồ gốm trang trí hoa văn với những đồ án phức tạp hay tô màu… những hình thức nghệ thuật đầu tiên này mang tính ước lệ. Con người giai đoạn này học vẽ, học đếm, xây dựng các sự lý giải đầu tiên về thế giới và bản thân mình. Đây được coi là những bước đầu tiên trong sự hình thành con người văn hoá. Người Hoà Bình, theo GS. Hà Văn Tấn có lẽ đã có những biểu hiện về nhịp điệu, thể hiện bằng những nhóm vạch ba vạch một trên các hòn cuội tìm thấy trong hang động. Dù mới chỉ là giả thuyết về số đếm, cách tính ngày… những di vật tìm thấy cũng cho thấy một bước phát triển tư duy của người nguyên thuỷ. Tư duy về thời gian vũ trụ còn được thể hiện bằng những hoa văn, kí hiệu biểu thị mặt trời như hình tròn, hình chữ S… vẽ trên đồ gốm. Có thể bấy giờ đã bắt đầu hình thành một loại nông lịch sơ khai.

Quan niệm về cái chết, về đời sống khác sau chết khá đa dạng và phức tạp được thể hiện qua nhiều phương thức xử lý xác chết và táng thức khác nhau và cũng thể hiện tính khu biệt địa phương rõ nét.

I.4.5. Không gian phân bố và đặc điểm của những cộng đồng cư dân săn bắt / bắn – hái lượm và nông nghiệp sớm ở Đông Nam Á

Vào cuối giai đoạn đá mới, cư dân đã mở rộng không gian sinh tồn của mình. Cùng với việc chiếm lĩnh các bãi bồi lớn ven sông, các dải cát ven biển… là việc thay đổi về lối sống, về văn hoá. Sự kiện môi trường quan trọng nhất trong thời kỳ này là đợt biển tiến Holocene trung và quá trình hình thành các đồng bằng ven biển.

Phụ thuộc vào địa bàn phân bố, định hướng kinh tế và lối sống của các nhóm cư dân này mang tính chất địa phương rõ nét. Trong giai đoạn này nghề gốm bắt đầu phát triển, bên cạnh đó do sự quy định của điều kiện tự nhiên – sinh thái, nghề khai thác thuỷ hải sản chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống cư dân cổ. Một đặc điểm nữa là nghề trồng trọt đã được triển khai, nhất là ở giai đoạn muộn. Giai đoạn cuối của thời đại đá mới được đánh dấu bằng sự thiết lập và tồn tại của nhiều văn hoá nhiều nhóm di tích ở tất cả các địa bàn, từ rừng núi, trung du đến vùng ven biển và hải đảo. Nhìn chung các di chỉ khảo cổ học giai đoạn này có diện tích rộng lớn, tầng văn hoá nhiều nơi dày và ổn định. đã xuất hiện các loại hình di tích khác nhau như cư trú, cư trú – xưởng chế tác, cư trú – mộ táng, mộ táng… Đặc trưng văn hoá nổi bật của giai đoạn này là sự bắt đầu thực sự của cuộc “Cách mạng đá mới”, hay “Đá mới hoàn toàn”. Sự xuất hiện của những nơi định cư làm nông nghiệp và cư dân sống tập trung thành làng. Đó cũng là nguyên nhân hình thành tính địa phương của văn hoá. Sự khác biệt về lối sống và nếp sống ngày càng rõ rệt hơn. Cái chung, là một nền văn hoá sản xuất bắt đầu phát sinh và phát triển, với sự vượt trội của trồng trọt đa canh so với chăn nuôi.

Trồng trọt phát triển ở thời đá mới, thì đã có nét đặc thù của trồng nước và trồng khô, trồng hạt và trồng củ. Ở thung lũng, lúa nước phát sinh rồi phát triển hơn là khoai nước; ở ven biển cát dài, củ khoai phát triển nhiều hơn lúa. Và nương vườn trồng rau bầu và cây ăn quả nhiều hơn trong khi đồng ruộng trồng ngũ cốc nhiều Theo một số nhà khảo cổ học Việt Nam, với văn Hoà Bình và Bắc Sơn nổi tiếng ở Việt Nam và Đông Nam Á (khoảng 10.000 năm cách đây) các nhóm cư dân sống ở chân núi, dải đất ven sông bên cạnh hái lượm và săn bắt đã bắt đầu có những tri thức đầu tiên về trồng trọt. Cho đến tận ngày nay kể cả ở vùng Hoà Bình, thực vật bao phủ vẫn gồm cả đậu, củ từ và khoai sọ / nước. Có một số chứng cứ không trực tiếp ở những lớp trên của hang Hoà Bình người ta tìm thấy rìu mài lưỡi được xem là liên quan đến hoạt động phát rừng. Những hiện vật lớn có hình dạng giống cuốc tìm được ở Xóm Trại có những vết sử dụng như làm đất. Ở Xóm Trại cũng đã thấy vết tích gạo. Theo phân tích của chuyên gia nông học Đào Thế Tuấn, lớp dưới là loại hạt dài, lớp trên cả hạt dài và tròn. Ông cho rằng có một quá trình tăng dần của thuần hoá lúa. Tuy vậy, địa tầng phía trên ở Xóm Trại bị xáo trộn giống như nhiều hang Hoà Bình khác nên những hạt gạo có mặt tại đây chưa thể được xác định niên đại một cách chắc chắn.

Những chứng cứ về nông nghiệp thời đại đá mới Việt Nam cho đến nay chỉ là những bằng chứng gián tiếp chứ không phải là vết lúa gạo (thậm chí cũng rất hiếm trong thời đại kim khí). Đó là gốm, cuốc đá, dao cắt, bàn đập vỏ cây, dọi xe chỉ, đá buộc gậy chọc lỗ…

Trên cơ sở tài liệu phát hiện được ở Thái Lan và Việt Nam trong điều kịên nghiên cứu hiện nay chúng ta có thể chấp nhận được giả thiết của Ho Pingti cho rằng Đông Á gió mùa cụ thể là Trung Hoa từ phía nam sông Dương Tử và Đông Nam Á lục địa và hải đảo một khu vực quanh năm khí hậu ấm nóng và rất giàu nguồn thực vật. Đông Á gió mùa này từ gốc thu lượm thực vật có thể là nơi phát nguồn của nghề làm vườn trồng cây ăn quả, củ… và vào giai đoạn cuối hệ sinh thái nông nghiệp đã bắt đầu đa dạng và loại hình nông cụ cũng đa dạng hoá tiếp theo đó, và đồ gốm nặn bằng tay càng đa dạng hoá hơn nữa, với đáy tròn, đáy nhọn hay là đáy phẳng cùng của loại miệng thích nghi…

Những điều kiện định cư lâu dài và sự phát triển của nông nghiệp sơ khai đã làm hình thành rõ nét tính địa phương của văn hoá trong những khu vực hẹp vào cuối thời đá mới (cách đây khoảng 5.000 năm). Bốn khu vực văn hoá hậu kỳ đá mới với những đặc trưng riêng về loại hình công cụ đá và kỹ thuật chế tác, trang trí đồ gốm đã được xác định một cách khái quát bao gồm: 1. Đông Nam Á lục địa (trừ bán đảo Malacca); 2. Đông Nam Trung Quốc – Đài Loan – Philippines (và có thể một số vùng phụ cận như Đông Bắc Việt Nam, miền Trung Celebes); 3. Mã Lai – tây Indonesia; 4. Miền đông Indonesia, một phần bắc Celebes (và vùng chịu ảnh hưởng của nó là Melanesia)14. Những văn hoá và địa điểm trung và hậu kỳ đá mới đáng chú ý ở Đông Nam Á đó là những văn hoá phân bố ở nội địa và ven biển Việt Nam như Cái Bèo, Hạ Long, Đa Bút, Thạch Lạc, Quỳnh Văn, Bàu Tró… ở Thái Lan có di chỉ Don Noi (Bo Ploi), văn hoá Ban Kao… cũng giống như ở Việt Nam, giữa các vùng khác nhau của Thái Lan cũng có tỉ lệ không đều của các loại hình rìu. Rìu có vai thường thấy ở Bắc và đông bắc Thái Lan, rìu không có vai phổ biến ở vùng Nam Thái Lan, đặc biệt trong văn hoá Ban Kao.

Theo Bellwood, sự xác định của thời đại đá mới muộn ở Đông Nam Á hải đảo dựa chủ yếu trên sự xuất hiện rộng rãi của gốm được trang trí (thường là văn in hay khắc vạch) ở một phần Phillipines và miền đông Indonesia sau năm 1500 BC. Giai đoạn này cũng bao gồm cả gốm Yuan-Shan (Trường Tân hay Ty Nam) của miền bắc và miền đông Đài Loan. Mộ chum có thể phát triển ở Phillipines và Sarawak từ khoảng năm 1.000 BC trở đi và giai đoạn này trên thực tế đã đạt tới giai đoạn kim khí sớm với đồng đỏ, đồng thau, sắt, hạt chuỗi thuỷ tinh, và sự phổ biến rộng khắp của mộ chum vào cuối Thiên niên kỷ I trước Công nguyên.

Những văn hoá đá mới muộn điển hình: Văn hoá Lapita ở miền Đông Oceania, Văn hoá đá mới ở Hang Niah miền tây Indonesia, Văn hoá đá mới Ban Kao ở Nam Thái Lan và Malaysia.

Thời kỳ này cũng xuất hiện những tín ngưỡng nguyên thuỷ. Là cư dân nông nghiệp nên mưa, gío và đặc biệt là mặt trời đã trở thành một trong những thần linh quan trọng đối với con người. Về loại hình công xã thời hậu kỳ Đá mới giới nghiên cứu đều thống nhất cho rằng đó là loại hình công xã thị tộc phát triển. Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trên con đường phát triển song trong cái thế giới hoàn toàn gỗ đá ấy, trình độ kinh tế-xã hội dù có được nâng dần lên nhưng thật chưa có chuyển biến căn bản. Xã hội đến đây vẫn hoàn toàn là xã hội nguyên thuỷ.

I.4.6. Thời đại kim khí ở Đông Nam Á: Những cộng đồng cư dân nông nghiệp phát triển

Một điểm cần lưu ý khi nghiên cứu vấn đề này là ranh giới giữa thời đại đá mới và thời đại kim khí không rõ ràng và trong nhiều trường hợp không thể tách bạch được. Trong một số trường hợp chúng ta thấy các nhà nghiên cứu dùng cách gọi hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí để chỉ những địa điểm mà trình độ tuy đã đạt đến thời đại kim khí, nhưng vẫn gặp nhiều di vật đá mới. Thời điểm xuất hiện của đồ sắt cũng không cụ thể, ở một số khu vực như miền bắc Việt Nam, miền đông bắc Thái Lan… chúng ta đã chứng minh được sự tồn tại của một thời đại đồ đồng trước thời đại đồ sắt. Nhưng ở Đông Nam Á hải đảo và một số nơi khác của Đông Nam Á lục địa, gần như hai kim loại này xuất hiện song song với nhau. Miền Trung Việt Nam cũng vậy, đồ sắt chỉ xuất hiện sau đồ đồng một thời gian rất ngắn.

Cho tới nay chúng ta đã có những phát hiện rất quan trọng về sự phát triển liên tục của thời đại kim khí ở Đông Nam Á lục địa, đặc biệt là ở Bán đảo Đông Dương và Thái Lan. Thời kỳ này cũng được đánh dấu bằng sự khu biệt và phân hoá văn hoá thành những trung tâm lớn có mức phát triển tương đồng nhưng khác biệt và những vùng, biên / ngoại vi. Giao lưu nội vùng, liên vùng thực sự đóng vai trò rất quan trọng trong sự định hình vị thế và vai trò của mỗi trung tâm và sức lan toả các đặc trưng văn hoá.

– Ba trung tâm thời đại kim khí Việt Nam: Cách đây khoảng bốn nghìn năm, các nhóm cư dân cổ sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam từ lưu vực sông Hồng cho đến lưu vực sông Đồng Nai đã bước vào thời đại kim khí.

Thời kỳ này trên lãnh thổ Việt Nam tồn tại ba trung tâm văn hoá lớn là Đông Sơn (miền Bắc), Sa Huỳnh (miền Trung) và Đồng Nai (miền Nam).

Văn hoá Đông Sơn (cả giai đoạn tiền Đông Sơn) được coi là cốt lõi văn hoá của người Việt cổ, giai đoạn này được coi là thời gian hình thành bản sắc văn hoá Việt cổ.

Văn hoá Sa Huỳnh (cả giai đoạn tiền Sa Huỳnh) được coi là tiền nhân tố của người Chăm và vương quốc Champa.

Văn hoá Đồng Nai (cả giai đoạn đồng và sắt) lại là một trong những cội nguồn hình thành văn hoá Óc Eo của cư dân thuộc nhóm Mã Lai – Đa Đảo và có thể thuộc các nhóm khác nữa sinh sống vào những thế kỷ sau Công nguyên ở vùng Đông và Tây Nam Bộ.

– Tiền Đông Sơn và Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam: Quá trình kế thừa, thống nhất và kết tinh hoá văn hoá: Trong thời đại đồng thau ở miền bắc Việt Nam, đặc điểm văn hóa địa phương còn khá rõ ràng. Miền Bắc Việt Nam là một vùng địa lý có những dạng địa hình khác nhau và lại có tính chất tiếp xúc rộng, mạnh, đó là nguyên nhân và lý do dẫn đến nơi đây là địa bàn của nhiều văn hoá, nhiều tộc người. Bước vào thời đại đồng thau, với sự mở đầu của 4.000 năm văn hiến, trung du và vùng châu thổ sông Hồng có Phùng Nguyên, miền ven biển đông bắc có Hạ Long, miền ven biển Thanh Hoá có Hoa Lộc, miền ven biển Nghệ Tĩnh – Bình Trị Thiên có Bàu Tró… với những loại hình công cụ đá, những kiểu dáng và hoa văn gốm khác nhau… biểu hiện những bộ mặt địa phương văn hoá khác nhau và tộc thuộc khác nhau. Giữa các khu vực văn hoá địa phương này có sự giao lưu tiếp xúc và đan xen văn hoá. Lại có sự giao lưu giữa những nhóm cư dân này với cư dân và văn hoá các miền chung quanh trong khu vực Đông Nam Á và cả Nam Trung Quốc – lúc bấy giờ còn là mảnh đất phi Hoa (và thường được giới nghiên cứu hiện nay quan niệm là thuộc không gian văn hoá Đông Nam Á lúa nước).

Cư dân Tiền Đông Sơn là cư dân trồng lúa nước, họ đã biết chăn nuôi một số gia súc như trâu, bò, lợn, gà… Làng mạc giai đoạn này có diện tích rộng và tầng văn hoá dày. Bên cạnh nơi cư trú hay trong khu cư trú là các di chỉ mộ táng. Đã hình thành các làng nghề, chuyên sản xuất một loại hình công cụ hay đồ trang sức. Những nơi cư trú này thể hiện sự phát triển văn hoá liên tục giữa các giai đoạn, nối tiếp và kế thừa nhau.

Khuôn đúc đồng và rìu đồng ở địa điểm Thành Dền, trung kỳ đồng thau: Cư dân văn hoá thời đại đồng thau miền bắc Việt Nam có đời sống tinh thần phong phú. Điều đó thể hiện trong tư duy và sáng tạo nghệ thuật của họ. Đặc biệt, họ đã làm chủ được nghệ thuật nhịp điệu trong ca múa, biểu hiện tính đối xứng chặt chẽ của các mô típ hoa văn trang trí đồ gốm. Họ biết tới nhiều dạng đối xứng khác nhau. Điều này cho thấy sự phát triển nhận thức hình học và tư duy chính xác nhờ hoạt động sản xuất nông nghiệp và kỹ thuật chế tác đá, đúc đồng…

Vào khoảng thế kỷ VII trước Công nguyên, các nền văn hoá bộ lạc mất dần tính địa phương tiến tới chỗ hoà chung vào một nền văn hoá thống nhất- văn hoá Đông Sơn. Đó là lúc các nhóm bộ lạc liên kết lại trong một quốc gia: nước Văn Lang. Tính thống nhất văn hoá được thể hiện rõ trên một vùng rộng lớn từ biên giới Việt – Trung cho đến bờ sông Gianh Quảng Bình, mặc dù theo các nhà khảo cổ học, nhà nước này vẫn có những dáng hình địa phương. Nhưng có thể thấy rằng phạm vi phân bố của văn hoá Đông Sơn rộng nhất so với tất cả các văn hoá trước đó.

Sự thống nhất của văn hoá Đông Sơn vẫn là sự thống nhất trong đa dạng. Giới khảo cổ học Việt Nam đã nêu ra những loại hình địa phương của văn hoá Đông Sơn. Trên các vùng giáp ranh ở tây bắc, văn hoá Đông Sơn tiếp xúc với văn hoá Tấn Ninh (văn hoá Điền); ở phía bắc, tiếp xúc với văn hoá Sở, Trường Sa, ở phía nam đèo Ngang (Quảng Bình), nó tiếp xúc với văn hoá Sa Huỳnh (văn hoá Chăm cổ – về sự tiếp xúc này ngày càng có nhiều chứng cứ khảo cổ học và sự lan toả của văn hoá Đông Sơn vào không gian thời gian của văn hoá Sa Huỳnh lớn hơn nhiều so với sự hình dung của giới nghiên cứu từ trước tới nay). Những sự tiếp xúc đó cũng góp phần tăng cường sắc thái địa phương của từng vùng. Nhưng tính thống nhất của Đông Sơn là nổi bật, là căn bản. Cái “mẫu văn hoá chung” hay nói theo thuật ngữ văn hoá học, cái phần “văn hoá tối thiểu” của thời đại Đông Sơn là rất lớn; được biểu hiện ở bộ công cụ, dụng cụ, vũ khí, nhạc khí, đồ trang sức, nghệ thuật chạm khắc, mô típ trang trí Đông Sơn: rìu lưỡi xéo, mũi dáo, dao găm, thạp thố, vòng tay, khuyên tai… và đặc biệt là trống đồng Đông Sơn (trống đồng loại I Heger).

Làng xóm thời kỳ này thường phân bố ở những nơi đất cao, thậm chí ở sườn núi hay trên những quả đồi đất… nhưng bao giờ cũng nằm gần các hệ thống sông lớn hay các chi lưu của chúng. Khoảng cách giữa làng và sông thường từ 1 đến 5 km…Việc chọn nơi cư trú như vậy cho thấy người Đông Sơn đã tìm cách tốt nhất để thích ứng với tự nhiên. Bởi lẽ, đất cao sẽ khô ráo mà lại tránh được ngập lụt vào mùa mưa. Làng thời kỳ này có quy mô tương đương với xóm hay làng nhỏ ngày nay, có chừng vài trăm người. Ngoài ra, còn thấy hiện tượng một số làng xóm nhỏ quy tụ thành một vài khu vực cư trú đông đúc. Đó là hiện tượng thường gặp đối với cư dân nông nghiệp ở những vùng đồng bằng phì nhiêu.

Có lẽ do hiện tượng chiến tranh đã trở nên thường xuyên (thể hiện trong truyền thuyết, trong tỉ lệ cao của các loại vũ khí, đồ dùng cho binh lính – tỉ lệ vũ khí đồng thau chiếm từ 1/3 đến quá 1/2 toàn bộ đồ đồng ở các di tích Đông Sơn tiêu biểu) nên chung quanh làng, có những vành đai phòng thủ, mà khả năng lớn là các luỹ tre làng. Công trình phòng thủ thực sự với hệ thống thành luỹ quy mô thời Đông Sơn ngày nay người ta mới chỉ biết đến có một, đó là thành Cổ Loa.

Tư liệu khảo cổ học về quy mô, cấu trúc nhà ở, mộ táng, kích thước đồ gốm gia dụng… cho thẩy trong xã hội Đông Sơn hình thành và tồn tại chủ yếu là những gia đình hạt nhân, gia đình nhỏ, những gia đình này cũng là những đơn vị sản xuất cơ bản. Khi nông dân tăng tiến về dân số, nông nghiệp phát triển về vườn ruộng ao, chuồng trại, về cây trồng, gia súc và năng xuất (nhờ độ phì nhiêu của đất đai đồng bằng cùng kỹ thuật nông nghiệp phát triển) thì cũng có nghĩa là một hệ thống xóm làng đã phát triển, mô hình tổ chức tập hợp các gia đình hạt nhân (nhà tiểu nông), lan dần từ vùng cao xuống vùng thấp, trong những ngôi nhà biến hoá từ nhà sàn đến nhà đất bằng.

– Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam: Từ hội nhập đa nguồn đến hội tụ văn hoá: Trung tâm hay đỉnh cao của văn hoá thời đại kim khí Việt Nam ở miền Trung (từ Đèo Ngang đến Đồng Nai) được gọi theo tên một địa điểm khảo cổ học ven biển tỉnh Quảng Ngãi. Đó là văn hoá Sa Huỳnh.

Văn hoá Sa Huỳnh tồn tại từ sơ kỳ thời đại đồng thau (trên 3.000 năm cách ngày nay) cho tới sơ kỳ thời đại sắt sớm (thế kỷ VI-VII trước Công nguyên đến thế kỷ I sau Công nguyên). Giai đoạn sớm được gọi là văn hoá Tiền Sa Huỳnh, giai đoạn muộn được gọi là văn hoá Sa Huỳnh. Văn hoá Sa Huỳnh thời đại sắt hay văn hoá Sa Huỳnh cổ điển là bắt nguồn từ những di tích tiền Sa Huỳnh với sự tham góp không nhỏ của các nguồn lực văn hoá ngoại sinh.

Vào thời gian cách đây trên 3.000 năm, tại những vùng đồng bằng nhỏ ven biển, trên các đảo và đảo ven bờ hay ở những gò đất cao ven sông, ven bàu nứoc ngọt, những nhóm cư dân kim khí sớm đã lập làng tụ cư. Trồng trọt đã có một vị trí nào đó trong đời sống kinh tế của họ, cuốc đá hình lưỡi mèo tìm thấy trong các địa điểm khảo cổ học thời kỳ này là chứng cử gián tiếp về thuần dưỡng cây trồng. Tuy vậy, do những quy đinh và tác động của điều kiện môi trường tự nhiên…, đánh bắt cá, khai thác thuỷ hải sản, khai thác rừng… vẫn là những hoạt động sống chính. Giai đoạn đầu công cụ đá đóng vai trò chủ đạo với các loại hình chính như rìu có vai, rìu tứ giác, bôn răng trâu, cuốc hình lưỡi mèo… Đồ trang sức đá không nhiều nhưng thể hiện trình độ cao trong kỹ thuật chế tác và quan niệm thẩm mỹ tinh tế. Nhiều loại hình đồ đá tiếp tục được sản xuất và sử dụng trong các giai đoạn muộn hơn. Đồ gốm nổi bật với trang trí văn thừng, văn in mép vỏ sò, tô màu… Đa số đồ gốm đẹp được tìm thấy trong các khu mộ địa như Long Thạnh (Quảng Ngãi), Bàu Trám (Quảng Nam), Bãi Ông (Quảng Nam)… Có thể thấy yếu tố biển đóng vai trò quan trọng trong đòi sống vật chất và tinh thần của cư dân giai đoạn này. Táng thức chính của cư dân văn hoá Tiền Sa Huỳnh là mộ nồi, dạng mộ được coi là cổ típ cho những giai đoạn văn hoá sau. Mộ táng giai đoạn này thường được phát hiện ngay trong nơi cư trú.

Các di tích của văn hoá Sa Huỳnh giai đoạn sắt sớm phân bố trên một diện rộng ở hầu khắp các loại địa hình từ Thừa Thiên Huế đến khu vực Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh). So với văn hoá Tiền Sa Huỳnh giai đoạn trước, văn hoá Sa Huỳnh có sức lan toả rộng và mạnh hơn nhiều lần. Các địa điểm thời kỳ này thể hiện tính thống nhất văn hoá trong sự đa dạng mang đặc điểm môi trường sinh thái của từng khu vực địa lý, nhóm người và quan hệ văn hoá… Giai đoạn cuối của nền văn hoá này có những diễn biến và thay đổi văn hoá mang tính chất bước ngoặt.

Một đặc trưng tiêu biểu của văn hoá Sa Huỳnh là hình thức mai táng dùng quan tài là nồi, vò, chum bằng đất nung suốt từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn. Tại một số địa điểm như Long Thạnh, Bàu Trám (Tiền Sa Huỳnh), Hậu Xá, Gò Mả Vôi, Bình Châu… (Sa Huỳnh), bên cạnh mộ chum còn thấy mộ đất, song không phổ biến.

Trên địa bàn phân bố của văn hoá Sa Huỳnh từ gò đồi phía Tây cho đến đồng bằng ven biển và hải đảo phía đông, đã phát hiện nhiều khu mộ – Những bãi mộ chum rộng lớn, đôi khi nhiều tầng lớp với những loại hình vò, chum mai táng hình cầu, hình trứng, hình trụ có kích thước từ vừa đến lớn và trong từng loại có những biến thể khác nhau.

Thông thường những chum mộ được tìm thấy ở dạng phân bố theo nhóm từ 2, 3 đến 4 chum. Tuy vậy ở một số khu mộ địa cũng thấy kiểu phân bố lẻ tẻ. Ở một số mộ địa Sa Huỳnh, thời gian chôn mộ diễn ra trong thời gian khá dài – một vài trăm năm, song hiếm có hiện tượng các mộ cắt phá nhau. Dựa vào đây có thể cho rằng, cư dân văn hoá này có cách thức riêng để đánh dấu các ngôi mộ sớm muộn trong cùng một khu vực địa lý. Những địa điểm văn hoá Sa Huỳnh đã được khai quật và nghiên cứu thường chỉ trong diện hẹp, chính vì vậy chưa có đủ dữ liệu để khái quát về cơ cấu, tổ chức xã hội, thân phận, tầng lớp… của những người chết. Tuy vậy, sự phân bố không đều về chất và lượng của đồ tuỳ táng phần nào thể hiện một xã hội có sự phân biệt về của cải và từ đó có khả năng cả thân phận. Giai đoạn cuối, những thế kỷ I – II trước, thế kỷ I sau Công nguyên, những tiếp xúc văn hoá mạnh mẽ với Trung Quốc (Hán), với miền bắc Việt Nam (Đông Sơn) và với các văn hoá khu vực khác nữa càng làm tăng thêm sự phân tầng trong xã hội và là cơ nền cho sự hình thành Nhà nước sơ khai theo kiểu Chiefdom, loại hình nhà nước điển hình của Đông Nam Á giai đoạn này.

Những chum mộ quan tài gốm chôn đứng thẳng, có nắp đậy hình nón cụt, hình lồng bàn, mâm bồng… thậm chí có thể là đáy của một chum khác được tái tận dụng. Đồ tuỳ táng đặt bên trong, bên ngoài, dưới đấy hay ngay trên nắp chum. Hiện tượng làm biến dạng đồ tuỳ táng thường hay gặp song không phải là quy luật bắt buộc cho tất cả các nơi. Bên cạnh đồ tuỳ táng, vết tích khác tìm thấy trong các chum này khá đa dạng. Có chum chứa than tro – được coi là vết tích hoả táng xác người, có chum chứa xương, răng trẻ con hoặc người lớn, cá biệt có khu vực như Cần Giờ, trong nhiều chum có nguyên những bộ xương người lớn. Nhiều nơi, chum chứa hoàn toàn là cát trắng. Hiện nay, có nhiều cách diễn giải táng thức của văn hoá Sa Huỳnh như hoả táng, cải táng, chôn thẳng, tượng trưng… Có lẽ, tất cả những diễn giải này đều có thể áp dụng tuỳ theo không gian và thời gian. Thông thường các chum mộ là chum đơn, song ở một vài địa điểm xuất hiện chum lồng, cá biệt có nơi đã phát hiện cả một quần thể chum lồng theo kiểu trong quan ngoài quách như ở Gò Dừa (Duy Xuyên – Quảng Nam).

Đồ tuỳ táng trong văn hoá Sa Huỳnh rất phong phú về chất liệu và đa dạng về loại hình. Chất liệu kim loại đồng, sắt, vàng, bạc, chất liệu thuỷ tinh nhân tạo, tự nhiên, chất liệu đá quý mã não, ngọc, cẩm thạch… đồ gốm có nhiều tiến bộ về kỹ thuật, đa dạng hình loại và nhiều kiểu thức đồ án trang trí. Đồ tuỳ táng bao gồm năm nhóm cơ bản. Đồ gia dụng, công cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức và đồ minh khí.

Nổi bật nhất trong văn hoá Sa Huỳnh là bộ công cụ và vũ khí bằng sắt. Tại những địa điểm mộ chum Sa Huỳnh giai đoạn từ khoảng thế kỷ III – IV trước Công nguyên, đồ sát chiếm lĩnh về cả số lượng và chất lượng. Đồ sắt được sản xuất chủ yếu bằng phương pháp rèn. Nếu thống kê các đồ sắt Sa Huỳnh đẫ được phát hiện đến nay thì số lượng lên tới hàng trăm chiếc, chủng loại đa dạng gồm rựa, dao quắm, giáo, mai, liềm, thuổng, kiếm ngắn, dao, qua… Đặt trong tương quan với các trung tâm văn hoá Đông Sơn ở phía Bắc, văn hoá Đồng Nai ở phía Nam, số lượng và sự phổ biến rộng rãi của đồ sắt trong văn hoá Sa Huỳnh có nhiều trội vượt. Trong bộ sưu tập hiện vật sắt, nét chủ đạo là tính thống nhất về loại hình và kỹ thuật dù được phát hiện trong / tại nhiều địa điểm mang tính địa phương hay khu vực rõ nét. Có thể nói, sắt đã đóng vai trò thống nhất và kết tinh văn hoá ở miền Trung Việt Nam thời Sơ sử. Nguồn gốc của nghề luyện kim sắt chưa được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, trong một số địa điểm đã tìm thấy dấu tích của rèn sắt và luyện gang tại chỗ, như ở Đại Lãnh – Đại Lộc Quảng Nam. Có thể, luyện kim sắt văn hoá Sa Huỳnh có mối quan hệ chặt chẽ với những khu vực Đông Nam Á lục địa như Thái Lan… Giai đoạn cuối trong loại hình công cụ và vũ khí bằng sắt thể hiện sự giao lưu văn hoá với Trung Hoa thời Hán qua các loại hình như mũi nhọn, dao có chuôi hình vành khăn kiểu Tây Hán. So với đồ sắt, đồ đồng ít hơn nhiều về số lượng. Tuy vậy trong một vài năm gần đây, tại các khu mộ táng văn hoá Sa Huỳnh giai đoạn sớm đã tìm thấy nhiều đồ đồng tuỳ táng gồm công cụ, vũ khí, đồ tế lễ… Nhiều đồ đồng được phát hiện cả ở mộ chum, cả ở mộ đất. Phần lớn đồ đồng có thể là sản phẩm của trao đổi với văn hoá Trung Hoa Hán nhu bát đĩa, gương (giai đoạn cực muộn) với văn hoá Đông Sơn như trống đồng, công cụ và vũ khí (giai đoạn sớm hơn). Tất nhiên, điều này không loại trừ việc sản xuất tại chỗ, tuy chứng cứ còn quá ít. Vết tích của đúc đồng được tìm thấy ở Bình Châu, Trảng Đổng Du – Bàu Trám, một vài khuôn đúc bằng đá tìm thấy ngẫu nhiên ở Khánh Hoà, Ninh Thuận…

Cùng với việc đạt đến trình độ cao của kỹ thuật chế tạo sắt (cả việc đúc gang), cư dân văn hoá Sa Huỳnh còn đạt đến bước phát triển cao với các nghề se sợi, dệt vải, chế tạo gốm, chế tác đồ trang sức. Trong các di tích tìm thấy nhiều dọi xe chỉ các loại, dấu vết vải từ thô đến mịn còn lại khá nhiều trên các đồ tuỳ táng bằng đồng, bằng sắt. Nghề làm gốm rất phát triển, thể hiện trong mọi khía cạnh từ kỹ thuật, độ nung đến tạo hình, trang trí. Đặc điểm nổi bật của gốm Sa Huỳnh là những đồ gốm lớn đến rất lớn, đòi hỏi kỹ năng khéo léo và kỹ thuật cao trong chế tác và khống chế độ nung. Rất tiếc cho tới nay chưa phát hiện được lò gốm trong văn hoá này. Rất có khả năng đó là loại lò nửa kín và thường nằm sát bờ sông (hoặc những chum gốm lớn này bản thân đã là lò nung giống như một vài trường hợp trên thế giới thời cổ đại). Điều này, một mặt thuận tiện cho việc chuyên chở nguyên liệu và sản phẩm, song mặt khác lò lại rất dễ bị sụt lở trong những đợt lũ lụt lớn nhỏ hàng năm. Bên cạnh chum, nắp gốm mai táng, đồ tuỳ táng gốm rất đa dạng và phong phú bao gồm bát bồng, đèn, bình hình lẵng hoa, bình con tiện, cốc cao chân, nồi, bát, đĩa, cốc… Gốm được trang trí đẹp với những đồ án hoa văn đa dạng, khắc vạch kết hợp tô màu, những đồ án và phong cách trang trí từ giai đoạn Tiền Sa Huỳnh tiếp tục tồn tại và phát triển trong giai đoạn này. Tô màu đen và đỏ thành từng băng uốn lượn hay góc cạnh, xen lẫn những băng bên trong trang trí những đường vạch nhỏ, chấm dải, in mép sò…trở thành phương pháp trang trí phổ biến. Văn thừng đóng vai trò kỹ thuật hơn là trang trí, kiểu loại văn thừng giai đoạn này đơn giản hơn so với giai đoạn sớm. Nhiều đồ gốm được nung ở nhiệt độ cao, lửa được không chế một cách chủ động nên có một số đồ gốm cứng như sành.

Cư dân văn hoá Sa Huỳnh là những người có năng khiếu, khéo tay và mỹ cảm phát triển. Họ rất thích dùng đồ trang sức (vòng, nhẫn, khuyên tai, vật đeo hình dấu phảy, hạt chuỗi…) bằng thuỷ tinh, mã não, đá quý, đá, đất nung… Chất liệu được ưa thích nhất là mã não và thuỷ tinh. Khuyên tai (hay bùa đeo) hai đầu thú và khuyên tai ba mấu là một loại hình chế phẩm Sa Huỳnh đặc thù. Trong các di tích văn hoá Sa Huỳnh đã tìm thấy một số lượng lớn hai loại hình này. Trong khi khuyên tai ba mấu phân bố ở hầu khắp các địa điểm thì loại hai đầu thú cho tới nay được phát hiện chỉ ở một số vùng.

Ở di tích Đại Lộc – Quảng Nam và Giồng Cá Vồ – Tp. Hồ Chí Minh phát hiện nhiều khuyên tai hai đầu thú đang chế tác dở. Trong một số di tích đương đại của văn hoá Đông Sơn (Bắc Việt Nam), Philippines, Thái Lan… cũng tìm thấy những kiểu khuyên tai này. Đây được coi là những bằng chứng về sự lan toả ảnh hưởng của văn hoá Sa Huỳnh. Trong đồ gốm, đồ trang sức… dễ dàng nhận thấy những nét chung giữa văn hoá Sa Huỳnh và một số văn hoá khác cùng thời ở Đông Nam Á hải đảo. Trước đây, các học giả Pháp cho rằng chủ nhân văn hoá Sa Huỳnh là những người đi biển, đất liền chỉ là nơi chôn cất người chết. Hiện nay, số lượng và vết tích nơi cư trú của văn hoá này khá hiếm hoi. Tuy vậy, vẫn có thể khẳng định qua những chứng cứ gián tiếp rằng văn hoá Sa Huỳnh là sản phẩm của những cư dân sống định cư trên đất liền với xu hướng hướng biển mạnh mẽ. Hệ sinh thái chủ đạo tạo nên nhiều đặc trưng văn hoá là hệ sinh thái Cồn – Bàu. Nền kinh tế đa thành phần kết hợp giữa trồng lúa nước ở các đồng bằng nhỏ duyên hải, trồng lúa kiểu nương rẫy ở vùng đồi gò. Trong các di tích đã phát hiện những công cụ liên quan đến trồng trọt và phá rừng làm nương rẫy bằng đá (tiền Sa Huỳnh), bằng sắt, đồng (Sa Huỳnh) như cuốc, liềm, rìu, dao quắm (rựa)… Cư dân văn hoá này sớm biết khai thác những nguồn lợi của biển, của rừng, biết phát triển các nghề thủ công, từng bước họ đã mở rộng quan hệ trao đổi buôn bán với các cư dân trong khu vực Đông Nam Á lục địa, hải đảo và rộng hơn với Ấn Độ, với Trung Hoa. Đặc biệt ở giai đoạn cuối, nghề buôn bán bằng đường biển rất phát triển. Ở ven biển miền Trung, vào những thế kỷ trước, sau Công nguyên đã hình thành một số tiền cảng thị hay cảng thị sơ khai.

Văn hoá Sa Huỳnh một mặt có nguồn gốc bản địa từ những nhóm di tích, văn hoá Tiền Sa Huỳnh. Mặt khác, những nguồn lực và ảnh hưởng ngoại sinh cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Với vị thế địa văn hoá cầu nối giữa lục địa và hải đảo và đường bờ biển dài nhiều vụng vịnh, miền Trung Việt Nam ngay từ thời tiền sử dã là nơi gặp gỡ của nhiều luồng cư dân, ngôn ngữ và văn hoá. Những tư liệu khảo cổ học gần đây cho thấy vào giai đoạn cuối của văn hoá Sa Huỳnh sự giao lưu văn hoá (tự nguyện và cưỡng bức) rất mạnh mẽ với văn hoá Đông Sơn, với văn hoá Hán. Ảnh hưởng của những văn hoá này vào văn hoá miền Trung Việt Nam những thế kỷ I -II trước và sau Công nguyên có tác động sâu và rộng hơn rất nhiều so với sự hình dung của chúng ta từ trước tới nay.

Mật độ phân bố di tích cũng như quy mô lớn rộng của các di tích văn hoá Sa Huỳnh (bằng chứng của sự quần tụ đông đúc dân cư ); sự phong phú về kiểu loại; số lượng lớn của các loại hình hiện vật từ nhiều chất liệu (dấu hiệu về sức sản xuất mạnh mẽ); vũ khí chiếm một tỷ lệ không nhỏ và với một số kiểu vũ khí ảnh hưởng văn hoá Hán (dấu hiệu của xung đột bên trong và bên ngoài); đồ tuỳ táng phân bố không đều cả về chất và lượng (bằng chứng về sự phân tầng xã hội), tất cả đều là những tư liệu gián tiếp về sự hình thành và tồn tại của một kiểu nhà nước sơ khai trong giai đoạn này.

Chủ nhân văn hoá Sa Huỳnh có quan hệ cội nguồn với các văn hoá hậu kỳ đá mới, sơ kỳ đồng thau ven biển. Với cốt lõi là văn hoá Bàu Tró mà chủ nhân của các văn hoá trên được các nhà nghiên cứu coi là những người tiền Ma Lai-Pôlinêdi. Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, văn hoá Sa Huỳnh còn có những quan hệ cội nguồn hay giao lưu với những văn hoá hậu kỳ đá mới – sơ kỳ đồng thau của miền cao nguyên Lâm Đồng mà chủ nhân của những văn hoá trên được coi là tiền Môn – Khmer hay tiền Nam Á. Ngoài ra còn có những mối giao lưu rộng rãi với các cư dân kim khí Đông Nam Á hải đảo và lục địa. Với vị thế địa văn hoá của mình, dải đất ven biển miền Trung cũng còn là nơi tiếp nhận của không ít nhưng làn sóng di dân từ phương bắc, phương đông và phương Nam trong diễn trình tiền – sơ sử. Tất cả những yếu tố này đã tạo nên một bức tranh văn hoá miền Trung phong phú, đa dạng với những sắc màu riêng. Chủ nhân của văn hoá Sa Huỳnh theo các nhà nghiên cứu nói tiếng Nam Đảo hay Malay – Polynedien với nhiều yếu tố Nam Á.

– Truyền thống văn hoá Đồng Nai: Quá trình chinh phục và chiếm lĩnh miền châu thổ sông Mekong và duyên hải Nam Bộ: Vào khoảng hơn 4.000 năm cách ngày nay, trên đất Nam Bộ đã có những cộng đồng cư dân sinh sống ở các tiểu vùng sinh thái khác nhau. Họ là chủ nhân của nền văn hoá Đồng Nai thuộc thời đại kim khí (đồng thau và sắt sớm).

Những di tích của văn hoá này phân bố suốt từ vùng đồi gò cao cho tới trung, hạ lưu sông Đồng Nai và các chi lưu và vùng sinh thái ngập mặn ven biển. Mỗi một tiểu môi trường sinh thái ứng với một mô thức kinh tế-văn hoá thích hợp.

Ở vùng đồi đá phiến và bazan đất đỏ thuộc Đồng Nai có những di tích (cư trú, mộ táng, xưởng) diện tích lớn, tầng văn hoá dày. Đây là vùng phát sinh và quần tụ quan trọng liên tục nhất của văn hoá Đồng Nai với những di tích Cầu Sắt, Suối Chồn, Phú Hoà, Hàng Gòn.

Ở vùng đồi đá phiến và bazan đất đỏ dải cao nguyên Sông Bé có loại hình di tích đặc trưng là công trình đất đắp hình tròn với hai vòng thành và hào sâu ở Lộc Ninh – Bình Long.

Vùng liên kết đồi bazan – đá phiến – phù sa cổ dọc hệ thống Sông Bé – Đồng Nai, nơi tập trung dày đặc các di tích, di chỉ – mộ táng – xưởng thủ công đơn hay đa ngành tiêu biểu nhất là Suối Linh, Bình Đa, Dốc Chùa.

Vùng phù sa đất xám thuộc hệ thống sông Vàm Vỏ với những di chỉ, di chỉ kèm mộ đất như An Sơn, Gò Rạch Rừng, Dinh Ông, Rạch Núi.

Vùng đồng bằng phù sa mới miền châu thổ hạ lưu sông Đồng Nai – Vàm Cỏ và những đầm lầy không và nhiễm mặn cận biển tiểu vùng kinh tế – văn hoá mới tạo thành từ đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên như Cái Vạn, Bưng Bạc, Bưng Thơm, Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ …

Mật độ phân bố di tích thời đại kim khí Đông Nam Bộ khá đậm đặc. Nhiều di tích có quy mô lớn hàng vạn mét vuông. Loại hình di tich ở đây cũng khá đa dạng: Di tích cư trú, di tích cư trú – mộ táng, di tích cư trú – xưởng hay di tích công xưởng…

Đồ đá là loại di vật phổ biến và có số lượng lớn. Đây cũng là đặc trưng nổi trội của văn hoá Đồng Nai – Nơi mà công cụ – dụng cụ bằng đá lấn át mạnh mẽ và lâu dài kim loại do thiếu vắng các nguồn quặng đồng và hợp kim bản địa trong toàn miền. Loại hình được coi là đặc trưng và mang phong cách văn hoá Đồng Nai là rìu bôn có vai và không có vai. Tỷ lệ giữa rìu bôn có vai và không vai là một trong những tiêu chí phân giai đoạn và loại hình văn hoá. Loại hình trang sức đá thường gặp là các loại vòng, vật đeo. Tại di tích đồi Phòng Không đã tìm thấy nhiều dấu tích của xưởng chế tác với nghề chuyên làm vòng đá. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, kỹ năng chế tác đồ đá của chủ nhân văn hoá Đồng Nai không thua kém bất cứ nền văn hoá đồng đại nào trong khu vực.

Loại chế phẩm bằng đá đặc sắc trong văn hoá Đồng Nai là đàn đá – nhạc cụ thuộc bộ gõ. Đàn đá có mặt ở nhiều di tích , niên đại cách ngày nay khoảng 3.000 năm.

Nghề đúc đồng và luyện kim đồng đã xuất hiện vào khoảng 4.000 năm cách ngày nay và đồ đồng phổ biến rộng rãi vào khoảng trên 3oo năm cách ngày nay. Nhiều di chỉ đúc đồ đồng đã được phát hiện ở Suối Chồn, Bưng Thơm, Bưng Bạc, Dốc Chùa với những hiện vật gắn với quá trình chế tác như khuôn đúc. Theo các nhà nghiên cứu, lưu vực sông Đồng Nai là một bộ phận hay mắt xích trong chuỗi tiến trình luyện kim ở Đông Nam Á giai đoạn sớm có quan hệ mật thiết với kỹ nghệ đồng thau ở khu vực Vân Nam (Trung Hoa) và Đông Bắc Thái Lan qua đường sông Mekong.

Đồ gốm được trang trí bằng các loại hoa văn thừng, chải, khắc vạch, chấm dải, tô màu. So với những khu vực khác hoa văn gốm Đồng Nai đơn giản và mộc mạc hơn. Giai đoạn muộn của văn hoá Đồng Nai được đặc trưng bởi những khu mộ chum kiểu mộ chum văn hoá Sa Huỳnh với những loại hình hiện vật bằng sắt, bằng đá, mã não, thuỷ tinh bên cạnh những đặc thù riêng biệt mang tính địa phương của văn hoá Đồng Nai. Về sự xuất hiện của những di tích mộ chum này còn khá nhiều ý kiến chưa thống nhất về nguồn gốc và tên gọi. Tuy vậy, một điều dễ nhận thấy là sự có mặt chắc chắn của các yếu tố văn hoá Sa Huỳnh ở vùng biên giữa hai nền văn hoá.

Dựa trên hệ thống tư liệu trực tiếp và gián tiếp, các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng những hình thức quan trọng và phổ biến nhất trong đời sống kinh tế truyền thống Đông Nam Bộ là trồng lúa cạn không dùng sức kéo. Cư dân cổ Đồng Nai phát triển nền nông nghiệp dùng cuốc ở trình độ cao, bên cạnh cây lúa là là các loại rau đậu, cây có quả – củ cho bột. Phương pháp canh tác đặc thù của nông nghiệp nương rẫy là phát – đốt. Chăn nuôi, săn bắt, hái lượm, đánh bắt thuỷ hải sản cũng đặc biệt được coi trọng (số lượng xương sừng trong các di tích Bưng Bạc, An Sơn, Rạch Núi… lên tới hàng chục kg). Hái lượm, đánh bắt cá tôm và nhuyễn thể của sông biển.

Khi so sánh trình độ phát triển kinh tế – kỹ thuật và văn hoá của những nhóm cư dân trong văn hoá Đồng Nai, nhà nghiên cứu Phạm Đức Mạnh cho rằng cần nhấn mạnh đến đặc thù của quá trình chuyên môn hoá-phân công lao động-phân vùng kinh tế nhập hoà với từng miền sinh cảnh. Cần có sự quan tâm đặc biệt đến mối ràng buộc thiết yếu giữa những ngành kinh tế chủ đạo nông nghiệp với nghề trồng lúa cạn là phổ cập và cả nghề trồng lúa nước ở những tiểu vùng khả thực nhất, (trồng hoa màu, cây có củ – quả và chăn nuôi) và những ngành cung ứng lương thực – thực phẩm tiền sử khác (săn bắn / bắt, đánh cá hái lượm theo phổ rộng những sản phẩm thực – động vật của rừng, suối sông, đầm lầy và biển). Giữa nông nghiệp – khai thác- thủ công (sản xuất đá- công cụ và trang sức; chế luyện kim loại – đúc đồng và rèn sắt, chế tạo gốm – đồ đựng, bàn xoa và dọi se sợi, dệt vải) và thông thương nội, ngoại.

Đời sống tinh thần của cư dân văn hoá Đồng Nai được biết đến qua những hiện vật nghệ thuật. Tín ngưỡng đặc sắc nhất là sưu tập thẻ đeo bằng đá cuội mài dẹt hình gần ovan hoặc chữ nhật và bán cầu có lỗ thủng tròn hay tạo núm ở đầu. Tượng động vật như tượng lợn, rùa bằng sa thạch, tượng chó săn mồi bằng đồng ở Dốc Chùa, tượng Long Giao bằng đồng… bên cạnh ý nghĩa nghệ thuật còn mang tải một nội dung tín ngưỡng, nghi lễ nào đấy. Ngoài ra còn phải kể đến sưu tập đàn đá hơn 60 thanh ở Bình Đa, những thanh đàn đá hay đá kêu ở một số địa điểm khác. Bên cạnh đó là sự hội nhập của không ít yếu tố văn hoá trong khu vực như trống đồng Đông Sơn, khuyên tai ba mấu, hai đầu thú của văn hoá Sa Huỳnh…

Văn hoá Đồng Nai đặc biệt là giai đoạn cuối đã trở thành nền tảng cho sự hình thành một kiểu nhà nước sơ khai. Đó là khi kim loại thực sự đã chiếm vị trí quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong đời sống của cư dân, mở rộng những tiểu vùng kinh tế sản xuất và khai thác mới, củng cố những liên hệ kinh tế

– văn hoá nội vùng, thành tạo những điều kiện tập trung của cải phân bố giàu nghèo và cố kết quyền lực trung tâm, hình thành cơ cấu xà hội phân tầng. Điều này được thể hiện qua sự có mặt của những hầm mộ bằng đá lớn (cự thạch), sưu tập qua đồng Long Giao, trống đồng Đông Sơn ở Bình Dương, Bình Phước… những khu mộ địa với những bộ đồ tùy táng giàu có ở Dốc Chùa, Cần Giờ, Xuân Lộc…

– Những trung tâm văn hoá thời đại kim khí Thái Lan: Tương tự như ở Việt Nam, bước vào thời đại kim khí những cộng đồng cư dân nông nghiệp sớm hậu kỳ đá mới đã lan toả, mở rộng không gian cư trú của mình ra nhiều vùng. Vào khoảng 4.000 năm cách ngày nay đã hình thành những trung tâm văn hoá với cốt lõi là những thành tựu luyện kim đồng và sắt và nghề chế tác đồ gốm phân bố ở đồng bằng miền trung Thái Lan, cao nguyên Khorat, trung lưu, thượng lưu sông Chi… Theo các nhà nghiên cứu, Thái Lan có hai khu vực văn hoá cơ bản: Đồng bằng Miền Trung và cao nguyên Khorat ở miền Đông Bắc. Ở mỗi khu vực có thể nhận thấy những nền văn hoá tiền – sơ sử dọc theo những sông lớn và chi lưu của chúng. Ở Thái Lan sông đóng vai trò quan trọng giống như các nước khác ở Đông Nam Á. Khi đề cập tới nội dung văn hoá thời đại kim khí nói chung và luyện kim nói riêng ở Thái Lan cần lưu ý những điểm sau:

Đa phần những tài liệu khảo cổ học được thu thập từ di chỉ mộ táng, hay cư trú xen lẫn mộ táng. Khung niên đại được xác định chủ yếu dựa vào kết quả định từ những mẫu phân tích C14 hay AMS. Những hiện vật đồng phát hiện được đều là những công cụ định hình và được làm từ đồng thau.

So sánh với Việt Nam, ở Thái Lan cho đến nay chưa thấy chứng cứ về giai đoạn phôi thai của luyện kim. Trong tất cả các nước ở Đông Nam Á, mới chỉ có ở Thái Lan là đã phát hiện được vết tích của các hoạt động khai khoáng đồng có niên đại khoảng 3.000 năm cách ngày nay.

– Đông Bắc Thái Lan – Cao nguyên Khorat: Những cộng đồng cư dân khai khoáng, buôn bán kết hợp trồng lúa: Địa hình: Phía tây và nam là dãy núi Petchbun và Dang Raek, còn phía bắc và đông là sông Mekong.

Tại vùng này đã có sự thay đổi cơ bản về địa bàn cư trú từ giai đoạn săn bắt – hái lượm sang giai đoạn trồng trọt, chăn nuôi từ mái đá xuống dọc các thềm sông cổ. Miền bắc của cao nguyên Khorat là nơi đã được điều tra khá kỹ. Tại đây, đã phát hiện được một loạt những dịa điểm cư trú từ khá nhỏ (0,5 – 0,8ha) ở những gò nhỏ đến những làng phòng thủ lớn (đến 117ha).

Khu vực này là nơi có nhiều phát hiện lớn những chứng cứ về hoạt động khai thác và luyện đồng. Trong đó đáng chú ý nhất là Phu Lon bên bờ sông Mekong.

Phu Lon là một khu mỏ đồng nằm bên bờ sông Mekong, mỏ đồng phân bố trên hai quả đồi Phu Lon I và Phu Lon II. Tại đây đã tìm thấy những hiện vật liên quan đến các hoạt động khai khoáng, luyện quặng, đúc đồng. Đồng thời dấu tích cư trú cũng đã được phát hiện, đó là những công cụ sản xuất bằng đá và bằng đồng thau, những mảnh vòng đá cùng nhiều mảnh gốm. Dựa vào kết quả phân tích niên đại C14 (1750-1425 trước Công nguyên) và những mẫu ở lớp trên, các nhà khảo cổ học tham gia khai quật cho rằng việc khai khoáng và luyện kim ở đây tồn tại trong suốt thiên niên kỷ II-I trước Công nguyên). Khu mỏ này bao gồm những hầm mỏ dài hàng chục mét trong đá mẹ và có ít nhất ba công đoạn khai khoáng. Quặng được nghiền bằng chày đá, được nấu chảy trong nồi bằng đất nung. Khu mỏ đã được khai thác trong một thời gian khá dài.

Một địa điểm mộ táng và cư trú xen lẫn mộ táng quan trọng ở khu vực này là Non Nok Tha ở tỉnh Khon Ken, địa điểm này nằm gần nguồn đồng Loei. Qua hai lần khai quật, người ta đã tìm thấy rất nhiều công cụ đồng như rìu đồng, khuôn đúc đồng, nồi nấu đồng. Loại rìu phổ biến là rìu xoè cân, trên thân gần chuôi có 2 hoặc 3 đường chỉ nổi trang trí (kiểu rìu phổ biến ở lưu vực sông Đồng Nai) và rìu có vai thân hẹp lưỡi dài (loại này đã thấy ở Samrong Sen, Campuchia).

Đồ gốm ở đây cũng rất nhiều và có nhiều loại hình nguyên do được tìm thấy trong mộ. Mặc dù gần địa điểm Ban Chiang, nơi có truyền thống gốm tô màu phát triển, nhưng gốm Non Nok Tha phần lớn để trơn hay trang trí khắc vạch.

Những người khai quật dựa trên một loạt niên đại nhiệt huỳnh quang đã cho rằng đây là địa điểm chứa đồ đồng sớm nhất, ngay ở lớp mai táng sớm khoảng 2500 năm trước Công nguyên. Sự diễn giải về niên đại cũng như về văn hoá của địa điểm này thực sự khó khăn bởi những mâu thuẫn trong chuỗi niên đại C14 và Nhiệt huỳnh quang. Dựa vào những niên đại AMS mới, Higam cho rằng nghĩa địa ở Non Nok Tha có niên đại thiên niên kỷ II trước Công nguyên, những mộ sớm nhất có thể có niên đại 2.000-1.500 BC, song phần lớn các mộ, kể cả những mộ có hiện vật đồng nằm trong khoảng từ 1.500 đến 1.000 BC. Nếu so sánh với những địa điểm miền bắc Việt Nam, những chuỗi văn hoá ở Non Nok Thà có thể cùng thời với văn hoá Đồng Đậu và Gò Mun từ 3.500-2.700 cách ngày nay.

Non Nok Tha cho chúng ta chứng cứ về tổ chức và quy mô của hoạt động đúc đồng bản địa. Theo các nhà nghiên cứu, những khuôn đúc đã tìm thấy ở Đông Nam Á cho thấy một phong cách đúc đồng bằng khuôn kín, khác với những vùng khác, như Ấn Độ, có khi đúc đồng bằng khuôn hở, một mang. Tỉ lệ phần trăm của thiếc khá cao trong hợp chất đồng thau cũng được xem là đặc điểm riêng của Đông Nam Á.

Một địa điểm quan trọng khác của khu vực đông bắc Thái Lan là Bản Chiang, một địa điểm nổi bật với truyền thống gốm vẽ màu độc đáo.

Địa điểm Bản Chiang, làng Bản Chiang, Udon Thani, đông bắc Thái Lan. Đây là một trong một số địa điểm đã được khai quật ở cao nguyên Khorat. Văn hoá Ban Chiang phát triển trong thời gian từ 3.600 BC đến 200 AD. Văn hoá này phân bố ở bốn tỉnh Udon Thani, Sakon Nakon, Nakhon Pahnom và Khon Kaen và có nhiều nét tương đồng với những văn hoá cùng thời ở Đông Nam Á. Trong giai đoạn sớm nhất chưa có đồng song gốm rất phát triển.

Niên đại những lớp văn hoá sớm muộn của Ban Chiang được xác định chủ yếu qua kết quả C14 và khác nhau giữa những người, những lần khai quật. Trước đây, địa điểm này thường được đưa ra để chứng minh về sự xuất hiện của nghề luyện kim màu rất sớm ở Đông Nam Á, nhưng hiện nay, xu hướng này đã bị khá nhiều người phản đối và đại bộ phận các học giả cho rằng đúc đồng xuất hiện ở Đông Nam Á vào khoảng 4.000 năm cách ngày nay và vào khoảng 3.000 năm cách ngày nay, đúc đồng theo kỹ thuật khuôn sáp đã xuất hiện. Từ thế kỷ I Công nguyên đã diễn ra những thay đổi quan trọng về văn hoá xã hội và luyện kim đen phát triển.

Khu vực này còn có địa điểm Bản Na Di, một địa điểm có vai trò quyết định trong việc xác định lại trật tự niên đại của chuỗi phát triển từ đồng thau sang sơ kỳ thời đại đồ sắt.

Bản Na Di cách Bản Chiang 20 km về phía nam, tại đây đã xác định được năm lớp văn hoá tiền sử dày 4m. Nhiều hố đào được tìm thấy, một số có lớp than dày. Nhiều xác người lớn (phụ nữ, đàn ông) trẻ em và trẻ con. Trẻ con đựơc chôn ngay gần người lớn mà không để trong vò. Mộ táng được tìm thấy ở lớp 6, 7 gồm 60 mộ. Mộ có hướng bắc-nam. Trong khu vực mộ đã phát hiện 1 khu chế tác đồng gồm lò bằng đất, muôi nấu và khuôn có niên đại khoảng 1.000 trước Công nguyên .

Từ giai đoạn mộ táng có 10 niên đại C14, 1313-903 trước Công nguyên. Lúc đầu những người khai quật (Higham và Kijngam) xác định giai đoạn mộ táng có niên đại 900-100 trước Công nguyên. Hiện nay theo Higham nghĩa địa có niên đại 600-400 trước Công nguyên thuộc giai đoạn hậu kỳ đồng – sơ kỳ sắt.

Vấn đề gây nhiều tranh cãi nhiều nhất chính là niên đại tuyệt đối của hai địa điểm Bản Chiang và Non Nok Tha liên quan đến nguồn gốc và niên đại của luyện kim màu và luyện kim đen ở Đông Nam Á. Hiện nay có tới ba hệ niên đại sớm, giữa và muộn cùng tồn tại. Higham cho rằng, niên đại các lớp ở hai địa điểm kể trên về cơ bản giống với phổ hệ đồng thau lưu vực sông Hồng. Tức là đồ đồng xuất hiện vào giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên. Theo Hà Văn Tấn, những lớp dưới cùng của Ban Chiang hay lớp đáy của Ban Na Di có những hình phảng phất phong cách Phùng Nguyên. Còn giai đoạn III Ban Chiang hay lớp 7 và 8 của Bản Na Di có thể tương đương với Đồng Đậu hay Gò Mun. Giai đoạn IV Bản Chiang trở đi có thể tương đương với văn hoá Đông Sơn và giai đoạn V Bản Chiang tương đương với giai đoạn muộn của văn hoá Đông Sơn (15).

Đông Bắc Thái Lan là một trung tâm kim khí với một quá trình phát triển liên tục từ đầu thời đại đồng thau đến sơ kỳ thời đại sắt, trung tâm này có mối quan hệ giao lưu chặt chẽ với các nhóm cư dân ở khu vực Vân Nam phía bắc với cư dân vùng hạ lưu sông Mekong qua dòng chủ lưu là sông Mekong.

– Đồng bằng Miền Trung: Nơi tụ cư của những cộng đồng đúc đồng, trồng trọt và đánh cá: Tại địa bàn này có những địa điểm chính như: Non Pa Wai- Giai đoạn II; Nong Nor; Nil Kham Haeng, Khok Phlap có chuỗi diễn tiến văn hoá liên tực từ sớm đến muộn theo phân kỳ của các nhà nghiên cứu:

Giai đoạn sớm được gọi là thời đại Đá mới 2.500-1.500 BC. Giai đoạn giữa cho thấy sự phát triển của kỹ nghệ đồng từ năm 1.500-1.000 BC. Giai đoạn muộn 1.000 BC sắt bắt đầu được sử dụng. Ở đây, có lẽ lô gic hơn để lấy mốc 500 BC phân chia giai đoạn giữa và muộn, điều đó sẽ phù hợp hơn với sự xuất hiện của việc xuất hiện của hiện vật bằng sắt trong cả khu vực Đông Nam Á.

Phần lớn các địa điểm có quy mô từ 0,33 đến 6,3 ha và mở rộng hơn ở giai đoạn giữa và muộn cho đến 10-20 ha. Một số học giả cho rằng những địa điểm lớn chứng tỏ sự lớn mạnh của phức hợp chính trị – xã hội và sự phát triển kinh tế bộ lạc.

Trong nhóm địa điểm ở vùng này, nổi bật hơn cả là địa điểm Non Pa Wai: Có sự không đồng nhất trong mô tả về địa tầng trong hai sách của Higham 1989 và 1996. Trong mô tả năm 1989 chúng ta thấy:

Non Pa Wai là một đồi rộng chừng 5 ha chứa vết tích hoạt động đúc đồng dày tới 3m. Tại đây, đã phát hiện hàng trăm mảnh của khuôn đúc đất nung hai mang, muôi nấu đồng, ống thổi, quặng đồng, khuôn đúc thỏi đồng nguyên liệu. Phía dưới tầng này là nghĩa địa, trong có mộ chôn theo khuôn đúc. Trong mô tả năm 1996, tác giả cho biết:

Địa tầng: Lớp sớm nhất dày từ 2-3m, kéo dài khoảng 8 thế kỷ. Đây là tầng cư trú sớm và nghĩa địa. Giai đoạn bỏ hoang, khoảng 5 thế kỷ. Khi địa điểm được tái cư trú, có một số mộ đã cắt vào đó. Một mộ chứa bộ xương người đàn ông khoảng 25 tuổi, đồ chôn theo có khuôn 2 mang đất nung đúc rìu. Mộ khác có chôn theo rìu như thế.

Lớp mà từ đó có những mộ cắt vào chứa xỉ đồng và muôi múc đồng báo hiệu hoạt động luyện kim kéo dài 8 thế kỷ và dày 2-3m

Dựa vào một vài niên đại C14, Higham cho rằng hoạt động đúc đồng bắt đầu ở đây vào giai đoạn 1.500-1.000 BC.

Đồng bằng Tonle Sap: Tình hình nghiên cứu ở Campuchia gần như bị tê liệt do nguyên nhân chính trị. Do vậy tư liệu hầu như không có ngoại trừ những tư liệu cũ. Vài năm gần đây, hoạt động khảo cổ học ở nước này đã bắt đầu trở lại, song kết quả chưa được công bố đầy đủ, ngoại trừ Dự án khảo cổ học hạ lưu sông Mekong (LOMAP).

Samrongsen: Tại đây đã tìm thấy một số hiện vật đồng, gồm rìu có họng, giáo có họng, vòng tay, chuông và muôi nấu đồng vẫn còn đọng xỉ cũng như khuôn đúc rìu đồng. Niên đại C14 của vỏ sò từ 1749-1235 BC, phù hợp với niên đại ở đông bắc Thái Lan. Một số đồ trang sức giống như ở Khok Phanom Di.

O Pie Can: Khuôn đúc sa thạch đúc rìu và liềm cũng như mảnh muôi nấu đồng. O Yak: Vòng tay đồng tìm được cùng với mộ hung táng gần O Pie Can.

Nhìn chung, trong thời đại đồ đồng làng cư trú phân bố trên những vùng đất cao gần những vùng thấp ở trung lưu các dòng sông. Sự lựa chọn vùng cư trú cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa phương thức kiếm sống và môi trường. Theo White, yếu tố chủ đạo nhất trong lựa chọn nơi sinh sống là môi trường ngập nước thường xuyên nhưng không ngập sâu. Lúa hoang vẫn mọc ở rìa các sông và mọc vào mùa mưa, ngập nước.

Dữ liệu cả ở mộ táng và nơi ở cho thấy đây là những cộng đồng nhỏ, không có dấu hiệu về trật tự xã hội và cai trị trung tâm, họ chọn những vùng đất thấp gần nguồn nước và ngập nước để thúc đẩy trồng lúa nước. Trên thực tế vết tích lúa gạo đã tìm được ở một số địa điểm hậu kỳ đá mới và đồ đồng. Chứng cứ thực vật và động vật cũng cho thấy hoạt động sống bao gồm gặt lúa, nuôi gia súc, ít nhất có bốn loại con vật đã được thuần dưỡng như lợn, chó, gà, săn bắt, bẫy, đánh cá và thu lượm nhuyễn thể. Cần lưu ý rằng săn bắt và hái lượm luôn đóng vai trò rất quan trọng ở Đông Nam Á không chỉ trong thời tiền sử.

Đa phần các địa điểm thời đại đồ đồng ở Thái Lan là khu mộ táng. táng thức phổ biến là chôn nằm ngửa từng nhóm thành hàng. Đồ tuỳ táng có gốm, hiện vật đá và đồng. Đồ tuỳ táng phần nào thể hiện phân hoá tài sản cá nhân.

Niên đại khởi đầu của đúc đồng nằm trong khoảng năm 1.500-1.000 BC. Sự tồn tại của những tổ hợp khai khoáng, những nơi đúc đồng… cho thấy sự phát triển của truyền thống đúc đồng bản địa. Phần lớn là khuôn đúc hai mang bằng đá sa thạch. Phần lớn vòng đồng được đúc dựa theo nguyên mẫu đá và nhuyễn thể.

– Thời đại đồ sắt ở Thái Lan và một số khu vực Đông Nam Á lục địa: Ngược lại với giai đoạn trước, giai đoạn này những địa điểm đã biết chủ yếu là di chỉ cư trú, rất ít mộ táng được khai quật trên diện rộng. Những địa điểm có thành bao (kiểu thành đắp đất tròn ở Bình Dương) rất khó để tìm hiểu về tính chất và niên đại của chúng. Không hề có bất cứ tư liệu chính xác nào về niên đại và thậm chí cấu trúc của những thành đất đắp. Những thành đất đắp này tập trung ở lưu vực sông Mun, mở rộng đến lưu vực sông Chi, đồng bằng Siem Riep và miền Trung Thái Lan. Theo các học giả những thành đất đắp này có lẽ để giữ nước. Phần lớn những địa điểm này đều bị bỏ sau thời đại sắt. Ví dụ như ở Noen U Loke, mộ táng thời đại sắt đã được tìm thấy phía dưới lớp mặt 1m trong các vòng đất.

Trong giai đoạn này có một số địa điểm điển hình: Non Chai, Ban Chiang Hian, Non Dua. Non Chai: Địa điểm điển hình của thời đại sắt, có diện tích (18-38.5 ha) rộng hơn nhiều so với các địa điểm thời đại đồng trước đó. Theo báo cáo khai quật của Bayard năm 1978 thì địa điểm có cấu trúc hình ôvan 1000 x 500m và cao 15m so với vùng xung quanh. Năm 1979, trong khi tiến hành khai quật Van Liere nhận thấy vết tích của hào hay mương nước bao quanh. Năm 1977, khai quật 76m2 . Tại địa điểm này đã thu được số lượng lớn đồ gốm, tàn tích động vật và chứng cứ về đúc đồng và luyện sắt. Dựa vào diễn biến hiện vật gốm và địa tầng, người ta chia ra thành 5 giai đoạn văn hoá, thời đại đồng ở lớp tận cùng.

Theo niên đại C14, giai đoạn I có niên đại 400 BC, thậm chí 500 BC, giai đoạn II-III 300-200BC, giai đoạn IV 200-1 BC và giai đoạn V AD 1-200.

Gốm ở đây khác hẳn so với những địa điểm thời đại đồng thau Non Nok Tha, Bản Na Di và Bản Chiang. Phần lớn đồ gốm trang trí bằng áo gốm đỏ hay hoạ tiết tô màu hình học, giai đoạn cuối là gốm trơn hay gốm văn thừng. Trong đất làm gốm pha vỏ trấu. Cả đồng và sắt đều tìm thấy ở giai đoạn lớp I. Từ giai đoạn lớp II, đã tìm thấy mảnh muôi nấu đồng và những mảnh khuôn đúc đã thấy ở giai đoạn lớp III. Từ lớp II có hạt chuỗi thuỷ tinh. Đời sống chủ yếu dựa trên gạo và cá.

Non Chai là một địa điểm quan trọng thời đại sắt ở nhiều góc độ. Niên đại chính từ 400BC đến 200AD. Phát triển kỹ nghệ luyện kim màu và đen. Luyện kim đồng sử dụng khuôn hai mang và kỹ thuật sáp. Một loạt những địa điểm tương tự như thế đã được phát hiện phân bố dọc theo rìa của châu thổ sông Chi và sông Mun.

Bản Chiang Hian: Địa điểm thuộc trung lưu sông Chi, đây là địa điểm có thành và hào bao quanh. Diễn biến địa tầng và hiện vật giống như Non Chai. Xương trâu đã xuất hiện ở lớp 8, còn ở lớp 7 đã có sắt. ở các lớp 6-8 tập trung những khuôn đúc đồng đúc chuông và vòng tay cũng như mảnh muôi nấu đồng. Giai đoạn gốm III ở lớp IV và V. Tổ hợp gốm khác hẳn với giai đoạn II và có những loại gốm trắng tương tự Non Dua thuộc nửa sau của Thiên niên kỷ I AD. Niên đại của địa điểm 400 BC-200 AD và có thể liên quan đến hào. Theo Higham có thể liên hệ với cấu trúc Cổ Loa.

Tại Thái Lan còn nhiều các địa điểm thời đại sắt như Noen U Loke, Ban Don Ta Phet… Tại những địa điểm này, hiện vật cho thấy mối quan hệ giao lưu văn hóa và trao đổi buôn bán với thế giới bên ngoài đóng vai trò cực kỳ quan trong. Ở Ban Don Ta Phet đã tìm thấy một số lượng lớn hiện vật có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…

Đối với Thái Lan, đặc biệt là Đông Bắc Thái Lan, công nghiệp khai khoáng luyện kim đen và công nghệ làm muối có vai trò cực kỳ quan trọng. Sắt, đồng đỏ, đồng thau và muối được xem là tảng nền kinh tế đẩy nhanh quá trình hình thành những xã hội tiền nhà nước hay dạng Tù trưởng Quốc / hay Lónh chủ (Chiefdoms) của những cộng đồng dân cư đông đúc và lớn mạnh. Đây là cơ sở cho sự hình thành nền văn minh sớm ở đông bắc Thái Lan, tương tự như ở một số khu vực khác của Đông Nam Á16.

I.5. Đông Nam Á hải đảo: Phương thức kiếm sống và quá trình thích nghi với môi trường tự nhiên, làn sóng di dân và lan toả hội nhập văn hoá

Nhìn chung các học giả cho rằng, những hiện vật kim loại đầu tiên xuất hiện ở Đông Nam Á hải đảo tương đối muộn, vào những thế kỷ cuối trước Công nguyên. Mặc dù quặng đồng khá phổ biến ở Luzon, Nam Java và Sumatra, thiếc lại có ở dãy đảo Bangka, Belitung ở phía bắc Malaysia đến miền trung Thái Lan.

Thời đại kim khí khu vực này mang những đặc điểm văn hoá khá độc đáo, sự phân kỳ và tên gọi các giai đoạn thể hiện quá trình tiếp thu và hội nhập nhiều những yếu tố ngoại sinh trên nền nội sinh vững chắc. Tiền sử Indonesia chẳng hạn đã được Soejono phân kỳ và đặt tên theo kiểu kiếm sống thành: săn bắt – hái lượm; nông nghiệp; và thủ công nghiệp…

Dựa vào những phát hiện khảo cổ tại khu vực, các học giả đã phác hoạ diễn biến văn hoá giai đoạn từ thiên niên kỷ I trước Công nguyên đến khoảng nửa đầu thiên niên kỷ I sau Công nguyên tức Giai đoạn kim khí sớm (hay cổ kim loại) Giai đoạn kim khí sớm bắt đầu bằng việc xuất hiện của những hiện vật đồng đỏ và đồng thau (theo Bellwood đồng đỏ và đồng thau không thể phân biệt bằng mắt trong bối cảnh khảo cổ học và việc sử dụng chung thuật ngữ “bronze” có thể gây ấn tượng trong một số trường hợp, nhất là ở Indonesia). Rất nhiều những hiện vật được gọi là “bronze” có thể đơn giản là copper, song nếu không có phân tích thì dễ bị nhầm lẫn. Hiện vật bằng sắt và luyện kim đen có nhiều khả năng là từ những nguồn trực tiếp ở Đông Nam Á lục địa trong khoảng những thế kỷ cuối trước Công nguyên. Học giả Bellwood đã lấy mốc năm 500 trước Công nguyên, mặc dù cho tới nay chưa có hiện vật kim loại nào ở hải đảo có niên đại sớm như vậy. Bellwood cũng cho rằng những tổ hợp thời đại kim khí ở đây có thể được gọi là thuộc “giai đoạn Đồng – Sắt” theo thuật ngữ của Heekeren (1958). Mặc dù kim loại xuất hiện muộn và có nguồn gốc từ bên ngoài, song cư dân hải đảo đã chế tác nhiều loại hình địa phương độc đáo như trống đồng Pejeng, bao ngón tay, vòng đeo tay bản rộng… Những năm gần đây đã có những cuộc khai quật có hệ thống được tiến hành ở một số địa điểm nằm trong thời gian chuyển biến từ Sơ sử sang Lịch sử sớm ở bán đảo Thái Lan, Malay và Indonesia. Tư liệu của những cuộc khai quật này giúp soi rọi nhiều vấn đề liên quan đến mối quan hệ văn hóa, nguồn lực và nền tảng hình thành nhà nước sớm ở Đông Nam Á hải đảo.

Địa điểm Khuan Luk Pad (Đồi hạt chuỗi) ở tỉnh Krabi, bên bờ tây nam của bán đảo Thái Lan. Địa điểm này được xác định là nơi sản xuất hạt chuỗi đá và thủy tinh vào nửa đầu thiên niên kỷ I. Sự chuyển việc sản xuất hạt chuỗi từ Ấn Độ sang các địa điểm ven biển Đông Nam Á được các nhà nghiên cứu diễn giải là do tăng cường sự năng động của hoạt động trao đổi, buôn bán liên vùng và nội vùng.

Phần lớn những địa điểm cư trú lớn với chứng cứ về buôn bán và phát triển các ngành nghề thủ công đã được phát hiện dọc theo eo biển Malacca, là con đường huyết mạch nối giữa biển Đông Nam Á với Ấn Độ Dương. Tại Indonesia, những địa điểm tương tự cũng đã được khai quật ở bờ biển Sumatra (ví dụ như Karang Agung, Air Sugihan) và Tây Java (Buni) và xa hơn nữa về phía đông ở Sembirang, bờ bắc Bali… Điều đó cho thấy có sự nở rộ của những trung tâm dân cư lớn quanh đường giao thông quan trọng trong mạng lưới trao đổi, buôn bán từ nội địa ra đến ven biển và biển.

Nói chung, khảo cổ học Đông Nam Á hải đảo thiên niên kỷ I trước Công nguyên đến thiên niên kỷ I sau Công nguyên nổi bật lên một số vấn đề căn bản. Đó là:

1. Sự lan toả của cư dân ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian) trong mối liên hệ với nghề trồng lúa nước và 2. Truyền thống mộ chum; 3. Quá trình Nam tiến của trống đồng Đông Sơn với sự hình thành nhà nước sớm…

I.5.1. Nguồn gốc và sự lan toả của cư dân Nam Đảo và trồng lúa nước: Các nhà nghiên cứu khá thống nhất khi cho rằng, nghề trồng lúa nước cùng với sự hình thành những cộng đồng cư dân nông nghiệp sớm ở Đông Nam Á hải đảo là kết quả của quá trình lan toả của các nhóm người thuộc ngữ hệ Nam Đảo từ lục địa và hội nhập giữa các nhóm người làm nông – dân di cư với các nhóm người săn bắt, hái lượm bản địa. Các nhà nghiên cứu mặt khác có nhiều ý kiến khác nhau về con đường di dân và lan toả văn hoá này, trong số đó nổi bật là ý kiến của học giả Bellwood và Solheim.

Trong những nghiên cứu gần đây của mình Bellwood đã khẳng định thêm những luận điểm của mình về sự lan toả của cư dân ngữ hệ Austronesian và trồng lúa nước ở Đông Nam Á hải đảo. Theo đó, sự lan toả đầu tiên của những ngôn ngữ Austronesian, Tai – Kadai (và có thể cả Austroasiatic) bắt đầu trong những cộng đồng đá mới trồng lúa ở Trung Hoa phía nam sông Dương Tử vào khoảng giữa năm 5.000 và 4.000 BC. Blust khôi phục lại quá trình này. Bắt đầu từ Đài Loan (nơi phân bố của những ngôn ngữ cổ Austronesian (gồm cả Proto Austronesian), sau đó là Phillippines, Borneo và Sulaweri, cuối cùng chia đôi: Đi về phía tây tới Java, Borneo và Sulaweri và đi về Đại dương Oceania. Bellwood đã bổ sung rằng, trong giai đoạn ngôn ngữ khi cắt từ phần Proto An có thể đã xuất hiện một số thuộc địa với kinh tế nông nghiệp di chuyển qua eo Formosa từ Trung Hoa lục địa đến Đài Loan và ở đây đã phát triển thành (những) ngôn ngữ Austronesian sớm (ban đầu), và sau một vài thế kỷ một số cư dân nói một trong những ngôn ngữ này đã làm những đợt di chuyển đầu tiên đến Luzon và Phillippines. Sự di chuyển này đã chia Austronesian thành hai: Formosan và Malayo-Polynesian.

Chứng cứ khảo cổ học thời đại đá mới ở Đài Loan bắt đầu khoảng 3.000-4.000 BC với những tổ hợp khảo cổ dạng nam Trung Hoa, có thể lúc đầu được mang tới bởi những nhóm nhỏ của những cư dân nông nghiệp đi qua eo biển Formosa từ Phúc Kiến. Vào khoảng 3.000 năm TCN ở Đài Loan đã xuất hiện lúa gạo. Từ giữa năm 2500-1500 TCN, những tổ hợp khảo cổ học có đặc trưng là đồ gốm trơn và áo đỏ chứ không phải là loại gốm Đài Loan sớm văn thừng đã xuất hiện ở vùng bờ biển và những vùng thuận lợi trong đất liền của Phillipines, Sulawesi, Bắc Borneo, Halmahera và (với lợn nuôi) tới cực nam là Timor. Chưa có một địa điểm nào giai đoạn này được phát hiện ở Indonesia, song những nghiên cứu bào tử phấn hoa ở vùng cao nguyên tây Java và Sumatra cho thấy có một sự phát quang rừng làm nông nghiệp ít nhất là vào khoảng thiên niên kỷ II trước Công nguyên hay có thể còn sớm hơn nữa. Nguyên nhân lan toả theo Bellwood: Những thuộc địa nông nghiệp của cư dân nói tiếng Austronesian (Nam Đảo) có một sự di cư liên tục, trong một giai đoạn khoảng 4.000 năm, từ vùng tâm điểm nông nghiệp Nam Trung Hoa qua hàng ngàn cây số bờ biển và đi qua vùng biển rộng đông tiến vào Thái Bình Dương.

Chứng cứ khảo cổ học cho thấy cư dân đá mới đã chiếm cư toàn bộ vùng Đông Nam Á lục địa, kể cả bán đảo Mã Lai ít nhất là từ 2.000 trước Công nguyên. Những tương đồng nổi bật về khảo cổ học của tất cả những văn hóa này nằm ngay trong đất liền hơn là đi qua tới những đảo. Có thể giả thiết rằng phần đông những cư dân nông nghiệp của Thái Lan, Đông Dương và Bán đảo Mã Lai lúc bấy giờ nói những ngôn ngữ có quan hệ gần gũi với ngữ hệ Austroasiatic hiện đại. Ở miền Trung và Nam Việt Nam, tổ tiên của cư dân nói tiếng Chamic Austronesian xem ra đã xâm nhập vào khu vực nơi đã có cư dân ở đông đúc là những cư dân nông nghiệp sớm hơn. Sự hiện diện có trước của những cư dân nông nghiệp ở Mã Lai và Việt Nam đã giải thích tại sao lục địa Đông Nam Á chỉ có những cộng đồng cư dân tiền sử Austronesian nhỏ cư trú xen cài cùng cư dân Austroasiatic.

Như vậy, theo các nhà nghiên cứu, trồng lúa ở Đông Nam Á lục địa có trước nghề trồng lúa ở Đông Nam Á hải đảo và sự xuất hiện của lúa được coi là kết quả của sự xâm nhập của cư dân Nam Đảo từ nam Trung Hoa qua Đài Loan vào hải đảo vào khoảng 2.500-2.000 BC. Tuy vậy, Higham cho rằng không có những chứng cứ về trồng lúa ở thời gian trên ở Đài Loan tại các địa điểm thuộc văn hoá Dapenkeng. Soilhem cũng theo thuyết truyền bá song ông cho rằng cư dân thuộc ngữ hệ Austronesian đã tới Đông Nam Á hải đảo và đảo Thái Bình Dương dọc qua bờ biển phía đông của Đông Nam Á lục địa hơn là qua bán đảo Đài Loan17. Vết tích lúa tìm thấy trong đồ gốm ở một số địa điểm như Gua Sireh (Sarawak) có niên đại 2923-1603 trước Công nguyên18.

I.5.2. Truyền thống mộ chum: Truyền thống chôn cất sử dụng quan tài là những chum gốm lớn phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á hải đảo, ở Đông Nam Á lục địa táng thức này không phổ biến lắm và chỉ thấy đậm đặc ở miền Trung và Nam Việt Nam (trong văn hoá Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh), một số vùng ở Thái Lan… Dù chung một táng thức nhưng có rất nhiều biểu hiện mang tính địa phương, tạo thành những dạng văn hóa mộ chum khác nhau.

Truyền thống mộ chum ở Đông Nam Á được chia thành hai giai đoạn phát triển. Giai đoạn sớm có niên đại vào khoảng thiên niên kỷ I-II TCN với hành loạt các di tích ở Phillippines, Indonesia, Malaysia và ven biển Miền Trung Việt Nam. Chum vò có nhiều dạng khác nhau và có loại trang trí hình người rất riêng ở Phillippines, thể hiện quan điểm thẩm mỹ độc đáo và tín ngưỡng về sự tồn tại của linh hồn.

Trong những mộ chum giai đoạn sớm này, hiện vật tuỳ táng phần lớn là đồ gốm, trang sức bằng đá ngọc và mã não, chưa thấy đồ tuỳ táng bằng kim loại, thuỷ tinh và canelia. Giai đoạn muộn (hay kim khí sớm, kim khí phát triển…), mộ chum phân bố rất rộng, có nhiều khu mộ địa lớn với khối lượng lớn và đa dạng về loại hình của đồ tuỳ táng và đã xuất hiện hiện vật chôn theo bằng kim loại, thuỷ tinh… Nhiều hiện vật có nguồn gốc ngoại lai cũng đã được tìm thấy19. Đồ tùy táng trong các khu mộ chum giai đoạn này ở Đông Nam Á hải đảo giống như trong các khu mộ chum văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam phản ánh rõ ràng sự phân hóa về của cải và sự hình thành những xã hội phân tầng. I.5.3. Quá trình Nam tiến của trống đồng Đông Sơn với sự hình thành nhà nước sớm: Cho tới nay, đã có một số lượng đáng kể trống đồng Đông Sơn được phát hiện ở Đông Nam Á. Phần lớn trống tìm thấy là đồ tùy táng của mộ. Những mộ có trống chôn theo đã được xác định là mộ của thủ lĩnh hay của người đứng đầu trong xã hội, dạng “Big man”20. Sự lan tỏa của trống đồng Đông Sơn một mặt minh chứng cho sự ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Đông Sơn ở Đông Nam Á, mặt khác trống đồng Đông Sơn được xem như những biểu tượng quyền lực và gắn với sự hình thành nhà nước sớm ở Đông Nam Á.

Những trống Đông Sơn ở Đông Nam Á mà cụ thể là ở Lào, Thái Lan, bán đảo Malay và Indonesia thường có niên đại từ thế kỷ III trước Công nguyên đến thế kỷ I Công nguyên. Sự có mặt của những trống này được giải thích bằng nhiều nguyên nhân. Đó là, do áp lực bành trướng của Trung Hoa (Hán), văn hóa Đông Sơn đã Nam tiến và do quá trình lớn mạnh của những xã hội mới với nhu cầu của những người đứng đầu coi trống như một biểu trưng về quyền lực. Trống thường được tìm thấy ở những địa điểm mang tính chiến lược trên những tuyến giao thông và chuyên chở đường sông. Không những nhập trống từ quê gốc là miền bắc Việt Nam, trống đồng theo truyền thống trống Đông Sơn còn được sản xuất tại Thái Lan hay một địa điểm khác ở Đông Nam Á để đáp ứng nhu cầu của những tổ chức xã hội với cơ cấu mới đang hình thành và phát triển, điển hình là trống Salayar tìm thấy ở miền đông Indonesia. Một số trống có kích thước rất lớn tìm thấy ở miền đông Indonesia lại được xác định có nguồn gốc tại Việt Nam, nói một cách khác chúng được sản xuất tại Việt Nam chỉ nhằm mục đích xuất khẩu21.

Tuy chưa có thể nhất trí hoàn toàn với những ý kiến trên của nhà nghiên cứu Imamura, đặc biệt về việc sản xuất trống ở Việt Nam với mục đích xuất khẩu. Tuy vậy, có thể thấy rằng văn hóa Đông Sơn có một ảnh hưởng rất lớn ở Đông Nam Á và trống đồng Đông Sơn thực sự là biểu tượng cho quyền lực và sức mạnh của những người đứng đầu trong xã hội.

Tiểu kết

Cho dù những phát hiện cổ nhân và sơ kỳ đá cũ ở Đông Nam Á vẫn chưa được khẳng định một cách chắc chắn, nhưng đã có nhiều chứng cứ để kết luận rằng đây là một trong nhữngkhu vực Homo Sapiens hoá của nhân loại.

Cư dân thời đại đã cũ ở đây một mặt có những nấc phát triển tương đồng với những thang bậc kỹ nghệ chế tác công cụ đá của những khu vực khác trên thế giới, mặt khác cũng có không ít những đặc điểm riêng, được quy định bởi sự thích ứng với môi trường tự nhiên và hệ sinh thái khu biệt. Ngay từ thời đại đồ đá cũ đã hình thành hai truyền thống chế tác đá riêng của Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo. Tuy vậy, chúng không tồn tại đơn lập, tách biệt hoàn toàn khỏi nhau mà đã có những sự đan xen và mối quan hệ qua lại chặt chẽ. Truyền thống địa phương trong kỹ nghệ đồ đá phản ánh sự đa dạng trong cách kiếm sống, tổ chức xã hội và cho thấy những nhóm cư dân thời này có tính thích ứng cao, linh hoạt để tận dụng tối đa nguồn lực từ môi trường tự nhiên. Nói một cách khác họ đã có những cách thích ứng với giá trị sinh thái cộng đồng khá cao.

Đông Nam Á, đặc biệt là khu vực lục địa là vùng giàu tiềm năng sinh thái (khí hậu, địa hình, địa mạo, nhiệt độ, nguồn lợi thiên nhiên…), vốn được xem là nơi đáp ứng đủ điều kiện cho việc khởi thành và phát triển nghề trồng trọt. Những phát hiện khảo cổ cùng những tư liệu sinh – dân tộc học đã chứng minh một cách chắc chắn quá trình đá mới hoá ở đây với các thang bậc phát triển từ thấp đến cao những hình thức trồng củ, quả làm vườn sơ khai đến trồng cây lấy hạt (đa canh với cây lúa chủ đạo) ở các địa hình khác nhau như hình thức nương rẫy, ruộng chờ mưa, chờ nước thuỷ triều đến nông nghiệp trồng lúa tưới nước… Cư dân Đông Nam Á đã thực hành nhiều loại kỹ thuật trị thuỷ và sử dụng nước khác nhau, trong đó có những kỹ thuật bản địa và cũng không ít kỹ thuật được du nhập từ bên ngoài. Do đặc điểm hệ sinh thái phồn tạp và thực vật rất phát triển nên bên cạnh trồng trọt và chăn nuôi (nhỏ), cư dân cổ ở Đông Nam Á chưa bao giờ coi nhẹ việc hái lượm phổ rộng, săn bắt, đánh cá… và tuỳ thuộc vào điều kiện địa lý cụ thể, ở một số vùng cách kiếm sống bằng khai thác nguồn lợi tự nhiên vượt trội hơn cách kiếm sống bằng nông nghiệp.

Đề cập tới những đặc trưng của kỹ thuật chế tác và cách thức sử dụng công cụ, dụng cụ của cư dân thời đại đá Đông Nam Á, chúng ta cần lưu ý tới vai trò của công cụ tre nứa, gỗ và sự bảo lưu lâu dài những kỹ thuật truyền thống. Điều này không thể diễn giải bằng sự trì trệ, lạc hậu và kém phát triển về năng lực tư duy… như một số học giả phương Tây trước đây đã làm. Những đặc trưng trên chính là bằng chứng về khả năng tận dụng một cách tối đa các nguồn lực tự nhiên trong phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng cư dân Đông Nam Á.

Vào khoảng 4.000 năm cách ngày nay cư dân Đông Nam Á bước vào thời đại kim khí. Bất luận những tranh cãi về niên đại, về nguồn gốc của kỹ thuật luyện kim, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của nó trong đời sống xã hội. Ở Đông Nam Á đã hình thành những trung tâm khai khoáng và luyện kim với quy mô lớn, đây đồng thời cũng là những trung tâm của từng vùng đóng vai trò hội nhập, kết tinh văn hoá. Dù có những bước phát triển không đồng đều, thời đại kim khí cũng là thời kỳ tiếp xúc, giao lưu và hội nhập văn hoá nội vùng, liên vùng phát triển rực rỡ. Tiếp xúc, giao lưu và hội nhập những yếu tố nội sinh với ngoại sinh làm tiền đề cho những thay đổi mang tính bước ngoặt vào những thế kỷ đầu Công nguyên.

I.4.6. Thời đại kim khí ở Đông Nam Á: Những cộng đồng cư dân nông nghiệp phát triển

Một điểm cần lưu ý khi nghiên cứu vấn đề này là ranh giới giữa thời đại đá mới và thời đại kim khí không rõ ràng và trong nhiều trường hợp không thể tách bạch được. Trong một số trường hợp chúng ta thấy các nhà nghiên cứu dùng cách gọi hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí để chỉ những địa điểm mà trình độ tuy đã đạt đến thời đại kim khí, nhưng vẫn gặp nhiều di vật đá mới. Thời điểm xuất hiện của đồ sắt cũng không cụ thể, ở một số khu vực như miền bắc Việt Nam, miền đông bắc Thái Lan… chúng ta đã chứng minh được sự tồn tại của một thời đại đồ đồng trước thời đại đồ sắt. Nhưng ở Đông Nam Á hải đảo và một số nơi khác của Đông Nam Á lục địa, gần như hai kim loại này xuất hiện song song với nhau. Miền Trung Việt Nam cũng vậy, đồ sắt chỉ xuất hiện sau đồ đồng một thời gian rất ngắn.

Cho tới nay chúng ta đã có những phát hiện rất quan trọng về sự phát triển liên tục của thời đại kim khí ở Đông Nam Á lục địa, đặc biệt là ở Bán đảo Đông Dương và Thái Lan. Thời kỳ này cũng được đánh dấu bằng sự khu biệt và phân hoá văn hoá thành những trung tâm lớn có mức phát triển tương đồng nhưng khác biệt và những vùng, biên / ngoại vi. Giao lưu nội vùng, liên vùng thực sự đóng vai trò rất quan trọng trong sự định hình vị thế và vai trò của mỗi trung tâm và sức lan toả các đặc trưng văn hoá.

– Ba trung tâm thời đại kim khí Việt Nam: Cách đây khoảng bốn nghìn năm, các nhóm cư dân cổ sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam từ lưu vực sông Hồng cho đến lưu vực sông Đồng Nai đã bước vào thời đại kim khí.

Thời kỳ này trên lãnh thổ Việt Nam tồn tại ba trung tâm văn hoá lớn là Đông Sơn (miền Bắc), Sa Huỳnh (miền Trung) và Đồng Nai (miền Nam).

Văn hoá Đông Sơn (cả giai đoạn tiền Đông Sơn) được coi là cốt lõi văn hoá của người Việt cổ, giai đoạn này được coi là thời gian hình thành bản sắc văn hoá Việt cổ.

Văn hoá Sa Huỳnh (cả giai đoạn tiền Sa Huỳnh) được coi là tiền nhân tố của người Chăm và vương quốc Champa.

Văn hoá Đồng Nai (cả giai đoạn đồng và sắt) lại là một trong những cội nguồn hình thành văn hoá Óc Eo của cư dân thuộc nhóm Mã Lai – Đa Đảo và có thể thuộc các nhóm khác nữa sinh sống vào những thế kỷ sau Công nguyên ở vùng Đông và Tây Nam Bộ.

Tiền Đông Sơn và Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam: Quá trình kế thừa, thống nhất và kết tinh hoá văn hoá: Trong thời đại đồng thau ở miền bắc Việt Nam, đặc điểm văn hóa địa phương còn khá rõ ràng. Miền Bắc Việt Nam là một vùng địa lý có những dạng địa hình khác nhau và lại có tính chất tiếp xúc rộng, mạnh, đó là nguyên nhân và lý do dẫn đến nơi đây là địa bàn của nhiều văn hoá, nhiều tộc người. Bước vào thời đại đồng thau, với sự mở đầu của 4.000 năm văn hiến, trung du và vùng châu thổ sông Hồng có Phùng Nguyên, miền ven biển đông bắc có Hạ Long, miền ven biển Thanh Hoá có Hoa Lộc, miền ven biển Nghệ Tĩnh – Bình Trị Thiên có Bàu Tró… với những loại hình công cụ đá, những kiểu dáng và hoa văn gốm khác nhau… biểu hiện những bộ mặt địa phương văn hoá khác nhau và tộc thuộc khác nhau. Giữa các khu vực văn hoá địa phương này có sự giao lưu tiếp xúc và đan xen văn hoá. Lại có sự giao lưu giữa những nhóm cư dân này với cư dân và văn hoá các miền chung quanh trong khu vực Đông Nam Á và cả Nam Trung Quốc – lúc bấy giờ còn là mảnh đất phi Hoa (và thường được giới nghiên cứu hiện nay quan niệm là thuộc không gian văn hoá Đông Nam Á lúa nước).

Cư dân Tiền Đông Sơn là cư dân trồng lúa nước, họ đã biết chăn nuôi một số gia súc như trâu, bò, lợn, gà… Làng mạc giai đoạn này có diện tích rộng và tầng văn hoá dày. Bên cạnh nơi cư trú hay trong khu cư trú là các di chỉ mộ táng. Đã hình thành các làng nghề, chuyên sản xuất một loại hình công cụ hay đồ trang sức. Những nơi cư trú này thể hiện sự phát triển văn hoá liên tục giữa các giai đoạn, nối tiếp và kế thừa nhau.

Khuôn đúc đồng và rìu đồng ở địa điểm Thành Dền, trung kỳ đồng thau: Cư dân văn hoá thời đại đồng thau miền bắc Việt Nam có đời sống tinh thần phong phú. Điều đó thể hiện trong tư duy và sáng tạo nghệ thuật của họ. Đặc biệt, họ đã làm chủ được nghệ thuật nhịp điệu trong ca múa, biểu hiện tính đối xứng chặt chẽ của các mô típ hoa văn trang trí đồ gốm. Họ biết tới nhiều dạng đối xứng khác nhau. Điều này cho thấy sự phát triển nhận thức hình học và tư duy chính xác nhờ hoạt động sản xuất nông nghiệp và kỹ thuật chế tác đá, đúc đồng…

Vào khoảng thế kỷ VII trước Công nguyên, các nền văn hoá bộ lạc mất dần tính địa phương tiến tới chỗ hoà chung vào một nền văn hoá thống nhất- văn hoá Đông Sơn. Đó là lúc các nhóm bộ lạc liên kết lại trong một quốc gia: nước Văn Lang. Tính thống nhất văn hoá được thể hiện rõ trên một vùng rộng lớn từ biên giới Việt – Trung cho đến bờ sông Gianh Quảng Bình, mặc dù theo các nhà khảo cổ học, nhà nước này vẫn có những dáng hình địa phương. Nhưng có thể thấy rằng phạm vi phân bố của văn hoá Đông Sơn rộng nhất so với tất cả các văn hoá trước đó.

Sự thhống nhất của văn hoá Đông Sơn vẫn là sự thống nhất trong đa dạng. Giới khảo cổ học Việt Nam đã nêu ra những loại hình địa phương của văn hoá Đông Sơn. Trên các vùng giáp ranh ở tây bắc, văn hoá Đông Sơn tiếp xúc với văn hoá Tấn Ninh (văn hoá Điền); ở phía bắc, tiếp xúc với văn hoá Sở, Trường Sa, ở phía nam đèo Ngang (Quảng Bình), nó tiếp xúc với văn hoá Sa Huỳnh (văn hoá Chăm cổ – về sự tiếp xúc này ngày càng có nhiều chứng cứ khảo cổ học và sự lan toả của văn hoá Đông Sơn vào không gian thời gian của văn hoá Sa Huỳnh lớn hơn nhiều so với sự hình dung của giới nghiên cứu từ trước tới nay). Những sự tiếp xúc đó cũng góp phần tăng cường sắc thái địa phương của từng vùng. Nhưng tính thống nhất của Đông Sơn là nổi bật, là căn bản. Cái “mẫu văn hoá chung” hay nói theo thuật ngữ văn hoá học, cái phần “văn hoá tối thiểu” của thời đại Đông Sơn là rất lớn; được biểu hiện ở bộ công cụ, dụng cụ, vũ khí, nhạc khí, đồ trang sức, nghệ thuật chạm khắc, mô típ trang trí Đông Sơn: rìu lưỡi xéo, mũi dáo, dao găm, thạp thố, vòng tay, khuyên tai… và đặc biệt là trống đồng Đông Sơn (trống đồng loại I Heger).

Làng xóm thời kỳ này thường phân bố ở những nơi đất cao, thậm chí ở sườn núi hay trên những quả đồi đất… nhưng bao giờ cũng nằm gần các hệ thống sông lớn hay các chi lưu của chúng. Khoảng cách giữa làng và sông thường từ 1 đến 5 km…Việc chọn nơi cư trú như vậy cho thấy người Đông Sơn đã tìm cách tốt nhất để thích ứng với tự nhiên. Bởi lẽ, đất cao sẽ khô ráo mà lại tránh được ngập lụt vào mùa mưa. Làng thời kỳ này có quy mô tương đương với xóm hay làng nhỏ ngày nay, có chừng vài trăm người. Ngoài ra, còn thấy hiện tượng một số làng xóm nhỏ quy tụ thành một vài khu vực cư trú đông đúc. Đó là hiện tượng thường gặp đối với cư dân nông nghiệp ở những vùng đồng bằng phì nhiêu.

Có lẽ do hiện tượng chiến tranh đã trở nên thường xuyên (thể hiện trong truyền thuyết, trong tỉ lệ cao của các loại vũ khí, đồ dùng cho binh lính – tỉ lệ vũ khí đồng thau chiếm từ 1/3 đến quá 1/2 toàn bộ đồ đồng ở các di tích Đông Sơn tiêu biểu) nên chung quanh làng, có những vành đai phòng thủ, mà khả năng lớn là các luỹ tre làng. Công trình phòng thủ thực sự với hệ thống thành luỹ quy mô thời Đông Sơn ngày nay người ta mới chỉ biết đến có một, đó là thành Cổ Loa.

Tư liệu khảo cổ học về quy mô, cấu trúc nhà ở, mộ táng, kích thước đồ gốm gia dụng… cho thẩy trong xã hội Đông Sơn hình thành và tồn tại chủ yếu là những gia đình hạt nhân, gia đình nhỏ, những gia đình này cũng là những đơn vị sản xuất cơ bản. Khi nông dân tăng tiến về dân số, nông nghiệp phát triển về vườn ruộng ao, chuồng trại, về cây trồng, gia súc và năng xuất (nhờ độ phì nhiêu của đất đai đồng bằng cùng kỹ thuật nông nghiệp phát triển) thì cũng có nghĩa là một hệ thống xóm làng đã phát triển, mô hình tổ chức tập hợp các gia đình hạt nhân (nhà tiểu nông), lan dần từ vùng cao xuống vùng thấp, trong những ngôi nhà biến hoá từ nhà sàn đến nhà đất bằng.

– Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam: Từ hội nhập đa nguồn đến hội tụ văn hoá: Trung tâm hay đỉnh cao của văn hoá thời đại kim khí Việt Nam ở miền Trung (từ Đèo Ngang đến Đồng Nai) được gọi theo tên một địa điểm khảo cổ học ven biển tỉnh Quảng Ngãi. Đó là văn hoá Sa Huỳnh.

Văn hoá Sa Huỳnh tồn tại từ sơ kỳ thời đại đồng thau (trên 3.000 năm cách ngày nay) cho tới sơ kỳ thời đại sắt sớm (thế kỷ VI-VII trước Công nguyên đến thế kỷ I sau Công nguyên). Giai đoạn sớm được gọi là văn hoá Tiền Sa Huỳnh, giai đoạn muộn được gọi là văn hoá Sa Huỳnh. Văn hoá Sa Huỳnh thời đại sắt hay văn hoá Sa Huỳnh cổ điển là bắt nguồn từ những di tích tiền Sa Huỳnh với sự tham góp không nhỏ của các nguồn lực văn hoá ngoại sinh. Vào thời gian cách đây trên 3.000 năm, tại những vùng đồng bằng nhỏ ven biển, trên các đảo và đảo ven bờ hay ở những gò đất cao ven sông, ven bàu nứoc ngọt, những nhóm cư dân kim khí sớm đã lập làng tụ cư. Trồng trọt đã có một vị trí nào đó trong đời sống kinh tế của họ, cuốc đá hình lưỡi mèo tìm thấy trong các địa điểm khảo cổ học thời kỳ này là chứng cử gián tiếp về thuần dưỡng cây trồng. Tuy vậy, do những quy đinh và tác động của điều kiện môi trường tự nhiên…, đánh bắt cá, khai thác thuỷ hải sản, khai thác rừng… vẫn là những hoạt động sống chính. Giai đoạn đầu công cụ đá đóng vai trò chủ đạo với các loại hình chính như rìu có vai, rìu tứ giác, bôn răng trâu, cuốc hình lưỡi mèo… Đồ trang sức đá không nhiều nhưng thể hiện trình độ cao trong kỹ thuật chế tác và quan niệm thẩm mỹ tinh tế. Nhiều loại hình đồ đá tiếp tục được sản xuất và sử dụng trong các giai đoạn muộn hơn. Đồ gốm nổi bật với trang trí văn thừng, văn in mép vỏ sò, tô màu… Đa số đồ gốm đẹp được tìm thấy trong các khu mộ địa như Long Thạnh (Quảng Ngãi), Bàu Trám (Quảng Nam), Bãi Ông (Quảng Nam)… Có thể thấy yếu tố biển đóng vai trò quan trọng trong đòi sống vật chất và tinh thần của cư dân giai đoạn này. Táng thức chính của cư dân văn hoá Tiền Sa Huỳnh là mộ nồi, dạng mộ được coi là cổ típ cho những giai đoạn văn hoá sau. Mộ táng giai đoạn này thường được phát hiện ngay trong nơi cư trú.

Các di tích của văn hoá Sa Huỳnh giai đoạn sắt sớm phân bố trên một diện rộng ở hầu khắp các loại địa hình từ Thừa Thiên Huế đến khu vực Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh). So với văn hoá Tiền Sa Huỳnh giai đoạn trước, văn hoá Sa Huỳnh có sức lan toả rộng và mạnh hơn nhiều lần. Các địa điểm thời kỳ này thể hiện tính thống nhất văn hoá trong sự đa dạng mang đặc điểm môi trường sinh thái của từng khu vực địa lý, nhóm người và quan hệ văn hoá… Giai đoạn cuối của nền văn hoá này có những diễn biến và thay đổi văn hoá mang tính chất bước ngoặt.

Một đặc trưng tiêu biểu của văn hoá Sa Huỳnh là hình thức mai táng dùng quan tài là nồi, vò, chum bằng đất nung suốt từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn. Tại một số địa điểm như Long Thạnh, Bàu Trám (Tiền Sa Huỳnh), Hậu Xá, Gò Mả Vôi, Bình Châu… (Sa Huỳnh), bên cạnh mộ chum còn thấy mộ đất, song không phổ biến.

Trên địa bàn phân bố của văn hoá Sa Huỳnh từ gò đồi phía Tây cho đến đồng bằng ven biển và hải đảo phía đông, đã phát hiện nhiều khu mộ – Những bãi mộ chum rộng lớn, đôi khi nhiều tầng lớp với những loại hình vò, chum mai táng hình cầu, hình trứng, hình trụ có kích thước từ vừa đến lớn và trong từng loại có những biến thể khác nhau.

Thông thường những chum mộ được tìm thấy ở dạng phân bố theo nhóm từ 2, 3 đến 4 chum. Tuy vậy ở một số khu mộ địa cũng thấy kiểu phân bố lẻ tẻ. Ở một số mộ địa Sa Huỳnh, thời gian chôn mộ diễn ra trong thời gian khá dài – một vài trăm năm, song hiếm có hiện tượng các mộ cắt phá nhau. Dựa vào đây có thể cho rằng, cư dân văn hoá này có cách thức riêng để đánh dấu các ngôi mộ sớm muộn trong cùng một khu vực địa lý. Những địa điểm văn hoá Sa Huỳnh đã được khai quật và nghiên cứu thường chỉ trong diện hẹp, chính vì vậy chưa có đủ dữ liệu để khái quát về cơ cấu, tổ chức xã hội, thân phận, tầng lớp… của những người chết. Tuy vậy, sự phân bố không đều về chất và lượng của đồ tuỳ táng phần nào thể hiện một xã hội có sự phân biệt về của cải và từ đó có khả năng cả thân phận. Giai đoạn cuối, những thế kỷ I – II trước, thế kỷ I sau Công nguyên, những tiếp xúc văn hoá mạnh mẽ với Trung Quốc (Hán), với miền bắc Việt Nam (Đông Sơn) và với các văn hoá khu vực khác nữa càng làm tăng thêm sự phân tầng trong xã hội và là cơ nền cho sự hình thành Nhà nước sơ khai theo kiểu Chiefdom, loại hình nhà nước điển hình của Đông Nam Á giai đoạn này.

Những chum mộ quan tài gốm chôn đứng thẳng, có nắp đậy hình nón cụt, hình lồng bàn, mâm bồng… thậm chí có thể là đáy của một chum khác được tái tận dụng. Đồ tuỳ táng đặt bên trong, bên ngoài, dưới đấy hay ngay trên nắp chum. Hiện tượng làm biến dạng đồ tuỳ táng thường hay gặp song không phải là quy luật bắt buộc cho tất cả các nơi. Bên cạnh đồ tuỳ táng, vết tích khác tìm thấy trong các chum này khá đa dạng. Có chum chứa than tro – được coi là vết tích hoả táng xác người, có chum chứa xương, răng trẻ con hoặc người lớn, cá biệt có khu vực như Cần Giờ, trong nhiều chum có nguyên những bộ xương người lớn. Nhiều nơi, chum chứa hoàn toàn là cát trắng. Hiện nay, có nhiều cách diễn giải táng thức của văn hoá Sa Huỳnh như hoả táng, cải táng, chôn thẳng, tượng trưng… Có lẽ, tất cả những diễn giải này đều có thể áp dụng tuỳ theo không gian và thời gian. Thông thường các chum mộ là chum đơn, song ở một vài địa điểm xuất hiện chum lồng, cá biệt có nơi đã phát hiện cả một quần thể chum lồng theo kiểu trong quan ngoài quách như ở Gò Dừa (Duy Xuyên – Quảng Nam).

Đồ tuỳ táng trong văn hoá Sa Huỳnh rất phong phú về chất liệu và đa dạng về loại hình. Chất liệu kim loại đồng, sắt, vàng, bạc, chất liệu thuỷ tinh nhân tạo, tự nhiên, chất liệu đá quý mã não, ngọc, cẩm thạch… đồ gốm có nhiều tiến bộ về kỹ thuật, đa dạng hình loại và nhiều kiểu thức đồ án trang trí. Đồ tuỳ táng bao gồm năm nhóm cơ bản. Đồ gia dụng, công cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức và đồ minh khí.

Nổi bật nhất trong văn hoá Sa Huỳnh là bộ công cụ và vũ khí bằng sắt. Tại những địa điểm mộ chum Sa Huỳnh giai đoạn từ khoảng thế kỷ III – IV trước Công nguyên, đồ sát chiếm lĩnh về cả số lượng và chất lượng. Đồ sắt được sản xuất chủ yếu bằng phương pháp rèn. Nếu thống kê các đồ sắt Sa Huỳnh đẫ được phát hiện đến nay thì số lượng lên tới hàng trăm chiếc, chủng loại đa dạng gồm rựa, dao quắm, giáo, mai, liềm, thuổng, kiếm ngắn, dao, qua… Đặt trong tương quan với các trung tâm văn hoá Đông Sơn ở phía Bắc, văn hoá Đồng Nai ở phía Nam, số lượng và sự phổ biến rộng rãi của đồ sắt trong văn hoá Sa Huỳnh có nhiều trội vượt. Trong bộ sưu tập hiện vật sắt, nét chủ đạo là tính thống nhất về loại hình và kỹ thuật dù được phát hiện trong / tại nhiều địa điểm mang tính địa phương hay khu vực rõ nét. Có thể nói, sắt đã đóng vai trò thống nhất và kết tinh văn hoá ở miền Trung Việt Nam thời Sơ sử. Nguồn gốc của nghề luyện kim sắt chưa được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, trong một số địa điểm đã tìm thấy dấu tích của rèn sắt và luyện gang tại chỗ, như ở Đại Lãnh – Đại Lộc Quảng Nam. Có thể, luyện kim sắt văn hoá Sa Huỳnh có mối quan hệ chặt chẽ với những khu vực Đông Nam Á lục địa như Thái Lan… Giai đoạn cuối trong loại hình công cụ và vũ khí bằng sắt thể hiện sự giao lưu văn hoá với Trung Hoa thời Hán qua các loại hình như mũi nhọn, dao có chuôi hình vành khăn kiểu Tây Hán.

So với đồ sắt, đồ đồng ít hơn nhiều về số lượng. Tuy vậy trong một vài năm gần đây, tại các khu mộ táng văn hoá Sa Huỳnh giai đoạn sớm đã tìm thấy nhiều đồ đồng tuỳ táng gồm công cụ, vũ khí, đồ tế lễ… Nhiều đồ đồng được phát hiện cả ở mộ chum, cả ở mộ đất. Phần lớn đồ đồng có thể là sản phẩm của trao đổi với văn hoá Trung Hoa Hán nhu bát đĩa, gương (giai đoạn cực muộn) với văn hoá Đông Sơn như trống đồng, công cụ và vũ khí (giai đoạn sớm hơn). Tất nhiên, điều này không loại trừ việc sản xuất tại chỗ, tuy chứng cứ còn quá ít. Vết tích của đúc đồng được tìm thấy ở Bình Châu, Trảng Đổng Du – Bàu Trám, một vài khuôn đúc bằng đá tìm thấy ngẫu nhiên ở Khánh Hoà, Ninh Thuận…

Cùng với việc đạt đến trình độ cao của kỹ thuật chế tạo sắt (cả việc đúc gang), cư dân văn hoá Sa Huỳnh còn đạt đến bước phát triển cao với các nghề se sợi, dệt vải, chế tạo gốm, chế tác đồ trang sức. Trong các di tích tìm thấy nhiều dọi xe chỉ các loại, dấu vết vải từ thô đến mịn còn lại khá nhiều trên các đồ tuỳ táng bằng đồng, bằng sắt. Nghề làm gốm rất phát triển, thể hiện trong mọi khía cạnh từ kỹ thuật, độ nung đến tạo hình, trang trí. Đặc điểm nổi bật của gốm Sa Huỳnh là những đồ gốm lớn đến rất lớn, đòi hỏi kỹ năng khéo léo và kỹ thuật cao trong chế tác và khống chế độ nung. Rất tiếc cho tới nay chưa phát hiện được lò gốm trong văn hoá này. Rất có khả năng đó là loại lò nửa kín và thường nằm sát bờ sông (hoặc những chum gốm lớn này bản thân đã là lò nung giống như một vài trường hợp trên thế giới thời cổ đại). Điều này, một mặt thuận tiện cho việc chuyên chở nguyên liệu và sản phẩm, song mặt khác lò lại rất dễ bị sụt lở trong những đợt lũ lụt lớn nhỏ hàng năm. Bên cạnh chum, nắp gốm mai táng, đồ tuỳ táng gốm rất đa dạng và phong phú bao gồm bát bồng, đèn, bình hình lẵng hoa, bình con tiện, cốc cao chân, nồi, bát, đĩa, cốc… Gốm được trang trí đẹp với những đồ án hoa văn đa dạng, khắc vạch kết hợp tô màu, những đồ án và phong cách trang trí từ giai đoạn Tiền Sa Huỳnh tiếp tục tồn tại và phát triển trong giai đoạn này. Tô màu đen và đỏ thành từng băng uốn lượn hay góc cạnh, xen lẫn những băng bên trong trang trí những đường vạch nhỏ, chấm dải, in mép sò…trở thành phương pháp trang trí phổ biến. Văn thừng đóng vai trò kỹ thuật hơn là trang trí, kiểu loại văn thừng giai đoạn này đơn giản hơn so với giai đoạn sớm. Nhiều đồ gốm được nung ở nhiệt độ cao, lửa được không chế một cách chủ động nên có một số đồ gốm cứng như sành.

Cư dân văn hoá Sa Huỳnh là những người có năng khiếu, khéo tay và mỹ cảm phát triển. Họ rất thích dùng đồ trang sức (vòng, nhẫn, khuyên tai, vật đeo hình dấu phảy, hạt chuỗi…) bằng thuỷ tinh, mã não, đá quý, đá, đất nung… Chất liệu được ưa thích nhất là mã não và thuỷ tinh. Khuyên tai (hay bùa đeo) hai đầu thú và khuyên tai ba mấu là một loại hình chế phẩm Sa Huỳnh đặc thù. Trong các di tích văn hoá Sa Huỳnh đã tìm thấy một số lượng lớn hai loại hình này. Trong khi khuyên tai ba mấu phân bố ở hầu khắp các địa điểm thì loại hai đầu thú cho tới nay được phát hiện chỉ ở một số vùng.

Ở di tích Đại Lộc – Quảng Nam và Giồng Cá Vồ – Tp. Hồ Chí Minh phát hiện nhiều khuyên tai hai đầu thú đang chế tác dở. Trong một số di tích đương đại của văn hoá Đông Sơn (Bắc Việt Nam), Philippines, Thái Lan… cũng tìm thấy những kiểu khuyên tai này. Đây được coi là những bằng chứng về sự lan toả ảnh hưởng của văn hoá Sa Huỳnh. Trong đồ gốm, đồ trang sức… dễ dàng nhận thấy những nét chung giữa văn hoá Sa Huỳnh và một số văn hoá khác cùng thời ở Đông Nam Á hải đảo.

Trước đây, các học giả Pháp cho rằng chủ nhân văn hoá Sa Huỳnh là những người đi biển, đất liền chỉ là nơi chôn cất người chết. Hiện nay, số lượng và vết tích nơi cư trú của văn hoá này khá hiếm hoi. Tuy vậy, vẫn có thể khẳng định qua những chứng cứ gián tiếp rằng văn hoá Sa Huỳnh là sản phẩm của những cư dân sống định cư trên đất liền với xu hướng hướng biển mạnh mẽ. Hệ sinh thái chủ đạo tạo nên nhiều đặc trưng văn hoá là hệ sinh thái Cồn – Bàu. Nền kinh tế đa thành phần kết hợp giữa trồng lúa nước ở các đồng bằng nhỏ duyên hải, trồng lúa kiểu nương rẫy ở vùng đồi gò. Trong các di tích đã phát hiện những công cụ liên quan đến trồng trọt và phá rừng làm nương rẫy bằng đá (tiền Sa Huỳnh), bằng sắt, đồng (Sa Huỳnh) như cuốc, liềm, rìu, dao quắm (rựa)… Cư dân văn hoá này sớm biết khai thác những nguồn lợi của biển, của rừng, biết phát triển các nghề thủ công, từng bước họ đã mở rộng quan hệ trao đổi buôn bán với các cư dân trong khu vực Đông Nam Á lục địa, hải đảo và rộng hơn với Ấn Độ, với Trung Hoa. Đặc biệt ở giai đoạn cuối, nghề buôn bán bằng đường biển rất phát triển. Ở ven biển miền Trung, vào những thế kỷ trước, sau Công nguyên đã hình thành một số tiền cảng thị hay cảng thị sơ khai.

Văn hoá Sa Huỳnh một mặt có nguồn gốc bản địa từ những nhóm di tích, văn hoá Tiền Sa Huỳnh. Mặt khác, những nguồn lực và ảnh hưởng ngoại sinh cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Với vị thế địa văn hoá cầu nối giữa lục địa và hải đảo và đường bờ biển dài nhiều vụng vịnh, miền Trung Việt Nam ngay từ thời tiền sử dã là nơi gặp gỡ của nhiều luồng cư dân, ngôn ngữ và văn hoá. Những tư liệu khảo cổ học gần đây cho thấy vào giai đoạn cuối của văn hoá Sa Huỳnh sự giao lưu văn hoá (tự nguyện và cưỡng bức) rất mạnh mẽ với văn hoá Đông Sơn, với văn hoá Hán. Ảnh hưởng của những văn hoá này vào văn hoá miền Trung Việt Nam những thế kỷ I -II trước và sau Công nguyên có tác động sâu và rộng hơn rất nhiều so với sự hình dung của chúng ta từ trước tới nay.

Mật độ phân bố di tích cũng như quy mô lớn rộng của các di tích văn hoá Sa Huỳnh (bằng chứng của sự quần tụ đông đúc dân cư ); sự phong phú về kiểu loại; số lượng lớn của các loại hình hiện vật từ nhiều chất liệu (dấu hiệu về sức sản xuất mạnh mẽ); vũ khí chiếm một tỷ lệ không nhỏ và với một số kiểu vũ khí ảnh hưởng văn hoá Hán (dấu hiệu của xung đột bên trong và bên ngoài); đồ tuỳ táng phân bố không đều cả về chất và lượng (bằng chứng về sự phân tầng xã hội), tất cả đều là những tư liệu gián tiếp về sự hình thành và tồn tại của một kiểu nhà nước sơ khai trong giai đoạn này.

Chủ nhân văn hoá Sa Huỳnh có quan hệ cội nguồn với các văn hoá hậu kỳ đá mới, sơ kỳ đồng thau ven biển. Với cốt lõi là văn hoá Bàu Tró mà chủ nhân của các văn hoá trên được các nhà nghiên cứu coi là những người tiền Ma Lai-Pôlinêdi. Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, văn hoá Sa Huỳnh còn có những quan hệ cội nguồn hay giao lưu với những văn hoá hậu kỳ đá mới – sơ kỳ đồng thau của miền cao nguyên Lâm Đồng mà chủ nhân của những văn hoá trên được coi là tiền Môn – Khmer hay tiền Nam Á. Ngoài ra còn có những mối giao lưu rộng rãi với các cư dân kim khí Đông Nam Á hải đảo và lục địa. Với vị thế địa văn hoá của mình, dải đất ven biển miền Trung cũng còn là nơi tiếp nhận của không ít nhưng làn sóng di dân từ phương bắc, phương đông và phương Nam trong diễn trình tiền – sơ sử. Tất cả những yếu tố này đã tạo nên một bức tranh văn hoá miền Trung phong phú, đa dạng với những sắc màu riêng. Chủ nhân của văn hoá Sa Huỳnh theo các nhà nghiên cứu nói tiếng Nam Đảo hay Malay – Polynedien với nhiều yếu tố Nam Á.

– Truyền thống văn hoá Đồng Nai: Quá trình chinh phục và chiếm lĩnh miền châu thổ sông Mekong và duyên hải Nam Bộ: Vào khoảng hơn 4.000 năm cách ngày nay, trên đất Nam Bộ đã có những cộng đồng cư dân sinh sống ở các tiểu vùng sinh thái khác nhau. Họ là chủ nhân của nền văn hoá Đồng Nai thuộc thời đại kim khí (đồng thau và sắt sớm). Những di tích của văn hoá này phân bố suốt từ vùng đồi gò cao cho tới trung, hạ lưu sông Đồng Nai và các chi lưu và vùng sinh thái ngập mặn ven biển. Mỗi một tiểu môi trường sinh thái ứng với một mô thức kinh tế-văn hoá thích hợp.

Ở vùng đồi đá phiến và bazan đất đỏ thuộc Đồng Nai có những di tích (cư trú, mộ táng, xưởng) diện tích lớn, tầng văn hoá dày. Đây là vùng phát sinh và quần tụ quan trọng liên tục nhất của văn hoá Đồng Nai với những di tích Cầu Sắt, Suối Chồn, Phú Hoà, Hàng Gòn.

Ở vùng đồi đá phiến và bazan đất đỏ dải cao nguyên Sông Bé có loại hình di tích đặc trưng là công trình đất đắp hình tròn với hai vòng thành và hào sâu ở Lộc Ninh – Bình Long.

Vùng liên kết đồi bazan – đá phiến – phù sa cổ dọc hệ thống Sông Bé – Đồng Nai, nơi tập trung dày đặc các di tích, di chỉ – mộ táng – xưởng thủ công đơn hay đa ngành tiêu biểu nhất là Suối Linh, Bình Đa, Dốc Chùa.

Vùng phù sa đất xám thuộc hệ thống sông Vàm Vỏ với những di chỉ, di chỉ kèm mộ đất như An Sơn, Gò Rạch Rừng, Dinh Ông, Rạch Núi.

Vùng đồng bằng phù sa mới miền châu thổ hạ lưu sông Đồng Nai – Vàm Cỏ và những đầm lầy không và nhiễm mặn cận biển tiểu vùng kinh tế – văn hoá mới tạo thành từ đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên như Cái Vạn, Bưng Bạc, Bưng Thơm, Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ …

Mật độ phân bố di tích thời đại kim khí Đông Nam Bộ khá đậm đặc. Nhiều di tích có quy mô lớn hàng vạn mét vuông. Loại hình di tich ở đây cũng khá đa dạng: Di tích cư trú, di tích cư trú – mộ táng, di tích cư trú – xưởng hay di tích công xưởng…

Đồ đá là loại di vật phổ biến và có số lượng lớn. Đây cũng là đặc trưng nổi trội của văn hoá Đồng Nai – Nơi mà công cụ – dụng cụ bằng đá lấn át mạnh mẽ và lâu dài kim loại do thiếu vắng các nguồn quặng đồng và hợp kim bản địa trong toàn miền. Loại hình được coi là đặc trưng và mang phong cách văn hoá Đồng Nai là rìu bôn có vai và không có vai. Tỷ lệ giữa rìu bôn có vai và không vai là một trong những tiêu chí phân giai đoạn và loại hình văn hoá. Loại hình trang sức đá thường gặp là các loại vòng, vật đeo. Tại di tích đồi Phòng Không đã tìm thấy nhiều dấu tích của xưởng chế tác với nghề chuyên làm vòng đá. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, kỹ năng chế tác đồ đá của chủ nhân văn hoá Đồng Nai không thua kém bất cứ nền văn hoá đồng đại nào trong khu vực.

Loại chế phẩm bằng đá đặc sắc trong văn hoá Đồng Nai là đàn đá – nhạc cụ thuộc bộ gõ. Đàn đá có mặt ở nhiều di tích , niên đại cách ngày nay khoảng 3.000 năm.

Nghề đúc đồng và luyện kim đồng đã xuất hiện vào khoảng 4.000 năm cách ngày nay và đồ đồng phổ biến rộng rãi vào khoảng trên 3oo năm cách ngày nay. Nhiều di chỉ đúc đồ đồng đã được phát hiện ở Suối Chồn, Bưng Thơm, Bưng Bạc, Dốc Chùa với những hiện vật gắn với quá trình chế tác như khuôn đúc. Theo các nhà nghiên cứu, lưu vực sông Đồng Nai là một bộ phận hay mắt xích trong chuỗi tiến trình luyện kim ở Đông Nam Á giai đoạn sớm có quan hệ mật thiết với kỹ nghệ đồng thau ở khu vực Vân Nam (Trung Hoa) và Đông Bắc Thái Lan qua đường sông Mekong.

Đồ gốm được trang trí bằng các loại hoa văn thừng, chải, khắc vạch, chấm dải, tô màu. So với những khu vực khác hoa văn gốm Đồng Nai đơn giản và mộc mạc hơn. Giai đoạn muộn của văn hoá Đồng Nai được đặc trưng bởi những khu mộ chum kiểu mộ chum văn hoá Sa Huỳnh với những loại hình hiện vật bằng sắt, bằng đá, mã não, thuỷ tinh bên cạnh những đặc thù riêng biệt mang tính địa phương của văn hoá Đồng Nai. Về sự xuất hiện của những di tích mộ chum này còn khá nhiều ý kiến chưa thống nhất về nguồn gốc và tên gọi. Tuy vậy, một điều dễ nhận thấy là sự có mặt chắc chắn của các yếu tố văn hoá Sa Huỳnh ở vùng biên giữa hai nền văn hoá.

Dựa trên hệ thống tư liệu trực tiếp và gián tiếp, các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng những hình thức quan trọng và phổ biến nhất trong đời sống kinh tế truyền thống Đông Nam Bộ là trồng lúa cạn không dùng sức kéo. Cư dân cổ Đồng Nai phát triển nền nông nghiệp dùng cuốc ở trình độ cao, bên cạnh cây lúa là là các loại rau đậu, cây có quả – củ cho bột. Phương pháp canh tác đặc thù của nông nghiệp nương rẫy là phát – đốt. Chăn nuôi, săn bắt, hái lượm, đánh bắt thuỷ hải sản cũng đặc biệt được coi trọng (số lượng xương sừng trong các di tích Bưng Bạc, An Sơn, Rạch Núi… lên tới hàng chục kg). Hái lượm, đánh bắt cá tôm và nhuyễn thể của sông biển.

Khi so sánh trình độ phát triển kinh tế – kỹ thuật và văn hoá của những nhóm cư dân trong văn hoá Đồng Nai, nhà nghiên cứu Phạm Đức Mạnh cho rằng cần nhấn mạnh đến đặc thù của quá trình chuyên môn hoá-phân công lao động-phân vùng kinh tế nhập hoà với từng miền sinh cảnh. Cần có sự quan tâm đặc biệt đến mối ràng buộc thiết yếu giữa những ngành kinh tế chủ đạo nông nghiệp với nghề trồng lúa cạn là phổ cập và cả nghề trồng lúa nước ở những tiểu vùng khả thực nhất, (trồng hoa màu, cây có củ – quả và chăn nuôi) và những ngành cung ứng lương thực – thực phẩm tiền sử khác (săn bắn / bắt, đánh cá hái lượm theo phổ rộng những sản phẩm thực – động vật của rừng, suối sông, đầm lầy và biển). Giữa nông nghiệp – khai thác- thủ công (sản xuất đá- công cụ và trang sức; chế luyện kim loại – đúc đồng và rèn sắt, chế tạo gốm – đồ đựng, bàn xoa và dọi se sợi, dệt vải) và thông thương nội, ngoại.

Đời sống tinh thần của cư dân văn hoá Đồng Nai được biết đến qua những hiện vật nghệ thuật. Tín ngưỡng đặc sắc nhất là sưu tập thẻ đeo bằng đá cuội mài dẹt hình gần ovan hoặc chữ nhật và bán cầu có lỗ thủng tròn hay tạo núm ở đầu. Tượng động vật như tượng lợn, rùa bằng sa thạch, tượng chó săn mồi bằng đồng ở Dốc Chùa, tượng Long Giao bằng đồng… bên cạnh ý nghĩa nghệ thuật còn mang tải một nội dung tín ngưỡng, nghi lễ nào đấy. Ngoài ra còn phải kể đến sưu tập đàn đá hơn 60 thanh ở Bình Đa, những thanh đàn đá hay đá kêu ở một số địa điểm khác. Bên cạnh đó là sự hội nhập của không ít yếu tố văn hoá trong khu vực như trống đồng Đông Sơn, khuyên tai ba mấu, hai đầu thú của văn hoá Sa Huỳnh…

Văn hoá Đồng Nai đặc biệt là giai đoạn cuối đã trở thành nền tảng cho sự hình thành một kiểu nhà nước sơ khai. Đó là khi kim loại thực sự đã chiếm vị trí quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong đời sống của cư dân, mở rộng những tiểu vùng kinh tế sản xuất và khai thác mới, củng cố những liên hệ kinh tế – văn hoá nội vùng, thành tạo những điều kiện tập trung của cải phân bố giàu nghèo và cố kết quyền lực trung tâm, hình thành cơ cấu xà hội phân tầng. Điều này được thể hiện qua sự có mặt của những hầm mộ bằng đá lớn (cự thạch), sưu tập qua đồng Long Giao, trống đồng Đông Sơn ở Bình Dương, Bình Phước… những khu mộ địa với những bộ đồ tùy táng giàu có ở Dốc Chùa, Cần Giờ, Xuân Lộc…

– Những trung tâm văn hoá thời đại kim khí Thái Lan: Tương tự như ở Việt Nam, bước vào thời đại kim khí những cộng đồng cư dân nông nghiệp sớm hậu kỳ đá mới đã lan toả, mở rộng không gian cư trú của mình ra nhiều vùng. Vào khoảng 4.000 năm cách ngày nay đã hình thành những trung tâm văn hoá với cốt lõi là những thành tựu luyện kim đồng và sắt và nghề chế tác đồ gốm phân bố ở đồng bằng miền trung Thái Lan, cao nguyên Khorat, trung lưu, thượng lưu sông Chi… Theo các nhà nghiên cứu, Thái Lan có hai khu vực văn hoá cơ bản: Đồng bằng Miền Trung và cao nguyên Khorat ở miền Đông Bắc. Ở mỗi khu vực có thể nhận thấy những nền văn hoá tiền – sơ sử dọc theo những sông lớn và chi lưu của chúng. Ở Thái Lan sông đóng vai trò quan trọng giống như các nước khác ở Đông Nam Á. Khi đề cập tới nội dung văn hoá thời đại kim khí nói chung và luyện kim nói riêng ở Thái Lan cần lưu ý những điểm sau:

Đa phần những tài liệu khảo cổ học được thu thập từ di chỉ mộ táng, hay cư trú xen lẫn mộ táng. Khung niên đại được xác định chủ yếu dựa vào kết quả định từ những mẫu phân tích C14 hay AMS.

Những hiện vật đồng phát hiện được đều là những công cụ định hình và được làm từ đồng thau.

So sánh với Việt Nam, ở Thái Lan cho đến nay chưa thấy chứng cứ về giai đoạn phôi thai của luyện kim. Trong tất cả các nước ở Đông Nam Á, mới chỉ có ở Thái Lan là đã phát hiện được vết tích của các hoạt động khai khoáng đồng có niên đại khoảng 3.000 năm cách ngày nay.

– Đông Bắc Thái Lan – Cao nguyên Khorat: Những cộng đồng cư dân khai khoáng, buôn bán kết hợp trồng lúa: Địa hình: Phía tây và nam là dãy núi Petchbun và Dang Raek, còn phía bắc và đông là sông Mekong.

Tại vùng này đã có sự thay đổi cơ bản về địa bàn cư trú từ giai đoạn săn bắt – hái lượm sang giai đoạn trồng trọt, chăn nuôi từ mái đá xuống dọc các thềm sông cổ. Miền bắc của cao nguyên Khorat là nơi đã được điều tra khá kỹ. Tại đây, đã phát hiện được một loạt những dịa điểm cư trú từ khá nhỏ (0,5 – 0,8ha) ở những gò nhỏ đến những làng phòng thủ lớn (đến 117ha).

Khu vực này là nơi có nhiều phát hiện lớn những chứng cứ về hoạt động khai thác và luyện đồng. Trong đó đáng chú ý nhất là Phu Lon bên bờ sông Mekong.

Phu Lon là một khu mỏ đồng nằm bên bờ sông Mekong, mỏ đồng phân bố trên hai quả đồi Phu Lon I và Phu Lon II. Tại đây đã tìm thấy những hiện vật liên quan đến các hoạt động khai khoáng, luyện quặng, đúc đồng. Đồng thời dấu tích cư trú cũng đã được phát hiện, đó là những công cụ sản xuất bằng đá và bằng đồng thau, những mảnh vòng đá cùng nhiều mảnh gốm. Dựa vào kết quả phân tích niên đại C14 (1750-1425 trước Công nguyên) và những mẫu ở lớp trên, các nhà khảo cổ học tham gia khai quật cho rằng việc khai khoáng và luyện kim ở đây tồn tại trong suốt thiên niên kỷ II-I trước Công nguyên). Khu mỏ này bao gồm những hầm mỏ dài hàng chục mét trong đá mẹ và có ít nhất ba công đoạn khai khoáng. Quặng được nghiền bằng chày đá, được nấu chảy trong nồi bằng đất nung. Khu mỏ đã được khai thác trong một thời gian khá dài.

Một địa điểm mộ táng và cư trú xen lẫn mộ táng quan trọng ở khu vực này là Non Nok Tha ở tỉnh Khon Ken, địa điểm này nằm gần nguồn đồng Loei. Qua hai lần khai quật, người ta đã tìm thấy rất nhiều công cụ đồng như rìu đồng, khuôn đúc đồng, nồi nấu đồng. Loại rìu phổ biến là rìu xoè cân, trên thân gần chuôi có 2 hoặc 3 đường chỉ nổi trang trí (kiểu rìu phổ biến ở lưu vực sông Đồng Nai) và rìu có vai thân hẹp lưỡi dài (loại này đã thấy ở Samrong Sen, Campuchia).

Đồ gốm ở đây cũng rất nhiều và có nhiều loại hình nguyên do được tìm thấy trong mộ. Mặc dù gần địa điểm Ban Chiang, nơi có truyền thống gốm tô màu phát triển, nhưng gốm Non Nok Tha phần lớn để trơn hay trang trí khắc vạch.

Những người khai quật dựa trên một loạt niên đại nhiệt huỳnh quang đã cho rằng đây là địa điểm chứa đồ đồng sớm nhất, ngay ở lớp mai táng sớm khoảng 2500 năm trước Công nguyên. Sự diễn giải về niên đại cũng như về văn hoá của địa điểm này thực sự khó khăn bởi những mâu thuẫn trong chuỗi niên đại C14 và Nhiệt huỳnh quang. Dựa vào những niên đại AMS mới, Higam cho rằng nghĩa địa ở Non Nok Tha có niên đại thiên niên kỷ II trước Công nguyên, những mộ sớm nhất có thể có niên đại 2.000-1.500 BC, song phần lớn các mộ, kể cả những mộ có hiện vật đồng nằm trong khoảng từ 1.500 đến 1.000 BC. Nếu so sánh với những địa điểm miền bắc Việt Nam, những chuỗi văn hoá ở Non Nok Thà có thể cùng thời với văn hoá Đồng Đậu và Gò Mun từ 3.500-2.700 cách ngày nay.

Non Nok Tha cho chúng ta chứng cứ về tổ chức và quy mô của hoạt động đúc đồng bản địa. Theo các nhà nghiên cứu, những khuôn đúc đã tìm thấy ở Đông Nam Á cho thấy một phong cách đúc đồng bằng khuôn kín, khác với những vùng khác, như Ấn Độ, có khi đúc đồng bằng khuôn hở, một mang. Tỉ lệ phần trăm của thiếc khá cao trong hợp chất đồng thau cũng được xem là đặc điểm riêng của Đông Nam Á.

Một địa điểm quan trọng khác của khu vực đông bắc Thái Lan là Bản Chiang, một địa điểm nổi bật với truyền thống gốm vẽ màu độc đáo.

Địa điểm Bản Chiang, làng Bản Chiang, Udon Thani, đông bắc Thái Lan. Đây là một trong một số địa điểm đã được khai quật ở cao nguyên Khorat. Văn hoá Ban Chiang phát triển trong thời gian từ 3.600 BC đến 200 AD. Văn hoá này phân bố ở bốn tỉnh Udon Thani, Sakon Nakon, Nakhon Pahnom và Khon Kaen và có nhiều nét tương đồng với những văn hoá cùng thời ở Đông Nam Á. Trong giai đoạn sớm nhất chưa có đồng song gốm rất phát triển.

Niên đại những lớp văn hoá sớm muộn của Ban Chiang được xác định chủ yếu qua kết quả C14 và khác nhau giữa những người, những lần khai quật. Trước đây, địa điểm này thường được đưa ra để chứng minh về sự xuất hiện của nghề luyện kim màu rất sớm ở Đông Nam Á, nhưng hiện nay, xu hướng này đã bị khá nhiều người phản đối và đại bộ phận các học giả cho rằng đúc đồng xuất hiện ở Đông Nam Á vào khoảng 4.000 năm cách ngày nay và vào khoảng 3.000 năm cách ngày nay, đúc đồng theo kỹ thuật khuôn sáp đã xuất hiện. Từ thế kỷ I Công nguyên đã diễn ra những thay đổi quan trọng về văn hoá xã hội và luyện kim đen phát triển.

Khu vực này còn có địa điểm Bản Na Di, một địa điểm có vai trò quyết định trong việc xác định lại trật tự niên đại của chuỗi phát triển từ đồng thau sang sơ kỳ thời đại đồ sắt.

Bản Na Di cách Bản Chiang 20 km về phía nam, tại đây đã xác định được năm lớp văn hoá tiền sử dày 4m. Nhiều hố đào được tìm thấy, một số có lớp than dày. Nhiều xác người lớn (phụ nữ, đàn ông) trẻ em và trẻ con. Trẻ con đựơc chôn ngay gần người lớn mà không để trong vò. Mộ táng được tìm thấy ở lớp 6, 7 gồm 60 mộ. Mộ có hướng bắc-nam. Trong khu vực mộ đã phát hiện 1 khu chế tác đồng gồm lò bằng đất, muôi nấu và khuôn có niên đại khoảng 1.000 trước Công nguyên .

Từ giai đoạn mộ táng có 10 niên đại C14, 1313-903 trước Công nguyên. Lúc đầu những người khai quật (Higham và Kijngam) xác định giai đoạn mộ táng có niên đại 900-100 trước Công nguyên. Hiện nay theo Higham nghĩa địa có niên đại 600-400 trước Công nguyên thuộc giai đoạn hậu kỳ đồng – sơ kỳ sắt.

Vấn đề gây nhiều tranh cãi nhiều nhất chính là niên đại tuyệt đối của hai địa điểm Bản Chiang và Non Nok Tha liên quan đến nguồn gốc và niên đại của luyện kim màu và luyện kim đen ở Đông Nam Á. Hiện nay có tới ba hệ niên đại sớm, giữa và muộn cùng tồn tại. Higham cho rằng, niên đại các lớp ở hai địa điểm kể trên về cơ bản giống với phổ hệ đồng thau lưu vực sông Hồng. Tức là đồ đồng xuất hiện vào giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên. Theo Hà Văn Tấn, những lớp dưới cùng của Ban Chiang hay lớp đáy của Ban Na Di có những hình phảng phất phong cách Phùng Nguyên. Còn giai đoạn III Ban Chiang hay lớp 7 và 8 của Bản Na Di có thể tương đương với Đồng Đậu hay Gò Mun. Giai đoạn IV Bản Chiang trở đi có thể tương đương với văn hoá Đông Sơn và giai đoạn V Bản Chiang tương đương với giai đoạn muộn của văn hoá Đông Sơn (15).

Đông Bắc Thái Lan là một trung tâm kim khí với một quá trình phát triển liên tục từ đầu thời đại đồng thau đến sơ kỳ thời đại sắt, trung tâm này có mối quan hệ giao lưu chặt chẽ với các nhóm cư dân ở khu vực Vân Nam phía bắc với cư dân vùng hạ lưu sông Mekong qua dòng chủ lưu là sông Mekong. – Đồng bằng Miền Trung: Nơi tụ cư của những cộng đồng đúc đồng, trồng trọt và đánh cá: Tại địa bàn này có những địa điểm chính như: Non Pa Wai- Giai đoạn II; Nong Nor; Nil Kham Haeng, Khok Phlap có chuỗi diễn tiến văn hoá liên tực từ sớm đến muộn theo phân kỳ của các nhà nghiên cứu:

Giai đoạn sớm được gọi là thời đại Đá mới 2.500-1.500 BC. Giai đoạn giữa cho thấy sự phát triển của kỹ nghệ đồng từ năm 1.500-1.000 BC. Giai đoạn muộn 1.000 BC sắt bắt đầu được sử dụng.

Ở đây, có lẽ lô gic hơn để lấy mốc 500 BC phân chia giai đoạn giữa và muộn, điều đó sẽ phù hợp hơn với sự xuất hiện của việc xuất hiện của hiện vật bằng sắt trong cả khu vực Đông Nam Á.

Phần lớn các địa điểm có quy mô từ 0,33 đến 6,3 ha và mở rộng hơn ở giai đoạn giữa và muộn cho đến 10-20 ha. Một số học giả cho rằng những địa điểm lớn chứng tỏ sự lớn mạnh của phức hợp chính trị – xã hội và sự phát triển kinh tế bộ lạc. Trong nhóm địa điểm ở vùng này, nổi bật hơn cả là địa điểm Non Pa Wai: Có sự không đồng nhất trong mô tả về địa tầng trong hai sách của Higham 1989 và 1996. Trong mô tả năm 1989 chúng ta thấy:

Non Pa Wai là một đồi rộng chừng 5 ha chứa vết tích hoạt động đúc đồng dày tới 3m. Tại đây, đã phát hiện hàng trăm mảnh của khuôn đúc đất nung hai mang, muôi nấu đồng, ống thổi, quặng đồng, khuôn đúc thỏi đồng nguyên liệu. Phía dưới tầng này là nghĩa địa, trong có mộ chôn theo khuôn đúc.

Trong mô tả năm 1996, tác giả cho biết:

Địa tầng: Lớp sớm nhất dày từ 2-3m, kéo dài khoảng 8 thế kỷ. Đây là tầng cư trú sớm và nghĩa địa. Giai đoạn bỏ hoang, khoảng 5 thế kỷ. Khi địa điểm được tái cư trú, có một số mộ đã cắt vào đó. Một mộ chứa bộ xương người đàn ông khoảng 25 tuổi, đồ chôn theo có khuôn 2 mang đất nung đúc rìu. Mộ khác có chôn theo rìu như thế. Lớp mà từ đó có những mộ cắt vào chứa xỉ đồng và muôi múc đồng báo hiệu hoạt động luyện kim kéo dài 8 thế kỷ và dày 2-3m Mô tả năm 1989 Mô tả 1996 Trên: Vết tích của hoạt động đúc đồng dày 3m.

Dưới: Dưới lớp này là nghĩa địa mà trong đó đã tìm thấy một bộ xương chôn theo 2 khuôn đúc rìu đất nung

Lớp muộn: Mộ táng, một số mộ cắt phá vào lớp giữa. Hoạt động luyện kim. Lớp giữa: Giai đoạn không có vết tích văn hoá khoảng 500 năm. Bị một số mộ muộn cắt vào. Trong đó có mộ có vết tích của một người đàn ông 25 tuổi, chôn cùng hai khuôn đúc rìu bằng đất nung. Lớp sớm nhất: Địa điểm cư trú và nghĩa địa dày 2-3 m.

Dựa vào một vài niên đại C14, Higham cho rằng hoạt động đúc đồng bắt đầu ở đây vào giai đoạn 1.500-1.000 BC.

– Đồng bằng Tonle Sap: Tình hình nghiên cứu ở Campuchia gần như bị tê liệt do nguyên nhân chính trị. Do vậy tư liệu hầu như không có ngoại trừ những tư liệu cũ. Vài năm gần đây, hoạt động khảo cổ học ở nước này đã bắt đầu trở lại, song kết quả chưa được công bố đầy đủ, ngoại trừ Dự án khảo cổ học hạ lưu sông Mekong (LOMAP).

Samrongsen: Tại đây đã tìm thấy một số hiện vật đồng, gồm rìu có họng, giáo có họng, vòng tay, chuông và muôi nấu đồng vẫn còn đọng xỉ cũng như khuôn đúc rìu đồng. Niên đại C14 của vỏ sò từ 1749-1235 BC, phù hợp với niên đại ở đông bắc Thái Lan. Một số đồ trang sức giống như ở Khok Phanom Di.

O Pie Can: Khuôn đúc sa thạch đúc rìu và liềm cũng như mảnh muôi nấu đồng.

O Yak: Vòng tay đồng tìm được cùng với mộ hung táng gần O Pie Can.

Nhìn chung, trong thời đại đồ đồng làng cư trú phân bố trên những vùng đất cao gần những vùng thấp ở trung lưu các dòng sông. Sự lựa chọn vùng cư trú cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa phương thức kiếm sống và môi trường. Theo White, yếu tố chủ đạo nhất trong lựa chọn nơi sinh sống là môi trường ngập nước thường xuyên nhưng không ngập sâu. Lúa hoang vẫn mọc ở rìa các sông và mọc vào mùa mưa, ngập nước.

Dữ liệu cả ở mộ táng và nơi ở cho thấy đây là những cộng đồng nhỏ, không có dấu hiệu về trật tự xã hội và cai trị trung tâm, họ chọn những vùng đất thấp gần nguồn nước và ngập nước để thúc đẩy trồng lúa nước. Trên thực tế vết tích lúa gạo đã tìm được ở một số địa điểm hậu kỳ đá mới và đồ đồng. Chứng cứ thực vật và động vật cũng cho thấy hoạt động sống bao gồm gặt lúa, nuôi gia súc, ít nhất có bốn loại con vật đã được thuần dưỡng như lợn, chó, gà, săn bắt, bẫy, đánh cá và thu lượm nhuyễn thể. Cần lưu ý rằng săn bắt và hái lượm luôn đóng vai trò rất quan trọng ở Đông Nam Á không chỉ trong thời tiền sử.

Đa phần các địa điểm thời đại đồ đồng ở Thái Lan là khu mộ táng. táng thức phổ biến là chôn nằm ngửa từng nhóm thành hàng. Đồ tuỳ táng có gốm, hiện vật đá và đồng. Đồ tuỳ táng phần nào thể hiện phân hoá tài sản cá nhân.

Niên đại khởi đầu của đúc đồng nằm trong khoảng năm 1.500-1.000 BC. Sự tồn tại của những tổ hợp khai khoáng, những nơi đúc đồng… cho thấy sự phát triển của truyền thống đúc đồng bản địa. Phần lớn là khuôn đúc hai mang bằng đá sa thạch. Phần lớn vòng đồng được đúc dựa theo nguyên mẫu đá và nhuyễn thể.

Thời đại đồ sắt ở Thái Lan và một số khu vực Đông Nam Á lục địa: Ngược lại với giai đoạn trước, giai đoạn này những địa điểm đã biết chủ yếu là di chỉ cư trú, rất ít mộ táng được khai quật trên diện rộng.

Những địa điểm có thành bao (kiểu thành đắp đất tròn ở Bình Dương) rất khó để tìm hiểu về tính chất và niên đại của chúng. Không hề có bất cứ tư liệu chính xác nào về niên đại và thậm chí cấu trúc của những thành đất đắp. Những thành đất đắp này tập trung ở lưu vực sông Mun, mở rộng đến lưu vực sông Chi, đồng bằng Siem Riep và miền Trung Thái Lan. Theo các học giả những thành đất đắp này có lẽ để giữ nước. Phần lớn những địa điểm này đều bị bỏ sau thời đại sắt. Ví dụ như ở Noen U Loke, mộ táng thời đại sắt đã được tìm thấy phía dưới lớp mặt 1m trong các vòng đất.

Trong giai đoạn này có một số địa điểm điển hình: Non Chai, Ban Chiang Hian, Non Dua. Non Chai: Địa điểm điển hình của thời đại sắt, có diện tích (18-38.5 ha) rộng hơn nhiều so với các địa điểm thời đại đồng trước đó. Theo báo cáo khai quật của Bayard năm 1978 thì địa điểm có cấu trúc hình ôvan 1000 x 500m và cao 15m so với vùng xung quanh. Năm 1979, trong khi tiến hành khai quật Van Liere nhận thấy vết tích của hào hay mương nước bao quanh. Năm 1977, khai quật 76m2 . Tại địa điểm này đã thu được số lượng lớn đồ gốm, tàn tích động vật và chứng cứ về đúc đồng và luyện sắt. Dựa vào diễn biến hiện vật gốm và địa tầng, người ta chia ra thành 5 giai đoạn văn hoá, thời đại đồng ở lớp tận cùng.

Theo niên đại C14, giai đoạn I có niên đại 400 BC, thậm chí 500 BC, giai đoạn II-III 300-200BC, giai đoạn IV 200-1 BC và giai đoạn V AD 1-200.

Gốm ở đây khác hẳn so với những địa điểm thời đại đồng thau Non Nok Tha, Bản Na Di và Bản Chiang. Phần lớn đồ gốm trang trí bằng áo gốm đỏ hay hoạ tiết tô màu hình học, giai đoạn cuối là gốm trơn hay gốm văn thừng. Trong đất làm gốm pha vỏ trấu. Cả đồng và sắt đều tìm thấy ở giai đoạn lớp I. Từ giai đoạn lớp II, đã tìm thấy mảnh muôi nấu đồng và những mảnh khuôn đúc đã thấy ở giai đoạn lớp III. Từ lớp II có hạt chuỗi thuỷ tinh. Đời sống chủ yếu dựa trên gạo và cá.

Non Chai là một địa điểm quan trọng thời đại sắt ở nhiều góc độ. Niên đại chính từ 400BC đến 200AD. Phát triển kỹ nghệ luyện kim màu và đen. Luyện kim đồng sử dụng khuôn hai mang và kỹ thuật sáp. Một loạt những địa điểm tương tự như thế đã được phát hiện phân bố dọc theo rìa của châu thổ sông Chi và sông Mun.

Bản Chiang Hian: Địa điểm thuộc trung lưu sông Chi, đây là địa điểm có thành và hào bao quanh. Diễn biến địa tầng và hiện vật giống như Non Chai. Xương trâu đã xuất hiện ở lớp 8, còn ở lớp 7 đã có sắt. ở các lớp 6-8 tập trung những khuôn đúc đồng đúc chuông và vòng tay cũng như mảnh muôi nấu đồng. Giai đoạn gốm III ở lớp IV và V. Tổ hợp gốm khác hẳn với giai đoạn II và có những loại gốm trắng tương tự Non Dua thuộc nửa sau của Thiên niên kỷ I AD. Niên đại của địa điểm 400 BC-200 AD và có thể liên quan đến hào. Theo Higham có thể liên hệ với cấu trúc Cổ Loa.

Tại Thái Lan còn nhiều các địa điểm thời đại sắt như Noen U Loke, Ban Don Ta Phet… Tại những địa điểm này, hiện vật cho thấy mối quan hệ giao lưu văn hóa và trao đổi buôn bán với thế giới bên ngoài đóng vai trò cực kỳ quan trong. Ở Ban Don Ta Phet đã tìm thấy một số lượng lớn hiện vật có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…

Đối với Thái Lan, đặc biệt là Đông Bắc Thái Lan, công nghiệp khai khoáng luyện kim đen và công nghệ làm muối có vai trò cực kỳ quan trọng. Sắt, đồng đỏ, đồng thau và muối được xem là tảng nền kinh tế đẩy nhanh quá trình hình thành những xã hội tiền nhà nước hay dạng Tù trưởng Quốc / hay Lónh chủ (Chiefdoms) của những cộng đồng dân cư đông đúc và lớn mạnh. Đây là cơ sở cho sự hình thành nền văn minh sớm ở đông bắc Thái Lan, tương tự như ở một số khu vực khác của Đông Nam Á16.

I.5. Đông Nam Á hải đảo: Phương thức kiếm sống và quá trình thích nghi với môi trường tự nhiên, làn sóng di dân và lan toả hội nhập văn hoá

Nhìn chung các học giả cho rằng, những hiện vật kim loại đầu tiên xuất hiện ở Đông Nam Á hải đảo tương đối muộn, vào những thế kỷ cuối trước Công nguyên. Mặc dù quặng đồng khá phổ biến ở Luzon, Nam Java và Sumatra, thiếc lại có ở dãy đảo Bangka, Belitung ở phía bắc Malaysia đến miền trung Thái Lan.

Thời đại kim khí khu vực này mang những đặc điểm văn hoá khá độc đáo, sự phân kỳ và tên gọi các giai đoạn thể hiện quá trình tiếp thu và hội nhập nhiều những yếu tố ngoại sinh trên nền nội sinh vững chắc. Tiền sử Indonesia chẳng hạn đã được Soejono phân kỳ và đặt tên theo kiểu kiếm sống thành: săn bắt – hái lượm; nông nghiệp; và thủ công nghiệp…

Dựa vào những phát hiện khảo cổ tại khu vực, các học giả đã phác hoạ diễn biến văn hoá giai đoạn từ thiên niên kỷ I trước Công nguyên đến khoảng nửa đầu thiên niên kỷ I sau Công nguyên tức Giai đoạn kim khí sớm (hay cổ kim loại) Giai đoạn kim khí sớm bắt đầu bằng việc xuất hiện của những hiện vật đồng đỏ và đồng thau (theo Bellwood đồng đỏ và đồng thau không thể phân biệt bằng mắt trong bối cảnh khảo cổ học và việc sử dụng chung thuật ngữ “bronze” có thể gây ấn tượng trong một số trường hợp, nhất là ở Indonesia). Rất nhiều những hiện vật được gọi là “bronze” có thể đơn giản là copper, song nếu không có phân tích thì dễ bị nhầm lẫn. Hiện vật bằng sắt và luyện kim đen có nhiều khả năng là từ những nguồn trực tiếp ở Đông Nam Á lục địa trong khoảng những thế kỷ cuối trước Công nguyên. Học giả Bellwood đã lấy mốc năm 500 trước Công nguyên, mặc dù cho tới nay chưa có hiện vật kim loại nào ở hải đảo có niên đại sớm như vậy. Bellwood cũng cho rằng những tổ hợp thời đại kim khí ở đây có thể được gọi là thuộc “giai đoạn Đồng – Sắt” theo thuật ngữ của Heekeren (1958). Mặc dù kim loại xuất hiện muộn và có nguồn gốc từ bên ngoài, song cư dân hải đảo đã chế tác nhiều loại hình địa phương độc đáo như trống đồng Pejeng, bao ngón tay, vòng đeo tay bản rộng… Những năm gần đây đã có những cuộc khai quật có hệ thống được tiến hành ở một số địa điểm nằm trong thời gian chuyển biến từ Sơ sử sang Lịch sử sớm ở bán đảo Thái Lan, Malay và Indonesia. Tư liệu của những cuộc khai quật này giúp soi rọi nhiều vấn đề liên quan đến mối quan hệ văn hóa, nguồn lực và nền tảng hình thành nhà nước sớm ở Đông Nam Á hải đảo.

Địa điểm Khuan Luk Pad (Đồi hạt chuỗi) ở tỉnh Krabi, bên bờ tây nam của bán đảo Thái Lan. Địa điểm này được xác định là nơi sản xuất hạt chuỗi đá và thủy tinh vào nửa đầu thiên niên kỷ I. Sự chuyển việc sản xuất hạt chuỗi từ Ấn Độ sang các địa điểm ven biển Đông Nam Á được các nhà nghiên cứu diễn giải là do tăng cường sự năng động của hoạt động trao đổi, buôn bán liên vùng và nội vùng.

Phần lớn những địa điểm cư trú lớn với chứng cứ về buôn bán và phát triển các ngành nghề thủ công đã được phát hiện dọc theo eo biển Malacca, là con đường huyết mạch nối giữa biển Đông Nam Á với Ấn Độ Dương. Tại Indonesia, những địa điểm tương tự cũng đã được khai quật ở bờ biển Sumatra (ví dụ như Karang Agung, Air Sugihan) và Tây Java (Buni) và xa hơn nữa về phía đông ở Sembirang, bờ bắc Bali… Điều đó cho thấy có sự nở rộ của những trung tâm dân cư lớn quanh đường giao thông quan trọng trong mạng lưới trao đổi, buôn bán từ nội địa ra đến ven biển và biển.

Nói chung, khảo cổ học Đông Nam Á hải đảo thiên niên kỷ I trước Công nguyên đến thiên niên kỷ I sau Công nguyên nổi bật lên một số vấn đề căn bản.Đó là:

1. Sự lan toả của cư dân ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian) trong mối liên hệ với nghề trồng lúa nước 

2. Truyền thống mộ chum;

3. Quá trình Nam tiến của trống đồng Đông Sơn với sự hình thành nhà nước sớm…

I.5.1. Nguồn gốc và sự lan toả của cư dân Nam Đảo và trồng lúa nước: Các nhà nghiên cứu khá thống nhất khi cho rằng, nghề trồng lúa nước cùng với sự hình thành những cộng đồng cư dân nông nghiệp sớm ở Đông Nam Á hải đảo là kết quả của quá trình lan toả của các nhóm người thuộc ngữ hệ Nam Đảo từ lục địa và hội nhập giữa các nhóm người làm nông – dân di cư với các nhóm người săn bắt, hái lượm bản địa. Các nhà nghiên cứu mặt khác có nhiều ý kiến khác nhau về con đường di dân và lan toả văn hoá này, trong số đó nổi bật là ý kiến của học giả Bellwood và Solheim.

Trong những nghiên cứu gần đây của mình Bellwood đã khẳng định thêm những luận điểm của mình về sự lan toả của cư dân ngữ hệ Austronesian và trồng lúa nước ở Đông Nam Á hải đảo. Theo đó, sự lan toả đầu tiên của những ngôn ngữ Austronesian, Tai – Kadai (và có thể cả Austroasiatic) bắt đầu trong những cộng đồng đá mới trồng lúa ở Trung Hoa phía nam sông Dương Tử vào khoảng giữa năm 5.000 và 4.000 BC. Blust khôi phục lại quá trình này. Bắt đầu từ Đài Loan (nơi phân bố của những ngôn ngữ cổ Austronesian (gồm cả Proto Austronesian), sau đó là Phillippines, Borneo và Sulaweri, cuối cùng chia đôi: Đi về phía tây tới Java, Borneo và Sulaweri và đi về Đại dương Oceania. Bellwood đã bổ sung rằng, trong giai đoạn ngôn ngữ khi cắt từ phần Proto An có thể đã xuất hiện một số thuộc địa với kinh tế nông nghiệp di chuyển qua eo Formosa từ Trung Hoa lục địa đến Đài Loan và ở đây đã phát triển thành (những) ngôn ngữ Austronesian sớm (ban đầu), và sau một vài thế kỷ một số cư dân nói một trong những ngôn ngữ này đã làm những đợt di chuyển đầu tiên đến Luzon và Phillippines. Sự di chuyển này đã chia Austronesian thành hai: Formosan và Malayo-Polynesian.

Chứng cứ khảo cổ học thời đại đá mới ở Đài Loan bắt đầu khoảng 3.000-4.000 BC với những tổ hợp khảo cổ dạng nam Trung Hoa, có thể lúc đầu được mang tới bởi những nhóm nhỏ của những cư dân nông nghiệp đi qua eo biển Formosa từ Phúc Kiến. Vào khoảng 3.000 năm TCN ở Đài Loan đã xuất hiện lúa gạo. Từ giữa năm 2500-1500 TCN, những tổ hợp khảo cổ học có đặc trưng là đồ gốm trơn và áo đỏ chứ không phải là loại gốm Đài Loan sớm văn thừng đã xuất hiện ở vùng bờ biển và những vùng thuận lợi trong đất liền của Phillipines, Sulawesi, Bắc Borneo, Halmahera và (với lợn nuôi) tới cực nam là Timor. Chưa có một địa điểm nào giai đoạn này được phát hiện ở Indonesia, song những nghiên cứu bào tử phấn hoa ở vùng cao nguyên tây Java và Sumatra cho thấy có một sự phát quang rừng làm nông nghiệp ít nhất là vào khoảng thiên niên kỷ II trước Công nguyên hay có thể còn sớm hơn nữa.

Nguyên nhân lan toả theo Bellwood: Những thuộc địa nông nghiệp của cư dân nói tiếng Austronesian (Nam Đảo) có một sự di cư liên tục, trong một giai đoạn khoảng 4.000 năm, từ vùng tâm điểm nông nghiệp Nam Trung Hoa qua hàng ngàn cây số bờ biển và đi qua vùng biển rộng đông tiến vào Thái Bình Dương.

Chứng cứ khảo cổ học cho thấy cư dân đá mới đã chiếm cư toàn bộ vùng Đông Nam Á lục địa, kể cả bán đảo Mã Lai ít nhất là từ 2.000 trước Công nguyên. Những tương đồng nổi bật về khảo cổ học của tất cả những văn hóa này nằm ngay trong đất liền hơn là đi qua tới những đảo. Có thể giả thiết rằng phần đông những cư dân nông nghiệp của Thái Lan, Đông Dương và Bán đảo Mã Lai lúc bấy giờ nói những ngôn ngữ có quan hệ gần gũi với ngữ hệ Austroasiatic hiện đại. Ở miền Trung và Nam Việt Nam, tổ tiên của cư dân nói tiếng Chamic Austronesian xem ra đã xâm nhập vào khu vực nơi đã có cư dân ở đông đúc là những cư dân nông nghiệp sớm hơn. Sự hiện diện có trước của những cư dân nông nghiệp ở Mã Lai và Việt Nam đã giải thích tại sao lục địa Đông Nam Á chỉ có những cộng đồng cư dân tiền sử Austronesian nhỏ cư trú xen cài cùng cư dân Austroasiatic.

Như vậy, theo các nhà nghiên cứu, trồng lúa ở Đông Nam Á lục địa có trước nghề trồng lúa ở Đông Nam Á hải đảo và sự xuất hiện của lúa được coi là kết quả của sự xâm nhập của cư dân Nam Đảo từ nam Trung Hoa qua Đài Loan vào hải đảo vào khoảng 2.500-2.000 BC. Tuy vậy, Higham cho rằng không có những chứng cứ về trồng lúa ở thời gian trên ở Đài Loan tại các địa điểm thuộc văn hoá Dapenkeng. Soilhem cũng theo thuyết truyền bá song ông cho rằng cư dân thuộc ngữ hệ Austronesian đã tới Đông Nam Á hải đảo và đảo Thái Bình Dương dọc qua bờ biển phía đông của Đông Nam Á lục địa hơn là qua bán đảo Đài Loan17. Vết tích lúa tìm thấy trong đồ gốm ở một số địa điểm như Gua Sireh (Sarawak) có niên đại 2923-1603 trước Công nguyên18.

I.5.2. Truyền thống mộ chum: Truyền thống chôn cất sử dụng quan tài là những chum gốm lớn phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á hải đảo, ở Đông Nam Á lục địa táng thức này không phổ biến lắm và chỉ thấy đậm đặc ở miền Trung và Nam Việt Nam (trong văn hoá Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh), một số vùng ở Thái Lan… Dù chung một táng thức nhưng có rất nhiều biểu hiện mang tính địa phương, tạo thành những dạng văn hóa mộ chum khác nhau.

Truyền thống mộ chum ở Đông Nam Á được chia thành hai giai đoạn phát triển. Giai đoạn sớm có niên đại vào khoảng thiên niên kỷ I-II TCN với hành loạt các di tích ở Phillippines, Indonesia, Malaysia và ven biển Miền Trung Việt Nam. Chum vò có nhiều dạng khác nhau và có loại trang trí hình người rất riêng ở Phillippines, thể hiện quan điểm thẩm mỹ độc đáo và tín ngưỡng về sự tồn tại của linh hồn.

Trong những mộ chum giai đoạn sớm này, hiện vật tuỳ táng phần lớn là đồ gốm, trang sức bằng đá ngọc và mã não, chưa thấy đồ tuỳ táng bằng kim loại, thuỷ tinh và canelia. Giai đoạn muộn (hay kim khí sớm, kim khí phát triển…), mộ chum phân bố rất rộng, có nhiều khu mộ địa lớn với khối lượng lớn và đa dạng về loại hình của đồ tuỳ táng và đã xuất hiện hiện vật chôn theo bằng kim loại, thuỷ tinh… Nhiều hiện vật có nguồn gốc ngoại lai cũng đã được tìm thấy19. Đồ tùy táng trong các khu mộ chum giai đoạn này ở Đông Nam Á hải đảo giống như trong các khu mộ chum văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam phản ánh rõ ràng sự phân hóa về của cải và sự hình thành những xã hội phân tầng.

I.5.3. Quá trình Nam tiến của trống đồng Đông Sơn với sự hình thành nhà nước sớm: Cho tới nay, đã có một số lượng đáng kể trống đồng Đông Sơn được phát hiện ở Đông Nam Á. Phần lớn trống tìm thấy là đồ tùy táng của mộ. Những mộ có trống chôn theo đã được xác định là mộ của thủ lĩnh hay của người đứng đầu trong xã hội, dạng “Big man”20. Sự lan tỏa của trống đồng Đông Sơn một mặt minh chứng cho sự ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Đông Sơn ở Đông Nam Á, mặt khác trống đồng Đông Sơn được xem như những biểu tượng quyền lực và gắn với sự hình thành nhà nước sớm ở Đông Nam Á.

Những trống Đông Sơn ở Đông Nam Á mà cụ thể là ở Lào, Thái Lan, bán đảo Malay và Indonesia thường có niên đại từ thế kỷ III trước Công nguyên đến thế kỷ I Công nguyên. Sự có mặt của những trống này được giải thích bằng nhiều nguyên nhân. Đó là, do áp lực bành trướng của Trung Hoa (Hán), văn hóa Đông Sơn đã Nam tiến và do quá trình lớn mạnh của những xã hội mới với nhu cầu của những người đứng đầu coi trống như một biểu trưng về quyền lực. Trống thường được tìm thấy ở những địa điểm mang tính chiến lược trên những tuyến giao thông và chuyên chở đường sông. Không những nhập trống từ quê gốc là miền bắc Việt Nam, trống đồng theo truyền thống trống Đông Sơn còn được sản xuất tại Thái Lan hay một địa điểm khác ở Đông Nam Á để đáp ứng nhu cầu của những tổ chức xã hội với cơ cấu mới đang hình thành và phát triển, điển hình là trống Salayar tìm thấy ở miền đông Indonesia. Một số trống có kích thước rất lớn tìm thấy ở miền đông Indonesia lại được xác định có nguồn gốc tại Việt Nam, nói một cách khác chúng được sản xuất tại Việt Nam chỉ nhằm mục đích xuất khẩu21.

Tuy chưa có thể nhất trí hoàn toàn với những ý kiến trên của nhà nghiên cứu Imamura, đặc biệt về việc sản xuất trống ở Việt Nam với mục đích xuất khẩu. Tuy vậy, có thể thấy rằng văn hóa Đông Sơn có một ảnh hưởng rất lớn ở Đông Nam Á và trống đồng Đông Sơn thực sự là biểu tượng cho quyền lực và sức mạnh của những người đứng đầu trong xã hội.

Tiểu kết

Cho dù những phát hiện cổ nhân và sơ kỳ đá cũ ở Đông Nam Á vẫn chưa được khẳng định một cách chắc chắn, nhưng đã có nhiều chứng cứ để kết luận rằng đây là một trong những khu vực Homo Sapiens hoá của nhân loại.

Cư dân thời đại đã cũ ở đây một mặt có những nấc phát triển tương đồng với những thang bậc kỹ nghệ chế tác công cụ đá của những khu vực khác trên thế giới, mặt khác cũng có không ít những đặc điểm riêng, được quy định bởi sự thích ứng với môi trường tự nhiên và hệ sinh thái khu biệt. Ngay từ thời đại đồ đá cũ đã hình thành hai truyền thống chế tác đá riêng của Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo. Tuy vậy, chúng không tồn tại đơn lập, tách biệt hoàn toàn khỏi nhau mà đã có những sự đan xen và mối quan hệ qua lại chặt chẽ. Truyền thống địa phương trong kỹ nghệ đồ đá phản ánh sự đa dạng trong cách kiếm sống, tổ chức xã hội và cho thấy những nhóm cư dân thời này có tính thích ứng cao, linh hoạt để tận dụng tối đa nguồn lực từ môi trường tự nhiên. Nói một cách khác họ đã có những cách thích ứng với giá trị sinh thái cộng đồng khá cao.

Đông Nam Á, đặc biệt là khu vực lục địa là vùng giàu tiềm năng sinh thái (khí hậu, địa hình, địa mạo, nhiệt độ, nguồn lợi thiên nhiên…), vốn được xem là nơi đáp ứng đủ điều kiện cho việc khởi thành và phát triển nghề trồng trọt. Những phát hiện khảo cổ cùng những tư liệu sinh – dân tộc học đã chứng minh một cách chắc chắn quá trình đá mới hoá ở đây với các thang bậc phát triển từ thấp đến cao những hình thức trồng củ, quả làm vườn sơ khai đến trồng cây lấy hạt (đa canh với cây lúa chủ đạo) ở các địa hình khác nhau như hình thức nương rẫy, ruộng chờ mưa, chờ nước thuỷ triều đến nông nghiệp trồng lúa tưới nước… Cư dân Đông Nam Á đã thực hành nhiều loại kỹ thuật trị thuỷ và sử dụng nước khác nhau, trong đó có những kỹ thuật bản địa và cũng không ít kỹ thuật được du nhập từ bên ngoài. Do đặc điểm hệ sinh thái phồn tạp và thực vật rất phát triển nên bên cạnh trồng trọt và chăn nuôi (nhỏ), cư dân cổ ở Đông Nam Á chưa bao giờ coi nhẹ việc hái lượm phổ rộng, săn bắt, đánh cá… và tuỳ thuộc vào điều kiện địa lý cụ thể, ở một số vùng cách kiếm sống bằng khai thác nguồn lợi tự nhiên vượt trội hơn cách kiếm sống bằng nông nghiệp.

Đề cập tới những đặc trưng của kỹ thuật chế tác và cách thức sử dụng công cụ, dụng cụ của cư dân thời đại đá Đông Nam Á, chúng ta cần lưu ý tới vai trò của công cụ tre nứa, gỗ và sự bảo lưu lâu dài những kỹ thuật truyền thống. Điều này không thể diễn giải bằng sự trì trệ, lạc hậu và kém phát triển về năng lực tư duy… như một số học giả phương Tây trước đây đã làm. Những đặc trưng trên chính là bằng chứng về khả năng tận dụng một cách tối đa các nguồn lực tự nhiên trong phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng cư dân Đông Nam Á.

Vào khoảng 4.000 năm cách ngày nay cư dân Đông Nam Á bước vào thời đại kim khí. Bất luận những tranh cãi về niên đại, về nguồn gốc của kỹ thuật luyện kim, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của nó trong đời sống xã hội. Ở Đông Nam Á đã hình thành những trung tâm khai khoáng và luyện kim với quy mô lớn, đây đồng thời cũng là những trung tâm của từng vùng đóng vai trò hội nhập, kết tinh văn hoá. Dù có những bước phát triển không đồng đều, thời đại kim khí cũng là thời kỳ tiếp xúc, giao lưu và hội nhập văn hoá nội vùng, liên vùng phát triển rực rỡ. Tiếp xúc, giao lưu và hội nhập những yếu tố nội sinh với ngoại sinh làm tiền đề cho những thay đổi mang tính bước ngoặt vào những thế kỷ đầu Công nguyên.

Tài liệu tham khảo

[1] Hà Văn Tấn: Theo dấu những văn hóa cổ, Nxb Khoa học Xã hội, H., 1997, tr. 755-758. [2] Viện Đông Nam Á: Về Tiền sử Đông Nam Á, Nxb KHXH, H., 1983, tr.11-12 3 Sakurai Yumio: The Dry Areas in the History of Southeast Asia; trong Fukui Hayao (Cb). The Dry Areas in Southeast Asia: Harsh or Benign Environment, CSEAS, Kyoto University 1999, tr. 28-31. 4 Ch. Higham: The Archaeology of Mainland Southeast Asia, The Cambridge University Press. Cambridge 1989. 5 P.Bellwood: Austronesia prehistory in Southeast Asia: Homeland – Expansion and Transformation; Nguồn trang web “Southeast Asia Archaeology”. 6 Hà Văn Tấn: Theo dấu những văn hóa cổ, Nxb KHXH, H., 1997, tr. 28-30. 7 Hà Văn Tấn: Khảo cổ học Đông Nam Á – Những phát hiện đáng quan tâm; Giáo trình đào tạo sau đại học chuyên ngành khảo cổ học. H., 1996, tr. 2. 8 Hà Văn Tấn: Theo dấu những văn hóa cổ, Nxb KHXH, H., 1997, tr. 121. 9 Hà Văn Tấn: Khảo cổ học Đông Nam Á – Những phát hiện đáng quan tâm, Giáo trình đào tạo sau đại học chuyên ngành Khảo cổ học, H., 1996, tr. 4. 10 Viện Đông Nam Á: Về khảo cổ học Tiền sử Đông Nam Á, H., 1983, tr. 70. 11 Hà Văn Tấn: Theo dấu những văn hoá cổ, Nxb KHXH, H., 1997, tr. 287, 290. 12 Hà Văn Tấn (Cb.): Khảo cổ học Việt Nam, tập II; Thời đại kim khí, Nxb KHXH, H., 1998, tr.161. 13 Hà Văn Tấn: Theo dấu những văn hoá cổ, Nxb KHXH, H., 1997, tr. 277. 14 Viện Đông Nam Á: Về khảo cổ học Tiền sử Đông Nam Á, H., 1983, tr. 65. 7 Hà Văn Tấn: Khảo cổ học Đông Nam Á – Những phát hiện đáng quan tâm; Giáo trình đào tạo sau đại học chuyên ngành khảo cổ học. H., 1996, tr. 2. 8 Hà Văn Tấn: Theo dấu những văn hóa cổ, Nxb KHXH, H., 1997, tr. 121. 9 Hà Văn Tấn: Khảo cổ học Đông Nam Á – Những phát hiện đáng quan tâm, Giáo trình đào tạo sau đại học chuyên ngành Khảo cổ học, H., 1996, tr. 4. 10 Viện Đông Nam Á: Về khảo cổ học Tiền sử Đông Nam Á, H., 1983, tr. 70. 11 Hà Văn Tấn: Theo dấu những văn hoá cổ, Nxb KHXH, H., 1997, tr. 287, 290. 12 Hà Văn Tấn (Cb.): Khảo cổ học Việt Nam, tập II; Thời đại kim khí, Nxb KHXH, H., 1998, tr.161. 13 Hà Văn Tấn: Theo dấu những văn hoá cổ, Nxb KHXH, H., 1997, tr. 277. 14 Viện Đông Nam Á: Về khảo cổ học Tiền sử Đông Nam Á, H., 1983, tr. 65. (15) Hà Văn Tấn: Khảo cổ học Đông Nam Á – Những phát hiện đáng quan tâm; Giáo trình đào tạo sau đại học chuyên ngành Khảo cổ học; H., 1996, tr.13. 16 Eiji Nitta: The Dawn of the Civilization in the Mekong Basin and its Neighboring Regions. Htm. 17 W.G. Soilhem Solheim: Taiwan, Coastal South China and Northern Vietnam and the Nusantao Maritime Trading Network, In JEAA 2. Brill. Leiden, 2000, p. 279. 18 Ch. Higham: The Bronze Age of Southeast Asia, The Cambridge University Press, Cambridge, 1996, p. 299. 19 Lâm Thị Mỹ Dung: Chuyên đề 3 – Diễn trình văn hoá Việt Nam, trong: Trần Quốc Vượng (Cb): Lịch sử Văn hoá Việt Nam, Đề tài NCKH trọng điểm cấp ĐHQG Hà Nội, H., 2003 20 Nitta Eiji: The Dawn of the Civilization in the Mekong Basin and its Neighboring Regions, Html. 2004. 21 Imamura Keiji: The Distribution of bronze drums of the Heger I and Pre-I types: temporal changes and historical background, Department of Archaeology, the University of Tokyo. (15) Hà Văn Tấn: Khảo cổ học Đông Nam Á – Những phát hiện đáng quan tâm; Giáo trình đào tạo sau đại học chuyên ngành Khảo cổ học; H., 1996, tr.13. 16 Eiji Nitta: The Dawn of the Civilization in the Mekong Basin and its Neighboring Regions. Htm. 17 W.G. Soilhem Solheim: Taiwan, Coastal South China and Northern Vietnam and the Nusantao Maritime Trading Network, In JEAA 2. Brill. Leiden, 2000, p. 279. 18 Ch. Higham: The Bronze Age of Southeast Asia, The Cambridge University Press, Cambridge, 1996, p. 299. 19 Lâm Thị Mỹ Dung: Chuyên đề 3 – Diễn trình văn hoá Việt Nam, trong: Trần Quốc Vượng (Cb): Lịch sử Văn hoá Việt Nam, Đề tài NCKH trọng điểm cấp ĐHQG Hà Nội, H., 2003 20 Nitta Eiji: The Dawn of the Civilization in the Mekong Basin and its Neighboring Regions, Html. 2004. 21 Imamura Keiji: The Distribution of bronze drums of the Heger I and Pre-I types: temporal changes and historical background, Department of Archaeology, the University of Tokyo.

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
  • Thêm
  • Email
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Bản đồ đông Nam á Cổ đại