Bối Cảnh Thành Lập Hiệp Hội Ngân Hàng Việt Nam

Ông Trịnh Bá Tửu - Ủy viên Thường trực/Trưởng ban Trù bị thành lập HHNH Việt Nam Trưởng ban/Giám đốc Trung tâm đào tạo HHNH Việt Nam (từ năm 2000 - đến năm 2006)

Để hiểu rõ hơn về lịch sử Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, chúng tôi tìm đến ông Trịnh Bá Tửu, người góp phần quan trọng trong việc cùng tham gia xây dựng các dự thảo: Đề án đổi mới hoạt động ngân hàng, 2 Pháp lệnh ngân hàng và Đề án thành lập HHNH Việt Nam.

Trong căn phòng đầy ắp sách trên tường, ông Tửu cho chúng tôi xem bản viết sẵn những thông tin mà chúng tôi cần tìm hiểu. Lâu lắm rồi mới nhìn thấy những trang viết tay, nắn nót, đầy thông tin trên vở học sinh như vậy. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên và xúc động. Nhìn tập vở thấy tấm lòng của ông với ngành, với Hiệp hội, với các thế hệ trẻ. Đặt tay lên tập vở, ông Tửu sôi nổi nhớ lại một thời kỳ, và kể…

Ý tưởng thành lập “ngôi nhà chung”

Việc triển khai thực hiện 2 Pháp lệnh về ngân hàng dẫn tới phải bố trí và tổ chức lại hệ thống ngân hàng Việt Nam từ hệ thống ngân hàng 1 cấp sang thành hệ thống ngân hàng 2 cấp. Cấp quản lý nhà nước là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và cấp ngân hàng kinh doanh (các ngân hàng thương mại). Trong cơ cấu tổ chức đó, các NHTM chiếm số lượng đông và phát triển rất nhanh. Nếu như năm 1991 chỉ có 9 ngân hàng, đến năm 1993 gia tăng lên 56 ngân hàng (trong đó 4 ngân hàng thương mại quốc doanh - NHTMQD, 41 ngân hàng thương mại cổ phần -NHTMCP, 3 ngân hàng liên doanh, 8 chi nhánh ngân hàng nước ngoài).

Sự gia tăng số lượng NHTM làm cho ý tưởng thành lập Hiệp hội Ngân hàng (đã manh nha từ khi nhóm nghiên cứu của NHNN xây dựng Đề án Đổi mới hoạt động ngân hàng cuối năm 1989) ngày càng trở thành nhu cầu cấp bách hơn. Phải có một tổ chức đại diện cho các ngân hàng NHTM để hỗ trợ nhau, thay mặt các NHTM đề xuất kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan đến hoạt động ngân hàng. Đồng thời Hiệp hội sẽ quản lý các lợi ích ngành nghề của hệ thống ngân hàng kinh doanh. Ông Tửu nói: “Trước đây, trong hệ thống ngân hàng 1 cấp (tức là chỉ có 1 hệ thống là Ngân hàng Nhà nước từ trung ương đến địa phương - đóng vai trò kép, vừa quản lý Nhà nước, vừa kinh doanh về tiền tệ, tín dụng và dịch vụ ngân hàng thì không cần có HHNH. Nay thành hệ thống 2 cấp thì lại rất cần có một tổ chức HHNH đóng vai trò cầu nối, giữa một bên là các ngân hàng kinh doanh với một bên là các cơ quan quản lý Nhà nước”.

Quá trình soạn thảo Đề án thành lập HHNH

Theo ông Tửu, Vụ Các ngân hàng (thuộc NHNN), ngay từ năm 1992 đã đề nghị chính thức lên Thống đốc Cao Sĩ Kiêm về việc xúc tiến nghiên cứu thành lập HHNH Việt Nam (ngày 10/6/1992), đồng thời Vụ cũng cử cán bộ trực tiếp nghe thuyết trình và sưu tầm tư liệu về HHNH từ Dự án VIE 90/008 của IMF, khai thác báo cáo của các đoàn khảo sát về HHNH tại ngân hàng các nước để chuẩn bị cho việc này.

Ông Ngô Tuấn Kiệp, lúc đó là Trưởng Ban soạn thảo Pháp lệnh Ngân hàng nắm bắt được thông tin nói trên từ các cuộc trao đổi, thảo luận, đã chủ động đề xuất lên Ban lãnh đạo NHNN cho nghiên cứu về nội dung này. Thống đốc đồng ý giao cho ông Ngô Tuấn Kiệp chủ trì việc nghiên cứu. Việc khởi thảo Đề án thành lập HHNH Việt Nam được ông Ngô Tuấn Kiệp chấp bút rất khẩn trương, và cuối quý I/1993 đã trình Ban lãnh đạo NHNN.

Hội thảo Vai trò của HHNH trong nền kinh tế thị trường do NHNN Việt Nam và tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức GTZ tổ chức

6 tháng cuối năm 1992 và đầu năm 1993 là thời gian lấy ý kiến, tham gia vào Đề án. Hai vụ chủ chốt tham gia ý kiến là Vụ Các Ngân hàng và Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo NHNN. Ông Ngô Tuấn Kiệp đã trình bầy Đề án này tại các cuộc họp của Ban Lãnh đạo NHNN với lãnh đạo các vụ, cục và các ngân hàng thương mại ở cả 2 miền Nam, Bắc, với các bộ, ngành hữu quan. Ngày 11/1/1993, Ban lãnh đạo NHNN họp cùng lãnh đạo các vụ, cục ở NHTW chính thức nghe đề án do ông Ngô Tuấn Kiệp trình bầy và Thống đốc NHNN sau đó ra quyết định thành lập Ban trù bị thành lập HHNH Việt Nam (Quyết định số 47/QĐ-NHNN ngày 11/3/1993). Ban trù bị thành lập HHNH Việt Nam gồm có: ông Ngô Tuấn Kiệp - Trưởng ban; Ủy viên thường trực: ông Trịnh Bá Tửu - Vụ trưởng Vụ các ngân hàng; Ủy viên: ông Phạm Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ TCCB và đào tạo; Các thành viên khác gồm các ông/bà sau: ông Trịnh Ngọc Hồ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển; ông Hà Huy Sung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương; ông Vũ Toán, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương; ông Cầm Hiếu Kiên, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau này có thêm ông Đoàn Văn Cung, nguyên Giám đốc NHNN tỉnh Thanh Hóa làm cán bộ thường trực của Ban trù bị.

Ngày 18/8/1993, Hội đồng quản trị NHNN Việt Nam họp thông qua Đề án thành lập HHNH Việt Nam. Sau đó, ngày 14/9/1993, Thống đốc NHNN chính thức gửi hồ sơ về việc xin thành lập HHNH Việt Nam lên Thủ tướng Chính phủ, kèm theo có danh sách đăng ký của các ngân hàng thành viên. Hồ sơ xin thành lập HHNH Việt Nam gồm: Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Điều lệ dự thảo; Quy chế hoạt động của Hội đồng HHNH; Quy chế làm việc của Ban điều hành HHNH; Phương hướng hoạt động của HHNH.

Ngày 14/5/1994, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 247-TTg cho phép thành lập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Tháng 7/1994, Thống đốc NHNN có quyết định cử ông Trịnh Bá Tửu, Vụ trưởng Vụ các ngân hàng, trước đó là Ủy viên thường trực ban trù bị, làm Trưởng ban trù bị thành lập HHNH Việt Nam (thay ông Ngô Tuấn Kiệp) để tiếp nối và hoàn tất công việc trù bị và tổ chức đại hội thành lập.

Việc hoàn thiện các văn kiện trình ra đại hội thành lập được ban trù bị tiến hành rất khẩn trương, bất kể ngày đêm và ngày chủ nhật. Tháng 7/1994, Thống đốc Cao Sĩ Kiêm, cử đoàn khảo sát đi Cộng hòa liên bang (CHLB) Đức để có thêm thông tin, nhằm tiếp tục hoàn thiện tốt nhất các văn kiện trình ra đại hội. Đoàn khảo sát này có 12 người gồm các thành viên trong ban trù bị thành lập HHNH Việt Nam, một số cán bộ Văn phòng Chính phủ và ngân hàng cổ phần. Trưởng đoàn là ông Trịnh Bá Tửu, Vụ trưởng, Trưởng ban trù bị và các ông/bà: Ngô Tuấn Kiệp, Phạm Thanh Bình, Trịnh Ngọc Hồ, Hà Huy Sung, Vũ Toán, Cầm Hiếu Kiên, Đoàn Văn Cung, Phạm Thị Hải Duyên (Phó Tổng Giám đốc Eximbank) và 3 cán bộ của Văn phòng Chính phủ: Hoàng Nghĩa Tứ, Vụ trưởng Vụ Tài chính – Ngân hàng; Nguyễn Niên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Nguyễn Văn Tâm, Vụ phó Vụ TCCB.

Trong lần khảo sát này, những gì còn vướng mắc, hoặc chưa rõ, đoàn đều hỏi và được phía Hiệp hội CHLB Đức giải đáp thỏa đáng. Trở về, đoàn tập trung sức hoàn thiện các văn kiện và chuẩn bị chu đáo các khâu để tổ chức đại hội thành lập.

Các thành viên Ban trù bị HHNH Việt Nam đến thăm Hiệp hội tại trụ sở 193 Bà Triệu tháng 2/1997

Đại hội thành lập HHNH Việt Nam

Ngày 22/8/1994, một dấu mốc đáng nhớ: Đại hội thành lập HHNH Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội và ngày 23/8/1994 làm lễ ra mắt. Ban trù bị thành lập HHNH hoàn thành nhiệm vụ nặng nề và chuyển giao lại cho cơ quan lãnh đạo HHNH Việt Nam nhiệm kỳ I tất cả hồ sơ, văn kiện tài liệu của chặng đường khai sinh HHNH Việt Nam.

Những thuận lợi, khó khăn khi thành lập HHNH Việt Nam

Một câu hỏi mà các thế hệ cán bộ của Cơ quan thường trực HHNH Việt Nam và các thành viên Hiệp hội luôn quan tâm là việc thành lập HHNH Việt Nam những ngày đầu có những khó khăn và thuận lợi gì? Theo ông Trịnh Bá Tửu: Thuận lợi quan trọng nhất là đã có định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới toàn diện về tổ chức và hoạt động hệ thống Ngân hàng Việt Nam. Đây là chặng đường đầu của thời kỳ đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), tiếp đó là Đại hội lần thứ VII (1991); Sự chuyển biến nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan về tổ chức và hoạt động của hệ thống ngân hàng hai cấp, cấp quản lý nhà nước (NHTW) và cấp ngân hàng thương mại kinh doanh mà hệ thống ngân hàng kinh doanh này cần có một tổ chức đại diện cho họ, làm cầu nối giữa các ngân hàng kinh doanh với các cơ quan quản lý nhà nước; Ban lãnh đạo NHNN, các vụ hữu quan, các NHTM rất quan tâm và khẩn trương tiến hành các bước công việc trong tiến trình đi đến thành lập hiệp hội. Ông Tửu cũng nhấn mạnh với lòng biết ơn đối với sự hỗ trợ của các chuyên gia thuộc các dự án quốc tế (như VIE 90/005 của IMF, dự án GTZ của CHLB Đức, Ngân hàng TW Cộng hòa Pháp, Hiệp hội Ngân hàng các nước: Thụy Điển, Pháp, CHLB Đức, Canada, Thái Lan…) đã giúp đỡ Việt Nam bằng các hình thức: giúp Việt Nam tổ chức các đoàn khảo sát, thuyết trình, cung cấp tư liệu về mô hình tổ chức và kinh nghiệm hoạt động của HHNH các nước…).

Tuy nhiên, ngày đầu thành lập HHNH cũng gặp muôn vàn khó khăn trở ngại. Thứ nhất là thiếu hành lang pháp lý cho hoạt động của hiệp hội các nghề kinh doanh - thời gian đó Việt Nam chưa có văn bản pháp luật về việc này. Trong Sắc lệnh số 102.SL, ngày 20/5/1957, tuy đã có đề cập đến việc thành lập hiệp hội, nhưng từ đó chưa có hướng dẫn cụ thể về các hiệp hội ngành nghề kinh doanh. Mãi đến năm 2010, mới có một nghị định chính thức về hiệp hội (Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, ngày 21/4/2010). Do vậy, việc soạn thảo các văn kiện liên quan đến mô hình, tổ chức và hoạt động của HHNH, không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng ban đầu. Thứ hai là thiếu các cơ sở lý luận và thực tiễn về hiệp hội ngành nghề nói chung và Hiệp hội Ngân hàng nói riêng. Cái khó của người tham gia Ban soạn thảo Đề án thành lập Hiệp hội là thiếu cả lý luận và thực tiễn về hoạt động ngân hàng thương mại. Ngoài những tài liệu trong giáo trình về hệ thống ngân hàng tư bản chủ nghĩa, các tư liệu chính thức về lĩnh vực này hầu như không có. Ông Tửu nói: “Các thành viên ban trù bị chúng tôi phải tự tìm tòi từ nhiều nguồn. Ai phát hiện được tư liệu đều cung cấp để cùng nghiên cứu, trao đổi như: các báo cáo của các đoàn khảo sát tại nước ngoài có đề cập đến HHNH do Vụ Các ngân hàng cung cấp, các bài dịch thuật, các buổi làm việc với chuyên gia nước ngoài do Vụ Đối ngoại tổ chức. Đặc biệt là chúng tôi được tham dự các buổi làm việc học tập, trao đổi của các dự án quốc tế về ngân hàng. Nay nhớ lại lịch sử, nếu không nhắc đến sẽ là một thiếu sót - những người đã giúp chúng tôi nhiều kiến thức mới về ngân hàng trong nền kinh tế thị trường, về Hiệp hội Ngân hàng, Thanh tra ngân hàng… Đó là ông Chaize Leon, Nguyên Tổng Thanh tra Ngân hàng Quốc gia Pháp làm tư vấn cho Tổng Giám đốc NHNNVN (sau này là cố vấn trưởng của dự án VIE/005 của IMF), nhóm chuyên gia của tổ chức SIDA Thụy Điển, GTZ của Đức, WB, IMF. Nhờ vậy, các thành viên ban trù bị ngày càng hình dung rõ hơn về mô hình, tổ chức, vị trí, vai trò và những hoạt đông của HHNH các nước, từ đó áp dụng vào Việt Nam”. Thời bấy giờ điều kiện làm việc rất vất vả. Việc soạn thảo các tài liệu phải viết tay, dùng máy đánh chữ cọc cạch, in roneo…..

Không chỉ những khó khăn khách quan, đến tận bây giờ, ông Tửu vẫn còn nhớ như in các thông tin về những nhận thức, quan niệm, hoài nghi, dị nghị, băn khoăn của một số cán bộ, tổ chức ngay trong ngành về mô hình tổ chức và hoạt động của HHNH. Khi NHNN gửi các dự thảo về việc xây dựng Pháp lệnh Ngân hàng và việc thành lập Hiệp hội Ngân hàng đã có những thông tin gửi về Đảng ủy NHTW, đặt ra các câu hỏi hoài nghi, băn khoăn. Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng: những người soạn thảo Pháp lệnh Ngân hàng và ban trù bị thành lập HHNH “theo con đường tư bản chủ nghĩa”, “có màu sắc của ngân hàng tư bản”. Có những lập luận cho rằng: “Ta có Đảng cầm quyền, có các tổ chức quần chúng, công đoàn, phụ nữ… liệu có nên cho thành lập HHNH, sinh ra thêm đầu mối, lãng phí công sức của nhân dân và Nhà nước”. Ban trù bị phải tổ chức nhiều cuộc họp để giải thích, trả lời, làm rõ các quan điểm, hiểu biết về tổ chức và hoạt động của HHNH của các nước và vận dụng tại Việt Nam.

Kết thúc câu chuyện, ông Tửu cười tươi và nói: “Những thuận lợi, đặc biệt là các khó khăn, trở ngại là tất yếu trong quá trình hình thành một cái mới. Nhưng tất cả đã được khắc phục và đi đến thành công: HHNH Việt Nam được ra đời, trở thành người đại diện đáng tin cậy của hệ thống ngân hàng kinh doanh tại Việt Nam - nay đã 25 năm”.

Từ khóa » Trịnh Bá Tửu