Cuộc Cách Mạng Tiệm Cận Cơ Chế Thị Trường - Thời Báo Ngân Hàng

Đổi mới là tất yếu khách quan

Sau Đại hội VI của Đảng, ngành Ngân hàng Việt Nam từng bước tiếp cận và vận hành theo tinh thần đổi mới cơ chế quản lý và mô hình tổ chức hệ thống. Theo lời kể lại trước đây của cố Tổng giám đốc Lữ Minh Châu, vị Tổng Giám đốc NHNN đầu tiên của thời kỳ đổi mới hoạt động ngân hàng - ông đã tập hợp nhiều nhóm chuyên gia cả ở ngoài Bắc lẫn trong Nam để tìm hiểu những giải pháp, nhằm cải tiến hệ thống ngân hàng, với mục tiêu là nhanh chóng hoàn thành đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động và đổi mới hệ thống tổ chức ngân hàng” xin Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) cho làm thí điểm. HĐBT đã chấp thuận cho “làm thử” bằng Quyết định số 218/CT ngày 3/7/1987 do Phó Chủ tịch HĐBT Võ Văn Kiệt ký. Tuy nhiên khi đưa vào thí điểm thì Quyết định 218/CT còn cho thấy nhiều bất cập.

Sau đó, HĐBT đã ban hành Nghị định số 65/HĐBT ngày 28/5/1986 về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của NHNN, xác định nhiệm vụ và quyền hạn của NHNN. Song phải tới thời điểm Nghị định 53/HĐBT ra đời ngày 26/3/1988 mới xác định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn và bộ máy của NHNN. Theo đó NHNN là một cơ quan của HĐBT, được tổ chức thành hệ thống thống nhất trong nước gồm hai cấp: NHNN và các ngân hàng chuyên doanh trực thuộc. Với Nghị định 53/HĐBT, những manh nha của quá trình đổi mới hoạt động ngân hàng ngày càng rõ nét và trở thành những đòi hỏi khách quan về việc phải tiếp tục cải cách môi trường pháp lý để điều chỉnh hoạt động và tổ chức của ngành Ngân hàng trong bối cảnh phát triển mới. Lần đầu tiên trong lịch sử, NHNN được tách ra thành hai cấp và có hệ thống riêng từ trung ương đến tỉnh, thành phố để thực hiện các chức năng mang tính vĩ mô toàn ngành. Dù sau này, Nghị định 53/HĐBT còn nhiều chỗ chưa hoàn thiện nhưng với hoàn cảnh của tư duy, cơ chế thời điểm đó thì đây đã là một đột phá lớn.

cuoc cach mang tiem can co che thi truong

Nghị quyết Đại hội VII đã khẳng định nền kinh tế hàng hoá gắn với thị trường và cơ chế thị trường, coi đó là tất yếu khách quan. Theo định hướng chung của nền kinh tế, ngành Ngân hàng chuyển từ hệ thống ngân hàng một cấp, bao cấp sang hệ thống ngân hàng hai cấp. NHNN đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng và các NHTM trực tiếp kinh doanh tiền tệ, tín dụng và dịch vụ ngân hàng. Giai đoạn này, trọng trách của hệ thống ngân hàng Việt Nam phải đổi mới một cách sâu sắc, sử dụng có hiệu quả các công cụ quản lý vĩ mô để điều hành chính sách tiền tệ, thực hiện kiềm chế lạm phát, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là đột phá trong tiến trình đổi mới kinh tế đất nước.

Chủ trương nghiên cứu sâu để tìm ra con đường rõ hơn đổi mới căn bản hoạt động ngân hàng, HĐBT đã có Quyết định số 217/CT về “Chỉ đạo nghiên cứu đổi mới căn bản hoạt động ngân hàng” và Quyết định thành lập hai nhóm nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch HĐBT Võ Văn Kiệt. Nhiệm vụ chính của hai nhóm là soạn thảo đề án với ba nội dung chủ yếu: Đề xuất các quan điểm cơ bản về hoạt động ngân hàng phù hợp với việc thực hiện cơ chế quản lý kinh tế mới; Xây dựng chính sách tiền tệ, tín dụng và các công cụ quản lý mới gắn với tiền tệ, ngân hàng để áp dụng trong thời gian tới; Đề xuất phương án tổ chức cơ cấu hệ thống ngân hàng gồm NHNN Trung ương, ngân hàng phát triển và ngân hàng kinh doanh quốc doanh, cổ phần, hợp doanh với nước ngoài. Ngoài hai nhóm soạn thảo trên, thực tế còn một nhóm nghiên cứu thứ ba gồm những người đã làm trong ngành Ngân hàng thời kỳ trước năm 1975 cũng được Phó Chủ tịch HĐBT Võ Văn Kiệt giao soạn một đề cương nữa.

Tuy là làm việc độc lập, song ý tưởng và nội dung của đề án đều cơ bản được nhất trí đối với những vấn đề cốt lõi. Sau khi nghe và thông qua bản Đề án và dự thảo Nghị quyết của HĐBT, tới đầu tháng 3/1990, Chủ tịch HĐBT có Chỉ thị tiến tới một bước làm ngay các Pháp lệnh Ngân hàng.

Chuyển đổi mạnh mẽ và căn bản

Ông Trịnh Bá Tửu - nguyên Vụ trưởng Vụ chế độ, một trong những thành viên của Ban soạn thảo Pháp lệnh kể lại, thời điểm ban đầu dự thảo 3 Pháp lệnh là Pháp lệnh NHNN Việt Nam, Pháp lệnh các Ngân hàng và Hợp tác xã tín dụng, Pháp lệnh Ngoại hối. Đến ngày 10/4/1990, 3 Pháp lệnh này được trình HĐBT tại cuộc họp ngày 11/4/1990. Và tại cuộc họp này, Thường vụ HĐBT đã quyết định nhập phần ngoại hối vào Pháp lệnh NHNN và cho ý kiến chỉ đạo cụ thể để Ban soạn thảo tu chỉnh lại thành 2 Pháp lệnh.

Ngày 25/5/1990, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công ký Lệnh công bố 2 Pháp lệnh về Ngân hàng đã được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 23/5/1990. Ký ức đó chưa bao giờ quên đối với ông Trịnh Bá Tửu, bởi kể từ khi Ban Lãnh đạo NHNN giao trách nhiệm soạn thảo Pháp lệnh cho tới khi được ban hành chỉ có gần 2 tháng rưỡi mà phải tiến hành tất cả các khâu của quy trình gồm dự thảo, lấy ý kiến ngoài ngành và quốc tế (nhiều vòng), tu chỉnh, thông qua nhiều cấp… Số lần chỉnh lý, sửa đổi đến khi hoàn tất trình lên Hội đồng Nhà nước phải tới 20 lần, và khi đó chưa có đánh máy bằng vi tính, tất cả bản thảo đều phải viết tay. Song với ông, đó là “quãng thời gian khẩn trương, căng thẳng, miệt mài, làm việc bất kể ngày đêm, ngày nghỉ, nhưng rất sôi nổi, hào hứng, tin tưởng”.

Pháp lệnh số 37-LCT/HĐNN8 NHNN Việt Nam và Pháp lệnh số 38-LCT/HĐNN8 Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính (gọi tắt là Pháp lệnh tổ chức tín dụng) là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định sự chuyển đổi mạnh mẽ hoạt động ngân hàng sang cơ chế mới. Trên cơ sở đó, hệ thống ngân hàng đã được đổi mới căn bản và toàn diện từ hệ thống ngân hàng một cấp thành hệ thống ngân hàng hai cấp, tách bạch chức năng quản lý và kinh doanh tiền tệ. Theo đó, NHNN là Ngân hàng Trung ương, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng; các tổ chức tín dụng thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng.

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm đánh giá: “Hai Pháp lệnh ngân hàng được ban hành phù hợp với điều kiện Việt Nam và phù hợp dần với thông lệ quốc tế, đóng góp phần quyết định cho thành quả đổi mới của ngành Ngân hàng”.

Sau khi 2 Pháp lệnh ra đời, nhiều khâu trọng yếu của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có sự chuyển đổi từng bước mạnh mẽ và cơ bản. Giai đoạn 1991-1997, nguồn vốn huy động không ngừng tăng, năm 1997 đã tăng 4,1 lần so với năm 1991. Chỉ số huy động vốn trên GDP còn khá khiêm tốn, song có xu hướng ngày càng tăng dần, đến năm 1997 đạt mức 18%. Trong hoạt động cho vay, ngành Ngân hàng đã mở thêm nhiều hình thức cho vay mới như cho vay có bảo lãnh, cho vay bảo đảm bằng vàng, cho vay đối với các hộ buôn bán ở các chợ, cho hộ sản xuất nhỏ đô thị vay… Ngành Ngân hàng cũng bắt đầu thực hiện cơ chế mới: nhiều ngân hàng cho cùng một khách hàng vay, hay một khách hàng được vay nhiều ngân hàng… Từ tháng 6/1991, thực hiện triệt để chính sách lãi suất dương trong hoạt động tín dụng, biến động của lãi suất gắn với biến động của chỉ số trượt giá. Chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và tiền vay đã đảm bảo cho các NHTM bù đắp chi phí, đóng thuế, dự phòng rủi ro và có lãi.

Từ những năm 1990-1997 tỷ lệ cho vay trung và dài hạn tăng dần từ mức 17,1% năm 1991 lên 29% vào năm 1997; vốn hệ thống ngân hàng tập trung đầu tư sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đối với mọi thành phần kinh tế, không phân biệt đối xử. Trong 8 năm (1990-1997), nhờ tăng cường huy động vốn và đầu tư cho nền kinh tế, các tổ chức tín dụng đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế khi GDP luôn tăng khá và liên tục. Chất lượng tín dụng ngày càng có xu hướng cải thiện, tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng cho vay nền kinh tế giảm đáng kể từ 15-20% trước năm 1990 xuống còn 3,5% vào năm 1995. Dù vẫn còn một số hạn chế nhất định do môi trường pháp lý kinh doanh tín dụng, ngân hàng còn chưa hoàn chỉnh; hay nguyên nhân từ phía các doanh nghiệp khi vốn tự có nhỏ, trang thiết bị lạc hậu, năng lực vay vốn yếu kém… nhưng hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng nói riêng đang ngày càng biểu hiện tính định hướng phục vụ nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Hoạt động ngân hàng vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, nhờ vậy đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Từ khóa » Trịnh Bá Tửu