Bón Thúc đẻ Nhánh Cho Cây Lúa

Bình thường sau cấy 5 -7 ngày cây lúa có thể bén rễ hồi xanh, chuyển sang đẻ nhánh. Nếu trời âm u, thiếu ánh sáng, nhiệt độ thấp, thời gian bén rễ hồi xanh kéo dài 10 - 12 ngày sau cấy.

              Làm cỏ, sục bùn cho cây lúa ngay sau khi bón thúc

Thời kỳ đẻ nhánh, cây lúa phát triển nhanh và mạnh về số dảnh, số lá và bộ rễ do vậy đây là thời kỳ quyết định đến số lá và số bông trên khóm.

Thời gian đẻ nhánh của cây lúa phụ thuộc vào loại giống, thời vụ và biện pháp kỹ thuật canh tác. Thời gian đẻ nhánh có thể kéo dài trên dưới 60 ngày ở vụ đông xuân, 40 - 50 ngày ở vụ mùa.

Nếu được bón thúc sớm, quá trình đẻ nhánh sớm, để tập trung giúp cây lúa tăng số dãnh hữu hiệu; còn nếu bón phân nhiều, bón muộn và bón lai rai thời gian đẻ nhánh kéo dài; mật độ gieo cấy thưa thời gian đẻ nhánh dài hơn so với cấy dày và tuổi mạ non thời gian đẻ nhánh dài hơn so với mạ già.

Trên cây lúa chỉ có những nhánh đẻ sớm, ở vị trí mắt đẻ thấp, có số lá nhiều, điều kiện dinh dưỡng thuận lợi mới có điều kiện phát triển đầy đủ để trở thành dảnh hữu hiệu (dảnh hình thành bông lúa) do vậy cần phải bón thúc lần 1 cho cây lúa.

Lượng phân tính cho 1.000 m2, đối với lúa thuần bón 12 - 14 kg phân đạm urê + 5 - 6 kg phân kali; đối với lúa lai bón 16 - 20 kg phân đạm urê + 6 - 7 kg phân kali.

Khi bón thúc lần 1 cho cây lúa phải kết hợp sục bùn, làm cỏ bằng tay giúp cho bộ rễ thoáng khí, cây sinh trưởng thuận lợi. Sục bùn lúc này đất còn mềm dễ làm, giảm công lao động và cỏ mới mọc dễ chết bởi hạt cỏ lúc này đa số chưa nảy mầm sẽ bị vùi sâu. Đồng thời sục bùn giúp cho việc hòa phân và vùi sâu phân vào đất, hạn chế sự bay hơi, rửa trôi các loại phân vô cơ khi bón cho cây, giúp cây lúa sử dụng nguồn dinh dưỡng sớm, kích thích đẻ nhiều nhánh.

Khi nhiệt độ xuống thấp dưới 150C tuyệt đối không bón phân đạm và cần giữ mực nước trong ruộng từ 2 - 3 cm để chống rét cho lúa./.

Từ khóa » Thời Gian đẻ Nhánh Của Cây Lúa