️ Bóng Tim To Trên X Quang Tim Phổi: Bạn Cần Biết Thêm Gì?

1. Bóng tim to là bệnh gì?

Bóng tim to là tình trạng kích thước tim lớn hơn bình thường trên các hình ảnh cận lâm sàng như phim chụp Xquang ngực, CT scan ngực, siêu âm tim… Đây thường là dấu hiệu bệnh hay biến chứng của bệnh tim mạch nào đó.

Tình trạng bóng tim to trên X quang gặp chủ yếu ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên bóng tim to ở trẻ hoặc bóng tim to ở thai nhi cũng không phải hiếm gặp.

Tim có thể to ra bằng 2 con đường:

  • Giãn nở: Thành tim mỏng hơn, căng giãn ra và yếu đi.
  • Phì đại: Thành tim dày lên, khả năng đàn hồi giảm.

Dù theo con đường nào, người bệnh bị bóng tim to cũng có nguy cơ bị suy tim (tim giảm khả năng bơm máu) trong tương lai.

2. Nguyên nhân gây bóng tim to

Bóng tim to thường xuất hiện sau khi có một bệnh lý nào đó khiến tim phải bơm máu mạnh hơn bình thường hoặc trực tiếp làm tổn thương cơ tim. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể không tìm ra nguyên nhân dẫn đến tim to ra. Các trường hợp này sẽ được chẩn đoán là chứng tim to vô căn.

Những nguyên nhân có thể dẫn đến hình ảnh bóng tim to trên X quang là:

  • Huyết áp cao: Khi bị tăng huyết áp, tim phải bơm máu mạnh hơn. Cơ tim to ra và thành thất trái dày lên (phì đại thất trái).
  • Bệnh van tim: Van tim bị tổn thương do các nguyên nhân nhiễm trùng, dị tật bẩm sinh, rối loạn nhịp tim hoặc tác dụng phụ của xạ trị cũng có thể khiến tim to ra.
  • Bệnh cơ tim phì đại: Ở những người bệnh này, cơ tim sẽ dày lên trông thấy. Điều này cũng dẫn đến hình ảnh X quang bóng tim to.
  • Tăng áp động mạch phổi: Tình trạng áp lực trong động mạch phổi tăng lên cũng khiến tim của bạn cần phải co bóp mạnh hơn để trao đổi máu giữa phổi và tim. Kết quả là, tâm thất phải có thể to ra.
  • Bệnh động mạch vành: Trong bệnh mạch vành, các mạch máu bị hẹp lòng do mảng xơ vữa bám vào thành mạch máu. Điều này dẫn đến hệ lụy tim phải co bóp mạnh hơn và nhiều hơn để đảm bảo tổng lượng máu được vận chuyển đến khắp cơ thể.
  • Tràn dịch màng ngoài tim: Trường hợp này không hẳn là “quả tim” to ra. Nhưng do có dịch đọng ở giữa màng tim và tim nên hình ảnh trên phim chụp X-quang ngực vẫn cho kết quả bóng tim to.
  • Thiếu máu: Thiếu máu mạn tính cũng là một trong các nguyên nhân khiến tim phải tăng cường hoạt động để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
  • Rối loạn tim bẩm sinh: Đây là nguyên nhân gây bóng tim to ở trẻ sơ sinh. Điển hình phải kể đến thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, tứ chứng Fallot, dị thường Ebstein và co thắt động mạch chủ.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng dẫn đến bóng tim to tạm thời. Cụ thể uống quá nhiều rượu hoặc sử dụng ma túy, căng thẳng quá độ, mang thai, nhiễm vi-rút ở tim…

3. Nên làm gì khi bị bóng tim to?

Nhiều trường hợp bóng tim to nhẹ hoặc tim to tạm thời có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, người bệnh sẽ cần thăm khám định kỳ hàng năm để theo dõi tiến triển của bệnh và kịp thời điều trị khi chức năng tim bị ảnh hưởng.

Nếu bóng tim to gây triệu chứng, cho thấy người bệnh đã bị suy giảm chức năng tim, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kết hợp thay đổi lối sống và can thiệp phẫu thuật khi cần.

Cách điều trị bóng tim to sẽ được quyết định dựa trên nguyên nhân gây bệnh, ví dụ:

  • Tim to do huyết áp cao: Người bệnh sẽ được sử dụng thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB) và/hoặc thuốc chẹn beta để hạ huyết áp.
  • Tim to do rối loạn nhịp tim: Các thuốc chống loạn nhịp tim, phẫu thuật cấy máy tạo nhịp tim và máy khử rung tim (ICD) sẽ được chỉ định.
  • Tim to do các vấn đề về van tim: Bác sĩ có thể yêu cầu bạn phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế van bị hẹp hay hở.
  • Tim to do động mạch vành bị hẹp: Can thiệp động mạch vành qua da, đặt stent, ghép nối động mạch vành (CABG) và sử dụng các thuốc giãn mạch nhóm nitrat sẽ hiệu quả trong trường hợp này.

Trường hợp người bệnh đã tiến triển thành suy tim, lựa chọn tốt nhất là dùng thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn bêta, thuốc co mạch hoặc thiết bị hỗ trợ tâm thất trái LVAD ở một số trường hợp nặng.

Mặc dù không thể giúp kích thước tim trở về bình thường, nhưng thay đổi lối sống và các giải pháp không dùng thuốc khác sẽ giúp tình trạng này không trở nên tồi tệ hơn và giảm nguy cơ suy tim. Cụ thể, người bệnh bị tim to nên:

  • Thực hiện chế độ ăn nhạt, tránh thuốc lá và rượu.
  • Theo dõi và kiểm soát huyết áp, đường huyết, cân nặng hàng ngày.
  • Ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm, không thức quá khuya.
  • Hạn chế căng thẳng quá mức.
  • Tập thể dục vừa sức 20 – 30 phút mỗi ngày.

Tìm hiểu thêm về: Thiết bị hỗ trợ tâm thất

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » đọc X Quang Tim