[Bookademy] Review Sách "Bảy Bước Tới Mùa Hè" : Thanh Xuân Là ...
Có thể bạn quan tâm
“Bạn cũng biết rồi đó, kí ức là một ngôi nhà kho quý báu, nơi cất giữ những gì đã xảy ra trong cuộc đời của mỗi người. Nói cách khác, kí ức cất giữ những kỉ niệm. Nhưng không phải những gì xảy ra trong cuộc đời đều hóa thành kỉ niệm. Chẳng hạn cách đây mười lăm năm, bạn từng khóc vì bụi bay vào mắt. Kí ức của bạn sẽ không lưu giữ trận khóc tầm thường đó. Nhưng nếu cách đây mười lăm năm bạn khóc vì chia tay mối tình đầu vụng dại, cơn mưa nước mắt ấy sẽ hóa thành cơn mưa kỉ niệm”
Bạn biết không, trái tim cũng có ngữ pháp riêng của nó đấy! Và trong hệ thống ngữ pháp rối rắm và đầy mờ đục ấy, “yêu” là một động từ bất quy tắc. Có người từng nói với tôi rằng thanh xuân cũng như một thoáng mưa rào vậy, dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa thì bạn vẫn luôn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy một lần nữa. Mối tình đầu được người ta ví như bông tuyết đầu mùa dịu nhẹ sớm tan đi, để lại những giọt nước trong vắt, những cảm xúc thuần khiết, lẫn lộn. Kỉ niệm về cái tuổi 15 đầy vụng dại dẫu có trôi qua, nhưng vĩnh viễn vẫn còn đó trong tâm hồn một nỗi vấn vương khó tả, một nỗi vấn vương tựa làn gió buốt trong lành vừa thoáng qua trong tâm trí. Và với lối viết hóm hỉnh, vui tươi nhưng vẫn rất cuốn hút, tác phẩm “Bảy Bước Đến Mùa Hè” thực sự đã chinh phục được bạn đọc khi nghĩ về một thời đầy hồn nhiên và ngây thơ của những trái tim “đang lớn”.
Nếu bạn là một người hay đọc truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chắc hẳn bạn cũng không còn lạ gì với cách kể chuyện và những tác phẩm của ông. Phần lớn các tác phẩm mà ông viết đều nói về tình bạn, về tuổi trẻ và cả những rung động đầu đời. Nhưng trái với những câu truyện như “Mắt biếc” hay “Ngồi khóc trên cây”, “Bảy bước tới mùa hè” có lẽ là câu chuyện có kết thúc có hậu nhất, đánh thức “những năm tháng ấu thơ” bên trong bạn, giúp bạn nhớ lại tuổi học trờ trong veo với những bâng khuâng tình cảm “treo ngược cành cây” này.
Lấy bối cảnh về một miền quê thanh bình, yên ả, nơi có ánh nắng lấp lánh, có làn gió phả hương se, có những cánh đồng trải xa tít tắp,… tác giả đã khắc họa nên một bức tranh tuyệt đẹp về mùa hè đầy sống động của những đứa trẻ như Khoa, Mừng, nhỏ Đào và nhỏ Trang.
Mùa hè ngọt ngào bắt đầu, những tình cảm trong tim cũng mới chớm nở…
Khoa – Một cậu nhóc 14 tuổi từ thành phố về quê ngoại trong dịp nghỉ hè. Ở đây cậu đã cùng Mừng – Đứa bạn thân cũng trạc tuổi mình trải qua biết bao nhiêu là chuyện. Ngày trước, khi vẫn còn nhỏ, ở quê Khoa có một quy ước bất thành giữa bọn con trai với nhau. Đó là đứa nào chọc con gái khóc thì sẽ là anh hùng, còn nếu làm bạn với lũ con gái, đứa đó sẽ là đồ bỏ đi. Thật đúng là cái quy ước “ngốc xít”. Nhưng đến năm nay, khi về quê, Khoa bỗng bất chợt thấy nhỏ Trang – Đứa hàng xóm bên giậu mồng tơi bỗng trở nên “là lạ”. Nó thấy nhỏ xinh xinh, một điều mà trước đây nó chưa bao giờ nhận thấy. Khoa kể cho Mừng nghe và cũng ngạc nhiên khi thằng bạn “chí cốt” cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự mình. Và sau những lần tự dối lừa cảm xúc, cả hai mới bất chợt nhận ra trái tim mình cũng đã bắt đầu “rung rinh”. Vì vậy hai đứa nhóc “bàn bạc” ra “trăm phương nghìn kế” để tiếp cận người đẹp là “nhỏ Trang” và “nhỏ Đào”. Trong tim tụi nó, 2 nhỏ luôn là những “công nương” đáng yêu, dễ thương nhất và cần được “bao bọc” cả đời. Những câu chuyện hồn nhiên đến mức cười ra nước mắt giữa Mừng và Khoa thực sự đã khiến cho người đọc cảm thấy thích thú, tò mò xem những diễn biến tiếp theo…
Vì bấy lâu nay mỗi lẫn gặp đều bắt nạt nhỏ Trang nên giờ Khoa không biết nên mở lời bằng cách nào. Còn nhỏ Trang thấy Khoa thì sợ như mất hồn! Nhưng có lẽ nhỏ không biết rằng, Khoa của năm nay đã khác. Nó cũng bắt đầu “nhớn” rồi đấy. Khi thấy nhỏ Trang đi qua, Khoa im bặt, bụng giật thon thót, mặt cố lảng đi chỗ khác ngắm cảnh lâu ơi là lâu, để rồi khi nhỏ về, đầu óc “anh chàng” lại bâng quơ, nghĩ ngợi vẩn vơ. Ngày nào cũng thế, mỗi lần thấy Trang là nó lại giả vờ ngắm nghía cái gì đó một cách chăm chú như thể vừa phát hiện ra một “kì quan thiên nhiên mới” của thế giới không bằng! Vì thế mà về quê đã được nửa tháng mà Khoa cũng chưa nói chuyện được với nhỏ lần nào. Nó chỉ dám nhìn trộm mà thôi.
Sau bao nhiêu hôm phải vò đầu bứt tóc, Khoa tìm ra được một cách để tiếp cận nhỏ. Đó là đi học thêm lớp thầy Tám. Với một đứa cực kì lười và nhác học như Khoa thì đây quả là một chuyện lạ đối với dì Liên – Dì của nó. Nhưng quyết hành động vì trái tim, Khoa đã nói dối dì, nó nói êm ru, nói như rót mật, nào là đưa ra những lí lẽ đến giả vờ là một đứa cháu ngoan, những điều đó đã khiến cho người dì phải gật gù khen và cho nó đi học:
– Mày siêng học từ bao giờ thế hả Khoa?
- Cháu siêng học từ lâu rồi, tại dì không biết đó thôi.
- Tao mà không biết mày á? Tao còn lạ gì mày nữa hả Khoa – Dì Liên rọi mắt vào mặt Khoa, như muốn lục lọi xem sự dối trá nấp ở đâu đằng sau vẻ mặt thật thà đáng ngờ của thằng bé – Những mùa hè trước, tao thấy mày toàn chạy nhảy nghịch phá, tập vở của mày vứt tận đâu đâu kia mà.
Khoa nặn ra vẻ mặt của một con mèo giận dỗi:
- Tại những năm trước cháu còn bé. Năm nay cháu đã lớn rồi mà dì.
Dì Liên nghiêng đầu qua một bên, dùng mắt soát xét thằng bé từ đầu tới chân, rồi từ chân lên đầu. Dì rà rà như vậy một lúc rồi gật gù đổi giọng:
- Ờ, cháu lớn rồi mà dì không để ý.
Đấy, bạn có thể thấy Khoa là một cậu bé rất lém lỉnh phải không? Tất nhiên khi thấy đứa cháu mình bỗng nhiên ham học thì dì phải vui rồi, vui đến mức mở cờ trong bụng nữa cơ. Vậy mà thật đáng tiếc thay, dì không biết rằng thằng cháu hết mực yêu quý của dì đã lừa dì chui vào cái lớp đã học đã qua rồi!
Bước đầu tuy thành công rực rỡ nhưng ý “trời” đã sắp xếp, nó chỉ có thể vượt qua được cái cửa ải đầu tiên này, còn ở cửa ải tiếp theo thì sao? Là thế này đây, ngày đầu đến lớp, Khoa bị xếp ngồi ở một chỗ xa lắc xa lơ (hay chính xác hơn là cách xa nhỏ Trang nên nó cảm thấy vậy!). Đã thế, đi học ở lớp thầy Tám chỉ có những công thức toán hóa chằng chịt, rối như tơ vò, khiến mắt nó bị “nhức” mỗi lần nhìn lên bảng. À, nói vậy thôi nhưng Khoa năm nay đã sắp lên lớp 10, những kiến thức cơ bản như thế đối với nó chỉ là chuyện “cỏn con”. Nhỏ Trang ngồi bên cạnh Bông – Một đứa nhóc luôn cậy khỏe, đứa luôn đem lại cho Khoa rất nhiều tai quái, khiến cho nó nhiều lúc chỉ biết than trời. Đáng tiếc thay cho Khoa, chỉ vì muốn ngồi bên cạnh nhỏ Trang mà phải đi tong mất một chiếc bánh mì kẹp thịt, đã thế kết quả cũng chẳng thu lại được gì. Cũng không lâu sau đó, Khoa tiếp tục bị đuổi học bởi tội vẽ “xấu” thầy giáo!
Những tình tiết “éo le tréo ngoe” trong lớp học, những lí lẽ dở khóc dở cười khi đối đáp với thầy giáo của Khoa khiến bạn đọc cũng phải phì cười.
Kế hoạch tác chiến của những trái tim đang lớn, hàng loạt pha thả “thính” ra đời…
Sau khi đuổi khỏi lớp trong ấm ức, đã thế lại chẳng nói được gì với nhỏ Trang, Khoa đã tìm Mừng bàn kế hoạch “trả thù” thằng Ninh – Đứa gián tiếp dẫn đến việc nó bị đuổi học và cả thầy Tám nữa!
- Làm gì mày nhìn tao chằm chằm vậy?
- Mày không phải là đồ tồi – Mừng nói, chẳng ăn nhập gì với câu hỏi của Khoa.
Trong khi Khoa đang kinh ngạc đến há hốc miệng, Mừng gật gù tiếp:
- Mày cũng không phải là đồ phản bội.
Khoa nghe tai mình kêu ong ong, biết Mừng hết giận mình nhưng sự thay đồi thái độ đột ngột của thằng này vẫn khiến nó ngờ vực.
Khoa muốn nói một câu gì đó nhưng nghĩ mái vẫn không biết nên nói gì, miệng cứ ú ớ:
- Ơ… Ơ…
- Ơ gì mà ơ! Mừng vỗ vai bạn mỉm cười – Mày thích nhỏ Trang phải không?
Khoa không nói “có” hay “không” nhưng mặt nó đỏ ửng lên như trái cà chua sắp chín.
- Tao biết mày thích nhỏ Trang. Ờ, năm nay mày lớn rồi đó Khoa!”
Lời thú tội thật thà của Khoa và cách Mừng nói khiến bạn đọc cũng phải bật cười vì sự hồn nhiên của hai cậu bé “mới lớn”. Hành động Khoa đỏ mặt thay cho câu trả lời có lẽ cũng đã phần nào gợi lại kí ức một thời “ngày xửa ngày xưa” trong tim của độc giả.
Có lẽ do quá mê phim kiếm hiệp mà kế hoạch của Mừng là “vào rừng làm cướp”. Nhờ việc đi làm cướp mà Mừng cũng mới may mắn có cơ hội để nói ra những lời “vô cùng sến súa” ở trong lòng với nhỏ Đào. Tiếc thay, kế hoạch “trả thù” của cả hai sau đó cũng nhanh chóng bất thành. Khoa và Mừng buồn thiu, cả hai cùng ngập trong ê chề nỗi chán chường ở chuỗi những ngày sau đó. Nhưng Khoa còn buồn hơn cả Mừng, bởi ít ra Mừng cũng đã nói chuyện được với nhỏ Đào (dù nhỏ cũng chẳng biết đứa bịt mặt kia là Mừng) còn nó thì không. Cứ hễ đi bên nhỏ là nó lại bị đánh rơi hết vốn từ, bao nhiêu ý tưởng ngồn ngộn trước đó cũng vì thế mà tan biến hết. Đã thế Khoa còn bị kết tội là “lăng nhăng” từ nhỏ Trang nữa.
Lại nói đến Mừng, từ khi vào rừng làm cướp và nói những lời lẽ ấy với nhỏ Đào, nó cũng không biết nên bắt chuyện lại với nhỏ từ đâu. Nhưng Mừng không giống Khoa, nó nhanh chóng “bắt thân”, làm bạn với ông ngoại nhỏ Đào, tranh nhiệm vụ đưa ông đi dạo mỗi ngày một cách nhiệt tình.
– À, tao hiều rồi! Mày muốn độc quyền ông Mười chứ gì! Mày sợ nhỏ Đào nhìn thấy hai đứa cùng xúm vào chăm sóc ông ngoại nó, nó sẽ phân vân không biết nên thích mày hay thích tao phải không?
Phân tích của Khoa làm Mừng đỏ mặt. Nó khụt khịt mũi:
- Bậy!
Xưa nay khi phản đối chuyện gì, Mừng hay nói: “Bậy”. Đây là từ cửa miệng của nó.“Bậy” có nghĩa là “không đúng”, là “làm gì có chuyện động trời đó”. Nhưng đó là khi Mừng thốt ra một cách oai phong, hùng hổ. Còn khi nó nói “bậy” bằng giọng ỉu xìu, gượng gạo như lúc này thì “bậy” gần giống như là “mày nói đúng rồi nhưng nhỏ giọng chút coi.”
Sau màn phân tích nội tâm đầy “thấu đáo” này, Khoa cũng đã bắt đầu nói chuyện được với Trang dù chỉ nói đúng một ít. Khoa nhanh chóng khoe “chiến tích” với Mừng rồi tiếp tục được đà, ba hoa, “thêm mắm thêm muối” dưới ánh mắt khoa khát ngưỡng mộ của đứa bạn. Nhưng vận may không chỉ đến với Khoa. Vài ngày sau, Mừng may mắn được ông Mười cho theo về nhà … dọn chuồng heo (chính xác là nó tự nguyện năn nỉ ông). Nhờ vậy mà Mừng và Đào có thể nói chuyện dù chủ đề vẫn cứ xoay quanh “những con heo” mãi. Trong mắt Mừng, chuồng heo nhà ông Mười chẳng khác gì cung điện mặc dù có bốc mùi nồng nặc đi chăng nữa!
Nhìn Mừng ngày nào cũng được trò chuyện với “công nương” của mình, Khoa đâm ra ghen tị vì mình chẳng nói gì được với nhỏ Trang cả. Và rồi nó bày cho Mừng cách tỏ tình (thực ra đây là cách nó nghĩ ra nhưng chưa dám áp dụng nên xúi thằng bạn làm thử). Còn Mừng, tất nhiên là anh chàng sẽ làm theo rồi.
“Khoa gặng hỏi hoài làm Mừng bực mình. Nó ngoác miệng tuôn một lèo:
Nói chung là tao làm đúng y như lời mày dặn, không sai chút nào hết á. Lúc tao và nó đang ngồi trộn thức ăn cho heo trước cửa chuồng, tao trố mắt nhìn trân trối vào mặt nó. Một lát, nó ngẩng lên thấy tao nhìn ghê quá, liền thắc mắc. Nó thắc mắc y như mày nói “ Mặt em dính lọ ghẹ hay sao mà anh nhìn em chằm chằm vậy?” Nghe vậy, tao mừng quýnh, nhanh nhảu thốt ra cái câu mày mớm. Tao nói tao không thể nào rời mắt khỏi nó vì gương mặt nó bừng sáng như có ngàn tia nắng chiếu vào…
Khoa hồi hộp chen ngang:
- Thế là nó bẽn lẽn quay mặt đi phải không?
- Nó chẳng bẽn lẽn gì cả. Nó còn bĩu môi trách “Vậy mà anh không biết chạy vô nhà lấy cho em cái nón”. Tại lúc đó tụi tao ngồi ở ngoài cửa chuồng, nắng đang chiếu vô mặt nó thật.
Khoa không ngờ câu chuyện của Mừng lại xoay ra như thế. Khoa ôm bụng cười bò. Khoa cười đến đau cả bụng mà vẫn không ngừng được…”
Vậy là phi vụ “thả thính” lần này thất bại trong “đau đớn”! Nhưng đến cuối chuyện, Mừng đã được đền đáp tình cảm khi nhỏ Đào đã hiểu cho “tâm tư” của nó. Còn chàng Khoa của chúng ta thì sao? Hết kì nghỉ hè, Khoa quay lại thành phố và hiểu ra một điều: “ Người lớn thích nhau rồi cưới nhau. Còn trẻ con tụi mình thích nhau rồi ráng lớn nhanh nhanh để trở thành người lớn mày à!”
Hẳn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phải am hiểu tâm lí của tuổi mới lớn nhiều lắm nên mới miêu tả nội tâm của hai chàng trai này một cách sâu sắc được đến vậy. Những câu chuyện nhỏ nhặt, những tâm tình ít khi được nói ra, nay qua ngòi bút và ngôn từ của nhà văn lại trở nên nhẹ nhàng một cách lạ lùng. Có lẽ những chàng trai ngây ngô đang tập làm người lớn này không hề biết thế nào là định nghĩa đúng của từ “thích” nhưng vẫn rất nhiệt tình bày cách cho đứa bạn “cưa đổ” được trái tim của con gái. Có thể nói đây không chỉ đơn thuần là một câu chuyện tình cảm giữa những cô cậu nhóc mà đúng hơn là một câu chuyện đẹp về tình bạn . Những cô cậu học trò trong sáng thuần khiết, họ không toan tính, nghĩ ngợi gì nhiều mà chỉ chấp nhận mọi chuyện như một lẽ tự nhiên của “tình yêu”.
“Hay tặng em một sớm mai hồng
Cụm mây vàng trở nắng đi rong
Mênh mông trời đất không bờ bến
Kiếm chỗ nào cho mưa xuống thăm.
Hay tặng em một chuyện tình dài
Đọc hoài mà chưa tới chương hai
Yêu hoài mà vẫn chưa tan vỡ
Xa cách hoài mà chẳng nhạt phai?”
Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Bảy bước tới mùa hè sẽ là món quà mà ông dành tặng bạn đọc thân thiết. Và vẫn dùng cây đũa thần là giọng kể chuyện hóm hỉnh của mình, khiến ai đọc qua cũng thấy xao xuyến với một thưở hồn nhiên cắp sách đến trường. Tập truyện là một phép màu mở cho những người lớn về với vùng trời tươi đẹp tuổi thơ, đồng thời cũng đưa đến cho bạn đọc nhiều cảm xúc. Đây cũng thật sự là một cuốn cẩm nang bổ ích giúp bạn tìm về với chân lí của trái tim. Hãy cầm cuốn sách lên và đọc, những năm tháng ấu thơ sẽ ùa về bên bạn, có thể khi nhớ lại những tình cảm trong veo màu nắng tim bạn sẽ trật nhịp thêm một lần nữa đấy!
Tác giả: Phương Hoa - Bookademy
------
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Từ khóa » Tóm Tắt Truyện Bảy Bước Tới Mùa Hè
-
Review Bảy Bước Tới Mùa Hè | Nguyễn Nhật Ánh
-
[Review - Trích Dẫn] Bảy Bước Tới Mùa Hè - Nguyễn Nhật Ánh
-
Review Sách Bảy Bước Tới Mùa Hè – Nguyễn Nhật Ánh
-
Bảy Bước Tới Mùa Hè: Tình Yêu Vụng Dại Thuở Thiếu Thời - Revelogue
-
[Review Sách] Bảy Bước Tới Mùa Hè – Cuốn Sách Hay Về Miền Ký ức ...
-
Bảy Bước Tới Mùa Hè - Một Câu Chuyện Giản Dị Về Tuổi Thơ
-
Review Sách Bảy Bước Tới Mùa Hè
-
[Bookademy] Review Sách: "Bảy Bước Tới Mùa Hè" - YBOX
-
Bảy Bước Tới Mùa Hè: Truyện Dài - Nhà Xuất Bản Trẻ
-
Bảy Bước Tới Mùa Hè - Chuyến Tàu Trở Về Với Tuổi Thơ
-
Review Sách "bảy Bước Tới Mùa Hè" - Blog Tìm Cách Kiếm Tiền
-
Bảy Bước Tới Mùa Hè By Nguyễn Nhật Ánh - Goodreads
-
Trích Dẫn] Bảy Bước Tới Mùa Hè - Leowiki