Review Bảy Bước Tới Mùa Hè | Nguyễn Nhật Ánh

“Bảy bước tới mùa hè”, có thể nói là chiếc cầu của miền kí ức mà Nguyễn Nhật Ánh đã dày công xây dựng để dành tặng cho những ai đã và đang đi quá xa tuổi thơ của mình nhưng lại ao ước được một lần quay trở lại để gặp lại chính mình của ngày xưa

Ai trong chúng ta chẳng có một thời để nhớ, để vấn vương suốt cả một đời người. Mỗi lần đọc “ bảy bước tới mùa hè” là lại một lần được nhìn thấy những vấn vương thời ấu thơ ấy, sôi nổi và nồng nhiệt, trầm mặc và yêu thương như mới xảy ra ngày hôm qua. Nguyễn Nhật Ánh không phải là một cái tên xa lạ đối với những người yêu mến văn học Việt Nam. Là nhà văn chuyên viết sách cho trẻ em, ông lặng lẽ đi tìm mật ngọt trong quá khứ, chắt chiu từng giọt nắng mà kết tinh thành những tác phẩm đi suốt cả một đời người. Không quá khi cho rằng “Bảy bước tới mùa hè” là một trong những tác phẩm thành công nhất của Nguyễn Nhật Ánh, về cả phương diện nghệ thuật và nội dung khi truyền tải xuất sắc những hình ảnh của tuổi thơ mà ai cũng đã từng trải qua.

Bảy Bước Tới mùa hè

  • [Nguyễn Nhật Ánh] Ngày xưa có một chuyện tình
  • [Nguyễn Nhật Ánh] Đảo Mộng Mơ
  • Mắt biếc – Kết cục buồn cho những kẻ ôm mối tình si

Tính cách người lớn và trẻ con đan xen trong từng nhân vật

“Bảy bước tới mùa hè”  xoay quanh những nhân vật ở độ tuổi mới lớn, độ tuổi mà những cơn mưa rào mới lạ ngày ngày vẫn rơi xuống để nuôi dưỡng những tâm hồn còn trẻ dại nhưng lại rất nhạy cảm với những cảm xúc mới- Khoa, Mừng, Bông, Trang và Đào

Khoa- chàng trai si tình là nhân vật mở đầu tác phẩm. Xuất hiện với phong cách rất đặc biệt, của một phù thủy nhưng đầy vẻ lãng tử, gào thét những câu hát để gửi tới người mình thương: “Trên chiếc chổi bay này tôi nhớ em. Giữa cơn gió lạnh tê người này tôi nhớ em”. Phù thủy của chúng ta trong một kì nghỉ hè phải lòng cô bạn hàng xóm- Trang, vì cô nàng mà chàng đã làm những việc mà chẳng ai có thể ngờ tới. Nào là lừa ông để lấy tiền học lớp mà khoa đã học rồi chỉ để được gần với Trang. Nào là mong muốn được vào rừng làm cướp để nói chuyện với cô bạn vì bình thường Khoa không thể mở miệng được. Những tình cảm trẻ con, những thổn thức của mối tình đầu rơi xuống trái tim bé nhỏ của Khoa. Tác giả đã miêu tả rất thành công tâm trạng bối rối khi lần đầu tiên yêu một người của nhân vật. Biết ngại ngùng, biết lo âu, biết sợ hãi vì “mất hình tượng” trước người mình thương. Chàng trai năm nào còn ra suối tắm, bắt cá bắn chim nay đã biết ngồi vẩn vơ nghĩ về một người, biết đau buồn khi phải rời xa Trang, biết liều mình bảo vệ người mình thương. Bởi hè năm nay Khoa đã lớn….

Nguyễn NHật Ánh 7 bước tới mùa hè review

Mừng- bạn thân của Khoa, được khắc họa là một nhân vật có tính cách phóng khoáng, ham chơi nhưng lại rất tốt bụng. Mừng đã từng giận Khoa khi Khoa đột nhiên lại đi thích con gái, cho rằng khoa là kẻ phản bội. Ấy vậy mà cuối cùng chàng cũng không thoát khỏi lưới tình của nhỏ Đào. Bởi cũng giống như Khoa, Mừng cũng đã lớn, năm nay, Mừng bắt gặp mình ngại ngùng khi gặp Đào, thấy bất ngờ khi đột nhiên mình quan tâm đến cô bạn nhiều hơn. Khác với Khoa, ngay khi chạm mặt những rung động ấy, Mừng đã biết mình thích Đào. Nhưng cũng giống như khoa, hai trường phái tính cách người lớn và trẻ con tồn tại trong Mừng. Anh chàng mê đắm truyện hiệp sĩ giang hồ, cùng Khoa và Bông vào rừng làm giả làm cướp, đánh bạn chặn thầy. Đương nhiên đó chỉ là những trò chơi trẻ con, xuất phát từ tấm lòng nghĩa hiệp muốn trả thù cho bạn. Khi khoác trên mình chiếc mặt nạ, Mừng can đảm là thế. Vậy mà khi đối diện nhỏ Đào, Mừng cũng chỉ là một chàng trai mới yêu, tìm mọi cách để lấy lòng cô bạn, nghĩ ra trăm phương ngàn kế, kể cả vào rừng làm cướp để lấy lòng cô bạn, để rồi lại buồn vẩn vơ khi không được để ý.Nhưng có một điều chắc chắn là tình cảm của Mừng rất chân thành và trong sáng. Có thể nói Nguyễn Nhật Ánh là bậc thầy trong miêu tả tâm lý những nhân vật mới lớn, khi rất trẻ con, khi lại rất trưởng thành trong suy nghĩ.

Tuyến nhân vật phụ – Trang và Đào là những nàng thơ trong câu chuyện tình của Khoa và Mừng. Được khắc họa là những nhân vật ngây thơ và dễ thương. Trong sáng và ngây thơ đến độ không ít lần làm các chàng trai hụt hẫng và đau đớn vì sự hững hờ của các nàng. Nhưng nói cho cùng, sự xuất hiện của họ đã trở thành một nốt nhạc trong nhất, tuyệt vời nhất trong bản nhạc cuộc đời của Khoa và Mừng.

Chất thơ dào dạt cất lên từ bối cảnh làng quê yên bình

Có lẽ cuộc đời là một chiếc đồng hồ, chỉ có thể tiến chứ không thể lùi. Con người ta thường tiến về phía hào nhoáng của ánh đèn mà quên mất vẻ hiền dịu của ánh trăng. Nguyễn Nhật Ánh lại khác, ông lặng lẽ đi về miền quê dạt dào ánh nắng của tuổi thơ, thấm đẫm những cơn gió trải dài trên những con suối, nhẹ nhàng những tiếng cười khúc khích nơi thôn quê bình lặng. Ở nơi ấy, Khoa và Mừng thưởng thức một mùa hè tràn ngập nắng và gió, một mùa hè của sự đổi thay trong tâm hồn của những nhân vật. Là những buổi chiều Khoa và Mừng bàn bạc những kế hoạch tác chiến để gây ấn tượng vơi Trang và, Đào. Là cánh rừng ấm áp bao bọc lấy những tên tướng cướp con khi họ quyết định giả làm cướp. Là những trận đòn roi của dì Liên khi Khoa nghịch ngợm, những con đường dát vàng màu lúa khi Mừng dắt ông của Đào đi dạo. Tất cả những hình ảnh rất đỗi thân thương tưởng chừng đã đi vào dĩ vãng nay một lần nữa được tác giả làm sống dậy trong tròng độc giả. Làng quê thanh bình và yên ả đã chứng kiến tuổi thơ của các nhân vật, từ khi là trẻ con cho đến khi biết yêu và khi họ rời bỏ tuổi thơ của mình để trở thành người lớn.

Bảy bước tới mùa hè- sứ giả của kí ức

“Bạn cũng biết rồi đó, kí ức là ngôi nhà quý báu, nơi cất giữ những gì đã xảy ra trong cuộc đời của mỗi người. Nói cách khác, kí ức cất giữ những kỉ niệm. Nhưng không phải những gì xảy ra trong cuộc đời đều hóa thành kỉ niệm. Chẳng hạn trước đây mười lăm năm, bạn từng khóc vì bị bụi bay vào mắt. Kí ức của bạn sẽ không lưu giữ trận khóc tầm thường đó. Nhưng nếu cách đây mười lăm năm bạn khóc vì chia tay mối tình đầu vụng dại, cơn mưa nước mắt ấy sẽ hóa thành cơn mưa kỉ niệm.”– Nguyễn Nhật Ánh

Ngôn từ vốn dĩ cũng có hồn, hồn của “ bảy bước tới mùa hè” là tuổi thơ. Nhà văn đã dày công thiết kế một chiếc tủ, ở nơi ấy cất giữ mối tình đầu vụng dại của Khoa và Mừng, có cả nước mắt lẫn nỗi buồn. Đồng thời, cũng bảo vệ những kí ức tuổi thơ, là những trò chơi mà chỉ trẻ con mới có thể nghĩ ra, nỗi giận hờn của Khoa và cũng là của học sinh nói chung đối với thầy Tám; là những buổi trưa trốn ngủ trèo cây hát nghêu ngao và những cuộc rượt đuổi không hồi kết của dì Liên vì Khoa quá nghịch ngợm; là một Bông nghiện bánh mì, một Ninh chuyên bắt nạt bạn… Nói cho cùng, kí ức là thứ đẹp nhất, dù ở thời điểm hiện tại, nó chỉ là những sự việc bạn cho rằng không đáng nhớ, thì ở tương lai khi bạn nghĩ lại, bạn sẽ cảm thấy đau lòng vì không thể quay lại để tận hưởng những kí ức đó thêm một lần nữa. Nói cho cùng, “bảy bước tới mùa hè” vẫn xứng đáng là một cỗ máy thời gian đưa ta về với tuổi ấu thơ, để lại vẩn vơ tự hỏi: “ Trò chuyện với đứa con gái mình thích sao khó ghê mày há”

Ngày hôm nay cũng có những người đang buồn rầu bỏ lại sau lưng cả một bầu trời sôi nổi và nồng nhiệt, ngọt ngào và hạnh phúc ở lại và dù đã cố gắng,  cũng không thể nào níu kéo. Với tất cả những ai đang phải dằn lòng bỏ lại tuổi thơ, xin hãy thử đọc “Bảy bước tới mùa hè”, và chắc chắn sẽ gặp lại mùa hè đã từng lãng quên.

Từ khóa » Tóm Tắt Truyện Bảy Bước Tới Mùa Hè