BS Nguyễn Cao Viễn Hướng Dẫn Cách Lấy Lại Nụ Cười Cho Người Liệt ...

Tình trạng bị méo một bên mặt do liệt dây thần kinh số 7 khiến cho cuộc sống của nhiều người trở nên khó khăn, tinh thần sa sút, luôn mặc cảm, tự ti. Vậy dây thần kinh số 7 bị liệt trong những tình huống nào? Có thể phòng tránh được không? Làm cách nào để khắc phục tình trạng liệt mặt, để nụ cười quay trở lại?

Và để giải đáp cho những thắc mắc trên, hôm nay, Cổng thông tin sức khỏe Alobacsi rất hân hạnh đón tiếp một vị BS trẻ được nhiều người gọi với cái tên thân thương là “vị cứu tinh của người bệnh liệt”. Anh còn là BS của những bệnh nhân nghèo, thường xuyên miễn phí khám chữa bệnh cho người có hoàn cảnh khó khăn, không ít lần BS bỏ tiền túi của mình giúp họ chi phí đi lại.

Hãy cùng AloBacsi gặp gỡ vị BS từ tâm và cùng lắng nghe những câu chuyện trong nghề về hành trình “Lấy lại nụ cười cho người bị liệt mặt” nhé! Cảm ơn BS Nguyễn Cao Viễn - khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân Dân 115 nhận lời tham gia buổi tư vấn ngày hôm nay.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN TRỰC TIẾP

1. Xin BS cho biết các nguyên nhân gây ra tình trạng liệt mặt một bên ạ? Trong đó, nguyên nhân nào đứng đầu?

BS Nguyễn Cao Viễn:

Về vấn đề liệt mặt, có rất nhiều nguyên nhân, ước tính có khoảng 175 nguyên nhân. Tuy nhiên, người ta chia ra thành các nhóm:

- Nhóm bẩm sinh

- Nhóm bệnh lý về thần kinh

- Nhóm bệnh lý về chấn thương

- Nhóm bệnh lý về hệ thống

- Nhóm bệnh lý về khối ung bướu

- Nhóm bệnh lý về nội tiết

- Nhóm liên quan đến vấn đề nhiễm trùng

Trong đó nổi bật về nhóm bị tổn thương nhiều nhất là tai biến mạch máu não, các gãy xương ở vùng mặt có liên quan đến dây thần kinh, các bóc u ở vùng não cũng có thể gây liệt. Và nguyên nhân cũng thường gặp là khi bệnh nhân cắt tuyến mang tai và một số bệnh liên quan đến vấn đề nhiễm trùng, nhiễm virus và một số bệnh lý liên quan về thiếu máu thoáng qua cũng có thể gây liệt.

Các dây thần kinh mặt Dây thần kinh số 7

2. Với tình trạng liệt mặt do các nguyên nhân vừa nêu, chúng ta có những phương pháp nào để hồi phục, trước khi đề cập tới phẫu thuật?

BS Nguyễn Cao Viễn:

Điều trị trước khi phẫu thuật luôn được ưu tiên hàng đầu. Một trong những phương pháp hồi phục các vấn đề bị liệt được đề cập đầu tiên là tập vật lý trị liệu.

Tiếp theo, tùy thuộc vào nhóm nguyên nhân gây liệt, bệnh nhân sẽ được điều trị dựa theo nguyên nhân. Chẳng hạn như sau khi ngủ một đêm, thức dậy bệnh nhân bị méo miệng thì xem xét vấn đề ở dây thần kinh số 7. Nếu bị mắc virus thì sẽ được điều trị theo virus.

Ngoài ra, phải sử dụng các máy điện xung để tập vật lý trị liệu và kích thích điểm, cũng như châm cứu là những phương pháp được ưu tiên áp dụng trước khi phẫu thuật. Khi tất cả những phương pháp trên không có tác dụng thì mới đề cập đến phẫu thuật.

3. Phẫu thuật phục hồi thần kinh mặt đặt ra trong trường hợp nào, thưa BS?

BS Nguyễn Cao Viễn:

Về phẫu thuật phục hồi liệt thần kinh mặt sẽ được áp dụng cho các giai đoạn:

- Giai đoạn cấp tính: trước 3 tuần (giai đoạn 1). Đối với vết thương xác định rõ là đã đứt dây thần kinh (vết thương bị chém ngang tai, chém ngang đường đi của dây thần kinh,...) thì sẽ được phẫu thuật liền trong giai đoạn 3 tuần đầu này.

- Giai đoạn từ 3 tuần đến 3 tháng (giai đoạn 2): tùy thuộc vào từng nhóm bệnh. Nếu nhóm bệnh nào có khả năng phục hồi sau khi điều trị thuốc và các dây thần kinh ở tại vết thương có thể phục hồi được thì không cần đề cập đến phẫu thuật.

- Giai đoạn từ 3 tháng đến 2 năm (giai đoạn 3): bệnh nhân không có dấu hiệu phục hồi thì sẽ được chỉ định phẫu thuật. Nếu các cơ còn khỏe, đường đi cung cấp thần kinh còn tốt thì bệnh nhân sẽ được nối lại ngay dây thần kinh đó. Các gốc của dây thần kinh số 7 bị hư hay tổn thương sẽ được chuyển dây thần kinh từ nơi khác đến để cung cấp cho dây thần kinh số 7.

Đối với giai đoạn 1, phẫu thuật cấp cứu nối liền dây thần kinh ngay tại gốc thần kinh bị tổn thương thì khả năng phục hồi của trường hợp này rất cao, các cơ vận động có thể hoạt động lại như bình thường.

Với giai đoạn 2: Sau khi xác định các nguyên nhân dẫn đến tình trạng dây thần kinh không thể phục hồi nữa thì bệnh nhân sẽ được thay thế dây thần kinh, lấy nguồn cho từ nơi khác tới nguồn của dây thần kinh số 7. Thời gian này, phẫu thuật phục hồi của cơ phải phụ thuộc vào cơ nơi được nhận, tức các khối cơ vùng mặt nếu chức năng tốt thì có thể quay trở lại các chức năng ban đầu.

Ở giai đoạn 3 là phải chuyển 1 khối cơ. Sau khi các cơ vùng mặt bị hư thì mới chuyền khối cơ từ đùi lên hoặc các cơ ngực, cơ cẳng tay. Tuy nhiên, cơ dưới đùi sẽ được ưu tiên sử dụng vì đây là cơ tương đối thuận lợi và dễ thực hiện, phù hợp với chức năng và chiều dài với tỉ lệ trên khuôn mặt. Đây là giai đoạn nối tự do, bao gồm nối thần kinh và nối mạch máu, tức lấy lại 1 phần chức năng, chuyển cơ dưới đùi lên.

Với giai đoạn trên 2 năm, có thể chuyển các khối cơ chức năng gồm cơ thái dương và cắt ngay chỗ bám của cơ này hoặc lấy cơ cắn để chuyển qua để phục hồi. Tuy nhiên, để đạt được mức độ tốt thì cơ dưới đùi với khoảng chạy, khoảng trượt và tất cả mọi thứ có thể đáp ứng cho bệnh nhân tốt hơn.

4. Nếu được, BS có thể mô tả sơ lược phương pháp chuyển khối cơ để bạn đọc hình dung không ạ?

BS Nguyễn Cao Viễn:

Ngoài phương pháp ghép cơ dưới đùi, nối trực tiếp từ dây thần kinh này sang dây thần kinh khác, bên cạnh đó còn có phương pháp chuyển 1 khối cơ, tức chuyển các cơ đang hoạt động của các thần kinh khác (vị trí khác trên cơ thể) để thay thế chức năng để khi chuyển cơ, có thể thay thế được 1 phần chức năng đã bị mất ở vị trí bị liệt.

Nhiều bệnh nhân thường nghĩ rằng khi phẫu thuật có thể lấy lại toàn bộ chức năng ban đầu. Tuy nhiên, bệnh nhân cần hiểu rằng, ngay tại thời điểm xác định dây thần kinh 7 bị đứt, nếu được phẫu thuật cấp cứu nối liền dây thần kinh thì khả năng phục hồi rất cao. Nhưng nếu kéo dài thời gian trên 2 năm, khi thực hiện chuyển cơ thì chỉ thay thế được 1 phần chức năng.

Khối cơ gần nhất có thể lấy là cơ cắn, một thần kinh khác chi phối - gọi là dây thần kinh số 5 và cơ thái dương. Đây là 1 phương pháp chuyển cơ mà không liên quan đến việc thực hiện nối ghép bằng phương pháp vi phẫu (nối mạch máu và nối thần kinh).

Ngoài ra, còn có phương pháp chuyển cơ vi phẫu, lấn cơ dưới đùi và đưa lên để nối ghép mạch máu và thần kinh.

Giải phẫu cơ thon

5. Mỗi phương pháp BS vừa nêu áp dụng cho trường hợp nào, ưu - nhược điểm của từng phương pháp?

BS Nguyễn Cao Viễn:

Về nối thần kinh, nếu có thể nối trực tiếp được thì khả năng phục hồi của bệnh nhân rất nhanh và đạt được những chức năng hầu như toàn diện nếu xác định được gốc của vết thương hoặc khi mổ các khối u có thể xác định được tổn thương.

Tuy nhiên, khi bắt đầu thực hiện, những phần thần kinh bị hư chưa xác định được nối trực tiếp ngay thời điểm cấp cứu. Và chuyển ghép thần kinh sẽ phục hồi, tức mượn nhờ 1 thần kinh khác chuyển qua như thần kinh chi phối cho lưỡi hay thần kinh ở vai (dây thần kinh số 11 hoặc dây thần kinh số 12) thì có thể hồi phục các chức năng rất tốt. Tuy nhiên, nơi thần kinh cung cấp phải chịu ảnh hưởng nhỏ bởi chức năng sẽ bị yếu hơn so với ban đầu.

6. Một ca phẫu thuật phục hồi thường tiến hành bao lâu, và chi phí khoảng bao nhiêu ạ?

BS Nguyễn Cao Viễn:

Một ca phẫu thuật nhanh hay chậm tùy thuộc vào các tổn thương để quyết định thời gian tiến hành. Ca nhanh nhất khoảng 2 tiếng nhờ vào xác định điểm đích rất nhanh nên có thể phẫu thuật nối ghép trực tiếp. Một số ca khác cần chuyển từ dây thần kinh lành sang dây thần kinh bệnh thường kéo dài khoảng 4 tiếng. Nếu ca phẫu thuật cần chuyền 1 khối cơ từ nơi khác tới thường kéo dài từ 6-8 tiếng, thậm chí có nhiều ca kéo dài đến 10 tiếng, tùy thuộc vào việc xác định chính xác vị trí gốc của thần kinh và mạch máu bị tổn thương.Bên cạnh đó, 1 số ca có thời gian phẫu thuật kéo dài do bệnh nhân điều trị xạ trị trước đó dẫn đến tình trạng vùng mạch máu cần lấy bị hư, vì vậy cần lấy 1 đoạn mạch máu dài ở nơi khác để thay thế.Về chi phí một ca phẫu thuật phục hồi dao động từ 10 - 30 triệu đồng, tùy từng loại phẫu thuật.

Bệnh nhân lấy lại nụ cười sau 10 năm bị liệt mặt

7. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân phải luyện tập như thế nào để mau chóng lấy lại nụ cười, thưa BS?

BS Nguyễn Cao Viễn:

Để phục hồi chức năng, việc tập vật lý trị liệu rất quan trọng. Đối với các vấn đề phẫu thuật liệt mặt, có một số điều cần lưu ý như sau:- Nếu bệnh nhân lấy một phần dây thần kinh lưỡi nối vào dây thần kinh có vấn đề ở mặt thì bệnh nhân cần tập động tác đầu tiên là tập vận động ở lưỡi. Sau khi vận động ở cơ lưỡi thì cơ mặt sẽ có khả năng phục hồi nhanh.Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, bệnh nhân cần vừa tập, vừa suy nghĩ song song với hành động của mình. Ví dụ, nhìn vào gương tập cười tươi. Động tác đầu tiên là động tác của thần kinh, nơi chi phối cơ lưỡi, chi phối lên cơ mặt nên tập các động tác cho cơ lưỡi là yếu tố đầu tiên và cần thiết suy nghĩ trong đầu để luyện phản xạ. Sau 1 thời gian khi thần kinh hồi phục thì cơ mặt mới trở lại bình thường và bệnh nhân có thể cười tự nhiên.- Nếu lấy thần kinh 11 chi phối cho cơ nâng vai để thay thế thì tiến hành tập nâng vai. Vì thần kinh đang ở động tác của cơ nâng vai, cho nên đồng thời tập suy nghĩ nâng vai nhưng phải cười. Nếu tích cực tập luyện đều đặn, bệnh nhân có thể cười tự nhiên.Nếu bệnh nhân không tập luyện các động tác song song cùng với suy nghĩ thì khi bệnh nhân nâng vai sẽ bị co miệng. Vì vậy, bệnh nhân cần tập luyện loại trừ những động tác ảnh hưởng để thần kinh thích hợp với vùng não.Tóm lại, lấy dây thần kinh chỗ nào thì tập luyện động tác chỗ đó, đồng thời tập cho não suy nghĩ song song với hành động thì có thể phục hồi được.8. Thời gian hồi phục thường là bao lâu đối với người chăm chỉ luyện tập nhất? Khả năng hồi phục có phụ thuộc vào độ tuổi và thời gian xảy ra sự cố/chấn thương không?

BS Nguyễn Cao Viễn:

Thời gian hồi phục có phụ thuộc vào độ tuổi và thời gian xảy ra sự cố/ chấn thương và nhiều yếu tố bệnh lý khác. Trong đó, không thể bỏ qua yếu tố tập luyện sau phẫu thuật.Khi phẫu thuật để thần kinh phục hồi, đối với những bệnh nhân lớn tuổi sẽ bị nhão cơ, thần kinh thoái hóa theo thời gian, không tốt như những người trẻ. Hay một người bị bệnh lý về corticoid, hút thuốc nhiều,... làm thoái hóa thần kinh. Đây là lý do độ tuổi có thể ảnh hưởng đến thời gian hồi phục của bệnh nhân.Nếu một bệnh nhân luyện tập chăm thì chỉ cần 2-3 tháng có thể hồi phục. Thời gian để phục hồi thần kinh qua 1 chỗ nối mất khoảng 45 ngày. Sau đó, mất khoảng 0,7- 1mm/ ngày trong quá trình hồi phục. Một số bạn trẻ hồi phục khá tốt, các cơ có thể cử động sau 2 tháng luyện tập chăm chỉ.

9. Có trường hợp nào là quá muộn đối với phẫu thuật phục hồi thần kinh mặt không ạ? Phẫu thuật này có chống chỉ định không, thưa BS?

BS Nguyễn Cao Viễn:

Độ tuổi lớn nhất mà bản thân tôi đã tiếp nhận là 65 tuổi. Với những người bệnh lý nội khoa nhiều và các yếu tố ảnh hưởng thần kinh nhiều, dẫn đến không còn nguồn để cho thì không nên làm phẫu thuật về vi phẫu hoặc một số phẫu thuật phức tạp.Một số bệnh nhân lớn tuổi hay các bệnh nhân có các bệnh nền nội khoa hoặc những vấn đề liên quan không ảnh hưởng nhiều đến chức năng cho thần kinh thì vẫn có thể thực hiện phẫu thuật được.

10. Xin BS chia sẻ về một số trường hợp bị liệt mặt mà BS đã điều trị? Thống kê cho đến nay khoảng bao nhiêu trường hợp rồi ạ? Bệnh nhân bị liệt mặt lâu năm nhất mà BS đã phẫu thuật là bao nhiêu năm ạ? Họ hồi phục được bao nhiêu %?

BS Nguyễn Cao Viễn:

Cho đến nay, tôi đã tiếp nhận điều trị khoảng 55 bệnh nhân, bằng các kỹ thuật khác nhau. Trong đó, người bệnh lớn tuổi nhất là 65 tuổi. Tuy tuổi cao nhưng chú luyện tập rất tốt, vì vậy, thời gian hồi phục của chú rất nhanh.

Trước nay, vấn đề chuyển cơ và chuyển thần kinh đều đạt được những điều mà bệnh nhân mong muốn, thần kinh phục hồi tương đối nhanh. Chuyển cơ vi phẫu là chuyển cơ từ nơi khác sang, cũng có khả năng phục hồi nhanh. Đồng thời, chuyển cơ chức năng là lấy cơ cắn hoặc cơ ở thái dương cũng có thể giúp bệnh nhân phục hồi nhanh.

Tất cả những phương pháp trên đều có thể phục hồi liền sau mổ và tiếp tục phục hồi sau đó, giúp bệnh nhân hồi phục lại các chức năng vận động. Tuy nhiên, tùy vào mức độ hài lòng của người bệnh mà đánh giá được mức độ hồi phục sẽ khác nhau.

Bệnh nhân nở nụ cười tươi sau 14 năm bị liệt mặt

11. BS có lời nhắn nhủ gì với những bệnh nhân quyết định phẫu thuật phục hồi thần kinh mặt để lấy lại nụ cười?

BS Nguyễn Cao Viễn:

Người bệnh không may bị liệt mặt, một số người muốn hồi phục về chức năng, một số khác có nhu cầu làm về thẩm mỹ. Riêng những bệnh nhân muốn phục hồi về chức năng thẩm mỹ trên khuôn mặt thì phần lớn là các bạn trẻ cảm thấy tự ti khi giao tiếp.

Tuy nhiên, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn như thế này: mỗi người hãy tự tin lên, tất cả những thứ bên ngoài chỉ là hình thức, còn việc tự tin hay không phụ thuộc nhiều vào trí tuệ bên trong con người của các bạn. Đừng chỉ dựa dẫm vào sự can thiệp của thẩm mỹ mới có thể giúp bạn tự tin.

Phẫu thuật cho người bị liệt mặt không mang tính chất thẩm mỹ mà chủ yếu giúp bệnh nhân lấy lại chức năng. Nhưng việc điều khiển các chức năng ấy lại nằm trong trí não của mỗi người. Chính vì vậy, mỗi bệnh nhân sau khi phẫu thuật, cần tích cực tập luyện để đạt được kết quả tốt nhất.

Lấy lại nụ cười sau 20 năm

~~~~~~~~~AloBacsi chân thành cảm ơn BS Nguyễn Cao Viễn đã chia sẻ những thông tin cụ thể về các phương pháp phục hồi thần kinh mặt, giải thích rõ phương pháp phẫu thuật và hướng dẫn luyện tập đúng cách để bệnh nhân sớm lấy lại nụ cười và sự tự tin!.Thực hiện: Hồng Nhung - Minh KhuêCổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Từ khóa » Cách Chữa Méo Miệng Bẩm Sinh