Bù Giá Vào Lương - Tiền Phong

Phương án này sẽ được Chính phủ nhanh chóng xem xét phê duyệt để có thể công bố và bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2006.

Theo đó, mức cụ thể là tăng lên 790.000 đồng/tháng (50 USD/tháng) đối với doanh nghiệp FDI tại Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương; 710.000 đồng/tháng (45 USD) đối với doanh nghiệp FDI tại Hải Phòng, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Cần Thơ và 630.000 đồng/tháng (40 USD) cho các địa bàn còn lại.

Những mức tăng này giảm 5 USD/tháng ở mỗi khu vực so với phương án 1 được Bộ LĐ - TB & XH đưa ra trong các cuộc họp lấy ý kiến doanh nghiệp FDI ở miền Bắc và Nam vừa qua.

Ông Phạm Minh Huân - Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Tiền công (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết, thực chất việc tăng lương tối thiểu khu vực FDI lần này chỉ là cách để “bù giá vào lương” cho người lao động.

Mức tăng 25,5% chỉ tương đương với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng kể từ thời điểm tăng lương tối thiểu FDI gần đây nhất (năm 1999) tới nay.

Theo tính toán của các chuyên gia, từ tháng 12/1999 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng nước ta đã tăng 25%, trong đó chỉ số giá lương thực - thực phẩm tăng tới 40%.

Nếu căn cứ vào mức tăng tiền công trên thị trường lao động từ năm 1999 tới nay, ở khu vực thành thị là 35% và khu vực nông thôn là 50%, mức tiền lương tối thiểu cho người lao động khu vực FDI tương ứng với 55 USD/tháng, 50 USD/tháng và 45 USD/tháng tại 3 vùng như trên. Mức tăng này được Bộ LĐ – TB & XH chọn để lấy ý kiến các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Huân cho biết, mức tăng này được nhiều doanh nghiệp thuộc khối dệt may, da giày cho là quá cao. Thậm chí, các doanh nghiệp này còn yêu cầu tăng từ từ, mỗi năm khoảng 10%. Tuy nhiên, nếu tăng theo cách này thì ý nghĩa của việc tăng lương với đời sống của người lao động không còn.

Về ảnh hưởng của việc tăng tiền lương tối thiểu với hoạt động của các doanh nghiệp FDI, ông Huân cho biết thêm, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp FDI đều trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ. Ví dụ, ở tỉnh Bình Dương hoặc TPHCM, một doanh nghiệp dệt may muốn có 1 lao động thì phải trả cho người lao động với thu nhập khoảng 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, thực chất tiền lương theo hợp đồng chỉ tương đương với lương tối thiểu. Còn lại, chủ sử dụng lao động trả cho người lao động một số khoản khác như tiền hỗ trợ ăn trưa, chống nóng... nhằm giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, nếu lương tối thiểu tăng thêm cũng chưa vượt qua mức thu nhập chủ sử dụng lao động đang trả cho người lao động hiện nay.

Thông thường, tháng 9 hàng năm là tháng các doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất - kinh doanh cho năm sau. Do vậy, từ nay tới cuối năm, nếu lương tối thiểu khu vực FDI được công bố điều chỉnh, các doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2006.

Để tránh thụ động cho các doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng một lộ trình tăng lương tối thiểu cho tất cả các loại hình doanh nghiệp tới năm 2010. Với lộ trình này, dự kiến, 3 loại hình doanh nghiệp là nhà nước, tư nhân và FDI sẽ có chung một mức lương tối thiểu vào năm 2008.

Theo Đầu tư

Từ khóa » Bù Giá Vào Lương Nghĩa Là Gì