Bùi Thu Trang] Nghề Quản Lý Chuỗi Cung ứng (Sourcing &
Có thể bạn quan tâm
Chị Bùi Thu Trang - hiện đang là Sourcing Manager (Quản lý chuỗi cung ứng) tại công ty TNHH Ericsson Vietnam, người đã có gần 10 năm kinh nghiệm liên tục trong nghề, sẽ chia sẻ những kinh nghiệm của mình với vị trí này như sau:
Chân dung nghề Sourcing:
Sourcing thực sự là một nghề vẫn còn sơ khai ở Việt Nam và mới trên thế giới. Một người làm Sourcing chuyên nghiệp cần hội tụ rất nhiều yếu tố.
Đầu tiên, họ phải có tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển ngành hàng họ phụ trách, phân tích chuyên sâu về thị trường cung ứng ngành hàng đó, từ đó tư vấn lại cho ban lãnh đạo công ty nên mua sắm sao cho hiệu quả nhất, giảm thiểu chi phí đầu vào với chất lượng tốt, góp phần đem lại lợi nhuận cho Công ty. Bên cạnh đó, Sourcing Manager còn phải đảm bảo quá trình mua hàng tuân theo đúng trình tự và được giám sát chặt chẽ về mặt tài chính để bảo toàn quy trình mua sắm cho công ty được hiệu quả tối đa, mua và sử dụng được những sản phẩm dịch vụ tốt nhất với chi phí hợp lý nhất.
Trong nhiều tổ chức, Sourcing Manager còn phải có kiến thức chuyên môn về Luật vì họ chịu trách nhiệm về mặt pháp lý khi làm hợp đồng thương mại với các đối tác nhà cung cấp, chịu trách nhiệm đại diện công ty trước pháp luật khi có tranh chấp hoặc xung đột về quyền hạn và trách nhiệm với các nhà cung cấp.
Sourcing Manager trong nhiều tổ chức đóng vai trò quan trọng và là thành viên trong Ban lãnh đạo để có thể nắm bắt các thông tin đường hướng của công ty, từ đó đưa ra các giải pháp tư vấn cho Ban lãnh đạo kịp thời.
Tầm quan trọng của vị trí Sourcing
Chúng ta ai cũng biết rằng, không một công ty nào có thể tự tin đảm bảo sản xuất ra 100% toàn bộ các sản phẩm của mình. Áp lực về thời gian, chi phí buộc họ phải tìm nguồn nguyên liệu, nguồn gia công với chi phí thấp và chất lượng cao trong chuỗi sản xuất để sản phẩm cuối cùng tung ra thị trường phải đáp ứng được thị hiếu của thị trường đồng thời giá cả phải cạnh tranh, chất lượng tốt. Muốn làm được vậy, họ phải có cuộc cách mạng đầu tư về tìm nguồn nguyên liệu, tìm các nhà cung cấp chất lượng cao. Sự cạnh tranh giữa các công ty bây giờ không còn là cạnh tranh về sản phẩm nữa mà là sự cạnh tranh về nguồn nguyên liệu, về nguồn nhà cung cấp. Ví dụ, các công ty lớn như Samsung, LG, Honda, Huyndai thường có hàng trăm nhà cung cấp thường xuyên cung cấp các loại phụ tùng, dịch vụ trong quá trình sản xuất để sản xuất ra thành phẩm cuối cùng là những chiếc điện thoại, tivi, tủ lạnh hay ô tô cho người sử dụng cuối cùng. Để đảm bảo chất lượng và uy tín của sản phẩm, công ty phải có quy định về chất lượng, sau đó có các bộ phận quản lý chuỗi cung ứng tìm kiếm các nhà sản xuất và các nhà cung cấp dịch vụ có thể đáp ứng các phụ tùng và các dịch vụ trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn này. Các công ty muốn chiếm lĩnh thị trường cần đảm bảo sản phẩm của mình có tính cạnh tranh cao. Chính vì vậy, các công ty ngày một coi trọng vị trí Sourcing, thậm chí họ còn coi Sourcing có tính quyết định đến thành bại của công ty nhất là các công ty có tỉ lệ outsource cao (đặc biệt là các công ty của Âu, Mỹ).
Yêu cầu về trình độ chuyên môn trong nghề
Sourcing Manager cần có kiến thức nền về kinh tế, thương mại, luật và ngoại ngữ. Thêm vào đó, để làm việc hiệu quả, bạn còn cần có khả năng tư duy logic cũng như khả năng tổng hợp, phân tích và tư duy theo chiều sâu. Do có đòi hỏi khá cao về khả năng tư duy nên thông thường người làm Sourcing Manager phải được đào tạo đại học trở lên thì mới có thể làm tốt được.
Kỹ năng cần có của nghề Sourcing
Đứng dưới danh nghĩa là một người làm trong lĩnh vực Sourcing, bạn phải chứng minh một loạt các kỹ năng quan trọng, bao gồm: “Năng khiếu” kinh doanh, quản lý tài chính, khả năng giao tiếp và đàm phán, có hiểu biết về thị trường quốc tế, có sáng tạo và luôn đổi mới. Trong môi trường kinh doanh ngày nay, các cá nhân thành công nhất phải biết kết hợp kỹ năng kinh doanh truyền thống với kỹ năng quản lý tốt các mối quan hệ - kỹ năng giao tiếp, lắng nghe và thấu cảm. Kỹ năng kinh doanh truyền thống, chẳng hạn như quản lý tài chính, quản lý hợp đồng, giảm chi phí và đàm phán cơ bản sẽ luôn là nền tảng cho quá trình thu mua. Các mối quan hệ hiện tại với các đối tác (nhà cung cấp) ngày nay tương đối bình đẳng. Người mua và nhà cung cấp làm việc với nhau ngay từ khi bắt đầu đàm phán để chia sẻ thông tin, đào tạo, hỗ trợ, đầu vào kỹ thuật và ý tưởng để làm giảm tổng chi phí. Đồng thời, người mua cũng cần phải làm việc chặt chẽ với khách hàng để đảm bảo nhu cầu của họ được đáp ứng và tối ưu hóa quá trình này.
Yêu cầu về kinh nghiệm của Sourcing đối với sinh viên mới ra trường
Ngành Sourcing có nhiều cấp bậc công việc cụ thể khác nhau. Để bước chân vào nghề, bạn không cần phải có kinh nghiệm. Khi đó bạn thường sẽ bắt đầu ở mảng thu mua (purchasing). Để lên tới vị trí Sourcing Manager ở các công ty lớn như ở tổ chức của chị Trang, bạn cần có ít nhất 8 năm trong nghề.
Phẩm chất đòi hỏi ở Sourcing
Phẩm chất đòi hỏi ở Sourcing là đạo đức nghề nghiệp. Sourcing phải thật trong sạch và công tâm khi làm việc với các nhà cung cấp, luôn luôn phải đặt lợi ích của công ty lên hàng đầu. Do đặc thù công việc đòi hỏi không ngừng thay đổi và tiến bộ, người làm trong nghề Sourcing phải có tinh thần học hỏi không ngừng, ý chí cầu tiến và tư duy rộng mở.
Môi trường làm việc
Là Sourcing manager, bạn đang nắm giữ vị trí cực kỳ quan trọng trong công ty. Nhưng công việc của Sourcing Manager thường xuyên hoạt động đằng sau hậu trường, nhiều người không nhận thức Sourcing như là một lựa chọn nghề nghiệp. Những Sourcing Manager hàng đầu đang được săn đón mạnh mẽ trên toàn thế giới và có thể đạt được vị trí rất cao trong công ty. Cho dù đó là tìm nguồn cung ứng hàng hóa từ các nhà cung cấp địa phương hoặc hoạt động trên chuỗi cung ứng toàn cầu, thu mua dịch vụ và nguồn nhân lực cần thiết với giá hợp lý, đặc biệt là trong môi trường kinh tế khó khăn hiện nay, nghề Sourcing có thể quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp.
Hiện nay, nghề Sourcing dần dần trở nên rất “hot” tại Việt Nam, nhất là với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, khoảng cách của người thu mua và nhà cung cấp trở nên gần hơn bao giờ hết. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức to lớn cho các bạn mới tập tễnh bước vào nghề. Nhưng với kiến thức về Sourcing trong tay, nó sẽ trở thành một công cụ cực kì hữu ích giúp bạn vượt qua những khó khăn này.
Trở ngại và thách thức của Sourcing
Thách thức lớn nhất với nghề Sourcing là tính cạnh tranh rất cao. Việc các doanh nghiệp ngày càng cạnh tranh nhau khốc liệt dẫn đến các đòi hỏi ở Sourcing về doanh thu, chi phí và lợi nhuận cũng tăng cao theo. Hơn nữa, trên thị trường, nguồn nguyên liệu càng ngày càng khan hiếm buộc các nhà cung cấp phải chuyển hướng đầu tư vào việc nâng cao chất lượng, khiến giá dịch vụ cũng leo thang không ngừng.
Ngoài ra, người Sourcing Manager còn phải luôn không ngừng học hỏi, tìm tòi để kiếm được nguồn nguyên liệu cũng như nhà cung cấp chất lượng cao với giá thành thấp nhằm góp phần đem lại lợi nhuận cho công ty.
Thu nhập của Sourcing
Thu nhập của Sourcing phụ thuộc vào nhận thức của từng công ty về vai trò của Sourcing cũng như tính chất của công ty và trình độ, kinh nghiệm của ứng viên. Nếu công ty tạo ra sản phẩm dịch vụ tốt mà tỉ lệ outsource cao thì vai trò Sourcing càng lớn và mức lương sẽ tương xứng. Mức lương phổ biến ngoài thị trường hiện nay cho các cấp bậc đang từ 300USD đến 10.000USD.
Xu hướng và nhu cầu về vị trí Sourcing trong 5 năm tới ở Việt Nam và thế giới
Nhu cầu vị trí Sourcing ngày càng tăng và sẽ là nghề hot trong vòng 2 đến 3 năm tới. Kinh tế càng khó khăn thì nghề Sourcing càng phát triển, nó giúp các công ty sàng lọc để lựa chọn các nguồn nguyên liệu với chi phí hợp lý nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao cung ứng cho thị trường và đem lại lợi nhuận cho công ty. Khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng thì nghề Sourcing không bị ảnh hưởng và cạnh tranh bởi các yếu tố bên ngoài mà trái lại, còn mở rộng cơ hội tìm kiếm nhà cung cấp đủ tiêu chuẩn ra các nước trong khu vực. Hơn nữa, nghề Sourcing rất cần phải am hiểu thị trường nên chỉ có người bản địa mới hiểu thị trường trong nước và nhu cầu nội bộ để đưa ra đề xuất chính xác cho doanh nghiệp.
Lộ trình thăng tiến của vị trí Sourcing
Trong doanh nghiệp, thông thường các bạn mới ra trường nên làm Purchasing (thu mua) trước để có kỹ năng cơ bản về đàm phán, có thêm kinh nghiệm làm việc với nhà cung cấp. Sau đó, bạn nên làm tiếp các mảng khác trong Procurement (xử lý hồ sơ, giấy tờ, hợp đồng) để biết thêm về quy trình mua bán: Thu thập thông tin và ra đầu bài cho nhà cung cấp, gọi thầu để đánh giá năng lực nhà cung cấp và xem xét đánh giá về thương mại, đàm phán hợp đồng và giá, ký kết hợp đồng mua sắm và chuyển giao cho bên sản xuất. Bước tiếp theo nếu được đề bạt lên làm việc tại vị trí Sourcing Manager: Quản lý tầm chiến lược các ngành hàng và nhà cung cấp, tham gia tư vấn cho Ban Lãnh đạo, đồng thời quản lý cả phần purchasing và procurement. Đây là lộ trình thăng tiến mà chị Trang chia sẻ qua gần 10 năm làm nghề ở Ericsson. Tuy nhiên, tùy từng quy mô, phạm vi công việc ở mỗi công ty mà lộ trình thăng tiến này sẽ khác nhau và yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ về thu mua, mua bán, xử lý hợp đồng cũng khác nhau ở mỗi tổ chức.
Lời khuyên chuyên gia dành cho các bạn trẻ muốn theo nghề Sourcing
Luôn luôn không ngừng học hỏi, phải yêu nghề thì mới theo nghề. Luôn luôn bản lĩnh để vượt qua các trở ngại cũng như cám dỗ trong nghề Sourcing là những điều tâm huyết mà chị Trang nhắn nhủ với các bạn trẻ muốn tìm hiểu và bước chân vào nghề này.
- Trích "Cẩm nang nghề nghiệp hiện đại" của tác giả Yến Đỗ.
Từ khóa » Chiến Lược Sourcing
-
Strategic Sourcing Là Gì? Tại Sao Các Doanh Nghiệp Cần Strategic ...
-
Chiến Lược Mua Hàng Giúp Tối ưu Chi Phí Doanh Nghiệp Hiệu Quả
-
Strategic Sourcing - Tìm Nguồn Cung ứng Chiến Lược - ERX
-
Top 15 Chiến Lược Sourcing
-
Sourcing Là Gì Và Cách Tìm Nguồn Sản Phẩm Cho Doanh Nghiệp Của Bạn
-
Định Nghĩa Strategic Sourcing Là Gì?
-
Sự Khác Nhau Giữa Procurement, Sourcing Và Purchasing
-
10 CHIẾN LƯỢC SOURCING ỨNG VIÊN - CHU LINH
-
LEC GROUP - 7 Bước Cho Chiến Lược Procurement Tối đa Hóa...
-
Tìm Nguồn Cung ứng Chiến Lược Phù Hợp Với động Lực Thị Trường
-
Strategic Sourcing Là Gì ? Sự Khác Nhau Giữa Purchasing Và ...
-
7 Bước Cho Chiến Lược Procurement Tối đa Hóa Chi Phí Doanh Nghiệp ...
-
Những Rủi Ro Trong Procurement Thường Mắc Phải
-
Strategic Sourcing Là Gì? Tại Sao Các Doanh Nghiệp Cần ...