BULLWHIP EFFECT – HIỆU ỨNG “CÁI ROI DA” TRONG BỐI CẢNH ...

Hiệu ứng Bullwhip là hiện tượng thông tin về nhu cầu thị trường cho một sản phẩm bị sai lệch đáng kể hay khuếch đại lên qua từng khâu trong chuỗi cung ứng, dẫn đến sự biến động trong nguồn cung và dư thừa tồn kho, từ đó ảnh hưởng đến giá cả của sản phẩm đồng thời làm bóp méo thị hiếu thực tế của thị trường.

  • 3 phương pháp cải tiến trong quy trình quản lý chuỗi cung ứng
  • Những hành động giúp giảm thiểu tác động tiêu cực ảnh hưởng từ Covid-19 lên chuỗi cung ứng
  • Chuỗi cung ứng toàn cầu trước làn sóng M&A của Trung Quốc hậu Covid 19

1. “Cái roi da” – hiểu sao cho đúng?

Điển hình của hiệu ứng BULLWHIP là nguồn cung của các mặt hàng y tế trong bối cảnh COVID-19 vừa qua. Giả sử, một hiệu thuốc bán được 5 hộp khẩu trang y tế trong 1 tháng. Tại thời điểm dịch COVID-19 bùng lên như đầu tháng 2 vừa qua, số lượng khẩu trang tiêu thụ gấp 10 lần – đạt 50 hộp/tháng. Nhận thấy được sự biến động đó, để đảm bảo nguồn cung và tăng thêm lợi nhuận, hiệu thuốc quyết định đặt 60 hộp từ nhà bán sỉ. Việc đơn hàng tăng lên đột biến so với tháng trước khiến cho nhà bán sỉ quyết định đặt từ nhà phân phối 70 hộp/tháng. Từ nhà phân phối đến nhà sản xuất, số lượng hộp khẩu trang lại tăng lên 80 hộp/tháng. Vậy tất cả các bên đều sẽ kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ việc này sao?

Nếu lượng bán duy trì 50 hộp/tháng, các bên tham gia đều có khả năng tăng thêm lợi nhuận cho bản thân. Tuy nhiên, đặt trường hợp dịch bệnh được khống chế và lượng mua giảm đáng kể quay về 10 hộp/tháng, khi ấy, hiệu thuốc buộc phải hoãn đơn đối với nhà bán sỉ, nhà bán sỉ lại tiếp tục hoãn đơn với nhà phân phối, rồi đến nhà sản xuất. Điều này dẫn đến tình trạng một lượng lớn hộp khẩu trang y tế sẽ bị tồn dư, chưa kể đến, số lượng hiệu thuốc có thể lớn gấp nhiều lần dẫn đến số lượng tồn kho cũng sẽ trở thành “GÁNH NẶNG KHỔNG LỒ”.

Hậu quả của hiệu ứng BULLWHIP là lượng tồn kho quá mức, dịch vụ khách hàng giảm do sản phẩm không có sẵn hoặc do tồn kho dự trữ quá lâu, kế hoạch sản xuất không ổn định và chi phí tốn kém cho các hoạt động phát sinh (như quản lý hàng tồn kho, công nhân làm việc ngoài giờ tại giai đoạn đầu khi nguồn cung tăng đột biến…). Ngoài ra, nhà sản xuất có thể phải ngừng hoạt động máy móc, cắt giảm nhân viên gây ra tình trạng thất nghiệp, nhà phân phối gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý và cuối cùng dẫn đến giá thành sản phẩm giảm.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, VẮC XIN COVID-19 trở thành sản phẩm nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ các quốc gia. Câu hỏi đặt ra là, liệu hiệu ứng BULLWHIP có diễn ra hay không và các nhà sản xuất, nhà phân phối vắc xin nên làm gì để tránh một hiện tượng tiêu cực như vậy? Tiếp sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nguyên nhân nào đã gây ra hiện tượng BULLWHIP, từ đó đưa ra hướng giải quyết phù hợp.

2. Sự ra đời của “Cái roi da”

Để giải quyết vấn đề đó, ta cần hiểu nguyên nhân dẫn đến hiệu ứng BULLWHIP trong chuỗi cung ứng. Từ ví dụ về nguồn cung khẩu trang nêu trên, dễ thấy nguyên nhân gây ra hiệu ứng BULLWHIP là do sự thiếu tương tác giữa các bên trong chuỗi cung ứng.

Để một chuỗi cung ứng vận hành hiệu quả, cần có sự liền mạch, rõ ràng về thông tin và sự chuyển giao đúng thời điểm. Tuy nhiên, ở đây, các mắt xích trong chuỗi cung ứng phải đưa ra quyết định dựa trên những khiếm khuyết về luồng thông tin. Cụ thể, nhà bán sỉ chỉ dựa vào thông tin trên đơn đặt hàng của hiệu thuốc, nhà phân phối lại chỉ dựa trên đơn đặt của nhà bán sỉ…,mà không có sự quan sát và đánh giá tổng quát về nhu cầu và biến động của thị trường. Chưa kể đến, sự chậm trễ trong quá trình thông tin cũng là yếu tố gây nên hiệu ứng BULLWHIP.

3. Làm gì để hạn chế ảnh hưởng của Bullwhip effect?

Từ những ví dụ nêu trên, dễ dàng nhận ra hiệu ứng BULLWHIP chính là mối đe dọa đầy nguy hiểm đối với quá trình vận hành của thị trường. Vì thế hạn chế tối đa những ảnh hưởng của hiệu ứng này là điều tất yếu. Sau đây chính là một số giải pháp được biết đến nhiều nhất hiện nay.

3.1. Ứng dụng mô hình CPFR trong chuỗi cung ứng

Có thể thấy, thông tin và quá trình chuyển giao thông tin chính là nút thắt lớn nhất trong việc hạn chế hiệu ứng BULLWHIP. Theo đó, các mắt xích trong chuỗi cung ứng cần phối hợp với nhau để lập ra một kế hoạch có sự thống nhất giữa các mắt xích trong chuỗi cung ứng như sản xuất, phân phối vật tư, nguyên liệu,… Nói cách khác, các bên cần cùng nhau hoạch định và phát triển theo mô hình CPFR.

Trong đó, CPFR bao gồm 3 thành phần chính là Collaborative Planning, Forecasting và Replenishment, trong đó mỗi thành phần ứng với các hoạt động sau:

– Hợp tác hoạch định (Collaborative Planning): các bên tham gia sẽ xây dựng kế hoạch liên kết làm việc với nhau như thế nào để đáp ứng đủ lượng cung – cầu.

– Dự báo (Forecasting): dự báo doanh số bán hàng chung, ước tính nhu cầu trung bình của thị trường và các biến động xoay quanh nó ứng với từng yếu tố nảy sinh trên thị trường. Tại khâu dự báo, việc tiếp nhận thông tin từ nhiều dữ liệu sẽ giúp các bên có hiệu chỉnh nhiều về số trung bình và độ lệch chuẩn trong nhu cầu.

– Hợp tác bổ sung (Replenishment): Thực hiện dự báo các đơn hàng cho tất cả các mắt xích tham gia và đề ra đơn hàng phù hợp để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

3.2. Quản lý về thời gian đáp ứng đơn hàng

Thời gian đặt hàng càng dài thì một sự thay đổi nhỏ trong việc ước tính độ biến động của nhu cầu cũng có thể tạo ra những thay đổi đáng kể trong tồn kho, gây ảnh hưởng đến sự tiếp diễn của chuỗi cung ứng cũng như quá trình đặt hàng lại, dẫn đến sự thay đổi lớn trong số lượng đặt hàng.

3.3. Đảm bảo sự bình ổn về giá cả và giảm các đơn hàng lạm phát

Trong ví dụ về hiệu thuốc và mặt hàng khẩu trang nêu trên, nhận thấy tiềm năng trong việc bán ra với mức giá cao hơn so với trước, một số hiệu thuốc sẽ thực hiện việc lưu trữ tồn kho khẩu trang tại thời điểm giá thấp để sau đó bán ra với mức giá cao hơn. Không chỉ vậy, các đơn hàng lạm phát do các nhà bán lẻ đặt hàng trong thời kỳ thiếu hụt thường có khuynh hướng làm thổi phồng hiệu ứng Bullwhip. Tuy nhiên sau khi giai đoạn thiếu hụt kết thúc, các nhà bán lẻ sẽ trở lại các đơn hàng chuẩn, điều này dẫn đến sự méo mó và những sai lệch trong dự báo nhu cầu.

Vì vậy, cần đảm bảo bình ổn về giá cả thị trường nhất là tại thời điểm diễn ra hoạt động xúc tiến mua. Đặc biệt là trong các giai đoạn doanh nghiệp thực hiện chương trình cổ động và chiết khấu theo số lượng ở một vài thời điểm mấu chốt trong năm. Đồng thời giảm tình trạng xuất hiện các đơn hàng lạm phát trên thị trường.

Nội dung: Nhật Quyên 

Từ khóa » Hiệu ứng Bullwhip