Bước Ngoặt Lịch Sử Năm 1986 - Báo Người Lao động
Có thể bạn quan tâm
Dưới xé rào
Sản xuất công nghiệp thiếu nguyên liệu, các HTX nông nghiệp trì trệ, sản lượng lương thực thấp, kéo theo giá trị ngày công lao động cũng rất thấp. Đồng tiền mất giá theo từng năm, vì thế mọi giao dịch như bán nhà, xe máy hay các vật dụng có giá trị đều tính bằng cây, bằng chỉ (vàng). Theo Niên giám Thống kê năm 1988, lạm phát cuối năm 1986 ở mức 587,2% so với 1985. Tại Hà Nội, tiêu chuẩn lương thực cung cấp cho cán bộ và nhân dân vẫn như vậy song ngành lương thực chạy bở hơi tai vẫn không lo đủ nên các cửa hàng chỉ bán một số lượng nhất định cho một lần mua. Có gia đình tiêu chuẩn chỉ 60 cân gạo nhưng phải mua tới 6 lần và dĩ nhiên một lần mua gạo là một lần vất vả. Lương của cán bộ và công nhân viên chức chỉ đủ sống từ 1 tuần đến 10 ngày.
Do chưa thể tăng lương, nhà nước buộc phải áp dụng chế độ phụ cấp nên các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy phải bươn chải làm kế hoạch “ba chạy vạy” mua thực phẩm, lương thực thông qua mối quan hệ để lo đời sống cho cán bộ, công nhân. Năm 1986, nền kinh tế Việt Nam đã muôn vàn khó khăn lại thêm hậu quả của cuộc khủng hoảng do cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền năm 1985 nên càng khó khăn hơn. Tiền phát hành ra không đủ phục vụ lưu thông, các xí nghiệp, nhà máy không có vốn lưu động, không có tiền trả lương cho công nhân.
Hàng loạt khó khăn, thiếu thốn đó đổ lên đầu lãnh đạo các cơ sở sản xuất, cán bộ lãnh đạo các địa phương - những người hằng ngày phải đối diện với người lao động, với người dân. Nếu chấp hành đúng quy định thì cán bộ hoàn thành nhiệm vụ nhưng người lao động thiếu đói; nếu làm khá, họ sẽ bị kỷ luật vì vi phạm pháp luật, có thể mất chức và hơn nữa có thể bị quy kết đi ngược lại chủ trương, đường lối. Thế nhưng, vẫn có cán bộ chấp nhận kỷ luật để “xé rào” lo cho người lao động, lo cho dân. Để có lương thực, lãnh đạo TP HCM khi đó đã dùng “xe cứu thương”, “xe cứu hỏa” vận chuyển mới có gạo cung cấp cho 3 triệu dân trong thành phố không phải ăn bo bo và cũng là gỡ ách tắc cho sản xuất. Tại miền Bắc, HTX nông nghiệp Đoàn Xá ở Hải Phòng với 7.000 nhân khẩu nhưng 1 năm chỉ thu hoạch được 160 tấn thóc, bằng 1/6 sản lượng thông thường và trong số đó HTX phải nộp nghĩa vụ cho nhà nước 100 tấn nên số thóc còn lại chia đều thì mỗi đầu người chỉ được 0,85 kg. Không thể để dân đói, lãnh đạo HTX này quyết định tiến hành khoán “chui”, nghĩa là giấu cấp trên, chỉ dân trong xã biết với nhau và ngay năm đầu tiên, sản lượng lúa đã tăng gấp 6 lần. Huyện biết tin, định thi hành kỷ luật cán bộ nhưng thấy kết quả rất tốt nên đã đứng ra bao che. Học tập Đoàn Xá, các HTX nông nghiệp của huyện Đồ Sơn cũng bắt chước, dân không chỉ no mà còn nộp đủ nghĩa vụ cho nhà nước. Xí nghiệp đánh cá Vũng Tàu - Côn Đảo làm ăn thua lỗ, năm nào nhà nước cũng phải bù lỗ, lương công nhân không đủ sống nên họ đã mời ông Năm Ve về quản lý. Thay vì theo chế độ kinh tế quốc doanh, Năm Ve quay lại áp dụng mô hình quản lý “nậu vựa” của các chủ đánh cá trước giải phóng, có điểm khác trước là chủ “nậu vựa” không phải tư nhân mà là nhà nước. Kết quả, sản lượng đánh bắt cá tăng lên, lương công nhân cũng tăng lên và nhà nước không phải bù lỗ. Tỉnh An Giang cũng xóa bỏ các trạm kiểm soát hàng hóa, bán vật tư theo giá thị trường, mua lại lúa của nông dân theo giá thị trường. Long An thì táo bạo hơn, quyết định bán mặt hàng cung cấp theo sát giá thị trường và bù giá vào lương cho cán bộ, công nhân, viên chức. Kết quả là người lao động thấy thoải mái, ngành thương nghiệp đỡ vất vả về tem phiếu và ngân sách tỉnh hết thâm hụt.
Những cách làm “xé rào” ấy không chỉ tự cứu được mà còn đánh động lên cấp trên về một cơ chế không phù hợp cho phát triển đất nước.
Trên đổi mới
Thực ra, trước những bất cập của nền kinh tế và khó khăn trong đời sống nhân dân, một số lãnh đạo cao cấp đã “thai nghén” những tư duy cần phải thay đổi nhưng thay đổi thế nào để không đi chệch mục tiêu “bỏ qua thời kỳ quá độ tiến thẳng lên CNXH” là điều không dễ dàng, lại còn rào cản là tư duy cũ. Ông Trường Chinh khi đó là Chủ tịch Hội đồng nhà nước đã nhận thấy có gì đó không bình thường, ông đích thân xuống cơ sở từ Bắc vào Nam để nắm bắt thực tế. Những bất cập trong sản xuất và khó khăn trong cuộc sống người dân khiến ông trăn trở. Tại Hội nghị Trung ương 6 diễn ra vào tháng 7-1984, ông đã có bài phát biểu, trong đó đưa ra nhiều quan điểm mới về kinh tế: “Chế độ bao cấp trong những năm qua làm cho bức tranh kinh tế của chúng ta trở thành giả tạo. Nay phải tiến hành hạch toán kinh doanh thật sự, phản ánh đầy đủ và đúng các chi phí sản xuất, xóa bỏ cách làm hình thức và nửa vời lâu nay, khôi phục tính chân thực của các hoạt động kinh tế. Phải để cho các đơn vị kinh tế, các cơ sở chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất và kinh doanh của mình, không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên”.
Bài phát biểu của ông nhanh chóng lan truyền trong xã hội và người dân mong chờ những động thái tiếp theo. Từ ngày 13 đến 31-5-1985, Bộ Chính trị đã có 2 cuộc họp bàn về giá - lương - tiền để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 8. Trong cuốn Trường Chinh với sự nghiệp đổi mới đất nước ta (NXB Chính trị quốc gia 2002) của GS Trần Nhâm thì tại cuộc họp này, ông Trường Chinh đã kết luận: “Bài học lớn nhất mà chúng ta cần rút ra từ thực tế của những năm qua, đó là: Đã đến lúc phải dứt khoát bãi bỏ quan liêu, bao cấp; phải mổ xẻ và loại bỏ cái ung nhọt nguy hiểm này càng sớm càng hay, không một chút gì đáng để luyến tiếc”. Tại Hội nghị Trung ương 8 họp từ ngày 10 đến 17-6-1985, ông Trường Chinh lại đưa ra quan điểm: “Chúng ta sẽ chấm dứt thời kỳ điều khiển nền kinh tế bằng những mệnh lệnh hành chính sang thời kỳ điều khiển nền kinh tế trên cơ sở vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan”.
Đại hội Đảng lần thứ VI diễn ra vào tháng 12-1986, trong diễn văn khai mạc của ông Nguyễn Văn Linh - lúc đó là Thường trực Ban Bí thư - có đoạn: “Chỉ đổi mới thì mới thấy cái đúng và thấy hết sự thật, thấy những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa. Muốn thế, phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống thói quen lỗi thời dai dẳng...”. Còn trong Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày đã thể hiện khá toàn diện những quan điểm cơ bản của đổi mới. Tuy nhiên, đối với khái niệm kinh tế thị trường, Đại hội Đảng VI còn rất thận trọng, mới chỉ nêu lên phát triển kinh tế “hàng hóa XHCN”. Phải 3 năm sau, tại Hội nghị Trung ương 6 (tháng 3-1989), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mới cụ thể hơn: “Cơ chế thị trường phải được vận dụng nhất quán trong kế hoạch hóa và các chính sách kinh tế. Cơ chế thị trường vận động trong môi trường tự do sản xuất lưu thông hàng hóa theo luật pháp. Giá cả trong nước không thể tách rời giá cả trên thị trường quốc tế. Nhà nước không dùng mệnh lệnh hành chính áp đặt giá mà sử dụng các chính sách, biện pháp kinh tế và lực lượng dự trữ để tác động lên quan hệ cung - cầu. Chuyển toàn bộ các đơn vị kinh tế sang cơ chế kinh doanh”.
Đây là một bước tiến nữa về quan điểm kinh tế và đường lối kinh tế, mở đường để 12 năm sau ra đời quan niệm về “cơ chế thị trường định hướng XHCN” vào năm 2001.
Dù chủ trương đổi mới là rõ ràng nhưng còn hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết. Tư duy kinh tế sau đại hội vẫn còn giằng co giữa cái cũ và cái mới, giữa xu hướng muốn tháo gỡ cải cách và xu hướng nghi ngờ muốn siết lại. Tháng 3-1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - ông Phạm Hùng - mất, ông Võ Văn Kiệt trở thành quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và ông đã kiên quyết đưa những tư tưởng của Đại hội Đảng VI vào cuộc sống.
Từ khóa » Bỏ Chế độ Bao Cấp
-
Thời Bao Cấp – Wikipedia Tiếng Việt
-
Việt Nam Xóa Bỏ Bao Cấp Năm Nào? Ai Là Người Xóa Bỏ Bao Cấp?
-
Các Kỳ Hội Nghị Đại Hội V Của Đảng: Xóa Bỏ Quan Liêu Bao Cấp ...
-
Thời Kỳ Bao Cấp Có Từ Khi Nào? - Bạn Nên Biết
-
Kinh Tế Bao Cấp Là Gì? Các Hậu Quả Của Nền Kinh Tế Bao Cấp?
-
Bao Cấp Và Đổi Mới, 2 Cột Mốc Trong Lịch Sử Kinh Tế Việt Nam - RFI
-
Trở Về Ký ức Thời... Bao Cấp - Báo Thanh Hóa
-
Năm Mới, Nhớ Người Tiên Phong Xóa Bỏ Bao Cấp - VnExpress
-
Phải Xóa Bỏ Bao Cấp Trong Tư Duy - Báo Tuổi Trẻ
-
VN: 'Cần Bỏ Biên Chế Như Sổ Gạo Thời Xưa' - BBC News Tiếng Việt
-
Đã Xóa Bỏ Chính Sách Bao Cấp Về Nhà ở
-
So Sánh Kinh Tế Bao Cấp Và Kinh Tế Thị Trường - Luật Hoàng Phi
-
[DOC] MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
-
Nhìn Lại 30 Năm đổi Mới - Trường Chính Trị Tỉnh Bình Thuận
-
Xóa Bỏ Cơ Chế Quản Lý, Tập Trung, Bao Cấp - Wattpad
-
Phải Bỏ Chế độ Bao Cấp Về Nhà Công Vụ!