Bước Ngoặt Lớn Trên Con đường Cứu Nước Của Bác - Báo Thanh Tra
Có thể bạn quan tâm
1. Bước ngoặt lớn đầu tiên, trước hết phải nói tới việc ra đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh vào mùa hè năm 1911 khi Người mới 21 tuổi, đó là ngày 5/6/1911. Bước xuống tàu Đô đốc Latouche Tréville rời Tổ quốc để đi tìm đường cứu nước với tên Văn Ba, bắt đầu cuộc sống lao động vừa kiếm sống, vừa tự học, vừa tìm hiểu thực tế và từng bước tham gia vào cuộc đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động ở những nơi mà Người đã đến. Ngày 5/6/1911 là một mốc đặc biệt quan trọng không chỉ trong cuộc đời của một con người mà còn đặc biệt quan trọng đối với lịch sử của cả một dân tộc. Lúc đó, chính Nguyễn Tất Thành cũng chưa hiểu được là chính mình đang gánh vác một nhiệm vụ lịch sử trọng đại. Và, lịch sử dân tộc cũng chưa biết rằng, từ ngày ấy đã bắt đầu giao phó một sứ mệnh hết sức thiêng liêng cho một người thanh niên trẻ tuổi. Lịch sử đã khẳng định, sau nhiều năm tháng hoạt động, người thanh niên đó từ Nguyễn Tất Thành trở thành Nguyễn Ái Quốc, từ một người đi tìm đường cứu nước trở thành người dẫn đường cho cả dân tộc. Sự thất bại của một loạt phong trào yêu nước Việt Nam nổ ra từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã làm cho cách mạng Việt Nam khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc. Trước bối cảnh đất nước như vậy đã có nhiều câu hỏi được đặt ra: Đất nước đi về đâu? Dân tộc đi về đâu? Ai sẽ là người đứng ra giải phóng dân tộc?... Khi đó, bằng sự hiểu biết của bản thân, Nguyễn Tất Thành đã đứng trước một sự lựa chọn lịch sử. Anh đã sớm nhận thấy con đường do những người đi trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc và không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào. Theo Anh, con đường cứu nước của Hoàng Hoa Thám còn nặng cốt cách phong kiến đã không thể dẫn tới thắng lợi. Con đường cầu viện Nhật Bản của Phan Bội Châu chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Còn con đường cải lương của Phan Châu Trinh chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương. Việc không lặp lại thất bại của những người đi trước đó là một điều khó khăn, nhưng tìm ra một con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử, đưa dân tộc được độc lập, tự do là một điều còn khó khăn hơn nhiều lần. Đây phải chăng là một sự khước từ: “Sự khước từ cái sai để đi tìm cái đúng. Sự từ bỏ cái lạc hậu, lỗi thời để đi tìm cái tiên tiến, phù hợp với thời đại mới. Đấy là sự vượt qua những lối mòn cũ kỹ để đi tìm cho được con đường mà dân tộc cần đi. Đấy là sự khẳng định một bản lĩnh, một khả năng suy nghĩ độc lập và sáng tạo mà lịch sử đang đòi hỏi. Đấy chính là bước ngoặt rất quan trọng khi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước”. (Đặng Xuân Kỳ, Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Thông tin lý luận, Hà Nội, 1990, tr11, tr9). Gắn liền với sự kiện năm 1911, đánh dấu sự bắt đầu một thời kỳ mới, thời kỳ tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. “Anh ra đi không phải vì mình hay cho mình. Động cơ ra đi của Anh chỉ có một, đó là lòng yêu nước thương dân. Mục đích ra đi của Anh chỉ duy nhất là tìm cho được con đường cứu dân, cứu nước”. (Đặng Xuân Kỳ, Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Thông tin lý luận, Hà Nội, 1990, tr11, tr9). Trong sự kiện và ở bước ngoặt này của hành trình tìm đường cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lựa chọn đúng hướng đi và cách đi riêng cho mình. Nước Pháp là địa chỉ đầu tiên mà Nguyễn Tất Thành muốn đến trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước. Và đây cũng là câu hỏi của Nguyễn Tất Thành từ khi còn nhỏ tuổi: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”. (Báo Ogoniok, số 3, ngày 23/12/1923). Nguyễn Tất Thành muốn tìm hiểu sự thật về nước Pháp, về chủ nghĩa thực dân Pháp đang trực tiếp thống trị Việt Nam. Đây là một sự lựa chọn hướng đi đúng, hướng đi khác so với những nhà cách mạng tiền bối thể hiện sự nhạy cảm và sáng tạo độc đáo trong suy nghĩ và hành động của Nguyễn Tất Thành. “Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. (Báo Nhân dân, ngày 18/5/1965). Khi đã có động cơ, mục đích rõ ràng, hướng đi đã xác định, Nguyễn Tất Thành đã chọn một cách đi riêng, đó là ra đi bằng lao động của chính mình, “làm bất cứ việc gì để sống và để đi”. (Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 2005, tr15). Sau thời gian ở Pháp, Nguyễn Tất Thành tiếp tục cuộc hành trình đi qua nhiều châu lục khác trên thế giới, quan sát, tìm tòi, khảo nghiệm. Đi đến nơi đâu, Người cũng đều được chứng kiến cảnh người dân ở các nước thuộc địa có cuộc sống khổ cực như nhau, ở đâu chủ nghĩa thực dân cũng gây ra những tội ác man rợ. Chính quá trình tìm hiểu về chủ nghĩa thực dân Pháp, Người hiểu biết rõ hơn về chủ nghĩa thực dân nói chung. Từ đó, Người đã có sự đồng cảm với giai cấp công nhân và nhân dân lao động bị áp bức bóc lột ở các dân tộc mà sau này Người rút ra một chân lý: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, tr 266). 2. Tiếp theo những năm đầu tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc. Đây là bước ngoặt lớn thứ hai trong cuộc đời hoạt động của Người. Bước ngoặt này gắn liền với sự kiện Nguyễn Tất Thành từ giã nước Anh trở lại nước Pháp. Khoảng cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp để có điều kiện trực tiếp hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp. Nguyễn Tất Thành đã thực sự bước vào cuộc chiến đấu, tham gia vào hoạt động, vào tổ chức, hòa mình vào phong trào đấu tranh quần chúng rộng lớn. Người tham gia vào các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật rất đa dạng; tham gia vào nhiều tổ chức khác nhau, đặc biệt là gia nhập Đảng Xã hội Pháp vì đây là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quí của đại cách mạng Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái; tiếp xúc với đủ các tầng lớp xã hội Pháp để tìm hiểu, học hỏi, tố cáo tội ác của bọn thực dân Pháp, vạch trần những trò bịp bợm, giả dối của thực dân Pháp dưới chiêu bài khai hóa văn minh cho những người Pháp có khuynh hướng dân chủ và tiến bộ. Một số nhà hoạt động chính trị ở Pháp đã đánh giá rất cao các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và cho rằng, chính Nguyễn Ái Quốc đã giúp họ hiểu rõ hơn về chủ nghĩa thực dân và nắm chắc hơn những vấn đề về đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Tháng 6/1919, Nguyễn Ái Quốc đưa ra bản Yêu sách 8 điểm của dân tộc Việt Nam trước Hội nghị Véc-xây. Bản Yêu sách phản ánh nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, có tác động mạnh mẽ đến người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Một người Việt Nam, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, đã dũng cảm đưa vấn đề chính trị của Việt Nam ra quốc tế, đòi cho Việt Nam có những quyền cơ bản chính đáng, thiết thực. Đây là dấu hiệu mới của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên đường đi tới độc lập dân tộc. Và từ đây, Nguyễn Ái Quốc thực sự bắt đầu sứ mệnh của người chiến sĩ tiên phong của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp mà chính Ác-nu, viên mật thám Pháp, đã phải thốt lên dự cảm: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”. (Hồng Hà, Thời thanh niên của Bác Hồ, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 1976, tr81). Khát vọng của Nguyễn Ái Quốc là đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhưng, làm thế nào và đi theo hướng nào để đạt được mục đích đó, Nguyễn Ái Quốc vẫn còn đang tìm kiếm. Với một linh cảm đặc biệt do những năm tháng hoạt động liên tục đem lại, yêu sách không thể là con đường đánh đổ được chủ nghĩa thực dân và giải phóng được dân tộc. Con đường đó chỉ có thể là cách mạng theo gương Cách mạng tháng Mười. Nguyễn Ái Quốc đã được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I Lê-nin viết vào tháng 6/1920 và được công bố trên Báo Nhân đạo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp ngày 16 - 17/7/1920. Đầu đề bài viết có liên quan đến vấn đề thuộc địa lập tức thu hút sự chú ý của Nguyễn Ái Quốc. Trong văn kiện này, V.I Lê-nin đã nêu rõ: Phải phân biệt lợi ích của giai cấp bị áp bức bóc lột, phân biệt những dân tộc bị áp bức không được hưởng quyền bình đẳng với dân tộc đi áp bức, bóc lột được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi để đập lại sự lừa dối kiểu dân chủ tư sản đang che dấu tuyệt đại đa số nhân dân trên trái đất bị một thiểu số nhỏ bé những nước tư bản tiên tiến rất mực giàu có nô dịch về mặt thuộc địa và tài chính… Lê-nin đã chỉ ra con đường giải phóng cho các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc, cho các nước chậm phát triển. Vô sản và quần chúng lao động của tất cả các dân tộc và tất cả các nước gần gũi nhau để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng chung nhằm lật đổ bọn địa chủ và giai cấp tư sản. Các phong trào giải phóng dân tộc ở thuộc địa phải gắn chặt với cuộc đấu tranh và chiến thắng của chính quyền Xô Viết đối với chủ nghĩa đế quốc thế giới. Các đảng cộng sản phải trực tiếp ủng hộ phong trào cách mạng của các dân tộc thuộc địa… Tất cả những vấn đề mà Nguyễn Ái Quốc từng trăn trở, tìm kiếm bao lâu nay đã được giải đáp. Sau này, nhớ lại thời điểm lịch sử ấy, Người viết: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế thứ ba”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, tr127). Từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đến khi tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã trải qua gần 10 năm lao động, học tập, đấu tranh với một nghị lực phi thường và một bản lĩnh sáng tạo, khoa học. Nguyễn Ái Quốc đã từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Lê-nin. Con đường giải phóng dân tộc mà Người tìm thấy chính là con đường cách mạng theo học thuyết cách mạng của Lê-nin. Từ bản Luận cương của Lê-nin mà Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam. Niềm tin ấy là cơ sở tư tưởng để Nguyễn Ái Quốc vững bước đi theo con đường cách mạng triệt để của chủ nghĩa Lê-nin, quyết tâm đi theo con đường của Lê-nin vĩ đại. Từ đây, lịch sử cách mạng Việt Nam chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cách mạng. Chủ nghĩa Lê-nin mà Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận được coi như “kim chỉ nam” soi sáng con đường đi tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam. 3. Bước ngoặt lớn thứ ba trong hành trình tìm đường cứu nước đó là thời gian Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Cuối năm 1920, khi Đảng Xã hội Pháp họp Đại hội lần thứ XVIII tại TP Tua, Nguyễn Ái Quốc tham dự với tư cách là đại biểu chính thức và duy nhất của các nước thuộc địa Đông Dương. Cùng với đa số đại biểu dự Đại hội, Người đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản), tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đã đánh dấu sự hoàn chỉnh trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc. Đó là con đường cách mạng vô sản. Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, đánh dấu một bước chuyển biến quyết định trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị. Từ một người yêu nước tiến bộ, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa mà chính Người, 40 năm sau nhìn lại sự kiện này đã viết: “… Cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, tr241). Kết quả của nhiều năm hoạt động thực tiễn trong phong trào công nhân và lao động, của nghiên cứu lý luận mác-xít đã đem lại cho Người nhận thức sâu sắc về cách mạng và con đường cách mạng. Chính Người khẳng định rằng: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, tr314). Vì vậy, Nguyễn Ái Quốc là người đã sớm gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, gắn cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam với phong trào giải phóng của tất cả các dân tộc bị áp bức khác. Có được nhận thức trên cũng bởi vì Nguyễn Ái Quốc đã sớm đến với lập trường của giai cấp vô sản, lập trường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Và, không ai khác, Nguyễn Ái Quốc chính là người Việt Nam đầu tiên đã tìm ra con đường cứu nước bằng con đường vô sản hóa. Trên đây chúng ta đã thấy rõ 3 bước ngoặt lớn gắn liền với những sự kiện tiêu biểu trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Trải qua mỗi bước ngoặt của hành trình tìm đường cứu nước đó là một sự phát triển không ngừng trong nhận thức về con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, là tiền đề rất quan trọng để mở ra con đường mới đầy triển vọng của cách mạng Việt Nam mà sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước dân chủ, công bằng, văn minh như ngày nay.
Lê Quỳnh Mai
Từ khóa » Bước Ngoặt Lớn Là Gì
-
Bước Ngoặt - Wiktionary Tiếng Việt
-
Từ điển Tiếng Việt "bước Ngoặt" - Là Gì?
-
Những Bước Ngoặt Lớn Trong Cuộc đời Và Sự Nghiệp Cách Mạng Của ...
-
Top 7 Bước Ngoặt Lớn Trong Cuộc đời Mỗi Con Người
-
Bước Ngoặt Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Bước Ngoặt To Lớn Của Cách Mạng Việt Nam
-
Cách Mạng Tháng Tám, Năm 1945-Bước Ngoặt Vĩ đại - Tin Tức Sự Kiện
-
Bước Ngoặt Trọng đại Mở Ra Các Bước Ngoặt Lớn Trong Lịch Sử Của ...
-
Bước Ngoặt Trong Lịch Sử Cách Mạng Việt Nam - Bộ Nội Vụ
-
Bước Ngoặt Lịch Sử Trong Tư Tưởng Con Người Công Dân Việt Nam
-
Bước Ngoặt Trong Tiếng Anh, Dịch, Tiếng Việt - Glosbe
-
Cách Mạng Tháng Tám 1945 Bước Ngoặt Lịch Sử Của Dân Tộc Việt Nam
-
Bước Ngoặt To Lớn Của Cách Mạng Việt Nam Trong Thế Kỷ XX
-
Đảng Cộng Sản Việt Nam Ra đời, Bước Ngoặt Quyết định Của Cách ...