C. Phần Sám Nguyện - Đạo Phật Ngày Nay

image

Kinh Phật cho người tại gia (tái bản lần 3)

  • Kinh Phật cho người tại gia
  • Lời nói đầu
  • A. Phần dẫn nhập
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về đạo đức: 1. Kinh tiểu sử đức Phật
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về đạo đức: 2. Kinh người áo trắng
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về đạo đức: 3. Kinh mười nghiệp thiện
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về đạo đức: 4. Phật nói kinh tám điều trai giới
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về đạo đức: 5. Kinh nhân quả đạo đức
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về đạo đức: 6. Kinh lời vàng Phật dạy
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về đạo đức: 7. Kinh soi gương nhân cách
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về đạo đức: 8. Kinh phân biệt nghiệp báo
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về đạo đức: 9. Kinh định luật nghiệp
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về đạo đức: 10. Kinh nghiệp tạo sai biệt
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về đạo đức: 11. Kinh chuyển hóa nghiệp chướng
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về đạo đức: 12. Kinh phước thế gian
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về gia đình, xã hội và chính trị: 13. Kinh thiện sinh
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về gia đình, xã hội và chính trị: 14. Kinh phước đức
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về gia đình, xã hội và chính trị: 15. Kinh tránh xa cánh cửa bại vong
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về gia đình, xã hội và chính trị: 16. Kinh bảy loại vợ
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về gia đình, xã hội và chính trị: 17. Kinh bốn ân lớn
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về gia đình, xã hội và chính trị: 18. Kinh mọi người bình đẳng
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về gia đình, xã hội và chính trị: 19. Kinh không có giai cấp
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về gia đình, xã hội và chính trị: 20. Kinh sống trong hòa hợp
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về gia đình, xã hội và chính trị: 21. Kinh hóa giải tranh cãi
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về gia đình, xã hội và chính trị: 22. Kinh hòa hợp và hòa giải
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về gia đình, xã hội và chính trị: 23. Kinh chuyển luân thánh vương
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về gia đình, xã hội và chính trị: 24. Kinh đức hạnh của vua và tu sĩ
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về gia đình, xã hội và chính trị: 25. Kinh quốc gia cường thịnh
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về gia đình, xã hội và chính trị: 26. Kinh Hiền Nhân
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về triết lý: 27. Kinh chuyển pháp luân
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về triết lý: 28. Kinh mười hai nhân duyên
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về triết lý: 29. Kinh chánh tri kiến
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về triết lý: 30. Kinh ba dấu ấn thực tại
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về triết lý: 31. Kinh thực tập vô ngã
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về triết lý: 32. Kinh nhận diện vô ngã
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về triết lý: 33. Kinh chuyển hóa cái tôi
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về triết lý: 34. Kinh nền tảng đức tin
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về triết lý: 35. Kinh kiến thức và trí tuệ
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về triết lý: 36. Kinh thuyết minh và xác minh
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về triết lý: 37. Kinh bảy điều nên biết
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về triết lý: 38. Kinh ẩn dụ về bảy hạng người dưới nước
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về triết lý: 39. Kinh tham ái là gốc khổ đau
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về triết lý: 40. Kinh dụ ngôn người bắt rắn
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về triết lý: 41. Kinh lời Phật qua các con số
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về triết lý: 42. Kinh nương tưạ ai khi Phật qua đời?
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về thiền và chuyển hóa: 43. Kinh cốt lõi thiền tập
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về thiền và chuyển hóa: 44. Kinh bốn pháp quán niệm
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về thiền và chuyển hóa: 45. Kinh quán niệm hơi thở
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về thiền và chuyển hóa: 46. Kinh các cấp thiền quán
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về thiền và chuyển hóa: 47. Kinh bốn loại hành thiền
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về thiền và chuyển hóa: 48. Kinh ẩn dụ về thành trì
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về thiền và chuyển hóa: 49. Kinh sống trong hiện tại
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về thiền và chuyển hóa: 50. Kinh căn bản tu tập
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về thiền và chuyển hóa: 51. Kinh tu các pháp lành
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về thiền và chuyển hóa: 52. Kinh phát tâm bồ đề
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về thiền và chuyển hóa: 53. Phật nói kinh bốn vô lượng tâm
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về thiền và chuyển hóa: 54. Kinh từ bi và hồi hướng
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về thiền và chuyển hóa: 55. Kinh tám điều giác ngộ của bậc đại nhân
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về thiền và chuyển hóa: 56. Kinh bảy cách dứt trừ khổ đau
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về tịnh độ: 57. Kinh Phổ Môn
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về tịnh độ: 58. Kinh Bổn Nguyện Công Đức Của Phật Dược Sư
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về tịnh độ: 59. Kinh A Di Đà
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về tịnh độ: 60. Kinh Sám hối sáu căn
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về tịnh độ: 61. Kinh Sám hối hồng danh
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về tịnh độ: 62. Phật Nói Kinh Vu Lan Bồn
  • B. Phần chánh kinh - Các kinh về tịnh độ: 63. Phật Nói Kinh Báo Hiếu Công Ơn Cha Mẹ
  • C. Phần sám nguyện
  • D. Phần phụ lục - Phụ lục 1: Xuất xứ các bài Kinh và sám nguyện
  • D. Phần phụ lục - Phụ lục 2: Các ngày lễ trong hai truyền thống Phật giáo
  • D. Phần phụ lục - Phụ lục 3: Các nghi thức và kinh tụng

1. BÁT-NHÃ TÂM KINH

Quán Tự Tại thực hành trí tuệ,

Bát-nhã ba-la-mật sáng ngời,

Bấy giờ Bồ-tát quán soi,

Thấy rằng năm uẩn ba đời đều không.O

Vượt tất cả các vòng khổ ách,

Hãy nghe này, Xá-lợi-phất ông!

Sắc nào có khác gì không,

Không nào khác sắc, sắc không vốn đồng. O

Cả thọ, tưởng, thức, hành cũng thế,

Tánh chân không các pháp viên thành

Thảy đều chẳng diệt, chẳng sanh,

Chẳng nhơ, chẳng sạch, chẳng tăng giảm gì. O

Trong chân không chẳng hề có sắc,

Chẳng thọ, tưởng, hành, thức trong không.

Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân,

Sắc, thanh, vị, xúc, pháp, hương không còn. O

Không nhãn thức đến không ý thức,

Không vô minh hoặc hết-vô-minh,

Không điều già chết chúng sanh,

Hết già, hết chết thực tình cũng không.

Không trí huệ cũng không chứng đắc,

Bởi có gì là chỗ đắc đâu.

Bấy lâu Bồ-tát dựa vào,

Trí ba-la-mật, thẳm sâu thực hành,

Mọi chướng ngại quanh mình tan biến,

Mọi việc đều chẳng khiến hoảng kinh,

Xa lìa mộng tưởng đảo điên,

Niết-bàn rốt ráo an nhiên thanh nhàn. O

Bát-nhã ấy rõ ràng trí tuệ,

Mà ba đời chư Phật nương vào,

Chứng thành quả giác tối cao,

Nên xem Bát-nhã thâm sâu đó là: O

Lời thần chú sâu xa bậc nhứt,

Lời chú thần rất mực quang minh,

Chú thần cao cả anh linh,

Là lời thần chú thật tình cao siêu,

Trừ dứt được mọi điều đau khổ,

Đúng như vầy muôn thuở không sai.

Ngài liền tuyên nói chú này,

Để người trì niệm sáng bày chơn tâm:O

Ga-tê Ga-tê Pa-ra-ga-tê Pa-ra-san-ga-tê Bô-dhi Sva-ha. (3 lần) OOO

2. NIỆM PHẬT

Nam-mô Ta-bà giáo chủ, tam giới Đạo sư, tứ sinh Từ phụ, nhân thiên Giáo chủ, thiên bá ức hoá thân, Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Phật (18 lần) O

Nam-mô Đại trí Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát O

Nam-mô Đại hạnh Phổ-hiền Bồ-tát O

Nam-mô Hộ pháp chư Tôn Bồ-tát O

Nam-mô Đạo tràng Hội thượng Phật Bồ-tát (3 lần) OOO

3. NĂM ĐIỀU QUÁN TƯỞNG

(Hoặc đọc bài Quán Chiếu Thực tại)

Thế Tôn lời dạy tỏ tường

Năm điều quán tưởng phải thường xét ra:

Ta đây phải có sự già,

Thế nào tránh khỏi lúc qua canh tàn. O

Ta đây bệnh tật phải mang,

Thế nào tránh khỏi đặng an, mạnh lành.

Ta đây sự chết sẵn dành,

Thế nào tránh khỏi tử sanh đến kỳ.

Ta đây phải chịu phân ly,

Nhơn vật quý mến ta đi biệt mà.

Ta đi với nghiệp của ta,

Dù cho tốt xấu tạo ra tự mình,

Theo ta như bóng theo hình,

Ta thọ quả báo phân minh kiết tường. O

4. QUÁN CHIẾU THỰC TẠI

Không truy tìm quá khứ,

Không ước vọng tương lai.

Quá khứ đã qua rồi,

Tương lai lại chưa đến.

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính là đây.

Không động, không lung lay.

Hãy thực hành như thế! O

Không một ai biết trước

Cái chết đến lúc nào;

Tử thần có đợi đâu,

Làm sao điều đình được.

Vì thế nên nỗ lực,

Tinh tấn suốt đêm ngày,

Tỉnh thức từng phút giây,

An trụ bằng chánh niệm.

Như vậy mới xứng đáng

Người biết sống một mình,

Người ấy đã tôn vinh

Đạo nhiệm mầu vô thượng. O

(Trong mỗi thời Kinh, tụng một trong tám bài Sám dưới đây)

5-A) SÁM MƯỜI NGUYỆN PHỔ HIỀN

Đệ tử chúng con quyết lòng tu tập

Mười hạnh nguyện lớn Bồ-tát Phổ Hiền:

Một là kính lạy Như Lai,

Hai là tán thán bậc Thầy nhơn thiên,

Ba là bố thí mọi miền,

Bốn là chuyển nghiệp oan khiên khổ sầu,

Năm là tùy hỷ lẫn nhau,

Sáu là chuyển pháp nhiệm mầu, thảnh thơi,

Bảy là thỉnh Phật ở đời,

Tám là học Phật an vui tuyệt vời,

Chín là luôn thuận mọi người

Mười là hồi hướng muôn nơi an lành. O

5-B) SÁM QUY MẠNG

Con nương tựa mười phương đức Phật,

Pháp cao siêu tuệ giác, tịnh thanh,

Tăng đoàn chứng quả thánh nhân,

Từ bi cứu độ chúng sinh thoát nàn.

Đã bao kiếp bỏ quên chân tánh

Lụy cõi mê, nhiễm đắm tham, sân

Bập bềnh sinh tử bao lần

Chạy theo thanh, sắc vướng chân bụi trần.

Mười trói buộc làm nhân hữu lậu,

Sáu giác quan gây tạo tội khiên.

Sông sầu, bể khổ đắm chìm,

Vướng vòng nhân ngã, bỏ quên đạo lành.

Bao kiếp sống lằng nhằng dây nghiệp,

Rồi kiếp này oan trái dùng dằng.

Ngưỡng cầu Tam bảo xót thương,

Cho con sám hối lỗi lầm bấy lâu. O

Nhờ Phật lực nhiệm mầu soi chiếu,

Bạn đồng tu nhiệt huyết chỉ nhau,

Thoát ra vực thẳm khổ sầu,

Đến bờ giác ngộ nhiệm mầu xưa nay. O

Gieo phước đức kiếp này sống thọ,

Trồng trí nhân, sáng tỏ tâm linh.

Sanh ra ở chốn đô thành,

Minh sư dẫn dắt, thực hành đạo chơn.

Vì chính tín, phát tâm xuống tóc,

Theo đạo mầu, thể đắc huyền vi.

Sáu căn lanh lợi hành trì,

Giữ gìn ba nghiệp hành vi mạnh lành.

Duyên thế tục tịnh thanh, không nhiễm,

Đời thanh cao, chẳng dính bụi trần.

Giữ gìn đạo đức, lương tâm,

Oai nghi, tế hạnh trang nghiêm trong, ngoài.

Tám nạn lớn không tày xâm phạm,

Cùng bốn duyên chẳng dám bủa giăng.

Liễu thông trí tuệ sâu ngần,

Tâm bồ-đề ấy chưa từng thoái lui. O

Nương Phật pháp, an vui tu học,

Ngộ Đại thừa, lập cước tánh “không”,

Thực hành lục độ pháp môn,

Vượt bao kiếp sống trầm luân biển dài.

Xây chùa tháp khắp nơi tu học,

Phá lưới nghi, ba độc trùng trùng,

Tà ma hàng phục đến cùng,

Trùng hưng Tam bảo, khơi nguồn tâm linh.

Noi gương Phật, dấn thân không mệt,

Các pháp môn thông suốt ngày đêm,

Rộng tu phước huệ thâm huyền,

Cứu người, giúp vật trọn nên đạo vàng.

Sớm chứng đắc thần thông sáu loại,

Rồi viên thành quả Phật hiện đời,

Ngay trong pháp giới chẳng rời,

Ra vào sanh tử, cứu người trầm luân. O

Tập thương xót Quan Âm quảng đại,

Noi Phổ Hiền hạnh nguyện không cùng,

Cõi này, chốn khác hiện thân,

Xiển dương Phật pháp, cứu nhân, độ đời.

Đem tuệ giác chiếu soi cõi dữ,

Dùng thần thông hóa độ quỷ ma,

Nơi nào nghe tiếng, gặp ta,

Cũng đều giác ngộ, vượt qua khổ sầu.

Chốn ngục lạnh, lửa màu đỏ rực,

Thành rừng hoa, thơm phức mùi hương.

Ngục đồng nuốt sắt thảm thương,

Biến thành Tịnh độ, thiên đường nhân gian.

Loài chở nặng, khổ hờn bao nỗi,

Giống mang lông, đầu đội sừng dài,

Không còn khổ luỵ, nạn tai,

Hưởng bao lợi lạc, tháng ngày bình an. O

Trong dịch bệnh, phát minh thuốc thánh

Cứu bao người khỏi bệnh trầm kha

Đói nghèo đều được ấm no,

Cho tiền, giúp vốn, bần cơ không còn.

Bao lợi ích hưng sùng tất cả,

Lòng vị tha chẳng kể oán, thân,

Người xa rồi lại kẻ gần,

Xem như quyến thuộc, ban ân đồng đều.

Cắt lưới ái nổi chìm nhiều kiếp,

Cạn sông mê, bao hiệp tử sinh,

Quyết tâm cứu giúp hàm linh,

Lên đường giác ngộ, chứng thành Như Lai.

Hư không dù có chuyển dời,

Nguyện con muôn kiếp không hề rung rinh.

Nguyện cầu tất cả chúng sinh,

Chứng nên Phật trí, tâm linh rạng ngời. OOO

5-C) SÁM QUY Y

Phật là đấng giác ngộ mình,

Độ người thoát khỏi tử sinh bao đời,

Từ bi, trí tuệ rạng ngời,

Là thầy ba cõi trời người xưa nay. O

Pháp là phương thuốc diệu thay,

Chữa lành bệnh khổ bao loài chúng sanh,

Như vầng trăng sáng lung linh,

Soi đường ra khỏi u minh mê mờ. O

Tăng là những bậc chân tu,

Biết đời huyễn mộng, giã từ ra đi,

Thấm nhuần trí tuệ, từ bi,

Độ đời thoát khỏi tham ... si khổ sầu. O

Con nay giác ngộ quay đầu,

Quy y Tăng, Phật, Pháp mầu Như Lai,

Cho con hạnh phúc hôm nay,

Cho đời an lạc tại ngay dương trần. O

Con nguyền từ bỏ sát sanh,

Tôn trọng sự sống, tâm lành rải ban.

Thương yêu người, vật, môi sinh,

Cho đời hạnh phúc như mình lạc an. O

Con nguyền từ bỏ trộm gian,

Mánh mung, cướp của, tham lam xin chừa.

Sống chân thật, chẳng lọc lừa,

Giữ tròn đạo nghĩa, cho vừa nhân sinh. O

Con nguyền từ bỏ ngoại tình,

Một chồng một vợ, trung trinh tấm lòng.

Thương yêu, tôn trọng, cảm thông,

Ngọt bùi chia xẻ, thủy chung trọn đời. O

Con nguyền từ bỏ nói sai,

Thêm thắt, chửi tục, móc moi hai đầu.

Nói như chánh pháp cao sâu,

Im như bậc thánh nhiệm mầu thấy nghe O

Con nguyện từ bỏ rượu chè,

Say sưa, nghiện ngập, thần mê, trí mờ,

Để không bệnh hoạn, thẫn thờ,

Để cho tâm trí lặng tờ sáng trong. O

Từ nay, con nguyện với lòng:

Giữ gìn năm giới quyết không phạm vào,

Để cho con sống thanh cao,

Để đời an lạc, dạt dào tình thương. O

Con nguyền noi đấng Pháp Vương,

Học tu chánh pháp, thoát vòng tử sanh.

Tham thiền, niệm Phật chân thành,

Tu tâm dưỡng tánh, dứt phần ác duyên.

Nguyện cho sáu cõi ba miền

Thoát vòng tục lụy, an nhiên Niết-bàn. OOO

5-D) SÁM QUY NGUYỆN 1

Trầm hương xông ngát điện,

Sen nở Phật hiện thân,

Pháp giới thành thanh tịnh,

Chúng sanh lắng nghiệp trần.

Đệ tử tâm thành

Hướng về Tam bảo: O

Phật là Thầy chỉ đạo,

Bậc tỉnh thức vẹn toàn,

Tướng tốt đoan trang,

Trí và bi viên mãn.

Pháp là con đường sáng,

Dẫn người thoát cõi mê,

Đưa con trở về

Sống cuộc đời tỉnh thức.

Tăng là đoàn thể đẹp

Cùng đi trên đường vui,

Tu tập giải thoát,

Làm an lạc cuộc đời. O

Đệ tử nương nhờ Tam bảo,

Trên con đường học đạo,

Biết Tam bảo của tự tâm.

Nguyện xin chuyên cần,

Làm sáng lòng ba viên ngọc quý.

Nguyện theo hơi thở,

Nở nụ cười tươi.

Nguyện học nhìn cuộc đời,

Bằng con mắt quán chiếu.

Nguyện xin tìm hiểu

Nỗi khổ của mọi loài.

Tập từ bi, hành hỷ xả,

Sáng cho người thêm niềm vui,

Chiều giúp người bớt khổ. O

Đệ tử nguyện sống đời thiểu dục,

Nếp sống lành mạnh an hòa,

Cho thân thể kiện khương.

Nguyện rũ bỏ âu lo,

Học tha thứ bao dung,

Cho tâm tư nhẹ nhõm.

Đệ tử xin nguyện ơn sâu đền báo: O

Ơn cha mẹ, ơn thầy,

Ơn bè bạn, chúng sanh,

Nguyện tu học tinh chuyên

Cho cây bi trí nở hoa.

Mong một ngày kia,

Có khả năng cứu độ mọi loài,

Vượt ra ngoài cõi khổ,

Xin nguyện Phật Pháp Tăng chứng minh,

Gia hộ cho đệ tử chúng con

Viên thành đại nguyện. OOO

5-Đ) SÁM TU TẬP

Cúi đầu đảnh lễ Như Lai,

Cha lành của khắp vạn loài chúng sinh.

Cùng chư Bồ-tát quang minh,

Tâm từ soi sáng hữu tình trầm luân.

Chúng con cùng các quyến thân,

Người còn kẻ mất, người gần kẻ xa,

Từ nay quy mạng Phật-đà

Học theo chánh pháp cùng là Thánh Tăng. O

Hiểu rằng cuộc sống thế nhân,

Vây quanh sóng khổ, bủa giăng gió sầu,

Dù rằng nghèo khổ sang giàu.

Kẻ nào khỏi khóc, người nào khỏi than.

Khi thì hợp, khi thì tan,

Lúc say quyền quý, lúc chan tủi sầu.

Những cơn bệnh hoạn đớn đau,

Những lần tử biệt biết bao nỗi buồn.

Lệ nhiều hơn nước mưa tuôn,

Máu nhiều hơn nước trên nguồn đổ xuôi.

Người đời gắng gượng tìm vui,

Trò chơi hư ảo chôn vùi tâm linh. O

Nào là rượu, nào là tình,

Xong rồi nhìn lại thấy mình tội thêm.

Nỗi lo của kẻ đi đêm,

Biết mình nặng nghiệp chưa tìm lối ra.

Nay con sám-hối Phật-đà,

Ăn năn lỗi trước, ngăn chừa lỗi sau.

Hiểu rằng nguyên cớ khổ đau

Đều do ích kỷ gốc sâu tạo thành.

Tham lam dẫn đến tranh giành,

Hận thù dẫn đến nhục hình lẫn nhau.

Kiêu căng tự đại tự cao,

Hơn thua đố kỵ người nào giỏi hơn.

Chìm trong bóng tối chập chờn,

Si mê chấp ngã nặng hơn núi cồn.

Lang thang ngàn kiếp trầm luân,

Khổ đau chất lại vạn lần biển khơi.

Nay con quỳ dưới Phật đài,

Nguyện theo giáo pháp Như Lai

nhiệm mầu. O

Niết-bàn, lòng nguyện tin sâu,

Là nơi chấm dứt khổ đau luân hồi.

Vượt ngoài ba cõi ngàn đời,

Từ bi trí giác rạng ngời vô biên.

Hiểu rằng nhân quả nghiệp duyên,

Công bằng chi phối mọi miền thế gian.

Người sung sướng, kẻ lầm than

Đều do nghiệp trước cưu mang đến giờ.

Nên không yên lặng đợi chờ,

Mà lo gắng sức giúp cho mọi người.

Người vui là chính con vui,

Người buồn con cũng ngậm ngùi sẻ chia. O

Hiểu rằng một sớm mai kia,

Xác thân tạm bợ trở về hư vô.

Nên không khờ dại tôn thờ

Cái mà bệnh chết sẽ chờ lấy đi.

Nay còn sức khỏe xuân thì

Khéo siêng làm phước dành khi trở về.

Hiểu rằng ngàn kiếp si mê,

Tham lam ích kỷ nặng nề âm u. O

Nay theo Phật, Đấng Đại Từ,

Trái tim xin mở rộng như biển ngàn.

Thương yêu khắp cả thế gian,

Dù là kẻ oán người thân cũng đồng.

Nơi cõi sống, chốn tử vong,

Rừng cây chim thú, biển sông cá kình.

Nguyện lòng thương khắp chúng sinh,

Như thương quyến thuộc thâm tình đã lâu. O

Từ nay mãi đến ngàn sau,

Sống vì tất cả, chẳng cầu riêng tư.

Hiểu rằng ba cõi ngục tù,

Thân là cát bụi, tâm là bóng mây.

Từ lâu như kẻ ngủ say,

Si mê chấp ngã chưa ngày thoát ra. O

Cúi đầu đảnh lễ Phật-đà,

Bậc Thánh Vô Ngã vượt xa thế trần.

Vì không còn chấp ngã nhân,

Người thành vũ trụ, Người thành trăng sao.

Tâm Vô Ngã là đỉnh cao,

Con xin phát nguyện ngày nào chứng nên.

Chí tu học quyết vững bền,

Độ sinh vì Phật báo đền ơn sâu. O

Hôm nay tha thiết nguyện cầu,

Xin đem công đức từ lâu đã làm,

Hướng về thế giới cõi âm,

Dành cho thân quyến còn cầm tại đây.

Mong sao cho những vị này

Nương nhờ sức Phật về ngay cõi lành. O

Thân an lạc, trí hiển minh,

Được chư Bồ-tát chung quanh dắt dìu.

Tu theo Phật pháp cao siêu,

Dần dần thành tựu những điều lớn lao.

Tâm siêu thoát khỏi trần lao,

Bước vào Phật địa, dự vào Thánh lưu.

Rồi dùng hạnh nguyện đại từ,

Hóa thân ba cõi vân du sáu đường.

Gieo chánh pháp đến ngàn phương,

Đưa người mọi nẻo về nương Phật-đà. OOO

5-E) SÁM QUY NGUYỆN 2

Trang nghiêm đài sen ngự tọa,

Đại hùng từ phụ Thích-ca.

Đệ tử lắng lòng thanh tịnh,

Bàn tay chắp búp liên hoa.

Cung kính hướng về Điều Ngự,

Dâng lời sám nguyện thiết tha. O

Đệ tử phước duyên thiếu kém,

Sống trong thất niệm lâu dài,

Không được sớm gặp chánh pháp,

Bao nhiêu phiền lụy đã gây,

Bao nhiêu lỡ lầm vụng dại,

Vô minh che lấp tháng ngày,

Vườn tâm gieo hạt giống xấu,

Tham, sân, tự ái dẫy đầy,

Những nghiệp sát, đạo, dâm, vọng,

Gây nên từ trước đến nay.

Những điều đã làm đã nói,

Thường gây đổ vỡ hàng ngày.

Bao nhiêu não phiền nghiệp chướng,

Nguyện xin sám hối từ đây. O

Đệ tử thấy mình nông nổi,

Con đường chánh niệm lãng xao.

Chất chứa vô minh, phiền não,

Tạo nên bao nỗi hận sầu.

Có lúc tâm tư buồn chán,

Mang đầy dằn vặt lo âu,

Vì không hiểu được kẻ khác,

Cho nên hờn giận, oán cừu.

Lý luận xong rồi trách móc,

Mỗi ngày mỗi chuốc khổ đau.

Chia cách hố kia càng rộng,

Có ngày không nói với nhau,

Cũng không muốn nhìn thấy mặt,

Gây nên nội kết dài lâu.

Nay con hướng về Tam bảo,

Ăn năn khẩn thiết cúi đầu. O

Đệ tử biết trong tâm thức,

Bao nhiêu hạt tốt lấp vùi,

Hạt giống thương yêu, hiểu biết,

Và bao hạt giống an vui.

Nhưng vì chưa biết tưới tẩm,

Hạt lành không mọc tốt tươi.

Cứ để khổ đau tràn lấp,

Làm cho đen tối cuộc đời.

Quen lối bỏ hình bắt bóng,

Đuổi theo hạnh phúc xa vời.

Tâm cứ bận về quá khứ,

Hoặc lo rong ruổi tương lai,

Quanh quẩn trong vòng buồn giận,

Xem thường bảo vật trong tay.

Giày đạp lên trên hạnh phúc,

Tháng năm sầu khổ miệt mài.

Giờ đây trầm xông Bảo Điện,

Con nguyện sám hối, đổi thay. O

Đệ tử tâm thành quy ngưỡng,

Hướng về các Phật mười phương,

Cùng với các vị Bồ-tát,

Thanh Văn, Duyên Giác, Thánh Hiền,

Chí thành cầu xin sám hối,

Bao nhiêu lầm lỡ triền miên.

Xin lấy cam lồ tịnh thủy,

Tưới lên dập tắt não phiền.

Xin lấy con thuyền chánh pháp,

Đưa con vượt nẻo oan khiên.

Xin nguyện sống đời tỉnh thức,

Học theo đạo lý chân truyền.

Thực tập nụ cười hơi thở,

Sống đời chánh niệm tinh chuyên. O

Đệ tử xin nguyền trở lại,

Sống trong hiện tại nhiệm mầu.

Vườn tâm ươm hạt giống tốt,

Vun trồng hiểu biết, thương yêu.

Xin nguyện học phép quán chiếu,

Tập nhìn, tập hiểu thật sâu,

Thấy được tự tánh các pháp,

Thoát ngoài sanh tử trần lao.

Nguyện học nói lời ái ngữ,

Thương yêu chăm sóc sớm chiều.

Đem nguồn vui tới mọi nẻo,

Giúp người vơi nỗi sầu đau.

Đền đáp công ơn cha mẹ,

Ơn thầy, nghĩa bạn dày sâu.

Tín thành tâm hương một nén,

Đài sen con nguyện hồi đầu.

Nguyện đức Từ Bi che chở,

Trên con đường đạo nhiệm mầu.

Nguyện xin chuyên cần tu tập,

Vuông tròn đạo quả về sau. OOO

5-F) SÁM NGUYỆN

Đệ tử chúng con từ vô thỉ,

Gây bao nghiệp chướng bởi lầm mê,

Vào ra sinh tử đã bao lần,

Nay đến trước đài vô thượng giác.

Biển trần khổ lâu đời trôi dạt,

Hôm nay trông thấy đạo huy hoàng.

Con hướng về theo ánh từ quang,

Lạy Phật Tổ soi đường dẫn bước.

Bao tội khổ trong đời ác trược,

Vì tham, sân, si, mạn gây nên.

Hôm nay đây khẩn thiết thệ nguyền,

Xin sám hối để lòng thanh thoát. O

Trí tuệ quang minh như nhật nguyệt,

Từ bi vô lượng cứu quần sanh.

Con nhất tâm nguyện sống đời lành,

Đem thân mạng nương nhờ Tam bảo.

Lên thuyền từ vượt qua biển khổ,

Cầm đuốc thiền ra khỏi rừng mê.

Văn, Tư, Tu xin quyết hành trì,

Thân, miệng, ý noi theo chánh kiến.

Đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm,

Vào ra cười nói tướng đoan nghiêm.

Mỗi khi tâm buồn giận lo phiền,

Nguyện nhiếp niệm trở về hơi thở.

Mỗi bước chân đi vào Tịnh độ,

Mỗi cái nhìn thấy được pháp thân. O

Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần,

Đem ý thức tinh chuyên phòng hộ.

Tập khí năm xưa rồi chuyển hóa,

Vườn tâm tuệ giác nở trăm hoa.

Niềm an vui đem khắp mọi nhà,

Hạt giống tốt gieo về muôn lối.

Cùng tăng thân xin nguyền ở lại,

Nơi cõi đời làm việc độ sinh.

Giờ phút này Tam bảo chứng minh,

Giúp chúng con viên thành đại nguyện. (1 xá) OOO

5-G) SÁM HỒNG TRẦN

Cõi trần thế sắc thân trôi nổi,

Mấy ai từng trăm tuổi được đâu,

Đời là bể khổ bấy lâu,

Chỉ vì mê muội ăn sâu khôn rời.

Bởi vô minh tự thời vô thủy,

Thọ, tưởng, hành, thức khởi nhân duyên,

Luân hồi sinh tử liên miên,

Ra vào ba cõi, xuống lên sáu đường. O

Lê Long Đỉnh khôn lường hoang đạo,

Giết dân lành, dâm bạo vô lương,

Nhãn tiền nghiệp báo liệt giường,

Hờn chồng oán chất, cùng đường bỏ thân.

Lý Thái Tổ xuất thân học đạo,

Lấy đức lành dạy bảo dân yên,

Lẫy lừng, phạt Tống bình Chiêm,

Mấy trăm năm Lý, văn minh rạng ngời. O

Trần Thái Tông dựa nơi Phật pháp,

Dùng đức lành trị nước, an dân,

Mấy lần đuổi giặc ngoại xâm,

Truyền ngôi kế vị mấy trăm năm liền.O

Hãy nhìn lại tôi hiền Nguyễn Trãi,

Tận trung mà vẫn phải oan gia,

Vì sao tru diệt cả nhà?

Vì sao ba họ rồi ra bỏ đời?

Vì sao được phục hồi chức tước,

Có phải vì nghiệp trước hay không?

Anh hùng cái thế Quang Trung,

Vì sao mạng yểu não nùng non sông? O

Nhìn những cảnh vô thường khôn xiết,

Tử sinh mà ai biết ra sao?

Đời này, đời trước, đời sau,

Người hiền khéo sống trông vào đức nhân. O

Hãy nhìn lại Lý, Trần, Lê, Nguyễn,

Người hiếu hiền thể hiện đức nhân,

Dù cho danh lợi muôn phần,

Bất nhân thất đức xa gần ai khen?

Giữa trần tục bon chen danh lợi,

Mùi thế trần sao vội cho thơm,

Vinh hoa phú quý chập chờn,

Như là bọt nước trong cơn sóng cồn. O

Thuốc tiên của Lãn Ông Hải Thượng,

Đã bao giờ cứu mạng mình đâu,

Sinh-già-bệnh-chết bấy lâu,

Đã thành quy luật gây bao khổ sầu.

Dù vua chúa, công hầu, khanh tướng,

Hay nghèo hèn vất vưởng thương đau,

Cuối cùng ba tấc đất sâu,

Yên mình một nấm cỏ khâu xanh rì. O

Đã biết vậy đừng mê muội nữa,

Kiếp nổi chìm lần lựa trôi qua,

Thành tâm niệm Phật Di-đà,

Làm lành gây phước để mà tu tâm.

Đã biết cảnh hồng trần trôi nổi,

Một ngày nào cát bụi buông xuôi,

Vô thường muôn sự rõ rồi,

Hoa sen chín phẩm là nơi an bình. O

Đã quy luật tử sinh không khỏi,

Sống cũng đừng nông nỗi gian tham,

Chỉ vì nghiệp ác đã làm,

Chuốc vào quả báo lại càng đau thương.

Quyền chức trọng đường đường tự đắc,

Chỉ một cơn gió lốc tiêu điều!

Của tiền tranh đoạt bao nhiêu?

Rồi hai thước đất ai nhiều hơn ai? O

Nay quỳ trước Phật đài sám hối,

Biết bao điều tội lỗi xưa nay,

Nhất tâm thiền định đêm ngày,

Não phiền dứt sạch, tỏ bày chân tâm. OOO

5-H) SÁM TỐNG TÁNG

Cuộc hồng trần xoay vần quá ngán,

Kiếp phù sinh tụ tán mấy hồi,

Người đời có biết chăng ôi,

Thân người tuy có, có rồi hoàn không! O

Chiêm bao khéo khuấy lạ lùng,

Mơ màng trong một giấc nồng mà chi,

Làm cho buồn bã thế ni!

Hình dung mới đó bữa nay đâu rồi?

Khi nào đứng đứng ngồi ngồi

Bây giờ lặng ngắt như chồi cây khô.

Khi nào du lịch giang hồ

Bây giờ nhắm mắt mà vô quan tài.

Khi nào lược giắt trâm cài

Bây giờ gởi xác ra ngoài gò hoang.

Khi nào trau ngọc chuốt vàng

Bây giờ một nắm xương tàn lạnh tanh. O

Khi nào mắt đẹp mày xanh

Bây giờ thấy dạng thấy hình là đâu.

Khi nào lên các xuống lầu

Bây giờ một nắm cỏ sầu xanh xanh.

Khi nào liệt liệt oanh oanh

Bây giờ một trận tan tành gió mưa.

Khi nào ngựa lọc xe lừa

Bây giờ mây rước trăng đưa mơ màng.

Khi nào ra trướng vào màn

Bây giờ nhà cửa xóm làng cách xa. O

Khi nào mẹ mẹ cha cha

Bây giờ bóng núi cách xa muôn trùng.

Khi nào vợ vợ chồng chồng

Bây giờ trăng khuyết còn mong chi tròn.

Khi nào cháu cháu con con

Bây giờ hai ngã nước non xa vời.

Khi nào cốt nhục vẹn mười

Bây giờ lá héo nhành tươi vui gì.

Khi nào bạn hữu sum vầy

Bây giờ chén rượu cuộc kỳ vắng thiu. O

Cái thân như tấc bóng chiều

Như chùm bọt nước phập phều biển khơi.

Xưa ông Bành Tổ sống đời

Tám trăm tuổi thọ nay thời còn đâu!

Sang mà đến bậc Công Hầu

Giàu mà đến bực bấy lâu Thạch Sùng.

Nghèo mà đói khát lạnh lùng

Khổ mà tóc cháy da phồng trần ai. O

Phù du sớm tối một mai

Giàu sang cũng thác, sạt sài cũng vong

Thông minh tài trí anh hùng

Si mê dại dột cũng chung một gò.

Biển trần nhiều nỗi gay go

Mau mau nhẹ gót qua đò sông mê.

Sự đời nên chán nên chê

Tầm nơi giải thoát mà về mới khôn. O

Lắng tâm quyết tỏ nguồn chơn

Gương xưa lau sạch không còn trần ô.

Tu hành phải đợi kiếp mô

Sông tình biển ái đã khô bao giờ.

Lựa là phải ngộ thiền cơ

Mà đèn trí huệ dễ lờ đi đâu.

Nguồn tâm phải tỏ trước sau

Nguyện cho thành Phật để mau độ đời.

Ban niềm an lạc muôn nơi

Niết-bàn tỏ ngộ, sáng ngời chân tâm. OOO

***

6. HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC

Tụng kinh tu tập, phước tăng,

Xin đem hồi hướng xa gần, khắp nơi.

Nguyện cho tất cả trời người,

Đều vào cõi Phật, sáng ngời chân tâm.O

Nguyện trừ ba chướng trầm luân,

Sống trong trí tuệ, tịnh thanh cõi lòng.

Nguyện cho tội nghiệp tiêu mòn,

Noi theo Bồ-tát làm tròn tấm gương. O

Nguyện sanh cõi tịnh Tây phương,

Mẹ cha: Chín phẩm sen vàng nêu danh,

Hoa cười, chứng ngộ vô sanh,

Cùng hàng Bồ-tát đồng hành tâm linh.O

Nguyện đem công đức tạo thành,

Hướng về tất cả chúng sanh mọi loài,

Rải ban hạnh phúc muôn nơi,

Giúp người giác ngộ, an vui đạo mầu. (3 xá) OOO

***

7. LỜI NGUYỆN CUỐI

(Chủ lễ quỳ chắp tay, tha thiết nguyện; đại chúng mặc niệm)

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật O

Trời giác ngộ muôn nơi sáng tỏ,

Bánh xe pháp vận chuyển không dừng.

Tăng ni, đạo lực thậm thâm,

Phật tử, tín tâm kiên cố.

Nguyện nhà nhà hạnh phúc, an khang,

Cầu thế giới hòa bình, hưng thịnh.

Đời đời làm bà con Phật pháp,

Kiếp kiếp làm quyến thuộc từ bi.

Mọi người biết tu học điều lành,

Bốn biển được mưa hòa, gió thuận. O

Chúng con phát nguyện:

Tạo thêm công đức, dứt hết lỗi lầm,

Phủi sạch não phiền, trau dồi tuệ giác.

Học theo Trung đạo, tu hạnh nhất thừa,

Tinh tấn sớm trưa, cầu thành Phật đạo. O

Nam-mô Thường Trụ Tam Bảo. (3 xá) OOO

***

8. ĐẢNH LỄ BA NGÔI BÁU

Con xin nương tựa Phật,

Bậc Phước Trí Viên Thành,

Cầu tất cả chúng sanh

Giác ngộ, phát tâm lành. (1 lạy) O

Con xin nương tựa Pháp,

Nguồn tuệ giác, từ bi,

Cầu tất cả chúng sanh

Hiểu đạo, tỏ nguồn tâm. (1 lạy) O

Con xin nương tựa Tăng,

Đoàn thể sống an vui,

Cầu tất cả chúng sanh

Hòa hợp, thương mến nhau. (1 lạy) O

Từ khóa » đệ Tử Lắng Lòng Thanh Tịnh