Cà Dăm: Điều Kỳ Diệu Từ Loài Cây Quý Hiếm - YouMed

Nội dung bài viết

  • Cà dăm là gì?
  • Tác dụng của Cà dăm
  • Một số lưu ý khi sử dụng
  • Một số bài thuốc từ Cà dăm

Từ xa xưa, đất nước Việt Nam ta được thiên nhiên ban tặng cho thảm thực vật độc đáo và phong phú. Trong số đó, cà dăm là loài thực vật vừa gắn liền với đời sống hằng ngày của nhân dân, vừa có giá trị sử dụng cao, hiệu quả trong điều trị bệnh lý. Bây giờ hãy tìm hiểu sâu hơn về đặc điểm và cách sử dụng của vị thuốc cùng với YouMed nhé.

Cà dăm là gì?

  • Tên gọi khác: Chò nhai, răm, râm, xoi, cà dặm,…
  • Tên khoa học: Anogeissus acuminata (Roxb. ex DC.) Guillaum. et Perr.
  • Họ khoa học: Họ Bàng-Combretaceae.
  • Bộ phận dùng: Phần vỏ cây- Cortex Anogeissi. Ngoài ra ở một số nơi, người ta dùng lá của cà dăm là dược liệu.
  • Tên của loài được nhà nghiên cứu Roxb. ex DC.Guill. mô tả khoa học đầu tiên vào năm 1832.

Đặc điểm sinh trưởng

Theo một số tài liệu, cà dăm được ghi nhận ở châu Á, đặc biệt là vùng Đông Dương và Ấn Độ. Cụ thể, cây phân bố ở vài nơi như Lào, Campuchia, Trung Quốc,…Tại Việt Nam, cây xuất hiện ở khắp các tỉnh thành trên cả nước từ Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Tây Nguyên, Đồng Nai, Kiên Giang, An Giang…

Loài thường sinh trưởng và phát triển trong các rừng ẩm thường xanh, hoặc nửa rụng lá. Cây còn mọc tự nhiên trong rừng nguyên sinh hay núi đá vôi, ở độ cao khoảng 700m.Cây ưa sáng, và thích hợp với đất cát pha. Thế nhưng cây vẫn có thể sinh trưởng mạnh mẽ ở nhiều loại đất, kể cả đất khô xấu nhưng kích thước cây sẽ nhỏ hơn và chất lượng gỗ sẽ không cao.

Ngoài ra, đây là loài thực vật có khả năng tái sinh bằng chối mạnh mẽ. Thông thường sẽ ra hoa vào mùa xuân. Có tài liệu ghi nhận là cây nở hoa vào khoảng tháng 5-7, và ra quả vào tháng 8-10. Với sự khai thác quá mức như hiện nay, loài thực vật này đang bị tàn phá, cần được bảo tồn chặt chẽ. Các địa phương đều có những kế hoạch nhân rộng để bảo vệ và vận động bảo tồn trong đất vườn nhà dân để sử dụng và để tránh nguy cơ tuyệt chủng của loài này.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Dược liệu, tải ngay ứng dụng YouMed.

Cà dăm là loài thực vật còn khá lạ lẫm với nhiều người.
Cà dăm là loài thực vật còn khá lạ lẫm với nhiều người

Mô tả toàn cây cà dăm

Kích thước có thể cao tới 20m, trung bình khoảng 10m. Cây non thường có chiều cao khoảng 6-9m và ít nhánh hơn cây trưởng thành. Thân của cây cà dăm thẳng đứng, phía dưới gốc có bạnh nhỏ.

Cây có tàng đẹp, nhánh thanh mảnh, mang lá nhỏ, rũ xuống. Lá đơn, mọc đối, mặt trên màu lục đậm hơn mặt dưới. Phiến nguyên, hình mác dạng trứng, thon có lông thưa, chót nhọn, đáy tà, có khoảng 5 đôi gân. Cuống ngắn, dài khoảng 2-6mm.

Hoa nhỏ, họp thành cụm đầu tròn, mọc ở nách lá. Hoa không có cuống, còn đài có dạng ống, phía trên có 5 răng. Cánh hoa trắng, nhị 10, xếp thành 2 vòng, bầu hạ 1 ô, chứa 2 noãn. Quả sắc xanh biển sẫm, có cánh, mang đài tồn tại. Bên trong chứa 1 hạt.

Bảo quản

Bảo quản những phần dược liệu đã qua khâu chế biến trong bọc kín, đặt nơi thoáng mát, với nhiệt độ phòng, đặc biệt tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Chú ý, sau mỗi lần sử dụng, nên đậy kín bao bì.

Tác dụng của Cà dăm

Thành phần hóa học

Hiện tại, các nghiên cứu về cà dăm còn khá hạn chế. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phân tích được trong vỏ cây có tanin và trong nhựa có chất gôm chủ yếu là pentose và galactose.

Tác dụng trong cuộc sống của cà dăm

Đầu tiên, đây là loài thực vật lấy gỗ ở Việt Nam. Trong bảng phân loại gỗ, gỗ cà dăm được xếp vào nhóm VI-nhóm gỗ nhẹ, có sức chịu đựng kém, dễ bị mối mọt, cong vênh. Tuy nhiên, loại này vẫn là loại gỗ tốt, có nhiều ưu điểm như:

  • Có dác nâu, lõi đỏ nâu sậm, kết cấu mịn, khi đánh bóng khá đẹp.
  • Dễ gia công và chế biến, nhờ đó mà có thể chế tạo ra những sản phẩm gỗ đa dạng và độc đáo, làm cột trong xây dựng, giường ngủ, sàn nhà…
  • Có giá thành không quá đắt đỏ nên có thể phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng.
  • Nhiều nơi, cây còn được trồng làm cảnh, tạo bóng mát… giúp không khí trong lành và cải thiện ô nhiễm hơn.
  • Ngoài ra, thực vật này được xếp chung với các cây quý khác như: chò nâu, đước, chò ổi…
Cà dăm là một trong những loài cây lấy gỗ.
Cà dăm là một trong những loài cây lấy gỗ, dễ gia công

Tác dụng trong điều trị bệnh

Theo đông y: Vỏ cây có vị đắng, se và tính mát.

Trong dân gian, người ta dùng phần vỏ cây cà dăm đễ hỗ trợ điều trị bệnh bán thân bất toại (yếu liệt nửa người). Ngoài ra, ở một số nơi, dân gian còn dùng phần vỏ cây để chữa các vết cắn của bọ cạp đốt và rắn, lấy lá để làm se vết thương hoặc có tác dụng giảm đau.

Một số lưu ý khi sử dụng

Lưu ý rằng: những công dụng trên chỉ mang tính chất tham khảo, cần hỏi ý kiến những người có chuyên môn khi gặp bất cứ vấn đề khó chịu.

  • Trường hợp mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ thành phần của loài thực vật này cần cẩn thận.
  • Phụ nữ có thai, đang cho con bú, hoặc trẻ nhỏ không nên sử dụng dược liệu này.

Một số bài thuốc từ Cà dăm

Hỗ trợ trị đau lưng, đau dây thần kinh

Vỏ cà dăm 10-15g, sắc nước uống mỗi ngày 2 lần. Sau khoảng 2 tháng, ghi nhận là giảm được triệu chứng đau nhức, tê thấp khi thay đổi thời tiết.

Có thể nói rằng, cà dăm là loài thực vật còn khá lạ lẫm với nhiều người. Tuy nhiên, đây không chỉ là loài cây gỗ quý mà còn là dược liệu có tác dụng trị bệnh. Dù các nghiên cứu về loài thực vật này còn khá hạn chế, nhưng ta không thể phủ nhận những công dụng quý báu mà cà dăm mang lại cho cuộc sống. Ngoài ra, vấn đề bảo tồn loài này cũng cần được các địa phương trên cả nước đặc biệt quan tâm nhiều hơn.

Từ khóa » Tác Dụng Của Cây Tà Vạt