CÁ MÒI SÔNG YÊN – ĐẶC SẢN QUYẾN RŨ CỦA ĐÀ NẴNG

Dân gian kể rằng: Cá mòi chính là kiếp sau của chim ngói. Hằng năm, khi trời bắt đầu sang mùa thu là chim ngói từ rừng bay về biển và hóa thành cá mòi, rong chơi vùng vẫy biển khơi cho thoả thích để đến mùa xuân năm sau, cá mòi lại từ biển ngược về rừng để làm kiếp chim ngói. Con cá mòi cũng lạ, khi mổ cá, trong bụng cá mòi có cái “mề” giống như mề của loài chim ngói. Thiên nhiên thay đổi mùa, chim ngói và cá mòi cũng thay đổi kiếp…

Như đã thành ước hẹn, khi đất trời mới chớm vào xuân là từng đàn cá mòi từ cửa sông Hàn lại nối nhau ngược dòng lên sông Cẩm Lệ rồi đổ về sông Yên (Hoà Vang, TP Đà Nẵng). Đến đập nước bara An Trạch, dòng sông bị chặn lại làm nguồn nước bên trên đập đổ xuống, cá mòi rong chơi đến đây bị chặn lại và vùi mình dưới dòng thác nước chờ ngày đẻ trứng để trước khi quay lại với biển khơi. Mỗi chiều, dưới đoạn sông này, hàng chục chiếc ghe ngược xuôi thả lưới bắt cá mòi, điểm xuyết cho dòng sông những nét chấm phá như một bức tranh thủy mặc.

Anh Trà Văn Cẩn, ở tổ 8 thôn La Châu, xã Hòa Khương nói: Ông Trời đã cho người dân thượng nguồn chúng tôi món cá biển để ăn suốt từ tháng Chạp đến tháng 5, tháng 6. Buổi chiều, hễ cứ có thời gian rảnh rỗi là đẩy ghe ra sông, chỉ cần buông lưới là có ngay cá mòi để ăn. Có những năm, cá mòi ức nước, tìm đường lên đây đẻ trứng rất nhiều, đông đặc cả khúc sông. Có lúc “cao hứng”, từng đàn cá chao lượn và phóng mình trên mặt nước trắng lấp lánh, tung bọt trắng xóa và đâu đó thoang thoảng “hương” cá mòi theo hơi nước bay lên. Cá đầu mùa bao giờ cũng béo, ngon hơn cá cuối mùa, bởi lúc này cá mòi chưa đẻ trứng, mới lội ngược dòng còn đang sung sức. Người dân vùng này nhà ai cũng có ghe nên chỉ cần mua vài tay lưới với giá 60.000 đồng đi đánh cá, vừa thưởng thức ăn chơi nhưng cũng là để mưu sinh. Vào thời điểm “gạo tháng giêng, tiền tháng chạp”, thu nhập từ đánh bắt cá mòi đã cải thiện đáng kể đời sống của người dân làng La Châu, xã Hòa Khương. Những ngày trời nắng, lượng cá đánh bắt nhiều, có người đem phơi làm khô cá. Gia đình tôi có lúc muối mắm cá mòi cả lu to. Mùa mưa bão đem mắm cá mòi ra chan với cơm nóng ăn ngon đến… nhức răng.

Những ngày này, ai đến An Trạch cũng có thể mua một ít cá mòi mang về để cả gia đình thưởng thức với giá rẻ đến bất ngờ. Ngay tại bờ đập, nhiều người bày cá ra bán cho khách qua đường. Giá cá mòi vô chừng, mỗi chục (12 con) lớn hơn 2 ngón tay, giá khoảng 10.000 đồng, loại vừa 8.000 đồng, cá nhỏ nhất khoảng 5.000 đồng. Anh Nguyễn Thanh Hải ở thôn Bắc An, xã Hòa Tiến cho biết: cách chế biến cá mòi rất đơn giản. Để khắc phục những nhược điểm của cá mòi là có nhiều xương dăm, cá làm xong, rửa sạch, dùng dao sắc cắt thành vết chéo hai bên sườn cá. Lấy bột gừng và muối sống giã nhuyễn chà xát hai bên sườn cá cho ngấm vào những vết cắt. Ướp cá khoảng nửa giờ, sau đó dùng que tre tươi cặp ngang thân cá, đem nướng trên bếp than hồng. Cá nướng chín rất thơm, gỡ ra khỏi cặp tre, cho vào chảo chiên. Cách hai là đem nướng cả con, không moi ruột, khi cá đã rắn thịt thì bỏ ra, lấy ruột rồi đem xát gừng bên trong bụng cá, ướp gừng cho cá có màu vàng đẹp mắt rồi cho vào chảo chiên vàng. Cá mòi chiên ăn với rau thơm, rau mùi, chấm nước mắm chanh ớt. Thịt cá mòi vừa thơm vừa bùi bùi, béo béo lại có nhiều dưỡng chất nên những ngày sau Tết, khi đã ớn các loại thịt, bánh chưng, mà được thưởng thức một bữa cá mòi thì thật ngon miệng, thú vị. Nhưng ngon nhất vẫn là hai buồng trứng cá mòi nằm ép hai bên sườn cá như hai múi khế chín vàng ruộm. Trứng cá mòi nướng lên ăn vừa thơm, vừa bùi lại béo béo. Nếu bạn đã ăn một lần thì chắc chắn cái hương vị của cá mòi cứ bám lấy bạn cả đời…

Cái cảm giác đứng trên cầu An Trạch, phóng xa tầm mắt ngắm những chiếc ghe vừa chèo vừa bủa lưới rất thanh bình trên dòng sông Yên, lại vừa được nghe, được thấy từng đàn cá mòi bơi trắng mặt nước, được thưởng thức mùi hương cá mòi nướng thơm lừng đang bay lên theo từng sợi khói từ những bếp than nhỏ vừa được nhen lên bên bờ sông thật có sức hấp dẫn đến quyến rũ… Anh Hải ao ước: Giá như ngành Du lịch thành phố hay nhà đầu tư nào biết khai thác tiềm năng của sông Yên thì An Trạch sẽ là một địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn của Đà Nẵng, và có thể nhờ đó mà những người dân quê anh sẽ bớt lầm lũi, khổ nhọc một đời… Nhưng để điều ước đó có thể trở thành hiện thực nay mai, trước mắt chính quyền hai xã Hòa Tiến, Hòa Khương cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ, chống nạn khai thác thuỷ hải sản bằng xung điện cường độ mạnh đang diễn ra tràn lan ở đây nhằm bảo vệ cảnh quan môi trường, gìn giữ lâu bền nguồn thuỷ sản quý giá này.

* Ảnh đi kèm:

1. Bủa lưới bắt cá mòi trên sông Yên

2. Đặc sản cá mòi chiên giòn

3. Cá mòi vừa mới đánh bắt được bày bán ven đường với giá rất rẻ.

4. Đánh bắt thuỷ sản bằng xung điện vẫn còn diễn ra công khai trên sông Yên

Bùi Thanh Dung – 2009

Chia sẻ:

  • Facebook
  • X
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » đập Bara An Trạch