Cá Quả Việt Nam – Vì Sao Vẫn Vô Danh?

Tuy nhiên, có một loại cá gần như vô danh ở ngoài địa phận châu Á dù là đối tượng nuôi khá phổ biến ở ĐBSCL – cá quả hay cá lóc (Channidae spp). Loài này cũng sống ở nước ngọt và nước lợ, trong tự nhiên chúng sống ở ao, hồ hoặc sông. Vì màu sắc nâu đậm, chúng còn được gọi là cá bùn. Tuy vậy, trái ngược với tên gọi không mấy thiện cảm, thịt cá không tanh mùi bùn mà có màu trắng, hoặc hồng nhạt khi được nấu chín, kèm vị ngọt dịu và hương thơm đặc trưng.

Ở Việt Nam, cá quả là món ngon, nhất là cá tự nhiên. Tại Thái Lan và Malaysia, chúng được coi là thực phẩm thiết yếu. Ngoài ra, Ấn Độ và Philippines cũng rất ưa chuộng loài cá này. Thị trường châu Á đều chấp nhận cá quả tự nhiên hay cá nuôi. Dù là món ăn quen thuộc với người châu Á, nhưng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi con cá này vướng phải vô số trở ngại từ chính cái tên không mấy thiện cảm của nó – cá bùn hoặc cá đầu rắn ((khi dịch sang tiếng Anh). Một doanh nghiệp chia sẻ, họ rất muốn xuất khẩu cá quả sang châu Âu với số lượng lớn và mở rộng thị trường cho mặt hàng tiềm năng này nhưng khâu tiếp thị sản phẩm gặp nhiều khó khăn vì chính cái tên của con cá! Thực tế, những sản phẩm fillet cá quả đông lạnh IQF, bỏ xương và da vẫn phải “mượn” tên một loại cá biển khác “white grouper” – cá mú thịt trắng khi bán tại thị trường Mỹ.

Cá quả đông lạnh xuất xứ Việt Nam có thể chế biến được rất nhiều dạng: nguyên hoặc lột da, đóng gói 10 kg/hộp; cá nguyên con bỏ ruột hút chân không đóng gói 1 kg/hộp; fillet nguyên da/còn da đóng gói IWP; sashimi IWP… Những năm 2012 – 2013, cá quả mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho các công ty chế biến của Việt Nam. Do đó, nông dân đã đổ xô nuôi cá quả. Tuy nhiên, tới năm 2014, hoạt động nuôi thâm canh đã làm bùng phát dịch bệnh, nhiều hộ phải treo ao khi giá cá lao dốc. Tháng 4/2014, hàng trăm hộ nuôi cá ở tỉnh Trà Vinh thua lỗ nặng do dịch bệnh và giá giảm sâu. Gần 2.000 hộ nuôi tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh bị thiệt hại 1 triệu con cá trên tổng diện tích 200 ha.

Hiện tượng người dân ồ ạt nuôi cá khiến nguồn cung dư thừa, giá cá giảm mạnh từ 42.000 VND/kg (1,88 USD) xuống 26.000 VND/kg (1,67 USD), trong khi đó chi phí sản xuất rơi vào khoảng 30.000 VND/kg (1,35 USD). Tính ra, mỗi hộ nuôi lỗ từ 80 triệu đồng tới 500 triệu đồng.

Sự quản lý của các ban ngành chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo người nuôi về tình hình dịch bệnh và thậm chí hướng dẫn người nuôi chuyển sang nuôi tôm, cá rô phi. Tới tháng 7/2015, giá cá quả phục hồi từ 45.000 VND/kg (2,02 USD) lên 60.000 VND/kg (2,69 USD), cao gấp 2 – 3 lần cá tra, basa bán tại ao. Nếu cá quả nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng hướng để giữ giá bán ổn định và được tiếp thị tại thị trường quốc tế bằng tên gọi hay hơn, thì có lẽ con cá này sẽ còn tiến rất xa.

Biên tập viên SeafoodSource

Từ khóa » Cá Quả Việt Nam