Cà Rốt: Siêu Thực Phẩm Bổ Dưỡng Nhưng ít Người Biết

củ cà rốtCà rốt: Siêu thực phẩm bổ dưỡng nhưng ít người biết

Cà rốt là một trong những loại củ rẻ tiền nhưng lại rất giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nên được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới. Hãy đọc và hiểu thêm về các giá trị dinh dưỡng, lợi ích sức khỏe của loại củ đặc biệt này.

Cà rốt có nhiều công dụng đối với sức khỏe

Đặc điểm thực vật của cà rốt

Cà rốt có tên khoa học là Daucus carota L., họ hoa tán Apiaceae. Cà rốt là loại cây thảo ưa sáng, ưa vùng khí hậu ẩm mát. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng thường dưới 20oC. Ở Việt Nam, cây được trồng thành nhiều vụ trong năm, thường tập trung nhiều ở các vùng núi cao trên 1.500m như Sapa, Đà Lạt.

Rễ hay còn gọi là củ cà rốt có hình trụ ngắn, màu vàng hoặc vàng đỏ. Lá mọc so le, xẻ lông chim, càng gần phía đầu càng hẹp lại, không có lá kèm bẹ lá khá phát triển.

Có hai giống cà rốt được trồng phổ biến trên thế giới là:

  • Cà rốt củ tía: có nguồn gốc ở vùng núi Himalaya và Hindu – Kush thuộc Afganistan từ xa xưa, sau đó được trồng phổ biến sang các nước xung quanh như Iran, Ấn Độ, Nga, đến thế kỷ thứ XIV – XVII mới đưa vào trồng ở Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Á khác.
  • Cà rốt củ màu vàng hay vàng đỏ: hiện chưa rõ nguồn gốc, nhưng lại là giống được trồng rộng rãi nhất trên thế giới. Các giống cà rốt đang được trồng ở Việt Nam cũng thuộc nhóm này.

Bộ phận dùng chủ yếu của cây cà rốt là rễ (hay còn gọi là củ) loại bỏ thân, lá, rễ con và rửa sạch.

Giá trị dinh dưỡng của cà rốt

Cà rốt chứa rất ít chất béo và protein. Thành phần dinh dưỡng trong 100gr cà rốt là:

  • 41 calo
  • Nước: 88%
  • Protein: 0,9g
  • Carbohydrates: 9,6g
  • Đường: 4,7g
  • Chất xơ: 2,8g
  • Chất béo: 0,2g
  • Carbohydrates

Cà rốt có thành phần chủ yếu là nước và carbohydrates. Carbohydrates bao gồm tinh bột và đường, chẳng hạn như sucrose và glucose.

Chất xơ

Một củ cà rốt cỡ trung bình (61g) cung cấp 2g chất xơ. Pectin là dạng chất xơ hòa tan chính trong cà rốt. Chất xơ hòa tan có thể làm giảm lượng đường trong máu bằng cách làm chậm quá trình tiêu hóa đường và tinh bột. Chúng cũng có thể nuôi các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, từ đó cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ bệnh tật. Ngoài ra, một số chất xơ hòa tan trong cà rốt có thể làm giảm sự hấp thụ cholesterol từ đường tiêu hóa, làm giảm cholesterol trong máu.

Các chất xơ không hòa tan chính trong cà rốt là cellulose, hemicellulose và lignin. Chất xơ không hòa tan có thể làm giảm nguy cơ táo bón và kích thích hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả hơn.

>> Xem thêm Sai lầm của nhiều mẹ khiến trẻ táo bón lâu ngày không hết

củ cà rốt
Pectin là chất xơ hòa tan chủ yếu trong cà rốt

Vitamin và các khoáng chất

Cà rốt rất giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là biotin, kali và vitamin A (từ beta carotene), K1 (phylloquinone) và B6.

củ cà rốt
Beta carotene chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể
  • Vitamin A: Cà rốt rất giàu beta carotene, khi vào cơ thể được chuyển hóa thành vitamin A. Chất dinh dưỡng này rất tốt cho mắt và hệ miễn dịch.
  • Biotin: Biotin là một loại vitamin B đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa chất béo và protein.
  • Vitamin K1: Còn được gọi là phylloquinone, rất quan trọng đối với quá trình đông máu và có thể giúp xương chắc khỏe hơn.
  • Kali: Một khoáng chất thiết yếu đối với cơ thể, kali rất quan trọng để kiểm soát huyết áp.
  • Vitamin B6: cùng với các vitamin B khác, vitamin B6 tham gia vào quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng.

Những lợi ích của cà rốt đối với sức khỏe

Giảm nguy cơ ung thư

Chế độ ăn giàu carotenoid – một loại chất chống oxy hóa có nhiều trong cà rốt vàng có thể giúp bảo vệ chống lại một số loại ung thư như: ung thư tuyến tiền liệt, ruột kết và dạ dày. Phụ nữ có lượng carotenoid trong máu cao có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư vú.

Giảm cholesterol trong máu

Cholesterol trong máu cao là một yếu tố nguy cơ phổ biến của các bệnh lý tim mạch. Ăn cà rốt thường xuyên đã được chứng minh là làm giảm mức cholesterol trong cơ thể.

Các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Tiêu hóa Wolfson ở Edinburgh (Scotland) đã phát hiện ra rằng mức cholesterol của một người giảm trung bình 11% nếu họ tiêu thụ 198,45g cà rốt sống mỗi ngày trong khoảng thời gian ba tuần. Chất xơ trong cà rốt chủ yếu là chất xơ hòa tan, có thể giúp lipoprotein phân tử lượng thấp (LDL) hay còn gọi là cholesterol xấu.

củ cà rốt
Cà rốt giúp giảm LDL – loại cholesterol xấu gây ra các bệnh tim mạch

Giảm cân

Là một loại thực phẩm có hàm lượng calo thấp, cà rốt có thể làm tăng cảm giác no và giảm lượng calo nạp vào trong các bữa ăn tiếp theo.

Tốt cho mắt

Những người có mức vitamin A thấp có nhiều khả năng bị quáng gà, tình trạng này có thể được cải thiện khi ăn cà rốt hoặc các loại thực phẩm giàu vitamin A hoặc carotenoids. Carotenoids cũng có tác dụng làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.

Tốt cho người bị tiểu đường

Cà rốt được xếp vào nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp, đây là thước đo mức độ nhanh chóng của thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu sau bữa ăn. Ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe và được coi là đặc biệt có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường. GI của cà rốt dao động từ 16 – 60, thấp nhất đối với cà rốt sống và cao nhất đối với cà rốt đã nấu chín. Những người bị tiểu đường có thể ăn cà rốt để kiểm soát đường huyết hiệu quả.

Chính nhờ những lợi ích đặc biệt này mà cà rốt được mệnh danh là “sâm của nhà nghèo”. Bạn có thể ép nước cà rốt sống hoặc dùng cà rốt chế biến thành nhiều món ăn ngon như: nộm tai heo cà rốt, trứng xào cà rốt, cà rốt luộc, cà rốt ngâm chua ngọt, bò kho cà rốt, canh cà rốt khoai tây, bánh cà rốt nướng, salad cà rốt…

DS. Phan Hiền

Từ khóa » Chất Dinh Dưỡng Trong Cà Rốt