Các Bài Thơ Ông Đồ Khác Của Thi Sĩ Vũ Đình Liên | Phạm Thắng Vũ

Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết ta, khi nhắc đến thơ xuân thì ai cũng biết đến bài thơ Ông Đồ của thi sĩ Vũ Đình Liên. ” Mỗi năm hoa đào nở – Lại thấy ông đồ già…” được đăng lần đầu trên báo năm 1936 trên báo Tinh Hoa. Chỉ một bài thơ này, thi sĩ Vũ Đình Liên (V Đ L) đã có 1 chỗ ngồi trên thi đàn Việt Nam và từ đó đến nay, không thấy thi sĩ có thêm bài thơ xuân nào khác nữa. Người thì bảo thi sĩ làm sao có thể làm bài thơ xuân nào khác hay hơn bài Ông Đồ! Vụ Nhân Văn-Giai Phẩm xẩy ra tại miền Bắc cuối thập niên 1950 không thấy thi sĩ V Đ L dính líu vào giống như các ông văn, thi, nghệ sĩ khác (như Xuân Diệu, Huyền Kiêu, Nguyễn Công Hoan, Đoàn Giỏi…) ra mặt đánh lại các bạn thơ văn của mình. Đúng là trong vụ Nhân Văn-Giai Phẩm thì chúng ta không thấy có mặt thi sĩ V Đ L (cũng như 1 số các văn, thi sĩ khác). Lý giải cho việc này thì ngay từ năm 1959, ông Hoàng Văn Chí trong quyển Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc đã chỉ ra là: ” Những người đã sống bằng văn chương lãng mạn dưới thời thực dân Pháp, không chống thực dân Pháp thì với chế độ mới (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) họ cũng sẽ không chống. Thời còn thực dân Pháp, họ đã được hưởng thụ thì thời Cộng Sản đến, họ trở thành công bộc cho chế độ cũng giống như hồi trước họ là công chức cho thực dân Pháp. Chỉ có điều khác trước là bây giờ họ không sáng tác nữa. Thế Lữ và V Đ L là các thí dụ “.

7fcafbcd-f203-474f-a697-12db454f7a30_zps0cdbfd1b

Bài thơ Ông Đồ ra đời năm 1936 ở cái buổi cựu học (chữ Hán) hầu như đã nhường bước cho nền học mới (chữ Pháp, chữ Quốc Ngữ) thì tất nhiên với những người có lòng hoài cổ sẽ thấy buồn khi nhìn hình ảnh một ồng đồ (viềt chữ bán) vắng khách (mua chữ) trong ngày xuân. Cảnh buồn người có vui đâu, thi sĩ còn nhân cách hoá khi cho mực, nghiên, giấy chung với nỗi buồn của mình: ” Giấy đỏ buồn không thắm – Mực đọng trong nghiên sầu ” mà người đọc cũng chung nổi niềm của thi sĩ khi hiển hiện thành quách cổ, người muôn năm cũ, luỹ tre xưa… trong trí tưởng của mình.

6d502af5-53d0-4325-ac66-611c906c7d56_zpse9236688

Nhiều người không biết là thi sĩ V Đ L thực ra còn có các bài thơ Ông Đồ khác. Những bài thơ Ông Đồ này có tựa không ăn nhập gì với ý thơ nhưng dựa vào bài thơ Ông Đồ năm xưa mà thành. Đọc các bài thơ Ông Đồ khác này của thi sĩ V Đ L thì ta thấy thi hứng của ông không còn. Ông không dám làm thơ gì khác chỉ quanh quẩn với nhịp điệu của bài thơ Ông Đồ năm cũ mà bộc bạch tâm sự (chỉ biết làm thơ, không có ý gì khác), trải lòng (tiếc nhớ thời xưa khi làm thơ Ông Đồ) hay thậm chí ca ngợi chế độ (muốn được yên thân). Lời thơ lủng củng, ý thơ rất xoàng… được thi sĩ sáng tác cách quãng (từng bài thơ) cả nhiều năm mới có. Có lẽ biết mình không thể làm thơ được như xưa nên thi sĩ V Đ L đã từng viết: ” Tôi bao giờ cũng có cái cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình. Cũng vì không tin thơ tôi có chút giá trị gì nên đã lâu tôi không làm thơ nữa “.

Bài thơ Ông Đồ sáng tác năm 1974 (bài thơ này có tựa là Thuỷ Chung):

Năm nay đào lại nở Chật quãng chợ hương hoa Từ dậy sâu quá khứ Ông đồ lại hiện ra

Sáng nay mưa sớm tạnh Nắng nằm trên giấy hồng Một đám người ngồi cạnh Có nhà thơ ngồi cùng

Tôi xin đôi câu đối Cụ rọc tờ giấy điều Bàn tay của gạch nối Những nét chữ thân yêu

Bài thơ ông đồ mới Dưới bút cụ nở ra Tôi chân thành chép lại Đánh dấu một mùa hoa

Chỉ thêm lời ghi chú Văn thơ xưa, thơ nay Thủy chung một lòng cũ Dù vui buồn đổi thay

Bài thơ Ông Đồ sáng tác năm 1977 (bài thơ này có tựa là Hạnh Phúc):

Năm nay đào nở rộ Mừng hội đảng, hội dân Bút ông đồ lại họa Những nét chữ đẹp thân

Cờ biển ngập phố phường Cành đào bay thắm đỏ Như cả ngàn mùa xuân Nở hoa trên mỗi chữ

Thấy trong lòng say xưa Dừng chân không muốn bước Nghe đọc những vần thơ Ngợi khen những nét bút

Xuân Cộng Hòa Xã Hội Mai, đào kia thơm lụa Một nguồn hạnh phúc mới Trào ngọn bút, dòng thơ

Bài thơ Ông Đồ khác không rõ năm (bài thơ này có tựa là Mùa Xuân Cộng Sản):

Một cây đào muôn thuở Năm, bốn mùa nở hoa Một ông đồ bất tử Tay với bút không già

Hoa liền màu sông núi Chữ thắm linh hồn chung Cành đào và câu đối Ngàn đời Tết Việt Nam

Nghiên bút xưa vẫn dọi Từ ngàn xưa bài thơ Từ ngàn năm câu đối Đảng sáng tạo bây giờ

Nghệ sĩ với ông đồ Tình nước non vô tận Như đảng với bác Hồ Hương đất trời Cộng Sản

Năm, năm đào lại nở Vui người mới, hồn xưa Một mùa xuân bất tử Dưới nét họa lời ca

Và bài thơ Ông Đồ sáng tác tháng 1, 1982. Thi sĩ ghi chú khai Bút Xuân Nhâm Tuất, thân gửi cháu Thanh Yên (có tựa là Bóng Ông Đồ):

Mỗi năm hoa đào nở Lại thấy bóng ông đồ Bút nghiên và giấy đỏ Ngồi đúng chỗ ngồi xưa

Ôi! cái nghiệp nghiên bút Tô điểm cho cuộc đời Người chết nghiệp không dứt Nợ tiền kiếp luân hồi

Trải trăm ngàn dâu bể Giấy mực màu không thay Chữ nhân và chữ nghĩa Vẫn những nét thẳng ngay

Ông đồ vẫn ngồi đấy Khăn áo bạc màu xưa Nhắc cho người qua thấy Lẽ nhân đạo, Thiên cơ

Cách mạng là nhân nghĩa Ông đồ là thi thư Chữ tuôn dòng thiện mỹ Từ ngón tay ông đồ.

b7d9ce16-9064-4b68-876e-815e6f06e78b_zps2d1c50f9

Phạm Thắng Vũ

August 2018.

 

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
Like Loading...

Từ khóa » Thi Si Vu Dinh Lien