Các Cây Thuốc Và Vị Thuốc Có Tác Dụng Cầm Máu - Sở Y Tế Bạc Liêu

1. Tam thất: Còn gọi là sâm tam thất, thổ sâm, kim bất hoán. Có tên khoa học là: Panax pseudo-ginseng wall. Là cây sống nhiều năm, cao 30-50 cm. Hoa có màu lục vàng nhạt, quả mọng hình cầu dẹt, khi chín có màu đỏ. Hạt màu trắng. Bộ phận dùng là rễ củ, phơi hoặc sấy khô. Tam thất có vị ngọt, đắng, tính ấm.

Tác dụng: Cầm máu, chữa thổ huyết, băng huyết, rong kinh, sau đẻ huyết hôi không ra, tụ máu trong mắt, chảy máu cam, thấp khớp, ứ huyết do chấn thương. Thuốc bổ, chữa thiếu máu, suy nhược…

Cách dùng: Ngày 4-12 gam dạng bột. Tán bột trộn với mật ong. Nếu cầm máu do vết thương chảy máu thì rắc bột tam thất lên vết thương sẽ cầm máu. Có thể dùng ở dạng sắc, cao lỏng.

2.Tề thái: Còn gọi là cây tề, đình lịch, cỏ tâm giác, địa mễ thái, cải dại. Là loại cây cỏ, sống hàng năm hoa nhỏ, màu trắng mọc thành chùm ở ngọn thân. Quả hình tim ngược, dẹt, hạt nhỏ, nhiều. Bộ phận dùng: Cả cây. Phơi khô.

Tác dụng: Cầm máu trong những trường hợp khái huyết, xuất huyết ruột và tử cung, kinh nguyệt quá nhiều, chữa phù thũng, sốt.

Cách dùng: Ngày 6-12 gam dạng thuốc sắc, cao lỏng.

3.Ngó sen: Là củ của cây sen. Vị đắng, chát, tính bình.

Tác dụng: Cầm máu trong các trường hợp: ho ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam, đại tiện ra máu, đái ra máu, rong huyết.

Cách dùng: Ngày 6-12 gam. Sao đen sắc lấy nước uống.

4.Trắc bá: Còn gọi là trắc bách diệp, bá tử. Tên khoa học là Biota Orientalis Cupressaceae. Bộ phận dùng là lá và nhân quả. Lá thu hái quanh năm. Quả hái vào mùa thu, giã bỏ vỏ, lấy nhân phơi khô. Khi dùng để nguyên nhân hoặc ép bỏ dầu.

Tác dụng: Cầm máu. Lá chữa thổ huyết, đi cầu ra máu, đái ra máu, ho ra máu, băng huyết, rong kinh, chảy máu cam, sốt, ho.

Cách dùng: Ngày 8-12 gam dạng thuốc sắc, cao lỏng. Nhân quả chữa kém ngủ, hồi hộp, nhiều mồ hôi, táo bón: Ngày 4-12 gam dạng bột hoặc viên.

5. Rau ngổ: Bạn thường gặp loại rau gia vị này trong món canh chua hoặc các món rau sống tổng hợp. Chúng mọc hoang và dễ trồng trong vườn nhà ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia.

Các nghiên cứu cho thấy thành phần hoá học của rau ngổ khá đa dạng. Chúng có 93% nước, 2,1% protein, 1,2% glucide, 2,1% cellulose, vitamin B, C và nhiều chất có ích khác. Ngoài công dụng làm gia vị trong bữa ăn hằng ngày, rau ngổ còn là vị thuốc hay để chữa chứng ăn uống không tiêu, đặc biệt có tác dụng cầm máu trong các bệnh thổ huyết, băng huyết.

Cách dùng: lấy 12 - 20g rau ngổ rửa sạch, đem sắc với nước, uống trong ngày. Nếu muốn cầm máu vết thương, bạn chỉ cần lấy cây rau ngổ tươi rửa sạch, giã nát, đắp vào vết thương và cố định lại bằng gạc vô trùng.

6. Cỏ nến:

Vì hoa có hình cây nến nên người ta gọi là cỏ nến. Khác với cỏ nhọ nồi, các lương y có thể dùng cả thân và lá để chữa bệnh, dân gian chỉ dùng hoa của cỏ nến trong các bài thuốc cầm máu.

Vào mùa hẹ, khoảng tháng 4 – 6, nếu gặp cây cỏ này, bạn cắt lấy phần trên của bông hoa (gọi là phần hoa đực) rồi đem về phơi khô. Sau đó, bạn tiếp tục giũ hoặc giã rồi rây qua rây, lấy phần phấn hoa, tiếp tục gũi và phơi lần nữa. Phấn hoa cỏ nến có tác dụng chữa các bệnh như ho ra máu, chảy máu cam, tiểu tiện ra máu. Mỗi ngày, bạn dùng 5 – 8g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.

Trong các bài thuốc cầm máu, bạn lấy 5g hoa cỏ nến, 4g cao ban long, 2g cam thảo bỏ vào nồi, đổ 600ml nước, sắc còn khoảng 200ml. Bạn uống 2 – 3 lần trong ngày.

7. Cây mào gà:

Gồm mào gà đỏ và mào gà trắng. Cả hai loại này đều được người dân lấy hoa và hạt sử dụng như một vị thuốc cầm máu hiệu quả và dễ tìm.

Tháng Chín là khoảng thời gian hạt mào gà trắng đã già, người dân lấy hoa phơi khô rồi đập lấy hạt, loại bỏ tạp chất, phơi lại thật khô. Hạt hoa mào gà trắng dùng để chữa một số bệnh như chảy máu ruột, chảy máu cam, xuất huyết tử cung, thổ huyết. Bạn có thể dùng 4 – 12g/ngày, dưới dạng thuốc sắc.

Bên cạnh đó, hoa mào gà đỏ có thể chữa chảy máu ở dạ dày, ruột, lỵ, đại tiện ra máu, xuất huyết tử cung, kinh nguyệt dài ngày không dứt. Liều dùng: Bạn lấy 15 – 30g hoa mào gà đỏ tươi đem sấy khô, tán nhỏ, chia nhiều lần uống trong ngày.

DS. MỸ NGỌC

Từ khóa » Cây Cỏ Trị Cầm Máu