Các Chức Năng Của Tiền Tệ
Có thể bạn quan tâm
Thông qua các chức năng của tiền tệ, bản chất của tiền tệ mới được hiểu một cách đầy đủ. Theo Karl Marx, tiền tệ có năm chức năng cơ bản sau đây:
Mục lục ẩn 1. Chức năng thước đo giá trị 2. Chức năng phương tiện lưu thông 3. Chức năng phương tiện cất trữ 4. Chức năng phương tiện thanh toán 5. Chức năng tiền tệ thế giới1. Chức năng thước đo giá trị
Tiền tệ thực hiện chức năng thước đo giá trị khi giá trị của tiền tệ được sử dụng làm chuẩn để đo lường giá trị của các hàng hóa khác. Thông qua quan hệ so sánh này giá trị của các hàng hóa được biểu hiện thành giá cả hàng hóa.
Thực hiện chức năng thước đo giá trị, tiền tệ là thước đo hao phí lao động xã hội kết tinh trong các hàng hóa. Muốn thực hiện được chức năng này, tiền tệ có những đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, tiền tệ phải có đầy đủ giá trị nội tại
Bản thân hàng hóa đã có giá trị nội tại, bởi vậy để đo được những lượng giá trị này thì “thước đo” tiền tệ cũng phải có một lượng giá trị nào đó. Nếu “thước đo” không có giá trị nội tại thì không thể là cơ sở để so sánh với giá trị hàng hóa được. Hay nói một cách khác, vì mọi hàng hóa đều có giá trị, nên để do lường được tất cả các hàng hóa có giá trị thì tiền tệ cũng phải có giá trị mới có sự đồng nhất về chất để đo lường.
Thứ hai, tiền phải có tiêu chuẩn giá cả
Tiêu chuẩn giá cả là trọng lượng vàng nhất định chứa đựng trong một đơn vị tiền tệ do luật pháp Nhà nước quy định. Ví dụ: Đơn vị tiền tệ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (Mỹ) là đô la (dollar), ký hiệu quốc tế là USD. Từ năm 1973 đến nay tiêu chuẩn giá cả của USD là 0,73662 gr vàng ròng.
Tiền tệ phải được quy định tiêu chuẩn giá cả mới thực hiện được chức năng thước đo giá trị. Bởi vì thế giới hàng hóa rất đa dạng, có nhiều hàng hóa với những lượng giá trị khác nhau, có hàng hóa có giá trị cao, nhưng có hàng hóa lại có giá trị thấp. Để có thể đo được tất cả những lượng giá trị phong phú này, phải xác định tiêu chuẩn giá cả của tiền tệ. Trên cơ sở tiêu chuẩn giá cả Nhà nước sẽ phát hành tiền tệ theo bội số và ước số của đơn vị tiền tệ.
Thứ ba khi thực hiện chức năng thước đo giá trị không nhất thiết phải sử dụng tiền mặt, mà chỉ sử dụng tiền trong ý niệm.
Nghĩa là những người tham gia trao đổi hàng hóa so sánh một cách tưởng tượng hao phí lao động sản xuất ra hàng hóa với giá trị của tiền tệ đơn vị, xem hao phí lao động này là ước số hay bội số của tiền tệ đơn vị, trên cơ sở này xác lập một tỷ lệ trao đổi thích hợp giữa hàng hóa và tiến tệ. Việc so sánh tưởng tượng như trên gần như khả năng bẩm sinh của những người sản xuất hàng hóa trong nền kinh tế thị trường.
Khi thực hiện chức năng thước đo giá trị, tiền tệ đã làm cho mọi hàng hóa đều có một tiếng nói chung – đó là giá cả. Giá cả của hàng hóa là giá trị của hàng hóa được biểu hiện bằng tiền. Thực chất giá cả của hàng hóa là tỷ lệ so sánh giữa giá trị của nó với giá trị của tiền tệ hay nói một cách khác giá cả của hàng hóa là một đại lượng tỷ lệ thuận với giá trị của hàng hóa và tỷ lệ nghịch với giá trị của tiền tệ.
2. Chức năng phương tiện lưu thông
Tiền tệ thực hiện chức năng phương tiện lưu thông khi tiền tệ được sử dụng làm môi giới trung gian phục vụ cho lưu thông hàng hóa. Tiền tệ vận động đồng thời và ngược chiều so với sự vận động của hàng hóa. Hay nói một cách khác tiền tệ được sử dụng làm phương tiện để phục vụ cho sự chuyển hóa của công thức:
H-T-H (Hàng hóa – Tiền tệ – Hàng hóa)
Sự tham gia của tiền tệ vào quá trình lưu thông hàng hóa đã phân biệt và tiến bộ hơn hẳn so với trao đổi hàng hóa trực tiếp (H – H). Sự phân biệt và tiến bộ này thể hiện ở chỗ:
Thứ nhất, lưu thông hàng hóa được tách thành hai giai đoạn riêng biệt đó là quá trình bán và quá trình mua. Giai đoạn H – T là giai đoạn bán hàng, là giai đoạn chuyển hóa giá trị của hàng hóa thành tiền tệ. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của những người sản xuất hàng hóa trong điều kiện của nền kinh tế thị trường. Giai đoạn T – H, là giai đoạn chuyển hóa giá trị thành giá trị sử dụng của hàng hóa. Người sở hữu tiền tệ có thể thực hiện giai đoạn này một cách dễ dàng. Hai giai đoạn này có thể được thực hiện độc lập với nhau.
Thứ hai, lưu thông hàng hóa tách rời động tác mua và bán cả về không gian và thời gian. Nghĩa là người sản xuất hàng hóa có thể bán ở chỗ này và mua ở chỗ khác, bán lúc này và mua lúc khác, vì vậy đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa, thúc đẩy chu chuyển tiền tệ phục vụ cho lưu thông hàng hóa tốt nhất, nhưng có thể dẫn đến hiện tượng mất cân đối giữa cung và cấu hàng hóa về không gian và thời gian.
Thực hiện chức năng phương tiện lưu thông, tiền tệ có những đặc điểm sau đây:
Thứ nhất: Phải sử dụng tiền mặt
Tiền mặt là tiền được làm bằng nguyên liệu cụ thể như: kim loại hoặc giấy, có hình dáng, kích thước, hoa văn, và tiêu chuẩn giá cả nhất định được luật pháp Nhà nước thừa nhận và có giá trị lưu thông.
Khi thực hiện chức năng phương tiện lưu thông bắt buộc phải sử dụng tiền mặt, bởi vì trong quá trình trao đổi này có sự chuyển nhượng quyền sở hữu giữa người sở hữu hàng hóa và người sở hữu tiền tệ. Bằng chứng duy nhất chứng minh lao động của người sản xuất hàng hóa bỏ ra là cần thiết cho xã hội, khi mà hàng hóa của họ được bán hết và “giấy chứng nhận” đó chính là tiền mặt. Mặt khác, đây là chức năng vận động của tiền tệ, nên phải có sự vận động của tiền tệ mới có sự vận động của hàng hóa.
Thứ hai: Có thể sử dụng dấu hiệu giá trị
Mục đích của người bán hàng không phải là để sở hữu tiền tệ vĩnh viễn mà là để mua hàng hóa khác, là để đạt đến một giá trị sử dụng mới. Do đó tiền tệ đối với họ chỉ là môi giới thoáng qua. Chính vì vậy mà khi thực hiện chức năng phương tiện lưu thông không nhất thiết phải sử dụng tiền đủ giá – tiền đúc bằng vàng, mà có thể sử dụng dấu hiệu giá trị như tiền giấy, tiền kim loại kém giá đều được.
Thứ ba: Lưu thông chỉ chấp nhận một khối lượng tiền tệ nhất định.
Khối lượng tiền tệ nhất định được lưu thông chấp nhận là khối lượng tiền tệ cần thiết cho lưu thông trong một thời gian (Ke), khối lượng tiền cần thiết cho lưu thông phụ thuộc vào hai yếu tố:
– Tổng giá cả hàng hóa đưa ra lưu thông (H): Giả sử rằng trong nền kinh tế không có hiện tượng mua bán chịu, không có lưu thông ngoại tệ, chỉ có lưu thông nội tệ khi tổng giá cả hàng hóa lưu thông tăng lên, số tiền cần thiết cho lưu thông cũng tăng lên, hay nói khác đi số lượng tiền cần thiết cho lưu thông tỷ lệ thuận với tổng giá cả hàng hóa trong lưu thông.
– Tốc độ lưu thông bình quân của tiền tệ (hay còn gọi là vòng quay bình quân của tiền tệ – V): Khác với hàng hóa, sau quá trình lưu thông hàng hóa đi vào tiêu dùng và mất đi còn tiền tệ lại luôn luôn vận động trong lưu thông. Một đơn vị tiền tệ có thể thực hiện được nhiều lần giá trị của hàng hóa.
Số lần thực hiện trao đổi giữa tiền tệ và hàng hóa trong một đơn vị thời gian được gọi là tốc độ lưu thông tiền tệ. Tốc độ lưu thông tiền tệ là một đại lượng chỉ rõ trong một thời gian nhất định, một đơn vị tiền tệ thực hiện được bao nhiêu lần chức năng phương tiện lưu thông.
Số lượng tiền tệ cần thiết thực hiện chức năng phương tiện lưu thông sẽ đồng thời chịu tác động của cả hai yếu tố trên. Mối quan hệ hữu cơ giữa hai yếu tố này là nội dung của quy luật khối lượng tiền tệ cần thiết cho lưu thông trong một thời gian, được gọi là quy luật lưu thông tiền tệ.
Nội dung của quy luật lưu thông tiền tệ được phát biểu: “Khối lượng tiền cần thiết thực hiện chức năng phương tiện lưu thông tỷ lệ thuận với tổng số giá cả hàng hóa trong lưu thông và tỷ lệ nghịch với tốc độ lưu thông bình quân của tiền tệ trong thời kỳ đó.”
Quy luật này được viết dưới dạng công thức như sau:
K= H / V
Trong đó:
- K: Khối lượng tiền tệ cần thiết cho lưu thông trong một thời gian (Ke).
- H: Tổng giá cả hàng hóa lưu thông trong một thời gian.
- H=h * g
- h: Khối lượng hàng hóa lưu thông.
- g: Đơn giá hàng hóa bình quân.
- V: Vòng quay (tốc độ lưu thông) bình quân của tiền tệ trong một thời gian.
Yêu cầu quy luật lưu thông tiền tệ:
Kt = Kc
Trong đó:
- Kt: Khối lượng tiền thực tế lưu thông trong một thời gian.
- Kc: Khối lượng tiền cần thiết cho lưu thông trong một thời gian.
Quy luật lưu thông tiền tệ là quy luật kinh tế phổ biến và rất quan trọng của nền kinh tế thị trường. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để xác định được khối lượng tiền tệ cần thiết cho lưu thông trong một thời gian một cách chính xác. Trên cơ sở đó để cung ứng tiền cho lưu thông phù hợp.
Ý nghĩa thực tế của quy luật lưu thông tiền tệ ở chỗ đã chỉ ra sự cần thiết phải kiểm soát khối lượng tiền tệ lưu thông và phương hướng tác động vào khối lượng tiền tệ cung ứng cho nền kinh tế của ngân hàng trung ương các quốc gia. Mặc dù quy luật lưu thông tiền tệ không thể hiện được đầy đủ mối quan hệ định lượng giữa các yếu tố có ảnh hưởng đến khối lượng tiền cần thiết cho lưu thông trong một thời gian, nên khả năng áp dụng Quy luật lưu thông tiền tệ vào hoạt động thực tiễn ngân hàng không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả như mong muốn. Tuy nhiên việc vận dụng quy luật Khối lượng tiền cần thiết cho lưu thông trong một thời gian để điều hành chính sách vĩ mô có ý nghĩa thực tiễn nhất định.
3. Chức năng phương tiện cất trữ
Sau khi bán hàng, nếu người sở hữu tiền tệ không thực hiện việc mua hàng hóa tiếp theo, lúc này tiền tệ tạm thời ngừng lưu thông để thực hiện chức năng phương tiện cất trữ. Trong cơ chế thị trường ngày nay chức năng này còn được gọi là chức năng dự trữ giá trị của tiền.
Thực hiện chức năng phương tiện cất trữ phải bằng tiền mặt và là tiến có giá hoàn toàn (vàng). Bởi vì cất trữ tiền tệ là cất trữ một lượng của cải vật chất, bản thân tiến tệ đã là hàng hóa, nên cất trữ về số lượng phải mang tính chất hiện thực, hơn nửa lượng tiền cất trữ phải có khối lượng nhỏ để dễ chuyên chở, bảo quản, đồng thời giá trị phải lớn để dễ dàng chuyển hóa ra các loại giá trị sử dụng khác, chỉ có vàng mới đáp ứng được những yêu cầu trên.
Tiền cất trữ thì không lưu thông nữa, những nơi cất trữ tiền tệ thực sự là “kho” chứa phương tiện lưu thông và tự nó điều tiết số lượng phương tiện lưu thông, làm cho lưu thông không bị thừa hoặc thiếu tiền.
Vàng có khả năng thanh toán không hạn chế, vì vậy cất trữ vàng không những là nhu cầu, mà còn là sự ham muốn của nhiều người, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường ngày nay khi mà một số quốc gia đồng tiền yếu – giá trị của tiền tệ thường xuyên bị mất giá thì ham muốn cất trữ vàng, một vật có giá trị hoàn toàn sẽ ngày càng cao.
4. Chức năng phương tiện thanh toán
Tiền tệ là phương tiện thực hiện quan hệ trao đổi hàng hóa dịch vụ.
Thực hiện chức năng phương tiện thanh toán khi tiền tệ vận động độc lập tương đối hoặc tách rời với hàng hóa, đồng thời là vật kết thúc quá trình trao đổi. Lúc này tiền tệ thực hiện chức năng phương tiện thanh toán.
Thực hiện chức năng phương tiện thanh toán, tiền tệ không chỉ được sử dụng để trả các khoản nợ về mua chịu hàng hóa, mà tiền tệ còn được sử dụng để thanh toán những khoản nợ vượt ra bên ngoài phạm vi trao đổi hàng hóa như: nộp thuế, trả lương, trả nợ tiền vay, chi dịch vụ và đóng góp các khoản khác. Khi thực hiện chức năng phương tiện, thanh toán có thể sử dụng tiền mặt, có thể không sử dụng tiền mặt mà sử dụng tiền chuyển khoản.
Khi nền kinh tế thị trường phát triển càng cao, hệ thống ngân hàng càng hiện đại, nếu các ngân hàng thương mại hoàn hảo trong dịch vụ thanh toán cho khách hàng thì doanh số thanh toán không dùng tiền mặt càng chiếm tỷ trọng lớn và tỷ trọng doanh số thành toán bằng tiền mặt giảm xuống tương ứng. Điều này rất có lợi cho xã hội vì đã tiết kiệm được tiền mặt và các chi phí liên quan đến lưu
thông tiền mặt như chi phí in tiền, đúc tiến, vận chuyển tiến, bảo quản tiền, đóng gói tiền, kiểm đếm tiến, giao nhận tiền, thu hồi tiến, thay thế và tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, vv..
Chức năng phương tiện thanh toán xuất hiện đã phát sinh quan hệ tín dụng giữa những người mua – bán chịu hàng hóa. Do đó đã làm cho khối lượng tiền tệ cần thiết cho lưu thông tại một thời điểm nhất định cũng thay đổi bởi quan hệ mua – bán chịu trên. Chính vì vậy mà khối lượng tiền tệ cần thiết cho lưu thông trong một thời gian có sự thay đổi và được diễn đạt như sau:
K = (H-C+D-B) / V
Trong đó:
- K. Là khối lượng tiền cần thiết cho lưu thông trong một thời gian.
- H: Là tổng giá cả hàng hóa và dịch vụ bán lấy tiền ngay.
- C: Là tổng giá cả hàng hóa bán chịu.
- D: Là giá cả hàng hóa đến hạn thanh toán.
- B: Là giá cả hàng hóa được thực hiện bằng cách thanh toán bù trừ.
- V: Là vòng quay (tốc độ lưu thông) bình quân của tiền tệ.
Khi thực hiện chức năng phương tiện thanh toán thì khả năng thanh toán của từng đối tượng trong dây chuyền lưu thông hàng hóa có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu một trong các đối tượng của “dây chuyền” không có khả năng trả được nợ thì lập tức dây chuyền bị phá vỡ và khả năng khủng hoảng cục bộ có thể xảy ra.
5. Chức năng tiền tệ thế giới
Tiền tệ thế giới (Wold currency) là phương tiện thanh toán và chi trả chung giữa các quốc gia.
Thực hiện chức năng tiền tệ thế giới khi tiền tệ làm thước đo giá trị chung; làm phương tiện chỉ trả chung và làm phương tiện di chuyển tài sản giữa các quốc gia trên toàn thế giới.
Khác với tiền quốc gia (National currency) vì tiền tệ quốc gia chỉ lưu thông và thanh toán có giới hạn trong phạm vi của một nước còn tiền tệ thế giới không những là phương tiện thanh toán chung, là phương tiện chi trả chung, mà còn là phương tiện di chuyển của cải giữa các quốc gia trong phạm vi toàn thế giới.
Tất cả các đồng tiền quốc gia (dấu hiệu giá trị) ngày nay đều không thực hiện được chức năng tiền tệ thế giới, vì thực hiện chức năng tiền tệ thế giới tiền tệ phải là vàng trở về dạng thoi, nón tính theo trọng lượng và hàm lượng.
Vàng thực hiện chức năng tiền tệ thế giới
Như vậy tất cả các loại dấu hiệu giá trị như: giấy bạc ngân hàng, tiền đúc bằng kim loại kém giá, séc, các loại thương phiếu đều không thể thực hiện được chức năng tiền tệ thế giới.
Ngày nay trên trường quốc tế, vàng ít được lưu thông, mà chủ yếu là lưu thông dấu hiệu giá trị. Vàng chỉ được sử dụng để thanh toán cuối cùng khi cán cân thanh toán quốc tế của quốc gia nào đó bị bội chi hoặc vì một nhu cầu khẩn cấp của quốc gia đó.
Trong nền kinh tế hiện đại quan niệm về tiền tệ đã có nhiều thay đổi, một số không nhỏ dân cư và ngay cả một số nhà kinh tế nghiêng về quan điểm “tiền tệ pháp định” nghĩa là bất cứ phương tiện nào có thể thực hiện được chức năng phương tiện lưu thông và thanh toán được Luật pháp Nhà nước thừa nhận thì đều được gọi là tiền. Quan điểm này sẽ giải thích được hoạt động thực tiễn kinh tế thường xuyên xảy ra, đó là: dự trữ giá trị lâu dài của dân cư cũng như của Nhà nước đều bằng vàng và thanh toán cuối cùng giữa các quốc gia cũng bằng vàng.
Vai trò của vàng với tư cách là tiền tệ trong quá khứ và hiện tại đã được toàn xã hội thừa nhận, còn trong tương lai vai trò này của vàng chắc chắn chưa thể nào bị loại bỏ.
Mối quan hệ giữa các chức năng của tiền tệ:
Giữa các chức năng của tiền tệ có mối quan hệ chặt chẽ và tác động chuyển hóa lẫn nhau:
Trong đó chức năng thước do giá trị và chức năng phương tiện lưu thông là hai chức năng cơ bản và quan trọng không thể thiếu của tiền tệ, bởi lẽ khi thực hiện chức năng thước đo giá trị tiền tệ chỉ mới đo lường giá trị các hàng hóa trên cơ sở đó biểu hiện giá trị hàng hóa thành giá cả hàng hóa, có nghĩa là lao động xã hội kết tinh trong hàng hoa mới chỉ được biểu hiện ra thành tiền tệ.
Chỉ khi thực hiện chức năng phương tiện lưu thông thì giá cả hàng hóa mới được thực hiện, nghĩa là lao động xã hội kết tinh trong hàng hóa mới được thừa nhận sự, thừa nhận này chính là khối lượng hàng hóa đã bán, đã chuyển hóa thành tiền tệ.
Tiền tệ là vật có giá trị hoàn toàn và có khả năng mua trong tương lai nên người ta mới cất trữ tiền tệ. Hay nói một cách khác chỉ khi nào tiền tệ thực hiện thước do giá trị và phương tiện lưu thông thì mới trở thành vật trực tiếp đại biểu cho của cãi xã hội, lúc đó mới thực hiện được chức năng phương tiện cất trữ.
Trong điều kiện nền kinh tế phát triển, mối liên hệ giữa những người sản xuất hàng hóa ngày một phong phú và đa dạng, người sản xuất có thể mua lúc này bán lúc khác, mua nơi này bán nơi khác, mua trước trả tiền sau, trả tiền trước nhận hàng hóa sau v.v.. đã làm nảy sinh quan hệ mua bán chịu hoặc việc ứng trước tiền hàng – tiền tệ thực hiện chức năng phương tiện thanh toán. Ngược lại khi thực hiện chức năng phương tiện thanh toán đã tạo điều kiện làm cho chức năng phương tiện lưu thông và chức năng phương tiện cất trữ phát triển.
Khi tiền tệ được sử dụng làm: phương tiện đo lường giá cả hàng hóa; phương tiện để mua chung; phương tiện để thanh toán chung phương tiện cất trữ và di chuyển tài sản ra phạm vi toàn cầu thị lúc đó là lúc tiến tệ thực hiện được chức năng tiến tệ thế giới.
(Tài liệu tham khảo: TS. Lê Thị Mận, Lý thuyết Tài chính Tiền tệ, 2010)
5/5 - (1 bình chọn)Bài viết liên quan:- Nguồn gốc và bản chất của tiền tệ
- Chức năng và ý nghĩa nghiên cứu Kinh tế chính trị Mác – Lênin
- Sức lao động và Hai thuộc tính của hàng hóa sức lao động
- Địa tô tư bản chủ nghĩa là gì? Bản chất và các hình thức địa tô
Từ khóa » Tiền Tệ Là Gì Các Chức Năng Của Tiền Tệ
-
Tiền Tệ Là Gì? Phân Tích Bản Chất Và Các Chức Năng Của Tiền Tệ?
-
Tiền Tệ Là Gì ? Các Chức Năng Của Tiền Tệ Trong Nền Kinh Tế Thị Trường ?
-
Tiền Tệ Là Gì? Các Chức Năng Của Tiền Tệ - Tri Thức Cộng đồng
-
Chức Năng Của Tiền Tệ Là Gì? - Luật Hoàng Phi
-
Các Chức Năng Của Tiền Tệ Trong Kinh Tế Thị Trường 2022
-
Tiền Tệ Là Gì? Các Chức Năng Của Tiền Tệ Trong Nền Kinh Tế Việt Nam
-
Tiền Tệ Là Gì? Các Chức Năng Của Tiền Tệ Trong Tài Chính Doanh Nghiệp
-
Tiền Tệ Là Gì? Chức Năng Và điều Cần Biết Về Chính Sách Tiền Tệ
-
5 Chức Năng Của Tiền Tệ Có Ví Dụ Và Hình ảnh Minh Họa Cụ Thể
-
Tiền Là Gì? Bản Chất, Chức Năng Của Tiền Thế Nào?
-
Các Chức Năng Của Tiền Tệ? - Lênin
-
Chức Năng Của Tiền Tệ
-
Phân Tích Các Chức Năng Của Tiền Tệ Trong Nền Kinh Tế - Luận Văn Việt
-
Tiền Tệ Là Gì? Bản Chất Và Chức Năng Của Tiền Tệ? - Webtretho